Gặp Lại

Chương 11: Chương 11




Nathalia đặt cuốn sổ của mình xuống bàn.

- Tôi đã thấy nhiều chuyện quái lại trong nghề của tôi, nhưng đến giờ thì cô đã phá kỉ lục rồi đấy.

Chị nhìn Lauren hồi lâu. 30 năm trong nghề chị đã tham dự vào rất nhiều cuộc hỏi cung và có thể đánh giá sự thành thật của một can phạm trong khoảng thời gian ngắn hơn thời gian mà kẻ ấy dùng để phạm tội. Nữ bác sĩ trẻ đã quyết định cộng tác; ngoài sự tòng phạm của Paul, cô chẳng cần che giấu gì cả. Cô chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Nếu một tình huống tương tự như vậy lại diễn ra, cô sẽ vẫn cư xử như thế.

Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Lauren kể, Nathalia vừa nghe vừa chốc chốc lại rót thêm cà phê.

- Chị không ghi lại gì trong lời khai của tôi cả.- Lauren nói.

- Tôi ở đây không phải để làm việc đó, sáng mai một thanh tra sẽ đến đây. Tôi khuyên cô nên đợi có một luật sư rồi mới kể cho bất cứ ai khác câu chuyện mà cô vừa nói với tôi. Bệnh nhân của cô có khả năng qua khỏi được không?

- Phải kết thúc ca mổ thì mới biết được, tại sao chị lại hỏi như vậy?

Nếu quả thật là Lauren đã cứu sống anh ta, Nathalia nghĩ rằng điều đó sẽ khiến cho ban lãnh đạo bệnh viện Mission San Perdo thôi không đứng ra kiện nữa.

- Có cách nào cho tôi ra ngoài không? Chỉ để tham dự ca mổ thôi? Tôi thề là buổi sáng tôi sẽ trình diện ở đây.

- Trước hết , cần có một thẩm phán ấn định khoản tiền bảo lãnh cho cô. Trong trường hợp tốt nhất, cô sẽ gặp thẩm phán vào buổi chiều, trừ khi anh đồng nghiệp của cô rút đơn kiện.

- Đừng tính đến chuyện đó, anh ta đã chẳng làm gì được tôi thời chúng tôi học đại học rồi, chị nghĩ xem, anh ta sẽ phải túm lấy dịp này để trả thù chứ.

- Cô và anh ta trước có quen nhau à?

- Tôi đã phải chịu đựng anh ta khi ngồi cùng bàn hồi học năm thứ tư.

- Và anh ta chiếm chỗ hơi nhiều quá?

- Cái hôm anh ta đặt tay lên đùi tôi, tôi đã đuổi thẳng cánh.

- Lại còn thế nữa cơ à?

- Tôi có thể kể cho chị chuyện này mà không có mặt luật sư của tôi được không?- Lauren đáp bằng một giọng khá vui vẻ.- Tôi đã tát anh ta ngay giữa giờ học môn sinh học phân tử, một tiếng bốp vang khắp cả giảng đường.

- Hồi ở học viện cảnh sát, tôi nhớ là tôi đã còng tay một viên thanh tra trẻ lại vì anh ta định ôm hôn tôi một cách hơi sỗ sàng. Anh ta đã có một đêm thật tệ, bị khóa móc vào cửa xe ô tô của mình.

- Thế chị không bao giờ gặp lại anh ta à?

- Chúng tôi sắp cưới!

Nathalia xin lỗi Lauren, nhưng theo quy định thì chị phải giam cô lại. Lauren đưa mắt nhìn cái khoang nhỏ có chấn song sắt ở góc phòng hỏi cung.

- Đêm nay yên ắng thật!- Nathalia lại nói- Tôi sẽ để mở cửa phòng giam. Nếu cô nghe thấy có tiếng bước chân thì tự đóng cửa lại nhé, không thì tôi sẽ gặp rắc rối đấy. Có cà phê ở trong tủ bên dưới bếp và tách thì trong chiếc tủ tường nhỏ. Đừng làm chuyện gì dại dột đấy.

Lauren cảm ơn chị. Nathalia rời căn phòng này và trở về phòng làm việc của mình. Chị lấy cuốn sổ trực ban buổi đêm ra để ghi lại vào đó lai lịch của người phụ nữ trẻ bị bắt và được đưa đến cảnh sát quận 7 vào lúc 4h 35'.

° ° °

- Mấy giờ rồi?- Fernstein hỏi.

- Anh mệt à? - Norma hỏi.

- Tôi chẳng rõ tại sao tôi lại mệt nhỉ, tôi bị đánh thức dậy vào lúc nửa đêm và mới đứng mổ có hơn một tiếng đồng hồ thôi.- ông bác sĩ phẫu thuật già càu nhàu.

- Thầy nào trò nấy, phải không chị Norma thân mến? - Bác sĩ gây mê tiếp lời.

- Ý anh muốn nói gì, bạn đồng nghiệp thân mến?- Fernstein hỏi.

- Tôi đã tự hỏi không biết cô học trò của anh lấy đâu ra cái lối nói đặc biệt ấy.

