Lúc ấy Tích Nhan vừa về đến nhà, tâm tình rầu rĩ, cả ngày ngồi trong phòng may quần áo cho Chân Lam, không nói chuyện cũng chẳng ăn gì. Trác Vấn Tụ liền đổi biện pháp tìm vải hoa đủ các kiểu cho Tích Nhan, giúp nàng may những bộ quần áo ấy. Có hôm, Tích Nhan ngẩng đầu mỉm cười vỡ vụn, nói với Vấn Tụ: “Mẫu thân, kỳ thật con biết, Chân Lam không hề tồn tại. Chỉ là, con nhất định phải làm như vậy, bằng không con sẽ nhịn không được mà hỏi…”
Trác Vấn Tụ trong lòng cả kinh, nhất thời lại không biết nên nói gì, những bí mật ấy chôn dưới đáy lòng lâu lắm rồi, cho rằng sẽ chẳng ai biết. Nhưng Tích Nhan cứ phải hỏi, lòng nàng và Phong Duyên đều trong sáng như nhau.
Trác Vấn Tụ khẽ thở dài, vén lọn tóc xõa xuống thái dương ra sau tai. Nàng biết mình đã già yếu trước tuổi, tóc mai bạc trắng, người khác cho rằng nàng đang nhớ lại trượng phu sớm mất, nhưng chỉ có bản thân nàng biết, mình đang sợ hãi, đang sám hối, đang tuyệt vọng.
“Mẫu thân, xin người đừng khó chịu, có một số chuyện, biết hay không cũng không quan trọng, nhưng việc muốn biết đó với con lại rất quan trọng…” Tích Nhan vòng vo một chút, sau đó yên lặng cúi đầu may bộ y phục be bé cho Chân Lam.
Trầm mặc, trầm mặc làm cho Trác Vấn Tụ thậm chí cảm thấy những lời nghe thấy trước kia đều không tồn tại.
Thế nhưng, bí mật cuối cùng vẫn sẽ bị vạch trần.
Thời điểm bí mật bị vạch trần, Trác Vấn Tụ có cảm giác như trút được gánh nặng. Từ đây, người gánh phải bi thương sẽ không chỉ còn một mình nàng.
Trác Vấn Tụ lúc gả cho Mục Phong Duyên chỉ mới có mười bốn, còn nhỏ hơn Tích Nhan năm đó tiến cung một tuổi. Năm ấy Phong Duyên mười tám, ngọc thụ lâm phong, phong hoa tuyệt đại. Trước đấy Vấn Tụ chỉ từng gặp Phong Duyên một lần. Trên hội hoa đào Tô Hàng, Phong Duyên một thân bạch y nhẹ nhàng mà đến, nhặt tượng đất rơi, nở nụ cười với nữ hài nhi mười bốn tuổi…
Khi đó, Vấn Tụ liền biết, đời này nàng đã không thể là chính mình nữa. Trong những năm tháng về sau, nàng thành cái bóng của Phong Duyên, dùng sự sùng bái và ái mộ tuyệt đối, nhìn những đau đớn và giãy giụa của nam tử này.
Vấn Tụ nói: “Để muội giúp chàng đi, tướng công.”
Phong Duyên lại cười, tươi cười giống khi lần đầu tiên trông thấy Vấn Tụ, làm người như gội trong gió xuân, rồi lại xa xôi mà tàn khốc vô cùng.
Phong Duyên lúc hấp hối, cho lui nhi nữ, nhi tử cùng tỳ nữ. Y cầm tay Vấn Tụ, thấp giọng nói: “Vấn Tụ, nàng không cần khổ sở, việc ta có thể vì nàng, cũng chỉ có thế này. Chỉ là về sau nàng cô đơn không nơi nương tựa, khiến ta chung quy không thể yên tâm…” Phong Duyên thở dài. Vấn Tụ lại xanh xám mặt. Nguyên lai Phong Duyên biết hết đấy, thế nhưng y vẫn cười mà uống từng chung độc dược kia… Một năm ròng rã, khi y đau tột đỉnh, cũng chỉ cắn chặt răng không nói một câu. Lúc đó, Vấn Tụ mang theo một chút khoái cảm trả thù nhìn trán Phong Duyên túa mồ hôi lạnh. Nàng nghĩ, cuối cùng vẫn chỉ có một mình nàng, nhìn nam tử phong hoa tuyệt đại kia thống khổ giãy giụa, nhìn y chết dần chết mòn…
Thế nhưng hiện tại, Vấn Tụ đột nhiên minh bạch, đó chỉ là một phương thức Phong Duyên báo đáp nàng, cũng như mười bảy năm trước, y vì đáp tạ phụ thân nàng, ân sư của y mà cưới nàng vậy, đây chỉ là phương thức y dành cho một người trong trần thế này.
