Giống Rồng

Chương 10: Chương 10: Chương 2.5 Đại sư phục thành




Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ hai:

Phủ Tống Bình tướng người Nam giết sứ.

Chùa Kiến Sơ, Bắc đại sư phục Thành

Chương 2.5 Đại sư phục thành

Chí Liệt tiến vào trong gian tự quan sát một hồi. Mái hiên ngói đất đã mục xanh, cây xà sơn mới nhưng chẳng giấu đi được mục nát bên trong. Mở cánh cửa lớn bằng gỗ đã bị thủng vài chỗ là một ngôi chùa nhỏ. Bước qua cổng tam quan là hồ sen lớn, bao quanh là lối đi dẫn vào một chùa năm gian chồng diêm, hai tầng, gỗ lim, gỗ gụ, gỗ táu tróc nửa lớn màu sơn.

Năm gian chùa và khuôn viên cảnh chùa ấy là theo kiểu nội công ngoại quốc thường chỉ có ở xứ Giao Châu này. Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đồng được đỡ bằng khung gỗ sơn đỏ còn mới, phía phải là chuông đồng cũ có khắc chữ “Nam Thiên Kiến Quốc Tự chung”.

Sĩ Giao, Chí Liệt hai người ngồi nghỉ dưới gốc đa lau đi những giọt mồ hôi, làn hương trầm phảng phất khiến hai người thiu thiu. Tiếng chuông chùa vang vang chẳng theo nhịp lối cùng lúc tiếng ngựa hý vang gốc cây thị nơi ngoài cổng chùa khiến hai người tỉnh giấc. Gã Quỷ cười hớn hở:

- Không ngờ chùa cũ mà lại có chuông âm thật hay.

Tiếng lớn vọng lại từ cửa chùa:

- Thiếu chủ, Sĩ Giao đấy à!

Tồn Thăng bỏ dùi chuông xuống chạy vội tới chỗ Đỗ Đại mà hỏi:

- Là sư huynh đã đi đâu?

Đỗ Đại ồn tồn nói:

- Khi ta cùng với Sĩ Giao vào ngôi Đại Tự bên phải ngôi chùa này đã bị lạc. Ta cố trốn chạy ra ngoài thì thấy phía sau sảnh chùa có đám người nói giọng Quỳnh châu đang bàn bạc chuyện gì đó. Sau đó thì ta ngất lịm. Tỉnh dậy thì đang nằm bên cạnh hai con ngựa nơi gốc thị đằng kia. Mọi người làm sao mà biết chỗ này?

Gã Quỷ, ngậm quả thị rồi chỉ về phía vị hòa thượng ban nãy. Hai vai gánh trĩu hai thùng nước đổ vào chum lớn gần bếp lửa. Gánh nước rồi vội vã đun nước, làm cơm chay. Đỗ Đại chạy tới diện kiến, thấy dáng hình tựa phật mà cúi người vái rằng:

- Chẳng hay là sư phụ đã cứu tôi tới đây.

Vị sư ấy mải miết từng hạt cơm trắng muốt, hòa nước cho đủ thanh mát rồi vội vàng đưa vào phía trong. Phía bên trong chùa, tượng lớn Phật tổ Bồ đề Đạt ma tay cầm một chiếc hài, bên trái là tượng phật mẫu Ma – ya, cùng bên phải là tượng Bồ tát quan âm ngự đầu rồng, tất cả đều sạch sẽ bụi trần.

Tọa thiền dưới đó là một vị tăng, dáng người mảnh khảnh, đôi ta lớn trĩu xuống hai bên cằm. Bốn người bước chân vào, tăng ấy chẳng hề nhúc nhích. Chẳng nói chẳng rằng, Lập Đức đặt bát cơm cùng chút rau thanh đạm rồi cúi người bước ra. Sĩ Giao cất lời hỏi:

- Bọn thí chủ chúng tôi bái kiến sư phụ.

Không một lời đáp lại, Tồn Thăng quát lớn:

- Này cái tên tăng nhân kia! Dám khinh thường bọn ta sao?

Đỗ Đại ôm lấy Thăng mà kéo ra ngoài. Lập Đức hòa thượng liền nói:

- Các vị thí chủ xin mời qua gian hữu, bần tăng sớm bày cơm chay các vị cùng dùng bữa.

Cơm bày lên, hai niêu cơm rời cùng mẹt rau luộc mềm. Tồn Thăng gắt gỏng:

- Cơm này chúng ta ăn làm sao! Sáng giờ chẳng có gì ăn. Vào chùa thì đánh đấm với bọn tăng nhân ăn thịt uống rượu mệt gần chết. Rượu đâu mang ra đây cho ta.

