Hai Đứa Trẻ Vô Tư

Chương 44: Chương 44: Đóng cửa




Thời gian nghỉ đông quá ngắn, ăn tết xong rồi chơi thêm hai ngày là đã kết thúc, cho nên đám học sinh đều không thích Tết Nguyên tiêu, bởi vì qua đến ngày hôm sau là phải đến trường rồi.

Siêu thị ở đầu đường tận dụng dịp Tết mà chạy chương trình khuyến mãi, hai chiếc tủ đông đặt ngoài cửa bày bán bánh trôi, mua ba gói tặng một gói, Bạch Mỹ Tiên dặn đi dặn lại là phải ra siêu thị lớn mà mua vì chỉ sợ Doãn Thiên Dương lười biếng lại mua luôn ở gần nhà.

“Ăn bánh trôi làm gì, làm sủi cảo đi ạ.” Đến ngày nghỉ cuối cùng, Doãn Thiên Dương vẫn còn mười đề chưa làm, bắt đầu từ tám giờ sáng đã ngồi trước bàn học lèo nhèo nên kết quả là ba tiếng trôi qua cũng chỉ làm được mấy câu trắc nghiệm.

Thiên Đao giống như một cái còi báo động, cứ có người đến là bắt đầu sủa, Doãn Thiên Dương nghe thấy tiếng động thì vội vàng ngó đầu nhìn ra ngoài, trông thấy Nhiếp Duy Sơn xách túi mua sắm bước qua cửa.

Nhiếp Duy Sơn không vào nhà ngay mà đứng trong sân chơi đùa với chó con một lát, đến khi vào trong nhìn thấy Bạch Mỹ Tiên đang định nổi giận thì hắn lấy mấy gói bánh trôi từ trong túi ra, đoạn nói: “Dì Tiên ơi, dì không cần phải bảo cậu ấy đi đâu ạ, vừa nãy cháu đi siêu thị nên có tiện thể mua thêm mấy túi.”

Bạch Mỹ Tiên hơi ngượng, nói với giọng trách cứ: “Nó càng lúc càng lười, đến dì cũng không sai được nó nữa rồi.”

Nhiếp Duy Sơn đáp lại hai câu là đã dỗ được cho Bạch Mỹ Tiên vui vẻ, hắn ôm chó con đi vào phòng ngủ, đứng dựa vào khung cửa xem Doãn Thiên Dương làm bài tập. Doãn Thiên Dương viết được một hàng chữ thì lại xoay bút hết năm phút, cậu nhìn đề thi hỏi: “Cậu mua bánh trôi nhân gì đấy?”

“Mè đen, lạc, mứt đậu đỏ, hợp khẩu vị của ngài chưa?” Nhiếp Duy Sơn nựng nựng má chó con, “Thiên Đao lớn phết nhỉ, tăng lên mấy lạng thịt.”

Doãn Thiên Dương thật sự không thể viết nổi nữa bèn ném bút đi rồi ngửa người ra, hai chân gác lên mặt bàn, đoạn nói: “Nó được ăn ngon uống ngon, ăn xong thì chui vào biệt thự của nó nằm, phơi nắng rồi đánh một giấc, cũng chẳng phải làm bài tập, hạnh phúc hơn tớ nhiều.”

Nhiếp Duy Sơn ném Thiên Đao vào lòng Doãn Thiên Dương: “Cậu đúng là không biết đủ, đến tối có thể làm xong bài tập không?”

“Chịu thôi, tớ còn định làm xuyên đêm đây.” Doãn Thiên Dương bình chân như vại, chưa đến giây phút thu bài thì chưa vội, “Ngày mai đến trường sớm một chút đi, làm bù bài tập trên lớp hiệu suất cao hơn.”

Nhiếp Duy Sơn thật sự không nhịn được nữa bèn bước tới vỗ nhẹ lên gáy đối phương, rồi nói: “Vậy cậu cứ từ từ mà làm, buổi tối tớ dẫn Tiểu Vũ đi xem hội hoa đăng, còn cậu thức đêm đi.”

Doãn Thiên Dương vừa nghe thấy thế thì bừng bừng sức sống: “Thế thì không được! Giờ tớ làm liền đây!” Tự cậu làm thì thật sự không xong được nên cậu cầm sách vở đi sang nhà bên cùng Nhiếp Duy Sơn.

