Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ tư:
Rời La Thành, tướng họ Dương thoát hiểm.
Đến Đại La, lính Bắc phương giết dân.
Chương 4.3 Sinh ly tử biệt
Lúc mất thành Nà Lữ, tả tướng của Chí Trinh là Triệu Túc dẫn năm trăm lính vượt sông Nam Bình (Sông Thương) hội quân với cha và Sĩ Giao tại Hải môn.
Đương lúc nguy bách, Triệu Hoằng tự ý mang quân đến Hải Môn quan nghênh chiến với tướng địch là Thôi Kết. Phó tướng của Quế Trọng Vũ thấy Hoằng là kẻ ham sống sợ chết lại hám tiền bạc của cải, sai sứ giả sang vờ cầu hòa. Sĩ khí quân lên cao, thấy Kết sợ hãi mà nộp tiền vàng của cải, Triệu Hoằng lại sai con trai Triệu Túc mang thêm quân đến để hòng dọa Kết.
Đêm rằm tháng chạp, Kết lại sai sứ giả bí mật đến chỗ Hoằng chở theo rượu thịt trăm cân, vàng bạc nghìn lượng, vải lụa nhiều vô kể. Sứ giả nói với Hoằng:
- Triều đình có ý tốt muốn công nhận Dương Thanh tướng quân. Nhưng khi phong chiếu, hắn lại vờ ốm không nhận. Nghe Triệu Hoằng tài đức phần nào cũng vượt hơn họ Dương ấy, lại biết lắng nghe lòng dân được lòng đám sĩ tướng xứ Giao Châu. Trọng Vũ tướng quân thấy cái uy của người hùng tài lấy làm kính nể. Chút quà mọn này coi như chút quà gặp mặt. Trọng Vũ muốn cầu hòa với Triệu Công, phần sau sẽ trở về báo với Triều đình phong tước, cấp thổ cho ngài.
Lời ngon ngọt khiến Triệu Hoằng mơ tưởng. Vàng bạc châu báu lụa là không thể không lay lòng. Triệu Hoằng cho thân tín giấu kín chúng ở phía sau trại hướng về Tống Bình. Hoằng hớn hở khoe với Sĩ Giao :
- Dương Thanh nói quả không sai. Đám quân ô hợp triều đình cũng chỉ có vậy. Lũ rùa rụt đầu. Thấy con trai ta đã kinh hồn bạt vía.
Sĩ Giao lấy làm lạ, hỏi Hoằng :
- Triệu Túc là tả tướng quân dưới quyền Trinh thiếu chủ cố thủ Nã Lữ. Sao hắn lại trở về đây?
Hoằng ậm ừ:
- Thành Nà Lữ đất ở chỗ hiểm dễ thủ khó công. Xung quanh lại có bốn gò đất cao, quân lính đóng tại đó mà giữ thành được dễ dàng. Đất trọng yếu Hải Môn như ta và ngài giữ ở đây mới là thật hiểm nghèo. Thêm một dũng tướng như con trai ta trấn thủ đất này chẳng phải thêm phần an tâm hơn hay sao.
- Tại hạ nghe nói tiên sinh cầm quân nghênh chiến ở quan ải. Cớ sao lại cho quân lui về. Túc là dũng tướng cũng là người có mưu lược, há chẳng phải nắm thêm phần thắng hay sao.
- Là đám quân lính triều đình nhổ trại lui quân. Ta mới cho lính ra hù dọa ba ngày đã khiến bọn đó thành rùa rụt cổ. Thấy thế nên ta cho quân tập kích trở lại chỗ này.
Sĩ Giao thấy bất an trong lòng, sai người đi tìm hiểu xem thực hư. Biết được chuyện có sứ giả đến cầu kiến Triệu Hoằng, vị quân sư không hài lòng gọi Triệu Túc đến. Túc bị Sĩ Giao xoay vần liên tục, hỏi câu trước câu sau lời không giống nhau nên cuối cùng phải khai thật với Sĩ Giao. Sĩ Giao thở dài ngao ngán, đuổi Túc ra ngoài, hạ ba cấp làm lính quân nhu, cấp phát lương thảo.
