Từ đây vô Bình San có một đoạn đi theo con rạch ngã ba cồn. Sau đó thì hai anh em phải đi bộ, dù sao cũng đỡ một đoạn. An ca, Vĩnh ca và a Phúc đều nhảy lên chiếc
ghe mới đi theo. Con Vện được cả đám hộ tống về nhà. Mai không cản, mấy
đứa nhóc nên có lúc thảnh thơi, dạo chơi xung quanh.
– Báo huynh, con Vện mấy tuổi? Nhà huynh nuôi nó từ nhỏ sao?
A Phúc chờ nãy giờ mới được hỏi ra, xem ra trên ghe sẽ rất náo nhiệt. Mai cười nhìn chiếc ghe khuất sau rặng dừa nước.
Đến lúc ăn cơm trưa mới nghe rõ chuyện con Vện. Sáng nay cha Hùng huynh là
La Bình bá vào núi đi săn, ông dặn a Báo đi theo sau. Nhưng hắn chạy
theo con thỏ không cảnh giác xung quanh. Lúc hắn giương cung bắn được
con thỏ xách về thì một con gấu chó lù lù xuất hiện. Gấu chó nhỏ hơn gấu xám trong núi nhiều, nó thích ăn động vật nhỏ, rất ít tấn công người.
Lần này là nó muốn con thỏ trong tay a Báo. Nhưng hắn không biết, lại nghĩ
cha hắn ở gần đó nên vừa hét gọi cha vừa giương cung bắn tên. Con gấu
chó giật mình cộng thêm trúng tên trên tay đau nổi giận thực sự tấn
công. Con Vện sủa to trợ giúp, cùng a Báo lùi dần ra bìa rừng. Gấu chó
rất nhanh ào tới. Một người, một chó và một gấu chó cận chiến loạn xạ.
La bá chạy đến không dám bắn tên mà dùng dao lựa thế chém trên lưng, chân, hạ gục con gấu chó. Con Vện bị vuốt trước cào bị thương đầy máu. La bá
ôm nó về nhà cầm máu. Hùng huynh nhớ tới lúc trước a Vĩnh và a Mai trị
được thương nên vội vã ôm nó tới đây.
A Báo tuy là tay chân chắc
nịch, khoẻ mạnh hơn An ca nhiều nhưng dù sao cũng còn nhỏ. Qua trận này
hắn cũng bị một lần hoảng sợ. Lúc sáng nhìn hắn rất căng thẳng, vuốt ve
con Vện muốn khóc.
– Con Vện săn thú rất giỏi, La bá và Hùng huynh dạy nó.
A Phúc hâm mộ nói, xem ra nhóc mê mẩn con Vện rồi. Nhóc này thích mấy con gà, vịt, suốt ngày quanh quẩn cho chúng ăn. Nhiều khi mấy đứa bé trai
trong làng chạy ra rủ nhóc đi chơi. Hắn cũng đi nhưng rất nhanh là chạy
về nhìn xem đàn gà, đàn vịt. Nếu có con chó nhỏ trong nhà cũng tốt, Mai
nghĩ.
Lúc ăn cơm chiều cha nghe mấy đứa nhỏ kể chuyện con Vện, rồi con kỳ đà trong ruộng khoai, cũng góp chuyện:
– Hôm qua nhà phú hộ bắt được một con kỳ đà lớn, đang nuôi trong lu.
– Thịt nó ăn được không cha?
– Được, có nhiều người thích ăn làm thuốc. Bán cũng có tiền. Chỉ nhà giàu mới mua, người ta còn lấy mật nó làm thuốc.
– Thịt ếch còn ngon hơn.
Cha vuốt đầu a Phúc cười. A Phúc rất thích ăn thịt ếch, mỗi lần nương xào
thịt ếch với xả, thêm chút ớt hơi cay cay, hắn vừa ăn vừa hít hà nhưng
ăn cơm nhiều hơn. Mấy tháng nay vào đây, người thay đổi nhiều nhất là a
Phúc, hắn tròn trịa hơn nhiều. Tiếp theo là Bình ca và thất thúc, cả hai vượt cao lên, gần bằng cha rồi.
