Giàn Hoa Thiên Lý Sắp Đổ

Chương 1: Chương 1: Cô gái nhà bên




Năm 2016, Ngọc theo mẹ về quê ngoại. Cũng không phải nguyên nhân làm ăn thất bại hay bị nhà nội đuổi về quê gì cả, mà là do bà ngoại ở quê đã lớn tuổi, lại một thân một mình không ai chăm sóc, mẹ Ngọc mới phải về. Ngọc chỉ là hàng tặng kèm đi theo mẹ thôi. Bà nội còn hài hước bảo Ngọc: “Mày về mà ở với bà ngoại mày, tao với bố mày nuôi mày mười mấy năm trời ngày nào cũng gặp tới phát ghét rồi, về quê ở với bà ngoại mày đi!”

Thế là chú Tuấn thì lo thủ tục chuyển trường cho Ngọc, còn dì Huyền và Ngọc thì về quê trước.

Nhà bà ngoại của Ngọc chỉ là nhà cấp bốn bình thường thôi, không tính là rộng lắm. Nhưng phía trước ngôi nhà chính là một khoảng sân rộng được lắp mái tôn để che đi cái nắng gắt của ngày hạ, một khoảng vườn trồng cây ăn quả cùng các loại rau, và một cái ao nuôi cá có diện tích lớn hơn gần như gấp hai lần so với cái sân. Phía xa hơn trước cửa nhà, chính là cánh đồng mênh mông bát ngát. Cuộc sống an nhàn trồng rau, chăn gà nuôi cá này đối với Ngọc thật sự rất là mới mẻ. Thế cho nên chỉ mới ngày đầu tiên về nhà ngoại, sau khi chào hỏi và nói chuyện với bà một lúc, Ngọc đã lượn lờ ra vườn, dạo quanh bờ ao vài vòng.

Chuyện cũng chẳng có gì đáng kể hết nếu như Ngọc không bắt gặp một cô gái bé nhỏ đang ngồi bên dưới dàn hoa thiên lý cạnh bờ ao, tô tô vẽ vẽ lên khung tranh nhỏ đặt trên đùi, hai chân buông thõng xuống dưới mặt nước đung đưa. Thấy khung cảnh đó khá nên thơ, Ngọc theo thói quen đã lấy máy ảnh ra chụp lại một tấm. Phải công nhận một điều là em rất ăn ảnh, khuôn mặt tròn trịa xinh xắn, mái tóc ngắn ngang vai được cột lên thành cái đuôi nhỏ phía sau đầu, tóc mái hai bên buông xuống ôm lấy làn da trắng xinh, có sợi tóc theo gió còn bám lại bên bờ môi hồng hào tự nhiên không có dấu vết son môi nào. Khác hẳn với một đứa con gái thiếu son một cái là không dám ra ngoài như Ngọc.

Chụp xong tấm ảnh lưu lại, Ngọc cất lại điện thoại vào túi rồi vẫy tay chào với

- “Hế lô”!

Giọng Ngọc có vẻ hơi to thì phải, em nghe thấy tiếng cô gọi chợt giật mình ngẩng đầu, không hiểu sao lại làm rơi khung tranh rơi xuống ao. Bức tranh em gần hoàn thành, rơi xuống nước bị lem màu, thế là hỏng rồi. Lúc đó đột nhiên Ngọc thấy em mếu máo khóc, muốn cúi người xuống vớt tranh lên. Cô sợ dáng người ba mét bẻ đôi như em ngã lộn cổ xuống ao, bèn la lên:

- Ấy đừng lấy tranh nữa, ngã giờ đấy! Để anh qua lấy giúp cho.

Ngọc có lòng tốt thế mà, em nỡ lòng nào ngẩng đầu lên lườm tôi rồi im lặng thu dọn hết dụng cụ vẽ chạy luôn vào trong nhà. Để lại mình cô đứng ngơ ngác bên bờ ao ngó theo bóng dáng ấy.

Buổi tối khi ăn cơm cùng bà cùng mẹ, Ngọc chợt hỏi bà Nhung:

- Bà ơi, nhà bên cạnh là nhà ai thế bà?

- Mi hỏi nhà chú Tuân ấy à? Hay nhà chú Tuệ?

- Cái nhà mà có cây xoài lớn ngoài bờ ao ấy bà.

- À, nhà chú Tuân đó! Mi hỏi nhà chú làm chi rứa?

- Dạ không có gì. Tại hôm nay con đi dạo ngoài bờ ao xong thấy một cô bé xinh ơi là xinh đang ngồi vẽ tranh. Con chào hỏi tý mà em ấy giật mình chạy thẳng vô trong nhà em ấy luôn.

- Ôi chao, em cái mả cha nhà mi ấy mà em. Con Tuyết nhà chú Tuân bằng tuổi mi đó.