Sĩ Giao can Gã Quỷ lại:

- Dương Diện đệ hãy trật tự. Chốn xuất gia không được ăn nói bừa bãi.

Chí Liệt quan sát vị tăng tọa thiền kia vẫn chẳng nhúc nhích. Lập Đức nhỏ nhẹ, chắp tay trước ngực mà nói:

- Nam mô a di đà phật! Thí chủ bỏ xá cho. Tăng chúng tôi lấy tu tâm làm đầu, chay tịnh ấy là điều chẳng thể khác được. Nếu vị tướng quân này mong cầu rượu thịt thì thật ngại tăng tôi không thể giúp được.

Lời nói phật rót tai khiến Dương Diện mềm lòng mà ăn lấy cho hết một niêu cơm trắng. Cùng bữa, Chí Liệt hỏi Lập Đức:

- Sư ấy là ai sao mà đến lạ. Chẳng nói chẳng rằng.

- Sư lấy thiền tịnh tu tâm nên gọi là thiền sư. Tính tình Sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh, sáng suốt ấy thế mà gọi là Vô Ngôn Thông. Từ ngày sư về đây chỉ có ngồi một chỗ mà thiền, chẳng nói lấy một lời.

- Cơm nước thì ai chăm?

- Là bần tăng.

- Ngài ấy có nói gì với Lập Đức sư phụ hay chăng?

- Từ khi ngài ấy về đây cũng đã hai mùa xuân hạ mà chưa được nghe.

Sĩ Giao lại hỏi:

- Có nghe tiếng thiền sư mà nay được hạnh ngộ. Ấy sao dân chúng ngoài kia kêu rằng thiền sư giảng đạo, lũ tăng nhân kéo tới nườm nượp? Thật là có điều gì không phải?

- Chùa lớn bên này là Đại Đường Nam tự. Ba năm trước quan sứ cho dựng lên, cạnh Kiến Sơ tự này. Ban đầu ta được mời sang tự ấy mà tu cùng với những tăng từ Quỳnh Châu tới. Sau này ta thấy kẻ ra người vào tự toàn là những bậc quan nhân, quân tướng. Ta e điều không hay nên đã cùng tiểu đệ tử tọa thiền nơi gốc thị kia hướng về Tiên Du Sơn ngày ngày đọc kinh.

Nói tới đây, có vị tiểu hòa thượng khi nãy xuất hiện. Tiểu hòa thượng này nghiêm trang hành lễ mà bái Ngôn Thông, Lập Đức cùng bốn người.

Đỗ Đại thảng thốt:

- Là vị tiểu sư phụ này chẳng?

- Bẩm quan đúng thế. Đây là đệ tử của tôi tên là Phong. Sáng này có thất lễ với các vị quan nhân mong các vị bỏ quá cho.

Dương Diện ăn xong niêu cơm trắng, chỉnh lại miếng da dê trên mặt mà nói:

- Cái tên tiểu tử này, sáng nay đánh với ta lại còn khống chế cả thiếu chủ. Tội ngươi đáng phạt trăm roi.

Tiểu hòa thượng lém lỉnh nói:

- Là thí chủ mặt quỷ kia gây sự trước.

Chí Liệt cười lớn nói:

- Vị tiểu sư phụ này nghệ công thật chẳng dám chê. Lập Đức sư phụ vừa có nói đến việc tu tại gốc thị ấy, ngày ngày lấy đọc kinh mà tu hành. Chẳng hay sao lại không vào ngôi chùa nhỏ này?

Tiểu sư phụ nhanh nhảu đáp:

- Đất này là của vị hương hào họ Nguyễn. Trước ở núi Tiên Du đã mến mộ đức hạnh của sư phụ từ lâu, nay lại thấy người tu nơi gốc thị ấy mà lấy tâm tình để mời sư phụ ta dựng chùa tính từ gốc thị trở về Tây nam chừng hai trăm trượng. Thoạt đầu, sư phụ ta không dám nhận. Đêm ấy nằm cạnh sư phụ dưới gốc thị lại hiện lên thần nhân mách rằng: “Theo ý của họ Nguyễn, chẳng mấy năm sẽ được điều lành lớn.” Sau ấy nghe lời thần nhân, sư phụ mới đồng ý với vị hương hào ấy. Họ Nguyễn ấy dỡ nhà lập chùa tỏ lòng, lại cho người đắp tượng, đúc chuông…

Lập Đức từ tốn nói:

- Tâm tức là Phật. Đệ tử chớ khoe khoang.

