Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười bảy
Trống giục Tống Bình, Hàn Ước xua quân
Cờ reo Tạc Khẩu, Sĩ Giao giết giặc
Chương 17.1 Chuyện Trâu vàng ở đầm Rồng
Lại kể chuyện ở Long Đàm, dân ở làng ấy thường nghe trước thần Long Đỗ Tô Lịch nhờ ơn của Long Vương Đông Hải mà lập một miếu thờ nhỏ ở phía nam con sông mang tên thần. Chỗ đất ấy vũng lầy, ao chuông ngập lối, người vào chẳng biết lối ra. Chằng chịt là những bãi sậy ngả nghiêng xen lẫn những cọng tre mục và đám bèo cao hơn cả đầu người.
Từ sau thời của thần Tô Lịch, chỗ đất thần Tô vẫn để bái tế Long Vương ấy trở lên hoang vu do những hậu duệ của thần vì loạn lạc mà mất dấu lối dẫn đi vào. Có người trông thấy bãi đầm ấy như miệng lớn nuốt cả con sông Tô, nước dòng sông Tô chảy về phía ấy quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ ngừng. Người dân gọi chỗ ấy là đầm Rồng vì cứ mỗi năm Long Vương tới đất Long Đỗ thì ghé lại đất đầm ấy nửa tháng cuối hạ đầu thu làm phép ban mưa cho chúng dân đất Nam Việt.
Ở đất Đầm Rồng ấy mấy năm nay, họ Chử mang theo dân chạy loạn tới mà lập thành thôn ấp, trong làng vốn có mười hộ dân chài quanh năm đánh cá, bắt tôm ở đầm ấy chẳng giao du đến đâu. Sau này làng thành căn cứ bao bọc nghĩa quân của người Nam Việt. Biết bao trận đánh lớn nhỏ giáp ranh với huyện Tống Bình phía bắc hết thảy đều thấm máu của cả người Nam Việt, người Hoa Hạ ở đầm ấy.
Người ta đồn rằng máu chảy lớn đến nỗi đầm mở rộng ra đến gấp cả trăm lần, lúc nào nước trong đầm cũng đỏ rực và cá, tôm ở chốn ấy lúc nào cũng thuộc loại tanh tưởi nhất xứ An Nam.
Sau này Chử Thoán mang theo mầm sen đến trồng ở bãi đầm thì tự nhiên loài sen ấy mọc tốt um tùm. Ấy thế mà màu đỏ của nước đầm cũng dần nhạt đi, dân làng ấy mỗi ngày một sung túc hơn mà đám quan lại ở Tổng Bình chẳng hề hay biết ở trong địa hạt của bọn chúng quản lý lại có một ngôi làng lớn cả trăm hộ ở giữa bãi đầm lầy đầy mùi tanh kia.
Nhắc lại chuyện xưa, Nam Đế họ Lý hành quân qua bãi sậy người thấy mệt mỏi, mắt vàng, da xanh như kẻ sắp chết. Quân lính Lý Đế hoảng hốt đi tìm thầy lang ở khắp nơi mà chẳng tìm được thầy lang giỏi. Tướng quân họ Triệu tên là Túc lo lắng hỏi viên quân sư Tinh Thiều vốn hiểu biết, thông tường mọi thứ.
Tinh Thiều soi đi xét lại không bắt ra bệnh của Lý Đế, Thiều cho đấy là điềm dữ, e có chuyện chẳng lành. Cả Thiều và Túc đều lấy làm u phiền.
Bấy giờ trong quân có một người ở trang Quang Liệt cách bãi đầm năm dặm về phía bắc đi tuần trở về bẩm lại với Thiều và Túc:
- Bẩm các tướng quân, đêm qua bọn tiểu nhân đi qua trang Quang Liệt nghe người trong trang kể lại mấy đêm nay ở vùng đầm lầy phía nam có một ngôi sao hắc tinh che mờ đi một ngôi sao lân tinh, lại thấy một người đàn ông tự xưng là Thiều, dáng người cao lớn nói vọng vào các nhà ở trong trang : Phạm gia chi tử, nhất cử dẹp Lương, nam phương Man Phục.
Lúc bấy, Triệu Túc nhìn Tinh Thiều thảng thốt:
- Thiều? Có phải là anh hay không? Tinh Thiều?
