Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ hai mươi
Người La Thành rộn rã tiếng hoan ca
Xứ ải giới chim hoang sa chĩnh gạo
Chương 20.4 La Thành vui lắm phải không em!?
Như một lẽ thường tình của trăm kẻ làm trai, nghe tiếng đàn ca của kẻ giai nhân hỏi sao mà có thể dừng bước chân của kẻ quân tử. Trương Tính như dính bùa mê cứ rảo bước tay kéo Chí Trinh qua bên gác tía. Mặc cho người cản kẻ gàn, Tính bước lên lầu hai, trong căn phòng thoang thoảng hương hoa lài có khách làng chơi đang âu yếm tiếng đàn của nàng.
Ôi chao, sắc nước nghiêng thành, họ Trương đờ đẫn dựa chiếc cột nhà gỗ lim cũng đang rung lên từng nhịp thổn thức tiếng đàn ca của người đẹp nơi lầu các. Ở phía trong là hai hàng ghế dài, những tràng pháo tay tán tụng của dăm sáu kẻ mà Tính vẫn hay gặp ở trong phủ điện của họ Hàn.
Kìa nàng, đôi mắt nàng có phải hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời đêm giáng xuống? Đôi môi đỏ tựa đôi cánh hoa màu thắm vẫn còn vương giọt sương đêm. Hỡi làn da trắng như bông như tuyết, mềm mỏng căng tràn khiến ai kia đó chỉ muốn cắn vào ngay. Má hồng son sắc xuân thì, mái tóc dài đen nhánh lả lướt sõng lưng. Chắc nàng đang xót xa lắm phận hồng nhan, nơi đài các nào có ai biết, những tâm tư chất chứa trong khúc nhạc, phím đàn.
Biết làm sao cho thỏa tình trông ngóng, những lời ca thánh thót rạo rực ở trong tim. Họ Trương cứ mãi kiếm tìm một hình bóng đã từ lâu để ngỏ. Đây, chính đây rồi phải không? Tính thở dài rồi lặng lẽ bước ra. Một tiếng gọi e thẹn khiến họ Trương như ngàn gió thét gào bên tai. Tính đứng khựng lại mà rỏng tai nghe. Nàng thướt tha ân cần hỏi từ phía trong gian phòng cửa đang hé:
- Này kẻ quân tử, sao lỡ thở dài? Xót thương phận thiếp hay là tiếng đàn chẳng vừa tai?
Trương Tính giữ lấy con tim ở lồng ngực phía trái, dường như nó đang đòi nhảy ra khỏi cơ thể của chàng. Chàng quay lại cứ ngỡ trong giấc mơ, nhắm mắt vào rồi đôi khóe mi khẽ mở. Ô thật hay, cánh cửa kia vẫn khép, hương hoa lài cứ thoang thoảng phía ngoài. Đập vào mắt một tia sét khiến con tim chàng rơi rụng.
Nàng ơi, cánh tay nàng uyển chuyển trong hư vô, nàng đang múa hay ân cần với khách? Những bàn tay thô ráp chòng ghẹo cánh hoa, những lời thô bỉ cợt giễu khiến bọn người kia thích thú. Nàng cúi chào từng kẻ rồi ôm cây đàn bầu bước ra. Nàng cố cười tươi với con mắt rưng rưng. Nàng bước chân ra khỏi bực cửa, Tính mím chặt môi, tay nắm chặt tay vịn cầu thang trông ra ngoài như kẻ đứng ngoài cuộc vui.
Nàng trông thấy một kẻ đang đứng ở gác hai, lên lầu đây hẳn là người khách biết yêu đàn. Chắc lại một kẻ như trăm kẻ khác, thích bướm hoa, mua vui bằng những đồng bạc cướp từ những kẻ nghèo. Nàng bước xuống bậc thang rồi vội vàng khép cửa gian phòng nhỏ. Tiếng sập cửa không khiến họ Trương tỉnh giấc mộng.
Nàng ngồi thút thít nước mắt chảy ròng ròng. Bóng người đi qua, dáng người đi lại vẫn đứng kia một bóng dáng trầm tư suốt từ lúc nàng vào phía trong gian phòng nhỏ. Nàng khẽ trộm nhìn về phía ấy, hai cặp mắt chạm thấy nhau. Nàng e dè lui vào trong gian nhỏ, nàng tự nhủ chỉ là kẻ rình mò.
