Một sớm mùa xuân năm
1989, tôi ngồi trên chiếc xe đạp hiệu Phi Cáp rong ruổi qua các con phố
Nam Kinh, mơ màng nghĩ đến Phan Phan, con trai tôi. Búp chồi xanh non
trên cây cối, hơi sương mù mịt bao phủ những người đạp xe khác, những
chiếc khăn lụa phụ nữ phấp phới bay trong gió xuân, tất cả hòa vào ý
nghĩ của tôi về con trai. Tôi đã một mình nuôi nấng nó, không có sự trợ
giúp của người đàn ông, và thật không dễ gì để chăm sóc thằng bé trong
khi vẫn phải làm việc. Dù thế, bất kể tôi đi đâu, xa hay gần, kể cả
trong cuốc xe gấp gáp đến chỗ làm, thằng bé vẫn song hành bên tôi trong
tâm tưởng và tiếp thêm lòng can đảm cho tôi.
“Này, người dẫn
chương trình nổi tiếng, để ý xem cô đang đi đâu đấy nhé,” một đồng
nghiệp kêu lên khi tôi tất tả bước vào khu liên hợp đài phát thanh và
truyền hình - nơi tôi làm việc.
Hai công an có vũ khí đứng ở
cổng. Tôi xuất trình giấy thông hành. Khi vào trong, tôi sẽ phải chạm
mặt mấy người bảo vệ có vũ trang khác nữa tại cửa ra vào văn phòng và
phòng thu. An ninh ở đài cực kỳ nghiêm ngặt và các nhân viên luôn cảnh
giác với cánh bảo vệ. Người ta kháo nhau rằng đã có một tay tân binh ngủ gật trong phiên gác đêm và bị kích động đến mức giết chết người đồng
chí đã đánh thức anh ta dậy.
Phòng làm việc của tôi nằm trên tầng mười sáu của tòa nhà hai mươi mốt tầng hiện đại và gớm guốc đó. Tôi
thích đi cầu thang bộ hơn là liều lĩnh đi bằng cái thang máy chẳng biết
đường nào mà lần, vốn thường xuyên trở chứng. Khi tới bàn làm việc, tôi
mới nhận ra mình đã để quên chìa khóa xe đạp trong ổ khóa. Thông cảm với tôi, một đồng nghiệp đề nghị sẽ gọi điện xuống chỗ người gác cổng hộ
tôi. Việc đó không dễ dàng lắm vì hồi đó nhân viên bình thường chưa có
điện thoại riêng và người đồng nghiệp của tôi đã phải đi tới phòng của
trưởng ban để gọi điện. Cuối cùng, có người mang lên cho tôi chìa khóa
cùng với đám thư từ. Giữa đống thư từ ngồn ngộn, có một bức thư đập vào
mắt tôi ngay lập tức: Chiếc phong bì được làm từ bìa một cuốn sách, trên đó có dán một chiếc lông gà. Theo truyền thống của người Trung Quốc,
chiếc lông gà là dấu hiệu của một tình huống quẫn bách.
Lá thư là của một cậu bé, được gửi từ một ngôi làng cách Nam Kinh chừng 250 cây số.
Cô Hân Nhiên rất mực kính mến!
Cháu đã lắng nghe tất cả các chương trình của cô. Thực ra, mọi người trong
làng cháu đều thích nghe cả. Nhưng cháu không viết thư để nói với cô là
chương trình của cô hay đến thế nào; cháu viết thư này để kể với cô một
bí mật.
Thực ra cũng không hẳn là một bí mật, vì mọi người trong
làng đều biết cả. Có một ông già sáu mươi tuổi bị thọt ở đây mới mua về
một cô vợ trẻ. Cô gái trông rất trẻ - cháu nghĩ chắc là cô ây đã bị bắt
cóc. Ở đây, chuyện này xảy ra như cơm bữa, nhưng nhiều cô sau đó đã trốn thoát. Ông già kia sợ cô vợ của mình bỏ trốn nên đã trói cô ấy lại bằng một sợi xích sắt to tướng. Cổ tay cô ấy bị sợi xích nặng đó làm trầy
trụa, máu thấm qua quần áo cô ấy. Cháu nghĩ cứ thế thì cô ấy sẽ chết
mất. Xin hãy cứu cô ấy.
