Tôi khoác tay Lịch Xuyên đi đến khu vực dành cho khách mời ký tên bên cánh trái của gallery. Lịch Xuyên ký tên như rồng bay phượng múa. Tôi
nghiền ngẫm chữ ký của anh, có một chữ cái nhìn không rõ lắm, có lẽ là
phiên âm theo tiếng Pháp. Sau đó, tôi ký tên mình, chữ ký nhỏ như kiến
đậu sát dưới tên anh.
Anh cúi đầu nhìn tôi: “Sao chữ ký của em nhỏ quá vậy?”
“Anh là nhân vật lớn, em là nhân vật nhỏ.”
“Ký lại đi, được không? Người không biết sẽ tưởng sau tên anh có hậu tố.”
Tôi ký lại chữ ký lớn hơn, đè phía trên tên anh: “Vậy được chưa?”
Anh mỉm cười: “Được rồi.”
“Anh Vương, chúng tôi có sắp xếp phòng nghỉ riêng cho anh ở khu vực
phía sau gallery.” Cô gái phụ trách tiếp đón khách nói nhỏ, rõ ràng là
đã được dặn dò trước “Ra khỏi cửa quẹo trái là tới.”
“Cảm ơn.” Lịch Xuyên lấy cây viết ký tên tôi đang cầm trên tay bỏ xuống, hỏi: “Phòng treo đồ ở đâu?”
“A, ở trong này.” Cô gái cười dịu dàng nói, cô không dám nhìn Lịch Xuyên, nhưng khuôn mặt đã đỏ bừng.
Lịch Xuyên cởi áo khoác giúp tôi, rồi đưa cả áo gió của anh cho cô gái.
Cô gái ngạc nhiên vì cử chỉ ga lăng của anh, cầm lấy áo gió ra chiều
nghĩ ngợi, ngơ ngẩn một lúc, khá lâu sau mới đưa một tấm thẻ cho Lịch
Xuyên: “Đây là số thẻ để lấy quần áo, anh vui lòng giữ kỹ.”
Đèn trần của gallery tỏa ánh sáng dìu dịu. Trên bốn vách tường treo
đầy tranh sơn dầu. Trong phòng có vài cửa ngăn theo phong cách cổ điển.
Hội họa phong cách hiện đại được trưng bày trong gallery theo phong cách vườn cảnh cổ điển, vô cùng đặc biệt.
“Em thích mấy bức tranh này à?” Lịch Xuyên đứng bên cạnh hỏi.
“Không thích lắm, nhìn không hiểu.” Tôi nói “Nhưng thiết kế của gallery khá ấn tượng, em rất thích.”
Tôi thấy nụ cười đắc ý trên mặt anh.
“Anh thiết kế hả?”
“Nếu không người ta mời anh đến làm gì?”
“Nói vậy, kiến trúc sư Vương Lịch Xuyên, anh thiết kế theo phong cách nào?”
“Chủ nghĩa tự nhiên. Cố gắng hết sức để vượt khỏi sự hạn chế của thời đại.”
Tôi nhớ đến một nhà hiền triết khá nổi tiếng: “Là kiểu giống Trang Tử[1] phải không?”
[1] Trang Tử (365-290 trước công nguyên) là nhà hiền triết chủ nghĩa
vô vi, thuận theo tự nhiên. Tác phẩm Nam Hoa Kinh của Trang Tử có nhiều
ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống Trung Hoa.
“Hả? Em cũng biết Trang Tử?” Anh giật mình “Trang Tử là nhà triết học Trung Quốc mà anh thích nhất.”
“Dạ thưa anh, anh chỉ biết 950 chữ Hán thôi.” Tôi cười “Đàm luận về Trang Tử với em, có phải hơi xa xỉ không?”
“Anh từng đọc bản dịch tiếng Pháp rồi, lúc học đại học có đăng ký môn này nữa. Tiếc là giáo sư là người Trung Quốc, giọng Trung Quốc nặng
quá, nên tới nay vẫn chưa hiểu sâu lắm. Nhưng mà em đâu phải sinh viên
Ngữ Văn Trung, muốn so sánh kiến thức về Trang Tử, anh và em kẻ tám lạng người nửa cân thôi.”
