Tôi đã bắt đầu tìm kiếm những câu chuyện của những người phụ nữ Trung Quốc
với bầu nhiệt huyết căng tràn của tuổi trẻ nhưng lại hiểu biết rất ít.
Giờ khi tôi đã biết nhiều hơn, tôi đã có một sự thấu hiểu chín chắn hơn - nhưng tôi lại cảm thấy đau đớn hơn. Thỉnh thoảng tôi lại chợt thấy mình tê liệt do tất cả những nỗi khốn khổ mà tôi đã chứng kiến, như thể một
cục chai đã hình thành trong tôi. Rồi tôi nghe thấy một câu chuyện khác
và cảm xúc của tôi lại một lần nữa bị khuấy trộn lên.
Dù đời sống nội tâm của tôi không được bình lặng nhưng xét về sự nghiệp tôi lại
ngày càng thành công. Tôi được đề bạt làm Giám Đốc Kế Hoạch Và Phát
Triển Chương Trình, điều đó có nghĩa là tôi chịu trách nhiệm xây dựng
chiến lược trong tương lai cho cả đài phát thanh. Cùng với tiếng tăm và
ảnh hưởng ngày một lớn, tôi có thể gặp gỡ những người phụ nữ mà bình
thường tôi không thể tiếp cận: Vợ các lãnh đạo Đảng, những người phụ nữ
trong quân đội, trong các cơ quan tôn giáo hay trong tù. Một cuộc gặp gỡ như thế đã xảy ra bởi một lần tình cờ gặp mặt ở lễ trao giải thưởng của Sở Công An. Tôi vừa hoàn thành một số công việc tổ chức các hoạt động
giáo dục cộng đồng cho Sở Công An và kết quả là tôi được tặng danh hiệu
“Bông Hoa Của Lực Lượng Cảnh Sát”. Giải thưởng không có gì ghê gớm lắm,
nhưng tôi là người phụ nữ duy nhất trong tỉnh được vinh danh như vậy, và điều đó tỏ ra cực kỳ hữu ích cho nỗ lực của tôi nhằm tiếp cận với phụ
nữ nhiều hơn nữa.
Người Trung Quốc tận dụng bất kỳ cớ gì để tổ
chức tiệc tùng: chúng tôi sống theo nguyên tắc dĩ thực vi thiên, và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Dù chỉ có bốn người được nhận giải,
nhưng có tới bốn trăm khách tại bữa tiệc. Rất ít phụ nữ trong ngành cảnh sát được vinh danh hay nhận giải thưởng, đừng nói gì đến những người
bên ngoài Sở Công An, vì thế tôi trở thành chủ đề cho rất nhiều cuộc
thảo luận tối đó. Tôi ghét cảnh chen chúc và những câu hỏi bất tận, nên
đã lẻn vào hành lang phục vụ để trốn. Khi những người bồi bàn đang bận
tíu tít trong hành lang nhìn thấy tôi, họ kêu lên, “Tránh ra nào, đi đi, đừng cản đường!”
Tôi né người nép vào tường. Sự bất tiện ở nơi
này có vẻ còn dễ chịu hơn sự chăm chút kỹ lưỡng của những vị khách ngoài kia. Vài phút sau, cảnh sát trưởng Mai đi vào cảm ơn những người phục
vụ và ngạc nhiên khi thấy tôi. Ông hỏi tôi nghĩ mình đang làm gì vậy.
Tôi đã biết cảnh sát trưởng Mai được một thời gian và tin tưởng ông nên tôi nói thật. Ông cười khùng khục và bảo, “Cô không cần phải trốn trong cái nơi kinh khủng, chật hẹp này. Nào, tôi sẽ đưa cô tới một chỗ tử tế
hơn.” Ông dẫn tôi đi.
Đại sảnh tổ chức bữa tiệc, rất nổi tiếng ở
thành phố này, có những phòng khách và phòng họp riêng sát vách mà tôi
không biết. Cảnh sát trưởng Mai đưa tôi vào một trong những căn phòng
đó, bảo tôi rằng nơi này có cách bố trí giống với Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, được thiết kế để tiện cho các lãnh đạo nòng cốt của trung
ương khi họ tới thanh tra thành phố. Tôi cảm thấy hơi bị ngợp khi được
đưa vào nơi bất khả xâm phạm ở bên trong này, đồng thời cũng sợ những
người khác đặt điều ác ý cho chúng tôi vì ở riêng cùng nhau.
Nhận ra sự ngần ngại của tôi, ông Mai bảo, “Cô không cần lo lắng về tin đồn. Có lính gác bên ngoài rồi. À, tôi mệt quá...” Ông ta ngáp và đổ xuống
ghế sofa.
Viên cảnh sát gác bên ngoài gõ cửa hỏi khẽ, “Sở Trưởng, ông có cần gì không ạ?”
