Ánh chiều tà ngả xuống thủ đô nhộn nhịp, nhưng chẳng mấy đẹp vì nếp sống ở đây quá cao và đòi hỏi nhu cầu quá nhiều nên đâm ra ít ai chịu để ý đến những thứ tươi đẹp ấy.
Tôi lại một lần nữa bị đuổi khỏi phòng bệnh. Người yêu của Quỳnh có lẽ muốn ở một mình với con bé nên cứ chớm đến bữa ăn là lại thúc giục tôi xuống căng tin giải đói. Nếu như vậy thì nói thẳng ra, tôi còn biết mà nhường. Đây cứ úp úp, mở mở, coi tôi chẳng khác nào cái bóng đèn. Cơm ở bệnh viện này ăn cũng tạm được, nhưng mùi tanh tanh của sàn nhà bốc lên khiến tôi chẳng thể nuốt trôi thứ gì. Tôi nhổ miếng thịt trong khoang miệng vào giấy ăn rồi gói lại, đáp vào thùng rác, buồn bực bưng khay cơm ra bên ngoài ăn cho thoáng.
Hành lang phía sau nhà ăn vắng hoe, không lấy nổi một bóng người qua lại, nhưng được cái, gió thổi rất mát, rất dễ chịu, thỉnh thoảng lại có một vài bệnh nhân đi dạo quanh đây cho tiêu hóa, rồi đi về phòng bệnh.
Vừa đút thìa cơm cuối cùng vào miệng thì phía xa truyền đến tiếng động mạnh. Tôi giật mình ngoảnh mặt lại, thấy có người đang nằm bất tỉnh trên nền đất. Túi truyền bục ra, nước tràn lênh láng bốn xung quanh. Tôi buông khay cơm xuống, vội chạy tới lay lay người đó:
“Anh ơi, anh gì ơi...anh có làm sao không? Anh ơi!”
Người đó nằm úp mặt xuống sàn, thều thào kêu:
“Cứu...a..n..h!”
Tôi hốt hoảng kêu lên:
“Có ai không? Cứu người với.....!”
Tôi lặp lại câu ấy đến khàn cả cổ, vẫn không có ai chạy tới giúp. Mà người bên dưới tay tôi, đã bất tỉnh nhân sự. Hình ảnh này, làm tôi nhớ lại ngày hôm qua, Quỳnh cũng suýt mất mạng, nếu tôi không về kịp.
Tôi thốc người đàn ông ấy lên vai, anh ta nhẹ hơn tôi tưởng. Chẳng nghĩ nhiều, tôi liền cõng người đó trên lưng, chạy đi tìm bác sĩ.
Dường như anh ta khá quen thuộc với đội ngũ điều dưỡng ở bệnh viện tư này thì phải. Thấy tôi địu anh ta chạy vào, đã hớt hải đem xe đẩy đến, đón anh ta từ tay tôi, đặt lên đó rồi đẩy vào phòng cấp cứu.
Đèn báo trước cửa phòng chuyển sang màu đỏ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm xoay người rời đi. Cùng lúc ấy, có vị bác sĩ đầu đã hai thứ tóc chạy tới nhìn phòng cấp cứu rồi nhìn tôi. Ông ta hỏi:
“Vừa có người đột quỵ, được đưa vào đây đúng không? “
“Dạ vâng!”
Tôi thản nhiên gật đầu thì nhận được cái nắm tay từ ông ta. Ông ta rối rít cảm ơn tôi, còn nói:
“Nhờ có cô mà thằng cháu tôi được cứu! Cảm ơn, cảm ơn cô.”
Còn tôi thì ngơ ngác như bò đeo nơ. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Người yêu Quỳnh tên Hoàng. Và Hoàng gọi tôi lên chăm sóc cô bạn gái bé bỏng thay anh ta, nhà có chút việc, không thể ở lâu. Tôi xách một túi đầy hoa quả lên phòng, vừa đi vừa than ngắn thở dài.
Cuộc đời có đôi khi thật bất công với những người đang cố biến nó trở lên tốt đẹp, đầy đủ hơn.
