Tôi tưởng hôm sau sẽ còn gặp lại Lịch Xuyên, nhưng anh không xuất
hiện. Tôi không mong chờ gì nơi anh, càng không có chút mơ mộng vẩn vơ
nào. Theo tôi thấy, lòng tốt của anh là do anh có nền tảng giáo dục tốt, và đó cũng là thái độ làm người của anh. Không chỉ riêng tôi mới được
đối tốt như vậy. Từ lần đầu tiên tôi gặp anh, ấn tượng sâu đậm nhất của
tôi về anh chính là lịch sự, nho nhã. Tuy nhiên, khi nào gặp lại anh,
tôi nhất định sẽ mời anh uống cà phê để tỏ lòng biết ơn.
Một tháng dần trôi, nhân viên ca tối không gặp Lịch Xuyên lần nào
nữa. Nhưng nghe nói anh có đến lúc quán phục vụ ăn sáng. Tôi không làm
ca sáng nên cũng không biết có đúng không. Tuy Tiểu Diệp làm ca sáng
nhưng không may mắn, không được gặp anh lần nào. Cho dù là khách quen
thế nào đi nữa, nếu ít đến quán cũng sẽ bị người ta quên lãng. Huống chi khu phố này là phố tài chính, trai tài gái sắc cũng không hiếm thấy,
hầu như đầy đường. Dần dần, đề tài nói chuyện của Tiểu Đồng chuyển sang
một người đàn ông trung niên hói đầu đi xe thể thao Porsche. Mà, bãi đậu xe cạnh quán ngày càng chật, nên ông chủ cắt giảm vị trí đậu xe cho
người tàn tật từ hai xuống còn một. Hơn nữa, nhiều khả năng sẽ cắt giảm
hết. Vì chuyện này mà Tiểu Diệp ra sức đấu tranh, nói chỗ đậu xe cho
người khuyết tật thể hiện trình độ văn hóa và tính nhân văn của người
quản lý Starbucks, đồng thời cũng là một phong cách riêng của quán. Qua
chuyện này, đủ để chứng minh Tiểu Diệp không hiểu chút gì về bản chất
thương nhân của ông chủ. Cũng may là Tiểu Đồng kịp thời ứng biến, cứu
Tiểu Diệp một bàn thua trông thấy. Tiểu Đồng nói, thật ra có thể nhập
chỗ đậu xe cho người cao tuổi và người tàn tật lại thành một. Vì có khá
nhiều người cao tuổi tự lái xe đến quán cà phê. Một chỗ đậu xe, người
cao tuổi và người tàn tật có thể dùng chung, mâu thuần đã được giải
quyết.
Tiểu Diệp biết, nếu không còn chỗ đậu xe cho người tàn tật, chàng
trai tên Lịch Xuyên chắc chắn sẽ không đến quán nữa. Lần nào anh cũng
lái xe đến, chứng tỏ nơi anh làm việc cách quán rất xa. Chân anh lại có
tật, tuyệt đối sẽ không vì một ly cà phê mà đi đến quán cho cực khổ.
Huống hồ, các quán Starbucks đấy rẫy trên đường phố Bắc Kinh.
Tối hôm đó, Tiểu Diệp mời Tiểu Đồng ăn cơm. Hôm sau Tiểu Đồng kể tôi nghe, Tiểu Diệp say rượu, vừa uống rượu vừa khóc.
Tiểu Đồng vừa thở dài vừa rút kinh nghiệm cho tôi, nói Tiểu Diệp đã
rơi vào lưới tình không cách nào thoát ra được, thương thầm người ta hơn nửa năm, đến mức ngây dại, nhưng từ đầu đến cuối tên người ta là gì
cũng chưa biết.
Tôi vốn định kể cho Tiểu Diệp nghe chuyện tối hôm Lịch Xuyên đưa tôi
về. Hoặc ít nhất cũng nói cho chị ta biết anh tên là Vương Lịch Xuyên.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định không nói. Tuy tôi đồng cảm với
Tiểu Diệp, nhưng chị ta không phải là bạn tôi. Rất ít khi Tiểu Diệp chủ
động bắt chuyện với tôi. Có một lần tôi thu thiếu tiền, đang lúc chị ta
buồn bực, nên lớn tiếng trách mắng, làm tôi rất buồn. Thật ra, người ở
quán ai mà không biết, Tiểu Diệp thường xuyên mắc lỗi khi thu tiền, nên
mọi người sợ quá không dám cho chị ta đụng vào máy thu ngân. Tại sao tôi chỉ mới sai sót một lần mà không chịu bỏ qua? Ngày hôm sau, tự chị ta
biết mình quá đáng, nên mời tôi uống cà phê. Nói chung, Tiểu Diệp là
người dễ bị cảm xúc ảnh hưởng. Mà tôi, do mẹ mất sớm, nên rất lý trí,
tính giống con trai từ nhỏ, rất ít khi xúc động.
