CHƯƠNG 21: MỒI NƯỚC BƠM LÊN VÀ CHẢY TRÀN MỒI NƯỚC
Một trong những ví dụ tôi hay kể trong các cuộc nói chuyện trên khắp nước là chiếc máy bơm nước kiểu cổ, mạ kền. Tôi rất tâm đắc với câu chuyện này. Hi vọng bạn từng có dịp sử dụng một đôi lần loại máy bơm cổ điển này. Nó sẽ giúp bạn có kinh nghiệm để đánh giá ý nghĩa những tư tưởng sau.
Nhiều năm trước, hai người bạn của tôi là Bernard Haygood và Jimny Glenn chạy xe ngang một ngọn đồi ở bang Nam Alabama vào một ngày tháng tám nóng nực. Cả hai điều khát nước nên Bernard cho xe ghé vào sân sau một nông trại bỏ hoang có đặt một máy bơm nước. Anh nhảy bổ ra khỏi xe, chạy vội đến bên máy, chụp lấy cần bơm và bắt đầu bơm lấy bơm để. Bơm được chừng 2 phút, Bernard ra dấu chỉ vào chiếc thùng gỗ mục nhờ Jimmy ra con suối gần đó xách giùm ít nước về đổ mồi. Nếu đã từng bơm nước, hẳn bạn cũng biết là phải đổ nước mồi trước thì nước mới lên được.
Trong ván bài đời, trước khi thu lượm được bất cứ điều gì bạn cũng phải gieo mồi trước đã. Vậy mà vẫn có nhiều người đứng trước cửa lò đời bảo nó: “Lò ơi, cho ta lửa nóng đi, rồi ta đút củi vào cho.”, thế có khổ không cơ chứ. Chẳng hạn đã bao lần người thư ký đến nói với chủ: “Nếu ông tăng lương cho tôi, tôi sẽ làm việc tốt hơn và có lương tâm hơn” hoặc người bán hàng bảo thủ trưởng: “Nếu ông cho tôi làm giám đốc, tôi sẽ cho ông thấy khả năng thực sự của tôi. Thực ra, cho tới bây giờ, tôi chưa làm gì nhiều nhưng nếu có chức vị, tôi sẽ làm tốt hơn nhiều” hay chàng sinh viên thưa thầy: “Con mà xếp hạng kém học kỳ này, bạn bè sẽ cười lớn rồi học kỳ tới con sẽ học hành chăm chỉ hơn!” Kinh nghiệm cho tôi biết, sự việc chẳng bao giờ diễn tiến như vậy cả. Nếu nó đúng như vậy, hẳn người nông dân đã cầu trời: “Lạy trời, nếu trời ban cho con trúng mùa năm nay thì năm tới con sẽ nỗ lực gieo trồng và chăm sóc mùa màng“.
Điều những người trên thực sự mong muốn là: “Thưởng thức, làm sau“. Nhưng cuộc sống lại trái ngược hẳn. BẠN PHẢI BỎ VÀO ĐỜI TRƯỚC RỒI MỚI RÚT RA SAU. Do đó, nếu bạn hiểu và áp dụng nó vào quãng đời còn lại, hẳn bạn sẽ giải quyết được rất nhiều công chuyện.
Người nông dân phải gieo giống vào mùa xuân hoặc mùa bè trước rồi mới thu hoạch được vào mùa thu. Anh cũng phải “bỏ vào đó” nhiều công sức trước khi gặt hái những hạt lúa chín vàng. Chàng sinh viên phải bỏ ra rất nhiều thời gian học tập mới mong thu lượm được kiến thức và bằng cấp tốt nghiệp. Người thư ký hôm nay cũng phải bỏ thêm rất nhiều công sức mới mong trở nên giám đốc ngày mai được. Người lực sĩ hôm nay cũng phải tốn thật nhiều mồ hôi, công sức mới mong đoạt chức vô địch ngày mai. Tóm lại, khi đã biết bỏ một cái gì “vào” đương nhiên bạn sẽ lấy được một cái gì đó “ra“.
ĐỪNG CÓ NGỪNG
Giờ ta trở lại với hai ông bạn ở bang Nam Alabama. Vào tháng 8, bang Nam Alabama rất nóng, nên chỉ sau vài phút bơm, Bernard đã ướt đẫm mồ hôi. Lúc đó, anh mới tự hỏi, không hiểu phải bỏ bao công sức nữa mới có được nước uống đây. Bơm ráng thêm một lát, anh bảo Jimmy: “Chắc giếng cạn rồi quá, Jimmy ạ.”
