Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 96: Chương 96: Có Heo Con Rồi!




Chợ phiên lần trước Mai đã nhắn a Báo có tổ ong mang đến nhà cho mình sớm, mấy hôm nay cô vẫn đang chờ. Do chuyện mai mối hai nhà nên Hùng huynh sẽ không đến, phải chờ lúc chính thức đính hôn mới có thể qua lại. Nếu không mọi người sẽ xì xầm bàn tán.

Mai còn lo lắng chuyện làm hồng lạp. Ở hiện đại mua phẩm màu đỏ không khó, nhưng ở đây không biết chế màu đỏ từ đâu? Nhìn xung quanh, màu đỏ chỉ có trong hoa, trái, củ; chiết xuất từ hoa, không dễ chút nào. Hôm trước Mai có mang từ nhà ngoại về một chậu cây bạc hà. Cô định trồng thật nhiều chiết xuất hương bạc hà vào kem đánh răng lúc trước và làm túi hương xua muỗi. Nhưng mà giờ cô phải gác lại lo làm thử hồng lạp trước.

Mấy ngày sau nhà mới Lâm gia đến đặt mua ghe nhỏ. Nguyễn bá cũng muốn mua thêm một cái. Cả nhà càng chăm chỉ lo đóng ghe. Nhóm đàn bà con gái làm thêm việc ngoài ruộng để cha yên tâm lo đóng ghe. Cha nương vẫn là nông dân yêu ruộng đất, đóng ghe có nhiều tiền hơn cũng không bằng trồng lúa, trồng khoai. Trong nhà có lương thực mới yên lòng, cha nói có năm mất mùa, có tiền cũng không mua được lương thực. Bụng đói thì có thể làm gì?

Cái nóng gay gắt đầu tháng tư chỉ làm tâm tình mọi người nôn nóng, trông chờ mùa mưa sắp tới. Mùa mưa là mùa của sự sinh sôi, khởi đầu của một vòng đời mới!

Ngày chợ phiên Hùng huynh bán đồ trong chợ. Một mình a Báo giang ghe từ chợ vào nhà Mai giao tổ ong và một ổ gà con. Hắn nhìn quán trước cửa nhà rất ngạc nhiên, cùng a An hỏi đủ thứ rồi mới nhận tiền, mua một cái bật lửa đá rồi mới đi về.

Từ ngày có quán, khách đến mua trứng gà, gà con hoặc vịt đều không vào thẳng trong nhà mà do a An bán luôn ở ngoài. Như vậy tiết kiệm được một ít thời gian để nương và ngũ cô làm việc nhà, không cần dừng lại tiếp khách như trước.

Đúng ngày hẹn, Lý thúc mang sáu tổ ong lớn đến. Lần này thúc ấy không cần mượn ghe mà dùng ghe nhỏ, đến sớm hơn mọi khi một canh giờ. Trong mấy ngày mà thúc ấy đã học cách sử dụng thành thục, ra không ít sức. Thúc ấy nói với cha:

– Trương huynh đi tìm trầm về rồi. Lần này không tìm được mà có mang về mấy tổ ong rừng rậm rất tốt. Thật ra huynh ấy muốn cho a Sao, nhưng đệ không thể nhận nên muốn hỏi huynh có thể mua không?

Lý thúc hỏi vậy vì ba nhà đều hiểu là nhà Mai tạo điều kiện để nhà Lý thúc có kế sinh nhai nên không mua những nhà khác.

– Được, thời gian này nhà ta cần hơi nhiều hơn, sau này thì chưa biết.

– Vậy tốt quá. A, huynh ấy nói cũng không cần trả tiền mà đổi cái ghe nhỏ này cho Trương tam được không?

– Được, có gì không được.

Tiếp đó, Lý thúc mang từ ghe lên bốn tổ ong nữa, thì ra là đã mang sẵn đến rồi! Thúc ấy cũng không nhận tiền lần này mà muốn cùng trả tiền ghe trước.