Cũng trong tháng đó, tôi phải trải qua ba lần thi trắc nghiệm đầu
tiên kể từ khi khai giảng. Dù tôi đã cố gắng hết sức để học từ mới,
nhưng thời gian học hành của tôi ít hơn so với đám nữ sinh cùng phòng.
Điểm trung bình của tôi chỉ được 65 điểm. Môn nghe đạt điểm trung bình,
nhưng môn đọc hiểu bị rớt. Trong cuộc đời học sinh, tôi chưa từng bị
điểm thấp đến mức đó. Tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vô cùng. Một
khoảng thời gian dài sau đó, tôi buồn đến cực điểm, đến mức không muốn
gặp mặt bạn cùng phòng. Vì ai cũng cao điểm hơn tôi, lại tỏ thái độ
không màng gì đến thành tích. Chỉ có sinh viên từ “vùng sâu vùng xa” như tôi mới tính toán chi li về điểm số.
Không ai trong nhóm đó tự học, ngược lại ngày nào cũng đi nhảy nhót,
xem phim, đi mua sắm. Trong đó Phùng Tĩnh Nhi là người thoải mái nhất.
Cô ta dùng toàn bộ thời gian để hẹn hò yêu đương, hơn nữa còn trốn học
thường xuyên . Nhưng cô ta lại là người cao điểm nhất khoa. Phùng Tĩnh
Nhi nói, nếu tiếp tục giữ được hạng này, đến cuối năm cô ta sẽ nhận được bốn học bổng, trong đó có giá trị nhất chính là học bổng của “Quỹ Giáo
Dục Hồng Vũ”[1] - chỉ trao cho 10 sinh viên có thành tích học tập xuất
sắc nhất. Do tính cạnh tranh quá kịch liệt, mọi loại học bổng đều căn cứ vào điểm số để quyết định.
[1] Quỹ Giáo Dục Hồng Vũ là tổ chức từ thiện do Tập Đoàn Hồng Vũ
(chuyên sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng) thành lập với tổng
kinh phí ban đầu khoảng 100 triệu nhân dân tệ, tức khoảng 33 tỉ đồng
Việt Nam.
Tôi cần tiền biết bao nhiêu, nhưng không có chút duyên gì với học bổng.
Tôi không phải là sinh viên tốt, nhưng, tôi là con gái ngoan. Cuối
cùng tôi cũng kiếm đủ tiền gởi về nhà, còn đủ tiền đóng học phí cho em
trai. Số tiền còn lại, trừ phần sinh hoạt phí ra, tôi còn mua được một
máy walkman và một cây son môi. Ông chủ quán Starbucks bắt nhân viên nữ
phải trang điểm, nên tôi vẫn dùng cây son mượn của chị Lâm Thanh. Khi
tôi trả lại cho Lâm Thanh, chị nói chị tặng cho tôi. Chị còn ngại ngùng
nói thêm, thật ra cây son này đã hết hạn sử dụng “Mỹ phẩm đều có hạn sử
dụng, em phải dùng hết trước thời hạn đó.” Lâm Thanh còn khuyên tôi đừng mua mỹ phẩm kém chất lượng, tệ nhất cũng phải mua Olay. Cây son tôi mua giá 10 tệ, tôi thấy rất mắc, nhưng Lâm Thanh chỉ cười nhạt. Tuy nhiên,
chị nói thêm, màu sắc cũng được, hợp với màu da của tôi, đủ thấy tôi
cũng có chút khiếu thẩm mỹ. Tôi nói, ba tôi có dạy sơ cho tôi về vẽ
tranh màu nước. Chị ấy nhìn tôi cười, không tin. Tôi đành nói với chị ba tôi là người Thượng Hải, được phân công tới thị trấn nhỏ quê tôi dạy
học, sau đó không quay về thành phố nữa.
“Vậy em còn có họ hàng ở Thượng Hải à?”
“Ông nội em vẫn ở Thượng Hải.”
“Em có thân với ông nội không?”
“Ba em vì muốn cưới mẹ nên cãi với ông nội một trận, sau đó không về nhà nữa. Cũng không có liên lạc gì.”
“Ông nội em làm nghề gì?”
“Em không biết.”