“Thế này đủ rồi,” ông Mai đáp bằng giọng gọn ghẽ, lạnh lùng. Đó là cách mọi
quan chức cấp trên nói với cấp dưới của mình ở Trung Quốc; nó khiến tôi
nghĩ điều này đã làm nảy sinh quan niệm cao thấp giữa những người Trung
Quốc như thế nào.
Cảnh sát trưởng Mai dùng hai tay bóp đầu khi
nằm dài trên ghế sofa. “Hân Nhiên, tôi vừa đi công tác ở Hồ Nam về, ở đó tôi có gặp vài tù nhân. Tôi nghe nói có một người nữ tù quan tâm tới
cô. Cô ta đã bị bắt rồi được thả ra vài lần vì tội mãi dâm và ăn ở bất
hợp pháp với đàn ông. Hình như hoàn cảnh gia đình cô ta khá thảm. Nếu cô muốn phỏng vấn cô ta, tôi có thể sắp xếp mọi việc và cho xe đưa cô đi.”
Tôi gật đầu và cảm ơn ông. Ông lắc đầu vẻ mệt mỏi, nói: “Phụ nữ Trung Quốc
thực sự đã phải chịu khổ sở. Tôi đã nghe chương trình của cô vài lần. Nó thật buồn, rất xúc động. Có bao nhiêu phần hạnh phúc trong cuộc đời của một người phụ nữ đã sống qua thập kỷ gần đây? Vợ tôi bảo phụ nữ dành nụ cười cho người khác song lại giữ nỗi đau cho riêng mình. Bà ấy thích
chương trình của cô lắm, nhưng tôi không muốn bà ấy nghe nhiều quá; bà
ấy tình cảm lắm, một câu chuyện có thể dày vò bà ấy suốt mấy ngày liền.” Ông ngừng lại. “Tôi không muốn bà ấy ra đi trước tôi, tôi không thể
chịu được điều đó.”
Cảnh sát trưởng Mai là một người đàn ông to
lớn, rắn rỏi gốc Sơn Đông. Tôi biết ông đã nhiều năm nay, nhưng chẳng
khi nào nghĩ rằng ông lại nhạy cảm đến thế. Đàn ông Trung Quốc lớn lên
với niềm tin rằng họ nên yêu cầu sự tôn trọng, và nhiều người không muốn để người khác thấy sự mềm yếu của mình. Lần đầu tiên trong thời gian
quen biết nhau, buổi trò chuyện của chúng tôi hôm tối đó không bàn về
công việc mà về đàn ông, phụ nữ và các mối quan hệ giữa họ.
Hai
tuần sau, một chiếc xe jeep của Sở Công An đưa tôi tới một nhà tù nữ ở
vùng núi tỉnh Hồ Nam. Quần thể kiến trúc này trông không khác gì các nhà tù khác: hàng rào điện, lính gác và đèn pha rọi liên tục lên các bức
tường xám xịt tạo ra một không khí sợ hãi và căng thẳng. Cánh cổng chính - vốn chỉ có xe ô tô của những người có quyền lực mới được đi qua -
đóng im ỉm; chúng tôi vào qua lối cửa phụ.
Nhìn lên tòa nhà đồ
sộ, qua kích cỡ và hình thù của các khung cửa sổ, tôi có thể đoán được
thứ gì phía sau. Đằng sau các khung cửa sổ rộng, cao, bị vỡ, những cái
bóng xám đi tới đi lui trong tiếng máy móc nghe như sấm rền. Tù nhân
thường làm việc trong thời gian thụ án: sửa ô tô, xe tải hay các thiết
bị máy móc, hoặc may quần áo và dệt vải. Một số bị phân những việc nặng
như khai thác đá hay làm trong hầm mỏ. Qua những khung cửa sổ cỡ vừa,
người ta có thể nhìn thấy những bộ đồng phục, trang thiết bị và những
mảng màu sắc; đây là các văn phòng và phòng học tập chính trị. Những
chiếc cửa sổ bé nhất trên cùng của tòa nhà thuộc về khu phòng ngủ tập
thể của phạm nhân và căng tin.
Tòa nhà chính tạo thành hình móng
ngựa quanh tòa nhà nhỏ hơn được sử dụng làm khu nhà nghỉ của cán bộ trại giam và các phòng điều hành. Có hai điều ở nhà giam nữ tỉnh Hồ Nam này
khiến tôi có cảm giác khác so với các nhà tù khác là: thứ nhất, tường
nhà giam bám đầy rêu và địa y xanh thẫm bởi khí hậu ở phía Tây tỉnh Hồ
Nam rất ẩm ướt; thứ hai, cảm giác kỳ lạ khi thấy các công an nữ quát
tháo nữ tù nhân. Cuộc sống, tình yêu, sự đau khổ và niềm vui của những
người phụ nữ trong bộ cảnh phục không thể khác biệt quá mức so với những người phụ nữ trong bộ áo tù nhân đến thế.
Lá thư giới thiệu của
cảnh sát trưởng Mai có tác dụng như một chỉ dụ quyền uy; sau khi đọc
xong, người quản lý trại giam bố trí ngay cho tôi một phòng phỏng vấn
riêng tư để tôi gặp riêng Hoa Nhi, người tù mà ông Mai đã giới thiệu.
