Hải Lan Châu - Hạ

Chương 1: Chương 1: Hoàng Thái Cực




Năm 1614, bối lặc gia Mãng Cổ Tư nhận ra thế lực ngày một lớn mạnh của dòng họ Ái Tân giác la [1], Nỗ Nhĩ Cáp Xích [2] của Ái Tân Giác La lại muốn liên kết với bộ tộc hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ, có quyền kế thừa danh nghĩa và uy tín của vị Đại Hãn vĩ đại này. Nên Mãng Cổ Tư không tiếc gả mỹ nhân thảo nguyên cũng là vị cách cách được cưng chiều Triết Triết cho Bát Hoàng Tử Hoàng Thái Cực của Đại Kim.

Năm đó, Cáp Nhật Châu Lạp (Hải Lan Châu) 5 tuổi, Triết Triết 14 tuổi, Bố Mộc Bố Thái (Đại Ngọc Nhi) [3] chỉ vừa 1 tuổi.

Ngày đó, khắp nơi một màu đỏ rực, vang vọng tiếng cười, chỉ có trong lều của cô cô yên lặng như tờ. Hải Lan Châu bởi thân phận là con gái của tì thiếp nên không được phép xuất hiện trong bữa tiệc, nàng đành ở chỗ cô cô, muốn ở cạnh người trước khi người rời khỏi Khoa Nhĩ Tẩm đến Hách Đồ A Lạp.

Triết Triết mặc bộ y phục đỏ rực, đẹp hơn vạn lần những đóa hoa trên thảo nguyên này, nhưng đôi mắt của người lại vô hồn, khắc hẳn với hôm biết Hoàng Thái Cực sẽ trở thành chồng mình. Hải Lan Châu vẫn nhớ hôm đó khi rời khỏi lều của tổ phụ Mãng Cổ Tư, Triết Triết phấn khởi vui vẻ nói với nàng:

“Là chàng ấy, thật sự là chàng ấy”

Cát Đới nói với nàng đây là cuộc hôn nhân chính trị, nhưng nàng nhìn thấy rõ sự yêu thương và ngưỡng mộ của Triết Triết với Hoàng Thái Cực đã khiến cuộc hôn nhân này vượt khỏi hai chữ lợi ích. Chỉ có điều, tại sao chỉ qua một đêm, niềm hạnh phúc ấy đã không còn? Ngày đó Hải Lan Châu còn rất nhỏ, có rất nhiều chuyện không thể nào thấu hiểu được.

Chỉ là khi nàng được Cát Đới đưa về để cô phụ đến gặp cô cô, khi nàng xoay lưng nhìn gương mặt của cô phụ, nụ cười vẫn trên môi nhưng ý cười trong mắt như pháo hoa tàn lụi, mỗi một khắc lại càng nhạt nhòa.

Triết Triết gả đến Hách Đồ A Lạp [4] bảy năm, trong bảy năm này thế sự xoay vần cùng sự hùng mạnh của quân đội Bát kỳ, cho thấy việc gả Triết Triết vào Đại Kim chính là quyết định đúng đắn nhất của Mãng Cổ Tư. Có lẽ chính vì vậy mà 12 năm sau khi gả đi mỹ nữ thảo nguyên Triết Triết, Khoa Nhĩ Thẩm lại tiếp tục gả đi một đệ nhất mỹ nữ khác là Bố Mộc Bố Thái-Đại Ngọc Nhi.

Bảy năm không có Triết Triết ở Khoa Nhĩ Tẩm, cuộc sống của Hải Lan Châu khó khăn hơn rất nhiều. Bởi thân phận thấp kém của Ngạch Cát mà nàng không được xem là cách cách, cũng là một tay Triết Triết đưa nàng về chăm sóc, cho nàng hưởng thụ địa vị của một cách cách nhưng cô cô rời đi rồi, những thứ đặc ân đặc quyền này cũng không còn nữa.

Đối với mấy chuyện này, Hải Lan Châu cũng không để tâm, nàng chỉ cần sống lặng lẽ, không gây chuyện, đến khi đủ trưởng thành cô cô sẽ xin cha gả nàng đến Đại Kim. Nhưng nàng không ngờ, để gả đến Đại Kim là chuyện của tận 13 năm sau đó.

