Năm 1995, một cuộc khảo sát ở Trung Quốc cho thấy rằng ở những vùng thịnh
vượng hơn có bốn nghề có tuổi thọ ngắn nhất, là công nhân nhà máy hóa
chất, lái xe tải đường dài, công an và nhà báo. Công nhân nhà máy và tài xế xe tải phải chịu khổ do thiếu những quy tắc an toàn thích hợp. Thân
phận của người công an Trung Quốc là một trong những thân phận nghiệt
ngã nhất: với một hệ thống pháp luật nhiều lỗ hổng và trong một xã hội
mà quyền lực chính trị đứng trên tất cả, tội phạm nào có những mối quan
hệ có ảnh hưởng thường ngang nhiên thoát tội, và một số kẻ sau đó còn
trả thù nhân viên công an có liên quan. Công an phải chịu giằng xé giữa
một bên là điều họ biết là đúng còn bên kia là các mệnh lệnh; sự thất
vọng, hoang mang và ân hận khiến họ chết sớm. Nhưng tại sao các nhà báo, những người ở khía cạnh nào đó có cuộc sống được ưu ái, lại phải chịu
chung số phận đó?
Nhà báo ở Trung Quốc đã chứng kiến bao sự kiện
choáng váng và đau buồn. Họ thường bị bắt phải nói và viết những điều mà họ không đồng tình.
Khi phỏng vấn những người phụ nữ sống với
hôn nhân chính trị không tình cảm, khi nhìn thấy những người phụ nữ vật
lộn trong đói nghèo và khốn khó thậm chí không có nổi một bát canh hay
quả trứng để bồi dưỡng sau khi sinh nở, hoặc khi lắng nghe những người
phụ nữ trên máy trả lời điện thoại - những người không dám nói với ai
rằng mình đã bị chồng đánh đập thế nào, tôi thường không thể giúp họ vì
những quy tắc của đài phát thanh. Tôi chỉ có thể kín đáo khóc cho họ khi ở một mình.
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, nó giống như một đứa
trẻ đang đói lả ngấu nghiến mọi thứ trong tầm với bất kể dở hay. Sau đó, trong khi mọi người nhìn thấy một Trung Quốc phấn khởi, hạnh phúc trong bộ quần áo mới, không còn khóc vì đói nữa thì các nhà báo lại thấy một
thân thể bị hành hạ bởi bệnh khó tiêu. Sự xung đột giữa điều họ biết với điều họ được phép nói tạo ra một môi trường trong đó sức khỏe tinh thần và thể xác của họ đều phải chịu khốn khổ.
Đó là một xung đột khiến tôi phải từ bỏ nghề báo của mình.
Mùa thu năm 1996, trên đường trở về từ Hội Nghị Đảng, ông Trần bảo tôi rằng có một số nhóm xóa đói giảm nghèo đã được cử đến vùng Tây Bắc và Tây
Nam và những vùng nghèo nàn lạc hậu khác. Do thiếu cán bộ nhà nước đủ
khả năng đảm nhận những chuyến công tác điều tra này, chính phủ thường
dùng các nhà báo có năng lực đi thu thập thông tin. Ông Trần bảo ông đã
có kế hoạch tham gia vào một nhóm tới vùng căn cứ quân sự cũ ở Diên An
để xem cuộc sống của những người dân bình thường ở đó giờ ra sao. Theo
ông, đó là một góc bị Cách Mạng lãng quên.
Tôi thấy đó là một cơ
hội tuyệt vời để mở rộng hiểu biết về cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc,
bèn lập tức xin tham gia một nhóm. Tôi được phân vào nhóm đi “Tây Bắc“,
nhưng thực ra là chúng tôi đi tới vùng phía Tây của Tây An ở miền Trung. Hầu hết người Trung Quốc khi nói về ”Tây Bắc” thực ra là đang đề cập
tới miền Trung của Trung Quốc, vì các sa mạc phía Tây chẳng hề xuất hiện bản đồ trong tâm trí của họ bao giờ.
Trong lúc gói ghém đồ đạc
cho chuyến đi, tôi quyết định bỏ lại nhiều đồ dùng hữu ích vẫn luôn mang theo trong những chuyến đi viết bài. Có hai lý do. Thứ nhất, sẽ có một
chuyến leo núi dài vất vả mà chúng tôi sẽ phải tự xách đồ đạc của mình.
Tôi không muốn các đồng nghiệp nam phải xách thêm bất kỳ món đồ nào của
tôi trong khi họ cũng mệt. Lý do thứ hai quan trọng hơn: cao nguyên
Hoàng Thổ mà chúng tôi sắp tới nghe nói là một vùng rất nghèo và tôi
nghĩ tôi sẽ cảm thấy ngượng nghịu với tất cả những thứ tiện dụng của
mình trước những người dân ở đó. Họ chưa từng nhìn thấy bất kỳ thứ gì
đến từ thế giới bên ngoài, và có lẽ cũng chưa từng biết đến sự xa hoa
hay được ăn ngon mặc ấm.