Đôi mắt kia cứ chằm chằm vào gian nhỏ, trộm liếc lần hai bốn mắt lại nhìn nhau. Nàng nghĩ đi rồi lại nghĩ lại, phải chăng đó là người nàng ngóng từ rất lâu? Chưa có kẻ nào tới chốn thanh lâu, lại ngóng ngóng trông trông như chờ đợi người yêu mình ra gặp. Nàng cảm thấy phận mình hèn kém, chẳng biết chàng là người ra sao. Trăm câu hỏi lại hiện lên trong đầu, rồi nàng tự đáp rằng mình kẻ mộng kẻ mơ, sao mà mình có thể xứng với ai.
Một hồi giằng xé con tim mình, vẫn một cái bóng đứng ở chỗ đó, có cứ động rồi kìa nàng ơi. Nàng mở cửa gian phòng ra rồi bước lên lầu hai, nàng trộm nhìn nhưng cảm giác của nàng cho nàng biết không phải người mà nãy giờ đứng đó. Nàng lại quay lưng đi rồi có giọng trầm ấm gọi nàng quay lại:
- Xin thất lễ, cho kẻ tôi xin hỏi. Nàng là Tình Xuân vừa ngâm khúc “Phận sắc hương”?
Nàng bước thêm ba bước thì có giọng suồng sã:
- Tình Xuân nàng. Trần Khôn ta hẹn nàng tối nay. Nhớ không được nhận lời kẻ nào nữa đâu đấy nhé. Nay ta sẽ hậu hĩnh thưởng cho nàng.
Nàng quay lại rồi trông thấy họ Trần, khẽ môi cười nàng gật đầu đồng ý. Rồi giật mình nàng nhìn sang góc phải, kìa một cố nhân chắc cả chục năm nay chưa gặp. Nàng nhận ra người ấy, nhưng có lẽ so với tuổi mười lăm, nàng giờ đã khác nhiều rồi, chắc kẻ kia không nhận ra nàng được. Nàng cúi chào quan khách rồi vội vàng bước vào phía trong.
Họ Trần cười tấm tắc, hả hê vuốt bộ râu rồi đi ra khỏi chốn lầu xanh. Tên chủ quán đon đả hỏi anh chàng mà nàng cho là cố nhân ấy. Đúng rồi, cái giọng nói không thể khác được. Vùng châu Hoan, giọng nói quê nàng. Nàng chắc chín phần là người đó, người đã cưu mang nàng thuở nàng mới ra đến Tống Bình.
Một tiếng gõ cửa khiến nàng giật mình. Nàng hỏi ai, giọng nói thật thân quen:
- Ta họ Dương, xin phép được diện kiến nàng Tình Xuân.
Đúng rồi, vậy chắc chắn đó là kẻ cố nhân. Nàng mở cửa, họ Dương vội đóng cửa. Chắc không phải họ Dương kia có ý đồ với nàng chứ.
Chí Trinh kéo tay nàng lôi vào trong chiếc rèm thêu hoa. Trinh kéo chiếc rèm hoa, tên chủ quán gật đầu mỉm cười bước khỏi cửa gian phòng, mắt sáng lên, tay suýt soa tự mãn: “Lại có thêm một khoản to to nữa rồi.”
Nàng ú ớ rồi thuận theo lời Trinh. Nàng ngồi xuống, mắt nhắm vào cam chịu. Dương Chí Trinh vốn gan dạ là thế, vậy mà lén la lén lút giữa ban ngày. Nàng đang tự vấn trong đầu trăm nghìn câu hỏi. Là kẻ xưa, cũng chẳng phải người ngay. Thôi phận bán hương sắc cho đời, làm dâu trăm họ lại khó nhọc với người mang ơn hay sao. Nàng mím môi rồi đôi tay dang rộng.
Trinh nắm lấy tay rồi rót khẽ vào tai:
- Xuân. Em giúp ta việc này được chứ?
- Anh cứ làm những điều anh muốn, đã vào đây còn phải hỏi ý kiến chi? Em không phải đứa cành cao lá quý. Anh đã muốn em cũng chẳng ngăn anh.
- Vậy thì tốt quá rồi em. Anh có người bạn trong thành. Hắn là người lo cơm nước ở phủ đô hộ, cảm phiền em gặp gỡ hắn một lần.
Nàng mở mắt ra rồi trừng trừng nhìn họ Dương:
- Ra là anh vào trong này tìm em chỉ để nhờ cái việc ấy thôi à? Phận em hèn kém, anh lại còn muốn gì nữa đây?
