Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười bốn
Phủ Phong Châu, Triệu Cường mưu đảo chính
Huyện Gia Ninh, kiến nhỏ gặp mưa rào
Chương 14.2 Cái chết bất ngờ
Dáng người gù gù, chân tay dài ngón Lý Toàn cầm chiếc tiêu đứng trên mỏm đá thổi lên thứ âm thanh kỳ quái kia. Cao Văn Trác đi từ trong núi đứng cạnh Lý Toàn giương mác chỉ trỏ:
- Cái tên họ Thi đáng ghét đó. Đệ chỉ muốn chém nó một phát bay đầu.
Lý Toàn hé răng mà không hay chàng cười hay mếu:
- Kẻ đó tà tâm, nếu không phải vì thứ âm thanh từ cây tiêu phát ra thì sẽ chẳng thể nào khắc chế được hắn. Con người này không thể xem thường.
Văn Trác hỏi:
- Tại sao anh lại ở núi này? Không dẫn binh trở về?
Lý Toàn thở dài:
- Quân lính của ta hết thảy đã bị đội quân áo đen kia bắt giết. Chỉ còn hơn ba chục người vượt sông Lô chạy được đến chỗ này. Một vài người chạy về Bạch Hạc đều bị họ Triệu kia ra tay sát hại. Dẫu căm tức muốn trở về mà chỉ e hai bên địch giao chiến, chúng ta không thể đi theo đường ấy mà trở về Vũ Bình.
Cao Văn Trác sồn sồn:
- Lại là cái tên Triệu Cường đó. Đến cả anh Lý Toàn mà hắn cũng chẳng nương tình hay sao.
Lý Toàn chẹp miệng:
- Nếu là Triệu Cường thì đã không nên nỗi. Ngày trước, chủ tướng cùng Triệu Cường đó nương nhờ chỗ ta mà thoát nạn diệt vong. Với tính tình của Cường, ta nghĩ hắn không dám làm ra chuyện bất nghĩa ấy. Mấy ngày trước, từ Bạch Hạc có một đám gia quyến họ Triệu chạy lên phía bắc gặp người của ta. Em trai Cường là Triệu Cam ra tay giết chết người của ta ở Lịch Sơn, buộc ta phải lui tới đây.
- Nếu Triệu Cường trọng nghĩa khí hắn đã không buộc Đỗ quân sư phải trốn khỏi châu Phong, bọn đệ đâu phải vì hắn mà phải mang quân tới Bạch Hạc giải cứu Đỗ Tồn Thăng.
- Đệ nói sao? Gã Quỷ chẳng phải luôn kè kè theo quân sư hay sao?
Cao Văn Trác lắc đầu:
- Thì là như vậy. Đệ nghe Gã Quỷ đó ở lại Bạch Hạc để tìm vợ và con trai hắn. Liêu Đức Thinh nghe tin họ Đỗ và huynh đang ở châu Phong gặp nạn mà ký quân lệnh trạng đi tìm hai người. Chẳng may cũng bị bắt nhốt ở nhà lao Bạch Hạc. Doãn Kiên phó tướng của đệ đã gặp hai người đó ở trong ngục. Đệ và Hà Bình Xuyên mang binh đi theo để đề phòng bất trắc ai ngờ đâu quân Tống Bình đánh tới, nên mọi chuyện mới ra như thế này.
- Ra vậy, chắc là Đỗ Sĩ Giao tiến cử hai người đi có phải không?
Họ Cao nét mặt trầm tư, ánh mắt nhìn theo Lý Toàn. Bụng dạ họ Cao thật thà nói thẳng với Lý Toàn:
- Chẳng giấu gì. Đệ nghe lời Hà Bình Xuyên làm theo mưu kế của họ Đỗ đó. Mà tính tình đệ thẳng thắn, không làm được cái điều dối trá ấy chỉ sợ hỏng hết việc. Cũng may mà Triệu Cường không phát hiện ra chứ không đệ cũng theo lão già Triệu Hoằng đó đi rồi.
- Đệ có thật thà thì Sĩ Giao mới dùng. Vào kẻ khác mồm mép tép nhảy thì máu chảy đầu rơi từ đã lâu. Bây giờ thế này, đệ hãy mang binh lính của đệ đi về phía tây, đến bờ sông có một xóm chài nhỏ, đệ mang theo chiếc gùi này nói là “Xin cá qua sông”. Sẽ có người dẫn đệ trở về thành Bạch Hạc.