Hoa Nhi là một người đàn bà mảnh dẻ tầm tuổi tôi. Cô ta cứ ngọ ngoạy liên
tục dưới bộ quần áo tù như thể đang đấu tranh với thân phận không chút
quyền lực của mình. Dù tóc của cô đã bị cắt bởi bàn tay không chuyên nào đó và trông lởm chởm chẳng ra lề lối gì cả, song nó lại khiến tôi nhớ
tới những kiểu tóc kỳ lạ mà các hiệu cắt tóc đang tạo ra. Cô ta xinh
đẹp, nhưng vẻ mặt kín bưng, khó đăm đăm của cô thì giống như vết rạn
trên một mảnh sứ tạo tác tinh vi.
Tôi không hỏi chi tiết về tội
trạng của cô ta, hay tại sao cô ta vi phạm luật cấm sống như vợ chồng
ngoài giá thú hết lần này đến lần khác, mà chỉ hỏi xem cô ta có thể nói
về gia đình mình không.
“Cô là ai?” cô ta vặn lại. “Cô có gì đặc biệt mà tôi phải kể?”
“Vì cô cũng giống như tôi, chúng ta đều là phụ nữ, và chúng ta cùng trải
qua những thời kỳ như nhau,” tôi đáp chậm rãi và rành rọt, nhìn thẳng
vào mắt cô ta.
Nghe vậy Hoa Nhi im lặng giây lát.
Rồi cô
ta hỏi bằng một giọng giễu cợt, “Nếu vậy, cô có nghĩ rằng cô sẽ chịu
đựng nổi nếu tôi kể cho cô nghe chuyện của tôi không?”
Đến lượt
tôi không nói được gì. Câu hỏi của cô ta thật tháu cáy: thực ra liệu tôi chịu đựng được không? Lẽ nào tôi không còn phải gắng sức quên đi những
ký ức đau buồn của chính mình?
Hoa Nhi nhận thấy cô ta đã đánh
trúng đích. Cô ta tự mãn bảo người giám tù mở cửa để mình trở lại phòng
giam. Người giám tù ném cho tôi một cái nhìn dò hỏi và tôi gật đầu không suy nghĩ. Khi loạng choạng trở về khu văn phòng cán bộ nơi tôi ngủ tối
hôm đó, tôi đắm mình vào những ký ức. Dù cố gắng đến mấy tôi cũng chưa
bao giờ ra khỏi cơn ác mộng thời thơ ấu.
Tôi sinh năm 1958, ở Bắc Kinh, khi Trung Quốc trong thời kỳ nghèo nhất, khẩu phần ăn một ngày
chỉ có một ít đậu nành. Trong khi những đứa trẻ khác trạc tuổi tôi phải
chịu lạnh chịu đói thì tôi được ăn sôcôla ngoại trong nhà bà ngoại tôi ở Bắc Kinh, trên sân có trồng hoa và ríu rít tiếng chim. Nhưng Trung Quốc chuẩn bị san bằng sự khác biệt giàu nghèo theo đường lối chính trị độc
nhất vô nhị của nó. Những đứa trẻ từng phải vật lộn với nghèo đói và
túng thiếu được dịp hắt hủi và làm nhục tôi; sự giàu có về vật chất tôi
từng được hưởng nhanh chóng trở nên bất đối trọng với những dày vò về
mặt tinh thần. Kể từ đó tôi hiểu ra rằng cuộc sống có nhiều điều còn
quan trọng hơn cả sôcôla.
Khi tôi còn nhỏ, ngày nào bà cũng chải
đầu và tết tóc cho tôi sao cho bím tóc phải thẳng thớm và đều đặn, rồi
bà thắt dải lụa thành hình nơ bướm ở đuôi mỗi bím tóc. Tôi thích những
bím tóc của mình lắm và cứ ngúng nguẩy cái đầu đầy hãnh diện để khoe
trong khi đi bộ hay chơi đùa. Khi đi ngủ, tôi không để bà cởi dải lụa ra mà cẩn thận đặt hai bím tóc sang hai bên gối. Thỉnh thoảng, nếu thức
dậy vào buổi sáng mà thấy hai chiếc nơ đã bị tháo ra là tôi sẽ sậm si
hỏi ai đã làm hỏng nơ của tôi.
Cha mẹ tôi ở một doanh trại quân
đội gần Vạn Lý Trường Thành. Khi lên bảy, tôi tới sống với họ lần đầu
tiên kể từ khi chào đời. Tôi đến được gần hai tuần thì nhà tôi bị Hồng
Vệ Binh lục soát. Họ nghi ngờ cha tôi là một kỹ sư phản động đầu sỏ vì
ông là thành viên của Hiệp Hội Kỹ Sư Cơ Khí Bậc Cao Trung Quốc và là một chuyên gia về cơ điện. Ông cũng bị xem là con chó theo chân Đế Quốc Anh vì cha ông từng làm việc cho công ty GEC của Anh ba mươi lăm năm. Thêm
vào đó, vì nhà tôi chứa chấp nhiều đồ tạo tác văn hóa, cha tôi bị buộc
tội là: Đại diện của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xét lại.