Trong nhà chú ba đang nấu cơm, Doãn Thiên Dương nhìn chỗ cá đã ướp xong thì hỏi: “Chú ba ơi, buổi trưa có tiệc gì vậy ạ?”

“Dù gì cũng là ngày Tết nên cũng phải làm mấy món ngon chứ.” Chú ba giơ tay ném cho cậu con tôm hấp, “Buổi trưa ăn ở đây đi, à Tiểu Sơn, bánh trôi muốn ăn rán hay hấp?”

Doãn Thiên Dương tò mò hỏi: “Không phải bánh trôi là luộc lên để ăn ạ?”

“Luộc mãi cũng chán, đổi mới một chút.” Nhiếp Duy Sơn đi vào bếp cất đồ, “Chú ba ơi, ăn rán đi ạ, chẳng phải năm ngoái Tiểu Vũ kêu ăn hấp nhạt nhẽo đấy ạ.”

Trong phòng thoang thoảng mùi thuốc Đông y, ông Nhiếp nằm trong phòng, thỉnh thoảng lại truyền ra tiếng ho, thím ba đã cất hết tất cả thuốc lá trong nhà đi để ép ông lão phải cai thuốc. Doãn Thiên Dương lén lút đi vào, ngồi xổm bên giường nói: “Ông ơi, ông không sao chứ ạ?”

Ông Nhiếp nhắm hai mắt nói: “Ông ngủ một giấc, đến bữa trưa thì gọi ông.”

“Vâng, lát cháu sẽ gọi ông ạ.” Doãn Thiên Dương đắp chăn lên cho ông Nhiếp, lần này hoàn toàn không đùa nghịch nữa mà ôm sách vở đi vào phòng ngủ của Nhiếp Dĩnh Vũ, lại phát hiện Nhiếp Duy Sơn đã trải giấy ra xong rồi.

Nhiếp Dĩnh Vũ nói với vẻ buồn phiền: “Để bài tập lại rồi em làm hết cho các anh có được không? Thật sự em không muốn nhìn thấy hai người.”

Nhiếp Duy Sơn tìm một đống tranh ảnh về Quan Âm để nghiên cứu, sau đó luyện tập trên giấy, hắn nói mà không ngẩng đầu lên: “Giảng bài cho anh Dương Dương của mày một chút đi, chỉ phiền mày lần này thôi, ngày mai đi học rồi, sau này bọn anh gặp mày sẽ đi đường vòng.”

Doãn Thiên Dương ngồi xuống cạnh bàn học, ba người bắt đầu làm việc, cậu nghe Nhiếp Dĩnh Vũ giảng bài, còn Nhiếp Duy Sơn thì ngồi im vẽ Quan Âm của mình. Giảng xong một đề, đột nhiên Nhiếp Dĩnh Vũ ngừng lại, Doãn Thiên Dương tưởng là đối phương muốn uống nước nên yên lặng chờ.

Qua ba đến năm phút, Nhiếp Dĩnh Vũ nhìn chằm chằm tờ đề rồi nhỏ giọng hỏi: “Hai người ngủ thế nào vậy?”

Doãn Thiên Dương trượt bút: “Mày nói gì?”

“Em đang thấy khó hiểu, hai người con trai thì ngủ thế nào.” Giọng nói của Nhiếp Dĩnh Vũ khe khẽ, cậu ta không dám nhìn Doãn Thiên Dương, lại càng không dám nhìn Nhiếp Duy Sơn, “Hôm đó ở trên tàu bị sốc với sợ quá nên chưa kịp suy nghĩ kỹ.”

Doãn Thiên Dương lúng túng, cậu cũng chưa phóng túng đến mức thảo luận chuyện này với người khác, mặt cậu đỏ tới mang tai rồi quay đầu nhìn Nhiếp Duy Sơn, thầm nhủ trong lòng là em cậu thì cậu chịu trách nhiệm đi. Nhiếp Duy Sơn vẫn đang vẽ Quan Âm, vừa vẽ vừa nói: “Tìm một bộ phim cho mày nhớ?”

Nhiếp Dĩnh Vũ cũng đỏ bừng cả mặt, ngay lập tức đổi tờ đề khác rồi nói: “Không cần, không cần, em không tò mò.”