Tên lính lắp bắp, không dám mở miệng cười:
- Người trong làng ấy kháo rằng trong trang trước có người họ Phạm tên là Thiều, vợ ông ta cùng họ với tướng quân Bôn. Nghe đâu, hai ngày trước là ngày dỗ của ông ấy. Người trong nhà mời vong linh về ăn bữa thì ông ta nhập hồn vào con dâu nói câu nói y chang như thế.
Lúc bấy giờ, giữa mùa hè tháng sáu, Lý Đế trong người rét run, nghe thấy lời của quân lính báo lại cho quân sư Thiều mà ngồi bật dậy, mắt đờ đẫn đi ra phía cửa trại co ro quỳ sạp xuống. Vẻ mặt như trông thấy thần nhân xuất hiện, Lý Đế bái lạy rồi lẩm nhẩm như ai đang mớm lời cho Đế:
-Tướng quân Túc hãy đến trang ở phía bắc, gặp người họ Phạm tên là Đô Tu. Người ấy ắt sẽ giải bệnh được cho Đế.
Lý Đế lại nằm vật ra chiếc giường tre, người lạnh toát. Tinh Thiều hô hào giục giã tướng quân Túc đi tìm người họ Phạm ấy. Có tiếng bước chân rảo hoạt chạy tới, bỗng nhiên Đế mở mắt ra, người khỏe như vâm dắt theo ngựa cưỡi ra cổng trại chẳng may, ngựa vấp phải cọc tre khiến cả người và ngựa lao nhào xuống đất.
Dáng người thoăn thoắt, râu tóc hoa râm một ông lão dáng người to khỏe lao tới vực lấy cả con ngựa khỏe, Lý Đế đứng vững được trên mặt đất sau khi ngựa đứng khựng lại. Giọng vồn vã, Lý Đế mừng rỡ hỏi:
- Lão có phải là Phạm Đô Tu, là đô vật khỏe nhất cái đất Nam này? Lão là người mà Phạm Thiều đã nói với với ta khi ta cưỡi ngựa tới một con suối, nước suộm màu hoàng hôn? Ông lão Phạm Thiều có nói với ta Con trai họ Phạm, chân đạp đất bằng, dẹp Lương đánh Man. Đã mấy đêm nay ta hằng mơ thấy Lão. Ta thật vui mừng quá.
Triệu Túc và Tinh Thiều chẳng thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Đô Tu nhận lời làm tướng dưới quyền của Lý Đế.
Phạm Đô Tu bấy giờ tuổi đã ngoài sáu mươi cùng Lý Đế đánh quân Lương giành huyện thành Long Biên, giết quân Lâm Ấp được phong họ của Đế, đổi tên thành Lý Phục Man.
Khi Phạm Tu lẫm liệt ra đi thì đám dân nghèo trang Quang Liệt lấy làm nhớ thương lắm. Người dân vùng ấy có lập miếu thờ mà sau này bị quân Lương dẹp miếu, có người chạy trốn tới đất đầm trông thấy miếu cao lâu ngày chưa có người nhang khói mà tu sửa khang trang.
Tương truyền, khi Chử Thoán đến bãi đầm, trông thấy vị thần nhân râu dài, cưỡi ngựa trắng, mặc giáp hoa cương đứng cạnh một viên tướng già khuôn mặt nhang nhác nhưng khí chất chói lóa cưỡi mình trên lưng con trâu vàng, phát ánh hào quang. Thoán đem chuyện đó kể cho các hộ dân trong ấp.
Có một ông cụ nghe Thoán kể liền vái lạy nói với đám dân Người này quả nhiên mang sứ mệnh lớn nên mới được gặp được thánh thần ở đất này, ông lão lại mách cho Thoán mang theo chín vò rượu nếp, gạo xếp thành chín tầng, mỗi tầng chín cân, dâng lên miếu thần thì tai họa ắt qua lại có lộc lớn.
Thoán nghe theo bán hết số của cải mà anh tích góp trong thời gian bán trò vui cho thiên hạ, lại mượn thêm đám dân chạy loạn một chút bạc vụn mua rượu và gạo dâng lên. Đúng như lời ông cụ kia nói, lời dạy tự khắc ứng với Thoán. Chẳng mấy lâu sau, Thoán làm chủ hương ấp, nắm trong tay hơn trăm hộ.
