Bán hết đường rồi nên Mai chuẩn bị về, hẹn chợ phiên sau mua tiếp mấy con gà nữa. Hai anh em
La Hùng gật đầu đồng ý. Trên đường về tiếng tranh cãi của mấy đứa nhỏ,
tiếng gà chíp chíp làm rộn một khoảng không. Có vài ngôi nhà đang được
dựng lên, An ca chỉ ngôi nhà ven vũng Đông Hồ nói:
- Cha kìa, cha đang dựng nhà đó.
- Đâu? Đâu?
Từ xa nhìn không rõ ngôi nhà ra sao, người ở đây đều thích dựng nhà có mặt trước là đường, mặt sau là sông rạch, đôi khi ngược lại nhưng luôn gần
sông.
- Cha, cha,
A Phúc nhảy lên xuống hét gọi cha, xa quá làm sao cha nghe được, hắn nhảy mệt quay lại đùa với mấy con gà trong rổ.
- Chúng ta về nhanh, trưa nắng mấy con gà khát nước, đói bụng.
Mấy đứa nhỏ ùa nhau chạy nhanh lên phía trước, chỉ có Cúc tỷ vẫn đi từ từ
phía sau, gió thổi quần áo và tóc bay phất phơ, khuôn mặt trái xoan của
thiếu nữ mới lớn vẫn còn nét trẻ thơ thật ưa nhìn.
Sáng nay không ăn sáng nên về nhà đứa nào cũng đói bụng, không có nương ở nhà thế là
bọn nhỏ nài nỉ Cúc tỷ làm món ăn vặt, không cần ăn cơm. Món ăn vặt ưa
thích là tôm chiên, khoai lang chiên, khoai mỡ chiên hoặc chè khoai. A
Phúc nhìn ổ trứng gà muốn ăn nhưng Cúc tỷ nói để chiều cha nương về sẽ
cùng ăn, hắn xịu mặt gật đầu rồi lập tức vui vẻ lấy nắm gạo cho gà ăn.
Đám gà này đã lớn, tự đi quanh quanh tìm thức ăn, thất thúc, An ca và Vĩnh
ca quây chúng lại trong góc sân, đóng cây nhỏ làm hàng rào, giao a Phúc
cho ăn cho uống rồi cùng nhau ra ruộng. Cúc tỷ và Mai nấu đường, nấu cơm trong bếp. Mai nhìn mấy cái trứng gà nghĩ, không có gà mẹ mình làm lò
ấm để ấp trứng gà được không? Không biết ấp trứng cần nhiệt độ bao
nhiêu?
Mai chạy ra sân ôm con gà lớn nhất trong bầy, giữ tay dưới lườn nó, ấm hơn tay mình, mô phỏng theo cách gà ấp trứng cần làm lò ấp
bằng gỗ và đất, thử xem sao. Mai lấy que tre vẽ lên nền đất ướt ở góc
sân. Nhìn tới lui vẫn không ra hình dáng gì rõ ràng. Mai chỉ biết nguyên lý ấp trứng gà vịt, còn chi tiết phải tự suy diễn thêm.
Hả vit,
mình có thể ấp trứng vịt luôn! Đợi nước trong vũng, trong sông cao lên
chút nữa, vịt nước sẽ về theo dòng nước ngọt. Mình lượm trứng để dành ấp được rồi. Như vậy có ấp hư cũng không lỗ tiền, mà sắp có hột vịt lộn ăn nữa, hí hí.
Cúc tỷ làm xong việc dặn Mai và a Phúc trông nhà, đi ra ruộng làm cỏ cho miếng đất mới.
Chiều hôm đó cha về đến sân trước đã thấy mấy đứa nhỏ chân tay còn dính bùn
quây quanh chuồng gà xem chúng ăn, cái chén mẻ đầy nước để góc chuồng.
- Lê huynh, tìm được rồi.
Là Tiêu Ân thúc.
- Ân đệ, tìm ta sao? Vào nhà đi.
Sau khi chào hỏi, mời vào nhà cha mới lên tiếng hỏi:
- Đệ tìm ta có việc gì?
- A, là hôm trước huynh cho nhà đệ mỡ thực vật đó, có mấy nhà trong xóm
thấy ăn được, giá cũng rẻ nên hỏi đệ mua ở đâu. Huynh có bán nữa không?
- Có bán, đệ mua mấy ống?
- À, để xem, cái này là mười lăm văn ống lớn của nhà tam ca ta, cái này,...
Tiêu Ân thúc lấy trong túi ra mấy xâu tiền, có xâu là mười lăm văn, có xâu
tám văn, có vài đồng tiền lẻ rớt ra. Mai kéo ống tay áo cha thì thầm,
ông gật đầu đằng hắng nói:
- Tiêu Ân đệ, ta tính như vầy đệ xem có được không,
- Sao?
Tiêu Ân thúc ngẩng đầu khỏi mấy xâu tiền hỏi.
- Ta bán người ta là mười lăm văn ống lớn, tám văn ống nhỏ. Ta bán đệ rẻ hơn mười hai văn ống lớn, sáu văn ống nhỏ, đệ thấy sao?
- Ý huynh là ...
- Đệ đi xa, tiền dư ra là công vất vả,
- Được, vậy tốt quá.
