Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 92: Chương 92: Đường Về Làng Chài Không Còn Xa




Phía nhà trước đang chuẩn bị đặt ray hạ thuỷ, tiếng mọi người hè nhau dùng sức vang vang. Nương nhẹ nhàng xếp từng cặp đèn vào hộp gỗ lót vải, mỗi cây dài nửa thước, to cỡ ba thốn. Mai thấy nương cất hộp đèn xong thì đi trước ra ngoài. Ra đến bếp thì gặp dì năm tươi cười đi vào.

– Nương ơi, dì dượng đến rồi.

– Ừ.

Đã đến rồi, nương thở phào nhẹ nhõm, đứng dậy khép cửa rồi đi cùng Mai ra sân.

– Tỷ,

– Sao đến trễ vậy, làm ta lo lắng quá, sợ có chuyện gì.

– Chuyện gì đâu. Chàng ấy gặp người quen ở Cù Lao Phố, lưu lại nói chuyện mấy ngày.

– Dọn đồ lên chưa?

– Chưa, chàng ấy phụ hạ thuỷ xong đã, mà muội chỉ ngủ lại đêm này, sáng mai đi sớm.

– Sao vội vậy?

– Chàng có hẹn gì đó, tỷ có bao nhiêu cặp đèn. Chàng đã nhận tiền trước mười cặp đèn, giao mười cái chụp và dĩa trước rồi, giờ chỉ còn chờ đèn thôi.

Dì năm nhỏ giọng hỏi nương.

– Vậy được, có mười bốn cặp, ta với a Mai vừa xem xong.

Nghe tin này nương càng vui, lần đầu làm ăn với nhà ngoại a Bình cũng hơi lo lắng. Tính ông ngoại xưa nay trầm tĩnh, đối với con cái rất uy nghiêm nên nương không khỏi căng thẳng. Hai người quay lại xem đèn, nói chuyện còn Mai ra xem cái ghe mới.

A! A! Phía sân trước có tiếng la rồi ‘ùm’. Mai vội chạy ra coi có ai rớt xuống nước sao?

A Bảo ướt như chuột bò lên, mặt còn nhăn nhó. Trong khi a Bình đã ngồi trên thanh ván gần mũi ghe nhẹ nhàng chèo quay lại cầu ván.

– Để ta thử xem.

– Thúc ngồi ở đây, muốn đứng chèo phải xuống hai bậc nữa.

Thất thúc đứng hai chân thành thế thoải mái chèo đi chèo về.

– Ca, nhẹ lắm. Một người chèo không mệt chút nào.

Tiếp đó là mỗi người đều muốn thử, Bảo ca rút kinh nghiệm lần này mới không bị té nhào xuống vì ghe nghiêng nhanh nếu không biết thế.

– Được, nhẹ thiệt. Đi vòng quanh bán hàng cả ngày chưa mệt.

– Cái này không chở được nhiều hàng như ghe dượng đâu.

Dì dượng đang dùng ghe lớn chuyên dùng của thương lái quanh năm trên sông, có chỗ ngủ, có chỗ chứa hàng. So với cái ghe hột vịt này sao được.

Nương dẫn dì năm từ trong nhà ra quán, ngũ cô đang cho gà con trong lồng tre ăn đứng dậy chào.

– Từ xa đã thấy phướng đỏ này, muội cứ nghĩ không biết nhà tỷ treo làm gì. Ngũ tỷ muốn bán mấy món trên ghe nhà muội luôn không?

Dì năm tính tình nhanh nhẹn hoạt bát, miệng nói tay làm. Dì gọi dượng mang mấy món lên bày trên kệ quán, có dầu đốt (là dầu phộng), kim chỉ may, mấy loại vải thô – khổ nhỏ, túi trà, cau khô, vôi ăn trầu, thuốc lá phơi khô, đá bật lửa và mấy món thiết yếu khác. Còn có đồ trang sức gọn nhẹ như lược gỗ, vòng tay đá, trâm gỗ.

