Hoa vương triều, kể từ khi Thánh Đế đời thứ 4, Khánh Nhã đăng quang đã 15 năm trôi qua.
Theo truyền thuyết,ở Hoa vương triều, Thánh Đế sẽ chuyển sinh và thống trị vương triều đời đời kiếp kiếp. Chính vì vậy, không giống như ở các nước khác, Hoa vương triều không có luật cha truyền con nối, mà đứa trẻ được sinh ra vào lúc Thánh Đế băng hà và có mang dấu ấn của Thánh Đế sẽ được chọn làm hoàng thái tử, đến năm 15 tuổi sẽ lên ngôi. Nói đơn giản, Thánh Đế không chỉ đơn giản là một vị hoàng đế ngày ngày lo việc quốc sự mà là một tồn tại mang tính thần thánh, là chiếc trụ trong tâm linh của người dân. Nhưng Thánh đế không trực tiếp lo việc quốc sự mà đây là trách nhiệm của Hoàng Đế. Hoàng đế không hẳn là người của Hoa vương triều mà được chọn ra từ các vị quốc vương của các nước chư hầu như Lân Quốc, San Quốc, Tinh Quốc, Thúy Quốc.... Vị quốc vương nào có khả năng khiến cho chư quốc thuần phục sẽ trở thành Hoàng đế của Hoa vương triều.
Hoa vương triều, trải qua một thời gian dài, từ ngày đầu lập quốc với những cuộc chiến liên miên, đã bước vào thời kì phát triển rực rỡ. Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, người dân được cơm no áo ấm. Nhưng, mấy năm gần đây, Khiết Đan, bộ tộc ở ngoài biên giới, âm mưu chiếm đoạt quặng Bạch Cương Thạch của Lộc Quốc. Khiết Đan đã một lần dẫn quân xâm lấn nhưng bị đảy lùi. Từ đó trở đi, mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, luôn ở thế chiến tranh. Tình trạng kéo dài khiến Thánh Đế phải đích thân xuất trận.
Khánh Nhã năm thứ 15, mùa thu.
*******
-Bệ hạ, xin dừng lại!
Duệ Thanh chạy đến trước mặt, dang rộng hai tay, cố ngăn Khánh Nhã đang rảo bước ra khỏi hoàng phủ. Vừa nghe thông báo, cậu vội chạy đến, trán lấm tấm mồ hôi, hơi thở có phần gấp vội.Khánh Nhã chắc lưỡi, trừng mắt nhìn bọn thị quan vừa chạy đến bên cạnh. Chính bọn họ biết mình không thể nào ngăn nổi Thánh Đế nên đã vội chạy báo cho Duệ Thanh. Bị trừng mắt nhìn, cả bọn cúi gằm mặt xuống.
Đây là vùng biên giới giữa Khiết Đan và Lân Quốc, An Lãnh. Khánh Nhã vừa từ Lâm Dương, thủ phủ của Hoa Vương Triều, đến nơi không bao lâu đã tỏ ý muốn đi tham quan khắp nơi, chuẩn bị rời khỏi hoàng phủ.
Vì để nọi việc được giải quyết nhanh chóng, Khánh Nhã muốn biết tình hình nơi đây cũng như hỏi chuyện cấm vệ quân.Nhưng, nhìn ánh mắt cương quyết của Duệ Thanh, Khánh Nhã biết mình một bước cũng không thể rời khỏi nơi đây. Duệ Thanh tin rằng, vì an toàn, phải ngăn Thánh đế ra ngoài. Cho nên, dù có nói rõ lý do, Khánh Nhã tin rằng, cậu ta cũng không nhượng bước, mà ngược lại sẽ nói:
-Đó không phải là việc của Thánh Đế bệ hạ.
Khánh Nhã nhíu mày, suy nghĩ, tìm cách thoát vây.
-Một mình không được chứ gì.
-Vâng ạ, một mình đi lại trong biên quan quá nguy hiểm.
Duệ Thanh liền gật đầu.
-Vậy thì 2 người cũng được. Khanh có thể đi theo nhưng phải đi cách xa một chút.
-Hai người cũng không được. Vùng biên quan rất lộn xộn, không phải là nơi bệ hạ có thể đi dạo.
-Vậy thì thêm 1 cận vệ cũng được.
-Bệ hạ, bao nhiêu người cũng vậy, ngài không nên đi ra ngoài.
-Cứng đầu thật. Vậy thì 4 người. Đây là sự nhượng bộ cuối cùng. Duệ Thanh, khanh nghĩ vì sao trẫm đến đây? Không phải vì nâng cao sĩ khí sao? Nếu trẫm không ra ngoài biên quan, làm sao có thể tiếp xúc với binh sĩ.
-Chuyện đó thì... đúng là vậy nhưng...
Duệ Thanh thoáng chút bối rối. Những điều Khánh Nhã nói không sai, trong nhất thời không tìm ra lời nào để đáp trả lại. Khánh Nhã cũng biết thế nên đã nói như vậy.
-Cho 4 người đi theo, tính luôn cả khanh. Nếu vậy mà cũng không được thì trẫm sẽ trốn ra ngoài vào ban đêm.