Cao Văn Trác nghe lời Lý Toàn, sáng sớm ngày hôm sau tập hợp số binh lính còn lại được hơn nghìn rưỡi đi về phía tây.
Đúng như lời Nga Tú Du Thủy, Văn Trác gặp một lão ngư liền mở lời nói với lão: “Xin cá qua sông”. Dân chài huy động mười chiếc thuyền lớn nhỏ chở quân lính qua sông đi về tới thành Bạch Hạc.
Triệu Cường trông thấy Văn Trác mặt mày xầm xì, quần áo tả tơi, quân lính mặt mũi thất thần mà lấy làm không vui. Văn Trác trước toàn quân nhận tội với Cường.
Cường vỗ về Văn Trác:
- Cao tướng quân không quản sống chết mà giải vây cho Bạch Hạc. Đó là có công. Xét về quân lệnh thì tướng quân đã trái ý nhưng dẫu sao thì tướng ở bên ngoài tự quyết nếu lệnh của cấp trên gây bất lợi cho quân ta.
Triệu Cường sai người mang giáp phục mới cho Văn Trác và đám lính mới trở về. Cường nói an lòng quân lính họ Cao:
- Ta nghe các ngươi binh mã ít ỏi, binh thưa tướng ít mà lập được công lao. Nay thưởng cho các ngươi mỗi người hai thạch gạo, mỗi bữa được hai ly rượu để tăng thêm sĩ khí.
Cao Văn Trác nói với Triệu Cường:
- Ta có hai phó tướng là Doãn Kiên và Lục Đàn Ức bị quân Tống Bình bắt đi, không biết sống chết ra sao. Xin Triệu tướng quân an lòng gia quyến hai người đó để họ bớt đi oán giận quân ta.
Cường thuận ý, cử người đến tận nhà hai người đó để tặng lễ phẩm. Phong cho con cái hai người đó làm quân úy hậu sinh, được nuôi dậy trong quân, lớn lên được cầm binh mã tùy theo năng lực.
Văn Trác ngỏ ý với Triệu Cường muốn được tới nhà lao thành Bạch Hạc để gặp Liêu Đức Thinh. Triệu Cường cũng thuận theo tự mình dẫn Trác tới nhà lao.
Bước vào nhà lao cái thứ ám khí nồng nặc bốc lên khiến Trác nhăn nhó mặt mày. Một tên lính cầm chiếc đuốc lớn dẫn hai người đi qua một dãy các phòng giam ẩm thấp tối tăm. Một chiếc cửa bằng sắt đúc đặc được mở ra. Văn Trác ngạc nhiên hỏi:
- Không phải chứ. Liêu Đức Thinh lại bị nhốt ở đây sao?
Bước qua cánh cửa, không gian tĩnh mịch, một con muỗi bay ngang qua cũng có thể nghe rõ tiếng đập cánh. Gian phòng rộng rãi, bức tường dày bằng đá, có cánh cửa lớn phía ngoài.
Chiếc chõng vẫn còn thơm mùi tre mới, giường chiếu phẳng phiu dải sẵn chiếu cói sạch sẽ. Văn Trác lấy làm kỳ lạ hỏi lại Cường:
- Đây không phải là nhà lao đấy chứ?
Triệu Cường huýt sáo, cánh cửa lớn mở toang, ánh sáng cùng gió chen nhau lùa vào gian phòng. Hai bóng đen kéo lê một người râu rậm, sẹo đuôi mắt kéo dài. Dường như hắn không còn chút sức lực, ánh mắt đờ đẫn rồi nằm sấp mặt xuống dưới sàn.
Hai tên lính đó cầm theo một miếng vải lớn, trên đó nét chữ ngệch ngoạc. Văn Trác không rõ hết mặt chữ đưa cho Cường nhờ đọc lớn tiếng cho Trác nghe:
“Họ Vương là những kẻ có dã tâm ý đồ muốn thu toàn bộ đất Giao Châu. Trước là gây tội ác trời đất không thể dung thứ, họ Vương lợi dụng lòng tham của bọn rể họ Kiều xúi các con rể họ Kiều đẩy cha con Chung Đạt vào chỗ chết.