Ví như người đàn ông mà tôi vừa cứu. Anh ta vì công việc mà tiếp xúc với n chai rượu, chai bia, dẫn tới ngộ độc cồn cấp độ mạnh. Mới khỏi thôi, nhưng lại phát hiện thêm tế bào ung thư đang di căn ở dạ dày, cần phải phẫu thuật cắt bỏ. Tỷ lệ thành công là rất thấp. Cố để mọi thứ trở lên tốt đẹp, như mình muốn, như cuộc đời muốn mà sao khó thế?
“Mày ăn cam đi! Đỡ rồi thì ở thêm vài hôm cho khỏe.”
Quỳnh đón lấy dĩa cam từ tay tôi, nhàn nhạt trả lời:
“Mai tôi xuất viện!”
Tôi vụt nó một cái:
“Mày điên! Bác sĩ bảo ở lại thì cứ ở lại đi. Xồn xồn lên có ngày chết oan đấy.”
Quỳnh liếc mắt nhìn tôi rồi nhìn lên trần nhà, nó nói:
“Tiền đâu ra mà ở? Nằm một đêm thôi đã ba bốn triệu đổ vào. Bệnh viện tư chứ có phải viện công đâu!”
Nhắc đến mới nhớ, số tiền tôi làm thêm chẳng được bao nhiêu, lại dồn hết vào tiền thuốc thang cho nó, tính ra bây giờ còn được hơn triệu bạc. Làm sao đủ chi trả cho viện phí đây?
Bất chợt, tôi nhìn vào sợi dây truyền đeo trên cổ, thầm nghĩ xem, hai chỉ vàng bán chắc cũng được kha khá, bèn quả quyết:
“Mày cứ ở thêm hai hôm xem sao! Viện phí không thành vấn đề.”
“Không!”
Quỳnh lắc đầu, mặt trơ ra:
“Tốn kém. Ở hai hôm mất gần chục triệu, chả bõ!”
“Mày cứ lì như vậy, thằng Hoàng nó phát ốm vì mày đấy!”
Sau đó, tôi nói rất nhiều, rất nhiều, đến độ, con bé tức, chùm chăn nằm ngủ, giận tôi luôn. Tôi nằm ở giường kế bên, ngoái đầu nhìn ra cửa sổ, thấy phòng đối diện bật điện lên, một hai y tá cùng vị bác sĩ già mà tôi gặp tầm tối, đang loay hoay đẩy cán xe giúp người bệnh vào phòng hồi sức.
Cái xe ấy dây dợ loằng ngoằng, phía trên lủng lẳng túi máu đỏ sẫm đang giỏ từng giọt. Phát hiện tôi đang nhìn, vị bác sĩ già gật đầu với tôi. Tôi chớp mắt nhìn đi chỗ khác. Giây trước giây sau, lại nhìn về phòng bệnh ở dãy nhà đối diện.
“Thật trùng hợp!”
Tôi chống cằm kêu lên đầy cảm thán. Thì ra đó chính là người đàn ông tôi thấy hôm qua. Quả nhiên, quả nhiên, trái đất này thật tròn.
Dường như có vấn đề gì đó, họ không đặt anh ta lên giường mà chuyển cáng đẩy về sát bên cửa sổ, rồi từng người, từng người một rời đi. Vị bác sĩ già trao đổi với anh ta, xong lại ngước lên nhìn tôi cười một cái, làm tôi thấy chột dạ. Ông ta vẫy tay chào tôi rồi đi khỏi phòng bệnh.
Người tôi vừa cứu, dĩ nhiên tôi phải soi xét xem anh ta đã ổn chưa chứ. Thế là, tôi cho mình cái quyền được nhìn anh ta kĩ hơn. Anh ta sắc mặt xanh xao, nằm bất động, miệng và mũi phủ kín bởi máy thở, trông vô cùng yếu ớt, đột nhiên, quay đầu ra cửa sổ nhìn tôi. Tôi giật thoắt mình, vội cúi xuống giả vờ cắt móng chân, bặm môi lại:
“Chết cha...”
Rồi lại he hé mắt nhìn lên, thấy anh ta vốn đang hôn mê, không thể đột nhiên mà nhìn mình được, tôi nở nụ cười méo mó. Là tôi tự suy diễn nhiều quá rồi.