Lớp nhất là tập thể những đứa thích tự kiếm thêm bài cho mình làm. Đây là chuyện cả khối đều công nhận.
Có người nghe vậy xong sẽ tự ngẫm lại mình rồi chủ động tăng khối lượng học lên. Tuy nhiên cũng có người cảm thấy đúng là mấy con mọt sách chỉ biết học, tự dưng rước thêm chuyện vào người.
Đây là nguyên nhân chênh lệch khoảng cách dần tăng lên.
Sau khi thêm nhiệm vụ đọc tư liệu thực tế vào nội dung học, Ngô Du Du càng cảm thấy không có đủ thời gian để làm mọi việc. Giờ ôn bài buổi khuya không thể nới thêm, cả phòng đã sát mười một giờ đêm mới ngủ, nếu học trễ hơn nữa thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất học bài ngày hôm sau.
Khoảng thời gian duy nhất có thể tận dụng nốt là giờ ra chơi giữa các tiết và giờ ăn cơm.
Không được mang bữa sáng vào lớp học là một trong các quy định của trường M. Tuy nhiên buổi sáng lại không có giáo viên đi kiểm tra các phòng.
Các học sinh của lớp nhất liền nhờ vả đám học sinh ngoại trú mua giúp điểm tâm luôn. Hồi đầu thì chỉ có vài người như vậy.
Vì học sinh ngoại trú không cần tham gia chạy buổi sáng nên chỉ cần dậy sớm một chút để kịp mua bữa sáng. Nhóm Ngô Du Du hễ cứ vào lớp là lại ngửi thấy mùi bánh bột mì trứng rán.
Dần dần, việc nhờ học sinh ngoại trú mua điểm tâm càng ngày càng phổ biến. Thậm chí có lần nhóm Ngô Du Du còn thấy cậu bạn Lâm Vĩ, một học sinh ngoại trú của lớp, xách một túi mua hàng to đùng, lấy trong đó ra hơn hai mươi phần bánh bột mì trứng rán và hơn mười bịch sữa đậu nành.
“Mẹ kiếp! Còn thế này nữa ông đây thành đại lý mua giúp mất!” Cậu ta vẫn thường hay bực mình chửi như vậy, “Mấy người có biết hồi sáng lúc tôi nói với ông chủ là muốn mua hai chục phần bánh bột mì trứng rán thì cặp mắt mấy người xếp hàng đằng sau trông kinh khủng lắm không!”
Biết cậu ta không tiện, phòng ký túc 310 cũng quên luôn ý tưởng nhờ học sinh ngoại trú mua giúp điểm tâm. Mọi người chuẩn bị sẵn một ít bánh mì, chạy buổi sáng xong là đi thẳng lên phòng học ngồi ăn, xếp hàng ở căng tin rất mất công, làm thế này có thể tiết kiệm được không ít thời gian.
Mỗi buổi sáng, sau giờ thể dục buổi sáng, các học sinh nội trú đều đi về phía căng tin, chỉ có học sinh lớp nhất là vội vàng phi lên lớp.
Đám bạn học ngồi gần cửa sổ đồng loạt mở hết cửa sổ ra bất kể bên ngoài gió thổi vừa mạnh vừa lạnh, miễn là tản cho hết mùi đồ ăn sáng, không thể không hy sinh sự ấm áp một chút.
Lúc mọi người đang chia nhau phân phát túi bánh bột mì trứng rán mấy đứa ngoại trú mua giúp cho thì thầy Vương Phi ở đâu ra bỗng nhiên đứng ngay cửa lớp.
“Làm cái gì thế này! Dám mang đồ ăn sáng đến lớp à! Chủ nhiệm lớp các cậu dạy các cậu thế nào hả?”
Mọi người lập tức co đầu rụt cổ, chỉ còn Lâm Vĩ và mấy bạn ở ngoại trú là khóc không ra nước mắt.
“Mấy cậu đi theo tôi! Mang theo túi đồ ăn sáng đi cùng!” Nói xong, thầy Vương Phi đắc ý bỏ đi.
Lâm Vĩ xách cái túi to lên định đi theo.
Tào Chính Vũ kéo cậu ta lại: “Thằng ngốc! Để bánh bột mì trứng rán lại! Đem sữa đậu nành đi thôi!”
Cậu ta vừa nói xong, lập tức mấy cái tay ở xung quanh bắt đầu vèo vèo “dỡ hàng”. Cuối cùng Lâm Vĩ chỉ còn xách khoảng 7, 8 túi sữa đậu nành ra khỏi lớp. Mấy thằng con trai trong lớp còn nhẫn tâm hét với theo:
“Cố lên nhé!”