Họ Vương muốn dùng họ Dương và họ Đỗ làm lá chắn cho quân đội châu Phong nên đã gây dựng một đội binh mã đủ sức chiến đấu giao cho họ Dương nhưng người tính không tính được lòng dạ con người.
Các tướng của Dương Thanh vừa nhận vàng bạc của họ Vương nhưng không trở mặt với họ Dương. Khi Vương Thăng Triều bị Hàn Ước đánh bại thì họ Vương mới kịp nhận ra nên Thăng Hùng buộc phải giữ chân họ Đỗ ở châu Phong làm con tin.
Kế hoạch bất thành, cha con họ Triệu làm thế mạng cho họ Đỗ. Thăng Hùng biết được số họ Vương đã tận nên lao vào những trò dâm lạc.
Thăng Hùng là một tên ác nhân, vẻ bề ngoài ngây ngô của hắn có thể khiến cả vạn binh mã phải phơi xác ngoài chiến trường. Thành Bạch Hạc có mười hai tửu lầu, mười tám sòng bạc lớn nhỏ hết thảy là tai mắt của họ Vương.
Thăng Hùng là một tên hoang dâm có tính tình khác người. Hắn cùng với Mai chuyên đi dụ dỗ dân nữ trong vùng muốn làm thiếp cho hắn nhưng hắn lại để cho kẻ khác cưỡng hiếp rồi mới làm sở hữu của riêng hắn.
Sau khi hết “thời hạn” phục vụ, hắn sai người làm vấy bẩn các cô gái đó rồi lấy cớ đẩy họ ra lầu xanh.”
Văn Trác nghe lời Triệu Cường đọc mà cười sảng khoái:
- Huynh thật là biết đùa.
Tiếng nói từ mặt đất hắt lên:
- Những lời đó không có một chút nào dối trá. Các tướng quân xin hãy tha mạng cho tiểu nhân.
Triệu Cường giẫm lên người họ Toán:
- Giống ác thú nhà ngươi. Nếu không phải Đỗ quân sư tỉnh táo thì chắc hẳn bọn ta đã chết hết trong tay các ngươi.
Văn Trác thắc mắc:
- Hắn là ai, sao huynh lại bắt hắn?
- Y chính là Toán Minh Trù, rể của viên cố phó thứ sử họ Kiều. Thân làm con rể của Kiều Chung Đạt, phận là em của Toán Hoa Tài, lại được hai người đó hết sức nâng đỡ mà y cùng với hai thằng rể quý của họ Kiều làm ra thứ chẳng khác chi loài cầm thú. Chỉ vì chút bổng lộc, chức tước mà họ Vương hứa hẹn mà bọn chúng đầy đọa Chung Đạt và Hoa Tài đến chỗ chết trong oán giận. Hết thảy đều là dối trá. Dối trá. Dối trá.
Triệu Cường hét lên. Âm thanh trong căn phòng kín như bưng vọng lại càng khiến âm thanh la hét của Triệu Cường văng vẳng bên tai khiến họ Toán kia ngất đi tỉnh lại mấy lần.
Triệu Cường giãi bày với Cao Văn Trác:
- Quả thật bắt tội Gã Quỷ cùng với Liêu Đức Thinh bị đày đọa ngoài kia, tâm ta cũng thấy bứt rứt. Nhưng vì cái lợi của thời cuộc mà các huynh đệ đã phải chịu cảnh đau đớn như vậy. Cũng bởi ta bất tài vô lực không quản được hai người huynh đệ nên Đỗ quân sư mới buộc lòng phải làm ra điều như vậy. Phận làm con, làm huynh đệ đặt một bên, ơn nghĩa của tướng chủ cùng các tướng lĩnh một bên khiến ta đây thật khó xử. Thôi đành mang cái tiếng phản phúc mà ý nguyện của quân sư và Dương chủ tướng thành được cũng là báo đáp ơn sâu nghĩa dày của hai người ấy.
Hai người ngồi yên lặng hồi lâu, Văn Trác thi thoảng lại liếc nhìn họ Triệu rồi lai thở dài. Trác mấy lần định bụng nói ra mà tâm can còn xáo động chưa biết nói điều gì trước.