-Bệ hạ!
Duệ Thanh biết Khánh Nhã đã nói là làm. Nếu tiếp tục ngăn cản, chắc chắn sẽ tìm cách trốn đi một mình. Nếu cần thiết, Duệ Thanh sẵn sàng lấy mạng mình ra can ngăn nhưng việc ra ngoài biên ải không đến mức phải làm như vậy. Cậu hạ hai cánh tay vẫn dang rộng nãy giờ, hỏi lại:
-Có đúng là bệ hạ sẽ cho 4 người theo phải không ạ?
-Ừ.
Biết là đã thắng, Khánh Nhã vui vẻ gật đầu.
-Thần sẽ lập tức gọi người đến. Xin bệ hạ chờ một chút.
Duệ Thanh vừa nhìn Khánh Nhã, vừa gọi một thị quan đứng gần đó.
-Lập tứ chuẩn bị.
Nghe lời Duệ Thanh, thị quan có thở phào nhẹ nhõm, vội chạy về hướng tập kết của cận vệ binh. Lúc đó, Khánh Nhã lướt qua Duệ Thanh, vội rảo bước về phía cổng lớn. Duệ Thanh liền quay người lại, đuổi theo sau.
-Bệ hạ, ngài đi đâu vậy, cận vệ binh vẫn chưa tới. Bệ hạ đã hứa sẽ cho 4 người đi theo mà.
Khánh nhã quay lại nhìn Duệ Thanh, chân vẫn rảo những bước lớn.
-Nhưng trẫm không hứa là sẽ đứng chờ. Cận vệ binh không đến kịp không phải là lỗi của trẫm.
-Bệ hạ, ngài lại... uhm...
Duệ thanh chưa nói dứt lời đã bị Khánh Nhã dùng tay bịt miệng, bị ôm chặt đến nỗi không thể cử động được. Định nói : “Bệ...bệ hạ...” nhưng bị bịt miệng nên không cách nào phát âm rõ được, chỉ nghe những tiếng “uhm...uhm...“. Khánh Nhã ép sát cậu vào trong.
-Hoặc là chỉ có khanh đi theo, hoặc là trẫm đi một mình.
Lời của Thánh Đế bao ham cả ý : “ còn nói nữa là cả khanh cũng không được đi“. Bị uy hiếp, Duệ Thanh đành phải gật đầu, thầm nghĩ sẽ để lại dấu hiệu trên đường đi để cận vệ binh có thể lần theo.
-Được rồi, ngay từ đầu ngoan ngoãn nghe lời có phải là đỡ tốn thời gian không. Đi thôi.
Thấy Duệ Thanh nhượng bộ, Khánh Nhã buông cậu ra, vui vẻ bước ra phía cổng. Bọn thị thần đứng gác ngoài cổng nhìn Thánh Đế đi ra, mặt tái xanh, giương mắt ngó Duệ Thanh. Cậu khẽ gật đầu với bọn họ rồi nhanh chóng rảo bước theo bên cạnh Thánh Đế.
*******
Trong các Thánh Đế của Hoa vương triều, Khánh Nhã nổi tiếng là người tự do, phóng túng nhất. Kể từ lúc tại vị cho đến nay, mỗi lúc cao hứng lại trốn ra ngoài, vui chơi ở phố chợ. Có khi, thị quan, cận vệ, sau một hồi lục xét khắp trong ngoài, lại thấy Thánh Đế ngồi trong quán rượu, đang chén tù chén tạc với dân thường. Chính vì vậy, Khánh Nhã vẫn thường bị bá quan nhắc nhở:
-Bệ hạ là thân phận tôn quý...
Người thường xuyên nhắc nhở, can gián cũng là người luôn tìm ra được Khánh Nhã chính là Duệ Thanh, tể tướng đương triều.
Tuyệt đối trung thành với Thánh Đế, được hầu bên cạnh Thánh Đế là vinh dự và hạnh phúc lớn lao, vì Thánh Đế sẵn sàng hi sinh mạng sống, Duệ Thanh là một trung thần tài trí và đầy nhiệt huyết. Khánh Nhã không ít lần phải nghe “dù có chết cũng phải ngăn cản bệ hạ...“. Duệ Thanh, vóc dáng nhỏ bé, dễ thương nhưng lại vô cùng cứng rắn. Khánh Nhã rất tin tưởng và yêu quý Duệ Thanh nhưng đồng thời cũng xem cậu là kẻ gây phiền phức, là “thiên địch” cho hành động của mình.
Khánh Nhã, được truyền tụng là rất giống Thánh Đế đầu tiên, thân cao hơn sáu bộ, thân hình cường tráng, không thua kém bất kì võ nhân nào. Sở trường là trường thương, được xem là không có địch thủ. Chính vì vậy, khi ra phố chợ, Khánh Nhã tin rằng, dù có bất cứ chuyện gì xẩy ra, cũng có thể tự bảo vệ mình nên không thích ai theo gây phiền.