Dù có làm gì thì cô cũng đừng đưa lên đài nhé. Người làng mà biết, họ sẽ đuổi cả gia đình cháu đi mất.
Chúc cho chương trình của cô càng ngày càng hay.
Thính giả trung thành của cô
Trương Tiểu Thuyên
Đó là lá thư đau xót nhất mà tôi nhận được kể từ khi bắt đầu thực hiện
chương trình phát thanh buổi tối của mình, Khinh Phong Dạ Thoại[1], bốn
tháng trước đó. Trong buổi phát thanh, tôi thảo luận về nhiều khía cạnh
đa dạng của cuộc sống đời thường và vận dụng kinh nghiệm bản thân để
giành được lòng tin của thính giả đồng thời gợi ý cho họ những cách tiếp cận với các khó khăn trong cuộc sống. “Tên tôi là Hân Nhiên,” tôi mở
đầu buổi phát thanh đầu tiên của chương trình như vậy. Hân Nhiên có
nghĩa là Vui Vẻ. Xin xin ran zhang kai le yan,[2] Chu Tự Thanh đã viết
như vậy trong một bài thơ về mùa xuân: Vui vẻ mở bừng đôi mắt. Chương
trình này là một điều mới mẻ dành cho mọi người, kể cả chính tôi. Tôi
vừa mới trở thành người dẫn chương trình và tôi đang cố gắng làm điều gì đó chưa từng có tiền lệ ở đài phát thanh.
Từ năm 1949, các
phương tiện truyền thông đã trở thành nơi phát ngôn của Đảng. Đài phát
thanh của nhà nước, báo chí của nhà nước và sau đó là đài truyền hình
của nhà nước cung cấp nguồn thông tin duy nhất mà người dân Trung Quốc
được quyền tiếp cận. Việc trao đổi với bất kỳ ai ở nước ngoài khó như
bắc thang lên trời. Khi Đặng Tiểu Bình khởi động công cuộc Cải Cách Mở
Cửa chậm chạp vào năm 1983, thì các nhà báo, nếu có đủ lòng dũng cảm, có thể thử thực hiện những thay đổi nho nhỏ trong việc đưa tin. Cũng từ
đó, việc thảo luận về các vấn đề cá nhân trên phương tiện truyền thông
cũng có thể thực hiện được, dù có lẽ còn nguy hiểm hơn. Trong chương
trình Khinh Phong Dạ Thoại tôi đang cố gắng mở một ô cửa sổ nho nhỏ, một cái lỗ tí xíu để người dân có cơ hội trút bầu tâm sự. Nhà văn và nhà
triết học Trung Quốc, Lỗ Tấn, một lần từng nói, Người đầu tiên ăn thử
một con cua ắt hẳn cũng đã thử một con nhện, nhưng rồi nhận ra rằng ăn
nhện không ổn. Khi chờ đợi phản hồi của thính giả về chương trình, tôi
tự hỏi không biết họ thấy nó là con cua hay con nhện đây. Những lá thư
gửi đến bày tỏ sự thích thú chất đống trên bàn làm việc đã thuyết phục
tôi rằng nó chính là con cua.
Lá thư tôi nhận được từ cậu bé
Trương Tiểu Thuyên là lá thư đầu tiên xin tôi giúp đỡ bằng hành động, và nó khiến tôi lúng túng. Tôi báo cáo lại với trưởng ban và hỏi ý kiến
xem tôi nên làm gì. Ông ta hờ hững bảo tôi nên liên lạc với đồn công an
địa phương. Tôi gọi điện và thuật lại câu chuyện của cậu bé.
