Đối với ông Ngô Trường Thiên, đấy cũng là một đêm không ngủ.
Từ Di Hòa viên ra, ông bảo xe đưa Lâm Tinh về trước. Ông nhìn theo cô cho
đến khi khuất hẳn trong bóng tối nơi ô cửa không đèn, rồi gọi điện cho
ông Công, bảo ông ta sau khi đưa ông Lương về Trường Đảng, lập tức đến
biệt thự Kinh Tây.
Từ ba hôm trước, ông đã hẹn ông Lương đến
thưởng nguyệt trên hồ Côn Minh. Vào phút cuối ông gọi Lâm Tinh đến là để ông Lương được gặp cô con dâu của mình. Bất luận ông thích hay không
thích nàng dâu này ông cũng phải sớm đưa cô vào những hoạt động xã giao. Nếu mọi người không biết đấy là ai, sau này ngộ nhỡ đứng ra làm chứng
cho mình, chẳng hóa ra cô là nhân vật bỗng đâu xuất hiện.
Trong
điện thoại hẹn ông Lương đi thưởng nguyệt, ông Thiên vờ như tiện thể nói đến việc Sở Công an đến tìm hiểu tình hình Hân. Bởi ông chỉ nói qua,
cho nên ông Lương cũng không coi trọng, hơn nữa qua điện thoại họ còn
chủ động bàn đến vấn đề quyền sở hữu tài sản của tập đoàn Trường Thiên.
Ông Lương nói, đã đọc tài liệu, trong đó còn nhiều chỗ chưa đầy đủ,
trước khi đưa lãnh đạo thành phố xem xét, cần phải sửa chữa thêm. Ông
Thiên liên tiếp vâng vâng, bảo sẽ bàn kỹ trong buổi gặp mặt ở Di Hòa
viên. Thái độ của ông Lương đối với việc này bỗng trở nên chủ động, có
thể vì sức ép tin tức về cô Hân. Nói cho cùng, quan hệ giữa người Trung
Quốc với nhau vẫn là sự trao đi đổi lại. Ai cũng có thể nói hiểu nguyên
tắc và quy tắc, nơi nào, địa phương nào cũng giống nhau, nhưng bắt tay
vào làm thực tế, có giúp nhau hay không còn xem quan hệ qua lại thế nào, tất cả phải tùy tình hình, tùy người tùy việc mà có sự khác nhau. Ông
có mất chân giò, bà mới thò chai rượu, từ cổ xưa vẫn vậy. Con đường làm
quan của ông Lương vào lúc quan trọng, cái màn gọi gái đến khiêu vũ với
ông, dụng ý tuy không nói ra, chẳng phải là chuyện hàm ơn lắm rồi sao?
Ông Lương cũng biết lúc này ông Thiên cần nhất là chuyện quyền sở hữu
tài sản, cho nên phải có đi có lại.
Sau khi hẹn ông Lương rồi,
ông Thiên cũng không ngờ, trong ba ngày ấy tình thế xấu đi nhanh chóng.
Giống như trên người có cái nhọt bọc lâu ngày, bỗng vỡ vào lúc chưa tính đến, hơn thế không thể hãm nổi tốc độ. Kẻ tống tiền một lần nữa xuất
hiện, dồn họ vào hang hùm. Đã vậy, trong kế hoạch ông định dùng khoản
tiền năm triệu cực lớn làm mồi nhử rắn ra khỏi hang. Nếu biết rõ mặt tên kia sẽ không sợ hắn đòi hỏi hết lần này đến lần khác. Vì tống tiền một
khoản lớn như vậy cũng là trọng tội! Biết được mặt hắn, ông Thiên cũng
sẽ nắm quyền chủ động. Nếu không, không thể nào yên ổn nổi, mọi người
cùng đến chỗ chết. Nhưng ông không ngờ, Lí Đại Công, trung thần của ông, đã thành công dẫn dụ tên tống tiền còn theo hắn đến tận chỗ ở, dùng một khẩu súng lục không biết tìm ở đâu ra, tự ý tiêu diệt cái tên có lòng
tham vô đáy. Chuyện trở nên rắc rối to, tính chất của sự việc bỗng thay
đổi. Về mặt pháp luật mà nói, cái chết của Hân là do sơ ý, nhỡ tay, còn
bắn chết tên tống tiền là mưu sát, hoàn toàn cố ý. Đến lúc này ông mới
nhận ra mình dùng người thiếu đôn đốc kiểm tra, tạo nên hậu quả không
thể cứu vãn nổi. Ông Công là con người hữu dũng vô mưu, không thể làm
việc lớn.