Chúng tôi tới Tây An trước, rồi chia
thành ba nhóm nhỏ. Trong nhóm tôi, ngoài tôi ra còn có bốn người khác
nữa - hai nhà báo nam, một bác sĩ và một người hướng dẫn của chính quyền địa phương. Chúng tôi rất sốt sắng lên đường; dù không nghĩ rằng hành
trình của mình là vất vả nhất nhưng vùng mà chúng tôi thấy có lẽ là vùng xác xơ nhất. Có vô số cấp độ giàu có và nghèo khổ, được phản ánh theo
nhiều cách khác nhau. Trong suốt chuyến đi, cảnh vật trước mắt chúng tôi cứ càng lúc càng đơn giản: những tòa nhà cao tầng, ồn ào tiếng người và những sắc màu rực rỡ của đô thị dần dần bị thay thế bởi những ngôi nhà
gạch thấp bé hoặc những túp lều trát bùn, những đám bụi mù mịt và những
người nông dân mặc quần áo xám xỉn như nhau. Càng đi con người và dấu
vết của hoạt động nhân sinh càng thưa thớt. Cao nguyên Hoàng Thổ chưa
được khai phá này bị chà xát dày vò bởi những cơn lốc bụi mà chúng tôi
phải khó khăn lắm mới có thể nheo mắt nhìn qua được. Phương châm của
phái đoàn chúng tôi là: Giúp những người nghèo nhất ở những nơi nghèo
nhất. Sự tột bậc được ngụ ý trong từ so sánh nhất khó mà xác định được.
Mỗi lần đụng phải một tình huống tột cùng, người ta lại không chắc liệu
nó có phải là tột cùng nhất không. Tuy nhiên, tới ngày hôm nay, tôi chưa từng thấy nơi nào nghèo như nơi tôi đã thấy trong chuyến đi đó.
Sau hai ngày rưỡi xóc nảy trên xe jeep, người hướng dẫn cuối cùng cũng
tuyên bố đã tới nơi, chúng tôi đều nghĩ chắc anh ta nhầm. Thậm chí còn
không thấy một bóng người, nói gì tới cả một làng trong khung cảnh đó.
Chiếc xe jeep chạy ngoằn ngoèo lên những quả đồi trọc lóc rồi dừng lại
cạnh một quả đồi khá lớn. Xem xét gần hơn, chúng tôi mới nhận ra những
cái nhà hang đẽo vào sườn đồi. Người hướng dẫn giới thiệu đó là nơi
chúng tôi muốn tới - Đồi Hét, một ngôi làng bé tẹo chẳng có tên trên bất kỳ bản đồ nào - và bảo anh ta cũng mới lần đầu đến đây. Tôi thắc mắc về điều này và ngẫm nghĩ về cái tên kỳ lạ của ngôi làng.
Mấy người
dân làng tò mò bị tiếng rú của chiếc xe jeep kéo ra khỏi nhà. Vây quanh
chiếc xe, họ bắt đầu bình luận đủ kiểu và gọi chiếc xe là con ngựa uống
dầu; họ thắc mắc không biết cái đuôi đen đã biến đi đâu khi nó đã dừng
lại, và lũ trẻ con đứng quanh họ líu lo bàn tán xem làm cách nào để tìm
ra cái đuôi. Tôi muốn giải thích với chúng rằng cái đuôi là do cái ống
xả tạo thành, nhưng các cán bộ thôn đã tới đón và mời chúng tôi tới một
căn nhà hang đào được chọn làm trụ sở của cả làng.
Mở màn cuộc
gặp đầu tiên, hai bên chào hỏi như bình thường. Chúng tôi phải hết sức
chú ý lắng nghe để hiểu nhau vì sự khác biệt phương ngữ, vì vậy tôi
không thể quan sát xung quanh một cách kỹ càng. Chúng tôi được chiêu đãi tiệc tẩy trần: vài mẩu bánh mì trắng dẹt, một bát cháo bột mì trắng rất loãng và một đĩa trứng nhỏ chiên với ớt khô. Sau này tôi mới biết rằng
chính quyền địa phương đã bảo người hướng dẫn mang trứng theo nấu riêng
cho chúng tôi.
Sau khi ăn, chúng tôi được dẫn tới nơi nghỉ dưới
ánh sáng của ba ngọn nến. Hai nhà báo nam được dành cho một ngôi nhà
hang, bác sĩ ngủ cùng với một ông già, còn tôi ở chung trong căn nhà
hang với một cô gái trẻ. Tôi không nhìn rõ cái nhà hang đó lắm trong ánh nến, nhưng chiếc chăn bông có mùi nắng dễ chịu. Tôi lịch sự từ chối sự
giúp đỡ của những người dân đã đưa tôi tới đó và tự mở túi đồ của mình.