Triệu Hoằng thấy điều đó mà không thèm nhìn mặt Sĩ Giao, lại cho người rêu rao Sĩ Giao cấu kết với địch, vì tư thù mà lấy việc công để trị tội, chia rẽ lòng quân lúc sĩ khí lên cao. Bọn giám quân cũng bị bọn Thôi Kết, Trọng Vũ điều đình mà có ý đồ trốn bỏ quân doanh nhiều vô kể. Sĩ Giao bấy giờ dùng binh quyền đuổi khéo cha con Triệu Hoằng về Tống Bình để tránh hậu họa chia rẽ quân tâm. Có hai vạn quân trong tay so với bảy vạn quân lính kỵ của họ Quế, lại không có võ tướng dũng kiệt, Sĩ Giao cho quân lui về tuyến phòng thủ phía sau, chờ viện binh từ các Châu phía nam.
Chí Liệt nghe tin đám quân tướng trong phủ Tống Bình cấu kết với giặc chiếm được La Thành gấp gáp cho quân lính lui về theo đường thủy đến sông Thiên Đức phía nam thành Luy Lâu. Đỗ Đại hợp quân với Sĩ Giao giữ chắc phòng tuyến phía đông. Từ Ái Châu, Tồn Thành dẫn hơn vạn rưỡi binh mã đi dọc bờ biển, đóng quân tại Đa Cương, Võ An châu. Các châu Võ An, Trường Châu không thấy có lính đến tiếp viện. Chí Liệt cho gọi Sĩ Giao bàn chuyện:
- Nay tuyến được dọc từ La Thành, Cổ Loa thành đến thành biên giới đều nằm trong tay triều đình. Tướng phụ không biết rõ thế nào, Sĩ Giao có ý kiến gì hay không?
- Thật là không thể ngờ tới. Chủ tướng đối tốt với bọn thứ sử, châu mục các nơi. Nay cần người đối phó với đám quân triều đình lại chỉ có riêng Ái Châu góp quân giúp sức. Mặt phía tây Phong Châu cũng là mặt hiểm yếu, quân Nam Chiếu lúc nào cũng nhăm nhe. Không thể để hổng chỗ đó được. Quân triều đình lại chiếm được nhiều nơi quan trọng, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Nếu bọn chúng thủ thành chờ ta phản công lại thì sức quân ta cũng chẳng thể làm gì hơn.
- Chi bằng sai sứ giả sang đất Nam Chiếu giữ mối hòa hảo, đánh vào đất Vân Nam, Quảng Châu. Khi thắng được quân triều đình, hai bên chia đất.
- Đất Ngũ Lĩnh, Đại Lý bọn Nam Chiếu đã nhăm nhe từ lâu, sau loạn An Lộc Sơn, quân triều đình càng giữ vững hơn đất đó. Đất xứ nam ta mới là miếng mồi lớn. Ta e rằng khi quân Đường Lâm, Phong Châu, Bình Nguyên, Nam Tà đánh Tống Bình thì bọn Man Hoàng nhân đấy mà chiếm luôn của ta.
- Vậy như, Hoan Châu, Diễn Châu mang quân một vạn ra đến đây chẳng biết ý quân sư thế nào.
- Đất bắc Hoành Sơn, Lâm Ấp cũng đã bình. Người đất ấy xưa mang phúc của chủ tướng mà thanh nhàn bấy lâu. Nay chỉ có thể nhờ người xứ đó vậy. Cũng nhân bọn Trọng Vũ, Thôi Kết chưa vào Tống Bình, thiếu chủ sai người đến dò la đám thân tín của chủ tướng tại Tống Bình tình hình thế nào.
Chí Liệt lập tức nghe theo. Tại Tống Bình khi ấy, La Thành, Long Biên, Cổ Loa đều có lính giáp hoa, giáo dài ngày đêm canh giữ. Hai tên Giả Không, Giả Thanh làm dũng tướng giữ hai thành bên ngoài, Long Trạch giữ La Thành chờ quân triều đình đến thì dâng binh quyền lên.
Long Trạch cùng với Giả Thường sai bọn đệ tử đi dán cáo thị ở khắp nơi, treo thưởng đầu của Dương Thanh vạn lượng bạc, lại kể tội Dương Thanh:
Thanh phản phúc giết chết quan sứ là Tượng Cổ, có dã tâm chiếm đoạt. Khi đến Tống Bình lại giết cả nghìn người vô tội. Ấy là hai tội đáng chết.