– Lúc trước đệ còn nợ nhà Trương huynh không ít tiền thang thuốc. Năm quan tiền kia vẫn còn, chưa dùng hết. Huynh không cần trả thêm.

Thấy cha muốn nói, thúc ấy khoát tay cương quyết:

– Đệ biết cân nhắc, nếu thật sự cần tiền sẽ không câu nệ.

– Vậy được, để a An, a Sao lo liệu chuyện tiền bạc này đi. Bọn nhỏ tính rành rẽ hơn ta.

– Phải, phải. Nhà đệ giờ là a Sao quản tiền đó.

Lý thúc cười ha ha đắc ý nói. Có chiếc ghe này làm phương tiện, có cách kiếm tiền mưu sinh, không phải lo mượn nợ. Đã thấy tia hy vọng cho a Sao rồi nên thúc ấy cũng được an ủi, tâm trạng sảng khoái hơn.

Mấy gói gia vị do Trương bá mẫu chuẩn bị, còn mấy gốc cây tiêu xanh, cây quế, cây tỏi trong sọt tre được Mai nâng niu mang ra sau vườn. Ngũ cô chưa được nếm thử món gà nướng nên cũng tò mò mở từng gói gia vị ra coi.

Cô còn đang loay hoay tìm chỗ trồng thì cha và Nguyễn bá đi ra. Bá ấy chỉ cây quế nói.

– Cây này có mọc ở gò đất trong rừng đó.

Mai nghĩ những cây này đều mọc hoang quanh vùng. Do mọi người chưa biết chúng có thể làm thức ăn hay làm gia vị nên chưa biết thôi. Có một người phát hiện ra thì nhiều người khác sẽ học theo rất nhanh. Cây nào dùng làm gia vị thì quan trọng nhất vẫn là liều lượng và cách pha trộn khi dùng sẽ làm món ăn ngon hay dở; còn tuỳ loại thịt nào và cách nấu nữa.

Buổi chiều ăn cơm nương nhắc cha:

– Chàng xem có đi chỗ thợ rèn mài lại cuốc, liềm không?

– Ta tính dùng đến lúc xong vẫn được, mấy ngày sạ lúa sẽ mang đi mài cùng lúc cưa, đục luôn.

– Ca, đặt làm thêm cái cưa lớn, hai cái đục nữa đi. Tranh thủ a Vinh ở đây để hắn cưa mấy miếng gỗ lớn. Nghe cha nương nói chuyện, thất thúc ha ha cười nói. Sức lực Vinh ca thật lớn, Hân ca và thất thúc thay phiên nhau cưa gỗ với ca ấy mà vẫn than mệt. Ca ấy vẫn còn sức giúp cha cuốc đất nữa.

– Cha, mình tìm người đốn gỗ đi. Gỗ ngâm gần hết rồi, sắp tới đóng nhiều ghe nhỏ sẽ không kịp ngâm.

– Ý con là mình trả công?

– Dạ, mình không trả từng ngày mà trả theo số cây lớn nhỏ đốn về.

– Ừ, sắp tới mùa làm lúa rồi, mọi người sẽ bận lắm.

– Cũng chỉ bận mấy ngày sạ lúa thôi, xong rồi cũng sẽ có người tìm việc làm thêm.

– Vậy được, cha sẽ nhờ Lưu bá nói người trong làng, ai muốn làm thì đến.

– Ca, ca tính tiền công mỗi cây bao nhiêu, để cha xem được không?

Mai quay sang nói a An, hắn gật đầu. Cha cũng gật đầu đồng ý, nói rõ tiền công trước vẫn tốt hơn, để Lưu huynh cũng dễ nói chuyện khi người ta hỏi.