Tôi vừa định hỏi cô bé về xem mình có thể tắm rửa ở đâu thì nhận thấy là cô bé đã trèo lên kháng. Tôi nhớ ra rằng người hướng dẫn đã nói trên
đường tới đây, nước ở vùng này quý đến mức ngay cả hoàng đế cũng không
thể rửa mặt hay đánh răng hàng ngày.
Tôi cởi quần áo và trèo lên
chỗ trống trên kháng có vẻ như để dành cho tôi. Tôi muốn dành ít phút
trò chuyện, nhưng cô bé đã ngáy khe khẽ rồi. Dường như cô bé không có
chút cảm giác khác lạ nào khi có khách, vừa đặt mình xuống là ngủ ngay.
Tôi mệt rã rời, lại đã uống vài viên thuốc chống say xe, nên cũng nhanh
chóng thiếp đi mê man. Khả năng ngủ ở nơi xa lạ của tôi khiến các đồng
nghiệp ghen tị ghê gớm, họ bảo tôi có cơ thể của nhà báo bẩm sinh cũng
vì thế. Vừa kịp thích nghi với một chỗ mới họ đã phải chuyển tới một nơi khác, rồi lại bị mất ngủ ở đó. Với họ, mỗi chuyến đi viết bài xa là một cực hình.
Ánh sáng lọt vào nhà hang làm tôi thức giấc. Tôi dậy mặc đồ và đi ra ngoài thì thấy cô bé đã dậy nấu bữa sáng.
Trời đất vẫn còn tờ mờ. Mặt trời chưa lên, nhưng ánh sáng của nó đã đổ tràn
ra từ nơi xa tít bên kia bức tranh sơn dầu mênh mông này, chạm tới những hòn đá trên mấy ngọn đồi và mạ vàng lên thứ đất vốn đã có màu vàng sậm. Tôi chưa bao giờ ngắm nhìn một bình minh đẹp đến thế. Tôi trầm ngâm
nghĩ tới khả năng phát triển du lịch để giúp vùng đất này thoát khỏi đói nghèo. Cảnh mặt trời mọc huy hoàng trên cao nguyên hoàng thổ này là đối thủ cho thứ mà người ta phải trèo lên đỉnh Thái Sơn hay ra tận biển để
ngắm nhìn. Sau này khi tôi đề cập đến vấn đề đó với những người phải tới Đồi Hét thay thế chúng tôi, một cậu thiếu niên gạt bỏ ý kiến của tôi
như thể nó cực kỳ xuẩn ngốc: Đồi Hét thậm chí còn không đủ nước cho
những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân trong làng thì làm sao nó có
thể cung cấp cho hàng đoàn khách du lịch?
Khói ngạt bốc lên từ
bếp lửa của cô bé kéo tôi thoát ra khỏi dòng suy tư. Phân bò khô cô bé
dùng để đốt bếp tỏa ra một mùi hăng sè. Lửa cháy giữa mấy hòn đá lớn
chụm vào với nhau, cô bé đặt bên trên một cái nồi và một miếng đá phẳng
dẹt. Cô làm món cháo bột mì loãng trong nồi và nướng bánh mì dẹt thô sần trên miếng đá. Tên cô bé là Nữu Nhi (gái). Cô bé bảo tôi rằng phân gia
súc là chất đốt duy nhất dùng để sưởi suốt mùa đông. Thỉnh thoảng, khi
có đám ma hay đám cưới, khi gia đình hoặc bạn bè tới thăm, họ sẽ dùng
phân gia súc để nấu nướng nhằm thể hiện một cách trịnh trọng tình bằng
hữu. Chất đốt để nấu nướng hàng ngày của họ là rễ cỏ tranh (thứ cỏ tìm
thấy ở những miền địa hình cực kỳ khô cằn có bộ rễ lớn và vài chiếc lá
chóng tàn), họ dùng để đun nóng một tẹo nước nóng cho món cháo. Miếng
bánh mì dẹt, mô, mỗi năm chỉ nướng có một lần trên những miếng đá nóng
giãy trên đỉnh đồi vào mùa hè. Sau đó nó được cất trữ dưới lòng đất, khô và cứng đến mức có thể giữ ở đó gần một năm. Tôi được mời món mô là đã
vinh hạnh lắm. Chỉ có cánh đàn ông làm việc đồng áng là có quyền được ăn món đó. Phụ nữ và trẻ em sống nhờ món cháo bột mì loãng - những năm
tháng phải vật lộn đã khiến họ quen với cái đói. Nữu Nhi nói rằng vinh
dự lớn nhất và cũng là sự đối đãi tử tế nhất trong cuộc đời một người
đàn bà là được ăn một bát trứng hòa với nước khi sinh con trai. Vào giai đoạn sau của chuyến đi này tôi nhớ lại chuyện đó khi nghe thấy những
người đàn bà trong làng lời qua tiếng lại với nhau: “Còn mi đã được ăn
bao nhiêu bát trứng nước rồi hả?”