Buồn cười hơn nữa là, sau khi giết tên tống tiền, ông
ta không lập tức về báo cáo lại với ông Thiên, mà đánh xe đến thẳng chùa Bạch Tháp, đốt ba thẻ hương, lễ bái cả đống Phật, cúng năm trăm đồng
cho nhà chùa, lại còn lấy một quẻ thẻ. Ông Công lễ Phật những mong lòng
thanh thản, cho rằng có thể bình an vô sự. Xem ra mê tín làm con người
mất lý trí. Từ chùa Bạch Tháp về, ông Công bị ông Thiên mắng cho một
chập, vẫn không tỉnh ra, đưa ông Thiên đi lễ chùa, cầu xin thái bình yên ổn, đúng là kẻ vô tri hết cỡ!
Ông Công không chỉ một vài lần
khuyên ông Thiên tin vào Đức Phật. Nhưng ông Thiên nghĩ, anh giết người, đốt vàng hương, cúi đầu bái lạy mấy cái, cho nhà chùa mấy trăm, mong
được Đức Phật phù hộ độ trì, xá tội vong linh, với cái giá quá rẻ như
vậy mong được thù lao to lớn, nếu Đức Phật linh thiêng, liệu có thể dễ
dàng như vậy không? Bất luận thiện ác, ngay thẳng hay quắt quay, chỉ cần lễ Phật, cho nhà Phật ít tiền, Phật sẽ phù hộ, vậy Phật có còn là thần
lực nữa không? Ông Thiên không mê tín. Ông vốn có nhận thức, phàm là tôn chỉ và dụng ý của tôn giáo, chỉ là khuyên làm việc thiện, tâm linh
trong sạch, nếu kiên trì tích đức hành thiện, sẽ có đủ tư cách mong
thiện được thiện báo. Nếu có thể trong sạch siêu thoát, thân có gặp nạn
cũng sẽ hóa giải được nạn. Cho nên, thắp hương hay không, cúi lạy hay
không, không phải là chủ yếu, chủ yếu ở chỗ tâm có thành thì mới linh
thiêng, giữ được thiện tâm sẽ được gần Phật.
Những người như họ xa Phật lắm lắm!
Ông Công thô bạo và ngu xuẩn, làm ông Thiên phẫn nộ. Ông không thể nén nổi
tức giận trong lòng. Chuyện này, ông Công là người từng bước làm phức
tạp hóa, tưởng chừng mỗi bước ông Thiên lại phải đứng ra lo liệu cho ông ta. Bây giờ, ông ta giết người. Giết người, liệu có thể thu xếp được
không? Quẻ thẻ ông Công xin ở chùa Bạch Tháp khiến ông ta có chỗ dựa nên không còn biết sợ. Ông Công phản đối sự an ủi của ông Thiên. “Anh yên
tâm, em vào ra không gặp bất cứ ai. Em bảo đảm không để lại dấu vết gì.
Với lại, Sở Công an làm thế nào để nghĩ đến chúng ta.”
Buổi tối,
bước lên thuyền rồng trên hồ Côn Minh, trước mặt là hồ nước, núi non,
ánh trăng yên tĩnh, bên tai là tiếng sóng đơn điệu vỗ mạn thuyền, gió
nhẹ mát mẻ, tâm tình thoáng chút hoài cổ. Tâm trạng ông Thiên đã ổn
định, nhắc nhở mình không được thần hồn nát thần tính, bối rối bước
chân. Ông làm sao ngờ được nơi đầu mũi thuyền sau bữa ăn, nàng dâu mới
của ông, người làm chứng ông đã xếp đặt để ứng phó với những bất trắc về sau, lại trở thành người sống sót may mắn, người mục kích việc ông Công cầm súng giết người!