– Chàng thấy mấy giỏ tre này sao? Rất tiện dụng, đan cũng khéo nữa.

– Ừ.

Cũng không cần vào trong nhà, ở quán tính toán xem bán món gì thì được, giá bao nhiêu. Hân ca chèo ghe qua nhà Lưu bá rồi chở Lưu bá mẫu, tam Mi tỷ mang theo một số cái rổ, giỏ tre trong nhà qua cho dì dượng xem. Mai kéo tay a An, nói nhỏ ‘ca học dì dượng buôn bán đó’; hắn gật đầu, yên lặng lắng nghe.

Buổi tối mấy người lớn ngồi trên bàn, tụi nhỏ chia nhau ngồi trên hai bộ ván. Dượng đặt túi tiền lên bàn nói chuyện bán mười cặp đèn nhận tiền trước của khách ra sao. Tiền mua chụp và dĩa đất nung bao nhiêu, tiền bốn cặp đèn dượng cũng trả trước luôn; rồi hai phần tiền của dượng tính làm sao.

Từng khoản dượng đều nói rõ ràng. Mai tính nhẩm rất nhanh ra được số tiền nhưng cô không nói mà nhìn a An, hắn hơi khàn giọng nói:

– Lần này mười bốn cặp là bảy quan, trừ mua ba mươi chụp và dĩa nhà Sùng ông còn ba quan một trăm hai mươi văn, trừ đi ….

– Tỷ phu đếm tiền trong túi.

Đợi nương cất tiền xong, dượng nói tiếp: – Lần này đi hơi vội, tỷ phu làm càng nhiều đèn càng tốt, rằm tháng sau ta đến nhận. Sáng mai ta sẽ đến đặt Sùng thúc thêm một đợt chụp nữa.

– Được, ta sẽ nhờ thêm người lấy tổ ong,

Dượng ngừng hơi lâu như suy nghĩ, miệng thì nói với cha nhưng mắt liếc về phía Mai:

– Có thể làm hồng lạp được không? Rằm tháng sau là Lễ Phật Đản sinh, nhiều người tìm mua hồng lạp cúng dường. Bây giờ làm sẽ không kịp bán, đến Rằm tháng bảy Lễ Vu Lan Bồn, nếu có thể làm được sẽ bán rất tốt.

Cái này Mai chưa nghĩ đến.

– Cháu sẽ làm thử, nhưng không chắc là được.

– Ừ, còn thời gian mà. Cháu thử xem.

Dượng sảng khoái đáp ứng, có gấp cũng không được. Hồng lạp chỉ dùng vào các dịp lễ lộc, bán được giá cao hơn nhưng không dễ làm. Nếu nhà mình làm được thì tốt quá rồi.

Chái nhà mới bên kia có đặt hai bộ ván, trải chiếu, gối đan cho nhóm con trai, không cần chen chúc khi có khách nữa. Có thợ mộc trong nhà nên kệ, móc quần áo đầy đủ. A An được riêng một ngăn đựng hộp tiền là bảo vật của mấy đứa nhỏ. Dì dượng ngủ lại trên bộ ván nhà trên.

Sáng hôm sau dì dượng đi rất sớm, mặt trời chưa lên đã chống ghe đi. “Chuyện ở Cù Lao Phố là chuyện gì vậy?” Mai thoáng nghĩ nhanh rồi cho qua.

Hân ca thưa với cha:

– Cháu định về nhà một ngày, báo tin ông nội chuyện ghe mới được không thúc.

– Được, chờ chút đi với thím cháu đi.

– Dạ.

Mai đoán cha nương muốn hỏi chuyện a Cúc, gặp hỏi chuyện tỉ mỉ vẫn tốt hơn. Lần này đi về nhà nội có nương, Hân ca, Bảo ca, Mai và a Phúc. Mấy người còn lại ở nhà lo việc trong ngoài, việc nhà không dứt ra được nữa rồi.

Khoảng thời gian này năm ngoái Mai lần đầu tiên đi bộ về làng chài, khung cảnh xung quanh vẫn như vậy. Những rặng dừa nước, mảng lát ven sông lao xao trong nắng.