Năm 1622, khi Cáp Nhật Châu Lạp 13 tuổi, nàng đi đến thiên đô Liêu Dương của Đại Kim, nhưng không phải để gả đến Đại Kim mà chỉ đến để chăm sóc cô cô Triết Triết. Và nàng cũng không ngờ, con đường từ Khoa Nhĩ Tẩm đến thiên đô Liêu Dương năm đó lại là con đường đưa nàng đến với người đàn ông được cả thiên hạ này ngưỡng vọng và tôn kính, nhưng nàng lại đi đến 12 năm mới thực sự đến bên cạnh chàng.

***

Năm 1615, sau khi Lý Thành Lương chết, cả một vùng Liêu Đông, một phần Mông Cổ lọt vào tầm khống chế của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Một năm sau đó, khi đã 57 tuổi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Đại Hãn với hiệu là Phúc Dục Biệt Quốc Anh Minh Hoàng đế, nghĩa là “Vị Hãn anh minh mang hạnh phúc cho cả quốc gia”, ở thành Hách Đồ A Lạp, tuyên bố dựng nước, lấy quốc hiệu Đại Kim.

Sáu năm sau, Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích thừa thế thắng lợi từ năm 1618, quân Bát kỳ nhanh chóng tiến xuống phía Nam, chiếm luôn Khai Nguyên, Thiết Lăng, đánh chiếm Liêu Dương, Trung Trấn, Thẩm Dương, khống chế toàn bộ vùng đất phía đông Liên Hà, rồi thiên đô về Liêu Dương, với mục đích khống chế vùng Liêu Đông.

Năm 1622, một năm sau đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đánh đến Liêu Đông.

Bởi chiến loạn liên miên nên nàng đi từ Khoa Nhĩ Tẩm đến Liêu Dương, cô cô phải cho rất nhiều người theo hộ tống. Thế nhưng cũng không tránh được trên đường gặp phải một đội quân Minh đang bị quân đội của Đại Kim truy đuổi. Hải Lan Châu chỉ biết trách số mình xui xẻo, bao nhiêu con đường lại đi trúng vào đường quân Minh.

A Mộc bên ngoài xe hét lớn:

“Các ngươi dám mạo phạm cháu gái của Bối lặc gia Khoa Nhĩ Tẩm Mãng Cổ Tư? Còn không mau tránh đường?”

“Đúng là ông trời không triệt đường sống của Phùng Đình Bản, tiểu tướng mời cách cách đến doanh trại nghỉ ngơi một đêm” – người đàn ông ngồi trên ngựa sáng lên khi thấy Hải Lan Châu qua rèm cửa.

“Bổn cách cách thiết nghĩ nếu bây giờ Kinh lược Liêu Đông Phùng Đình Bản và Tuần phủ Liêu Đông Vương Hóa Trinh đi thì vẫn còn kịp, hẳn là quân đội Đại Kim đã đuổi sắp đến rồi” – Hải Lan Châu vén màn rời khỏi xe ngựa, giữ giọng điệu bình tĩnh mà nói với hai viên tướng nhà Minh, lúc đó nàng không chắc quân Bát Kỳ có đến được hay không, nhưng nhìn qua quân số chẳng còn mấy của quân Liêu Đông thì vẫn hơn nhiều so với đoàn quân hộ tống nên không thể coi thường.

Người ngồi trên yên ngựa cạnh Phùng Đình Bản chỉa mũi thương về phía nàng:

“Nha đầu miệng còn hôi sữa. Còn mau không bắt lại”

Người dẫn đầu đoàn quân hộ tống cũng vội rút gươm khỏi vỏ, số người còn lại cũng đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nhưng Hải Lan Châu cười như không cười giơ tay cản lại, hướng về phía Phùng Đình Bản:

“Người bắt bổn cách cách thì cũng chẳng có lợi ích gì, đã sẵn dịp thì nên giới thiệu qua một chút, bổn cách cách Hán danh Hải Lan Châu, nói là con gái của Trung Thân vương Trại Tang cũng đúng mà nói không phải cũng đúng, đó chính là có danh nhưng không có phận, dù hôm nay bổn cách cách có bỏ mạng ở đây, Khoa Nhĩ Tẩm cũng không có làm tang lễ, người nghĩ quân đội Bát Kỳ sẽ vì một cách cách không được coi trọng mà bỏ qua cho các ngươi?”