Trinh nhắc lại chuyện xưa ở châu Hoan, Xuân là con gái của một vị quan huyện, thuở thiếu niên Dương Thanh ưng nàng lắm, nhận nàng về nuôi, lớn lên gả cho cậu trai út. Nhưng trớ trêu thay, cậu út họ Dương chết sớm. Nàng sinh ra buồn khổ suốt mấy năm, khi Dương Thanh chiếm La Thành, giết Tượng Cổ, nàng bị quân triều đình bắt được, Chí Trinh truy đuổi quân triều đình đến Hải Môn thì thấy nàng nằm cù queo cạnh một gốc cây xà cừ.
Cứu nàng về được thì La Thành sinh loạn, lạc mất nhau đến nay đến bảy tám năm trời. Nay Trinh lại có mặt ở đây, phận bán hoa Xuân nàng đâu dám chối.
Đêm ấy, nàng chờ Trần Khôn tới mà không hay họ Trần lại bị giam vào trong ngục lần thứ hai. Trước đó, nàng nghe họ Trần bị quan đô hộ tức giận, giam vào ngục tối mấy ngày không ghé thăm chỗ nàng. Nàng thở dài than ngắn, có một vị khách họ Trương hỏi thăm nàng.
Nàng đồng ý gặp gỡ họ Trương, những lời nói của họ Trương nghe sao mà êm dịu. Đúng là kẻ miệng rộng ba hoa, môi mỏng nói ra những ong bướm mật ngọt khiến nàng xao xuyến ở trong tim. Đối ẩm, đối thơ rồi đối nhạc, bất cứ thứ gì họ Trương cũng đều thật hợp ý nàng.
Mấy ngày liền họ Trương chỉ sang ghé, cho tên chủ quán mấy lượng bạc để làm quen giai nhân. Tình Xuân cũng cảm thấy lạ lùng, một kẻ tâm giao lại chẳng ham muốn chuyện tình tang. Mấy ngày sau có kẻ báo với nàng, rằng Trần Khôn đã treo cổ tự vẫn. Nàng không khỏi thảng thốt và nơm nớp lo âu.
Đêm hôm ấy, trăng thanh gió mát, nàng tìm ca bày tỏ tấm lòng. Sao nay chẳng thấy kẻ xưa đến, mà cũng chẳng trông người mới đây hàng tối vẫn ghé thăm chỗ nàng bàn thi ca nhạc họa. Cái gian phòng nhỏ giữa La Thành tấp nập sao mà nghe trống vắng đến cô liêu.
Mấy ngày sau, tiếng trống giục cờ rong, quán vắng hẳn những vị khách quen cũ, những kẻ vẫn thường tự nhận mình là con của ông giời. Ở cái La Thành này, đám quan chức ấy có kẻ nào dám động đến cọng lông? Ấy thế mà chốn vui chơi sầm uất bậc nhất xứ An Nam lại có những buổi tối vắng tanh vắng ngắt.
Nàng nghe rằng dân trong thành nổi dậy, bắt quan trên, cướp thóc gạo chia cho kẻ nghèo. Miếu mạo, điện phủ trong thành đều bị đập nát tan tành. Nhiều tửu quán, thanh lâu bị dẹp bỏ. Nàng bâng quơ nghĩ ngợi xa xăm:
“Rồi thì đây ta sẽ thuộc về đâu?”
Dân chúng trong thành cờ xí mừng vui rạng rỡ. Trẻ em hớn hở mừng vui ôm lấy những bọc gạo được chia. Trong thành mở hội mừng công suốt mấy hôm liền. Chị em nơi gác tía cũng rủ Xuân đi:
- Tình Xuân ơi, còn không mau dự hội. Nghe nói họ Đỗ vang danh nhiều kẻ anh tài xuất chúng, hai vị tướng tinh, một viên quân sư tài giỏi, còn có một người nữa chưa biết mặt mũi ra sao. Đi cho biết kẻo uổng phí Xuân ơi. Mà lứa chủ Tống Bình mới này nghe cũng nhiều người yêu gái đẹp, có khi lại trúng lớn cũng nên.
Xuân bỏ ngoài tai những lời rủ rê, nàng ngồi im, hé cánh cửa nhìn ra ngoài. Tiếng nô nức khiến nàng càng thêm trống vắng, khắp chốn hoan ca nàng lặng lẽ nhớ về một người. Hỏi sao suốt tuần nay chưa thấy chàng ghé tới, quán của chàng cũng đóng cửa nhiều ngày. Không thấy bóng dáng quen thuộc kia đâu nữa. Hay là chàng cũng trốn theo họ Hàn kia rồi?