- Như vậy có phải suy ra các sinh viên của anh sẽ hành nghề y với đôi chút ngữ điệu Ý không?

Fernstein luồn một ống dẫn lưu qua đường rạch vào trong sọ não của Arthur. Máu tràn luôn vào trong ống. Khối máu dưới màng cứng đã bắt đầu xẹp đi. Một khi những vết rách cực nhỏ đã được hàn lại, việc còn lại phải làm là tìm cách giải quyết chỗ dị tật nhỏ ở mạch. Que dò của máy neuronavigator tiến từng milimet một. Các mạch máu hiện lên trên máy kiểm soát trông giống như những nhánh sông ngầm. Cuộc du hành kì diệu vào vùng trí tuệ con người cho đến lúc này không có trở ngại gì. Thế nhưng, ở hai bên mũi dò, trải ra một màu xám mênh mông của chất xám tiểu não, như một đám mây có hàng triệu tia chớp xuyên qua. Từng phút một, que dò vạch một đường đi đến cái đích cuối cùng, nhưng cần phải mất nhiều thời gian nữa nó mới đến được các mạch máu não trong.

° ° °

Nathalia nhận ra những tiếng bước chân đang đi lên cầu thang. Thanh tra Pilguez ló đầu qua khe cửa hé mở. Tóc tai bờm xờm, khuôn mặt hoen hoen màu muối tiêu của bộ râu mới mọc, ông đặt xuống một gói nhỏ màu trắng thắt chiếc ruy băng nâu.

- Cái gì vậy?- Nathalia tò mò hỏi.

- Có một người không tài nào ngủ nổi khi không có em trên giường ngủ của hắn.

- Anh nhớ em đến thế cơ à?

- Không phải nhớ em mà là nhớ nhịp thở của em, nó ru anh ngủ.

- Rồi sẽ có ngày anh đi đến chỗ ấy thôi, em tin chắc như vậy.

- Đến chỗ nào nào?

- Đến chỗ nói một cách đơn giản rằng anh không thể sống thiếu em.

Viên thanh tra già ngồi xuống bàn làm việc của Nathalia. Ông rút bao thuốc lá từ trong túi ra và đưa một điếu lên môi.

- Vì em còn làm việc vài tháng nữa, anh sẽ dành ngoại lệ là chia sẻ với em thành quả của một kinh nghiệm vất vả thu nhận được trên thực địa. Để đi đến một kết luận, em phải tập hợp các hiện tượng lại. Trong trường hợp mà em đang quan tâm đây, trước mặt em là một gã sáu chục tuổi có thừa, đã rời bỏ New York để sống chung với em; chính cái gã ấy đã ra khỏi giường hắn , cũng là giường của em, vào lúc 4h sáng, hắn ta đi xuyên qua thành phố bằng ô tô, trong khi ban đêm hắn không nhìn thấy được gì cả, hắn dừng lại để mua bánh rán cho em, trong khi tỷ lệ cholesterol trong người không cho phép hắn lai vãng quanh vỉa hè các cửa hàng đồ ngọt- trong cái gói này là bánh rán ngọt đấy- và hắn mang bánh rán đến đặt lên bàn làm việc của em. Em có cần thêm một lời khai nữa không?

- Dù sao em vẫn thích anh phải thú nhận hơn.

Nathalia rút điếu thuốc ra khỏi miệng Pilguez và thay vào đó bằng một cái hôn.

- Thế này thì hoàn toàn không tồi tý nào cả, cuộc điều tra của em tiến triển tốt đấy!- viên thanh tra về hưu nói tiếp- Em trả lại điếu thuốc cho anh chứ?

- Anh đang ở trong một công sở, hút thuốc là việc bị cấm!

- Ngoài anh và em ra, anh chẳng thấy có mấy người.

- Anh nhầm rồi, có một phụ nữ trẻ trong phòng giam số 2.

- Cô ta dị ứng với thuốc lá à?

- Cô ta là bác sĩ!

- Các vị đã tóm một bác sĩ à? Cô ta đã làm gì vậy?

- Một chuyện kì quặc. Thế mà em đã tưởng mình đã chứng kiến đủ trong cái nghề này rồi. Cô ta xoáy một chiếc xe cấp cứu và bắt cóc một bệnh nhân đang hôn mê...

Nathalia chưa kịp nói hết câu, Pilguez đã đứng phắt dậy và sải những bước dứt khoát ra hành lang.

- George! - chị kêu lên- anh đã về hưu rồi cơ mà!

Nhưng viên thanh tra không quay lại, ông mở cửa phòng hỏi cung.

- Mình thấy một cái gì đó như là một linh cảm.- ông lẩm bẩm và khép lại cánh cửa sau lưng.

° ° °

- Tôi nghĩ là chúng ta không còn xa lắm nữa đâu - Fernstein vừa nói vừa xoay càng máy.

Bác sĩ gây mê nghiêng người nhìn vào màn hình của mình, rồi lập tức tăng lượng ôxy lên.

- Anh có vấn đề gì à?- bác sĩ phẫu thuật hỏi.

- Độ bão hòa hạ, cho tôi vài phút rồi hãy tiếp tục.