Bà dùng ngón trỏ dí nhẹ vào trán Ngọc, ngay khi cô còn đang ngơ ngác vì độ tuổi của em thì bà lại nói tiếp.

- Tuyết nó ngoan lắm, thi thoảng hay chạy sang chơi với bà, nhìn bà chăm gà trồng rau rồi tô tô vẽ vẽ, đó, mi nhìn lên kệ tủ mà coi, toàn ảnh nó vẽ bà mi chứ mô.

Ngọc đưa mắt nhìn theo tay bà chỉ, cô bỏ hẳn bát cơm xuống mâm đồng, nhanh chóng chạy lại kệ tủ ngắm nghía. Có tất thảy tận năm bức tranh nhỏ được bà xếp ngay ngắn trên kệ, có bức thì vẽ bà đang chăm sóc mớ rau cải, có bức thì vẽ bà đang dọn dẹp chuồng gà, có bức lại vẽ bà đang gặt lúa ngoài đồng. Trông giản dị và đẹp đẽ biết mấy.

Thế là Ngọc tự hạ quyết tâm phải làm quen bằng được với Tuyết.

Buổi sáng của ngày thứ hai khi về quê, do có chút lạ giường nên ngủ không được ngon lắm nên tầm năm giờ sáng, khi gà vừa gáy là Ngọc đã trở mình dậy rồi.

Năm giờ sáng ở quê những ngày hè, trời đã sáng tỏ. Có khi còn thấy lờ mờ hơi sương trên những phiến lá rủ xuống sân nhà. Mát mẻ.

Ngọc vươn vai vặn vẹo tập vài động tác thể dục chẳng theo bài bản nào, sau đó mới xuống nhà tắm nằm gần ao ngồi xổm bên ca nước lớn đánh răng rửa mặt.

Bà Nhung từ trong chuồng gà bước ra, trên tay là một cái rổ nhỏ với gần chục quả trứng gà. Nhìn thấy tôi, bà liền hỏi:

- Lạ nhà hay răng mà dậy sớm rứa Ngọc?

- Dạ, có điều cháu dậy sớm cũng quen rồi bà ạ!

- Rứa hở? Rứa thì cứ đánh răng rửa mặt đi rồi tí có đi chợ với bà thì đi.

- Vâng ạ. Mà mẹ cháu đi đâu rồi bà?

- Mẹ mi hả? Thấy bảo lên chơ mua đồ ăn sáng rồi.

- À... Mà sao bà ra lấy trứng gà sớm thế bà?

- Ừ, hôm nay có phiên chợ chứ răng nữa, hôm qua bà không lấy nên hôm nay mới lấy một thể để đem đi bán đây.

Bà Nhung nói xong thì bê rổ trứng vào bếp. Bà còn phải sắp xếp mớ trứng vào làn để còn đi chợ sớm. Nên cũng chẳng thể ở lại tám chuyện thêm với Ngọc được.

Ngọc thấy bà đi rồi, loẹt xoẹt chải răng thêm chút nữa, mới uống nước súc đi một miệng đầy bọt kem đánh răng, còn vừa rửa mặt vừa ngân nga hát hò mất vài phút mới chịu lên nhà.

Đi ngang qua bếp, Ngọc thấy bà vẫn còn đang xếp một lớp trứng một lớp rơm khô, bèn tung tăng chạy vào giúp.

Mình đem trứng ra chợ bán hả bà?

- Ừ, cũng gần như rứa.

- Dạ?

- Mỗi đợt gà đẻ nhiều bà hay đem bán cho nhà dì Hồng ở gần chợ đó, bán giá rẻ cho dì rồi dì bán lại cho người ta. Chứ ngồi lâu ngoài chợ lưng bà chịu không được.

- Phiên chợ nào cũng có trứng bán cho nhà dì Hồng ạ?

- Con gà chứ có phải cái máy đẻ mô mà lúc mô cũng đẻ đều được. Hắn cũng đẻ có đợt thôi. Chừng nào gà đẻ nhiều thì vài ba ngày là được năm chục quả trứng rồi. Lúc đó mới đem bán cho nhà dì Hồng được. Chứ gà hắn đẻ ít thì bà lại để lại cho nhà chú Tuân một ít, nhà chú Tuệ ít, còn bao nhiêu thì bà để ở nhà bà ăn.

- Cái rổ trứng này để cho nhà chú Thìn à bà?

Mắt Ngọc long lanh nhìn rổ trứng gà sạch sẽ bà để gọn gàng một bên bàn bếp. Ngọc âm thầm dự định, nếu lát nữa cần đem trứng qua nhà chú Thìn, cô sẽ xí phần đem rổ trứng qua nhà chú ngay tắp lự.