Hôm sau là chợ phiên, thất thúc
sẽ chèo ghe mới đi chợ Sông Lớn thử. Ghe chưa có mui, mong là ngày mai
trời không mưa. An ca sẽ đi chợ làng với Mai bằng ghe lườn. Lúc đầu mấy
đứa nhỏ trong làng thấy Mai chèo ghe này đều cười nói ghe gì nhỏ xíu,
chở được cái gì? Còn không ra được sông lớn?
Nhưng mà bây giờ tụi nó thích ghe thốt nốt này lắm, có dịp là mượn dùng. Nó nhỏ nên rất tiện luồn trong rạch nhỏ. Ở đây đi từ nhà này qua nhà kia không muốn lội bùn thì dùng nó là tốt nhất.
Hai anh em đến chợ bán một lát thì Hùng huynh cũng đến. Huynh ấy bày bốn con gà rừng, hai con thỏ trên đất.
– Con Vện khoẻ chưa?
An ca không chờ huynh ấy bày xong đã hỏi, qua mấy lần gặp mặt xem ra đã thân thiết.
– Tối qua nó rên ư ử suốt đêm, chắc đau quá. Ta cho nó uống thuốc an thần a Vĩnh đưa, nó ngủ được một giấc. Sáng nay đã ăn được nhiều rồi. A Báo
đang chăm nó.
Vậy là thuốc cũng có hiệu dụng.
– Huynh không bán thịt gấu chó sao?
– Sáng nay cha ta đi chợ Sông Lớn bán, ở đó mới có người mua.
Cũng đúng, thịt, lông và mật gấu chó giá cao, chợ làng rất hiếm người mua.
Mặt trời lên, chợ rất náo nhiệt, Mai thấy Lưu tam bá mẫu đi đến, cô cất
tiếng chào bà. Xem ra bà rất hay đi chợ, bà vui vẻ chào hỏi hầu hết mấy
người đàn bà. Tam bá mẫu bày rổ tre có hơn chục trứng vịt, ba con vịt
trời, mực khô. Trong này thỉnh thoảng có bắt được mực trên vũng nhưng
không to và ngon như đánh bắt ở biển. Tam bá mẫu quả là biết buôn bán.
– Gần nhà ta có ổ chó mới đẻ mấy ngày, chiều qua ta đến xin họ một con. Nhà đệ muốn nuôi không?
– Thật? Huynh không muốn nuôi sao?
A An mừng rỡ hỏi. Nghe chuyện con Vện ai mà chẳng thích có một con chứ, đặc biệt mấy đứa con trai.
– Nhà ta có con Vện được rồi, con chó nhỏ này là con của con Vện đó. Vài ngày nữa chó con lẻ mẹ ta mang đến nhà đệ.
– Cảm ơn huynh.
Hùng huynh cười nói không có gì. Lần này hắn bắt ‘đúng mạch’ rồi.
Nghĩ ra được món quà này hắn đã phải suy nghĩ tới lui mấy lượt. Hắn và a Báo rất biết ơn nhà Mai băng bó vết thương cứu con Vện, trả tiền thì chắc
mấy đứa nhỏ không nhận. Nhà hắn chỉ có gà thỏ săn được. Cha hắn nói tặng một nửa con gấu chó, hắn biết chắc là Lê thúc sẽ từ chối. Hắn đang rầu
rĩ thì con Vện xoay mình đau rên rỉ. A Báo buông chén cơm ăn dở đến vuốt cổ, vuốt lưng cho nó. A, có rồi, mấy đứa nhỏ thích con Vện lắm. Nhóc
Phúc cứ liếc mắt nhìn nó. Nhóc cũng muốn ôm nhưng con chó đang đau,
người lạ tới gần nó có thể cắn.
– A Báo, xin chó con nhà thím Dậu cho a Phúc được không?
– Được, chắc nó thích lắm.
A Báo vui vẻ nói nó sẽ đi nhà thím Dậu xin. Chuyện sáng nay làm nó vừa sợ vừa hối hận. Con Vện đỡ một cái tát này, nếu không bị thương là nó rồi.
Về đến nhà An ca vội nói cho a Phúc biết. Nhóc nhảy lưng tưng vui mừng.