Nữ y tá lại gần cây cọc, chị điều chỉnh lại lưu lượng dịch chuyền và kiểm tra những ống dẫn khí vào mũi Arthur.

- Tất cả đều đâu vào đấy- chị nói.

- Có vẻ đã ổn định rồi.- Graneli nói tiếp bằng một giọng bình tĩnh hơn.

- Tôi có thể tiếp tục được chứ?- Fernstein hỏi.

- Được, nhưng tôi không yên tâm, tôi không biết người này có tiền sử tim mạch gì không?

- Tôi sẽ cho ống dẫn lưu thứ hai vào, khối máu có vẻ hơi phình lên.

Huyết áp của Arthur hạ xuống, các chỉ số hiện lên trên màn hình chưa phải là nguy hiểm, nhưng ở mức khiến bác sĩ gây mê phải cảnh giác. Thành phần khí máu không được tốt lắm.

- Chúng ta cho anh ta tỉnh lại sớm được lúc nào hay lúc ấy; anh ta không có phản ứng tốt với Diprivan - Graneli lại nói.

Đồ thị trên máy điện tâm đồ ngoặt sang một hướng mới. Sóng Q bất bình thường. Norma nín thở nhìn vào chiếc máy nhỏ, nhưng vạch màu xanh lá cây đã trở lại thành đường sóng đều đặn.

- Chúng ta chưa đi xa lắm - nữ y tá nói và đặt hai tay cầm của máy sốc điện xuống.

- Tôi muốn giá như có thêm được một lần siêu âm đối chiếu nữa thì tốt, - đến lượt Fernstein nói - nhưng không may đêm nay chúng ta lại thiếu mất một bác sĩ. Mà cô ta còn làm cái gì nữa hả giời? chẳng lẽ bọn họ lại giữ cô ta cả đêm sao!

Và Fernstein thề sẽ đích thân chăm lo đến cái gã Brisson đần độn ấy.

° ° °

Lauren đến ngồi trên chiếc ghế băng đặt sâu trong căn buồng giam chấn song sắt. Pilguez mở cửa, mỉm cười khi nhận thấy cửa không khóa, rồi đi ra chiếc bàn để bát đĩa. Ông lấy ấm cà phê và tự rót cho mình một tách.

- Tôi sẽ không nói gì về chuyện phòng giam cả, và cô đừng nói gì về việc tôi dùng sữa nhé. Tôi có nhiều cholestorol , cô ấy sẽ bực lắm đấy.

- Chị ấy bực là đúng! Tỷ lệ cholesterol của ông thế nào?

- Cô không nhận thấy những đặc thù bài trí nội thất xung quanh cô à? Tôi có đến đây để khám bệnh đâu.

- Ít nhất thì ông cũng có uống thuốc chứ?

- Những thứ thuốc ấy làm tôi ăn mất ngon, mà tôi thì lại thích ăn.

- Ông hãy yêu cầu đổi thuốc xem.

Pilguez đọc lướt qua phần báo cáo của cảnh sát, phần của Nathalia bỏ trống.

- Hẳn là cô ấy có thiện cảm với cô. Biết làm thế nào được, tính cô ấy như vậy đó, cô ấy cứng đầu lắm.

- Ông nói về ai vậy?

- Vợ tôi, cô ấy là người đã quên ghi lại lời khai của cô đấy, cô ấy cũng quên khóa cửa phòng giam của cô nữa, thật quái lạ, tuổi tác làm cho cô ấy trở thành đãng trí quá. Thế bệnh nhân mà cô đã bắt cóc là ai vậy?

- Một anh chàng Arthur Ashby nào đó, nếu trí nhớ của tôi tốt.

Pilguez giơ hai tay lên trời, vẻ choáng váng.

- Cũng chẳng tốt lắm đâu, nếu cô muốn biết ý kiến của tôi!

- Ông có thể nói rõ hơn được không?- Lauren hỏi.

- Cậu ta suýt nữa đã làm hỏng mấy tháng làm việc cuối cùng của tôi rồi, không phải là cô đã quyết định tiếp nối cậu ta và phá hoại việc nghỉ hưu của tôi chứ?

- Tôi tuyệt nhiên không hiểu ông đang nói đến chuyện gì.

- Đó chính là điều mà tôi vẫn lo ngại đấy!- viên thanh tra thở dài- Thế cậu ta đang ở đâu?

- Ở bệnh viện Memorial, trong phòng mổ của khoa phẫu thuật thần kinh, nơi mà lẽ ra hiện giờ tôi phải có mặt, thay vì mất thời gian trong cái đồn cảnh sát này. Tôi đã đề nghị vợ ông cho tôi quay lại đó, tôi hứa sẽ về lại đây ngay sau khi ca phẫu thuật kết thúc, nhưng chị ấy không muốn.

Viên thanh tra đứng dậy để đi rót thêm cà phê vào tách. Ông quay lưng về phía Lauren và trút một thìa đường vào cà phê.

