Hạt Giống Tiến Hóa

Chương 106: Chương 106: Sử Việt hào hùng: Trần Quang Diệu




Như đã nói ở các chương trước và được sự ủng hộ của các bạn, hôm nay mình sẽ viết một tự chương về cuộc đời đầy hào hùng và bi tráng của đôi vợ chồng lẫy danh nhà Tây Sơn: Đại tướng Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Hoàn toàn không liên quan đến mạch truyện, các bạn có thể bỏ qua. Đây là chương để chào mừng mốc 100 người bình chọn của truyện ^.^ (Sau này mình sẽ viết những phần như thế này ngắn hơn và để trong credit thôi)

Cuộc đời của cặp vợ chồng này có thể dựng nên một khúc trường ca, lãng mạn có, hào hùng có. Và kết cuộc của nó, thật đáng tiếc theo sự lụn bại của nhà Tây Sơn, nó cũng rất bi tráng.

(1) Trước hết là nói về đại tướng Trần Quang Diệu.

Tên của ông vốn là Trần Văn Đạt, người làng An Hải, nếu tính địa phận thì có lẽ bây giờ thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Ông học võ ở nhiều thầy, nhưng mà người có lẽ có dấu ấn nhất là thầy Diệp Đình Tòng (Ông ấy giết chết một huyện lệnh vì tội tham ô, sau đó bỏ xứ mang theo vợ con trốn lên Tây Sơn và tình cờ gặp Trần Quang Diệu ở đây). Thầy Tòng tinh thông võ nghệ, cả ngũ ban là: đao, kiếm, côn, thương và cung. Trần Quang Diệu chỉ học chân truyền của thầy về đại đao.

Tương truyền Trần Quang Diệu là người giỏi cả văn lẫn võ, từng đánh nhau với hổ (Đoạn này hay nè, mình sẽ kể rõ hơn ở khúc sau).

Ông là một trong những lão tướng theo Tây Sơn từ rất sớm khi khởi sự, trung thành dưới trướng vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và sau này hết lòng phò tá con ông là Cảnh Thịnh, nỗ lực cùng vợ là Bùi Thị Xuân chống đỡ nhà Tây Sơn sau khi vua Quang Trung bất hạnh qua đời. Ông chính là một trong thất hổ tướng nhà Tây Sơn, làm khiếp sợ bao nhiêu kẻ địch.

Trần Quang Diệu là một đại tướng có tài cầm quân và uy vọng trong quân của ông cũng rất cao từng tham dự rất nhiều chiến dịch lớn lập nhiều chiến công đánh Xiêm La, đuổi Vạn Tượng (Lào).

Ông cũng là người nổi tiếng nhân nghĩa, thương dân, anh hùng trọng anh hùng. Kể đến thì phải nói đến trận đánh tái chiếm Quy Nhơn.

Võ Tánh lúc đó là trọng tướng dưới trướng Nguyễn Ánh đang trấn thủ Quy Nhơn, nhắm không thể địch nổi, đã viết thư cho ông nói rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại”. Võ Tánh chất rơm cỏ dưới lầu Bát Giác tự thiêu, hiệp trấn Ngô Tòng Châu cũng uống thuốc độc tự tử, thành Quy Nhơn đầu hàng.

Trần Quang Diệu vào thành, sai làm lễ liệm táng cho hai người tử tế, và tha cho tướng sĩ nhà Nguyễn, không giết một ai.

(2) Tiếp theo là nói đến nữ tướng Bùi Thị Xuân

Bùi Thị Xuân bà là người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo sử sách, bà rất xinh đẹp, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi võ nghệ. Ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi.

Ở địa phương có truyền thuyết nói về một bà cụ già, không con cháu, đêm đêm bí mật dạy võ cho Bùi Thị Xuân. Cũng có thuyết nói rằng, bà học võ với võ sư Ngô Mãnh cùng với Ngô Văn Sở.

Ánh mắt của bà rất cao, hồi đó 20 tuổi vẫn chưa có chồng (Trong khi thời đó con gái 17 -18 tuổi thì đều đã thành gia lập thất, con cháu đầy nhà rồi). Nhiều người tới dạm hỏi bà, nhưng bà thường vặn hỏi người ta về văn võ khiến ai nấy đều xấu hổ lắc đầu cáo lui. Cha mẹ ái ngại nói với bà thì bà khí phách trả lời rằng:

“Bà Trưng có chồng, chứ Bà Triệu có chồng đâu, nào ai dám cười chê?”