“Ba em chính là người thực hành triết học Trang Tử. Ông hướng về
thiên nhiên, nên bỏ thành phố đến nông thôn. Nhà em không có điện thoại, không có TV, thậm chí còn không mua xe đạp. Từ nhỏ ba em đã dạy, đi bộ
là tốt nhất. Nhưng mà, em với em trai đều phản bội ông. Không có xe đạp, tụi em xin tiền ông ngoại mua, không có TV, tụi em để dành tiền tiêu
vặt đi coi video.”
Anh giật mình: “Thật hả? Ba em từ chối nền văn minh hiện đại à?”
“Ba em nói, hiện đại và cổ đại không khác nhau về bản chất.”
“Đúng là khiến người ta tỉnh ngộ.” Lịch Xuyên nhìn tôi, nét cười thoáng qua, nhiều ẩn ý.
Người đến gallery càng đông. Đa phần đều là họa sĩ ăn mặc kỳ dị, phần nhiều trong số đó còn rất trẻ. Diệp Quý Liên tranh thủ đến nói chuyện
với chúng tôi mấy câu, còn hẹn tôi sau này nếu rảnh thì đi dạo phố. Tôi
nghĩ các họa sĩ nữ rất kiêu căng, không ngờ Diệp Quý Liên lại rất hòa
đồng, nên cũng thích chị ấy.
Tôi len lén nhìn đồng hồ, mới qua 10 phút, hỏi Lịch Xuyên: “Đứng lâu quá anh có mệt không?”
“Không sao.” Mặc dù anh cầm theo nạng, nhưng thật ra lúc anh đứng thẳng thì rất ít khi chống.
“Haiz, thật ra, em thấy trong gallery có hai người không giống họa sĩ lắm.” Tôi nhìn một người giữa đám đông, nói với anh.
“Vậy hả?” Nhìn theo tầm mắt của tôi, Lịch Xuyên thấy một người đàn
ông trung niên mặc vest xám, khuôn mặt chữ điền, trên ngực có gài một
cây bút máy. Hình như ông ta đang tìm người nào đó, sau đó vẻ đã tìm
được người cần tìm, liền đi thẳng về phía chúng tôi.
Lúc đó, chúng tôi đang tụ tập với nhóm sinh viên Học viện Mỹ thuật
Trung ương, ước sao cho thời gian trôi qua thật nhanh. Nhóm sinh viên
đang bàn về Kandinsky[2], chúng tôi giả vờ nghe.
[2] Wassily Kandinsky (1886-1944): một trong những họa sĩ người Nga
nổi tiếng nhất thế kỷ 20, được tôn vinh với những tác phẩm hội họa thuộc trường phái trừu tượng đầu tiên trên thế giới.
“Xin hỏi, anh là Tổng giám đốc Vương đúng không?” Người đàn ông trung niên hỏi.
Lịch Xuyên ngạc nhiên, hỏi lại: “Xin hỏi anh muốn tìm ai?”
“Anh Vương Lịch Xuyên, công ty CGP Architects.”
“Tôi đây.”
Người đàn ông lấy danh thiếp ra: “Giám đốc Nhà máy Kính Đông Phong, Hứa Kiến Quốc”
Tôi không hiểu Giám đốc nhà máy kính dự triển lãm tranh hậu hiện đại làm gì?
“Ông Hứa, ông tìm tôi có chuyện gì không?”
“Tổng giám đốc Vương là kiến trúc sư trưởng của cao ốc Hương Tạ,
Trung tâm thương mại Vạn Khoa và khách sạn Long Cương, đúng không?”
Lịch Xuyên do dự một lúc mới nói: “Đúng.”
“Chúng tôi là doanh nghiệp quốc doanh cỡ vừa có lịch sử lâu năm, có
thể sản xuất được loại vách kính hai lớp tuần hoàn tự động phù hợp với
ba công trình đó.”
“Tôi chỉ phụ trách thiết kế tổng quan và phối cảnh thôi. Ông nên tìm đơn vị thi công thương lượng đi.”
“Chúng tôi có tìm hiểu thông tin về anh rồi. Anh là A&E, có nghĩa là kiến trúc sư, cũng là kỹ sư kiến trúc. Nếu anh nói để đạt được hiệu
quả như thiết kế cần phải mua loại vật liệu nào đó, thì đơn vị thi công
không thể không mua.”