Tối hôm thi xong bài trắc nghiệm thứ 3, đến lượt tôi nghỉ phép, không đi làm. Bỗng nhiên có một đám con trai từ đâu đến thăm phòng ký túc xá. Tôi chỉ biết một người trong đó, là Lộ Tiệp. Thì ra phòng của Lộ Tiệp
là “phòng kết nghĩa” với phòng tôi. Vì tôi ít khi ở ký túc xá buổi tối,
nên đã bỏ lỡ nhiều hoạt động giữa hai phòng kết nghĩa. Nghe Ninh An An
nói, chương trình giao lưu chủ yếu giữa hai phòng kết nghĩa là con trai
mời con gái đi xem phim, hoặc con gái dạy con trai khiêu vũ. Sau đó
đương nhiên là tìm kiếm cơ hội để phát triển tình “hữu nghị”. Qua vài
lần giao lưu, có một nam sinh Khoa Toán Tin - biệt danh “Tiểu Cao” - đã
chiếm được trái tim của giai nhân Ngụy Hải Hà. Đương nhiên, số người
theo đuổi Tiêu Nhụy là nhiều nhất, nhưng không phải là sinh viên của
phòng kết nghĩa. Do đó Tiêu Nhụy đỡ cực hơn nhiều. Đơn cử như mỗi ngày
tôi phải đi đến phòng đun nước cạnh căn tin hai lần, đế lấy nước nóng
dùng tắm gội mỗi sáng và tối. Nhưng Tiêu Nhụy lại không cần đi lấy nước, ngày nào cũng có người lấy giúp, đem đến tận phòng. Ngoài ra, trong túi Tiêu Nhụy lúc nào cũng có sô cô la, cũng là của người khác tặng.
Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi đi đến phòng khiêu vũ cho sinh viên ở
khu phía đông. Sàn nhảy lớn ngang với hội trường, trên trần gắn đèn màu
lấp lánh, có dàn nhạc, có ca sĩ, có lúc hát nhạc trữ tình, có lúc hát
nhạc rock sôi động. m nhạc vang lên, mọi người kéo nhau ra nhảy, tay nắm tay, nhảy loi choi như khỉ. Nam sinh viên dạy tôi nhảy tên là Tu Nhạc,
là sinh viên năm thứ 3 khoa Triết Học. Anh ta nói, ngành của anh phải có bằng tiến sĩ mới tìm được việc tốt, nên mục tiêu của anh ta là học tiến sĩ.
Nếu xem khiêu vũ như một môn thể thao, thì tôi cảm thấy tôi cũng có
năng khiếu trời cho. Tôi thích bơi lội, cũng thích bóng chuyền, đã từng
học Thái Cực Quyền. Cho nên trong vòng một buổi tối, tôi đã học xong
những bước nhảy cơ bản. Tu Nhạc hỏi tôi có muốn cùng anh ta học thêm
buổi tối không, vì anh ta cứ nghe thấy tôi than vãn chuyện thành tích
học tập kém.
“Chơi ra chơi, học ra học. Em không thể vừa chơi vừa học được, nếu
không, chơi không vui, mà học cũng không tốt.” Anh ta khuyên một cách
nghiêm túc.
Tu Nhạc có quyền nói những lời đó, bởi vì anh ta nằm trong Ban Cán Bộ Học Tập của khoa Triết Học, đã có giáo sư để ý đến anh ta, chắc chắn sẽ được tuyển thẳng lên nghiên cứu sinh.
“Ừm.”
“Nghe nói em thường xuyên đi làm thêm? Chỉ cần kiếm đủ tiền tiêu là
được rồi, đừng nên vì tiền mà hy sinh việc học.” Anh ta nói tiếp.
“Ừm.”
“Mặc dù anh không học khoa Ngoại Ngữ, nhưng trình độ ngoại ngữ của
anh đã đạt tới cấp 8, là trình độ cao cấp. Nhưng anh phát âm không
chuẩn, đặc biệt là âm uốn lưỡi.”
“Thật không?” Tôi nói.
“Thật. Sáng nào anh cũng đặt một viên đá cuội dưới lưỡi để tập uốn
lưỡi.” Vẻ mặt anh ta đầy quyết tâm “Đúng rồi, em có tham gia Câu lạc bộ
tiếng Anh tối thứ sáu hàng tuần không?”
“Không có. Tổ chức ở đâu?”
“Vườn hoa khu phía Tây.” Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, người học ngoại ngữ sao có thể không đi tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh.