Buổi tối ở trung tâm thành phố có tổ chức triển lãm hoa đăng, quảng trường trung tâm là điểm chính giữa rồi kéo dài sang hai bên đến cuối đường Nam Trường An và Bắc Trường An. Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đi bộ tới xem hội hoa đăng, hiện tại không còn lạnh lắm nữa nên mặc áo phao đi bộ còn cảm thấy hơi nóng.

Trên quảng trường đâu đâu cũng là người, trong đó có hơn một nửa đều là tình nhân. Trong góc có một gian hàng bán đèn, có thể viết chữ tùy thích, Doãn Thiên Dương chỉ nhìn không mua, đoạn nói: “Tớ vừa nhớ tới lần trước cậu nói ra quảng trường Nhân dân mở quầy khắc dấu, nghĩ đến buồn cười thật!”

Nhiếp Duy Sơn giơ tay chỉ: “Không phải cậu còn nói sẽ bán nước đường ở bên cạnh hả, tớ nhìn thì có vẻ làm ăn khấm khá lắm.”

Một đồng mua được một đống nước đường, Doãn Thiên Dương cầm hai chiếc đũa khuấy loạn không ngừng, trên quảng trường đèn không được treo dày, phần lớn là các quầy bán đồ, giống như là một khu chợ đêm nhỏ. Hai người đi xem lần lượt từng quầy rồi cuối cùng quyết định chơi một ván ném vòng.

Nhiếp Duy Sơn cầm mười chiếc vòng tre, đoạn hỏi: “Thích cái nào?”

Doãn Thiên Dương nói: “Cứ như thích cái gì thì cậu có thể ném được cái đấy ấy.”

Nhiếp Duy Sơn nói như đã tính trước: “Cậu thích cái nào thì tớ dám chắc sẽ ném được cái đó cho cậu.”

Doãn Thiên Dương kéo nước đường rồi cười: “Vậy đeo lên cổ cậu đi, tớ thích cậu.”

Xung quanh toàn người là người nhưng hai người này đúng thật là không biết xấu hổ. Nhiếp Duy Sơn giơ tay vút một tiếng treo vòng lên cổ Doãn Thiên Dương, hết thảy lời ngọt ngào đều được chứa đựng trong đó, và hắn không nhận ra từ đầu đến cuối ý cười của mình chưa bao giờ tắt.

Nắm vòng tre rồi ném một cái, tròng vào được bộ bài tú lơ khơ ở hàng thứ hai, nhìn kỹ ra còn là cái loại in hình người đẹp. Doãn Thiên Dương suýt chút nữa bẻ gãy đôi đũa, đoạn mắng: “Hỏi tớ từ nãy đến giờ kết quả lại tự ném cho mình bộ bài người đẹp! Cậu chỉ biết đấu địa chủ thôi!”

Nhiếp Duy Sơn sướng muốn chết rồi, cố ý hỏi ông chủ: “Haiz, có cờ caro không ạ?”

Mười cái vòng, Doãn Thiên Dương ném hỏng sáu cái, còn Nhiếp Duy Sơn thì ném được một bộ bấm móng tay và mô hình địa cầu. Còn lại một vòng cuối cùng, Doãn Thiên Dương chỉ vào hàng xa nhất nói: “Ném cái loa cổ động kia đi, khi nào tớ thi đấu thì dùng.”

Nhiếp Duy Sơn nhắm mục tiêu rồi lia cổ tay tung vòng tre đi, sau khi vòng tre rơi xuống thì rung lắc một lúc rồi móc vững vào chiếc loa. Bọn họ cầm theo đống đồ đi về phía đường Bắc Trường An, trên đường treo rất nhiều đèn nên sáng rỡ như ban ngày.

Dòng người bắt đầu ồ ạt, giống như chen chúc trên tàu điện ngầm, nước đường của Doãn Thiên Dương đã bị khấy thành màu trắng ngà, cậu ăn thử một ít rồi chép chép miệng, cảm thấy cũng không tệ lắm. Đột nhiên có một đám thanh niên chạy tới từ phía trước, nhìn qua thì có vẻ như là uống say rồi đùa giỡn nhau, người đi đường đều vội vàng né tránh, còn có người bị giẫm phải chân trong lúc rối loạn mà lên tiếng phàn nàn, Nhiếp Duy Sơn kéo tay Doãn Thiên Dương sang bên cạnh, trước mặt và sau lưng chen chúc rất nhiều người nên hai người càng dính sát vào nhau hơn.