Sau bữa sáng đặc biệt với cháo
loãng và mô trong ngày đầu tiên, nhóm chúng tôi đi làm việc. Tôi giải
thích với những người đứng đầu thôn rằng tôi muốn viết phóng sự về những người phụ nữ ở Đồi Hét. Những người này, thậm chí không viết nổi tên
mình nhưng lại xem mình như những người có văn hóa, lắc đầu, sửng sốt.
“Đàn bà thì có gì để mà viết?”
Tôi vẫn kiên trì đeo đuổi, vì vậy
cuối cùng họ cũng phải xiêu lòng. Với họ, tôi cũng chỉ là một người đàn
bà chẳng hiểu biết gì, chỉ đơn thuần đi theo đám đàn ông, cố gắng gây ấn tượng bằng sự mới lạ. Thái độ của họ không khiến tôi bực mình. Kinh
nghiệm nhiều năm làm báo đã dạy tôi rằng tiếp cận với nguồn thông tin
quan trọng hơn chuyện người khác đánh giá mình thế nào.
Lần đầu
nghe thấy cái tên “Đồi Hét” tôi đã cảm thấy một niềm phấn khích không
tên và linh cảm rằng chuyến đi của tôi là tiền định. Cái tên gợi nghĩ
tới một nơi ồn ào, rộn ràng bùng nổ sự sống, hoàn toàn trái ngược với
thực tế. Ngọn đồi Hoàng Thổ đứng giữa khung cảnh chỉ có đất, cát và đá
trơ trụi, không có một dấu hiệu nào của cuộc sống có nước chảy hay cây
trồng. Con bọ cánh cứng nhỏ xíu hiếm hoi vụt qua hối hả như đang chạy
trốn khỏi vùng đất cằn cỗi.
Đồi Hét nằm ở lưng chừng vùng đất sa
mạc đang xâm lấn cao nguyên Hoàng Thổ này. Quanh năm, gió thổi không
ngừng, như nó vẫn thổi cả nghìn năm nay. Trong bão cát thường khó mà
nhận ra nổi cái gì cách mình vài bước, và những người làm lụng trên đồi
phải hét lên mới nói chuyện được với nhau. Vì lý do đó, người dân ở Đồi
Hét nổi tiếng có giọng to và vang dội; không ai có thể khẳng định rằng
có phải đó là lý do Đồi Hét mang cái tên như vậy hay không, nhưng với
tôi nó cũng khá giống một lý do. Đồi Hét là một nơi hoàn toàn tách biệt
với thế giới hiện đại: có chừng mười đến hai mươi gia đình với bốn dòng
họ sống trong một khu định cư dạng hang nhỏ, thấp. Phụ nữ chỉ được đánh
giá bởi tính hữu dụng: như những cái máy đẻ, họ là thứ đồ quý giá nhất
để trao đổi trong cuộc sống của dân làng. Những người đàn ông chẳng ngần ngại đổi hai hay ba đứa con gái lấy một người vợ ở làng khác. Gả một
người phụ nữ trong nhà cho người làng khác để đổi lấy một người vợ về
cho một người đàn ông trong nhà mình là tục lệ phổ biến nhất, vì thế hầu hết những người phụ nữ ở Đồi Hét là người ngoài làng. Sau khi trở thành mẹ, tới lượt họ bị bắt phải từ bỏ những đứa con gái của mình. Phụ nữ ở
Đồi Hét không có quyền sở hữu hay thừa kế tài sản.
Tục lệ bất
bình thường là một người phụ nữ làm vợ chung của vài người chồng cũng
xuất hiện ở Đồi Hét. Phần lớn các trường hợp này là do các anh em trai ở những gia đình cùng đinh không có em gái để trao đổi lấy một người vợ
sinh con nối dõi. Ban ngày họ được ăn cơm người phụ nữ đó nấu và hưởng
lợi từ những công việc nhà người phụ nữ đó làm, ban đêm họ thay nhau
hưởng thụ thân xác người phụ nữ đó. Nếu người phụ nữ đó sinh con, chính
cô ta có lẽ cũng không biết ai là cha đứa bé. Với đứa bé, các anh em
trai sẽ lần lượt là Bố Cả, Bố Hai, Bố Ba, Bố Tư, cứ thế. Dân làng không
coi tục lệ này là phạm pháp vì đó là một tập tục được thiết lập từ thời
ông cha họ, phép vua thua lệ làng. Họ cũng không giễu cợt những đứa bé
có nhiều cha bởi chúng sẽ được vài người đàn ông che chở và cho thừa kế
tài sản. Không ai trong số họ thấy động lòng trước những người vợ chung
đó; với họ sự tồn tại của phụ nữ chỉ được đánh giá bởi sự hữu dụng mà
thôi.