Jimmy đáp:
- “Không đâu, Bernard, giếng ở Alabama này thường sâu lắm. Nhưng sâu thế nước mới trong mát được“.
Cuộc sống cũng y hệt như câu trả lời của Jimmy phải không bạn? Chính những gì ta phải nỗ lực đạt tới mới có giá trị.
Lúc bấy giờ, nóng, mệt, chịu hết nổi, Bernard giơ hai tay lên kêu:
- “Giếng khô thật rồi, Jimmy ơi.”
Jimmy vội chụp lấy cần bơm, bơm tiếp liền rồi nói:
- “Đừng ngừng tay, Bernard, cậu mà ngừng nước sẽ chảy xuống trở lại hết và cậu sẽ phải bắt đầu lại từ đầu đó.”
Cuộc đời cũng y như vậy đấy. Bất cứ người nào, trẻ hay già, nam hay nữ. Làm nghề gì đi nữa, cũng đã từng có lúc muốn “ngừng tay bơm” vì bơm mãi mà chưa thấy chút nước nào. Nên nếu bạn đã có lúc cảm thấy như vậy thì bạn cứ an tâm vì ai cũng vậy cả.
RÁN THÊM MỘT CÁI
Một điều hết sức hiển nhiên là nếu cứ nhìn bên ngoài máy bơm thì ta không sao biết được lúc nào nước mới lên tới vòi cả. Phải bơm hai lần hoặc hai trăm lần nữa mới có nước, khó mà biết được!
Cũng vậy, ta không thể nhìn vào ván bài đời mà xác định được ngày mai hay tuần tới, tháng tới, năm tới hoặc nhiều năm nữa, mình sẽ thành công.
Có một điều tôi tin chắc là dù bạn làm gì đi nữa. NẾU BẠN BƠM ĐỦ LÂU, ĐỦ BỀN VÀ TÍCH CỰC THÌ SỚM MUỘN GÌ, CỐ GẮNG ẤY CŨNG ĐEM LẠI PHẦN THƯỞNG. Trái lại, nếu bạn ngừng tay trong khi chỉ cần một, hai lần bơm nữa thì bạn cũng chẳng bao giờ được giải khát bằng dòng nước chảy gần tới vòi ấy! May thay, khi nước đã chảy rồi thì bạn chỉ cần lâu lâu bơm nhẹ một cái thôi và nước sẽ chảy tràn dư dật.
Thành công và hạnh phúc ở đời cũng y hệt như vậy đấy bạn ạ! Dù làm bất cứ điều gì, bạn hãy cố gắng thực hiện một cách đúng đắn và chuẩn xác, nhất là phải kiên tâm và bền chí. Nhiều khi, chỉ cần leo qua một ngọn đồi, rảo qua một góc phố là bạn đã có thể hưởng nếm được sự ngọt ngào của thành công và hạnh phúc, giống như những lúc bạn mới bơm có một lần thì nước đã chảy tràn rồi vậy.
Dù là bác sĩ hay luật sư, sinh viên hay nội trợ, công nhân hay buôn bán, một khi bạn đã bơm cho nước chảy được rồi thì việc giữ cho nó tiếp tục chảy sẽ rất dễ dàng. Bạn chỉ cần một chút cố gắng đều đặn nữa mà thôi. Câu chuyện về chiếc máy bơm này là một điển hình cho cuộc sống. Khi đã lên tới đỉnh thành công bạn hãy nhớ câu chuyện về chiếc máy bơm này. Nếu chỉ bơm hờ hững chiếu lệ, bạn có bơm suốt đời cũng chẳng được chút nước nào. Bạn phải bơm tận lực cho tới khi nước chảy tràn ra đã, rồi điều kỳ diệu sẽ đến: Khi nước đã bắt đầu chảy, bạn nhớ bơm đều đặn hoài. Kết quả là bạn sẽ có được điều mình muốn thay vì phải muốn điều mình có.
Đầu máy xe lửa cũng tương tự như vậy. Khởi động máy rất khó, nhưng khi máy đã nổ thì xe chạy rất dễ và tốn rất ít nhiên liệu.
Giờ bạn hãy nhìn sang bức hình bạn đang bước lên những bậc thang dẫn tới đỉnh thành công. Bạn đang đứng trên bậc “làm việc”, sẵn sàng bước lên bậc thang chót, bậc “ước vọng“. Lên tới đó là bạn đã giáp mặt với cánh cửa tương lai đang khép hờ. Bạn chỉ cần “đẩy nhẹ” chứ không cần “kéo mạnh“. Hãy “đẩy cửa ra” bạn ơi, một bước nữa thôi là tới phòng tiệc cuộc đời rồi.