Nhiếp Duy Sơn dứt khoát ôm lấy Doãn Thiên Dương luôn, trong hoàn cảnh rối như mớ bòng bong nhưng hai người bọn họ vẫn không quên liếc mắt đưa tình.

Khi nhóm thanh niên kia đi qua thì người đi đường lại tiếp tục xem đèn, bọn họ cũng không thể không buông nhau ra. Vừa mới tách ra thì hai người bỗng choáng váng, mấy sợi nước đường dính đầy trên ngực.

“Mẹ nó cậu giơ nước đường trước ngực làm gì, tưởng là khăn quàng đỏ à!”

Doãn Thiên Dương vứt không được mà ăn cũng không xong, chỉ nói: “Tại cậu ôm tớ, làm sao tớ nghĩ được mấy cái này chứ…”

Không xem được hội hoa đăng nữa, về đến nhà còn ăn một trận mắng, sau đó cả hai chui vào phòng tắm cọ áo phao suốt cả đêm, đến sáng hôm sau tới trường thì miệng cứ ngáp liên tục, trên đường đi cũng chẳng ai để ý đến ai.

Cứ như vậy mà khai giảng, phòng học vẫn là phòng học đó, Kiến Cương vẫn là Kiến Cương đó, chỉ là có điều chỉnh lại chỗ ngồi, Doãn Thiên Dương chuyển từ sát tường ra dãy giữa phía sau, phạm vi có thể gây tai họa được mở rộng thêm một bước.

Thời gian huấn luyện ở trường Thể thao cũng chính thức trở lại sau khai giảng, Tần Triển kéo vali hành lý trở về, mang theo mấy cân đặc sản Thiệu Hưng cho đồng đội. Khi huấn luyện viên tổ chức họp thì cả đám ngồi dưới ăn vụng, chỉ có một mình Doãn Thiên Dương là nghiêm túc nghe.

“Mùa xuân có đợt kiểm tra và giải thi đấu, rất quan trọng, cho nên hàng năm đều phải tiến hành tập huấn. Nếu không phải tình huống đặc biệt thì không được xin nghỉ.”

Sau khi tan họp Doãn Thiên Dương hỏi Tần Triển: “Tập huấn ở đâu đấy? Tôi chưa từng đi một mình xa nhà đâu.”

Tần Triển trả lời: “Mỗi năm lại khác nhau, bởi vì là tập huấn liên hợp giữa các tỉnh, phía trên quyết định xong mới thông báo. Chắc không còn lâu lắm đâu, ông bàn với người nhà chút đi, xem chú trọng thi đấu hay là học tập, quyết định xong thì nói với tôi, tôi sẽ nộp danh sách cho huấn luyện viên.”

Doãn Thiên Dương không bàn với người nhà, quyết định cứ giấu trước đã, cậu cảm thấy chắc chắn Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên sẽ chú trọng chuyện học tập, bởi vì cậu đã thi được trong ba mươi vị trí đầu. Nếu là tập huấn thì có nghĩa là đi xa tự do không ai quản lý, cũng không cần phải làm bài tập, sướng ghê á, nhưng cậu phải hỏi thử Nhiếp Duy Sơn, dù sao tình yêu chân chính chốn nhân gian cũng không chống lại được xa cách ba năm.

Thứ sáu Nhiếp Duy Sơn ra cửa hàng, ông Nhiếp cứ ho khan mãi không hết, ngực cũng tức đến khó chịu, Nhĩ Ký đã đóng cửa hơn một ngày, hôm nay chú ba và thím ba đưa ông Nhiếp đi bệnh viện kiểm tra, xem xem rốt cuộc là có chuyện gì. Hắn đến chế tác tiện thể trông cửa hàng luôn, vì để không bị quấy rầy nên cửa cuốn cũng không kéo lên.

Doãn Thiên Dương biết Nhiếp Duy Sơn ở bên trong, nhưng cũng đoán được Nhiếp Duy Sơn đang bận rộn nên lặng lẽ ngồi ngoài cửa tắm nắng, phơi cho chảy cả nước mắt. Cậu gạt bông liễu đang bay phất phơ trước mặt đi, rồi cúi đầu xuống gục lên đầu gối ngủ gật.