Nghe loáng thoáng, chàng được lòng họ Hàn kia lắm. Chắc trong cơn hoạn nạn, chàng nghĩa khí vậy, sẽ chẳng rời Ước được đâu. Trăm mối lo sao có thể so với lúc này được. Giữa chốn nhân gian mừng vui tấp nập, chỉ riêng mình nàng ngồi ngẫm nghĩ tủi tủi hờn hờn.
Nàng rơi lệ, có lẽ chưa bao giờ nàng cảm thấy cô đơn đến thế. Sau bao cơn giông tố cuộc đời, tưởng như nàng sẽ chẳng còn gì mà nuối tiếc. Mà giờ đây nàng lại chất chứa nhiều những lo âu. Thuở ấu thơ, tưởng như phúc phận của nàng được mãi mãi. Ai ngờ đâu tai ương cứ ập tới. Kẻ nàng thương ra đi mãi mãi, người cha huyện lệnh của nàng cũng vô âm tín từ lâu. Cho đến khi nàng bị bắt bởi quan binh, bị làm nhục khi tuổi vừa mười sáu.
Dần xa những màu hồng nơi phủ điện, nàng dần quen những tiếng ngọt đầu môi. Những chất chứa được thỏa trong tiếng nhạc, chỉ có kẻ quân tử mới thấu những lời hay. Mãi đến khi gặp được kẻ đọc được những câu nhạc thì xót thay kẻ đó cũng đâu rồi?
Giữa muôn vàn hoan ca của hàng nghìn hàng vạn kẻ ngoài kia, cớ sao đôi hàng lệ của nàng cứ tuôn. Cổ họng nghẹn đắng rồi nằng thu mình vào trong chiếc chăn mỏng màu hồng, nàng cào xé chiếc gối đan bằng mây, làm sao cho nguôi được cơn tủi cơn giận. Suốt mấy ngày rồi, người ta ấm no quây quần đoàn viên sau cuộc bạo động, nàng vẫn vẫn lủi thủi trong gian phòng, cơm nước mấy bữa nay cũng chẳng màng tới nên sinh ra đói lả mệt nhoài.
Suốt chiều, bọn con gái ở gác tía ấy đi chơi ngoài phố, tay chủ quán nhìn bốn bức tường dán đầy tranh vẽ gợi dục mà lòng cũng nặng nề than vãn với một ả mà quán vẫn gọi là thím Đoan:
- Thím này, thím có thấy bất thường không? Tôi làm ăn ở cái đất La Thành này suốt cả chục năm nay, chẳng khi nào mấy cái thể loại tửu lầu này lại ảm đạm như vậy. Đáng ra ngoài kia bọn cầm quyền mới ở Tống Bình dẹp hết mấy cái tửu lầu khác, cũng phường làng chơi như quán ta thì bọn hám tửu sắc phải dồn hết qua đây. Quái lạ thay!
Thím Đoan đang tô tô vẽ vẽ một cái hình nộm quay ra nói với tay chủ quán:
- Chỉ được mấy hôm thế thôi. Chứ cái thời nào chẳng vậy. Miệng nói dẹp bỏ còn cái dục vọng, cái tay cái chân bọn chúng có nghe lời cái miệng ấy nói bao giờ đâu. Miệng đói thì ăn, không có ăn thì cướp mà ăn. Nói ra thì lại bảo Đoan này miệng lưỡi đàn bà ngoa ngoắt, chứ cái giống chúng nó, thằng làm quan nào mà chẳng hòng vơ vét, thằng nào chẳng muốn thỏa cái dục vọng chất đầy trong bọn chúng. Tôi là đàn bà tôi cứ có gì tôi nói thế, lão có thấy đúng không?
Tay chủ quán nhấc hai chân lên ghế rồi ngồi xổm, tay ôm hai gối mắt liêng láo nhìn mụ Đoan cười nhạt:
- Cứ cho là thế đi. Mà cũng phải mấy ngày nay rồi, chả thấy con ma men hay thằng háo sắc nào đến. Từ thằng làm to cho đến bọn cù đèn xó bếp, bình thường không phải bọn bề thế thì cũng bọn giặc cỏ đầu trâu mặt ngựa tới vung vẩy tiền cho bọn con gái quán này. Chứ đâu đến nỗi chẳng có một con chó đực nào ghé qua cửa cả. Thế tôi mới lấy làm lạ chứ thím.
Mụ Đoan ném tờ giấy đục đang dán trên mặt hình nộm xuống dưới mặt đất. Mụ thở dài rồi xõa tóc, quay ghế úp mặt vào cột nhà, người ngả phía sau, chân đạp lên cột, hai tay sõng soài nói:
- Chó đực đi qua để cho lão giết thịt à. Giờ này trong thành đắt nhất là cái món nhựa mận của người nam ta. Bên cạnh có hai cái đầu chó treo lủng lẳng thế, hỏi sao mà chó nào dám bén mảng đến?
