Hà Thần

Chương 1: Q.1 - Chương 1: Đội vớt xác năm sông




Thành Thiên Tân, chín khúc sông, đôi cầu nổi, ba đường lớn;

Ngoài cửa Nam gọi Hải Quang Tự, phía cửa Bắc kêu Bắc Đại quan;

Cửa nam có quân đồn trú, lầu gác, pháo đài ở trung tâm.

Ba lỗ châu mai, bốn khẩu pháo, tàu điện biển vàng ra quan hải.

Bài vè này đại ý nói về phong cảnh trước đây của thành Thiên Tân. Thời Dân quốc ngày đó, phía Nam có bến Thượng Hải, Bắc có thành Thiên Tân, chính là hai nơi phồn hoa nhất. Chuyện kể về Hà thần phần lớn đều xảy ra ở Thiên Tân. Trước tiên, như mọi người đều đã biết, tôi không dám đảm bảo tất cả mọi chuyện đều là sự thật, dù sao sự việc xảy ra cũng đã lâu, những gì nghe được cũng chỉ là thuật lại, tôi kể mọi người nghe, tin thì tin mà không tin cũng không sao, không cần truy cứu.

Những người lớn tuổi mỗi khi nhắc tới Thiên Tân thì thường xuyên dùng ba chữ “Thiên Tân vệ”, vậy vệ trong Thiên Tân vệ là nói về cái gì? Yến vương thời Minh đánh ra Bắc, bên người Minh Thành tổ Chu Lệ có Thiên Tân thiết vệ, cũng giống như Cẩm Y vệ thời đó, đều là một đơn vị quân đội đồn trú tại địa phương, hoàng đế Đại Minh dẫn theo con em từ quê nhà An Huy tới đóng tại Thiên Tân, phụ trách bảo vệ kinh đô, vậy nên nơi này liền gọi là Thiên Tân vệ. Đến những năm cuối thời nhà Thanh, Thiên Tân đã trở thành đất “thuê” của chín nước, thành thị phồn vinh chưa từng có, tụ tập đủ hạng người, rồng rắn lẫn lộn, những chuyện hiếm lạ kỳ quái cũng kéo đến ùn ùn.

Thiên Tân có Bắc dựa Yến sơn, Đông giáp Bột Hải, trên có hồ Bạch Dương, dưới là vịnh Bột, là điểm giao của muôn khúc sông, thực tế chủ yếu chỉ có năm con sông chính, hằng năm đều có không ít người chết đuối. Trước khi nhà Thanh hoàn toàn sụp đổ từng thành lập một đội chuyên mò xác, đặc biệt chịu trách nhiệm vớt những xác chết trôi sông. Sau này tới thời Dân quốc, đội vớt xác này nhập vào chung với cảnh sát, gọi riêng là “Đội cảnh sát trên năm sông”.

Trong xã hội thời xưa, cục cảnh sát ngang ngửa với cửa nha môn, ban đầu đội mò xác này không thuộc về cảnh sát sông mà có hơi hướng tự phát do nhân dân tổ chức, mỗi người đều là kiện tướng bơi lội. Chính vì xác chết trôi sông thường rữa nát bốc mùi, gây ô nhiễm tới nước sông, nhìn vào cũng rất ghê rợn, nên dân chúng trong thành có tiền thì bỏ tiền, không có tiền thì góp sức, mời những người thông thuộc thủy tính vớt xác trôi sông lên. Thế nhưng muốn đảm đương công việc như này, chỉ dựa vào mỗi chuyện thông thuộc thủy tính thôi thì chưa đủ, còn cần phải vô cùng gan dạ, biết được cách trấn tà.

Mỗi năm trên khắp các con sông có hơn trăm người chết đuối, chủ yếu là do thiếu cẩn thận nhảy xuống sông bơi lội mà chết đuối, lại thêm trầm mình tự vẫn, còn có cả những xác chết không rõ lai lịch từ thượng nguồn trôi đến, tục gọi là “chết trôi sông”. Lại còn có nhiều tên hung thủ chịu khó bê xác nạn nhân rồi ném xuống sông hủy thi diệt tích, người chết oan như vậy nhiều không đếm xuể, khó tránh khỏi có chuyện ma quái xảy ra. Bất kể hiện tại nhìn nhận những chuyện như vậy thế nào, người xưa đối với chuyện quỷ thần đều vô cùng mê tín, phàm là xác chết trôi vớt từ dưới sông lên thường đều đem đến nghĩa trang chôn cất. Mà trách nhiệm trông xác ban đêm cho đến khi đem ra nghĩa địa mai táng, từ đầu tới cuối đều dồn hết về cho đội mò xác. Những người này ngoại trừ thông thuộc thủy tính và to gan lớn mật ra, còn có một số biện pháp riêng có thể khu quỷ trừ tà, bằng không thì chẳng còn ai làm được điều như vậy.

Dĩ nhiên những chuyện như thế đều là những lời mê tín mà thôi. Từ thời Dân quốc tới nay, đội mò xác đã trở thành “Đội cảnh sát trên sông Ngũ Hà”, nhưng mà dân chúng vẫn quen gọi họ là đội mò xác, cũng có khi là đội tuần sông, cho đến sau ngày giải phóng mới sửa thành Công an đường thủy. Quyển sách này của chúng ta nói về ‘Hà thần’, là để chỉ một người, người này họ Quách tên Đắc Hữu, là con thứ trong nhà. Quách nhị gia thủy tính giỏi giang hiếm thấy, mặt sông mùa đông đóng băng cứng ngắc, chỉ cần đục băng ra cũng có thể lặn xuống dưới được. Ông ta chỉ là một viên chức nhỏ của đội cảnh sát năm sông, cả ngày tiếp xúc với xác trôi sông, trong mấy chục năm đã phá vô số vụ kỳ án mà chỉ nghe qua thôi cũng khiến người ta rợn cả người, cũng đã cứu mạng rất nhiều người sẩy chân rơi xuống nước, bình sinh kinh nghiệm vô cùng phong phú, lại mang trên mình sắc thái truyền kỳ. Người Thiên Tân thích đặt tước hiệu cho người khác, đọc qua rất dễ nhớ, dễ ghi, cũng rất thuận tai. Người thời ấy khi nhắc tới Quách sư phụ thì đều gán thêm chữ ‘Hà thần’, dĩ nhiên là khác hẳn với mấy vị thần linh hay Long vương ở Thủy cung.

Chuyện về ‘Hà thần’ chỉ là chuyện xưa mà lớp người già hay thuật lại. ‘Thủy quái dưới cầu’ chẳng qua cũng chỉ là một phần đặc sắc ở trong đó, nội dung hết sức ly kỳ, tình tiết tầng tầng lớp lớp, nghe qua rất dễ khiến người ta há hốc miệng, so với Bình thư còn đã nghiền hơn. Chuyện ngoài lề chỉ nói đến đây, trước tiên bắt đầu từ câu chuyện ‘Thủy quái dưới cầu’.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.