Ở đại học, mọi người
gọi cô là thầy Dung, thầy Dung, không biết có phải là do cô nhớ đến bố,
hay chính sự từng trải của cô. Suốt đời cô không lấy chồng, không phải
vì không có tình yêu, mà vì yêu quá sâu nặng, quá cực khổ vì tình yêu.
Nghe nói, thời trẻ cô có một người yêu, anh này là một sinh viên giỏi
của khoa vật lí đại học N, tinh thông kĩ thuật vô tuyến điện, chỉ cần
một buổi tối là có thể lắp được một máy thu thanh ba băng tần. Năm chiến tranh bùng nổ, Đại học N là trung tâm kháng Nhật cứu nước của thành phố C, hầu như tháng nào cũng có một tốp sinh viên xếp bút nghiên tòng
quân, sục sôi nhiệt huyết ra chiến trường, trong số đó có người yêu của
thầy Dung. Suốt mấy năm sau ngày tòng quân, anh vẫn giữ liên hệ với
người yêu, về sau, tín tức thưa dần, lá thư cuối cùng của anh viết ở
Trường Sa, tỉnh Hồ Nam mùa xuân năm 1941, nói anh làm công tác cơ mật
trong quân đội, tạm thời chấm dứt mọi liên lạc với bạn bè và người thân. Trong thư, anh bày tỏ vẫn yêu cô, mong cô yên tâm chờ đợi, câu cuối
cùng rất trang trọng và hết sức xúc động: Em yêu, chờ anh, ngày kháng
chiến thắng lợi cũng là ngày chúng ta cưới nhau! Thầy Dung kiên trì chờ
đợi, kháng chiến thắng lợi, cả nước được giải phóng nhưng không thấy anh về, một chút tin tức cũng không. Cho đến năm 1953, có người từ Hồng
Công về, cho cô biết tin, anh đã đi Đài Loan và đã có vợ, có con, nhắn
cô hãy xây dựng gia đình.
Đấy là sự kết thúc một tình yêu kéo
dài hơn chục năm của thầy Dung, kết thúc buồn, là một đòn nặng để lại di chứng không nói cũng có thể hiểu. Mười năm trước, tôi đến đại học N,
thầy Dung vừa rời vị trí chủ nhiệm khoa toán. Câu chuyện của chúng tôi
bắt đầu tù tấm ảnh hạnh phúc của toàn gia đình treo ở phòng khách, tấm
ảnh có năm người, hàng đầu là vợ chồng ông Lily, hai người ngồi, đứng
giữa hàng sau là thầy Dung chỉ gần hai mươi tuổi, tóc cắt ngang vai; bên trái là cậu em trai đeo cặp kính cận thị; bên phải là cô em gái, tóc
tết bím sừng dê, chừng bảy, tám tuổi. Ảnh chụp vào mùa hè năm 1936, lúc
ấy em trai thầy Dung đang chuẩn bị đi du học, cho nên mới chụp tấm ảnh
kỉ niệm này. Do chiến tranh, em trai của thầy mãi sau khi chiến tranh
kết thúc mới về nước, lúc ấy nhà đã mất một người mà cũng có thêm một
người, mất cô em gái, năm xưa bị bệnh sốt ác tính cướp đi tuổi thanh
xuân, có thêm Kim Trân, cậu ta bước vào cái gia đình này vào kì nghỉ hè, sau khi cô em gái mất được ít lâu. Thầy Dung nói.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Cô em gái mất vào kì nghỉ hè năm ấy, mới mười bảy tuổi.