Tay chủ quán cười sảng khoái, râu với răng đen nhẹm không phân biệt nổi cái nào ở trong môi, cái nào ở ngoài môi. Giọng tay này khấp khởi:
- Thế thì để tôi sang bảo nhà bếp quán ấy cất nó đi.
Mụ Đoan thu chân, hai chân trước của ghế đổ về phía trước, mụ Đoan dập mặt vào cột nhà, máu mũi chảy ra. Mụ lấy tay lau rồi bôi lên người tay chủ quán, tay túm tóc hắn rồi cười hả hê:
- Thế lão định rước chó đực vào cái lầu xanh này đấy à?
Mụ Đoan ngoảnh mông quay đi lên gác, nghe thấy tiếng thút thít từ gian phòng ở gác lửng, mụ ngó nghiêng vào bên trong qua khe cửa gỗ đã bị sờn và cong vênh. Thấy Xuân khóc, mụ định đẩy cửa bước vào nhưng nghĩ thế nào mụ lại thôi. Mụ chạy xuống hỏi tay chủ quán:
- Thế cái con bé Tình Xuân lão không cho nó đi chơi mà lại giam nó ở nhà để nó khóc lóc thế kia à?
- Nào đâu ai giam cầm gì nó. Sáng nghe bọn nó líu ríu rủ nhau đi mà con Xuân đâu có chịu đi. Ế chỏng ế trơ, không có khách thì ra ngoài mà kiếm về chứ. Tôi cũng cho người theo sát bọn đấy rồi. Thím khỏi phải lo.
Mụ lên gác lửng ngó vào, dường như Xuân đang đói lả, toàn thân không thấy nhúc nhích. Mụ Đoan toan bước vào trong thì trông thấy Xuân cựa mình, nước mắt ngắn dài ngâm khúc ru tê tái:
“Phận bông trăm sợi trên cành
Rễ vùi đất cỗi lá xanh bụi dày
Ngậm ngùi uống ly rượu cay
Không người tri kỷ, càng say càng sầu
Trải qua trăm cuộc bể dâu
Mưa đêm chốn ấy nguyện cầu nắng mai
Bồng bồng trong trắng dẻo dai
Máu tanh đã thấm, cốt mai đã từng
Nhờ thời mới chớm nở bung
Sương rơi e ấp nửa mừng nửa lo
Tay anh vạch lá thăm dò
Cây thời đến lứa dâng cho cuộc đời
Áo ấm em được đánh tơi
Nệm êm nèn chặt ai ơi thấu giùm…”
Mụ Đoan nghĩ trong đầu điều gì đó rồi vỗ đùi mặt hớn hở chạy xuống lầu nói với tay chủ quán:
- Hai cái tay hôm trước hay ghé phòng con Tình Xuân có phải là…
Tay chủ quán sáng mắt lên nói đồng giọng với mụ Đoan:
- Phải rồi! Món hời đấy to đây rồi thím ơi.
Mụ lăn tăn:
- Mà không có hời hợt gì hết. Không khéo là mất đầu như chơi. Cái thằng cha Trương Tính, suốt mấy hôm nay không thấy nó ở đây. Hay là nó cũng chết quách cùng với tay đô hộ họ Hàn kia rồi?
Mặt tay chủ quán nhăn nhăn, gằn giọng nguýt mụ Đoan:
- Chết đâu mà chết. Bọn nó còn sống sờ sờ ra kia kìa. Tay họ Hàn đó chạy tới đất Mê Linh rồi. Tôi nghe cái thằng họ Trương ấy cấu kết với cái tay ngốc ngốc gì đó họ Dương hôm trước tới quán này tìm gặp con Xuân. Sau đó họ Trương dọa giết quan đô hộ, quân của Dương Thanh mới tràn vào thành đấy thím.
Vừa dứt lời, một đoàn người kéo tới quán đập cửa rình rình. Có một giọng nơ nớ miền Hoan Diễn gọi:
- Ông bà chủ quán. Mau mở cửa, quan gia có việc muốn hỏi.
Mụ Đoan dùng tay bẹo vào tay chủ quán rồi ủn hắn ra mở cửa, miệng còn sít đôi hàm răng, mắt trợn nói:
- Đấy, lão nói khe khẽ thôi. Lại bị bắt hết cả lút rồi! Tại lão hết cả đấy!