Nhiếp Duy Sơn bận việc trong phòng làm việc đến mức cơm cũng chẳng buồn ăn, trong mắt trong lòng chỉ có khối ngọc Hòa Điền này, mãi mà Nhiếp Phong vẫn chưa trả lời thư của hắn nên hắn đã tự mình suy nghĩ hết mấy đêm.

Mọi tâm tư tình cảm phải đặt trên miếng vật liệu, trên mũi dao, hắn buông mí mắt, ánh mắt dịu dàng lại kiên định, giống như quét ảnh mà chuyển hóa hình dạng hoa văn và độ cứng của miếng ngọc thành thông tin để thu vào trong đầu. Sắp xếp ngay ngắn các loại dao khắc khác nhau đặt trên bàn làm việc xong, hắn ngồi dưới bóng đèn tập trung tinh thần gọt giũa miếng ngọc Quan Âm.

Tới bốn giờ thì ra phôi xong, lúc này Nhiếp Duy Sơn mới ngừng lại uống một hớp nước, tay đau mắt xót, hắn thu dọn công cụ định nghỉ một lát. Lúc ra cửa chính kéo cửa cuốn lên hắn mới trông thấy Doãn Thiên Dương đang gục đầu ngáy ngủ, không biết đã ngồi trước cửa bao lâu rồi.

Trên đường không có ai nên Nhiếp Duy Sơn vòng một tay qua đầu gối cậu, một tay thì ôm ngang vai bế Doãn Thiên Dương vào trong cửa hàng. Doãn Thiên Dương lắc đầu rồi mở mắt, mơ mơ màng màng nói: “Cậu xong việc rồi à?”

“May mà tớ chưa xong việc, nếu đợi đến lúc tớ xong thì có khi cậu đã bị bọn buôn người bế đi rồi.” Nhiếp Duy Sơn bế Doãn Thiên Dương đặt lên giường phòng ngủ. Doãn Thiên Dương nằm gác hai tay ra sau đầu, vắt chéo chân nói: “Bọn buôn người bắt tớ đi làm gì, bán đi để pha trò à?”

Nhiếp Duy Sơn vừa định nói gì đó thì nhận được điện thoại, chú ba bảo hắn về nhà.

Doãn Thiên Dương ngồi bật dậy: “Có phải ông có chuyện không?”

“Không rõ, về rồi nói.” Nhiếp Duy Sơn thu dọn đồ đạc khóa cửa, rồi vội vàng trở về hẻm Nhất Vân cùng Doãn Thiên Dương. Trong nhà ông Nhiếp ngồi trên ghế sô pha ở chính giữa, chú ba và thím ba ngồi hai bên, còn Nhiếp Dĩnh Vũ thì đứng trong một góc.

Hai người kéo ghế ngồi xuống cạnh bàn nước, Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Ông ơi, ông đi bệnh viện kiểm tra thế nào rồi ạ? Ông đừng dọa cháu.”

“Ông còn chưa hé răng mà, làm sao đã doạ cháu được.” Ông Nhiếp cầm cốc trà, “Hỏi chú ba cháu ấy, không thì ông ấy lại cằn nhằn ông.”

Ngày thường ông Nhiếp hay ho khan mấy tiếng, người nghiện thuốc đều như vậy cả, nhưng bắt đầu từ đầu mùa đông tới nay số lần ho đã tăng lên nhiều hơn, đến giờ là mùa xuân thì càng ngày càng nghiêm trọng. Vốn tưởng là đường hô hấp có vấn đề, bởi vì thời tiết mùa xuân dễ gây ra những bệnh như thế, chú ba nói: “Chú dì đưa ông đi khám đường hô hấp trước, rồi bác sĩ bảo kiểm tra thêm phổi nữa nên sau đó lại làm kiểm tra.”

Doãn Thiên Dương trợn trừng mắt: “Không sao chứ ạ? Cháu sợ!”

Ông Nhiếp cười nói: “Thằng nhóc này bớt gào mồm lên đi, ông còn không sợ thì cháu sợ cái gì.”

Chú ba nói tiếp: “Kiểm tra ra có một mảng tối ở phổi, là một khối u nhỏ, nhưng là u lành lại phát hiện sớm nên làm phẫu thuật cắt bỏ là không sao.”

“Làm phẫu thuật là không sao thật chứ ạ? Thế thì chúng ta làm nhanh lên đi ạ!” Lòng bàn tay Nhiếp Duy Sơn ra đầy mồ hôi, vừa rồi trái tim cũng phải đập đến một trăm tám mươi nhịp một phút.