Bất kể xuất thân từ làng nào, những người phụ nữ đó cũng
hòa nhập rất nhanh vào tập tục đã được truyền lại từ đời này qua đời
khác ở Đồi Hét. Họ phải trải qua cuộc sống cực kỳ gian khổ. Trong ngôi
nhà hang một gian của họ, chiếc kháng đã chiếm mất một nửa, đồ dùng gia
đình chỉ gồm vài miếng đá, chiếc chiếu cỏ và những cái bát đất sét chưa
nung; một chiếc vò đất nung được xem là vật dụng xa xỉ của nhà giàu. Đồ
chơi của trẻ con hay bất kỳ đồ dùng gia đình nào khác dành riêng cho phụ nữ là thứ không tưởng trong xã hội của họ. Vì những người vợ được mua
bằng cách trao đổi những người phụ nữ cùng huyết thống, nên họ còn phải
chịu đựng sự oán giận của các thành viên gia đình vì nhớ con gái hay chị em gái và phải làm việc cả ngày lẫn đêm để có thức ăn, nước uống cũng
như thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu hàng ngày khác cho cả gia đình
chồng.
Chính họ là những người đón chào bình minh ở Đồi Hét: họ
phải cho gia súc gia cầm ăn, quét sân và lau chùi, sửa chữa những dụng
cụ cùn mẻ, han gỉ cho các ông chồng. Sau khi tiễn các ông chồng đi ra
đồng, họ phải đi lấy nước từ một con suối không chắc có nước hay không ở tít bên sườn một ngọn núi cách đó hai giờ đi bộ, gánh trên vai hai cái
thùng nặng trĩu. Vào mùa cỏ tranh, những người phụ nữ đó còn phải leo
lên đồi nhổ rễ cỏ dùng để đun nấu. Vào buổi chiều, họ còn phải mang cơm
cho cánh đàn ông; khi về họ lại xe sợi, dệt vải, và khâu quần áo, giày,
mũ cho cả nhà. Suốt cả ngày đi đâu họ cũng phải cõng hoặc bế những đứa
trẻ theo.
Ở Đồi Hét, từ dùng là để chỉ việc đàn ông muốn ngủ với
một người đàn bà. Khi trời nhá nhem cánh đàn ông về nhà và muốn dùng các bà vợ. Họ thường sốt ruột quát tháo các bà vợ: “Làm gì mà chậm như rùa
thế? Đang leo lên kháng hay làm gì thế hả?” Sau khi bị dùng, phụ nữ lại
đi dọn dẹp và chăm sóc lũ trẻ còn đàn ông thì nằm đó ngáy khò khò. Chỉ
khi đêm xuống phụ nữ mới được nghỉ ngơi. Vì lúc đó chẳng còn ánh sáng mà làm nữa. Khi tôi cố thử nếm trải một chút cuộc sống của những người phụ nữ này bằng cách tham gia vào việc nhà hàng ngày của họ một lúc, tôi
thấy niềm tin vào giá trị của cuộc sống bị rung động nghiêm trọng.
Ngày duy nhất mà người đàn bà ở Đồi Hét có thể ngẩng cao đầu là ngày sinh
con trai. Ướt sũng mồ hôi sau cơn đau sinh nở, cô ta được nghe những lời khiến cô ta hãnh diện và thỏa nguyện: “Đẻ được thằng cu rồi!” Đó là lời công nhận cao nhất về thành công mà cô ta nhận được từ chồng, và phần
thưởng vật chất là một bát trứng trộn với đường và nước nóng. Người ta
không định kiến với người phụ nữ sinh con gái, nhưng cô ta sẽ không được hưởng sự đối đãi đó. Đồi Hét có một cấu trúc xã hội độc nhất vô nhị,
nhưng nó không khác những vùng miền khác của Trung Quốc, cả quan điểm
trọng nam khinh nữ.
Trong những ngày đầu tiên ở Đồi Hét, tôi tự
hỏi tại sao hầu hết lũ trẻ chơi bên cạnh hoặc giúp đỡ những người phụ nữ khi họ bận bịu xung quanh các ngôi nhà hang đều là con trai và nghĩ
rằng đây có thể là một ngôi làng nữa có tục lệ giết trẻ sơ sinh là con
gái. Sau này tôi mới biết đó là vì thiếu quần áo. Khi một gia đình có
thêm quần áo mới, khoảng ba đến năm năm một lần, họ mặc cho con trai
trước, thường để cho mấy chị em gái chia nhau một bộ quần áo mặc ngoài,
cả mấy chị em mặc chung một bộ. Các chị em gái sẽ ngồi trên chiếc kháng
được bọc bằng một tấm trải lớn và thay phiên nhau mặc bộ quần áo đó để
đi ra ngoài giúp mẹ.