Hắn hỏi cặn kẽ Hùng huynh nói khi nào thì mang con chó con đến. Hai đứa
rủ nhau chạy lại chỗ Cúc tỷ nhờ đương cái rổ làm chỗ ngủ cho con chó.
Cúc tỷ và Bình ca đang làm mui ghe. Mui ghe làm bằng khung gỗ và phên tre,
vừa nhẹ vừa uốn cong làm mái, qua một năm lại đổi mui mới cũng tiện lợi. Mai đi lại xem hai lò ấp trứng, còn vài ngày nữa là lò thứ hai sẽ nở
con.
Cũng may là đàn vịt con tự đi kiếm ăn dưới con rạch cạn. Nhà Mai chỉ cho bọn chúng ít cơm dư, rau chuối hoặc ốc sên băm nhỏ, nếu
không nuôi hơn trăm con vịt này hết gạo hết lúa. Vịt mau lớn hơn gà, hơn mười ngày mà bọn chúng đã lớn bằng nắm tay, chạy lạch bạch trong vũng
bùn, lặn hụp dưới rạch rất vui vẻ.
Chưa đến giờ ăn trưa nên Mai
đem bảng gỗ học chữ ra học lại. Đỗ lang y dạy cho a Vĩnh được mấy chữ
đơn giản, số đếm. Mai đều đặn học viết mỗi ngày. Hôm trước thấy cha vẽ
mắt ghe Mai nghĩ ra cách làm chữ mẫu bằng miếng gỗ vuông. Thất thúc và
Bình ca tốn thêm một buổi làm được ba mươi miếng gỗ nhưng hiệu quả thì
khỏi nói rồi. Đỗ lang y còn rất ngạc nhiên lúc a Vĩnh nhờ viết chữ mẫu
lên miếng gỗ. Ông cười vui vẻ khen a Vĩnh nhanh trí.
Mấy đứa nhỏ
tranh thủ lúc rảnh rỗi sẽ nhìn chữ mẫu học viết, học nghĩa. Hôm nay Đỗ
lang y chưa về nhưng trời nắng nên Vĩnh ca vẫn đến phơi thuốc, để lâu
thuốc bị ẩm không dùng được.
Xế chiều nương và thất thúc về, trễ
hơn thường lệ nhưng hai người rất vui vẻ. Thất thúc kéo Bình ca nói nhỏ. Mai và a An liếc hai người nghĩ ‘không nói thì thôi, chiều cha về thế
nào cũng biết’.
Thất thúc vừa ăn cơm xong đã cùng Bình ca ra
xưởng cưa gỗ. Cả hai đổ mồ hôi cả buổi cũng chỉ được một bên ván be. Mai nhìn hai người gắng sức nói:
– Muốn con chỉ thúc cách cưa nhanh, đỡ tốn sức hơn không?
A An đứng bên cạnh cười ha ha.
– Được rồi, ta nói.
Thất thúc cũng biết điều kể ra. Lúc sáng khi đến chợ Sông Lớn, nương ngồi
bán hàng trong sạp cùng Lưu bá mẫu. Thúc ấy ở dưới ghe làm quen mấy
người đàn ông, hỏi xem có ai muốn mua ghe giá rẻ không. Ai nghe rẻ mà
không ham, hỏi tới, xem ghe, chèo thử. Sau một hồi thì có người muốn mua cái ghe mới này giá mười lăm quan, chờ nhà Mai gắn mui lên, hẹn phiên
chợ sau giao tiền giao ghe.
Đúng là tin vui, có mười lăm quan này có thể đặt làm cưa lớn rồi. Mai ngồi xổm xuống đất dùng nhành cây vừa
vẽ vừa giải thích cách làm khung nâng cây gỗ, người cưa đứng hai bên
kéo, đỡ tốn lực mà không phải khom lưng. Đọc chương mới tại
Để cho ba đứa con trai làm tiếp. Mai nghĩ chuyện
bán ghe lâu dài cần có ‘bảng hiệu’ để quảng cáo. Thời này chủ yếu là
truyền miệng, cách này hiệu quả nhưng dễ bị tam sao thất bản.