Tôi nhớ Hồng Vệ Binh lục soát khắp nhà và có một đám
lửa lớn trong sân nơi họ ném sách của cha tôi, những đồ gia bảo của ông
bà tôi và đồ chơi của tôi vào. Cha tôi bị bắt đi. Vừa sợ vừa buồn, tôi
ngơ ngẩn nhìn ngọn lửa, nghe tiếng kêu cứu từ trong đó phát ra. Lửa ngốn sạch mọi thứ: ngôi nhà tôi mới chỉ tới để xem là nhà của mình, tuổi thơ hạnh phúc của tôi cho đến lúc ấy, những hy vọng của tôi cùng niềm tự
hào của gia đình tôi về truyền thống học hành và sự giàu có. Nó khắc sâu trong tôi những nỗi tiếc hận sẽ còn mãi cho tới khi tôi nhắm mắt.
Trong ánh lửa, một cô gái đeo băng tay đỏ đi về phía tôi tay cầm theo một
chiếc kéo to. Cô ta tóm lấy hai bím tóc tôi và nói, “Đây là kiểu tóc
tiểu tư sản.” Tôi chưa kịp nhận ra cô ta đang nói gì thì cô ta đã cắt
phăng bím tóc của tôi, rồi ném vào đống lửa. Tôi đứng đó mắt mở to, im
thít nhìn hai bím tóc và những chiếc nơ xinh xắn cháy thành tro. Khi đám Hồng Vệ Binh rời khỏi nhà tôi, cô gái đã cắt bím tóc của tôi nói, “Từ
giờ trở đi cấm mày không được buộc tóc bằng dây lụa nữa. Đấy là kiểu tóc của chủ nghĩa đế quốc!”
Sau khi cha tôi bị bắt giam, mẹ tôi hầu
như không có thời gian chăm sóc chúng tôi. Bà luôn về nhà muộn, và khi ở nhà lúc nào bà cũng ngồi viết; viết gì, tôi cũng không rõ. Tôi và em
trai chỉ có thể mua đồ ăn ở căng tin đơn vị bố tôi, và họ chỉ có củ cải
đỏ hoặc cải bắp luộc. Dầu ăn là thứ hàng quí hiếm hồi đó.
Một
lần, mẹ tôi mang về nhà một cặp lồng thịt, và ninh suốt đêm cho chúng
tôi. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị đi làm bà bảo tôi, “Khi về nhà con cời
than lên cho nó cháy lại và hâm thịt trong cặp lồng cho nóng để ăn trưa
nhé. Đừng để phần mẹ. Hai đứa đều cần có chất dinh dưỡng.”
Khi
tôi ở trường về trưa hôm đó, tôi tới đón em trai ở nhà một người hàng
xóm. Khi tôi bảo nó sắp được ăn một thứ rất ngon, nó rất thích thú và
ngồi ngoan ngoãn bên bàn nhìn tôi loay hoay hâm nóng thức ăn. Bếp lò nhà tôi là một loại bếp lò bằng gạch xây cao của người miền Bắc và tôi thì
thấp tịt so với nó. Để có thể dùng que cời chọc than tôi phải đứng lên
ghế đẩu. Đó là lần đầu tiên tôi làm việc ấy một mình. Tôi không nhận
thấy chiếc que cời nóng đỏ lên do lửa bên trong lò và khi tôi thấy khó
kéo nó ra bằng tay phải, tôi bèn nắm chặt lấy nó bằng tay trái. Lớp da
trên lòng bàn tay tôi phỏng giộp trợt ra và tôi hét lên đau đón.
Người hàng xóm chạy sang khi nghe thấy tiếng tôi hét. Bà gọi bác sĩ, nhưng dù sống gần đó ông ta bảo không dám sang bởi người ta yêu cầu ông phải có
một giấy phép đặc biệt để thực hiện chuyến thăm khám khẩn cấp thành viên của một gia đình thuộc diện bị điều tra.
Một người hàng xóm khác cuống quít chạy sang là một ông giáo sư già. Chẳng biết ông ta kiếm
được ở đâu bí quyết xát xì dầu vào vết bỏng mà đổ cả một chai xì dầu vào bàn tay tôi; xót đến độ tôi ngã lăn xuống sàn nhà quằn quại vì đau đớn
và ngất đi. Khi tôi tỉnh dậy, tôi đang nằm trên giường và mẹ tôi đang
ngồi cạnh tôi, mẹ ấp bàn tay trái băng bó của tôi trong hai bàn tay mẹ
và than trách bản thân vì đã bảo tôi dùng bếp lò một mình.