Triệu Cường nhìn chằm chằm vào Văn Trác đang bối rối nên mở lời tiếp chuyện:
- Cao đệ có điều gì muốn hỏi? Ta thấy đệ hết đỗi thật thà nên Đỗ quân sư phái đệ tới trá hàng ta là một cao kiến. Nếu là ta, ta cũng vẫn chọn đệ. Bởi vì một lẽ nếu là Hà Bình Xuyên thì sẽ chẳng thể qua mắt được đám cận hầu của họ Vương kia. Hay là đệ…
Cao Văn Trác xua xua tay, giọng lắp ba lắp bắp:
- Là, là cái tên họ Toán kia. Huynh bắt hắn mà bọn người châu Phong không hay biết hay sao? Huynh không cho rằng bọn sai nha bắt họ Toán có kẻ là người của họ Vương?
Triệu Cường nhếch mép, tay phải xòe năm ngón rồi khép chặt với nhau đưa lên cổ cứa cứa. Cao Văn Trác trợn mắt nhìn họ Triệu, miệng há hốc hỏi:
- Huynh giết hết bọn chúng rồi sao?
Triệu Cường ánh mắt sắc lẹm nhìn họ Cao, ria mép rung rung, giọng nói chắc nịch:
- Muốn thành đại sự phải thật nhẫn tâm. Giết, giết sạch sành sanh.
Họ Cao tắc nín không nói được thêm lời nào chỉ nhìn họ Triệu rồi lắc đầu thở dài. Cao Văn Trác bỗng nhiên cảm thấy ớn lạnh cả người, tay chân bủn rủn, giọng lạc đi:
- Cái chết của Hoằng bá, Triệu Túc có liên can gì đến huynh? Huynh phải nói thật dạ thật tâm, chớ có nửa lời gian trá.
Cường nắm chặt bàn tay đấm mạnh xuống ghế. Triệu Cường kéo cổ họ Cao gào thét, lông mày xếch ngược, đôi mắt trợn trừng trừng:
- Là là giặc họ Thi kia giết chết họ. Ơn dưỡng thành còn chưa báo đền, há ta bằng loài súc sinh khốn nạn đó.
Cao Văn Trác lẩy bẩy khẽ gỡ từng ngón tay của Triệu Cường đang víu chặt trên cổ áo họ Cao. Cường hạ thấp mình, tay buông dần khỏi cổ áo Văn Trác, ánh mắt hiền dịu hơn rồi ngồi sõng soài ra chiếc ghế đan mây.
Không gian tĩnh lặng đến rùng mình, Cường bước từng bước ra ngoài đứng gào thét cho hả lòng căm phẫn. Triệu Cường ánh mắt buồn trĩu trông ra phía ngoài nhà lao nơi tán xoan xòa ra phủ bóng.
Từ bụi cây gần đó có đôi chim tíu tít gọi bầy, chuyền cành xoan sang cành ổi rồi bón từng miếng mồi cho đàn con nhỏ.
Có tiếng mấy đứa trẻ con í ới gọi nhau:
- Bọn bay ơi. Phía sau nhà lao, trên cành ổi có tổ chim non. Chúng mình bắt về chơi đi.
Một hòn đá sột soạt ném vút lên, con chim trống rơi xuống đất, chim mái nhảy truyền sang cành cao hơn gần đó kêu thống thiết. Đàn chim non bụng vẫn còn đang đói, nháo nhác giương mỏ chờ những miếng mồi mà cha nó đang mớm dở.
Chim mẹ kêu chíp chíp trên cành cao trông xuống nhìn chim trống trong tay đám trẻ con, rồi đập cánh bay đi.
Một đứa trẻ trèo lên cành ổi, tán lá dập dìu ngả xuống bức tường cao nhà lao, tổ chim rủ xuống vào phía trong bức tường. Đứa trẻ mình rám, đóng khố, tóc ba chỏm bám vào bức tường, choài tay với lấy đám chim non, Triệu Cường quắc mắt nhìn nó, Cao Văn Trác đứng phía sau tay lăm lăm cầm cây mác mắt trợn ngược nhìn thẳng vào nó.
Nó giật mình ngả ngửa ra phía sau từ trên bức tường cao hơn chục thước. Nó quằn quại điếng người, tâm trí bị ám ảnh bởi hai ánh mắt hung dữ kia lớn tiếng hô đám trẻ:
- Quỷ có râu, bọn mày ơi ! Có quỷ có râu. Mau chạy đi.