Tưởng chừng ông không nhớ mình đã nói gì
với Lâm Tinh, có thể là kín đáo đe dọa và chỉ dẫn. Tất nhiên Lâm Tinh
hiểu. Nhưng tinh thần ông Thiên lại đến gần bờ vực đổ vỡ. Từ Di Hòa viên về biệt thự Kinh Tây, ông gọi ông Công sau khi đưa ông Lương về Trường
Đảng vào thư phòng, tuôn ra những lời giận dữ, ông bảo lưới trời lồng
lộng. Ông nói ông Công phải sớm tìm biện pháp, nhanh chóng khoanh sự
việc lại. Ông cũng biết ông Công chẳng thể tìm được cách gì. Lẽ nào bảo
ông ta diệt khẩu con dâu! Ông Công lúng túng, không biết phải trả lời
thế nào, sợ hãi nói: “Có nên gọi anh Tường đến không? Việc này em đã hỏi ý anh Tường, anh ấy bảo liệu đấy mà làm.” Ông Thiên giật mình, rất giận ông Tường, càng hiểu ông Tường không phải là người đi chung một con
đường với mình. Ông Thiên lắc đầu. Trời sắp sáng rồi. Nếu ông Tường đang nửa đêm nửa hôm tất tưởi đến, người giúp việc trông thấy, không khéo sẽ thành một chứng cứ bất lợi. Ông thở dài, bảo ông Công sáng mai hẹn ông
Tường. Ba người cùng đến một nơi nào đấy để nói chuyện.
Hôm sau,
họ tìm một nơi vắng vẻ để bàn chuyện trước mắt. Ai cũng hiểu sự việc
nghiêm trọng đến mức nào. Giết kẻ tống tiền và cho rằng đã diệt được
khẩu, không ngờ có người trông thấy. Giống như cái bóng đi theo người,
không sao xua đi nổi. Nghĩ đi nghĩ lại, không nghĩ được cách nào, chỉ
còn gửi gắm hy vọng vào Lâm Tinh. Điều này thì hai ông Tường và ông Công tin hơn ông Thiên. Muốn nói thế nào đi nữa, cô ta hiện là con dâu của
ông, từ tình cảm đến lý trí, từ quan niệm thân tình đến lợi ích thiết
thân, cô ta có thể nổi loạn được không? Liệu có thể vì đại nghĩa diệt
thân mà đi tố giác được không? Không đến mức ấy đâu! Nhưng ông Thiên
không thể khẳng định. Ông vẫn có dự cảm chẳng lành đối với Lâm Tinh. Từ
lần gặp mặt đầu tiên, ông có cảm giác cô giống như một ngôi sao nhỏ tung hoành dọc ngang, sẽ có ngay va chạm vào trái đất to lớn để cùng đi đến
chỗ chết.
Ba người bàn bạc đến nửa ngày, để thận trọng, họ quyết
định cho ông Công đi du lịch nước ngoài, tạm tránh, xem Lâm Tinh có động tĩnh gì sẽ nói sau. Chỉ cần một mình ông Công an toàn, ông Thiên chưa
đến nỗi bị lộ ngay. Ông Tường lại càng an toàn, vì Lâm Tinh chưa một lần tiếp xúc trực diện với ông.
Tuy xếp đặt như vậy nhưng ông Thiên
vẫn không yên tâm. Đêm nằm trên giường không sao chợp mắt nổi. Theo thói quen của ông, trước hết nên suy tính sự việc ở mức độ xấu nhất, sau đấy trong đầu sẽ thiết kế vô số phương án đối phó và biện pháp có thể sử
dụng. Nhưng so với tình huống có thể xảy ra, tất cả như gãi ngứa ngoài
giày, có cảm giác dùng một ly nước để chữa cháy nhà. Bốn giờ sáng, có
tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông hung dữ nhức óc. Tim ông đập mạnh, ông nhận điện, đầu kia đường dây là tiếng con trai. Ông hỏi: “Có chuyện gì mà con gọi điện sớm thế?” Hỏi nhưng ông đã biết câu trả lời. Giọng
con khàn khàn, hình như vừa mới khóc. Ngô Hiểu nói: “Bố, con muốn gặp
bố.” Ông trả lời: “Được, để bố đi đón con, con đang ở đâu?”