Cho
tới hôm nay tôi vẫn thấy khó mà hiểu nổi làm thế nào ông bác sĩ đó lại
có thể để vị thế chính trị của gia đình tôi ngăn ông ta đến cấp cứu.
Là “con gái gia đình tư bản”, mẹ tôi cũng nhanh chóng bị bắt để điều tra
và cấm về nhà. Hai chị em tôi bị đưa đến sống trong khu nhà dành cho
những đứa trẻ có bố mẹ bị đi tù.
Ở trường, tôi bị cấm không cho
tham gia các hoạt động văn nghệ cùng với các bạn gái khác vì tôi không
được phép làm ô uế chiến trường của cách mạng. Dù bị cận thị tôi cũng
không được phép ngồi lên bàn đầu vì vị trí tốt nhất phải dành cho con
cái của nông dân, công nhân hay binh lính; chúng được đánh giá là có rễ
thẳng và chồi đỏ. Tôi cũng bị cấm đứng ở hàng đầu trong suốt các giờ thể dục dù tôi nhỏ nhất lớp, vì vị trí gần giáo viên nhất là dành cho thế
hệ kế tiếp của cách mạng.
Cùng với mười hai đứa trẻ từ hai đến
mười bốn tuổi hư hỏng khác, hai chị em tôi phải tham gia một lớp học
chính trị sau giờ học và không được tham gia các hoạt động ngoài giờ
cùng với những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Chúng tôi không được phép
xem phim, thậm chí là những bộ phim có tính cách mạng sôi sục nhất, vì
chúng tôi phải nhận thức triệt để bản chất phản động của gia đình mình.
Trong căng tin, chúng tôi được nhận khẩu phần ăn sau cùng vì ông nội
chứng tôi từng giúp bọn đế quốc Anh Mỹ cướp miếng ăn khỏi miệng của
người Trung Quốc và tước quần áo khỏi lưng người Trung Quốc.
Ngày ngày chúng tôi bị điều khiển bởi những mệnh lệnh hai Hồng Vệ Binh quát vào tai:
“Ra khỏi giường!”
“Đến lớp!”
“Ra căng tin!”
“Học Những Lời Dạy Của Mao Chủ Tịch!”
“Đi ngủ!”
Không có gia đình bảo vệ, chúng tôi tuân theo một lịch trình máy móc hết ngày này qua ngày khác, không một nụ cười, không một trò chơi hay tiếng cười đùa của tuổi thơ. Chúng tôi tự làm việc nhà, lũ trẻ lớn hơn dạy những
đứa bé hơn giặt giũ, rửa mặt mũi chân tay; chúng tôi được tắm một tuần
một lần. Đêm đến chúng tôi - cả trai lẫn gái - chen chúc ngủ chung với
nhau trên đệm rơm.
Niềm an ủi nhỏ nhoi của chúng tôi nằm trên
đường tới căng tin. Không ai nói chuyện hay cười ở đó, nhưng thỉnh
thoảng cũng có một vài người tốt bụng lén giúi cho chúng tôi những gói
thức ăn.
Một hôm, tôi dắt em trai tôi, lúc ấy mới chưa đầy ba
tuổi, tới đứng cuối hàng người trước căng tin, vốn dĩ luôn luôn dài. Đó
hẳn là một ngày quốc lễ vì lần đầu tiên thịt gà rán được đưa ra bán, và
mùi thơm hấp dẫn tỏa khắp. Nước miếng tôi tứa ra; từ lâu lắm rồi chúng
tôi chưa được ăn gì ngoài thức ăn thừa, nhưng chúng tôi biết món gà quay sẽ không dành cho chúng tôi.
Em trai tôi đột nhiên òa khóc, kêu
toáng lên là nó muốn ăn gà quay. Sợ tiếng khóc của thằng bé sẽ làm Hồng
Vệ Binh tức giận mà đuổi chúng tôi ra ngoài, không cho đồ ăn nữa, tôi cố hết sức dỗ nó nín khóc. Nhưng nó vẫn cứ khóc, càng lúc càng khổ sở; tôi bối rối đến độ cũng suýt khóc.
Đúng lúc đó, một người phụ nữ
trông có vẻ giống một bà mẹ đi qua. Bà xé một miếng thịt gà quay từ phần của mình đưa cho em trai tôi và bước đi không nói một lời. Em trai tôi
nín khóc và đang định ăn thì một Hồng Vệ Binh chạy tới, giằng lấy cái
đùi gà khỏi miệng thằng bé ném xuống đất rồi giẫm nát dưới bùn.
“Lũ chó con của bọn chó theo chân đế quốc, chúng mày mà cũng đáng ăn thịt gà hả?” Tên Hồng Vệ Binh quát.
Em trai tôi sợ đến mức không dám nhúc nhích; nó chẳng được ăn gì cả ngày
hôm đó - và suốt một thời gian dài về sau nó không khóc hay mè nheo đòi
thịt gà quay hoặc bất cứ thứ gì xa xỉ nữa. Nhiều năm sau, tôi hỏi em
trai tôi có còn nhớ vụ đó không. Tôi rất mừng mà nói rằng nó không hề
nhớ gì cả, còn chính tôi lại không thể quên.