Trước khi nó mất, tôi và mẹ đều không biết Kim Trân là ai, bố giấu nó ở
trường cao đẳng tiểu học của thầy Trình như giấu một bí mật. Vì thầy
Trình ít đến chơi nhà tôi, cho nên bố tuy muốn giữ bí mật, nhưng không
dặn thầy đừng nói với chúng tôi. Thế rồi một hôm, thầy Trình đến chơi,
không hiểu thầy nghe tin ở đâu mà biết em gái tôi mất, thầy đến hỏi thăm và chia buồn. Hôm ấy tôi và bố đều không có nhà, một mình mẹ tiếp thầy, hai người nói chuyện và rồi tiết lộ bí mật của bố tôi. Lúc bố về, mẹ
hỏi chuyện là thế nào, bố nói đại thể đây là đứa trẻ bất hạnh, thông
minh, được ông Tây gửi gắm nhờ vả. Có thể vì đụng đến nỗi đau của mẹ, mẹ nghe nói đến nỗi bất hạnh của đứa nhỏ, khiến mẹ đầm đìa nước mắt. Mẹ
nói với bố tôi, Nhân Chi (em gái tôi) vừa mất, trong nhà có một đứa nhỏ
có thể là sự an ủi đối với mẹ, mẹ đón thằng nhỏ về.
Vậy là em Trân bước vào gia đình tôi, em Trân tức là Kim Trân.
Ở nhà, tôi và mẹ đều gọi Kim Trân là em Trân, chỉ có bố gọi Kim Trân. Em
Trân gọi mẹ tôi là cô giáo, gọi bố tôi là thầy Hiệu trưởng, gọi tôi là
chị, dù sao thì gọi như thế cũng không ra sao. Thật ra, nếu theo thứ
bậc, em Trân thuộc hàng dưới tôi, gọi tôi bằng cô mới phải.
Nói
thật, lúc đầu tôi không thích Trân lắm, vì nó không hề tươi cười, không
nói năng, đi đứng thì rón rén, giống như một hồn ma. Hơn nữa, nó còn
nhiều thói xấu, lúc ăn rất hay ợ, không giữ vệ sinh, buổi tối đi ngủ
không rửa chân, cởi giày ở đầu cầu thang khiến cả phòng ăn và lối đi
nồng nặc mùi chua và hôi thối. Hồi ấy chúng tôi ở trong căn nhà của ông
nội để lại, nhà hai tầng kiểu đông tây kết hợp. Tầng dưới chỉ có phòng
ăn và bếp, còn nữa là phòng riêng của mỗi người trong gia đình. Mọi
người đều ở trên tầng, mỗi lần xuống nhà ăn cơm trông thấy đôi giày thối của Trân, lại nghĩ đến việc nó ngồi ăn cứ ợ liên hồi, vậy là ăn cũng
mất ngon. Tất nhiên chuyện giày dép cũng giải quyết được. Mẹ nói với nó, mẹ bảo phải chú ý, ngày nào cũng phải rửa chân, thay tất, tất phải giặt sạch hơn mọi người. Năng lực sống của nó rất tốt, thổi cơm, giặt áo
quần, nhóm bếp than quả bàng, thậm chí biết khâu vá, làm giỏi hơn tôi.
Tất nhiên, những việc ấy đều liên quan đến sự từng trải của nó, được rèn luyện từ nhỏ. Nhưng chứng ợ giữa bữa ăn, có lúc còn trung tiện, thật
khó sửa chữa. Sự thật thì cũng không sửa chữa nổi, vì nó có bệnh về dạ
dày, cho nên người nó gầy gò. Bố bảo, bệnh dạ dày của nó là do hồi nhỏ
uống nước hoa lê với ông Tây, cái thứ đó người già uống có thể là một
thứ thuốc, có thể chữa bệnh, nhưng trẻ con uống có được không? Nói thật, để chữa bệnh dạ dày, nó uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, mỗi bữa nó chỉ ăn chừng một bát cơm, ăn như mèo, ăn thêm chút nữa là ợ.