Phùng Đình Bản vẫn còn ậm ừ thì Vương Hóa Trinh đã hét lên:

“Ranh con, ngươi đừng có ở đây kéo dài thời gian, quân đội Đại Kim vẫn còn lâu lắm mới đuổi kịp. Vả lại để biết ngươi có là cách cách được coi trọng hay không thì về doanh trại của ta là biết được thôi”

Hải Lan Châu nhếch mép, A Mộc ở bên cạnh kéo lấy tay áo của nàng, nhỏ giọng:

“Cách cách, người đang cố tình làm gì vậy?”

“Tàn quân bị thương lại ngày đêm trốn chạy nên về sức đã yếu, tuy vậy vẫn rất đông, khi giao chiến lại không đảm bảo bất trắc ta có bị rơi vào tay họ hay không nên đành thử kéo dài thời gian, quân đội Đại Kim không theo kịp thì nói lý một chút cũng không chết”

Nói đoạn, nàng lại xoay về phía của Phùng Đình Bản, có vẻ con người này so với Vương Hóa Trinh nhìn nhận sự việc sâu sắc hơn rất nhiều:

“Vương Hóa Trinh ông sai rồi, Hải Lan Châu đối với Khoa Nhĩ Tẩm hay Đại Kim cũng không có giá trị đó là sự thật, nếu ngày hôm nay người ở đây là cô cô Triết Triết của ta thì đã khác” – nàng rút từ trong tay áo ra một con dao nhỏ rồi đặt ngay lên cổ mình – “Thế nhưng, nếu Hải Lan Châu chết trong tay quân Minh thì lại rất bất lợi cho hai người. Đại Kim giỏi nhất chính là mượn cớ, mượn cớ không cưới được Bố Hỷ Á Mã Lạp Đông Ca để tấn công Diệp Hách, cũng mượn cớ Thất đại hận để đánh Minh-Triều-Diệp Hách, ngươi nói xem Đại Kim có một lần nữa mượn cớ này để tung hoành thêm lần nữa hay không?”

Lần này đến cả Vương Hóa Trinh cũng im lặng, Hải Lan Châu tin rằng những lời này đã bắt đầu đá động đến bọn họ nên mạnh tay đè lưỡi dao, trên da thịt trắng nõn xuất hiện một vệt máu đỏ tươi. A Mộc sợ hãi:

“Cách Cách”

“Để Hải Lan Châu đoán xem Đại Kim có thể mượn cớ gì? Vị cách cách sắp gả đến Đại Kim, hay cũng có thể là...”

“Là cháu dâu của ta” – giọng nói trầm ổn, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy uy quyền vang lên sau lưng khiến Hải Lan Châu giật mình. Nàng vẫn còn đang mơ hồ thì người đó đã bước ra khỏi đoàn người hộ tống, bước đến chỗ của nàng, cầm lấy con dao trong tay nàng – “Sau này không nên tự làm bị thương bản thân”

Rồi cũng chẳng đợi thêm, quân đội Đại Kim từ bốn bề nhào đến như nước vỡ bờ bao vây quân Minh vào trong, Hoàng Thái Cực đẩy Hải Lan Châu về tiểu tướng phía sau:

“Đưa cách cách rời khỏi đây, gặp nhau tại Liêu Dương” – nói đến mấy chữ cuối, Hoàng Thái Cực nhìn thẳng vào mắt nàng, đôi mắt sâu thẳm như cuốn trôi tất cả linh hồn khiến nàng mơ mơ màng màng. Rồi trong tích tắc, đôi mắt ấy hiện lên những tia lửa đỏ, ngày một dữ dội khi hướng về phía Phùng Đình Bản, giọng nói trở nên giá buốt như lưỡi kiếm trong tay – “Hôm nay Liêu Tây nhất định phải thuộc về Đại Kim”

Tiểu tướng nhanh chóng kéo Hải Lan Châu lên ngựa rồi xoay ngựa rời đi. Trước lúc rời khỏi, Hải Lan Châu nhìn qua sườn mặt của Hoàng Thái Cực, chợt nhớ đến tám năm trước, trong ngày đại hôn của cô cô Triết Triết, nụ cười trên môi vẫn như có như không, chỉ có điều trên chiến trường nụ cười ấy lại mang thêm vài phần ngạo nghễ, vài phần thâm trầm. Từ lâu, nàng vẫn luôn nghe cô cô kể về Hoàng tử thứ 8 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người thông minh, ôn hòa trong đối nhân xử thế nhưng trên chiến trường lại uy nghiêm, dũng mãnh, cuối cùng Hải Lan Châu cũng được nhìn rõ tận mắt.