Người công an ở đầu dây bên kia bảo tôi hãy bình tĩnh. “Chuyện kiểu này xảy
ra nhiều lắm. Nếu ai cũng phản ứng như cô thì chúng tôi sẽ chết hết vì
kiệt sức mất. Mà trường hợp này thì hết hy vọng. Chúng tôi còn cả đống
báo cáo ở đây này, trong khi nhân lực và tài chính thì có hạn. Nếu tôi
là cô, tôi sẽ rất thận trọng trong việc nhúng tay vào chuyện đó. Những
dân làng như thế thuộc loại trời không sợ đất không sợ rồi; kể cả chúng
ta có đến đó chăng nữa thì họ cũng sẽ đốt xe và đánh đập các nhân viên
công vụ thôi. Để duy trì dòng dõi, khỏi mắc tội với tổ tiên vì không thể sinh ra người nối dõi, họ sẽ làm những việc mà cô không thể tưởng tượng nổi đâu.”
“Vậy”, tôi nói, “Có phải ý anh là anh sẽ khoanh tay đứng nhìn?”
“Tôi không nói vậy, nhưng...”
“Nhưng sao?”
“Nhưng không việc gì phải vội cả, chúng ta có thể làm từ từ.”
“Anh không thể để ai đó chết dần chết mòn!”
Người công an nọ bật cười. “Quả không sai khi người ta nói cảnh sát thì đi
dập lửa còn nhà báo thì đi châm lửa. Mà cô bảo tên cô là gì nhỉ?”
“Hân... Nhiên,” tôi nói qua kẽ răng.
“À, à, Hân Nhiên, tên hay đấy. Được thôi, Hân Nhiên, cô qua đây đi. Tôi sẽ
giúp cô.” Anh ta nói cứ như thể đang ban ơn cho tôi chứ không phải là
đang thực thi nhiệm vụ của mình vậy.
Tôi tới thẳng phòng làm việc của anh ta. Anh ta là một tay công an Trung Quốc điển hình: Tráng kiện và cảnh giác.
“Ở nông thôn phép vua thua lệ làng,” anh ta nói. Theo anh ta thì ở đó luật pháp vô hiệu. Người nông dân chỉ sợ mỗi các quan chức địa phương nắm
quyền sinh quyền sát với nguồn cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón, giống
má và nông cụ cho họ mà thôi.
Anh ta nói đúng. Rốt cuộc, chính
người thủ kho cung cấp thiết yếu phẩm nông nghiệp ở thôn đó đã cứu được
cô gái. Ông ta dọa sẽ cắt phần phân bón của người làng nếu họ không thả
cô gái ra. Ba nhân viên công an hộ tống tôi đến thôn đó bằng xe công vụ. Khi chúng tôi đến, trưởng thôn phải dẹp đường cho chúng tôi đi qua
những người dân đang giơ nắm đấm về phía chúng tôi mà chửi rủa. Cô bé nọ chỉ mới mười hai tuổi. Khi chúng tôi đưa cô bé ra khỏi nhà ông già kia, ông ta kêu gào ầm ĩ và chửi thề độc địa. Tôi không dám hỏi thăm về cậu
bé đã viết thư cho tôi. Tôi muốn cảm ơn cậu nhưng anh công an nói, người làng mà biết được cậu bé đã làm gì họ thì sẽ giết cả nhà cậu ấy mất.
Được tận mắt chứng kiến sức mạnh của nông dân, tôi bắt đầu hiểu tại sao Mao
Trạch Đông lại thắng được Tưởng Giới Thạch, dù Tưởng được Anh và Mỹ cung cấp vũ khí cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ.
Cô bé được gửi trả về nhà ở Tây Ninh - một chuyến tàu hai mươi tư tiếng đồng hồ từ Nam Kinh - cùng
với một cán bộ công an và một người của đài phát thanh. Hóa ra, cha mẹ
cô bé đã phải vay nợ tới 10.000 tệ để đi tìm cô bé.