Có
lần, Trân đi nhà vệ sinh không cài cửa, tôi không biết, bước vào, làm
tôi sợ quá. Chuyện ấy trở thành dây lửa dẫn đến việc tôi ghét nó, cứ đòi bố mẹ đưa trả nó về trường học. Tôi nói, nó được coi như người thần
trong gia đình, nhưng cũng không nhất thiết ở trong gia đình, ở trường
học có không ít học sinh trọ học. Lúc đầu bố không nói gì, chờ cho mẹ
nói. Mẹ nói, nó vừa đến đã bảo đi, như thế không tiện, muốn bảo nó đi
cũng nên chờ khai giảng năm học mới. Đến lúc ấy bố mới bày tỏ thái độ,
bố bảo được thôi, chờ năm học mới khai giảng sẽ đưa nó về trường. Mẹ
nói, nhưng chủ nhật nên đón nó về nhà, để nó nghĩ đây là nhà. Bố bảo
được.
Sự việc quyết định như thế.
Nhưng về sau lại thay đổi. ( )
Một buổi tối sau kì nghỉ hè, bên bàn ăn, thầy Dung nói đến một tin đăng
trên báo trong ngày, tin cho hay năm ngoái cả nước bị đại hạn ít thấy
trong lịch sử, hiện tại đường phố người ăn xin còn đông hơn binh lính.
Bà mẹ nghe rồi thở dài, bảo năm ngoái hai tháng nhuận, xưa nay gặp năm
ấy thường là những năm đói kém, khổ nhất là dân nghèo. Kim Trân vẫn ít
nói, vì thế mỗi lần bà nói gì cũng đều phải để ý đến Kim Trân, muốn kéo
nó vào câu chuyện, cho nên bà cố tình hỏi nó có biết thế nào là tháng
nhuận. Thấy nó lắc đầu, bà nói, nhuận kép có nghĩa là năm dương lịch và
năm âm lịch cùng nhuận. Thấy nó như chưa hiểu, bà hỏi lại:
“Cháu có biết thế nào là năm nhuận không?”
Nó vẫn lắc đầu, không trả lời. Nó vẫn thế, gặp chuyện không biết, nó không bao giờ lên tiếng. Sau đấy bà giảng giải thế nào là nhuận, nhuận âm
lịch là thế nào, nhuận dương lịch là thế nào, tại sao lại có năm nhuận
cả âm lịch và dương lịch... Bà nói xong, nó ngơ ngác nhìn, tưởng như bảo nó phải nhận xét xem bà nói đúng hay không.
Ông Lily nói: “Đúng, đúng như thế.”
“Vậy ra cháu tính sai rồi à?” Mặt Kim Trân đỏ lên, trông như sắp khóc.
“Tính sai thế nào?”
Ông Lily không biết nó nói gì.
“Tuổi thọ của ông Tây, cháu tính mỗi năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày.”
“Sai rồi...”
Ông Lily chưa nói xong, Kim Trân bật khóc to.
Nó khóc như không nín nổi, mấy người dỗ cũng không được, cuối cùng vẫn là
ông Lily, ông bực tức đập bàn mắng nó mới thôi. Nó không khóc nữa, nhưng lòng vô cùng đau khổ, hai tay như bị ma ám cứ cào cấu hai đùi. Ông Lily ra lệnh cho nó để tay lên bàn, rồi nghiêm giọng, lời nói lại như an ủi.
“Cháu khóc gì, ông chưa nói hết, nghe này, nghe ông nói xong, cháu muốn khóc thì khóc.”
Ông nói: “Vừa rồi ông bảo cháu sai rồi đó là về khái niệm, đứng trên góc độ năm nhuận để nói. Về mặt tính toán, cuối cùng có sai hay không, lúc này chưa thể khẳng định, phải tính toán để biết, vì mọi tính toán đều cho
phép có sai số.”
Ông nói tiếp: “Theo như ông biết, nếu tính toán chính xác, thời gian trái đất xoay quanh mặt trời mất ba trăm sáu mươi
lăm ngày năm giờ, bốn mươi tám phút, bốn mươi sáu giây, tại sao lại có
năm nhuận? Là bởi, theo cách tính của dương lịch mỗi năm nhiều hơn năm
tiếng đồng hồ, cho nên dương lịch quy định cứ bốn năm có một năm nhuận,
năm nhuận là ba trăm sáu mươi sáu ngày. Cháu thử nghĩ, nếu tính mỗi năm
ba trăm sáu mươi lăm ngày, năm nhuận tính ba trăm sáu mươi sáu ngày,
trong đó vẫn có sai số, đấy là sai số được phép, thậm chí cũng khó xác
định, ông nói với ý nghĩa ấy, có tính toán là có sai số, không thể tuyệt đối chính xác được.”