Lại kể rằng Đại Đường Nam tự kế bên ấy bọn tăng lữ vốn không phải người Nam, đến đây lấy tiếng là Đại thiền sư, ngày ngày giảng kinh pháp, lễ bái triền miên làm hao tâm tốn lực của bọn dân chúng Giao Châu ấy. Vị tăng nhân mặt đẹp tựa thần tiên, mặc áo cà sa khi sáng dẫn Đỗ Đại cùng Sĩ giao vào Đại tự hiệu là Giả Thường, nhận mình là Đại tăng, cũng là đệ tử Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải, có pháp lực hô mưa hoán vũ, lại truyền bá kinh phật, nhận cả trăm người làm đệ tử. Hai vị tăng kia hung dữ kia vốn cùng thiền sư Vô Ngôn Thông về Kiến Sơ này mà bị bọn chúng dụ dỗ sang tự ấy mà làm điều sằng bậy, tham tục rượu thịt. Lại được biết bọn ấy là tay sai của viên sứ Tượng Cổ nên Chí Liệt bàn với Sĩ Giao:

- Nơi này nhiều ẩn tình. Không thể xem thường được. Ta phải sớm về báo cho Tướng phụ biết.

Đoạn rồi, Chí Liệt bái biệt ba người rồi cùng mười người tùy tùng về La Thành báo tin cho Dương Thanh. Ba người ở lại chùa Kiến Sơ đợi quân tiếp viện lên núi Tiên Du truy quét bọn cướp Lục Hổ.

Mấy ngày ở lại chùa, không khí tĩnh lặng trầm mặc khiến ba người ấy như bỏ hết đi những phiền muộn, gột bỏ đi những bụi bặm chiến trường sau thời gian chiến đấu vừa qua. Vị Tăng kia không nói gì mà chỉ ngày ngày ngồi quay mặt vào bức tường thiền. Sĩ Giao lại thấy sư Lập Đức ngày ngày chăm chút cho vị thiền sư ấy chẳng có lấy một thiếu xót. Sớm gánh nước tưới rau, cùng đệ tử ra sông giặt giũ áo cà sa, chiếu nệm. Trưa lại cơm trắng cùng rau hai niêu mang cho thiền sư. Chiều tới gánh nước từ kênh đun lên mời thiền sư tắm. Tối đến ngồi thiền cạnh sư rồi nâng giấc cho Tăng ấy.

Đêm cuối ba người tại tự, bỗng nhiên có ngôi sao sáng rực phía nam, lửa dưới bếp cháy phừng phừng. Sĩ Giao thấy vị tiểu hòa thượng đang lúi húi dập lửa thì Lập Đức lấy vạt áo mà dập lửa liên hồi lại ôm lấy vị tiểu hòa thượng mà chạy ra. Chẳng mấy chốc vạt áo cháy lẹm đến vai. Tiểu sư vẫn lấy nước mà dập. Mắt lệ rưng rưng, miệng vẫn liên hồi nhẩm rằng:

- Nam mô a di đà.

Tiểu hòa thượng kia khóc nấc lên, dập đầu liên tục xuống nền đất:

- Là tại đệ tử bất cần. Trông nồi nước mà đề tử lại ngủ quên mất.

Lập Đức cháy mất vạt áo cà sa cũ, nhìn gian bếp ấy cháy mà lệ ròng ôm lấy đệ tử:

- Đệ tử chẳng có lỗi gì cả. Là ta phước mỏng chỉ là muốn chăm chút cho Thiền sư ấy mà lại ra như thế. Thật là đáng thương cho đệ tử của ta.

Nói rồi, từ gian tự bước ra, vị Tăng kia bước tới, khoác lên Lập Đức áo cà sa. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh tú, nước da ngăm ngăm khắc khổ, gò má hóp vào, đôi mày bạc trắng rủ xuống hai bên đuôi mắt, râu bạc tựa tiên, giọng nói thanh điện, Tăng ấy nói, nước mắt chảy ra:

- Bấy nay, ta thật cảm kích với tấm chân thành của ngươi. Nay nhận ngươi làm đệ tử, truyền tâm giáo cho ngươi. Gọi ngươi là Cảm Thành. Áo cà sa này, sư tổ Hoài Hải tặng ta. Nay ta tặng cho ngươi.