– A Phúc, nhà Tiêu Ân thúc kìa,

– Là cái nào?

Xóm nhà Tiêu Ân thúc có thêm mấy căn. Cánh rừng hoang sau nhà đã được khai khẩn, vài bóng người đang lom khom nhổ cỏ. Sau khi gặp lại bá phụ của mình, Tiêu Ân thúc theo bá phụ buôn bán từ Lũng Kỳ, Cần Vọt, mỗi tháng về nhà vài ngày. Thím Vanh Na sanh con gái ở nhà mẹ đẻ, được hơn tháng thì về trông nhà. Nương có đến thăm lúc thím ấy về nhà, đứa nhỏ đặt là Tiêu Anh, rất sổ sữa, đôi mắt hai mí đen lấp lánh giống thím.

Bờ Tô Châu bên kia cũng có nhiều ngôi nhà mới dựng, lá lợp tươi vẫn còn xanh. Sông rộng khoảng mấy trăm thước, mùa khô nước sông đục ngầu phù sa. Bãi đất bùn kéo dài là chỗ cho hang cua, hang còng mặc sức đục lỗ. Mùa khô sông cạn nước, ghe lớn năm bản có thể băng ngang sông. Lưu bá thỉnh thoảng cũng chở khách sang sông.

– Nương ơi, nương qua Tô Châu bên kia chưa?

– Rồi, cũng mấy năm trước.

Mai tò mò nhìn về hướng núi Tô Châu, có dịp mình sẽ qua đó cho biết.

– Hôm Tết, nhà ta có đi thăm tiểu cậu bên đó, phía trong kia, chỗ gò đó.

Bảo ca nói, chỉ là giọng cũng không quá vui vẻ, ‘tiểu cậu’ à, là em út của bà nội lớn. Hèn chi nhà Mai không đi, nhà nhị bá, tam bá mới cần đi thăm. Chuyện người lớn, cũng qua lâu rồi nên Mai không nghĩ đến những khúc mắc trong đó. Cô tò mò hỏi:

– Bên đó nhiều nhà không ca, có ai mở cửa tiệm giống nhà mình không?

– Cũng không đông, chưa ai mở đâu, nhà mình là đầu tiên ở Đông Hồ rồi đó.

A Phúc cũng gật lia lịa, đây là chuyện mới mẻ ở làng Đông Hồ đó. Trước giờ chỉ có ở trấn lớn người ta mới mở tiệm, mở quán nhà trước, phía sau là ở.

– Lần đó nhị bá chèo ghe đi sao, đi ngã nào?

– Đó, chỗ cửa sông đó, canh con nước đứng băng ngang qua. Giữa sông rộng lắm, gió mát lạnh.

Cửa sông có mấy khối đá lớn chồm ra, làm mặt sông hẹp hơn nhưng đá ngầm lổm chổm ở đáy sông, đúng là phải canh con nước để không đụng đá ngầm. Người ở đây truyền miệng cho nhau kinh nghiệm đi ghe xuồng. Khúc sông, vịnh biển nào nguy hiểm đều bảo nhau nghe. Mấy lần đi chợ hay đi nhà ngoại, cha nương đều chỉ dạy cho mấy đứa con. Cha cũng học chỗ Trương bá, Trần bá những người đã đi qua nhiều sông rạch, biết chỗ hiểm mà tránh. Cứ như vậy, kinh nghiệm sinh tồn được truyền từ đời này qua đời khác.

Lần này ngồi trên ghe, lại không vội vã nên Mai tha hồ ngắm cảnh hai bên bờ. Vũng Đông Hồ. Núi Tô Châu, dãy Bình San, Gò Lộc Trĩ cứ dần hiện ra. Màu xanh thẳm của rừng cây, màu xanh của bầu trời tháng ba, dòng nước phù sa lặng lờ như hòa làm một. Đường về làng chài không còn xa xôi như lần đầu nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.