Hai chị em tôi sống
trong ngôi nhà đó gần năm năm. So với những đứa trẻ khác chúng tôi may
mắn hơn, một số đứa phải sống ở đó tới mười năm.
Trong ngôi nhà
đó, lũ trẻ tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau. Ở trong đó tất cả chúng tôi
đều bình đẳng. Nhưng không có chỗ nào cho chúng tôi ở thế giới bên
ngoài. Mỗi khi nhóm chúng tôi đi qua, người ta lùi lại như thể chúng tôi là bệnh dịch vậy. Những người lớn chín chắn thì bày tỏ sự cảm thông
bằng cách im lặng còn lũ trẻ con thì nhục mạ và phỉ báng chúng tôi. Quần áo chúng tôi chi chít những vết nước bọt hay đờm dãi, nhưng chúng tôi
chẳng biết làm thế nào để tự vệ cả, nói gì đến chuyện đánh trả. Thay vì
thế, cảm giác tự ghê tởm mình ăn sâu vào tâm hồn chúng tôi.
Người đầu tiên nhổ vào tôi là đứa bạn thân nhất. Nó nói, “Mẹ tao bảo ông mày
giúp lũ người Anh kinh tởm đó ăn thịt và uống máu người Trung Quốc. Ông
ta là kẻ cực cực kỳ tồi tệ trong số những kẻ tồi tệ. Mày là cháu ông ta, vậy tức là mày cũng không thể là người tốt.” Nó nhổ vào tôi, rồi bỏ đi
và không bao giờ nói chuyện với tôi nữa.
Một hôm tôi đang rúc sau lớp học khóc sau khi bị một đứa Đỏ đánh. Tôi nghĩ chỉ có mình tôi nên
giật mình khi một thầy giáo đến đứng ngay sau lưng và vỗ nhẹ vào vai
tôi. Qua hàng nước mắt, tôi hầu như không đọc được biểu hiện nét mặt của thầy trong ánh sáng nhập nhoạng của những ngọn đèn, nhưng tôi có thể
thấy thầy ra hiệu bảo tôi đi theo. Tôi tin thầy vì tôi biết thầy vẫn
giúp những người khốn khổ bên ngoài trường học.
Thầy đi cùng tôi
tới một cái nhà tạm ở nằm bên rìa sân chơi, đây là chỗ nhà trường chứa
những đồ tạp nhạp. Thầy mở cửa rất nhanh và dẫn tôi vào trong. Cửa sổ
được bịt bằng báo nên bên trong rất tối. Căn phòng chất cao ngất những
thứ đầu thừa đuôi thẹo và bốc mùi mốc meo mục nát. Tôi đứng ì ra vì
không thích, nhưng thầy thì len lỏi qua đống đồ tạp nhạp một cách uyển
chuyển do đã luyện lâu rồi. Tôi phải chật vật mới theo được thầy.
Ở căn phòng bên trong, tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy một thư viện ngăn
nắp, sắp xếp đâu ra đấy. Vài trăm cuốn sách được sắp xếp trên những tấm
ván hỏng. Lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa của dòng thơ nổi tiếng này: Trong bóng tối dày đặc nhất của những cây liễu, tôi chợt thấy những
bông hoa rực rỡ nhất của một ngôi làng.
Thầy giáo bảo tôi rằng
thư viện này là một bí mật mà thầy dự định dùng làm một món quà dành
tặng thế hệ tương lai. Thầy bảo dù những người cách mạng có là ai, họ
cũng không thể sống thiếu sách. Không có sách chúng ta không hiểu được
thế giới này; không có sách, chúng ta không thể phát triển; không có
sách, tự nhiên không thể phục vụ con người. Càng nói thầy càng phấn
khích, nhưng tôi lại càng e sợ. Tôi biết những cuốn sách này chính là
những thứ mà Cách Mạng Văn Hóa đang đấu tranh để thủ tiêu. Thầy đưa cho
tôi một chiếc chìa khóa của căn nhà tạm và bảo tôi có thể trốn vào đó mà đọc sách bất kỳ lúc nào.
Căn nhà tạm nằm ngay sau nhà vệ sinh
duy nhất của cả trường, vì vậy tôi dễ dàng tới đó mà không bị phát hiện
khi những đứa trẻ khác đang mải mê với những hoạt động mà tôi bị khai
trừ. Những buổi đầu vào đó tôi thấy mùi và bóng tối của căn phòng thật
ngột ngạt, nên tôi chọc một cái lỗ bằng hạt đậu trên lớp giấy báo dán
cửa sổ. Tôi nhòm lũ trẻ con đang chơi bên ngoài, mơ ước một ngày nào đó
sẽ được chơi cùng chúng.