- Ừ, tí nữa con bé Tuyết nó qua đây rồi lấy trứng đấy. Nó không thích mấy nơi đông người, nhưng nhà không có ai đi chợ thay nó nên hay viết đồ ra giấy rồi đưa tiền cho bà mi mua giùm.

Bà vừa dứt lời, Ngọc đã nghe thấy tiếng nói nhỏ nhẹ cực kì ngọt ngào của Tuyết vọng vào rồi. Cô vui vẻ tung tăng chạy từ trong bếp ra ngoài, thấy em đứng bẽn lẽn ngoài sân. Tuyết có lẽ cao khoảng 1m50 thôi, chênh lệch với Ngọc gần hai mươi centimet lận. Em mặc bộ đồ ở nhà màu vàng chanh, trên giữa áo là một bé pikachu dễ thương, giống hệt em lúc này vậy.

Cô lại theo thói quen, cười hì hì giơ tay lên vẫy chào:

- “Hế lô!”

Tuyết thấy Ngọc, im lặng một lát liền ngó lơ luôn. Cô biết cái người này, cái người hôm qua làm cô giật mình đánh rơi bức tranh cô dành cả hai tiếng đồng hồ để vẽ nên. Rõ ràng chỉ còn một chút họa tiết bé bé nữa thôi là hoàn thành được rồi, ấy thế mà lại rơi mất xuống ao. Cô là người dễ để chuyện cũ trong lòng, vì thế người cô càng không thích lại càng chẳng muốn nói chuyện cùng. Tuyết chỉ ngoan ngoãn nói chuyện lễ phép với bà Nhung thôi.

- Hôm nay gà nhà bà đẻ được nhiều trứng, bà xếp trứng trong cái rổ trên bàn bếp đó nhá, cháu bê cả rổ về rồi lúc nào đem rổ qua trả cho bà cũng được.

- Dạ. Lần trước trứng bà cho, nhà cháu còn chưa ăn hết nữa bà ạ. Hay bà để lại mà bán ạ?

- Thôi, bán chác gì, nhiều thêm hay ít đi mấy quả trứng cũng có được thêm mấy đồng bạc mô mà, cứ cầm lấy về mà nấu cho bố mẹ với thằng Tiến ăn đi.

- Dạ, vậy cháu xin ạ, cháu cảm ơn bà!

- Ừ, về học hành đi, bà đưa cái Ngọc đi chợ, lát bà về bà gọi qua nhà cho lấy thức ăn về.

- Vâng ạ.

Tuyết lễ phép ôm rổ trứng về rồi, Ngọc mới buồn rầu than thở với bà:

- Sao Tuyết không để ý tới cháu thế bà? Tuyết ghét cháu hả?

- Chắc lạ người nên thế đấy, bình thường ngoài đi học ra thì con bé ở nhà miết à. Nhà có giỗ chạp cỗ bàn gì toàn thấy qua nhà bà ngồi cả buổi, có khi còn ở lại ăn cơm với bà đến tối mới về.

- Nhưng hôm qua Tuyết cũng gặp cháu rồi mà?

- Gặp có một lần sao gọi là quen được, mi cứ làm như ai cũng phởn phởn như mi không bằng ấy.

Bà Nhung cười mắng yêu Ngọc, giống như một lời khích lệ nhiệt tình khiến sự nhiệt huyết sục sôi trong lòng cô. Nhất định, cô sẽ làm quen được với Tuyết, thậm chí làm bạn thân với Tuyết. Nhất định là thế!

Vì để làm quen được với Tuyết, khi hai bà cháu vừa đi chợ về, đợi bà phân loại đồ ăn của nhà Tuyết và đồ ăn của nhà mình, Ngọc đã xung phong ôm lấy làn đồ ăn, nói với bà:

- Bà ơi, để cháu mang đồ ăn qua cho Tuyết nha bà.

- Tí Tuyết qua lấy giờ đấy.

- Không không, để cháu mang qua nhà chú Tuân cho. Để cháu đi làm quen với hàng xóm nữa chứ.

- Ừ, rứa mi đi đi, đưa cả tiền thừa cho Tuyết hộ bà.

- Vâng ạ.

Được bà đồng ý, Ngọc vội vàng xách làn qua nhà Tuyết.

Cấu trúc mấy nhà gần bên nhà bà Nhung đều là một dạng, có cổng phía bên mạn sườn trái của ngôi nhà, trước cửa nhà đều có sân nhỏ. Nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh là một dãy dài nằm bên mạn sườn bên phải của ngôi nhà. Và vì ở quê, nên đa số ban ngày khi ở nhà có người, họ đều lựa chọn mở cổng ra. Chỉ số ít nhà có điều kiện, nhà cao tầng hơn mới đóng cửa cả ngày. Nhà Tuyết cấu trúc cũng gần giống như thế, nhưng cửa cổng lại luôn khóa lại, mặc dù vẫn có người ở nhà. Ở đây lại không có chuông cửa, vì thế Ngọc chỉ đành lớn tiếng gọi:

- Chú Tuân ơi!!!