--- ------ -----

[1] Ái Tân Giác La: là họ của các hoàng đế nhà Thanh. Từ Ái Tân (aisin) có nghĩa là vàng trong tiếng Mãn, và từ Giác La (gioro) là tên của một địa danh mà nay là Y Lan thuộc Hắc Long Giang. Theo phong tục Mãn Châu, các dòng họ được nhận biết đầu tiên là bởi Hala (哈拉, cáp lạp), tức là tên họ tộc hay bộ tộc của họ, và sau đó là Mukūn (穆昆, mục côn), một sự phân loại mang đặc trưng của các gia đình, dòng tộc. Trong trường hợp của Ái Tân Giác La, Ái Tân là Mukūn, và Gioro là Hala. Các dòng họ khác của bộ tộc Giác La bao gồm Y Nhĩ Căn Giác La (伊尔根觉罗, Irgen Gioro), Thư Thư Giác La (舒舒觉罗, Susu Gioro) và Tây Lâm Giác La (西林觉罗, Sirin Gioro) và một số dòng họ khác.

Bộ tộc Ái Tân Giác La có nguồn gốc từ Mãn Châu, và tự coi mình là hậu duệ của tộc Nữ Chân, tộc người cai trị nhà Kim (1115–1234) gần 5 thế kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con trai là Hoàng Thái Cực, bộ tộc Ái Tân Giác La đã giành được quyền lãnh đạo các bộ tộc Nữ Chân ở vùng đông, và sau đó thông qua chiến tranh hay liên minh đã mở rộng phạm vi lãnh đạo đến tận khu vực Nội Mông ngày nay. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã thành lập các đội quân lớn và thường trực được gọi là “kỳ” để thay thế các nhóm lính nhỏ mà vốn trước đó chỉ là các thợ săn. Một kỳ bao gồm các nhóm nhỏ hơn; và có khoảng 7.500 chiến binh cùng gia đình của họ, gồm cả lao nô, và nằm dưới quyền chỉ huy của thủ lĩnh. Mỗi kỳ được nhận biết bởi một lá cờ với các màu sắc khác nhau như vàng, trắng, lam hay đỏ; chỉ có màu trơn hoặc thể hiện ranh giới. Ban đầu chỉ có bốn kỳ, về sau con số này tăng lên tám và được gọi là bát kỳ; các kỳ mới được thành lập khi người Mãn chiếm được một vùng đất mới, và cuối cùng có tổng cộng 24 kỳ chia đều cho 3 tộc là Mãn, Mông và Hán. Năm 1648, chỉ có dưới một phần sáu binh lính các kỳ thật sự có nguồn gốc Mãn. Các cuộc chinh phục của người Mãn được thực hiện với một đội quân đa sắc tộc do các quý tộc Mãn và tướng người Hán lãnh đạo.

[2] Nỗ Nhĩ Cáp Xích: (1559 – 1626), Hãn hiệu Thiên Mệnh Hãn (天命汗), là một vị thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân vào cuối đời Minh. Ông là người đã xây dựng nền móng mà sau đó con trai ông, Hoàng Thái Cực đã bành trướng uy thế và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều đại Mãn Thanh. Về sau, các hậu duệ suy tôn miếu hiệu cho ông là Thanh Thái Tổ, dù ông không giữ ngôi vị hoàng đế nhà Thanh một ngày nào[1]. Ông được nhà Thanh truy tôn thụy hiệu là Cao Hoàng đế

[3] *Hải Lan Châu, Triết Triết, Đại Ngọc Nhi: ba vị cách cách xuất thân từ dòng tộc Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị, bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ, đồng thời cũng chung một chồng là Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực

Nhưng Hải Lan Châu tuy là con gái Bối lặc Trại Tang nhưng Hải Lan Châu không được xem là Cách cách giống như Đại Ngọc Nhi vì mẹ của Đại Ngọc Nhi là Đại phúc tấn của bộ tộc, còn mẹ của Hải Lan Châu chỉ là tì thiếp, thân phận thấp hèn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.