Tôi chẳng
nhận được lời khen nào vì đã giải thoát cho cô bé đó, lại còn bị phê
bình vì “bắt quân đội phải đi đi lại lại và kích động quần chúng”, làm
tốn thời gian và tiền bạc của nhà đài. Tôi rất sửng sốt trước những lời
chỉ trích đó. Một cô bé đang bị nguy hiểm, nhưng đến giải cứu cô bé thì
lại bị xem là vắt kiệt sức lực nhân dân và làm tiêu hao công quỹ. Vậy
cuộc sống của một người phụ nữ Trung Quốc có giá trị gì?
Câu hỏi
này bắt đầu ám ảnh tôi. Hầu hết những người viết thư cho tôi ở đài phát
thanh là phụ nữ. Thư của họ thường là nặc danh, hoặc đề tên giả. Nhiều
điều họ kể khiến tôi chấn động sâu sắc. Tôi vốn cứ ngỡ rằng mình đã hiểu phụ nữ Trung Quốc. Đọc thư của họ, tôi mới nhận ra mình đã lầm tưởng
đến mức nào. Những người đồng giới với tôi đang phải sống những cuộc đời và vật lộn với những trắc trở mà tôi chưa từng tưởng tượng ra.
Họ hỏi tôi nhiều câu liên quan đến vấn đề giới tính. Một phụ nữ muốn biết
tại sao tim cô lại đập nhanh hơn khi vô tình ngã vào một người đàn ông
trên xe buýt. Người khác lại hỏi tại sao mình lại toát mồ hôi khi một
người đàn ông chạm vào tay. Đã từ lâu lắm, mọi bàn luận về vấn đề giới
tính bị cấm ngặt và bất kỳ đụng chạm nào giữa một người đàn ông và đàn
bà chưa kết hôn đều sẽ bị dư luận lên án - bị “tẩy chay” - hoặc thậm chí bỏ tù. Ngay cả giữa vợ chồng với nhau, “đầu ấp tay gối” cũng bị xem như là bằng chứng của cách xử sự tội lỗi, và trong những cuộc gia đình
chiến, vợ hoặc chồng thường dọa sẽ tố giác người kia với công an vì đã
buông thả trong chuyện đó. Kết quả là, hai thế hệ người Trung Quốc lớn
lên mà cứ mù mờ về những bản năng tự nhiên của mình. Chính tôi cũng có
lần ấu trĩ tới mức, dù đã ở tuổi hai mươi hai, tôi đã từ chối cầm tay
một giáo viên nam tại một buổi đốt lửa trại vì sợ sẽ có thai. Khi ấy,
hiểu biết của tôi về việc thụ thai là học mót từ dòng này trong một cuốn sách: Họ nắm tay nhau dưới ánh trăng... Vào mùa xuân, họ có một bé trai bụ bẫm. Tôi thấy mình cũng háo hức muốn biết nhiều hơn về đời sống thầm kín của những người phụ nữ Trung Quốc và quyết định bắt đầu nghiên cứu
bối cảnh văn hóa khác biệt của họ.
Ông Trần là người đầu tiên
được tôi kể cho nghe về kế hoạch của mình. Ông là nhà báo kỳ cựu và rất
được nể trọng. Người ta nói rằng ngay cả chủ tịch thành phố Nam Kinh
cũng tới gặp ông xin lời khuyên. Tôi thường tham khảo ý kiến của ông về
công việc, không chỉ bởi kính trọng thâm niên trong nghề của ông, mà còn để học hỏi vốn kinh nghiệm phong phú của ông nữa. Tuy nhiên, lần này,
phản ứng của ông khiến tôi ngạc nhiên. Ông lắc cái đầu hói nhẵn tới mức
người ta không thể phân biệt nổi da đầu ông dừng lại ở chỗ nào và khuôn
mặt ông bắt đầu từ đâu, và nói: “Ngây thơ quá!”
Tôi lấy làm sửng
sốt. Người Trung Quốc xem hói đầu là dấu hiệu của sự thông thái. Liệu
tôi có nhầm lẫn không? Tại sao muốn tìm hiểu người phụ nữ Trung Quốc lại bị xem là ngây thơ?
