Năm 1873 có một người ngồi thuyền đi Tây tầm sư học đạo, người ấy là con út đời thứ bảy của
dòng họ Dung - một nhà buôn muối nổi tiếng khắp vùng Giang Nam - tên gọi là Dung Tự Lai, sang đến trời tây, anh đổi tên thành John Lily. Về sau, mọi người nói, cái vị mặn ẩm ướt truyền đời trên người nhà họ Dung bắt
đầu bị bàn tay người này làm cho đổi vị, đổi thành hương vị có học tinh
khiết trong lành, có cả chí khí của người quân tử yêu nước, cứu nước.
Tất nhiên điều ấy không tách khỏi việc đi Tây của anh. Nhưng hồi ấy, mục đích của nhà họ Dung cử anh đi Tây không phải muốn anh làm thay đổi sự
nghiệp truyền đời của tổ tông, mà chỉ để kéo dài tuổi thọ của bà cụ cố
họ Dung. Thời trẻ, bà cố là cái máy đẻ, trong vòng mấy chục năm đã sản
sinh cho dòng họ chín trai bảy gái, ai cũng phương trưởng, sự nghiệp
thành đạt, lập những chiến công hiển hách cho sự hưng thịnh của dòng họ, đặt nền móng vững chắc cho địa vị tối thượng của bà cố trong gia tộc.
Tuổi thọ của bà cố được kéo dài là bởi con cháu tôn sùng, nhưng sống
không nhẹ nhàng, nhất là về đêm có biết bao nhiêu giấc mộng phức tạp bám lấy bà, làm bà kinh hoàng kêu thét lên như một cô bé. Ban ngày bà cố
vẫn còn sợ hãi. Ác mộng giày vò bà cố, con cháu và vàng bạc của cải
trong nhà trở thành vật bóc gỡ ác mộng cho bà, khói hương nghi ngút
thường bị tiếng kêu thất thanh của bà làm cho kinh hoàng run rẩy. Sáng
nào cũng vậy, trong khuôn viên nhà họ Dung cũng có một vài vị nhân sĩ
trí thức đến giải mộng cho bà cố, lâu dần, trình độ cao thấp của họ cũng hiện rõ.
Trong số những người đến giải mộng, bà cố tin nhất một thanh niên phiêu bạt từ trời Tây đến thị trấn Đồng, ông Tây trẻ này có
thể đọc chính xác những gì mà bà đã thấy trong giấc mộng, có lúc anh còn dự báo, thậm chí nói đến chuyện phải trái của những nhân vật trong
mộng. Có điều, cái vẻ trẻ trung của anh đã quyết định công việc của anh
một cách thật nhẹ nhàng. Nói như các bậc cao niên: cái miệng không lông, làm gì cũng không chắc. Thuật giải mộng của anh coi như đạt yêu cầu,
nhưng thuật dịch mộng thì sai sót khá nhiều, hành sự như bùa chú ma quỷ, lúc đúng lúc sai. Cụ thể, mộng trước nửa đêm còn tạm được, những giấc
mộng sau nửa đêm, gồm cả mộng trong mộng, anh ta hoàn toàn bó tay. Anh
cũng nói, anh không chuyên học cái thuật này của ông nội, mà chỉ mắt
thấy tai nghe, cố ý hay vô tình học lỏm một chút vậy thôi, học nghiệp
dư, trình độ cũng nghiệp dư. Bà cố mở bức tường giả ra, để lộ một bức
tường đầy những bạc nén, khẩn cầu anh mời ông nội của anh đến, câu trả
lời là không thể. Bởi ông nội của anh có dư tiền của, từ lâu không còn
hứng thú với vàng bạc châu báu; thứ hai, ông nội của anh tuổi đã cao,
chuyện vượt ngàn trùng dương có thể làm ông sợ hãi. Nhưng ông Tây trẻ
này vẫn có thể chỉ cho bà cố một con đường, đấy là cử người đi học.
Trong trường hợp một người không hạ mình trước một người, dường như đấy là lối thoát duy nhất.
Công việc sau đấy là, chọn một người lí tưởng trong số con cháu đông đúc.