Một nhà nọ có tám đứa con gái mà chỉ có mỗi
một cái quần dài, vá chằng vá đụp đến mức không còn nhận ra vải ban đầu
của nó nữa. Bà mẹ đang mang thai đứa thứ chín, nhưng tôi có thể thấy là
chiếc kháng của nhà họ không hề to hơn của những nhà có ba hay bốn đứa
chút nào. Tám đứa con gái ngồi sít vào nhau trên chiếc kháng mà khâu
giày, tạo thành một nhóm lao động nghiêm ngặt, giống như một dòng người
trong một xưởng làm việc nhỏ. Chúng vừa làm vừa trò chuyện và cười đùa.
Mỗi khi tôi nói chuyện với chúng, chúng lại nói về những điều chúng nhìn thấy và nghe thấy trong những ngày mặc quần áo. Mỗi đứa con gái đếm
từng ngày một chờ tới lượt mình được mặc quần áo. Chúng kháo nhau rất
vui vẻ về chuyện gia đình nào đang có đám hiếu, đám hỉ hoặc mới sinh con trai hay con gái, người đàn ông nào đánh vợ, hay ai đã nói xấu ai.
Chúng nói nhiều nhất về những người đàn ông trong làng; ngay cả dấu vết
một đứa bé trai đi tè trên đất cũng là chuyện bàn luận và cười đùa của
chúng. Tuy nhiên, suốt hai tuần ở với chúng, tôi hầu như không nghe thấy chúng nhắc đến chuyện đàn bà con gái bao giờ. Khi tôi kín đáo lái câu
chuyện quanh những chủ đề như đầu tóc, quần áo, vóc dáng, trang điểm hay những vấn đề khác mà phụ nữ ở thế giới bên ngoài quan tâm, đám con gái
thường sẽ không hiểu tôi đang nói về cái gì. Cách mà phụ nữ ở Đồi Hét
đang sống là cách sống duy nhất họ có thể tưởng tượng ra được. Tôi không dám nói với họ về thế giới bên ngoài kia, hoặc cách sống của những
người phụ nữ ở đó, vì tôi biết rằng sống mà biết rõ về những điều họ
biết là mình không bao giờ có thể có được thì sẽ đau đớn hơn rất nhiều
so với cứ sống như họ vẫn sống lúc này.
Tôi nhận thấy một hiện
tượng kỳ lạ ở những người phụ nữ Đồi Hét: khi họ bước vào tuổi dậy thì
hoặc tầm đó, dáng đi của họ đột nhiên trở nên rất lạ. Họ bắt đầu đi hai
chân chạng ra, lắc lư thành hình vòng cung theo mỗi bước đi. Song không
hề có dấu hiệu nào của xu hướng này ở những đứa bé gái. Vài ngày đầu tôi cứ thắc mắc trước điều khó hiểu này, nhưng không muốn dò hỏi quá sâu.
Tôi hy vọng sẽ tìm được câu trả lời theo cách riêng của mình.
Tôi có thói quen phác họa phong cảnh tôi cho là đặc trưng cho mỗi nơi mà
tôi tới viết phóng sự. Không có màu sắc nào cần thiết để mô tả Đồi Hét,
một vài đường nét là đủ để nói lên những đặc điểm bản chất nhất của nó
rồi. Trong khi đang phác họa, tôi nhận thấy có mấy đống đá mà tôi không
nhớ nổi đã nhìn thấy bao giờ chưa. Hầu hết chúng đều ở những nơi hẻo
lánh. Xem xét gần hơn, tôi thấy những chiếc lá màu đỏ ngả đen dưới chân
những đống đá đó. Chỉ có cỏ tranh mới mọc được ở Đồi Hét; vậy thì những
chiếc lá này từ đâu ra?
Tôi xem xét những chiếc lá đó rất cẩn
thận: chúng hầu hết đều dài chừng mười phân, rộng chừng năm phân. Rõ
ràng là chúng đã bị cắt thành kích cỡ đó và hình như đã bị đập dập rồi
vò bằng tay. Vài chiếc lá dày hơn những chiếc khác một chút và sờ vào
thì thấy hơi ẩm ẩm, có mùi tanh như cá. Những chiếc khác thì khô quắt do bị đá đè lên và mặt trời thiêu đốt; những chiếc này không giòn mà rất
dai, chúng cũng bốc một mùi mằn mặn nồng nồng. Tôi chưa từng thấy cái lá nào như thế bao giờ. Tôi thắc mắc chúng được dùng vào mục đích gì và
quyết định hỏi người trong làng.