Ông Nhiếp nâng cốc trà lên uống một hớp, đoạn nói: “Bây giờ thì phải bàn xem cửa hàng của chúng ta phải làm sao, nếu ông phẫu thuật thì chắc chắn trong một thời gian ngắn không thể quản lý cửa hàng được, vậy thì phải đóng cửa. Với địa điểm của cửa hàng, nếu đóng cửa thì có thể bán hàng còn sẵn hoặc vật liệu gì đó, nhưng quan trọng là ông không nỡ.”

Thím ba nói: “Bố à, cứ coi như sau khi phẫu thuật xong bố khỏe lại thì con thấy cũng đừng nên mở tiệm nữa, bố cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đi ạ, đã từng này tuổi rồi thì không nên làm việc bận rộn thế nữa.”

Nhiếp Dĩnh Vũ phụ họa: “Cháu đồng ý ạ.”

Chú ba hỏi: “Tiểu Sơn à, cháu thấy thế nào?”

Nhiếp Duy Sơn không nghĩ ra được biện pháp nào tốt hơn, ông Nhiếp đã lớn tuổi, quả thật không nên làm việc nhiều, hơn nữa nguyên nhân lớn nhất ông Nhiếp không muốn đóng cửa tiệm là để cố kiếm thêm được chút nào hay chút ấy trả nợ giúp bố hắn. Nếu sang nhượng lại cửa hàng thì còn lo được cả tiền phẫu thuật, nếu không sẽ lại phải để chú ba và thím ba bỏ ra.

Hắn nói ngay: “Cháu cũng đồng ý.”

Doãn Thiên Dương lặng lẽ nhìn Nhiếp Duy Sơn, cậu không có quyền phát biểu ý kiến nên chỉ có thể yên lặng ngồi nghe mọi người đưa ra quyết định. Bàn bạc xong thì chú ba và thím ba đi làm cơm, ông Nhiếp quay về phòng nghỉ ngơi, đoạn nói: “Tiểu Sơn à, vào sắp xếp lại chỗ giấy Tuyên Thành giúp ông.”

Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đi vào theo, giấy trên bàn được đặt rất ngay ngắn, chưa hề được động tới. Ông Nhiếp ngồi trên giường, bỗng nói: “Thật sự ông không muốn đóng Nhĩ Ký, nhưng chú ba và thím ba của cháu cũng là vì nghĩ cho ông thôi, hai thằng con trai, môi hở thì răng lạnh, ông không thể vì người bố không nên thân của cháu mà lại tổn thương tấm lòng của chú ba cháu, khiến chú ấy lo lắng.”

Nhiếp Duy Sơn ngồi xuống cuối giường, rồi nói: “Cháu biết ạ, ông và chú ba đã làm đủ nhiều rồi, phần còn lại cứ để tự bố cháu gánh vác, rồi sau này có cháu cùng gánh với ông ấy. Cháu mới mười bảy tuổi, còn chưa sống được một phần ba đây ạ, mà cũng đâu đã đến sơn cùng thủy tận.”

Ông Nhiếp rất vui: “Ông biết cháu rất hiểu chuyện, hôm nào đi sắp xếp lại vật liệu trong kho, muốn giữ thứ gì thì dọn trước đi. Ông biết cháu không nỡ.”

Doãn Thiên Dương lặng lẽ nói: “Cháu cũng không nỡ.”

“Vậy thì cháu cũng đi đi, chọn xem thích cái vòng nào, chọn thêm cho mẹ và chị cháu mấy cái.” Ông Nhiếp hơi khom người xuống ho mấy tiếng, ho xong thì thở dài nói, “Hút thuốc cả đời, đến khi già thì trên cổ kề một đao, đáng giá, so với đè nén khuất phục mà sống đến trăm tuổi thì thú vị hơn nhiều.”

Đêm đó Nhiếp Duy Sơn không ngủ, thức nguyên một đêm điêu khắc hoàn thành tượng Quan Âm.

Sau đó không lâu Nhĩ Ký treo biển “Sang nhượng cửa hàng”, cửa cuốn khóa kín, đứng bên ngoài hoàn toàn không thể nhìn thấy gì nữa, Nhiếp Duy Sơn không cử động chỉ cố chấp đứng ở trước cửa, tựa như có thể nhìn xuyên qua cánh cửa vào bên trong để trông thấy phòng ngoài và sân sau.