Ông Lily nói: “Bây giờ cháu tính xem, tám
mươi chín năm của ông Tây có bao nhiêu năm nhuận, có tổng cộng bao nhiêu ngày nhuận, rồi sau đấy cháu lại tính tổng số những ngày nhuận cháu
tính được sẽ có sai số bao nhiêu. Nói chung con số phải lên đến hàng
vạn, sai số cho phép là một phần nghìn, nếu hơn một phần nghìn coi như
cháu tính sai, là sai số không được phép. Bây giờ cháu tính đi, sai số
của cháu hợp lí hay không hợp lí?”
Ông Tây mất vào năm nhuận,
năm ấy ông tám mươi chín tuổi, đời ông có hai mươi hai năm nhuận, không
hơn, không kém, mỗi năm một ngày, cộng hai mươi hai ngày, đặt trong hơn
ba vạn ngày của tám mươi chín năm, chắc chắn sai số chỉ dưới một phần
nghìn. Ông Lily nói ra con số ấy mục đích để Kim Trân có đường lùi, đừng tự trách mình. Vậy là, ông Lily vừa dỗ vừa doạ, cuối cùng thì Kim Trân
không khóc nữa.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Về sau,
bố tôi nói với chúng tôi lí do để ông Tây bảo nó tính tuổi thọ, nghĩ lại chuyện nó vừa khóc, tôi chợt cảm động về tình cảm của nó đối với ông
Tây, đồng thời cảm thấy trong tính cách của nó có gì đó vừa say mê vừa
yếu đuối, về sau tôi càng phát hiện ra, trong tính cách của Trân rất cố
chấp và quyết liệt, bình thường tỏ ra hướng nội, chuyện gì cũng để trong lòng, cố chịu đựng và chịu đựng được. Có chuyện gì cũng làm như không,
có khả năng chịu đựng được những điều người khác không thể chịu đựng
nổi. Nếu có gì đó không chịu đựng nổi, hoặc đụng chạm đến miền sâu thẳm
của tâm linh, chừng như nó rất dễ dàng mất đi sự kiềm chế, mất kiềm chế
nó sẽ bày tỏ theo một phương thức quyết liệt và cực đoan. Những ví dụ
như thế không hiếm, ví dụ nó rất yêu mẹ tôi, đã từng viết một bức thư
bằng máu, nó viết thế này:
“Ông đi rồi, từ nay tôi sống để trả ơn cô giáo.”
Đấy là năm nó mười bảy tuổi, bị một trận ốm nặng, phải nằm bệnh viện một
thời gian dài, thời gian ấy mẹ tôi thường đến phòng của nó lấy thứ này
thứ nọ, bỗng phát hiện bức thư ấy. Nó bỏ vào phong bì, kẹp trong cuốn
nhật kí, chữ viết rất to, nhìn là biết ngay viết bằng ngón tay, thư
không ghi thời gian, cho nên không biết nó viết hồi nào, chắc chắn không phải viết trong vòng một vài năm trở lại đây, có thể viết sau khi nó
vào với gia đình tôi chừng một vài năm, vì giấy và chữ trông cũ lắm rồi.