- Chỉ còn thiếu có chuyện này nữa thôi.! - Ông nói bằng một giọng át cả tiếng khua thìa.- Còn 3 tháng nữa là cô ấy nghỉ hưu và chúng tôi đã có vé máy bay đi Paris rồi, tôi biết trò đó đối với cô cậu gần như là một thứ thể thao, nhưng các vị cũng đừng có làm hỏng cả chuyện này chứ.

- Tôi không nhớ là chúng ta đã gặp nhau và tôi không hiểu gì về những lời ông nói cả, ông có thể giải thích cho tôi được không?

Pilguez đặt một cốc cà phê lên bàn và đẩy ra trước mặt Lauren.

- Cẩn thận nhé, nóng bỏng đấy. Cô uống đi, rồi tôi sẽ đưa cô đi.

- Tôi đã gây ra không ít rắc rối cho những người xung quanh tôi đêm nay rồi, ông có chắc là...

- Tôi đã về hưu được mấy năm, cô nghĩ người ta có thể làm gì được tôi bây giờ, họ đã lấy mất công việc của tôi rồi còn gì!

- Thế tôi có thể quay lại đó thật à?

- Vừa bướng lại vừa ngễnh ngãng!

- Tại sao ông lại làm điều đó?

- Cô là bác sĩ, nghề của cô là chữa bệnh cho mọi người, còn tôi là cảnh sát, hãy để cho việc hỏi là đặc quyền của tôi. Ta đi thôi, tôi phải đưa cô trở lại đây trước lúc đổi phiên, sau 4 tiếng nữa.

Lauren đi theo viên cảnh sát ra hành lang, Nathalia ngẩng đầu lên nhìn người bạn đời của mình.

- Anh làm cái gì đấy?

- Em để cửa lồng mở nên con chim bay đi cưng ạ!

- Anh muốn đùa à?

- Em cứ phàn nàn là anh không cười đùa bao giờ cơ mà! Anh sẽ đến đón em vào cuối ca trực, và sẽ nhân thể đưa cô bé này về lại đây.

Pilguez mở cửa xe cho Lauren. Ông đi vòng sang phía bên kia và ngồi vào phía sau tay lái của chiếc Mercury Grand Marquis. Mùi da mới phảng phất trong khoang xe.

- Nó có mùi hơi mới một tý, nhưng chiếc xe Toronado cũ của tôi đã tạ thế hồi mùa đông mất rồi, nếu không thì cô đã phải nghe tiếng ồn cỡ như 385 con ngựa phi nước đại, phát ra từ dưới nắp đậy máy xe. Cái xe ấy và tôi đã thực hiện vài cuộc rượt đuổi khá đẹp mắt.

- Ông thích các loại ô tô cũ à?

- Không, nói cho vui chuyện vậy thôi.

Một làn mưa bụi bắt đầu rơi xuống thành phố, một chuỗi những giọt mưa nhỏ đậu lên tấm kính trước xe như lớp voan lóng lánh.

- Tôi biết rằng tôi không có quyền đặt câu hỏi cho ông, nhưng vì sao ông lại cho tôi ra khỏi phòng giam ?

- Chính cô đã nói rồi đấy thôi, ở bệnh viện của cô, cô sẽ có ích hơn là ngồi uống thứ cà phê chán ngắt trong đồn cảnh sát của tôi.

- Còn ông thì lại có ý thức sâu sắc về lợi ích công cộng ?

- Cô thích tôi đưa cô về lại đồn hơn à?

Những vỉa hè vắng vẻ lấp loáng ánh sáng trong đêm.

- Thế còn cô, - ông nói tiếp- vì sao đêm nay cô lại làm tất cả những chuyện đó: ý thức sâu sắc về nghĩa vụ chăng ?

Lauren im lặng và nhìn ra phía cửa xe.

- Tôi chẳng có chút ý niệm nào về chuyện ấy cả.

Viên cảnh sát già rút bao thuốc lá ra.

- Cô đừng lo, tôi không hút thuốc hai năm nay rồi. Tôi bằng lòng với việc nhai thuốc thôi.

- Thế là tốt, ông kéo dài tuổi thọ của ông.

- Tôi không biết liệu tôi sẽ sống già hơn nữa hay không, nhưng dù thế nào đi nữa, với việc về hưu, với chế độ ăn kiêng để giảm chelestorol và cai thuốc lá, thời gian đối với tôi đã có vẻ dài hơn rất nhiều rồi.

Ông ném điếu thuốc qua cửa xe, Lauren bật cần gạt nước.

- Ông có bao giờ cảm thấy dễ chịu khi ở bên một người không quen biết không?