Doãn Thiên Dương đứng cùng hắn, chợt nói: “Sau này chúng ta mở tiệm của mình, phải tìm một vị trí thật tốt, ở đây không được.”

Nhiếp Duy Sơn cười cười: “Ban đầu Nhĩ Ký mở tại thành đồ cổ cũ, sau đó thành đồ cổ cũ phá đi biến thành văn phòng thì Nhĩ Ký lại chuyển tới bên cạnh thành đá quý, nhưng tiền thuê ở quanh thành đá quý quá đắt nên cuối cùng mới chuyển đến nơi này.”

Doãn Thiên Dương cố gắng nói sang chuyện khác: “Sau này tiệm của cậu sẽ mở ở đâu?”

Nhiếp Duy Sơn điều chỉnh lại nhịp thở, thả lỏng cơ thể rồi nói: “Đối diện công viên đi, sau khi đóng cửa thì có thể đi dạo công viên.”

“Giờ tờ cũng muốn đi dạo.” Doãn Thiên Dương nắm cánh tay Nhiếp Duy Sơn kéo đi, bọn họ ngồi tàu điện ngầm tới công viên. Bước lên bậc đá trèo lên hòn non bộ, Nhiếp Duy Sơn chỉ ra xa rồi nói: “Có nhìn thấy hàng rào sắt bên kia không, đi qua đấy là vào chợ đồ cổ, trong đó có đủ các loại người từ thần côn, lừa đảo đến người lành nghề, rất thú vị.”

Doãn Thiên Dương nắm ngón tay của Nhiếp Duy Sơn lại: “Cậu đừng cố tỏ ra vui vẻ.”

Nhiếp Duy Sơn cười: “Tớ đâu có, đúng là tớ không nỡ nhưng cũng không phải là tiếc cửa hàng kia, tớ chỉ cảm thấy từ nay không còn nơi nào để tớ lăn lộn nữa. Đúng rồi, hôm đó cậu tới cửa hàng tìm tớ có chuyện gì à?”

Doãn Thiên Dương cũng quên mất vụ này, vội nói: “Đội điền kinh phải tập huấn, có thể phải đi xa, tớ định bàn với cậu một chút.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi trước: “Cậu muốn đi không, nói thật đi.”

“Muốn.” Doãn Thiên Dương gật đầu.

“Vậy thì đi đi.” Nhiếp Duy Sơn kéo vai Doãn Thiên Dương, “Ông nội tớ nói rất đúng, đè nén khuất phục sống đến hơn trăm tuổi thật chẳng có ý nghĩa gì, cứ tùy theo lòng mình đi.”

Doãn Thiên Dương hỏi: “Cậu muốn tùy theo lòng mình như thế nào?”

Nhiếp Duy Sơn vẫn đang bị nắm ngón tay nên không giơ tay ra được, đành dứt khoát quay đầu dán sát vào tai đối phương nói: “Tớ định sau này mở cửa hàng ở đối diện, phòng ngoài và sân nhỏ thôi là đủ rồi nhưng phòng làm việc phải thật rộng, được trải thảm nỉ dày.”

“Gì nữa?” Doãn Thiên Dương còn chưa nghe đủ.

Nhiếp Duy Sơn rút một đoạn ngón tay ra, sau đó lại đâm vào trong tay Doãn Thiên Dương, đè thấp giọng xuống nói tiếp: “Nếu ít khách thì đóng cửa sớm, sau đó hai chúng ta ở trong phòng làm việc.”

Doãn Thiên Dương cười nói: “Cậu làm việc, còn tớ chơi cờ caro!”

“Chơi cờ caro cái gì.” Nhiếp Duy Sơn cong ngón tay lên cào vào lòng bàn tay của Doãn Thiên Dương, “Tớ đã nghĩ tới từ lâu, muốn đè cậu lên bàn làm việc chịch một phát.”

Doãn Thiên Dương đột nhiên buông tay ra, hình ảnh trong đầu cực kỳ không lành mạnh, nhưng cậu lại đang bị Nhiếp Duy Sơn giữ vai nên không thể động đậy được, bèn mắng: “Mẹ nó cậu cứ chờ đóng cửa đi! Tớ cho cậu chịch hai phát!”