Mẹ tôi là một người hoà nhã, hiền lành, có tình cảm, những năm cuối đời
vẫn như thế. Đối với Kim Trân, tưởng chừng mẹ tôi có duyên nợ gì với
kiếp trước của nó, hai người ngay từ ngày đầu đã rất gắn kết, linh tính
như ruột thịt, rất thân tình. Ngay từ hôm đầu Kim Trân vào nhà tôi, mẹ
gọi ngay nó là em Trân, cũng không biết tại sao mẹ lại gọi như thế, có
thể vì em gái tôi mới mất, mẹ tôi cho nó là em gái tôi tái thế. Sau ngày em gái tôi mất đi, suốt một thời gian dài mẹ tôi không ra khỏi cửa,
ngày nào cũng ngồi buồn ở nhà, ngủ thường gặp ác mộng, hay xuất hiện ảo
giác, cho đến khi Trân đến, mẹ mới bớt buồn. Có thể anh không biết, em
Trân biết giải mộng, mộng nào nó cũng có thể nói ra được, giống như một
thầy bói vậy. Nó còn tin theo đạo, ngày nào cũng đọc kinh bằng tiếng
Anh, thuộc lòng truyện trong sách. Cuối cùng, mẹ cũng hết buồn, phải nói rằng việc ấy có liên quan đến em Trân giải mộng và đọc kinh thánh. Đấy
là duyên phận của hai người, không sao giải thích nổi. Nói thật, mẹ rất
tốt với em Trân, làm gì hay nói gì cũng đều coi nó như người thân trong
nhà, tôn trọng nó, quan tâm đến nó. Không ngờ, vì thế mà Trân ghi sâu
tận đáy lòng ý nguyện đền đáp công ơn mẹ tôi, thậm chí viết ra bằng máu. Tôi nghĩ, có thể trước đấy Trân chưa từng được yêu thương thật tình,
càng không thể nói đến tình mẫu tử, tất cả những gì mẹ làm, mỗi ngày ba
bữa ăn cho nó, may vá, trìu mến thăm hỏi... Tất cả những điều đó được nó phóng đại, nhìn bằng mắt, ghi vào lòng, lâu ngày, rất nhiều việc tích
tụ, chắc chắn tạo nên sự xúc động sâu sắc, cần phải có cách biểu đạt, nó phải chọn cách không bình thường, nhưng lại phù hợp với tính cách. Tôi
cho rằng, nếu theo cách nói ngày nay, tính cách của Trân có phần khép
kín.
Những chuyện tương tự nhiều lắm, sẽ nói sau, bây giờ chúng ta trở về với buổi tối hôm ấy, chuyện này còn lâu mới hết. ( )
Tối hôm sau, vẫn ở bên bàn ăn, Kim Trân nhắc lại chuyện kia, nói ông Tây
trải qua hai mươi hai năm nhuận, bởi vậy, hình như tính thiếu mất hai
mươi hai ngày, nhưng qua tính toán, nó bảo thực tế chỉ hai mươi mốt ngày thôi, đấy là cái kết luận ngớ ngẩn. Tuy rõ ràng là hai mươi hai năm
nhuận, mỗi năm một ngày, vị chi hai mươi hai ngày, làm sao lại hai mươi
mốt? Lúc đầu cả ông Lily đều cho Kim Trân bị tẩu hoả nhập ma, thần kinh
có vấn đề. Nhưng nghe Kim Trân nói cụ thể, mọi người lại cảm thấy không
phải cậu ta nói không có lí.
Là như thế này, ông Lily đã từng
nói, có năm nhuận bởi mỗi năm dài hơn ba trăm sáu mươi lăm ngày những
năm giờ, bốn mươi tám phút, bốn mươi sáu giây, bốn năm cộng lại gần hai
mươi bốn tiếng, nhưng không chính xác hai mươi bốn tiếng (nếu mỗi năm
thừa ra sáu tiếng thì mới thật chính xác hai mươi bốn tiếng). Vậy sai số bao nhiêu? Một năm mười một phút mười bốn giây, bốn năm bốn mươi bốn
phút năm mươi sáu giây. Tức là, khi xuất hiện năm nhuận, thời gian đã
xuất hiện một hư số bốn mươi bốn phút năm mươi sáu giây. Có thể nói, qua việc đặt ra năm nhuận hoặc ngày nhuận, trên thực tế chúng ta đã cướp
mất của trái đất bốn mươi bốn phút năm mươi sáu giây thời gian. Cả đời
ông Tây trải qua hai mươi hai năm nhuận cũng tức là mất đi hai mươi hai
lần bốn mươi bốn phút, năm mươi sáu giây, cộng lại coi như mất mười sáu
giờ hai mươi tám phút hai mươi hai giây.