Y đáng ra phải sớm rời khỏi thế giới này.
Trước khi thành hôn, Vấn Tụ đã tưởng tượng cuộc sống sau khi kết hôn một cách tỉ mỉ. Một tòa u trạch, một dải biển hoa, một hồ nước trong, một ván cờ dở, một cây cổ cầm… Như thi như họa, cũng chỉ như vậy nhỉ?
Sau khi thành thân, Vấn Tụ và Phong Duyên sống những ngày nâng khay ngang mày, tương kính như tân, cha mẹ chồng vừa lòng với nàng. Vấn Tụ ba tuổi học nữ công, năm tuổi đọc thi thư, nhã nhặn hiền thục, là một tiểu thư khuê các khó được, phụ thân là học sĩ Hàn lâm viện, lúc trước gả cho Mục Phong Duyên, cũng là một đại sự khá phong quang của Giang Nam.
Cùng năm ấy, Phong Duyên mười tám tuổi được Vĩnh Thuận đế Kỳ Duệ chiêu đến Hàn lâm viện dạy học, khẩu chiến quần nho, được Hoàng đế tán thưởng. Nhưng Phong Duyên lại từ chối chức quan, nói mình không phải là người có thể làm quan, chỉ mong mở thư viện bồi dưỡng nhân tài mới cho giang sơn xã tắc. Vĩnh Thuận đế không gây khó dễ, để y trở về Giang Nam, không lâu sau ban cho bảng bốn chữ vàng “Thanh Phong thư viện”. Thanh danh đại nho Giang Nam Mục Phong Duyên, chính là xác lập từ khi đó.
Trước đấy, Phong Duyên đã lấy thơ văn nổi tiếng thiên hạ, Vấn Tụ vẫn nhớ phụ thân mình từng khen học trò này không dứt miệng, xưng y là kỳ tài đương thời, có thao lược trị quốc. Chỉ là Phong Duyên chưa từng đặt tâm tư trên sĩ đồ, duyệt khắp điển tịch thượng cổ mới là sở cầu suốt đời y.
Thiếu phu nhân, thiếu gia nói đêm nay ngủ ở thư phòng, mời người nghỉ ngơi trước. Khi đó, tỳ nữ bên cạnh Phong Duyên luôn truyền lời như vậy, khiến nàng có phần oán hận. Thế gian này, chẳng nữ tử nào lại rộng lượng nguyện ý một mình trông phòng, mà đối thủ chỉ là mấy bản thư tịch ố vàng.
Nhưng Phong Duyên lại rất ôn nhu, thế gian này chẳng có nam tử nào cẩn thận như y, cho dù đi ra ngoài đạp thanh cũng sẽ mang về một bó hoa dại đang nở xán lạn, đưa đến trước mặt Vấn Tụ. Y vì nàng đánh đàn, từng li từng tí, chạm tâm hồn người.
Trước mặt Phong Duyên, Vấn Tụ cảm thấy mình thật thấp bé, ngẩng đầu cũng chẳng thấy rõ mặt Phong Duyên. Mặt y, diễm lệ khiến người không dám nhìn gần, mà vẻ thong dong nhàn đạm trên khuôn mặt ấy, dường như không phải người trên thế gian này có thể có được. Đôi lúc Vấn Tụ nửa đêm tỉnh dậy, trộm nương ánh trăng nhìn khuôn mặt an bình của Phong Duyên, liền có ảo giác sẽ lập tức mất đi.
Loại ảo giác khiến nàng cảm thấy tâm cũng sẽ chết đi ấy, bầu bạn với nàng suốt mười bảy năm. Vô số đêm, nàng phá tan mộng cảnh của mình mà tỉnh dậy, nhìn nam tử bên cạnh, lại cảm thấy hết thảy đều nát vụn.
Sống cũng thế, chết cũng thế, còn có mộng, nhất tề vỡ nát vung vãi dưới mặt đất.
Ngày thứ hai sau hôm Phong Duyên mất, Vấn Tụ soi gương chậm rãi chải đầu, người trong gương vẻ mặt tiều tụy, tóc mai lại phiếm ánh bạc. Vấn Tụ biết, bản thân nàng cũng chết rồi.
Nàng đã giết chết trượng phu mình, từ đây về sau, nàng cũng chết đi.
…
Vẫn là, vẫn là nhịn không được viết…
Phong Duyên.