Nếu Nhiếp Duy Sơn có buồn thì cùng lắm là ba giây, bởi vì chỉ cần ở bên cạnh Doãn Thiên Dương thì luôn có thể cười không khép miệng được, bỗng hắn lấy chiếc vòng tượng Quan Âm ra rồi nói: “Không đùa cậu nữa, để tớ đeo cho cậu.”

“Cho tớ?” Doãn Thiên Dương bị người loay hoay đeo vòng vào, mà miệng vẫn thắc mắc không ngừng, “Sao lại cho tớ đeo?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Cửa hàng đã đóng, ông chủ cũng chạy trốn rồi, sau này cũng không có điều kiện làm theo yêu cầu nữa, chỉ là không biết lúc nào Bạch gia sẽ tới rồi phải bắt hụt.”

Doãn Thiên Dương siết chặt tượng Quan Âm: “Trông tớ lộng lẫy, quý phái(*) hẳn lên, chẳng còn vẻ gì là giai cấp vô sản nữa rồi.”

(*)Cụm từ Doãn Thiên Dương dùng là để hình dung phụ nữ.

Nhiếp Duy Sơn cười mắng: “Đừng nói nhảm nữa, cầu nguyện với Quan Âm nương nương đi, xem xét việc tớ đã điêu khắc người nghiêm túc như vậy thì chắc thế nào cũng phù hộ thành hiện thực thôi.”

Doãn Thiên Dương chắp hai tay trước ngực rồi bắt đầu nghĩ, suy nghĩ gần mười phút.

“Cầu mong ông phẫu thuật thuận lợi.”

“Cầu mong người nhà đều khỏe mạnh.”

“Cầu mong cậu sẽ mở được cửa hàng sớm.”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Đã cầu mong hết một lượt rồi, thế còn cậu đâu?”

“Tớ vẫn tốt mà,” Doãn Thiên Dương cân nhắc một chút, “Cầu mong mỗi ngày tớ chơi cờ caro đều thắng vậy!”

Nhiếp Duy Sơn không còn lời nào để nói, bèn vươn tay đặt trước ngực Doãn Thiên Dương, tượng Quan Âm kẹp giữa lòng bàn tay hắn và ngực của đối phương, “Tớ thử xin một điều.”

Một lúc lâu sau cũng không có hành động gì tiếp, Doãn Thiên Dương thấy hơi ngưa ngứa bèn nói: “Cậu cầu cái gì đấy, xong chưa?”

Nhiếp Duy Sơn cười rất khốn nạn: “Dựng lên rồi.”

Ngón tay đang cọ cọ trên ngực trái cậu nên chẳng trách Doãn Thiên Dương cứ cảm thấy ngưa ngứa, mất mấy giây cậu mới hiểu Nhiếp Duy Sơn đang nói cái gì, toàn thân bừng bừng lửa giận suýt chút nữa là nhảy khỏi hòn non bộ.

Mẹ nó đúng là lưu manh, biết rõ cậu dồi dào tinh lực, xuân tâm phơi phới mà còn làm như vậy! Giờ thì tốt rồi, Phật Bà Quan Âm cũng biết cả rồi!

Sau đó không còn ai gây chuyện nữa, cả hai lặng yên ngồi bên nhau cùng nhìn về phương xa.

Lại một lúc sau, một đám mây bay ngang qua, sắc trời cũng tối sầm đi trong nháy mắt, hai người đứng dậy chuẩn bị quay về. Khi bước xuống khỏi các bậc đá thì chợt nghe thấy tiếng nước chảy ở phía bên kia hòn non bộ, vì vậy bước chân cả hai đều trở nên nhẹ nhàng hơn đôi chút, tựa như tâm ý tương thông.

Mà cũng đâu đã đến sơn cùng thủy tận.

Doãn Thiên Dương bước nhanh lên hai bước rồi dắt tay Nhiếp Duy Sơn đi.

Dù cho cùng đi tới nơi tận cùng của nguồn nước, vậy thì cứ ngồi bên nhau ngắm nhìn áng mây trôi(*), chỉ cần bên cạnh có người thì phía trước đều sẽ có đường.

(*)Xuất xứ từ bài thơ “Chung Nam biệt nghiệp” của thi nhân nổi tiếng thời Đường – Vương Duy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.