Lịch Xuyên bình tĩnh: “Loại vách kính này là sản phẩm kỹ thuật cao
mới được phát minh. Hiện nay đúng là trong nước có vài nhà máy sản xuất, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Thông thường chúng tôi phải nhập
khẩu từ châu u.”
“Tổng giám đốc Vương, nhà máy chúng tôi có thể sản xuất được loại
vách kính đạt tiêu chuẩn. Về mặt giá tiền, chi phí lắp đặt, anh sẽ tiết
kiệm khá nhiều cho chủ đầu tư. Ngoài ra còn được tiếng là hỗ trợ phát
triển công nghiệp trong nước. Sao lại không làm?”
“Có thể nhà máy anh sẽ sản xuất được vách kính lớp ngoài, nhưng sơn
Low-E cho vách kính lớp trong chắc là khó đạt chuẩn. Hơn nữa, kỹ thuật
lắp tường kính có độ khó nhất định, phải kết nối tốt với hệ thống thông
gió và khí sưởi, bình thường chúng tôi phải thuê công ty tư vấn chuyên
nghiệp của Thụy Sĩ lắp đặt.”
“Mưu sự tại nhân. Chúng tôi đứng hạng A về thiết kế vách ngăn kính
kiến trúc, cũng nhận đứng cấp 1 về lắp đặt công trình vách ngăn kính
kiến trúc, hơn nữa còn có kinh nghiệm hai năm thi công công trình vách
kính hai lớp tuần hoàn tự động. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư tiền mời
cố vấn lắp đặt từ Thụy Sĩ tới.”
“Cố vấn là ai?” Lịch Xuyên hỏi.
“Anh Andrews công ty Midlin.”
“Ông đợi một chút, tôi gọi điện thoại đã.” Lịch Xuyên lấy điện thoại
di động ra, bấm số sau đó nói chuyện liên tục gần 5 phút bằng tiếng Pháp rồi mới tắt máy.
“Andrews kêu ông tới tìm tôi?” Lịch Xuyên nói “Ông cho anh ta bao nhiêu tiền? Hửm?”
“Tôi có 3.000 nhân viên, đủ năng lực sản xuất, nhưng không đủ đơn đặt hàng. 3.000 nhân viên, cộng thêm người nhà là hơn 10 ngàn người đang
inh ỏi đòi ăn.”
Lịch Xuyên không hiểu cụm từ đó, nhìn tôi, tôi giải thích bằng tiếng Anh: “Ý nói đang chờ anh cứu mạng.”
“Ông Hứa, ông có trách nhiệm với nhân viên của ông, tôi có trách
nhiệm với công trình của tôi, ai cũng có trách nhiệm của mình, ông nói
đúng không? Chúng ta không đóng phim truyền hình, đừng bàn chuyện tình
cảm với tôi.”
Tôi đứng hình. Tuy anh ta không biết nhiều tiếng Trung, nhưng lúc cần nói lý thì vô cùng lưu loát.
“Tổng giám đốc Vương, chắc anh không hiểu văn hóa Trung Quốc cho lắm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Trung Quốc
chính là, người Trung Quốc trọng tình cảm, trọng tình người, trọng quan
hệ giữa người và người.” Hứa Kiến Quốc bình tĩnh nói.
Lịch Xuyên hỏi tôi bằng tiếng Anh: “Văn hóa Trung Quốc là vậy à?”
Tôi nói: “Đúng vậy. Ông giám đốc này chắc có nhiều kinh nghiệm đấu tranh với nhà tư bản.”
“Nhà tư bản?” Lịch Xuyên vô thức nhíu mày.
“Chính là bản chất giai cấp của anh.” Tôi nói thêm, vẫn dùng tiếng
Anh, giơ cao ngọn cờ, kiên định lập trường đứng về phía đồng bào trong
nước.
“Giám đốc Hứa, vách kính bên ông sử dụng hệ thống điều hòa nào?”
“Hệ thống AVA, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, dễ chịu,
thoải mái. Tổng giám đốc Vương, tôi không hy vọng anh đồng ý ngay lập
tức, chỉ mong anh dành chút thời gian tới nhà máy chúng tôi tham quan
tình hình sản xuất và hàng mẫu.”