Lúc đầu, Khánh Nhã chú ý đến Duệ Thanh bởi vẻ đẹp rất thánh thiện, cùng với cách làm việc “vì Thánh Đế sẽ cố hết sức mình”, nên ít nhiều nghe lời của cậu. Dần dà, điều đó trở thành một thói quen, ở một mức độ nào đó, Khánh Nhã rất nghe lời Duệ Thanh. Cho nên, để có thể hành động tự do, Khánh Nhã phải suy nghĩ trăm phương ngàn kế. Đây cũng là một thú vui của vị Thánh Đế phóng túng này.
Bây giờ, Duệ Thanh đã hơn 20 tuổi, trưởng thành hơn xưa rất nhiều, đã trở thành một chàng trai phong nhã, nhưng nét dễ thương vẫn không thay đổi. Vóc dáng nhỏ bé, lại cộng thêm gương mặt dễ thương, đứng bên cạnh đấng nam nhân mạnh mẽ như Khánh Nhã, Duệ Thanh thường bị nhầm là “ái đồng“.
Có lần Khánh Nhã buột miệng:
-Gương mặt dễ thương như vậy mà lại... thật đáng tiếc.
Lúc ấy, Duệ Thanh lập tức nghiêm mặt, thẳng người.
-Gương mặt cũng chỉ là một miếng da. Kẻ chỉ chú trọng vẻ bề ngoài thì không thể gọi là bậc đại nhân.
Từ đó trở đi, Khánh Nhã không bao giờ nói như vậy nữa nhưng trong lòng vẫn thấy nhiều tiếc nuối. Thỉnh thoảng, những lúc không có Duệ Thanh bên cạnh, Khánh Nhã vẫn nói :
-Nếu cười nhiều hơn một chút chắc chắn rất dễ thương. Tiếc thật!
Nếu Duệ Thanh nghe được chắc chắn sẽ nói :
-Cả đời cũng không cười.
*******
Bạch cương thạch, vật mà Khiết Đan muốn chiếm đoạt chính là khoáng vật vô cùng quý giá của Lân Quốc. Nếu mài thành hình tròn sẽ trở thành bảo ngọc lấp lánh, nếu mài thành cạnh sắc sẽ là món vũ khí tuyệt thế. Nếu chiếm được, Khiến Đan sẽ dùng nó làm vũ khí, đánh chiếm các nước khác.
Để ngăn cản dã tam của Khiết Đan, Hoàng Đế đã thành lập Cấm Quân. Thế nhưng, tuy cấm quân rất đông nhưng không thể nào trấn áp được quân Khiết Đan. Sau một vài lần giao tranh, Cấm Quân đã phải rút sát về biên quan. Trong dân gian, có nhiều lời đồn đại là do Hoàng Đế không có khả năng điều binh.
Người đang tại vị Hoàng đế chính là quốc vương của Tinh Quốc. Quốc vương Tinh Quốc được đăng quang không phải vì tài quân sự hơn người mà do khả năng đàm phán, cùng với tài điều khiển chính sự. Ngay khi vừa tại vị, Hoàng Đế đã thực hành một số chính sách cải tạo các chế độ liên quan đến binh sĩ như nghỉ giao ban,.... Nhờ đó, năng lực của Cấm Quân đã được thiện rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ sức để đẩy lùi Khiết Đan.
Người mật tấu với Thánh Đế về tình hình chiến trận chính là thống soái Cấm Quân, Ứng Minh đại nguyên soái. Hoàng Đế đã bỏ ngoài tai mọi lời tấu trình, sách lược của Ứng Minh, và đưa ra những kế hoạch tác chiến thiếu thận trọng. Ở Hoa vương triều, binh quyền nằm trong tay Hoàng Đế. Đại nguyên soái có thể đưa ra các sách lược điều binh nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là Hoàng Đế.
Tình hình chiến trận lẫn sự bất mãn đối với Hoàng Đế ngày càng nghiêm trọng. Trước khi trở nên không thể cứu vãn, Khánh Nhã nghĩ cần phải tìm ra cách giải quyết nên quyết định thân chinh ra vùng biên quan. Vì liên quan đến an nguy của Thánh Đế, bá quan trong triều đã quyết liệt phàn đối. Và dĩ nhiên, Khánh Nhã đã không ngoan ngoãn nghe lời mà ở lại trong hoàng cung.
-Trẫm là Thánh Đế.
Và sau câu nói đó, hiện tại, bá quan triều đình đang thở dài hoang mang vì cả Thánh Đế khánh Nhã lẫn tể tướng Duệ Thanh đều không có ở Lâm Dương.
Nhưng cho dù khánh Nhã có khả năng dẫn quân chinh phạt Khiết Đan, thì Thánh Đế không thể xen vào quân vụ. Nhưng Khánh Nhã cũng không thể đứng nhìn bá tánh và binh sĩ chết oan. Theo luật của Hoa vương triều, Thánh Đế có quyền truất phế Hoàng Đế nếu có lý do chính đáng.
_________________________________________________
Chú thích :
-Sáu bộ: khoảng trên dưới 1m8, 1 bộ tương đương 0,3m.
-Đại nhân : không nói về tuổi tác mà chỉ người vừa có tài trí hơn người, nhìn xa trông rộng, có tấm lòng quảng đại.