Khi những tiếng ồn ào ngoài sân chơi
khiến tôi buồn đến mức chả muốn nhìn ra ngoài cửa sổ nữa tôi mới bắt đầu đọc sách. Không có nhiều sách dành cho người đọc trình độ sơ cấp ở thư
viện này, vậy nên tôi phải đánh vật với nhiều từ ngữ khó hiểu. Lúc đầu
thầy giáo còn trả lời những câu hỏi và giải thích mọi điều khi thầy tới
xem tôi thế nào; sau này thầy đưa cho tôi một cuốn từ điển, tôi rất chịu khó tra từ trong đó, dù chỉ hiểu được khoảng một nửa những gì tôi đọc
được.
Những cuốn sách về lịch sử Trung Quốc và nước ngoài hấp dẫn tôi ghê lắm. Chúng dạy tôi về những con đường đời khác nhau: không chỉ
những câu chuyện xúc động ai cũng biết, mà còn về những con người bình
thường dệt nên lịch sử của chính họ bằng cuộc sống thường nhật. Từ những cuốn sách đó, tôi cũng biết được rằng nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp.
Tôi học được rất nhiều điều từ cuốn bách khoa
thư, và kiến thức ấy đã giúp tôi bớt rắc rối và phí tổn trong cuộc sống
sau này, vì giờ đôi tay tôi có thể làm được các công việc tay chân và
sửa chữa mọi thứ từ xe đạp tới các đồ điện nhỏ. Tôi thường mơ trở thành
nhà ngoại giao, luật sư, nhà báo hay nhà văn. Khi có cơ hội lựa chọn
nghề nghiệp tôi đã bỏ công việc hành chính trong quân đội mà tôi đã làm
suốt mười hai năm để trở thành nhà báo. Những tri thức thụ động mà tôi
tích lũy được từ hồi nhỏ lại giúp tôi lần nữa.
Ước mơ được chơi
cùng lũ trẻ trong sân trường của tôi không bao giờ trở thành sự thật,
nhưng tôi tìm được niềm an ủi trong việc đọc về các trận chiến và những
cuộc đổ máu trong thư viện bí mật đó. Những tư liệu về chiến tranh khiến tôi cảm thấy mình may mắn khi được sống trong hòa bình, và giúp tôi
quên đi những lời chế nhạo chờ tôi bên ngoài căn phòng đó.
Người
đầu tiên dạy tôi cách nhận ra hạnh phúc và cái đẹp trong cuộc sống bằng
cách quan sát mọi người và mọi vật quanh mình là Ân Đạt. Ân Đạt mồ côi.
Có vẻ anh cũng không biết mình đã mất cha mẹ như thế nào; tất cả những
gì anh biết là anh đã lớn lên nhờ sự chăm sóc của những người láng giềng cùng làng trong khi sống trong một túp lều dài mét rưỡi, rộng mét hai,
có độc một chiếc giường choán hết diện tích. Anh đã ăn cơm và mặc quần
áo của trăm nhà, và gọi cả làng là cha mẹ.
Tôi nhớ Ân Đạt chỉ có
một bộ quần áo. Mùa đông anh chỉ mặc độc chiếc áo khoác chần bông dày
bịch bên ngoài bộ quần áo mùa hè. Mọi người xung quanh anh đều nghèo, vì vậy một chiếc áo khoác chần bông cho mùa đông là cũng an ủi lắm rồi.
Dù Ân Đạt chắc phải lớn hơn tôi tầm năm hay sáu tuổi nhưng chúng tôi vẫn
học cùng lớp ở trường quân sự. Trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, hầu như mọi cơ quan giáo dục đều ngừng hoạt động; chỉ có các trường phổ
thông và đại học của quân đội được phép tiếp tục đào tạo lớp trẻ vì lý
do bảo vệ tổ quốc. Để thể hiện sự ủng hộ đối với nông dân và công nhân
trong thành phố nơi doanh trại quân đội của chúng tôi đóng quân, trường
tôi sắp xếp để trẻ em ở địa phương được đi học cùng với lũ trẻ trong
quân đội. Nhiều đứa trẻ đã mười bốn mười lăm khi mới bắt đầu học tiểu
học.
Nếu Ân Đạt ở gần khi tôi bị lũ trẻ xuất thân từ những gia
đình Đỏ đánh, nhổ bọt hay réo tên chửi, anh sẽ luôn đứng về phía tôi.
Thỉnh thoảng, khi thấy tôi khóc ở trong một góc nào đó, anh sẽ bảo đám
Hồng Vệ Binh là anh đưa tôi tìm hiểu người nông dân và dẫn tôi đi một
vòng quanh thị trấn. Anh sẽ chỉ cho tôi những căn nhà của những người
rất nghèo và bảo tôi điều gì làm những con người đó hạnh phúc, mặc dù
còn xa họ mới kiếm được một trăm tệ một năm. Giờ giải lao, Ân Đạt đưa
tôi lên ngọn đồi đằng sau trường để ngắm cây cối và cây trồng đang ra
hoa ở đó. Có nhiều cây cùng loại trên thế giới này, anh bảo vậy, nhưng
không có hai lá giống y hệt nhau. Anh bảo tôi rằng sự sống rất quý giá
và nước tạo ra sự sống bằng cách cho đi chính mình.