Nhưng Kim Trân chỉ ra
rằng, ông Tây thọ 32.232 ngày, không phải 88 năm chẵn, mà là 88 năm lẻ
112 ngày, 112 ngày lẻ này thực tế không tính vào năm nhuận, cũng tức là
mỗi ngày không thật chính xác 24 tiếng đồng hồ, mà chính xác là 24 tiếng đồng hồ kém một phút, 112 ngày tức là 6.421 phút, tức 1 giờ 47 phút.
Như vậy, trên cơ sở 16 giờ 28 phút 32 giây trừ đi 1 giờ 47 phút, sẽ có
số dư 14 giờ, 41 phút, 32 giây, đấy mới thật là số ảo thời gian tồn tại
trong đời ông Tây.
Kim Trân lại nói, theo nó biết, ông Tây sinh
vào buổi trưa, mất lúc chín giờ tối, bắt đầu và chấm dứt như vậy, ít
nhất có 10 tiếng đồng hồ hư số, cộng với 14 giờ 41 phút 32 giây vừa rồi, muốn nói thế nào đi nữa cũng là một ngày, nghĩa là có một ngày số ảo.
Tóm lại, nó rất hăng hái với cái trò năm nhuận hoặc ngày nhuận của ông
Tây. Ở một ý nghĩa nào đó, nó tính ra được sai số 22 ngày trong tổng số
ngày sống của ông Tây, lúc này nó giải thích những ngày nhuận ấy nhất
định bớt đi một ngày.
Thầy Dung nói, sự việc ấy làm cho thầy và
bố mẹ hết sức kinh ngạc, cảm thấy khâm phục đầu óc nghiên cứu của thằng
bé này. Càng làm mọi người kinh ngạc hơn nữa là, vào một buổi chiều mấy
ngày sau, thầy Dung mới về đến nhà, mẹ đang thổi cơm dưới bếp nói với
thầy, bố đang ở trong phòng em Trân, gọi thầy vào. Thầy Dung hỏi có việc gì, mẹ bảo, hình như Trân vừa phát minh ra công thức toán học gì đó.
Làm cho bố cũng phải giật mình.
Trên đây đã nói, vì tuổi thọ của ông Tây lẻ 112 ngày không tính vào năm nhuận, cho nên mỗi ngày tính
thật chính xác là 24 tiếng đồng hồ, thật ra trong đó có 1 giờ 47 phút
tức 6.421 giây dôi ra. Vậy thì, nếu chúng ta nói về khái niệm số ảo thời gian, cũng tức là - 6.421 giây. Sau đấy, khi xuất hiện năm nhuận đầu
tiên, số ảo thời gian lại giảm (- 6.421 + 2.696 giây, trong đó 2.696 là
số ảo thời gian của các năm nhuận, tức 44 phút 56 giây, sau đấy, năm
nhuận thứ hai xuất hiện, số ảo thời gian bớt đi (- 6421 + 22 X 2696)
giây, theo đó suy ra, đến năm nhuận cuối cùng xuất hiện, tức là (6.421 + 22 X 2.696) giây. Vậy là Kim Trân lấy 32.232 ngày, tức 88 năm lẻ 112
ngày số ảo thời gian đổi thành 23 cấp số cộng, tức:
(-6.421)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.42 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
…
(- 6.421 + 2.696)
Trên cơ sở đó, không ai dạy cậu ta lần mò ra được cấp số cộng và giải công thức:
X = [ (số hạng thứ nhất + số hạng cuối cùng) x số hạng]: 2([2])
Nói một cách khác, coi như Kim Trân phát minh ra công thức này.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Bảo rằng, cấp số cộng và công thức tính toán không sâu sắc đến mức không
thể phát minh, về lí thuyết, chỉ cần người biết làm bốn phép tính cộng
trừ nhân chia đều có thể tìm ra công thức này, nhưng mấu chốt ở chỗ
trong tình huống chưa biết mà nghĩ đến công thức này tồn tại. Ví dụ, tôi nhốt anh vào một căn phòng tối, chỉ cần nói với anh trong đó có những
thứ gì, rồi bảo anh tìm, cho dù trong đó tối đen, chỉ cần anh có đầu óc, có chân đi, có tay sờ, cứ lần mò, phải nói rằng anh sẽ tìm ra. Nhưng
nếu không nói cho anh biết trong phòng có gì, vậy rất ít, thậm chí là
không thể có được khả năng nào trong căn phòng đó.