Mấy lần người dân đồn kháo về vị thần tướng ấy nên Thoán đi mời thầy địa lý đến, thầy phán rằng đất này dựng lại miếu, sửa soạn thành đình thì chẳng mấy sẽ trở thành Mãnh thổ linh địa. Thoán lại nghĩ lời của thần dậy khi mới đặt chân tới bãi đâm liền cho trai tráng dựng miếu lớn thành đình, đào giếng nước chung. Từ bấy giờ, làng ấy càng thêm sung túc, ấy thế mà Thoán được dân làng ấy gọi là Chử Công.
Nói về người em rể Chử Công, cái đêm mà Phạm Đan mình trần giữa đêm đông buốt giá đuổi theo bóng đen tới đình làng thì chàng bị lộn cổ xuống Giếng mình mảy ướt sũng. Chàng mệt lử người luôn miệng quát mắng ở phía đình rồi cười khanh khách một mình giữa sân đình. Sau đó có người trông thấy chàng mà thất kinh cắm đầu cắm cổ mà chạy về phía nhà lão Tum.
Bấy giờ Súng và hai người anh em nữa đang đào hố chôn hai cái xác khi tối ở mảnh vườn nhà lão Tum. Phạm Đan đuổi theo người kia đến nhà lão Tum trông thấy cô gái lưng trần trắng nõn nà, chàng vô thức quăng tấm lưng nặng cả trăm cân xuống dưới manh chiếu sờn sờn dặm mốc nơi mà tấm thân ngọc ngà kia đang quay lưng về phía cửa. Hơi thở phì phò khiến gian nhà nhỏ nồng nặc hơi rượu, cùng đám râu rậm của Đan chạm vào bờ vai cũng chẳng làm cô gái kia tỉnh giấc. Chiếc áo sũng nước khiến chàng run lên bần bật, co ro tung chân đạp vào lưng cô gái lăn mình vào phía trong.
Bà Là từ gian nhà trong cầm chiếc đèn dầu đi ra nghe tiếng thở phì phò, không khí nồng nặc mùi rượu lại thấy vệt nước từ cửa nhà vào liền vội vã chạy tới đập tay vào vai Nô Đan, giọng bà lanh lảnh, hàm răng đen cười nhạo nhễ:
- Ối giời ơi. Cái anh này hay chưa? Chả biết say sưa kiểu gì mà chọn chỗ ngủ cũng thật là khéo ấy cơ. Chỗ con gái người ta mê tỉnh suốt tối, nay lăn sấn vào mà chẳng biết xấu hổ, chẳng đáng mặt làm tướng.
Lão Tum lấy tay giữ lấy miệng của bà Là, ông nói thủ thỉ vào tai:
- Bà nó khe khẽ cái mồm chứ. Cứ kệ vị tướng quân ấy. Thằng Xứng nhà mình nó vừa trông thấy họ Phạm ấy nói chuyện với ai đó tên là Sùng Bá ở phía đình.
Bà Là mở to con mắt nhìn ông lão:
- Chẳng phải đình thờ Đô Hồ Đại Vương họ Phạm?
- Bà nói nhỏ cho tôi nhờ. Tai mách vạch rừng kẻo cái đầu chẳng giữ lấy nổi.
Lão Tum gọi thằng Xứng con trai lão vào gian nhà trong cùng với bà Là. Lão dặn dò:
- Bà nó nghe đây, cả thằng Xứng nữa. Xưa đất này có miếu nhỏ, thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu. – Nói đến đây, lão Tum khẽ siết răng không dám nói lớn, lão nói tiếp – Nhà Lương dẹp được Lý Đế, dân trang Quang Liệt chỉ dám dựng một miếu nhỏ, không dám đặt bài vị mà tự nhắc nhau cứ tuần rằm mồng một thì dâng nén nhang tỏ lòng thành kính. Đến khi quân Tùy dẹp hẳn nghĩa quân của Phạm Hiển thì miếu bị bỏ hoang, dân trong trang không ai dám nói đến Phạm Đô Hồ nữa vì sợ quan quân nhà Đường bắt được sẽ bị xử tội. Lâu ngày, miếu bị gió mưa chôn vùi chốn vũng lầy này. Đến một ngày kia, Chử công dòng dõi Bất Tử đất Đầm Nhất Dạ tới đây phát hiện ra miếu nhỏ thì cho người tu sửa. Bấy giờ Đại vương mới về báo mộng cho Công, sau đó Công nhờ ơn đức của Thành hoàng mà giữ được làng ta. Năm trước, có họ Vương nương nhờ chỗ Công, nằm mộng thấy có một viên đại tướng tên là Sùng Bá thì cất một ngôi đình lớn hơn thờ cả hai vị ấy. Ta dẫn bà nó và thằng Xứng tới chỗ đất này bởi tôi có xem một thầy địa lý phán rằng đất này có trâu vàng, lại được hai vị thánh trợ phù, không những được ban phúc lớn mà còn được ban đức dầy. Đêm trước ta có nằm mộng, thấy một con trâu màu vàng rực, người to bằng gốc đa húc chết một người đàn ông và một người đàn bà, sau đó nó chạy ra cánh đồng phía bắc đuổi theo một con trâu cái màu trắng. Ta đuổi theo được một đoạn thì con trâu đó quay lại quát lớn Nhà ngươi còn không mau mau quay về soạn sửa lễ vật, ngày Kỷ Sửu đêm rằm, ta sẽ ghé nhà thăm. Nghe đâu vị tướng quân họ Phạm này tuổi Đinh Sửu, ứng đúng với chuyện xảy ra ngày hôm nay. Đó chính là điềm may mắn cho nhà ta vậy.