“Nhà máy của ông ở đâu?”
“Thẩm Dương.”
Lịch Xuyên suy nghĩ một lúc: “Như vậy đi, mời ông ngày mai đến văn
phòng của tôi bàn bạc thêm, được không? Đây là số điện thoại của tôi,
ông vui lòng hẹn trước với thư ký.” Anh viết số điện thoại cho ông ta.
Ông ta cầm tờ giấy, nhiệt tình bắt tay anh: “Tổng giám đốc Vương, cảm ơn anh cho chúng tôi cơ hội.”
“Không cần khách sáo.”
Ông ta nhanh chóng chào tạm biệt, có vẻ rất bận rộn.
Tôi tranh thủ đi toilet, lúc vào thấy Lịch Xuyên đang đứng nói chuyện với Giang Hoành Khê và vợ anh ta, tôi không muốn xen ngang, một mình
đứng xem tranh.
Ngày mai phải thi môn nghe nói, tôi nhẩm lại từ vựng.
Một lát sau, có người đứng cạnh tôi, hỏi: “Cô thích bức tranh này lắm à?” Anh ta hỏi “Tôi thấy cô nhìn nó khá lâu.”
Tôi quay người lại, là một thanh niên nho nhã lịch sự, khuôn mặt thư
sinh cổ điển, anh tuấn, tao nhã, nhưng kiểu tóc hơi quái dị, có vẻ hơi
phóng đãng.
“Tống Thanh. Học viện Mỹ thuật Tây An.” Anh ta tự giới thiệu.
Tôi ngẩng đầu tìm Lịch Xuyên, mong anh đến cứu tôi, anh đứng cách tôi rất gần, nhưng lại đang quay lưng về phía tôi, đang cười cười nói nói
với vợ chồng Giang Hoành Khê.
“Đúng vậy.” Tôi tỏ vẻ thâm trầm “Rất thích.”
“Như vậy, theo ý cô, chủ đề của bức tranh này là gì?” Anh ta hỏi tiếp, ra vẻ rất hứng thú, rất muốn nghe tôi ý kiến của tôi.
Tôi vội vàng nhìn lên bức tranh. Tranh vẽ khuôn mặt người, nhưng mà, ngũ quan trên mặt là bộ phận sinh dục của phụ nữ.
Tôi nuốt nước bọt, trầm mặt vài phút: “Đây là một khuôn mặt người.” Vớ vẩn.
Tống Thanh nhìn tôi khó hiểu, chờ tôi nói tiếp. Tôi đành nói tiếp:
“Mặt người… được công khai, ai cũng có thể nhìn thấy.”
“Cơ thể con người… được giấu kín, thể hiện dục vọng, không thấy được.”
“Cho nên, khuôn mặt có các bộ phận sinh dục, có nghĩa dục vọng từ che giấu biến thành công khai. Miệng trùng với âm đạo, nói lên tình dục
hiện đại và cổ đại có bản chất khác nhau.”
“Bản chất khác nhau chỗ nào?” Tống Thanh hứng thú dạt dào.
“Vật dẫn thay đổi. Đúng không? Dục vọng hậu hiện đại được thể hiện bằng miệng chứ không phải bằng bộ phận sinh dục.”
Tôi nói tiếp: “Miệng là gì? Miệng tượng trưng cho cái gì, anh nói đi?”
Khí thế áp đảo, tôi đưa ngay ra câu hỏi phản công.
“Ngôn ngữ?” Anh ta trả lời.
Tôi dẫn dắt anh ta: “Ngôn ngữ, thanh âm, ký hiệu, văn bản, miệng, truyền thông không chính thức…”
“Cho nên…”
“Tình dục hậu hiện đại đạt được sự thỏa mãn thông qua văn bản, chứ
không phải cảm giác. Như bức tranh này, tôi thấy anh nên vẽ thêm một thứ vào góc này.”
“Thứ gì?” Anh ta có vẻ sợ hãi.
“Một tảng đá.”
“Vì sao?”
“Tảng đá không có dục vọng.” Tôi đưa ra kết luận: “Một vật không có
dục vọng lại sinh ra dục vọng, chỉ có nhà nghệ thuật trường phải hậu
hiện đại với trí tưởng tượng phong phú mới nghĩ ra.”