Cánh đàn ông nói, “Những thứ đồ
đàn bà!” Và không chịu nói thêm gì nữa. Lũ trẻ thì lắc đầu bối rối, bảo: “Cháu chẳng biết đó là thứ gì, cha mẹ bảo không được đụng vào”. Những
người phụ nữ chỉ cúi đầu im lặng.
Khi Nữu Nhi nhận thấy tôi cứ
thắc mắc trước câu hỏi về những chiếc lá, cô bé bảo: “Tốt nhất là cô nên đến hỏi bà cháu, bà sẽ nói cho cô biết.”
Bà Nữu Nhi không già
lắm, nhưng do lấy chồng và sinh nở sớm nên bà được xếp vào bậc cao niên
trong làng. Bà cô bé chậm rãi giải thích cho tôi rằng những chiếc lá đó
được phụ nữ dùng trong chu kỳ hàng tháng của mình. Khi một cô gái ở Đồi
Hét bắt đầu thấy kinh, hoặc một người phụ nữ nào mới lấy chồng về ở Đồi
Hét, cô ta sẽ được mẹ mình hoặc một người phụ nữ khác lớn tuổi hơn tặng
mười chiếc lá đó. Những chiếc lá đó được bứt từ những cái cây ở rất xa.
Những người phụ nữ lớn tuổi hơn sẽ dạy các cô con gái cách sử dụng những chiếc lá đó. Đầu tiên, mỗi chiếc lá phải được cắt theo đúng kích cỡ, để có thể lót bên trong quần dài. Rồi người ta dùng dùi châm những lỗ nhỏ
vào chiếc lá để làm cho chúng thấm hút tốt hơn. Những chiếc lá này khá
dẻo và thớ lá rất dày nên chúng sẽ dày và phồng lên khi thấm máu. Ở một
vùng mà nước quý hiếm đến thế, người ta không còn cách nào khác là phải
vắt và phơi khô những chiếc lá sau mỗi lần sử dụng. Mỗi người phụ nữ sẽ
dùng mười chiếc lá đó hàng tháng, kể cả sau khi sinh con. Những chiếc lá đó sẽ là những thứ duy nhất được chôn theo cô ta.
Tôi đổi mấy
chiếc băng vệ sinh tôi mang theo lấy một chiếc lá từ bà Nữu Nhi. Mắt tôi rơm rớm khi chạm tay vào nó: làm sao chiếc lá thô ráp, sờ vào còn thấy
cứng thế này lại có thể đưa vào nơi nhạy cảm nhất của phụ nữ như thế?
Chỉ từ đó tôi mới hiểu ra tại sao phụ nữ ở Đồi Hét lại đi chạng hai chân ra như vậy: đùi họ bị những chiếc lá này liên tục cọ vào trầy trụa và
thành sẹo.
Còn một lý do khác nữa tạo nên dáng đi kỳ lạ đó ở những người phụ nữ Đồi Hét, lý do này còn khiến tôi thấy sốc hơn.
Trong chữ Trung Quốc, từ “tử cung” được ghép bởi hai chữ “tử” (con) và “cung” (cung điện). Hầu hết mọi phụ nữ đều biết rằng tử cung là một trong
những cơ quan chủ chốt của mình. Nhưng phụ nữ ở Đồi Hét thì thậm chí còn không biết tử cung là gì.
Ông bác sĩ đi cùng chúng tôi kể với
tôi là có một người dân trong làng đã nhờ ông tới khám cho vợ anh ta vì
cô ta đã có mang nhiều lần nhưng chưa bao giờ giữ được đứa bé cho đến
hết thai kỳ. Được sự cho phép đặc biệt của anh chàng người làng đó, bác
sĩ đã khám cho người phụ nữ và chết lặng cả người khi phát hiện cô ta bị sa tử cung. Sự chà xát và viêm nhiễm nhiều năm đã khiến cho phần tử
cung bị lòi ra ngoài biến thành lớp sừng, thô ráp như là lớp chai vậy.
Người bác sĩ hoàn toàn không tưởng tượng nổi nguyên nhân do đâu. Sửng
sốt trước phản ứng của vị bác sĩ, người phụ nữ nọ phản đối, bảo ông rằng tất cả phụ nữ ở Đồi Hét đều như vậy. Ông bác sĩ nhờ tôi giúp ông ta xác định xem điều này có đúng không; vài ngày sau tôi xác nhận với ông điều người phụ nữ đó nói là thật sau khi đã bí mật quan sát những người phụ
nữ trong làng khi họ đi vệ sinh. Tử cung bị sa là một lý do khiến phụ nữ ở đây đi chạng chân.