Lùi một bước
để nói, cấp số cộng trước mắt nó hiện tại không phức tạp như trên, những dãy số rối rắm, mà tương đối đơn giản, giống như dãy số
1,2,3,4,5,7,9,11... Vậy sự việc còn có thể lí giải, mà cũng không làm
chúng tôi ngạc nhiên đến như thế. Điều này cũng giống như anh không có
thầy dạy mà đóng được một thứ đồ dùng gia đình, tuy đồ dùng ấy từ lâu đã có người làm, nhưng chúng tôi vẫn kinh ngạc về sự thông minh và tài
năng của anh. Nếu trong tay anh là những công cụ và gỗ không tốt, công
cụ thì rỉ đen, gỗ còn nguyên cây, nhưng anh vẫn đóng được đồ dùng, vậy
chúng tôi phải khen anh gấp đôi. Tình huống của Trân là như thế, nó
giống như dùng cái đục của người thợ đá, làm được một thứ đồ dùng gia
đình bằng một khúc gỗ, anh nghĩ xem, chúng tôi phải kinh ngạc đến chừng
nào, tất cả như giả, không thể nào tin nổi.
Sau đấy, chúng tôi
thấy Trân không cần phải học tiểu học, bố quyết định cho nó vào trường
trung học trực thuộc đại học N. Trường trung học trực thuộc này chỉ cách nhà tôi vài ba dãy nhà, nếu cứ để nó trọ học, sẽ gây cho Trân vết
thương lòng còn nặng hơn cả việc bỏ rơi nó. Cho nên, bố đồng thời quyết
định cho Trân vào học trung học cơ sở còn quyết định cho nó ở ngay trong nhà. Sự thật thì, từ mùa hè năm ấy Trân đã vào ở với gia đình, chưa bao giờ nó phải xa nhà chúng tôi, và cứ vậy cho đến ngày nó ra công tác. ( )
Chụp cho nhau biệt danh là thú vui của trẻ con, trong lớp, nếu bạn nào có
chút gì đặc biệt thể nào cũng có biệt danh. Lúc đầu, bạn học thấy Kim
Trân có cái đầu to, lũ bạn trong lớp đặt cho cậu cái tên Trân đầu to, về sau bạn bè phát hiện cậu rất kì quái, ví dụ thích đếm đám kiến đi thành đàn thành lũ, nó đếm say sưa; mùa đông quàng cái khăn đuôi chó nom
chẳng ra sao, nghe nói cái khăn của ông Tây cho cậu ta; ngồi trong lớp
cứ đánh rắm và ợ rất tự nhiên, khiến cả lớp khóc dở cười dở; còn nữa,
bài tập bao giờ cũng làm thành hai bản, một bản tiếng Trung Quốc, một
bản tiếng Anh, v.v... Mọi người có cảm giác đầu óc cậu ta không mở mang, ngu ngốc, nhưng thành tích học tập thì rất xuất sắc, ai cũng phải trầm
trồ khâm phục. Thành tích học tập tưởng như cả lớp cộng lại cũng không
bằng. Vậy là, có người đặt cho cậu ta cái tên Quả dưa thiên tài, nghĩa
là thằng ngốc thiên tài. Biệt danh ấy bao gồm hình ảnh cậu ta ở trên lớp và ra ngoài đường, trong đó có ý nghĩa là kẻ tiện nhân đồng thời không
tiếc lời ngợi khen, trong cái xấu có cái tốt, có khen có chê, rất giống
cậu ta, vậy là ai cũng gọi.