Gọi tận hai ba lần, giống kiểu dùng hết nội công nửa đời để hét lên thì mới thấy một cậu nhóc chạy ra mở cửa cho Ngọc. Tiến đứng bên trong cổng sắt, nhìn Ngọc qua khung cửa với vẻ đề phòng, nhỏ giọng hỏi:

- Chị là ai ạ?

- Anh là cháu của bà Nhung nhà bên cạnh nhà em á?

- Ơ, sao lại là anh ạ?

Chết chết, quen cái mồm. Ngọc vội vàng cười phớ lớ:

- Ấy, anh à... chị nhầm tý, em đừng để ý.

- Vâng, thế chị tìm bố em có việc gì không ạ?

- À, bà chị nói đem làn thức ăn này qua cho nhà chú Tuân.

- Dạ, thế chị đưa cho em đi. Để em đem vào nhà cho.

- Nhưng em là ai nha, bà anh nói nếu chú dì không có ở nhà thì đưa làn và tiền thừa cho bạn Tuyết.

- Em là Tiến, con trai của bố Tuân ạ.

- Thế thì không được rồi, em nhỏ thế này cầm làn rơi hỏng thức ăn đi thì làm sao, nhỡ bố mẹ em nói với bà chị, bà chị lại mắng chị.

Tiến vốn định mở cửa để nhận làn thức ăn. Nhưng thấy Ngọc vặn vẹo đòi tìm chị Tuyết, cậu buông tay khỏi cánh cổng sắt không mở cửa ra nữa. Tiến quay người chạy thẳng vào trong nhà tìm kiếm sự trợ giúp từ chị Tuyết.

- Chị ơi, ngoài cổng có một chị nào lạ lạ tìm chị ấy.

Tiến gõ cửa phòng gọi Tuyết, thấy bên trong không có ai đáp lại, cậu bé lại liến thoắng nói tiếp.

- Chị đó nói chị đó là cháu bà Nhung á, nói là đem làn thức ăn với tiền thừa qua cho nhà mình. Em nói em nhận mà chị đó không chịu đưa cho em.

Lúc này, cánh cửa trước mặt Tiến bật mở, Tuyết nhăn mày khó chịu từ trong phòng đi ra. Cô đưa tay xoa đầu Tiến, nhỏ nhẹ bảo em đi xem phim tiếp còn mình thì chậm rãi đi dép ra ngoài cổng nhìn xem.

Tuyết mở hé một bên cổng, mím môi chìa tay ra về phía Ngọc. Ý muốn nói Ngọc mau đưa làn và tiền cho em, nhưng cô chưa muốn đưa, nên nhây nhây đưa một tay không cầm làn ra nắm lấy tay Tuyết. Bàn tay búp măng mềm mại nằm trong tay Ngọc chưa được hai giây, đã bị Tuyết giật mình thu tay lại.

Thấy Tuyết có ý định đóng cổng lại luôn, Ngọc liền vội vàng lên tiếng.

- Ấy đừng đừng đóng cổng, tớ chỉ muốn làm quen với Tuyết một chút chút thôi mà.

Tuyết nhìn Ngọc lắc lắc cái đầu nhỏ, nếu không muốn đưa làn thì thôi, Tuyết cũng chẳng cần đâu. Một lát Tuyết đem trả rổ qua nhà bà Nhung rồi lấy làn sau cũng được, chẳng có vấn đề gì cả. Ngọc thấy Tuyết vẫn quyết tâm đóng cổng, cô chỉ đành ngoan ngoãn đưa làn và tiền thừa cho em.

Nhìn cánh cửa đóng lại, nhìn bóng dáng em bước vào nhà, Ngọc tự cổ vũ bản thân rằng, không sao, thời gian vẫn còn rất dài.

Một thời gian sau đó, có lẽ Tuyết biết đến sự tồn tại của Ngọc ở bên nhà bà Nhung nên chẳng qua chơi với bà nữa. Vì không chờ được Tuyết qua chơi, Ngọc luôn phải tìm cớ để chạy qua nhà Tuyết, lúc thì đem sang cho ít quả trứng gà, lúc thì chạy sang xin ít lá chanh, khi thì chạy qua vay vài bò gạo, lúc lại ngồi bên bờ ao hóng hớt xem hôm nay Tuyết có vẽ tranh hay không.

Ngót nghét gần một tháng trời như thế, Ngọc cũng mới chỉ có thể nói chuyện với Tuyết được dăm ba câu. Còn việc lại gần, thân thiết kể chuyện cho em nghe, ngồi bên cạnh nhìn em vẽ tranh thì chưa bao giờ có cả. Nghĩ mà buồn thúi cả ruột.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.