Ở Đồi Hét, chiều hướng của tự nhiên là
không cưỡng lại được, và gia đình cũng hình thành một quan niệm tương tự như vậy. Phụ nữ bị đối xử như những cái máy đẻ, và cứ đẻ tằng tằng mỗi
năm một đứa hoặc hai năm ba đứa. Không có gì bảo đảm là tất cả những đứa trẻ này đều sống sót. Theo những gì tôi biết, sự hạn chế duy nhất đối
với những gia đình không ngừng tăng lên này là do trẻ con chết non, hoặc sảy thai vì kiệt quệ.
Tôi đã thấy nhiều phụ nữ có thai ở Đồi
Hét, nhưng không hề có cảm giác háo hức chờ mong đứa trẻ ở họ hay những
người đàn ông. Thậm chí trong khi đang mang bầu nặng nhọc như thế họ vẫn phải làm việc như trước và vẫn bị dùng bởi các ông chồng của họ, những
kẻ biện minh rằng “chỉ có những đứa trẻ không bị nghiền nát mới đủ mạnh
mẽ”. Tôi kinh hoàng trước tất cả những chuyện này, đặc biệt là khi nghĩ
về chuyện những người vợ chung vẫn bị dùng bởi vài người đàn ông trong
suốt thai kỳ của họ. Những đứa trẻ được sinh ra thực sự là rất khỏe,
quan niệm khôn sống mống chết là một sự thực ngẫu nhiên ở Đồi Hét này.
Thứ chủ nghĩa thực dụng tàn bạo này dẫn tới tình trạng sa tử cung nghiêm trọng ở những người phụ nữ chẳng biết sợ và không bao giờ biết nghĩ đến bản thân ở ngôi làng này.
Tối hôm sau, khi xác minh được rằng
hiện tượng sa tử cung là hiện tượng phổ biến ở Đồi Hét, tôi nằm rất lâu
mà không tài nào chợp mắt. Tôi nằm trên chiếc kháng bằng đất khóc cho
những người phụ nữ đó, những người cùng thế hệ và cùng thời đại với tôi. Việc những người phụ nữ ở Đồi Hét không có một khái niệm nào về xã hội
hiện đại, chưa nói gì đến một ý thức nào về quyền phụ nữ, là một niềm an ủi nho nhỏ; hạnh phúc của họ nằm ở sự dốt nát, những tập tục và sự thỏa mãn với niềm tin rằng tất cả phụ nữ trên đời này đều sống như họ. Nói
với họ về thế giới bên ngoài sẽ giống như là lột đi lớp chai sần trên
một bàn tay méo mó vì lao động rồi để gai châm vào lớp thịt dễ thương
tổn.
Vào cái ngày tôi rời khỏi Đồi Hét, tôi nhận thấy rằng những
chiếc băng vệ sinh tôi đã đưa cho bà của Nữu Nhi như một món quà lưu
niệm đang được giắt ở dây lưng quần của các con trai bà; chúng được dùng làm khăn lau mồ hôi hoặc lót bảo vệ cho bàn tay của họ.
Trước
chuyến đi tới Đồi Hét, tôi đã tưởng rằng mọi phụ nữ của tất cả các dân
tộc ở Trung Quốc được thống nhất với nhau, mỗi nhóm phát triển theo một
cách khác nhau, nhưng về cơ bản thì vẫn nhịp bước cùng thời đại. Tuy
nhiên, suốt hai tuần ở Đồi Hét tôi đã nhìn thấy những người mẹ, những
người con gái, những người vợ hình như đã bị bỏ lại phía sau ngay từ
buổi đầu của lịch sử, sống một cuộc sống nguyên thủy giữa một thế giới
hiện đại. Tôi thấy lo lắng cho họ. Liệu có lúc nào họ bắt kịp được
không? Người ta không thể đi tới tận cùng của lịch sử bằng một bước đi
duy nhất và lịch sử sẽ không chờ đợi họ. Tuy nhiên, khi tôi trở lại văn
phòng và nhìn lại những chuyến đi như của chúng tôi khiến cho những cộng đồng còn ẩn khuất được những cộng đồng còn lại trên đất nước này chú ý
tới, tôi cảm thấy như thể mình đang ở điểm khởi đầu của một chuyện gì
đó. Sự khởi đầu này chứa chất hy vọng của tôi. Có lẽ có một cách nào đó
để giúp đỡ những người phụ nữ ở Đồi Hét tiến lên nhanh hơn một chút...
Lý Đại nghe tôi kể về những người phụ nữ ở Đồi Hét và hỏi, “Họ có hạnh phúc không?”
Mạnh Tinh kêu lên, “Ô hay! Làm sao họ có thể hạnh phúc nổi chứ?''
Tôi nói với Mạnh Tinh rằng trong số hàng trăm phụ nữ Trung Quốc tôi đã nói
chuyện trong gần mười năm làm phát thanh và làm báo, phụ nữ ở Đồi Hét là những người duy nhất bảo tôi rằng họ hạnh phúc.