Xứng quay ra hỏi cha:
- Chỉ là giấc mộng. Con chả tin ba cái điều mê tín ấy. Con thấy tên này là một gã điên khùng không hơn. Khi tối hắn cứ đứng đờ đẫn không một chút phản xạ khi mà Chử công mấy lần bị ngã. Lại thêm cái chuyện khi nãy, con chẳng thể tin hắn là một tay nghĩa dũng anh hùng. Hắn mượn rượu giả say lại vào nhà chúng ta nằm cạnh con bé không biết tông tích kia. Vậy mà bố vẫn tin hắn là Trâu Thần kia sao?
Bà Là hỏi khẽ:
- Ông này. Làm phúc cho hai người kia tôi chẳng thấy muộn phiền cũng là thêm phúc phần cho nhà ta, nhưng vị tướng quân này, tôi thấy…
Súng từ phía ngoài vườn la lối gọi:
- Lão Tum ơi. Ông bà có còn trong nhà không, cho chúng tôi mượn thêm một cái mai nữa. Bảo anh Xứng ra góp thêm vài mai đất cho mau.
Lão Tum ho sù sụ đi ra, bà Là đon đả dắt theo thằng Xứng:
- Đây, đây, lão Tum nhà tôi ho sắng nên vào phía trong cho đỡ lạnh. Thằng Xứng ra giúp đỡ các anh ấy một vài mai.
Súng đứng sựng lại, trong cổ họng như ứ nghẹn đánh mắt nhìn thấy Nô Đan đang co ro trên giường. Tận mắt Súng nhìn thấy Đan siết chặt lấy người cô bé kia. Bà Là nhìn ánh mắt của Súng hiểu ngay chuyện liền chạy ra vỗ vai Nô Đan dậy:
- Vị tướng quân ơi. Í xời. Vị tướng quân này. Người ta có phải vợ của tướng quân đâu mà lại nằm ôm lấy người ta như vậy.
Bà Là liếc nhìn Súng thấy Súng vẫn mặt ngắn, mày dài liền xua đi:
- Tướng quân nhà anh thật là hay. Vô duyên vô cớ đến nhà lão lại làm ra như thế. Con gái nhà người ta chứ có phải thứ gì đâu mà cứ giữ khư khư trong lòng vậy chứ.
Súng quẹt tay lên mũi rồi cười trừ:
- Súng biết tính anh Đan hay bị mộng du nên cũng không lấy làm lạ. Chỉ có điều Chử Thị mà nhìn thấy thì chị ấy sẽ xé xác anh Đan ra mất?
-Ý anh là em gái Chử Công ấy hả?
Súng nhoen miệng cười gật đầu rồi cầm chiếc mai đi ra vườn đào đất tiếp. Chốc chốc, Súng lại nghển cổ liếc vào phía trong. Như hiểu ý của Súng, Xứng cố tình ném chiếc voan áo dính đầy máu vào trước ngực Súng:
- Này anh Súng. Có gì mà cứ ngó vào trong đó suốt vậy.
Tay cầm chiếc voan đầy máu, Súng ấp úng nói:
- Đâu có gì đâu. Tôi chỉ xem anh Đan nhà tôi thế nào thôi. Chứ thấy anh ấy người ướt sũng như thế, nằm chẳng chiếu, không chăn, trời thì giá buốt thế này. Chả biết có sao không?