Anh hỏi tôi
thích thị trấn có doanh trại quân đội này ở điểm nào. Tôi bảo tôi không
biết, chẳng có gì để thích cả; nó chỉ là một nơi nhỏ bé, tồi tàn, vô vị, tràn ngập thứ khói chết ngạt của những bếp củi và những con người đi
lại trong áo khoác rách và những chiếc sơmi tả tơi. Ân Đạt dạy tôi nhìn
và nghĩ về mỗi ngôi nhà trong thị trấn một cách cẩn thận, ngay cả những
căn nhà được ghép bằng phế liệu. Ai sống trong những căn nhà đó? Họ làm
gì trong đó? Họ làm gì bên ngoài? Tại sao cánh cửa đó lại khép hờ? Liệu
có phải gia đình đó đang chờ ai hoặc do họ đã quên đóng cửa? Việc họ
quên khuấy đi như vậy sẽ mang đến hệ quả gì?
Tôi nghe theo lời
khuyên của Ân Đạt tìm kiếm sự thú vị xung quanh mình và không còn buồn
khổ vì bị nhổ bọt hay chế nhạo mỗi ngày. Tôi được bao bọc bởi những suy
nghĩ của chính mình, tưởng tượng cuộc sống của những người trong những
căn nhà đó. Sự đối lập giữa tưởng tượng và thực tại bắt đầu trở thành
nguồn an ủi và cũng là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ cho tôi.
Vào cuối những năm 1960, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô hoàn toàn
tan vỡ, và một cuộc xung đột vũ trang về vấn đề biên giới phía Bắc Trung Quốc đã diễn ra tại đảo Trân Bảo. Mọi thị trấn và thành phố phải đào
hầm trú ẩn tránh máy bay. Ở một số thành phố lớn, các hầm trú ẩn có thể
đủ chỗ cho toàn bộ dân cư. Những thiết bị đơn giản và lương thực dự trữ
có thể đảm bảo cho họ sống trong hầm vài ngày. Mọi người già trẻ lớn bé
đều bị bắt đi đào hầm; ngay cả trẻ con mới bảy tám tuổi cũng không được
miễn. Lũ học sinh trường tôi phải đào hầm ở sườn đồi sau trường. Chúng
tôi bị chia thành hai nhóm, một làm việc bên trong hầm và một làm bên
ngoài. Dù được chỉ định làm việc ở nhóm bên trong, nhưng tôi cũng được
sắp xếp làm ở miệng hầm vì tôi là con gái và khá yếu ớt.
Một hôm, khoảng nửa giờ sau khi chúng tôi bắt đầu đào, có một tiếng động rền
vang: Sập hầm. Bốn cậu bé bị chôn vùi trong đó, trong đó có Ân Đạt,
người đi vào sâu bên trong nhất. Khi được bới lên bốn ngày sau vụ tai
nạn, thi thể họ chỉ còn nhận ra được qua quần áo.
Lũ trẻ con và
những người dính líu tới các gia đình Đen không được phép nhìn bốn chàng trai đó lần cuối, những con người sau khi chết được xem là anh hùng. Từ xa, hình ảnh cuối cùng của Ân Đạt mà tôi thoáng thấy là cánh tay không
còn sự sống của anh lủng lẳng bên cái cáng.
Ân Đạt từng dạy tôi
bài hát trong phim Khách Đến Băng Sơn[6]. Nó có giai điệu đẹp và lời hát tưởng nhớ tới một người bạn đã mất. Nhiều năm sau, khi Trung Quốc bắt
đầu mở cửa và cải cách, bộ phim này được chiếu lại. Những ký ức về Ân
Đạt ào ạt hiện về.
Quê hương tươi đẹp của tôi nằm dưới chân dãy Thiên Sơn
Khi ra đi tôi giống như trái dưa bị ngắt khỏi dây.
Người con gái tôi thương sống dưới những cây bạch dương.
Khi tôi đi, nàng giống như chiếc sáo, treo lạnh lẽo trên tường.
Dây đã đứt, nhưng trái dưa vẫn ngọt.
Người chơi sáo trở về, sáo lại ngân vang.
Khi tôi xa bạn tôi,
Anh giống như ngọn núi tuyết một lần lở, vĩnh viễn mất đi.
Ôi, người bạn thân thương của tôi,
Tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nghĩ lại thân hình cường tráng hay gương mặt hiền từ của bạn nữa.
Ôi, người bạn thân thương của tôi,
Bạn sẽ không bao giờ còn nghe tôi chơi sáo, không bao giờ còn nghe tôi hát nữa đâu.
Tôi không biết có phải Ân Đạt dự cảm về định mệnh của mình trong bài hát
sầu muộn đó khi anh hát cho tôi nghe không, nhưng anh đã để lại một giai điệu cho chính mình mà qua đó tôi có thể nhớ về anh.