Quả dưa thiên tài!
Quả dưa thiên tài!
Năm mươi năm sau, tôi về thăm trường Đại học N, rất nhiều người tỏ ra không biết gì khi tôi nhắc đến Kim Trân, nhưng tôi nói Quả dưa thiên tài, trí nhớ của họ dường như sống lại, mới biết cái biệt danh kia đã ăn sâu vào lòng người. Một thầy giáo cũ đã từng làm chủ nhiệm lớp của Kim Trân kể
lại với tôi những kí ức cũ:
“Tôi vẫn nhớ một chuyện thật lí thú, ấy là giờ nghỉ giữa buổi học, có người phát hiện một đàn kiến bò ở
ngoài hành lang, gọi cậu ta ra, nói Kim Trân, mày thích đếm kiến, đếm
xem đàn kiến này có bao nhiêu con. Mắt tôi trông thấy, Kim Trân chỉ
chừng mấy giây sau đã đếm được đàn kiến cả mấy trăm con. Lại có lần, cậu ta mượn sách của tôi, mượn cuốn Từ điển thành ngữ, mấy hôm sau đem trả, tôi bảo em giữ lấy mà dùng, cậu ta bảo không cần, vì em đã thuộc hết.
Sau sự việc ấy tôi phát hiện cậu ta đọc thuộc lòng tất cả những thành
ngữ có trong sách. Tôi dám nói, tôi đã dạy rất nhiều học sinh, cho đến
nay chưa thấy một người thứ hai có tư chất thông minh và hiếu học như
cậu ta, sức nhớ, sức tưởng tượng, sức lĩnh hội, và cả khả năng giải
toán, suy luận, tổng kết, phán đoán như cậu ta. Về rất nhiều phương
diện, cậu ta tỏ ra phi thường, không ai dám nghĩ. Theo tôi, cậu ta hoàn
toàn không cần thiết phải học trung học cơ sở mà lên học trung học phổ
thông. Nhưng ông hiệu trưởng không cho, nghe nói vì thầy của thầy Dung
không đồng ý.”
Thầy giáo cũ này nói thầy của thầy Dung tức là ông Lily.
Ông Lily không đồng ý bởi có hai nguyên nhân, thứ nhất, trước kia Kim Trân
sống ở một nơi cách biệt với thế giới, rất cần được tiếp xúc với xã hội
một cách bình thường nhất, phải sống và trưởng thành với những đứa trẻ
cùng trang lứa, nếu không, nó phải sống giữa đàn trẻ hơn tuổi, rất bất
lợi cho việc thay đổi tính cách hướng nội của cậu ta. Thứ hai, ông phát
hiện Kim Trân thường hay làm những việc ngu ngốc, đằng sau lưng ông và
thầy giáo, cậu ta cứ suy đi tính lại những điều mà người khác đã chứng
minh từ lâu, có thể não lực của cậu ta dư thừa. Ông Lily cho rằng, cậu
ta là người có tinh thần khám phá mãnh liệt phần thế giới chưa được khám phá, nên càng phải đi sâu học tập, thông hiểu tri thức, để tránh lãng
phí tài năng vào những điều đã biết.
Nhưng về sau thấy không để
cậu ta học vượt cấp, thầy giáo cũng không có cách nào dạy, thầy giáo bị
cậu ta hỏi những vấn đề sâu sắc khó trả lời. Không còn cách nào, ông
Lily đành phải nghe theo đề nghị của các thầy giáo, để cậu ta học vượt
cấp, vậy là cậu ta vượt hết cấp này đến cấp khác, kết quả là những học
sinh cùng học trung học cơ sở lên trung học phổ thông thì cậu ta đã tốt
nghiệp trung học phổ thông. Năm ấy cậu ta thi vào đại học N, toán làm
được điểm tuyệt đối, thủ khoa của cả tỉnh, vào khoa toán một cách nhẹ
nhàng.