- Một hôm, có một phụ nữ đến đồn cảnh sát ở Mahattan, hồi tôi là một thanh tra trẻ. Cô ấy tự giới thiệu với tôi, bàn làm việc của tôi ngay sát lối ra vào mà. Cô ấy vừa mới được bổ nhiệm vào bộ phận điều phối. Trong suốt những năm tôi rong ruổi trên những đường phố của Midtown, cái giọng nói được phát ra từ chiếc đài trong ô tô là giọng của cô ấy. Tôi đã xoay xở để được làm việc đúng ca trực của cô ấy, tôi mê cô ấy như điếu đổ, vì tôi rất ít khi được gặp cô ấy, tôi đâm ra có xu hướng bắt người hơi bừa bãi với những lí do vớ vẩn, chỉ để được về đồn và trao kẻ bị bắt giữ trước mặt cô ấy. Cô ấy đã phát hiện ra cái trò này của tôi khá nhanh chóng, và cô ấy kịp mời tôi đi uống nước trong khi tôi kịp tóm cổ ông chủ cửa hàng bán thuốc lá ở góc phố vì tội bán diêm ẩm. Chúng tôi ra một quán cà phê nhỏ phía sau đồn cảnh sát, ngồi vào một chiếc bàn và thế đấy.

- Thế đấy cái gì?- Lauren thú vị hỏi.

- Nếu tôi châm một điếu cô sẽ không nói gì chứ?

- Rít hai hơi thôi rồi ông vứt đi nhé!

- Nhất trí!

Viên cảnh sát đưa một điếu thuốc mới lên miệng, ông bật lửa và tiếp tục kể.

- Lúc ấy có một vài đồng nghiệp ngồi ở quầy bar, họ làm ra vẻ không nhìn thấy chúng tôi, nhưng tôi và cô ấy đều biết là ngày hôm sau sẽ có chuyện đàm tiếu ngay.Tôi phải mất một lúc mới thú nhận được rằng tôi cảm thấy thật trống vắng khi không có cô ấy ở đồn cảnh sát. Tôi đã trả lời được câu hỏi của cô chưa?

- Thế khi ông hiểu ra điều đó, ông đã làm gì?

- Tôi tiếp tục mất rất nhiều thời gian - viên thanh tra trả lời.

Một sự yên lặng ngự trị trong xe. Pilguez chăm chú nhìn đường.

- Người mà tôi đã bắt cóc ấy, tôi chỉ mới thoáng gặp thôi. Tôi đã khám qua cho anh ta, anh ta ra về với bộ mặt lạ lùng và có cái vẻ hơi ngơ ngác. Thế rồi bạn của anh ta gọi điện cho tôi, tin tức không được tốt lắm.

Viên thanh tra chậm rãi quay đầu lại.

- Tôi không thể giải thích cho ông vì sao, - cô nói - nhưng khi dập máy điện thoại, tôi sung sướng vì biết được anh ta đang ở đâu.

Pilguez nhìn cô gái đi cùng xe, một nụ cười hiện ra trên môi, ông cúi xuống để mở cái hộp ở thành xe và lấy ra một chiếc đèn quay màu đỏ rồi đặt chiếc đèn có gắn nam châm ấy lên nóc xe của ông.

- Đùa giỡn với sự sốt ruột của cô một tý nhé.

Ông chân điếu thuốc. Ô tô lao vút đi trong đêm, và sẽ không có ngọn đèn đỏ nào ngắt quãng được hành trình của nó.

° ° °

Norma thấm mồ hôi trên trán giáo sư. Chỉ còn vài phút nữa là que dò sẽ chạm vào đích, cái chỗ dị dạng nhỏ ở mạch đã hiện ra. Máy điện tim phát ra một tiếng kêu ngắn. Cả ê kíp nín thở. Graneli nghiêng người về phía máy và nhìn đồ thị chạy trước mắt ông. Ông đập lòng bàn tay lên phía trên máy và đường sóng lại có độ cong bình thường.

- Cái máy này cũng mệt như anh, giáo sư ạ - ông nói và trở về chỗ .

Nhưng nhận xét này không làm giảm đi được nỗi lo lắng đang ngự trị trong căn phòng. Norma kiểm tra lại mức điện nạp ở máy sốc điện. Bà thay bịch hứng máu chảy từ khối tụ, khử trùng lần nữa xung quanh đường rạch và trở về chỗ bên bàn.

- Việc tiếp cận phức tạp hơn nhiều so với hình dung của tôi, - Fernstein nói, - nếp cuộn này trông không giống bất cứ cái gì quen thuộc cả.

- Anh có cho rằng đó là một chỗ phình mạch không?

- Chắc là không phải, có lẽ đúng hơn nó là một cái hạch nhỏ, tôi sẽ khoanh nó lại để xem xét những điểm gắn kết, tôi không còn dám chắc là phải cắt bỏ cái này đi nữa.

Khi que dò vào đến khu vực mà Fernstein khoanh vùng, máy điện não đồ đo hoạt động điện não của Arthur đã làm cho Norma phải chú ý. Một đường sóng bắt đầu dao động thật lạ lùng, nó đột ngột vọt lên với một biên độ cực lớn. Nữ y tá bắt chước bác sĩ gây mê, vỗ vỗ vào máy. Đường sóng nhào xuống một cách chóng mặt trước khi lên lại một độ cao hợp lí.

- Có chuyện gì à? - giáo sư hỏi.

Đối với sự bất thường đầu tiên, bộ phận in ấn của máy điện não lẽ ra phải ghi nhận điều đó trên băng giấy lưu chứng, nhưng nó đã không phản ứng. Đường vạch kì lạ đã lẩn sang bên phải màn hình. Norma nhún vai và nghĩ rằng trong gian phòng này mọi thứ đều mệt mỏi như mình.