Nhìn qua Lịch Xuyên, anh quay lưng về phía tôi, đang cười đến mức hai vai run rẩy.
Tống Thanh giật mình ngộ ra, nói: “Ý kiến của cô rất hay. Tôi chính
là tác giả của bức tranh này, ý kiến của cô gợi cho tôi nhiều suy ngẫm.
Đã lâu rồi tôi chưa từng nghe ai phân tích sâu sắc đến vậy. Xin hỏi, cô
có số điện thoại không? Khi nào rảnh, tôi có thể mời cô uống cà phê
không?”
Một bàn tay khoác qua vai tôi, Lịch Xuyên chen ngang: “Không có, cô ấy là sinh viên, không có điện thoại.”
“À.” Tống Thanh bất mãn liếc Lịch Xuyên, có lẽ thấy sự xuất hiện của
anh đã phá cuộc chuyện trò của chúng tôi, quá thiếu lịch sự. Anh ta
không chú ý tới Lịch Xuyên, tiếp tục chỉ vào bức tranh bên cạnh: “Bức
tranh kia cũng do tôi vẽ, hân hạnh được nghe ý kiến của cô!”
Tôi nhìn qua, chỉ thấy một vệt màu đỏ tươi lóa mắt.
Đỏ như máu. Giữa vệt màu đỏ có những sợi tơ nhỏ, màu đỏ thẫm, giống như mạch máu lan rộng.
Tôi liền cúi đầu, vô thức kéo tay Lịch Xuyên.
Tôi muốn giữ bình tĩnh, nhưng đầu óc trống rỗng, nói trong vô thức: “Lịch Xuyên, dẫn em đi khỏi đây đi!”
Sau đó tôi không nhớ gì nữa.
Tôi tỉnh lại, phát hiện mình đang nằm sô pha mềm mại. Miệng có vị ngọt, giống như mới ăn chè xong.
Lịch Xuyên ngồi bên cạnh, nắm tay tôi.
“Muốn uống nước không?” Anh hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Sao không nói cho anh biết.” Mặt anh cứng ngắc “Em có chứng sợ máu?”
“Không nghiêm trọng lắm.” Tôi từ từ hít thở.
“Nhưng mà, em còn xem phim kinh dị…”
“Em nghĩ như vậy có thể khắc phục được.”
“Người khác chảy máu em cũng xỉu?”
“Em chỉ xỉu khi thấy máu người khác thôi. Thấy máu của chính mình thì không xỉu.”
Tôi muốn ngồi dậy, anh đè tôi xuống “Nằm nghỉ thêm một chút.”
“Em sợ máu bẩm sinh, hay do yếu tố tâm lý?”
“Lúc mẹ sinh em trai em, mất nhiều máu nên chết.” Tôi nói “Lúc đó em ở cạnh mẹ.”
“Vậy à? Bệnh viện nào cho trẻ con nhìn sản phụ đẻ?”
“Mẹ đẻ em trai ở nhà, không chịu đi bệnh viện.”
“Tại sao?”
“Bà rất tự tin, nhưng lại gặp chuyện ngoài ý muốn, điều kiện y tế ở
nông thôn rất tệ, đến lúc đó thì đã muộn. Chính mẹ cũng không biết mình
sẽ xảy ra chuyện, trước khi chết còn hỏi em có thích em trai hay không.”
Lịch Xuyên không nói gì, vuốt ve mặt tôi, tóc tôi: “Anh cũng không còn mẹ. Mẹ anh qua đời rất sớm. Tai nạn xe cộ.”
“Mẹ anh làm nghề gì?”
“Nói với em thế này nhé.” Anh tự uống nước “Anh là kiến trúc sư đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Nghe tiếp nữa em sẽ chán.” Anh nói “Anh trai anh cũng vậy, bố anh
cũng vậy, mẹ anh cũng vậy, chú anh cũng vậy, ông nội anh cũng vậy.”
“Bà nội anh cũng vậy?”
“Cũng vậy. Em còn muốn nghe nghề nghiệp của gia đình anh nữa không?”
“Chị họ anh cũng vậy à? Anh có chị họ không?”
“Cũng vậy.”
“Lịch Xuyên, lịch sử nhà anh chán quá đi.”
“Đúng vậy. Ha ha.”