Gần đến rằm tháng tư, dì dượng, cậu hai, Sinh ca, Hữu ca, a Duyên cùng tới. Cái ghe nhỏ thứ hai vừa vặn hạ thuỷ hôm qua. Cha đang đi mời Lâm gia đến xem thì ghe của dì dượng và cậu đến. Nguyễn nhị quan sát ngôi nhà, không khỏi tán thưởng. Mới gần một năm mà nhà muội thay đổi nhiều quá, giờ có thêm phướng đỏ treo cao làm cửa hiệu quán nữa.

‘Ét ét’, trên ghe cậu có tiếng kêu lớn, Mai vui mừng hớn hở kêu a Phúc:

– Heo con, ba con heo con kìa, Phúc ơi!

Hai đứa đứng trên cầu ván ngóng nhìn vào lòng ghe. Sinh ca ôm lồng heo bằng nan tre trao lên cho Bình ca đứng trên cầu ván, còn dặn:

– Ôm chặt, nó giãy dữ lắm.

Tiếp đó, ca ấy và Hữu ca mỗi người ôm một con đi vào nhà sau. Hữu ca, a Duyên là lần đầu tiên đến đây, vừa đi vừa ngó xung quanh.

Thổ nhưỡng vùng Trấn Biên khác ở đây nên có vài loại cây mọc phổ biến ở đó thì khi đến đây không xanh tươi nữa. Lá cây nhìn có vẻ kém xanh, mà cũng không to rộng, sung sức bằng.

Xuống đến nhà sau thì nương và dì đang thắt dây thừng, gút giống thọng lọng tròng vào thân ba con heo con, cột chúng vào cây cột ở cửa bếp. Bọn chúng kêu ét ét bỏ chạy, bị dây thừng kéo lại càng kêu dữ hơn. Con Mực chạy vòng vòng sủa inh ỏi, cố trấn áp ba thành viên mới trong lãnh địa của nó.

Hữu ca chạy nhanh ra ghe lấy bó rau muống, chia ra ba nắm quăng vào gốc cây cột. Ba con heo nhỏ không la nữa mà cúi đầu nhai rạo rạo, à, là đói bụng rồi.

– Để ta nấu cháo nó ăn, ăn rau mau đói.

Nương nói rồi tìm cái nồi cũ, rửa sạch, bỏ gạo vào nấu cháo. Ngũ cô và a Cúc theo hỏi cách nuôi. Ở nhà nội không nuôi heo, lần đầu tiên nhà có heo con mấy đứa nhỏ vừa mừng vừa khẩn trương, cứ muốn rờ mó lưng, bụng heo con. Bọn chúng cứ cúi đầu ăn, không thèm bỏ chạy, tránh né nữa.

– Tối nay ba con heo này nhốt ở đâu?

Ngũ cô cười vui vẻ nhìn hai con heo cò lông trắng da dẻ hồng hào, cao ráo và một con heo bông có mấy đốm đen trắng quanh thân. Bên cạnh ba con heo là chậu đất cũ đổ ít nước ngọt.

Mai nhớ giống heo cò này là giống bản địa, còn heo bông lùn tịt này giống lai của người Chăm. Mai mốt lớn lên, bụng con heo bông sẽ xệ xuống, xương nhỏ, thịt nhiều nhìn rất buồn cười. À, mà nó còn đẻ rất say nữa, mỗi lứa cả chục con. A, nghĩ đến đàn heo nhà mình sau này cô cười híp mắt.

Chuồng heo không thể quá gần nhà, sẽ bốc mùi phân heo. Xa quá thì cả nhà lo tụi nó còn nhỏ, lỡ bị còn này kia cắn. Cuối cùng là chọn gần chuồng gà, Mai chạy lên xưởng nói ai rãnh tay phụ đi làm chuồng heo.

Vậy là cậu hai và Hữu ca, An ca sẽ dựng chuồng heo, Mai ra trông quán. A Phúc kéo tay a Duyên ra vòng quanh chỉ trỏ khoe đàn gà vịt của hắn. Sau đó hai đứa cũng chạy vào phụ buộc dây, trao lá lợp mái cho chuồng heo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.