Tôi kể với một người bạn thời đại học về lời cảnh báo của ông Trần.
“Hân Nhiên,” anh ta nói, “cô đã bao giờ ở trong một xưởng làm bánh xốp chưa?”
“Chưa,” tôi trả lời, cảm thấy khó hiểu.
“Chậc, tôi thì rồi. Vì thế tôi không bao giờ ăn bánh xốp nữa.” Anh ta bảo tôi
nên đến một xưởng làm bánh để hiểu anh ta muốn nói gì.
Tính tôi
vốn nôn nóng, nên vào lúc năm giờ sáng hôm sau tôi đã tự mình đi đến một xưởng bánh nhỏ nhưng bánh ngon có tiếng. Tôi không báo trước rằng mình
sẽ đến thăm, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Nhà báo ở Trung Quốc được mệnh danh là những vị vua không ngai. Họ có
quyền ra vào hầu hết mọi cơ quan trên đất nước này.
Người quản lý tiệm bánh không hiểu tại sao tôi lại đến, nhưng ông ta bị ấn tượng bởi
nhiệt tình của tôi đối với công việc: Ông ta bảo chưa từng gặp nhà báo
nào tới sớm đến thế để thu thập tư liệu. Trời còn chưa sáng hẳn, dưới
ánh đèn tù mù của gian xưởng, bảy tám người thợ nữ đang đập trứng vào
một chiếc thùng to. Họ đang ngáp và khò khè ầm ĩ kinh khủng. Tiếng khạc
nhổ liên tục khiến tôi khó chịu. Một người phụ nữ bị lòng đỏ trứng trát
khắp mặt, có lẽ vì quẹt nước mũi hơn là do một công thức làm đẹp khó
hiểu nào đó. Tôi quan sát hai người thợ nam đổ gia vị và phẩm màu vào
một lớp bột nhão mỏng được nhào từ hôm trước. Hỗn hợp đó được thêm trứng rồi đổ vào các hộp thiếc trên một băng chuyền. Khi hộp thiếc ra khỏi
lò, khoảng hơn chục người thợ nữ đóng gói những chiếc bánh vào hộp. Mép
họ dính đầy vụn bánh.
Khi rời khỏi xưởng bánh, tôi nhớ lại những
điều một đồng nghiệp từng nói với tôi: Những thứ bẩn nhất trên thế giới
này không phải là nhà vệ sinh hay cống rãnh mà là nhà máy chế biến thực
phẩm và bếp nhà hàng. Tôi cũng kiên quyết không bao giờ ăn bánh xốp nữa, nhưng không thể hiểu nổi những điều tôi nhìn thấy thì có liên quan gì
tới vấn đề tìm hiểu người phụ nữ Trung Quốc.
Tôi gọi cho anh bạn của mình, anh có vẻ thất vọng vì tôi chẳng hiểu ra được gì.
“Cô đã thấy những chiếc bánh đẹp đẽ, mềm xốp đã được làm ra như thế nào rồi đấy. Nếu cô chỉ nhìn chúng ở tiệm bánh, cô sẽ không bao giờ biết được
điều đó. Tuy nhiên, dù cô có thể mô tả được rằng xưởng đó được quản lý
tệ hại và vi phạm những quy tắc về an toàn thực phẩm đến thế nào đi nữa, cô có nghĩ rằng điều đó sẽ khiến cho mọi người không còn muốn ăn bánh
xốp nữa không? Những người phụ nữ Trung Quốc cũng vậy. Dù cô tiếp cận
được tổ ấm và ký ức của họ chăng nữa, liệu cô có thể phán xét hay thay
đổi được những luật tắc đã hình thành nên cuộc sống của họ như thế
không? Hơn nữa, có bao nhiêu phụ nữ sẽ thực sự sẵn sàng từ bỏ lòng tự
trọng của họ để bộc bạch với cô? Tôi e người đồng nghiệp của cô mới là
bậc tri túc thực sự đấy.”