“Thứ sáu tuần này em rảnh không? Tụi mình có thể đi chung. Luyện
tiếng Anh xong thì có thể đi xem phim chung với nhóm Lộ Tiệp. Vé suất
tối có thể xem suốt đêm.”
“Ừm… tuần sau phải thi giữa kỳ, em phải học bài, lần sau đi.”
“Đừng cắm đầu cắm cổ học, phải biết thư giãn nữa. Đặc biệt là lúc sắp thi, phải thư giãn.”
“Em phải đi làm.”
“Vậy lần sau đi.” Anh ta mỉm cười, không nài ép nữa.
Khiêu vũ xong, mọi người đi đến phòng chiếu video xem phim, ăn hết
một đống hạt dưa, uống hết một bình nước ngọt, chơi đùa tới 1 giờ sáng,
chương trình giao lưu kết nghĩa mới chấm dứt.
Tôi vẫn suy nghĩ về thành tích của mình, trong lòng nặng trĩu.
Từ đó về sau, sáng nào tôi cũng dậy đúng 5 giờ rưỡi để học từ mới.
Trừ lúc đi học, đi làm, toàn bộ thời gian còn lại tôi chỉ biết học và
học.
Nhờ ánh đèn đường của đêm cuối thu, tôi thấy sương khuya phủ trắng
thảm cỏ. Nhân viên trong quán làm việc 4 tiếng liên tục thì nghỉ “coffe
break”[2] 10 phút. Đêm trước ngày thi, tôi mua một ly cà phê nhỏ, ngồi
trong góc vắng, cách khung cửa sổ, nghe gió thu rì rào quét qua con
đường dài hun hút. Đèn đường rọi xuống bóng vài người đi đường lê bước
chầm chậm qua ngã tư. Tôi đang nhấm nháp cà phê, đột nhiên, có người đi
về phía tôi.
[2] Nghỉ giải lao.
Tôi lại nhìn thấy Lịch Xuyên.
Lần này anh mặc quần áo thường ngày, áo khoác màu cà phê, áo len cao
cổ một màu đen tuyền, quần jean bạc thếch. Làn da anh trắng quá, khuôn
mặt góc cạnh rõ ràng. Để giữ hô hấp và nhịp tim bình thường, tôi không
dám nhìn khuôn mặt anh lâu. Hình như anh mới tắm xong, trên người anh
toát ra mùi hơi nước nhàn nhạt. Mái tóc vừa ướt vừa cứng, có thể kéo anh đi đóng quảng cáo keo xịt tóc nam ngay lập tức. Đột nhiên tôi nhớ tới
một từ mới học sáng nay: “dashing”[3], không biết tại sao mọi người ở
đây đều gọi anh là “chàng trai mặc vest”. Người mặc vest thì thiếu gì.
Tôi thấy có một từ hợp hơn là “đàn ông thời thượng”. Gọi anh là đàn ông, vì so sánh với đám thanh niên chạy theo thời trang hiện nay, anh có
thêm phong độ của dân trí thức.
[3] Bảnh bao.
“Hi.” Anh hỏi “How are you?”[4]
“I am fine.”[5]
“Do you mind me sitting here?”[6] Anh chỉ vào chiếc ghế bên cạnh tôi.
“No, no. Please sit, I’ll bring the coffee to you. What would you
like for today?”[7] Không đợi anh ta trả lời, tôi nhanh chóng nói thêm
một câu: “Lần này tôi mời nha, cảm ơn tối hôm đó anh đưa tôi về.” Tôi
nhanh chóng chuyển sang nói tiếng Trung, vì trình độ khẩu ngữ của tôi
chỉ giới hạn ở những mẫu đối thoại thường dùng trong quán cà phê. Vượt
quá phạm vi này chắc tôi sẽ để lộ cái dốt của mình.
[4] Chào em. Em khỏe không?
[5] Tôi khỏe.
[6] Em có phiền nếu tôi ngồi đây?
[7] Không phiền. Mời anh ngồi, tôi sẽ đem cà phê cho anh. Hôm nay anh muốn uống gì?
“À… đừng khách sao. Em ngồi đi, để tôi tự đi lấy. Em muốn uống gì không?” Anh vừa bỏ túi đựng laptop lên ghế vừa hỏi.
“Không cần đâu. Tôi đang nghỉ coffee break, phải làm tiếp ngay thôi.”
Anh ta đi thẳng đến quầy mua cà phê. Sau đó, tôi thấy anh ta trả tiền, lại đi thẳng về bàn.
“Cà phê của anh đâu?” Tôi hỏi.