- Tôi nghĩ là tôi có thể rạch được đây, tôi không dám chắc là muốn cắt bỏ cái này,- giáo sư nói, - nhưng ít ra thì chúng ta có thể chích sinh thiết.

- Anh không muốn nghỉ một tý à?

- Tôi muốn kết thúc càng sớm càng tốt, lẽ ra chúng ta không nên tiến hành một cuộc phẫu thuật loại này với một ê kíp ít người đến thế.

Graneli vốn thích làm việc với một nhóm nhỏ nên không đồng ý với ý kiến của ông bạn đồng nghiệp của mình. Những người giỏi nhất trong giới y tế thực hành của thành phố đã tập hợp trong gian phòng này rồi. Ông quyết định giữ quan điểm này lại mà không nói ra. Ông nghĩ ngày nghỉ cuối tuần này ông sẽ dạo chơi bằng thuyền buồm trong vịnh san Francisco. Ông vừa tậu một chiếc thuyền buồm to và mới.

° ° °

Chiếc Mercury Marquis đỗ vào bãi đậu xe của bệnh viện. Pilguez nghiêng người để mở cửa xe phía Lauren. Cô xuống xe và đứng lại quan sát cái xe một lát.

- Cô biến ra khỏi đây cho tôi nhờ, - viên thanh tra ra lệnh,- cô có việc cần làm hơn là đứng nhìn cái xe này. Tôi sẽ đi uống cà phê ở phía đối diện, tôi đợi cô đến đó gặp lại tôi trước khi cỗ xe của tôi biến thành quả bí đỏ.

- Tôi đang nhìn ông đấy chứ. Tôi lựa lời để cảm ơn ông.

Lauren lao về phía khoa cấp cứu, cô chạy qua đại sảnh và sộc vào thang máy. Thang máy càng lên cao, tim cô càng đập mạnh hơn trong lồng ngực. Cô hối hả chuẩn bị, khoác một cái áo blouse vào người và tự buộc dây lấy, rồi xỏ găng.

Thở hổn hển, cô dùng khuỷu tay ấn nút bấm điều khiển cửa ra vào phòng mổ và cánh cửa phòng mở ra ngay lập tức. Không một ai có vẻ chú ý đến cô. Lauren kiên nhẫn vài giây rồi hung hắng ho dưới tấm khẩu trang.

- Tôi có làm phiền không?

- Không, cô chẳng có ích gì cả, điều đó gần như lại còn tệ hơn nữa - Ferntsein trả lời - tôi có thể biết cái gì đã giữ cô suốt thời gian vừa rồi không?

- Những chấn song của một phòng giam ở đồn cảnh sát ạ!

- Và cuối cùng thì họ cũng đã thả cô ra?

- Không, đó là hồn ma của em đang ở đây đấy! - cô nói bằng một giọng khô khan.

Lần này, Fernstein ngẩng đầu lên.

- Miễn cho tôi cái sự ngạo mạn của cô đi - giáo sư nói.

Lauren đến bên bàn mổ, cô lướt nhìn qua các máy móc khác nhau và lo ngại hỏi Graneli về tình trạng chung của người bệnh. Bác sĩ gây mê lập tức trấn an cô. Lúc nãy, một báo động nhỏ đã làm ông lo lắng, nhưng mọi việc đã có vẻ đã trở lại đâu vào đấy rồi.

- Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, - Fernstein nói - tôi từ bỏ việc chích sinh thiết vì quá nguy hiểm. Chàng trai trẻ này sẽ phải tiếp tục sống với cái dị dạng nhỏ ấy và khoa học thì với cái điều chưa biết tới này.

Một tiếng bíp chói tai vang lên. Norma vội vã lấy máy sốc điện. Bác sĩ gây mê nhìn màn hình, nhịp tim đã đến mức nguy hiểm. Lauren lấy hai tay cầm của máy từ tay Norma, cô cọ hai cái vào nhau rồi đặt chúng lên ngực Arthur.

- 300! - cô kêu lên khi phóng điện.

Dưới xung động của sự phóng điện, tấm thân cong lên rồi rơi phịch xuống bàn. Đường vạch trên màn hình vẫn không thay đổi.

- Anh ta hỏng mất thôi! - Norma nói.

- Nạp ở mức 350! - Lauren yêu cầu và lại ấn lần nữa xuống hai tay cầm của máy sốc điện.

Lồng ngực Arthur nảy lên. Lần này, vạch màu xanh lá cây chúi xuống rồi dựng lên lại thành một đường thẳng đứng đáng buồn.

- Nạp lại ở mức 400, cho tôi 500 miligam adrenaline và 125 solu-medro vào ống truyền này.- Lauren hét lên.

Bác sĩ gây mê thực hiện ngay lập tức. Trong một khoảnh khắc, dưới con mắt thận trọng của vị giáo sư vốn không để lọt bất cứ điều gì, cô bác sĩ trẻ vừa nhận lấy việc điều khiển phòng mổ.