Lập Đức lấy làm vui mừng, vội cùng đệ tử bái ba lạy để tỏ lòng tôn kính. Sư dắt tay Lập Đức vào mà bàn rằng:

“Xưa đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, hóa duyên viên mãn Ngài vào Niết-bàn. Diệu tâm này tên Chánh pháp Nhãn tạng, thật tướng không tướng, pháp môn chánh định, chính Ngài trao cho đệ tử là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp làm Sư tổ. Đời đời truyền nhau đến Tổ Đạt-ma, từ Ấn Độ sang Trung Hoa trải bao nguy hiểm, vì truyền pháp này. Cứ thế đến Lục tổ Tào Khê được nơi Ngũ tổ, vẫn dòng phái Đạt-ma. Tổ Đạt-ma lúc mới đến, vì người chưa tin hiểu nên lấy việc truyền y bát để rõ chỗ đắc pháp. Nay niềm tin đã thuần thục, thì y là đầu mối của sự tranh giành. Thế nên, Ngũ tổ dặn: “Phải dừng ngay nơi ông, không nên truyền nữa.” Do đó, đến nay chỉ dùng tâm truyền tâm mà chẳng trao y bát.

Khi ấy, Tổ sư Nam Nhạc Hoài Nhượng nhận được chân truyền này, bèn trao cho Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ trao cho Bá Trượng Hoài Hải. Ta ở chỗ Tiên sư Bá Trượng nhận được tâm pháp ấy đã lâu, nghe ở phương này có nhiều người hâm mộ Đại thừa, vì thế mà đến phương Nam để tìm thiện tri thức. Nay ta gặp ngươi đây, ấy bởi túc duyên đã sẵn. Nghe ta nói kệ:

Các nơi đồn đại

Dối tự huyên truyền

Rằng Thủy Tổ ta

Gốc từ Tây Thiên.

Truyền pháp Nhãn tạng

Gọi đó là Thiền

Một hoa năm cánh

Hạt giống liên miên.

Thầm hợp lời mật

Muôn ngàn có duyên

Đều gọi tâm tông

Thanh tịnh bản nhiên.

Tây Thiên cõi này

Cõi này Tây Thiên

Xưa nay nhật nguyệt

Xưa nay sơn xuyên.

Chạm đến thành trệ

Phật tổ thành oan

Sai đó hào ly

Mất đó trăm ngàn.

Ngươi khéo quán sát

Chớ lừa cháu con

Ngay như hỏi ta

Ta vốn không lời.

Chư phương hạo hạo

Vọng tự huyên truyền

Vị ngô thủy tổ

Thân tự Tây thiên.

Truyền pháp nhãn tạng

Mục vị chi thiền

Nhất hoa ngũ diệp

Chủng tử miên miên.

Tiềm phù mật ngữ

Thiên vạn hữu duyên

Hàm vị tâm tông

Thanh tịnh bản nhiên.

Tây Thiên thử độ

Thử độ Tây Thiên

Cổ kim nhật nguyệt

Cổ kim sơn xuyên.

Xúc đồ thành trệ

Phật tổ thành oan

Sai chi hào ly

Thất chi bách thiên.

Nhữ thiện quán sát

Mạc trám nhi tôn

Trực nhiêu vấn ngã

Ngã bổn vô ngôn.”

Nghe xong bài kệ, Cảm Thành liền lãnh ngộ. Sĩ Giao lấy đó làm điều đáng mừng, liền sai người tu sửa ngôi chùa để Tăng Sư cùng ngồi nói về kinh đạo.

Sớm hôm sau, Sĩ Giao cùng Đỗ Đại, Tồn Thăng lên ngựa hướng Tiên Du mà tiến, để lại chùa ba chục lính tráng khỏe mạnh để sửa lại chùa.

Lời bàn:

Xưa ta nghe chuyện tiên thần

Long Ngư xuất hiện chúng dân nương nhờ

Ấy rồi tai họa bất ngờ

Con dân đỏ máu lững lờ nước trôi

Sứ quan nhấp nhổm đứng ngồi

Xứ biên nổi loạn, bề tôi hận lòng.

Người sông đục, kẻ nước trong

Bao năm oán hận thầm mong có ngày

Cờ ai đang phất trao tay

Vượt sông thành trống, người ngay kẻ hèn

Quyết tâm sống mái một phen

Rửa oan quê cũ được khen anh hùng

Ấy còn giặc cướp bên sông

Quá sơn gặp tự tấm lòng thanh tao

Tâm người rộng lớn biết bao

Sớm trưa, chiều tối chẳng nao núng lòng.

Đêm thanh gió thổi nhà không.

Lửa kia thiêu đốt vàng ròng chẳng phai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.