“Đồng nghiệp của em nhất quyết đòi bưng đến bàn giúp tôi.” Vẻ mặt anh ta vẫn bình thường, nhưng giọng nói hơi ngượng, có lẽ do Tiểu Diệp ân
cần quá mức, làm anh không vui.
Tiểu Diệp bưng cà phê đi đến trước mặt chúng tôi, âm thầm tỏ thái độ
khó chịu với tôi, tôi biết điều nên mở lời “Anh xem, thời gian nghỉ ngơi của tôi hết rồi. Đây là Tiểu Diệp - Diệp Tịnh Văn - là sinh viên Khoa
Ngữ Văn Trung trường Đại học M. Chị ấy không chỉ thuộc “Trường hận
ca”[8], mà còn giỏi ngoại ngữ lắm, thi GRE 2200 điểm đó.”
[8] Tạm dịch “Hận tình muôn thuở”, thơ của Bạch Cư Dị, là một trong
những bài Đường thi nổi tiếng nhất, kể lại mối tình bi thảm của Dương
Quý Phi và Đường Minh Hoàng.
Anh mỉm cười, nói “Quán này đúng là nhiều nhân tài. Cô Diệp, lần nào cũng phiền cô bưng cà phê cho tôi, thật ngại quá.”
Tôi thở dài nhẹ nhõm. Hiển nhiên anh không phải loại người vô tâm, anh biết Tiểu Diệp.
Tôi đứng dậy, vội vàng qua máy thu ngân làm thay Tiểu Diệp. Tôi thấy
Tiểu Diệp ngồi xuống nói chuyện với anh. Tiểu Diệp mỉm cười vài lần, nụ
cười như thiên thần, vô cùng rực rỡ. Tôi cũng cảm thấy mừng cho chị ta.
Tiểu Diệp nói chuyện khoảng nửa tiếng rồi quay lại quầy, gương mặt vẫn ửng hồng.
Tiểu Đồng trêu “Cuối cùng cũng biết tên anh ta rồi hả? Kể nghe đi,
anh ta là con trai của đại gia nào? Còn trẻ sao giàu quá vậy?”
Tiểu Diệp nói: “Chị không biết. Chị không hỏi.”
“Cả họ của anh ta cũng không biết?”
“Chị có hỏi, anh ấy nói họ Vương. Chỉ có nhiêu đó thôi.”
“Anh ta làm nghề gì?”
“Không biết. Gặp gỡ tình cờ, hỏi nhiều quá làm gì?”
Tiểu Đồng còn muốn hỏi kĩ hơn, Tiểu Diệp đột nhiên hỏi tôi: “Tiểu Thu, em quen anh ấy à?”
“Không quen.”
“Đừng nói dối. Anh ấy chủ động bắt chuyện với em, chắc chắn là quen biết em.”
“… Đương nhiên anh ta biết em, em từng làm đổ cà phê lên người anh ta mà.”
“Em biết anh ấy tên gì không?”
“Không… không biết.” Nếu anh đã không muốn nói, thì sao tôi phải nói giùm anh.
Tiểu Diệp nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ, rõ ràng là không tin lời
tôi nói. Sau đó chị ta quay lưng đi, suy nghĩ một chút, bỗng nhiên xoay
người lại, lạnh lùng nói “Đừng nói là em có ý gì với anh ấy nha.”
“Có ý gì?” Tôi bình tĩnh đáp.
“Tôi cứ tưởng gái quê rất hiền, xem ra không phải vậy. Cô rất biết dụ dỗ đàn ông đó.”
Giọng của chị rất trầm, rất ngọt, nghiến răng nghiến lợi chui vào tai tôi. Sau đó chị ta đột nhiên bật cười, ngẩng đầu lên. Tôi thấy Lịch
Xuyên đang đi về phía quầy, đến trước mặt tôi.
“Hi.” Tiểu Diệp nói.
“Hi.”
Anh nghi hoặc nhìn chúng tôi. Tôi và Tiểu Diệp cùng đứng trước máy thu ngân, anh không biết nên nói chuyện với ai.
“Anh Vương, anh muốn gọi thêm cà phê?” Tiểu Diệp ngọt ngào hỏi.
“Vâng. Đừng thêm đường, được chứ?” Anh trả lời.
Tôi đột nhiên hỏi “Anh Vương, tối nay anh rảnh không?”
Anh nhìn tôi, một lát sau mới gật đầu.
“Tôi có thể mời anh xem phim không?” Tôi nói tiếp.
Anh hơi sửng sốt: “Xem phim? Mấy giờ?”
“12 giờ.”
“Được.” Không ngờ anh đồng ý không chút do dự