Sau này rốt cuộc thì bà cũng lấy một người chồng đội trời đạp đất, đại tướng Trần Quang Diệu. Tương truyền, hai người gặp gỡ nhau cũng rất tình cờ và thú vị.

Đó là một lần “mỹ nữ cứu anh hùng”, khi bà bắt gặp Trần Quang Diệu đang đánh nhau với hổ dữ bị thương, bà vung kiếm lao tới cứu, và dẫn ông về nhà trị thương, từ đó nảy sinh tình cảm, hai người nên vợ nên chồng, cùng tòng quân dưới trướng Tây Sơn.

Nếu nói Trần Quang Diệu là một trong Tây Sơn thất hổ tướng, thì Bùi Thị Xuân là người đứng đầu của Ngũ Phụng thư. Hai ông bà là 2 trong số 18 người được coi là 18 viên đá tảng gây dựng nên triều đại Tây Sơn (sử gọi là Tây Sơn thập bát cơ thạch).

Bà tự phong mình là “Tây Sơn nữ tướng” thậm chí trước khi cả gia nhập Tây Sơn, lập cho nhà Tây Sơn rất nhiều chiến công oanh liệt, với tài thuần voi, bà là người chỉ huy đội tượng binh lẫy lừng hùng mạnh của nhà Tây Sơn, nổi tiếng có cả “Xe tăng voi”, đặt pháo cối lên lưng voi bắn ra, là một đại sát khí trên chiến trường. (Đây là một điều cực kỳ khó, chưa ai có thể bắt chước được vì voi rất sợ tiếng pháo nổ).

Tương truyền mỗi khi ngọn cờ thêu bốn chữ “Tây Sơn nữ tướng” giương cao ở bất kỳ nơi đâu, quân giặc ở đó khiếp đảm bỏ chạy giẫm đạp lên nhau mà chết. Chính Nguyễn Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó và còn ban tặng cho Bùi Thị Xuân thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng” - bậc nữ lưu có khí phách.

Cùng với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, cùng chồng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Xiêm, Mãn Thanh và những trận chiến quyết liệt với quân của Nguyễn Ánh trong suốt 10 năm trời.

(3) Kết thúc buồn và bi tráng cho nỗ lực cứu vãn nhà Tây Sơn của Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu

Một cách chủ quan mà nói. Mình không thích nhà Tây Sơn khi không còn vua Quang Trung, nội bộ lục đục, đấu đá lẫn nhau, tranh quyền đoạt lợi, thực sự là mục ruỗng từ bên trong.

Cho nên thất bại sau đó của nhà Tây Sơn mình thực sự không có gì tiếc nuối, nhưng mình tiếc là tiếc cho những hào kiệt phụng sự Tây Sơn, trong đó là nỗ lực trong bất lực của tướng quân Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Sau khi Quang Trung đại đế qua đời, triều chính Tây Sơn bắt đầu chia bè phái, tranh quyền đoạt lợi, chuyên quyền, thao túng ấu chúa.

Nhận được tin đó, Nguyễn Ánh bắt đầu rục rịch trở lại, cầm quân tiến đánh Quảng Nam. Không ngờ gặp sự giáng trả của Bùi Thị Xuân, quân Nguyễn thua tơi tả phải rút lui. Bị thua mưu trí và võ công của đàn bà, Nguyễn Phúc Ánh cảm thấy nhục nhã và thề sẽ trả thù.

Lúc bà Bùi Thị Xuân được cử vào trấn thủ Quảng Nam, thì chồng bà (Trần Quang Diệu) tiến vào Diên Khánh chống quân Nguyễn.

Đúng lúc đó trong triều xảy ra chính biến, cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết vì tội chuyên quyền, Trần Quang Diệu cả sợ, phải kéo quân về kinh đô đóng ở bờ Nam sông An Cựu, bà Bùi Thị Xuân cũng mới đả bại Nguyễn Ánh kéo quân về triều cùng chồng giải quyết cuộc xung đột.

Mọi người lo sợ bà sẽ trả thù Võ Văn Dũng, vì Bùi Đắc Tuyên chính là cậu ruột của bà. Tây Sơn lúc đó đứng trước nguy cơ cuộc nội chiến giữa những tướng lĩnh cầm quân.

Nhưng Bùi Thị Xuân đã gạt tình thân, vì nghĩa lớn, bỏ qua chuyện thù riêng nên Võ Văn Dũng rất cảm kích, nguyện kết tình huynh đệ sinh tử với Trần Quang Diệu.