“Vất vả rồi!”
“Sống sót trở về nhé Tiểu Vĩ Vĩ!”
Sự kiện bánh bột mì trứng rán lần này thực ra chẳng gây nên nổi chuyện lớn gì. Thầy Vương Phi phăm phăm xông tới chỗ thầy Mai Hiểm Phong vạch tội nhưng thầy Mai Hiểm Phong chỉ nhìn cái túi rồi nhẹ nhàng phán một câu: “Không được ăn trên lớp chứ đâu có cấm uống, mấy em ấy uống một chút thì có sao đâu nào.”
Thầy Vương Phi quay đầu lại nhìn, bánh bột mì trứng rán đâu rồi?! Đợi đến khi thầy vòng trở về lớp truy sát thì căn phòng chỉ còn phảng phất mùi bánh bột mì trứng rán và mấy cậu học sinh ngoan ngoãn hiền lành của lớp nhất đang chăm chỉ ôn bài.
Vụ này khiến thầy ta khá là tức tối.
Hôm sau, chẳng đứa nào dám nhờ các bạn ở ngoại trú mua bữa sáng cho nữa. Đến giờ chạy buổi sáng thì bất ngờ phát hiện thầy Mai Hiểm Phong đang đứng chờ giữa sân thể dục, bên cạnh đặt một cái túi thật là to, bên trong cái túi toàn bộ đều là bánh bột mì trứng rán và sữa đậu nành!
“Mau ăn đi! Mọi người đều đang bên sân bên kia tập thể dục buổi sáng, không ai thấy đâu!” Thầy giục, “Cho mấy đứa ăn trong năm phút rồi bắt đầu bài chạy chậm nhé.”
“Muôn năm!”
“Mai đại ca chính là cha của em!”
Đám học trò hò reo thích chí.
Những ngày tiếp đó cho đến tận trước ngày thi đại học, mỗi ngày mọi người đều được ăn bữa sáng do thầy Mai Hiểm Phong mang đến. Người thầy ngày thường nghiêm túc, chững chạc này đã dùng cách riêng của thầy để chăm lo cho đám học trò nhỏ dại của mình.
Hôm nay vì Ngô Du Du làm bài tập Vật lý hơi chậm nên lúc ra về thì khu nhà dạy học đã sắp khóa cổng.
Ngô Du Du chạy vội vàng về phía cửa ra, lúc ngang qua dãy văn phòng thì tình cờ thấy thầy Mai Hiểm Phong vẫn đang tựa vào bàn viết bài.
Bác bảo vệ đang đứng đằng xa vẫy tay gọi đi nhanh lên, Ngô Du Du sốt ruột gõ cửa phòng thầy nhắc: “Thầy ạ? Thầy vẫn chưa về à? Sắp đóng cổng rồi.”
Lúc này thầy Mai Hiểm Phong mời rời mắt khỏi trang giấy, giật mình phát hiện ra đèn đã tắt hết rồi. Mọi người trong văn phòng đã về hết, chỉ còn mỗi một mình với cái lưng đau ê ẩm và cặp mắt thì do xem lâu quá nên đã nhức lên.
Thầy nhắm mắt lại rồi mở ra để tỉnh táo hơn rồi bảo với Ngô Du Du: “Thầy biết rồi, cám ơn em. Em mau về đi, ký túc sắp tắt đèn rồi.”
Ngô Du Du lại gần giúp thầy nhặt mấy tờ giấy rơi trên sàn, trên đó viết chi chít những chữ, toàn là tư liệu thực tế được tóm tắt lại, thật là bất ngờ.
Rời khỏi dãy nhà học, hai thầy trò cùng đi về phía ký túc xá. Nhà ở tập thể của giáo viên nằm kế bên khu ký túc xá của học sinh.
Giờ này trên lối đi chính đã không còn ai qua lại, nhờ ngọn đèn đường sáng yếu ớt có thể thấy được quầng mắt thâm đen của thầy Mai Hiểm Phong.
“Thưa thầy… thầy đang soạn tư liệu thực tế ạ?” Ngô Du Du tò mò hỏi.
“Ừ.” Thầy Mai Hiểm Phong đủng đỉnh đáp.
Ngô Du Du nhìn thầy một cái rồi làu bàu: “Bữa cô Cố nói cũng thật hơi quá…”
“Cô ấy không sai.” Thầy Mai Hiểm Phong ngắt lời, vẻ mặt thực sự nghiêm túc, “Hãy nhớ, cho dù là lúc nào, ở đâu thì cũng chớ bao giờ nói thầy cô dạy mình không phải.”
Ngô Du Du cũng tự biết mình không lễ phép lắm nên ngoan ngoãn ngậm miệng.