Người này phải đạt hai yêu cầu: phải hiếu thuận với bà cố, sẵn sàng vì
thế mà nhảy vào lửa; thứ hai, thông minh hiếu học, chỉ trong một thời
gian ngắn có thể học được thuật giải mộng và dịch mộng, phải vận dụng
thành thạo. Trải qua nhiều lần tuyển chọn, cậu thanh niên Dung Tự Lai
hai mươi tuổi có phần trội hơn. Vậy là, Dung Tự Lai cầm thư giới thiệu
của ông Tây trẻ viết cho ông nội, vai gánh trọng trách kéo dài tuổi thọ
cho bà cố, đi ngày đi đêm, bắt đầu vượt biển, tầm sư học đạo. Một tháng
sau, trong một đêm giông tố, chiếc tàu thủy chở Dung Tự Lai vẫn lênh
đênh trên Đại Tây dương, bà cố nằm mơ thấy chiếc tàu bị gió bão nuốt
xuống đáy biển, đứa cháu chết trong bụng cá, trong giấc mộng bà buồn đau vô hạn, buồn đau tuyệt vọng trong mộng dẫn đến buồn đau tuyệt vọng thật sự, khiến bà cố không còn tỉnh mộng, cứ thế đi gặp Diêm vương. Sau một
chặng đường gian nan vất vả, Dung Tự Lai đến được với vị đại sư giải
mộng, rất chân thành đệ trình thư giới thiệu. Cùng lúc ấy, vị đại sư
giải mộng trao cho anh một bức thư, thư báo hung tin bà cố đã qua đời.
So với người, thư đi nhanh, đến trước cũng là việc hợp tình hợp lí.
Vị đại sư tuổi ngoài tám mươi đang ở bước đường cùng của nghề truyền giáo, ánh mắt nhọn như mũi tên đủ để bắn hạ con chim đang bay, nhìn người từ
phương xa đến, bằng lòng nhận con người xa lạ này làm học trò. Nhưng
Dung Tự Lai lại nghĩ khác, bà cố đã chết, học cũng mất công, cho nên anh chỉ lãnh ý đại sư, nhưng trong bụng lại định ngày để đi nơi khác. Trong thời gian chờ để đi, anh kết giao với một người đồng hương trong trường học của đại sư, người đồng hương này đưa anh lên nghe giảng mấy bài,
vậy là anh từ bỏ ý định đi khỏi nơi này, bởi anh phát hiện ở đây có
nhiều điều đáng học. Anh ở lại với người đồng hương, ban ngày học hình,
học toán và phương trình thức với một người Slave và một người Thổ Nhĩ
Kì, buổi tối học dự thính âm nhạc người cháu của một vị người Bahir. Vì
say mê học, thời gian qua nhanh, khi anh nhận ra mình phải về thì đã qua bảy mùa xuân thu. Chớm thu năm 1880, Tự Lai lên tàu về nước cùng mấy
chục sọt nho mới hái, về đến nhà đã là mùa đông, nho ở trong khoang tàu
đã ủ thành rượu.
Nói như người thị trấn Đồng, bảy năm nhưng
trong nhà họ Dung không có gì thay đổi, nhà họ Dung vẫn là nhà họ Dung,
buôn muối vẫn buôn muối, người hưng vượng vẫn là người hưng vượng, của
cải như nước vẫn là của cải như nước. Thay đổi duy nhất là, người con đi Tây học đã về, nay không còn nhỏ, không những có thêm cái tên lạ hoắc:
John Lily. Hơn thế, còn có thêm nhiều tật, ví dụ búi tóc trên đầu không
còn, cái áo dài trên người nay đã thành ghilê, thích uống thứ rượu đỏ
như máu, lúc nói chuyện thỉnh thoảng lại có thêm những tiếng như tiếng
chim, vân vân. Kì quặc hơn nữa là, anh không ngửi quen cái mùi mặn của
muối, đấy là điều kì quặc nhất. Ra bến tàu hoặc đến cửa hàng, hễ ngửi
thấy mùi muối mặn là nôn khan, có lúc còn nôn ra nước vàng. Hậu duệ của
nghề buôn muối nhưng lại không ngửi quen mùi muối, đấy là điều kì lạ, kì lạ như người không trông thấy người. Tuy nhiên, Tự Lai biết rõ tại sao - vì những ngày anh phiêu bạt bên trời Tây, mấy bận rơi xuống nước, bị
nước biển mặn làm cho sống đi chết lại, dấu ấn đau khổ khắc sâu vào
xương cốt, thậm chí sau đấy, anh đi tàu biển không thể không ngậm mấy
cánh chè mới có thể miễn cưỡng qua nổi. Nhưng đã nói thì nói cho rõ, có
qua nổi hay không là một chuyện, không quen mùi muối mặn làm thế nào để
nối nghiệp cha? Không thể làm ông chủ mà miệng cứ luôn luôn phải ngậm lá chè.
Đúng là sự việc thay đổi không thể lường nổi.
Trước khi đi tầm sư học đạo, bà cố đã nói, chờ đến ngày anh học thành nghề
trở về, số bạc giấu trong tường sẽ là phần thưởng cho lòng hiếu thảo của anh. Về sau, anh dựa vào số bạc ấy để lập nghiệp. Anh lên thành phố C
của tỉnh xây dựng một cái trường học rất mẫu mực, gọi tên là Trường dạy
toán Lily.
Đấy là tiền thân của Trường đại học N. rất nổi tiếng.