Xứng chẹp miệng cười nhạt:
- Có cái gì mà anh Đan với cả anh Nô. Chẳng thương cho ba người các anh lọ mọ trong đêm thì thôi, chứ cái ngữ ấy thì rượu chè say khướt, may mà ngã xuống giếng đình còn biết đường mà lên. Số anh ta còn lâu mới chết được.
Súng cầm chiếc voan dính máu đưa lên trước mặt, ánh trăng hắt xuống khiến Súng không khỏi giật mình:
- Thôi chết. Mảnh vải này có phải trên tay anh Đan hay không? Anh ấy khi tối bị chiếc châm cài đâm trúng.
Súng vội vã chạy vào phía trong, dường như có điều gì đã khiến Súng không khỏi bứt rứt, cứ nhìn vào tay cô gái rồi lại nhìn vào tay của Phạm Đan. Súng lẩm nhẩm trong miệng:
- Cái anh Đan thật là… Nhưng mà cả hai người đều còn nguyên mảnh vải quấn vết thương trong lòng bàn tay.
Súng đưa mảnh vải lại gần chiếc đèn leo lắt, Súng giật mình ném xuống dưới đất:
- Chết tiệt. Cái lão Xứng lại dám trêu trọc mình. Cái này là của cái xác ả không đầu ngoài vườn kia mà.
Súng lấy tay gỡ cánh tay chắc khỏe của Phạm Đan ra khỏi tấm thân nhỏ bé của cô gái, rồi quay người Đan ra phía ngoài, kéo dịch cô gái vào phía trong. Bỗng yếm áo cô gái bật ra một mảnh ngọc bội màu xanh. Súng khẽ đưa tay lượm lấy thì nghe tiếng bà Là từ phía trong hỏi han Súng:
- Khuya rồi, các anh chôn xong hai người đó rồi chứ. Sớm mai phiền các anh ra phía ngoài đầm, mua lấy nén nhang thắp hương cho họ. Anh cũng đi ngủ đi. Kẻo muộn, anh chàng Nô Đan ấy cứ kệ anh ta.
Súng ậm ừ vâng lời rồi cũng lấy từ trong tay nải ra một mảnh vải mỏng trải xuống nền đất củi đang cháy đỏ rực giữa nhà thu mình co ro cho khỏi rét. Súng nửa tỉnh nửa mơ, cứ chốc chốc nghe thấy tiếng mèo hoang, chuột chạy thì mở mắt nhìn lên chiếc giường nhỏ mà có hai tấm thân chẳng quen, chẳng biết cứ dính chặt lấy nhau.
Nghe tiếng ông Tum hắng lớn tiếng, anh con trai lão tỉnh giấc thì thào to nhỏ với vợ:
- Cha lại lên cơn hắng rồi. Mai chắc ta phải vào La Thành tìm lang về chữa cho cha.
Bà Là nghe thấy lời con trai liền ngắt lời:
- Thôi. Hai đứa mai dắt thằng Sếu nó đi gặp Chử Công. Nó cũng sắp mười tám, cho nó tòng quân ta không thấy an tâm. Cái buổi loạn lạc này dễ chết lắm chứ chẳng chơi. Còn lão Tum lâu nay bệnh vẫn cứ thế, mời lang ở La thành có khác gì dẫn ong về nhà. Tốt nhất là cứ dùng thuốc cũ, lấy hoa xuyến chi, giã ra rồi nhỏ vào mũi cho ông ấy. Khắc sẽ khỏi.
Lão Tum gật đầu cho lời bà lão là phải. Lão nói:
- Một lần tới Tống Bình, ta đủ khiếp hãi rồi. Dân ở đấy sống khác với làng ta, hào hoa lắm mà cũng coi thường kẻ quê kệch như ta. Có mời cũng chỉ để bọn ấy mách với đám tay sai thu tô vét thuế chúng ta mà thôi.
Xứng thuận theo lời cha, miệng lí nhí hỏi:
- Tục làng mình đất nhà ai, mộ người nhà nấy. Cha cho chôn hai cái xác ở vườn, liệu có việc gì không cha? Cả đám quân tướng ở nhà ta, liệu rằng quan quân có biết lần tới chỗ này được hay không?
Vừa dứt lời hỏi, từ phía cổng có tiếng gọi vọng vào:
- Lão Tum ơi. Bà Tum ơi. Cậu Xứng ơi.