Máy sốc điện vừa nạp lại đủ điện, Lauren ấn ngay xuống tay cầm. Cơ thể Arthur nâng lên trong một cố gắng cuối cùng, để níu kéo lại cái cuộc sống đang rời bỏ.

- Norma, chị cho thêm một ống 500 miligam adrenaline nữa và một đơn vị Lidocaine, ngay lập tức!

Fernstein nhìn đường vạch không tiến triển. Ông lại gần Lauren và đặt tay lên vai cô.

- Tôi e rằng chúng ta đã làm quá mức cần thiết rồi.

Nhưng cô bác sĩ trẻ đã giật ống tiêm từ tay Norma và cắm không do dự vào tim bệnh nhân của mình.

Thao tác được thực hiện với một sự chính xác đáng gờm, kim tiêm lách vào giữa hai xương sườn, xuyên qua màng ngoài tim và chọc vài milimets vào phần vách bao quanh tim. Ngay tức khắc, dung dịch thấm vào các thớ cơ tim.

- Anh không được buông xuôi, - Lauren thì thào giận dữ - phải cố trụ lại!

Cô nắm lấy hai tay cầm của máy sốc điện, nhưng Fernstein ngăn cô và gỡ chúng ra khỏi tay cô.

- Đủ rồi, Lauren, để cho anh ta ra đi.

Cô đẩy vị giáo sư của mình ra với vẻ dữ dội và thẳng thừng phản đối ông :

- Như thế này không gọi là ra đi, như thế này gọi là chết! Đến khi nào chúng ta mới chấp nhận dùng đúng từ đây? Chết, chết, chết - cô lặp đi lặp lại và giáng một cú đấm lên tấm thân bất động của Arthur .

Âm thanh kéo dài phát ra từ máy điện tim đột ngột ngừng lại, nhường chỗ cho những tiếng bíp ngắn nối nhau. Toàn ê kíp mổ đứng lặng, tất cả dán mắt vào cái vạch màu xanh lá cây đang gần như phẳng lặng. Ở điểm cuối của nó, đường sóng bắt đầu dao động, nó nở ra và cuối cùng tạo thành một đường cong có hình dạng gần như bình thường.

- Và như thế này, như thế này không gọi là trở lại mà là sống!- Lauren gào lên và lấy lại tay cầm của máy sốc điện từ tay Fernstein.

Giáo sư lập tức rời khỏi căn phòng và kêu to lên rằng cô không cần có ông để khâu lại vết mổ. Ông để cô lại với bệnh nhân của cô, còn ông thì về với cái giường của mình, chỗ mà lẽ ra ông không bao giờ nên rời bỏ. Sự im lặng nặng nề đang ngự trị bỗng bị phá vỡ bởi những tiếng bíp bíp của máy điện tim, vọng lại theo nhịp đập tim của Arthur.

Bác sĩ Graneli trở lại phía sau bàn máy của ông và kiểm tra lại độ bão hòa khí máu.

- Điều ít nhất mà chúng ta có thể nói, đó là anh chàng của chúng ta đang trở về từ một nơi xa. Cá nhân tôi, tôi luôn cho rằng một liều lượng ương bướng nhất định có thể có cái hay. Tôi để cho cô chừng 10' , cô bạn đồng nghiệp thân mến, để đóng vết mổ, rồi tôi sẽ đưa anh ta trở lại mặt đất cho cô.

Norma đã chuẩn bị tim thì Lauren nghe thấy một tiếng rên rỉ dưới chân cô.

Cô cúi xuống thì thấy một cánh tay khua loạn xị ở phía dưới.

Quỳ xuống, cô nhìn thấy Paul, da trắng nhợt như một tấm khăn liệm, co quắp dưới tấm vải phủ bàn mổ

- Anh làm gì ở đây? - cô sửng sốt hỏi.

- Cô đã trở lại rồi à? - Paul thều thào nói được một câu rồi ngất xỉu.

Lauren ấn mạnh vào các khớp quai hàm của Paul, gây ra một cảm giác đau đớn hiệu nghiệm hơn bất cứ thứ muối ammoniac nào. Paul mở mắt ra.

- Tôi muốn đi ra, - anh van vỉ, - nhưng chân tôi yếu kinh khủng, tôi cảm thấy trong người không được khỏe lắm.

Lauren cố nhịn cười và yêu cầu bác sĩ gây mê chuẩn bị giúp cô một ống truyền ô xy.

- Hình như là mùi ê te - Paul nói bằng một giọng run rẩy - ở đây hơi có mùi ê te, có đúng không?

Graneli nhướn lông mày, ông lắp ống truyền và mở lưu lượng ô xy ở mức tối đa. Lauren đặt mặt nạ lên trên mặt Paul, sắc diện anh trở lại hồng hào đôi chút.

- A, thật là dễ chịu, - anh nói,- cái này có tác dụng tốt quá, nó gần giống như ở trên vùng núi ấy.

- Anh im đi, và hít thở sâu vào.

- Thật là ghê sợ, những tiếng động mà lúc nãy tôi nghe thấy, rồi cái bịch ở phía đầu kia nữa, nó đựng đầy máu...

Và Paul lại lăn ra bất tỉnh.