Chùa Đại Đường xưa là nơi dân chúng trong vùng đến cầu phật, nay hắn lại sai người đốt tự khiến đám hòa thượng lầm than, bao nhiêu công đức xứ Giao Châu đều tiêu tan. Chốn linh thiêng hắn cũng chẳng có chút tâm đức nương tay. Ấy cũng là tội lớn với đám dân.
Chí Liệt nghe tin mà cả giận, đêm cho người đi xé hết cáo thị xuống. Có hai chục tên lính bị bắt, một nửa đám đó khai Chí Liệt đóng quân ở Luy Lâu. Đêm ngày sau, doanh trại ngoài thành của Chí Liệt bị tập kích, số lính chết đến phân nửa. Chí Liệt dẫn năm nghìn quân chạy về phía nam. Sĩ Giao cùng Đỗ Đại biết tin mang quân đến tiếp viện thì Trọng Vũ nhân thời cơ đó vượt Hải Môn quan đánh tan quân phòng thủ, số đầu hàng lên đến vạn rưỡi quân. Họ Quế rộng đường đến Tống Bình. Đỗ Đại anh dũng phá giặc bị trúng nhiều mũi tên của địch, khó lòng qua được. Sĩ Giao cầm hai nghìn lính chạy về phía biển đến hạ lưu sông Nhị - đất làng Gia Viễn.
Đỗ Đại quay lại cùng một nghìn lính liều chết cản bước địch đang đuổi theo Sĩ Giao. Đỗ Đại thấy tên cầm cờ phía quân lính mình bị chém chết, Đỗ Đại chạy tới mà cầm lấy cán cờ giương cao, hét lớn:
- Quyết không để cờ rơi. Thà chết cũng không được để dũng khí quân ta rơi xuống.
Đỗ Đại tay cầm cờ lớn, tay phải giữ chắc Xích Đao chém chết cả trăm tên giặc. Phá tan thế giặc vây, Đỗ Đại trao cờ cho một tên lính khỏe mạnh giục hắn cầm cờ đi theo quân của Sĩ Giao xuôi về phía nam. Cờ vừa rời khỏi tay thì Đỗ Đại bị bộ tướng của Quế Trọng Vũ là Bùi Chiêm chém chết.
Nhận tin dữ Đỗ Đại liều mình quay lại cản bước địch mà chết, Sĩ Giao chẳng thèm ăn uống đến ba bốn ngày, chỉ nằm một chỗ quay lưng ra ngoài mà nhìn vào bức tường. Nước mắt ròng ròng không sao cho hết nỗi đau thương. Sáng ngày ra nhìn về phương bắc nghe tin, chiều muộn lại quay về hướng tây mà ngóng ngóng người. Việc quân tình báo về bỏ bê hết thảy. Lại sai người quay lại tìm xác của Đỗ Đại, đám lính quay về mặt người nào người ấy rệu rã chẳng có hồi âm. Quân lính thì chạy khắp vùng để xin lương thực từ trong dân. Có đến cả ba bốn chục lính đảo ngũ, cởi mũ giáp mà bỏ đi.
Ba ngày để tang Đỗ Đại qua đi, Sĩ Giao cho tập hợp quân lính tại trước cửa nhà vị hào trưởng đất Gia Viên Nguyễn Tất. Mặt mày còn thất thần nhìn đám lính, giọng thều thào chẳng ra hơi, tay cầm mảnh giấy đọc trước linh cữu giả của Đỗ Đại, tay run run mà khóc rên như cha mất, mẹ mất:
Ôi hỡi Đỗ Đại huynh trưởng ơi!
Thuở hàn vi huynh trưởng dắt tiểu đệ đến gặp Anh Sách tướng quân. Đại huynh được lòng Anh Sách mà em được xung làm quân tướng Tống Bình. Thấy bất bình chốn trường phủ hai huynh đệ về xứ Quảng Yên sống cuộc sống ngư chài. Sóng gió ấy thế mà chẳng qua đi, kẻ tham lam lại chèn ép ngư gia, khép dân mình vào tội chết. Thật là đắng cay, chua xót lắm. Huynh trưởng lại dắt bọn chúng đệ về phủ Tống, nhận đất Luy Lâu, làm nha môn áp sứ. Thế rồi tên Lý sứ ép ta phải bỏ quan, không thể nào sống chung được với lũ nịnh hót, trắng đen bất phân. Anh em ta được Dương tướng quân nhận về phục vụ dưới trướng. Bao nhiêu kế sách, trí lược được mang ra cho tướng chủ dùng. Xuân hạ hai mùa, bao nhiêu chiến công ghi tên lẫy lừng.