Thầy Mai Hiểm Phong quan sát cô học trò nhỏ rồi lại dõi mắt nhìn ánh đèn sáng hắt ra từ dãy nhà ký túc phía xa xa, thầy bảo: “Mỗi người đều bảo vệ cái lý của mình, thầy muốn nâng cao khả năng viết của các em nhưng thầy là vì để thi đại học còn cô thì là vì tôn trọng văn học. Không việc gì phải tranh chấp đúng sai, cô không ủng hộ thì thầy tự đưa ra ý kiến, tự làm luôn.”
Nói xong thầy lại bảo thêm: “Có điều, thầy không giỏi vụ biên soạn này lắm, dù sao cũng không đúng chuyên môn mà.”
Ngô Du Du nghe vậy nở nụ cười, văn của thầy Mai, kể cũng muốn đọc thử một chút xem nó thế nào.
Hôm sau, giờ tự học buổi tối, Ngô Du Du khuân một chồng giấy đến bàn làm việc của thầy Mai Hiểm Phong.
Thầy Mai Hiểm Phong ngẩng đầu lên nhìn một đống giấy trên bàn, cau mày bảo: “Cái gì thế này.”
Ngô Du Du ló đầu ra khỏi chồng giấy, cười hì hì thăm dò: “Đây là những tư liệu thực tế để viết văn mọi người trong lớp sưu tầm và tóm tắt lại từ bữa đó đến nay, tuy mỗi người một cách lọc nhưng nó đều rất sát với nhu cầu thực tế của bọn em. Nếu được, thầy có thể chỉnh sửa lại cái này tập hợp làm thành một quyển rồi phát lại cho bọn em thì tốt.”
Hôm qua sau khi về ký túc nói chuyện với mọi người, hôm nay mấy đứa liền kêu gọi cả lớp cùng nhau hiệp lực, hầu như ai cũng tình nguyện đóng góp những tài liệu mình đã thu thập được ra.
Thầy Mai Hiểm Phong lật đại vài tờ xem qua, mặt mày tươi tỉnh: “Bọn nhóc con, thế mà không đưa sớm một chút.”
Ngô Du Du nhìn cả đống “Tập san thanh niên” và “Tri âm” trên bàn thầy cũng phì cười: “Thầy ạ, thực ra thầy có ý tưởng gì cứ nói thẳng với bọn em thì đã chẳng phải làm việc này rồi. Nếu thầy bảo với bọn em là thu thập tư liệu thực tế có thể nâng cao chất lượng bài văn thì chẳng cần thầy phải ngồi biên soạn, bọn em sẽ tự làm.”
Thầy Mai Hiểm Phong nhìn cô trỏ nhỏ cười đầy chân thật trước mặt, khóe miệng thầy cũng cong cong: “Mấy đứa nói thế đó mới chỉ là nhiệm vụ làm công tác chỉ dẫn cho học trò của người thầy, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 còn có một vai trò khác nữa, đó là đem hết khả năng của bản thân ra, tiết kiệm thời gian và công sức cho các em.”
Ngô Du Du biết thầy vẫn luôn kề vai sát cánh giúp họ trưởng thành, trước đây chỉ cảm thấy ông thầy này thật là lợi hại chứ mấy khi biết nghĩ xem thầy có phải thức khuya để chuẩn bị đề, chấm và sửa bài thi hay không, có phải mỗi ngày thầy vẫn luôn nghiền ngẫm phân tích con đường mọi người phải đi kế tiếp ra sao không.
Họ bước đi trên con đường thênh thang mà thầy đã dọn sẵn, càng đi càng vững chân hơn, có ai đã từng nghĩ đến công lao vất vả của thầy, thậm chí có khi còn quay ngược lại trách sao đường đi khó.
Ngô Du Du mím môi nhìn người thầy trước mắt đang lật xem từng trang ghi chép, chân thành và kính cẩn nói một câu:
“Thầy Mai ơi, cám ơn thầy ạ.”
Nói xong Ngô Du Du liền cúi đầu tránh cái nhìn đầy ngạc nhiên của thầy, xoay người chạy vội khỏi phòng.
Thầy Mai Hiểm Phong nhìn theo bóng lưng của học trò, gương mặt cương nghị dần trở nên ôn hòa. Thầy nghĩ đại khái mình đã hơi hơi hiểu vì sao các thầy cô ngày nào cũng chê trách đám học sinh nhưng cuối cũng vẫn tình nguyện hy sinh mọi thứ vì chúng.
Bởi vì khi sự hy sinh của bạn gặt hái được sự tôn trọng của người khác, chút vinh quang ấy thật khó nói hết bằng lời.