Sau này, từng có lần vua Cảnh Thịnh nghe lời dèm pha, bí mật sai người đưa mật thư cho Võ Văn Dũng lệnh giết Trần Quang Diệu, nhưng Võ Văn Dũng cãi lệnh đưa thư lại cho Trần Quang Diệu xem. Được Vũ Văn Dũng cho xem thư, Trần Quang Diệu lúc ấy là thái phó tức tốc dẫn quân về triều, nói là để bắt quân phản loạn. Cuối cùng, vua Cảnh Thịnh phải bắt mấy mật tấu giao cho ông, việc mới yên.

Sau này, chiến sự kéo dài, Nguyễn Ánh ngóc đầu trở lại, Tây Sơn thất thế, Phú Xuân bị mất, bà Bùi Thị Xuân dẫn 5.000 quân hộ giá vua Cảnh Thịnh đi chiếm lại. Biết đã bị dồn đến bước đường cùng, Bùi Thị Xuân tự tay thúc trống trận dồn dập rồi liều chết cưỡi voi xông vào chiến lũy Trấn Ninh.

Vốn đã từng nếm mùi thua trận trước vị nữ tướng oai phong lẫm liệt, quân Nguyễn sợ hãi xô nhau chạy. Chúa Nguyễn đem một cánh quân vượt sông Linh Giang tìm đường rút. Mặc dù quân Nguyễn Đông hơn, nhưng dưới sự dẫn dắt của nữ tướng Bùi Thị Xuân quân đang trong thế thắng, cơ hội năm ăn năm thua hiện ra trước mắt. Nhưng lúc này, vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn quá đông, sợ hãi bỏ chạy.

Bùi Thị Xuân không can gián nổi. Vua chạy, cờ ngã, quân lính như rắn mất đầu, quân Tây Sơn từ đó vỡ trận. Bà cũng không thể chống đỡ nổi nữa, đó là trận đánh oanh liệt cuối cùng của vị nữ tướng anh hùng.

Đánh hạ được Quy Nhơn từ tay Võ Tánh, Trần Quang Diệu cấp tốc trở về cứu Phú Xuân, nhưng đã quá muộn. Vua Cảnh Thịnh cùng một nhúm người đã trốn lên Bắc Hà. Trần Quang Diệu một mình vượt qua đất Lào rồi quay về Nghệ An, gặp lại được vợ ở vùng Quỳ Hợp. Không còn quân sĩ trong tay, hai mãnh tướng bị quan quân nhà Nguyễn vây bắt tại đây đem đóng cũi giải về Phú Xuân.

(4) Đối đáp trước lúc hành hình

Tương truyền, bắt được cả Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu, Chúa Nguyễn bèn sai người áp giải đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí:

“Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?”

Bùi Thị Xuân đã khảng khái trả lời, không hề sợ hãi:

“Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng. “

“Còn nói về đức độ, thì Tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi nhà ngươi. Còn ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên đế ta đừng thừa long quá sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.”

Chúa Nguyễn lúc đó mất mặt gằn giọng:

“Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?”

Bà đáp:

“Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi sao có thể đặt chân tới đất Bắc Hà”

Nguyễn Ánh sau đó đã xử tử cả nhà Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái, chỉ cho mẹ của Trần Quang Diệu lúc đó đã gần đất xa trời còn sống chứng kiến cảnh kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh, coi đó là “ân đức bằng trời” của Vua.

Bà Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh cho voi giày xéo.

Tương truyền, khi voi lao đến bà hét to một tiếng làm con voi hoảng sợ chạy ngược lại húc cả người quản tượng, quân lính phải lấy pháo nổ, giáo đâm mới đuổi nó chạy lại dẫm đạp lên người bà được.

Còn theo tư liệu của De La Bissachère - một giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: “Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...“.

Đây là bài thơ của một tác giả ẩn danh nói về bà Bùi Thị Xuân:

“Vận nước đang xoay chuyển

Quần thoa cũng vẫy vùng

Liều thân lo cứu chúa

Công trận quyết thay chồng.

Khảng khái khi lâm nạn!

Kiên trinh lúc khốn cùng

Ngàn thu gương nữ liệt

Gương sáng hãy soi chung.”

Tây Sơn chiến bại, trở thành một nốt trầm trong lịch sử. Những anh hùng hào kiệt Tây Sơn cũng đã ngã xuống.

Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân, hai con người, hai số phận, một mối tình trung trinh, một đời liều thân vì lý tưởng của mình, một đời chinh chiến, một đời trung thành phụng sự. Cuối cùng đã có kết cục bi tráng như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.