- Tôi không muốn làm gián đoạn cuộc giáp mặt này, cô bạn thân mến ạ, nhưng đã đến lúc phải khâu lại vết mổ cho bệnh nhân nằm ở tầng trên!

Norma thay thế Lauren . Khi Paul đã dễ chịu hơn, bà bịt mắt anh lại và chuệnh choạng bước ra khỏi phòng mổ.

Nữ y tá đặt Paul lên một chiếc giường trong căn phòng bên cạnh, bà cho rằng tốt hơn là cứ tiếp tục truyền ô xy cho anh. Trong khi đặt mặt nạ lên mặt Paul, bà không cưỡng được tò mò, hỏi ngành chuyên khoa của anh là gì. Paul nhìn chiếc áo blouse có những vết lấm bẩn của Norma và mắt anh lại đảo ngược lên. Norma vỗ vỗ vào má anh. Khi anh hồi tỉnh, bà liền để anh lại đó và vào phòng mổ.

Vào 6h sáng, Lorenzo Graneli giải quyết đến quá trình tinh tế của giai đoạn giải thuốc mê. 20' sau, Norma đẩy giường chở Arthur , mình quấn trong một tấm vải, đi về khoa hồi sức.

Lauren rời phòng mổ cùng với bác sĩ gây mê. Cả hai đi sang phòng bên cạnh. Họ tháo găng và rửa tay, không nói một lời. Trước lúc ra khỏi phòng chuẩn bị, Graneli quay về phía Lauren và nhìn cô chăm chú, rồi thổ lộ rằng ông sẽ vui lòng tham gia mổ cùng cô bất cứ khi nào cô muốn, ông rất thích cách làm việc của cô.

Nữ bác sĩ trẻ ngồi lên thành bồn, kiệt sức. Úp mặt vào lòng bàn tay, cô đợi đến khi hoàn toàn chỉ còn lại một mình và bật khóc.

° ° °

Phòng hồi sức chìm trong sự tĩnh lặng của buổi ban mai. Norma sửa lại ống cắm mũi và kiểm tra lại lưu lượng ô xy. Quả bóng ở mặt nạ phồng lên, xẹp xuống cùng nhịp thở đều đặn của Arthur. Bà vừa quấn băng lại vừa kiểm tra ống dẫn lưu có bị mảnh gạc chèn không. Túi dịch chuyền đang chảy vào mạch. Bà điền hồ sơ hậu phẫu và giao bệnh nhân của mình cho nữ y tá trực sẽ thay thế bà từ lúc này. Ở cuối đoạn hành lang dài, bà nhìn thấy Fernstein đang nặng nề bước đi.. Giáo sư đẩy những cánh cửa dẫn vào phòng mổ.

° ° °

Lauren ngẩng đầu lên và dụi mắt. Fernstein ngồi xuống cạnh cô.

- Thật là một đêm vất vả phải không?

Lauren nhìn xuống những cái chụp giày tiệt trùng vẫn còn đeo ở chân cô. Cô làm nó ngọ ngoạy như những con rối vô nghĩa và không trả lời. Cô đã mạo hiểm một cách dại dột, nhưng kết cục của ca mổ đã cho thấy rằng cô có lí, giáo sư nói tiếp. Ông bảo cô có thể lấy đó làm thỏa mãn sự tự do cá nhân. Đêm nay, cô đã thu hoạch thành quả từ những điều mà ông đã dậy cô. Lauren nhìn vị giáo sư của mình, bối rối. Ông vươn thẳng người và vòng tay ôm vai cô.

- Cô cứu được một cuộc đời mà lẽ ra tôi đã để mất! Cô thấy không, đã đến lúc tôi nên nghỉ hưu và dạy cô một điều cuối cùng.

Những nếp nhăn xung quanh mắt ông để lộ một sự âu yếm mà ông cố che giấu, ông đứng dậy.

- Hãy thanh thản chấp nhận điều mà ta không thể thay đổi được, hãy dũng cảm thay đổi cái mà ta có thể thay đổi, và nhất là, hãy tỉnh táo phân biệt sự khác nhau giữa hai cái đó.

- Thế đến tuổi nào thì người ta làm được điều đó? - Lauren hỏi vị giáo sư già.

- Marc Aurele đã làm được như vậy vào lúc cuối đời - ông vừa nói vừa rời bước, tay chắp sau lưng.- cô hãy còn thời gian đấy - ông nói rồi biến mất sau cánh cửa khép lại theo bước chân ông.

Lauren ngồi lại một mình trong chốc lát. Cô nhìn đồng hồ và nhớ đến lời hứa của mình. Một thanh tra cảnh sát đang đợi cô trong quán cà phê đối diện bệnh viện.

Cô bước ra hành lang và dừng lại trước tấm kính của phòng hồi sức. Trên chiếc giường gần khung cửa sổ buông rèm, một người đàn ông mình nối đầy ống dẫn và dây rợ vừa mới trở lại với cuộc sống rõ ràng là rất mong manh này. Cô nhìn anh, và với mỗi nhịp thở của Arthur, lồng ngực Lauren lại tràn ngập niềm vui.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.