Tiêu Ân thúc cười sảng khoái đáp ứng, đi chuyến này cũng không mất công,
kiếm được vài văn tiền thật tốt. Chuyện sau đó là chiết dầu sang ống
tre, tính tiền rất nhanh chóng, Ân thúc vội đi về vì trời sắp tối.
Khách về rồi thì cả nhà đều vui vẻ, Mai đặc biệt vui mừng, nếu có thêm vài
nhà như vậy nương sẽ không cần đi chợ xa bán, chia chút tiền cho ‘đại
lý’ cũng đáng.
Thất thúc hỏi cha:
- Ca muốn dùng cây thốt nốt già ở bìa rừng làm gì?
- À, ca thấy thân trên chưa mục nên kéo về để dành, đệ và a Bình kéo phụ ca, đi.
Cây thốt nốt già được kéo về đặt trên sân, gốc cây bị mục gần một nửa, chắc vì vậy nên khi gió lốc nó ngã theo. Thân cây thật to, một vòng tay Mai
ôm không hết, vỏ sù sì đen sạm. A Phúc nghịch ngợm ngồi lên thân cây như cưỡi ngựa, cười ha ha.
Lúa đã cao qua đầu gối, bắt đầu đẻ nhánh. Mỗi ngày cha đều ra thăm ruộng, nương cũng vậy, nhổ cỏ, đắp bờ, canh
nước không bớt việc. Đặc biệt từ hôm cha theo Bùi ông dựng nhà càng bận
rộn hơn. Miếng đất mới khai hoang cũng tốn không ít công sức. Mới hôm
trước nhổ sạch cỏ thì chỉ cần một cơn mưa cỏ lại mọc lên, rễ lan rộng
dưới đất chằng chịt. Sức người lớn trong nhà mới đào lên hết được. Mấy
lần rễ cỏ làm đứt tay, vết chai ở lòng bàn tay càng nhiều.
Chiều
nay Mai ngồi trên thân cây thốt nốt nhìn a Phúc cho gà ăn, mấy con gà
thật tham ăn. Chúng ăn suốt ngày, hình như không biết no. A Phúc cho ăn
xong thì đến chỗ Mai ngồi nhảy lên cây giậm mạnh xuống.
‘Bụp’
thân cây thủng một lỗ, bàn chân hắn lọt vô trong kẽ, hắn kéo chân ra,
nhăn mặt nhìn vết trầy ở mắt cá chân. Mai lấy tay bóc lớp vỏ bụp ra,
không phải chỉ mục dưới gốc mà dọc theo thân cây đều bị đục lỗ chỗ.
- Bình ca, Bình ca.
Mai chạy ra ruộng kêu Bình ca, kéo hắn vào sân xem cây thốt nốt.
- Ca, ca đục làm ghe lườn được không?
A Bình xoay xoay thân cây xem xét,
- Cây này cũng không còn tốt nữa.
- Không sao, ca làm ghe nhỏ mình đi chợ làng thôi, cũng không tốn tiền.
Ừ, tốn chút công nhưng không phải tốn tiền. Mùa mưa dùng ghe đi lại thuận
tiện hơn nhiều. Có nhiều đoạn đường nước ngập sâu qua khỏi eo phải lội
qua, ướt hết cả quần áo.
- Được, để chiều ca nói với cha.
Cha xem xét thân cây xong nói:
- Cha hỏi Bùi ông mượn cái đục, mình chỉ làm vào lúc nghỉ trưa và tối
thôi. Gần đây không thấy ai làm ghe này, phía Cần Bột nhiều người dùng
hơn.
Ông chưa từng làm ghe lườn bao giờ, chỉ thấy nhiều đàn ông
trong làng người Chân Lạp sống trong vùng nước ngập làm. Phải chọn cây
thốt nốt già, thân đủ lớn. Cây thốt nốt sống mấy chục năm, gỗ rất cứng.
Đục ghe lườn rất tốn công, đốn cây, ngâm nước cho bền hơn. Rồi dùng đục
từ từ trong thân tạo thành khoảng trống làm lòng ghe, không được sâu lắm nhưng cũng đủ để ít đồ. Ghe lườn nhỏ dài dễ luồn lách trong các con
rạch nhỏ. Xem chương mới tại dienvan.space
Nhà mình chưa có tiền
mua ghe, mấy đứa nhỏ đi đâu phải lội sình, chân cẳng suốt ngày lấm lem.
Hai đứa con gái còn vất vả hơn, vừa nghĩ tới trong lòng Lê tứ hơi khó
chịu. Gắng sức thêm mấy năm nữa đóng một chiếc xuồng ba lá cho tụi nhỏ
mới được.
___________________________
(1): Ghe lườn hay còn
gọi là ghe độc mộc do người Chân Lạp dùng thân cây thốt nốt đục một nửa
thân cây làm thành. Ghe lườn nhỏ dùng để di chuyển giữa các mương rạch
hoặc vùng ngập nước mùa nước nổi, chỉ chở một hai người và ít đồ đạc.
Vẫn còn một câu hát ru con truyền đến bây giờ:
Ầu ơ, ... con nước lớn tràn đồng,
Bớ chị ghe lườn muốn tía tui hông?
Tía tui lịch sự lịch sàng,
Cái lưng mốc thích cài đầu chôm bôm,
Uống rượu rồi ngã tới ngã lui,
Chúi đầu vô bụi, ló chân ra ngoài!