Cao Văn Trác phì cười :
- Bọn trẻ con nghịch ngợm.
Triệu Cường mặt ủ rũ bước vào, mặt cúi gằm rồi ra dấu cho hai tên sai nha kéo các xác vô hồn của họ Toán ra phía sau hắt nước lạnh cho hắn tỉnh lại. Cao Văn Trác đi theo sau họ Triệu luôn miệng nói: Mấy đứa trẻ này giống hệt bọn đệ lúc nhỏ. Ngày bé bọn đệ ở Liêu gia trang cũng hay đi bắt chim như vậy mà bị Đức Thinh huynh trách phạt.
Một tên sai nha chạy đến thì thầm vào tai Cường. Họ Triệu vừa thu gọn áo mũ, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp vừa nói với Cao Văn Trác:
- Đệ không thấy bọn chúng đáng thương hay sao mà tỏ ra vui mừng?
Có tiếng tíu tít, dường như chim mẹ đã về. Viên tướng râu rậm, giọng cười khà khà:
- Triệu Cường huynh. Con chim mẹ lại về rồi kìa. Thật may cho lũ chim non đáng thương đó.
Triệu Cường lắc đầu, cười khẩy giục giã Cao Văn Trác:
- Mau mau đi theo ta đến Vương phủ, có binh biến rồi.
Cao Văn Trác phủi tay:
- Ôi trời. Cái thời loạn lạc này. Binh không biến mới là chuyện lạ.
Triệu Cường giáp áo đầy đủ, mở cánh cửa lớn bằng sắt phía sau đi ra. Cao Văn Trác còn lớ ngớ chưa hay chuyện gì thì rơi trước mặt Trác là ba con chim non.
Trác cầm lên nhìn trên cành ổi, tổ chim đã bị rối tung, chim mẹ nhảy tanh tách rồi đập cánh bay đi. Cường quay lại phía sau giục họ Cao đi nhanh. Trác vẫn đứng ngần người, nhẹ nhàng đặt đám chim non lên trên đám cỏ rồi vội vã bước đi. Vừa trên lưng ngựa Trác vừa hỏi:
- Triệu huynh. Có điều ta không hiểu? Tại sao đám chim non lại bị rơi xuống dưới đất.
Cường thúc ngựa chạy nhanh hơn nói vọng lại phía sau:
- Là con chim mái đó. Còn không mau đi, hỏi điều đó làm chi?
Triệu Cường cùng với Cao Văn Trác tới trước điện phủ họ Vương, hai tên tì tướng của họ Vương - con rể của Kiều Chung Đạt đã đứng sẵn ở đó từ lâu.
Đàm Hữu Trác trông thấy từ xa Triệu Cường thúc ngựa đi tới, Trác mang giáo mác ra chặn đầu ngựa. Lê Xuân Đỉnh cản họ Đàm lại, Cường nhảy xuống ngựa, vội vàng vào trong điện phủ họ Vương.
Tiếng khóc nỉ non, người ra kẻ vào tấp nập, Triệu Cường nhìn hai đứa trẻ lúi húi nhờ Lão Đỗ mặc tang phục liền chạy tới hỏi:
- Lão Đỗ. Không hay trong phủ có chuyện gì?
Lão Đỗ lắc đầu nhìn vào gian nhà phía trong, ánh mắt trĩu nặng quay ra nhìn triệu Cường, giọng lão thều thào:
- Vương Công đêm qua uống rượu say, sáng nay đám nô gia gọi cửa mãi không dậy. Lão liền phá cửa xông vào, người công tử lạnh ngắt, mạch đã dừng đập từ khi nào không ai hay.
- Đã cho gọi lang y hay chưa? Có biết tại sao mà Vương Công bị như vậy hay không?
- Mai nó cho người đi tìm hết các lang giỏi nhất trong vùng. Các lang đều đành chịu hết cả. Đám lang ấy nói rượu trong người đã hết chỉ có đôi mắt sưng, đỉnh đầu phù nề là do mạch bị tắc rồi vỡ ra nên mới như vậy.
- Ngoài gia phủ thì người ngoài có kẻ nào hay chưa?
- Không thể giấu được nữa rồi. Tin đã lan khắp thành Bạch Hạc.
Triệu Cường đấm tay, hằn học :
- Không xong rồi. Hàn Ước mà biết tin, châu Phong sẽ nguy khốn mất.