Khi họ Lý kia tham bạo, hung tàn, ta với huynh cùng tướng chủ lật đổ viên sứ nát. Lại được nghe giặc Lục cướp mà đi dẹp chúng. Đến nay cũng đã được nửa năm.
Huynh còn chưa yên bề dân đất Hồng, đã lại phải cùng bọn đệ dẫn lính chống quân Trung Nguyên.
Dẫu biết rằng, thắng thua là điều tất yếu của nhà binh. Nay thắng, mai thua đó là lẽ thường tình. Quân triều đình đông nhưng lại không ưa khí hậu xứ nam ta, lại thêm đường xá xa xôi, quân lương tiếp tế từ Ích Châu, Vân Nam, Quế Châu đâu phải chuyện ngày một ngày hai. Tên xứ Hành Lập cũng đang chôn chân miền biên viễn với đám lính Nam Man, cũng chẳng ưa gì họ Quế kia mà tiếp viện binh lương cho hắn. Thế nên ta và chủ tướng đã thống nhất giữ chặt phòng tuyến, tử thủ để bảo vệ Tống Bình, đợi khi quân lính triều đình phương Bắc rệu rã, lương thiếu, bệnh nhiều ắt tự sẽ tan. Ấy vậy mà đám quan lại Tống Bình, các tướng dưới lại chẳng chịu nghe lời. Kẻ thì điều đình qua lại với họ Quế, ăn đút lót, dối giục lòng dân, lại sai bọn tốt lính đầu hàng họ Quế. Kẻ làm tướng tiên phong, đóng quân đồn trại miền biên giới, chẳng hay lẽ sau trước tư thông với địch, dẫn rắn về cắn gà nhà để huynh phải oan nghiệt nơi đây.
Ôi kể sao cho hết những ngày ! Bao nhiêu đau đớn, thân gầy hao yếu, tâm này thật xót xa.
Đây ly rượu này xin được chia ba, chén mời thiện địa, chén hòa hồn huynh. Ta xin uống nốt ly rượu này để tỏ ý tình. Kẻ ở người đi, đôi dòng lệ tuôn, kính mong hồn huynh nơi chín suối ngậm cười độ thế cho chúng dân.
Sĩ Giao lấy lại tinh thần, truyền cái lửa sôi sục cho đám lính còn đang nguyện sống chết đến cùng với họ Đỗ. Sĩ Giao liền cho ba mươi tên lính đi khắp vùng dò la. Hai ngày sau, việc chôn cất Đỗ Đại đã hoàn thành, nhận được tin Chí Liệt đóng quân ở phía tây bắc vùng đất Hiến. Sĩ Giao qua đất Cúc Bồ nhận thêm ba nghìn lính do người anh em họ Đỗ ở đất đó tập hợp từ hai năm trước. Cả thảy đến nửa vạn quân đến đất Hiến hội quân với Chí Liệt. Từ hương Đa Cương sang đất Hiến chỉ cách có dòng Nhị, một vạn rưỡi quân lính do Tồn Thành dẫn ra từ châu Ái cũng đã có mặt tại đây. Tồn Thành cho thuyền nhẹ qua sông dò la. Chí Liệt lấy làm mừng rỡ, sai quân chia làm hai ngả dọc theo sông Nhị chờ thời cơ đánh lên Tống Bình.
Cùng lúc đó có mật thám báo tin về cho Dương Thanh, Thôi Kết đã dẫn năm nghìn quân tiên phong đi từ hướng Bắc phá vỡ vòng vây tại mặt trận phía bắc thành Cổ Loa. Đi sau là hai vạn rưỡi binh mã đóng tại Cổ Loa hướng ra đông bắc. Dương Thanh đến đất Bạch Hạc, sai Tồn Thăng ở lại đất Thị Điềm làm như lời thần nhân mách bảo.