Bình
thường, vào giờ này ông Thiên vẫn đang ngủ, cho nên ông không để ý mùa
hè trời sáng sớm hơn. Khi ông đánh xe đến tòa nhà mới của Ngân hàng
Trung Quốc ở phía tây đường Trường An vẫn chưa đến năm giờ. Ngô Hiểu và
Lâm Tinh ở trong một con ngõ cổ xưa gần đấy. Ở đây lúc này không có ai.
Ông đi qua cổng lớn xây theo kiểu khải hoàn môn, vào sân giữa, chung
quanh là Ngân hàng Trung Quốc. Mặt trời chưa lên khỏi đường chân trời,
tròi vẫn chưa sáng hẳn, là quá độ từ đêm sang ngày, đang dần dần chuyển
từ đậm sang nhạt. Ngô Hiểu đã đến. Trong sân giữa bức “tường thành”
ngoài bóng con trai ra, không còn một bóng người một âm thanh, giống như cảnh tượng hoang vu hùng vĩ của thời thượng cổ.
Ngô Hiểu đi tới, anh đứng bất động. Ông nhìn Ngô Hiểu không chớp mắt, cảm giác mấy bước
đường như dài vô tận, cuối cùng chỉ cách nhau gang tấc. Hai bố con chưa
ai lên tiếng, chỉ nhìn nhau và đã hiểu lòng nhau. Bên ngoài “tường
thành” là phố Trường An. Ô tô buổi sáng sớm phóng nhanh, tiếng bánh xe
rào rào như chấn động tâm linh, âm thanh ấy khiến ông Thiên cảm thấy
mình đang ở dưới đường hầm không gian khoa học viễn tưởng, bỗng trở về
với cuộc sống thanh bần vô lo hai mươi năm trước. Ngoảnh nhìn về quá
khứ, ông cảm thấy ấm áp, thấy người vợ trẻ và con thơ. Từ nhỏ, con đã tỏ ra đôn hậu, sống nội tâm, chân thật. Giọng nói của con trở nên thuần
thục và thô nặng từ lúc nào, giọng nói giống như trong máy ghi âm cho
chạy tốc độ chậm:
“Bố, bố giết người đấy à?”
Ông Thiên lắc đầu: “Không.”
Ngô Hiểu trầm mặc giây lát, lại hỏi: “Bố, bố có yêu con không?”
Mắt ông Thiên ướt nước: “Bố yêu con, con trai của bố.”
“Nếu con giết người, phạm tội, bố sẽ thế nào? Che giấu con hay giúp con chạy trốn, hay đưa con ra công an đầu thú, đại nghĩa diệt thân?”
Ông
Thiên cũng trầm mặc hồi lâu mới bình tĩnh trả lời con: “Bố sẽ khuyên
con, để con tự đến công an đầu thú. Sau đấy, bố sẽ mãi mãi, mãi mãi...
chúc mừng con!”
Thấy con trai nước mắt lưng tròng, ông hỏi ngược lại: “Còn con, nếu bố vướng vào chuyện ấy, con sẽ xử lý thế nào?”
Cặp môi Ngô Hiểu run run, giọng nghẹn ngào: “Nếu có thể che giấu, con sẽ
che giấu cho bố. Nếu có thể chạy trốn, con sẽ giúp bố nhanh chóng chạy
trốn, chạy đến một nơi rất xa, nơi không có người... Nếu, những việc đó
không thể, con sẽ khuyên bố, để bố đến công an... đầu thú! Sau đấy, sau
đấy, con sẽ mãi mãi, mãi mãi... chúc mừng bố!”
Mặt ông Thiên méo
xệch, nhưng không để nước mắt trào ra. Ông đi tới ôm con, ôm thật chặt!
Ông muốn nói: con ơi, bố có lỗi với con, muốn dặn con mấy câu, muốn để
lại lời chúc mừng cho con... nhưng ông không sao nói nên lời, mọi lời
nói lúc này đều tỏ ra thừa.
Ông buông tay ôm con trai, quay người lại, đi ra ngoài “tường thành.” Ông nghe thấy tiếng con nói sau lưng:
“Bố, con muốn giúp bố.” Đấy là câu cuối cùng của Ngô Hiểu nói với ông,
khiến nước mắt chảy ròng trên khuôn mặt. Ông không sao ngoảnh đầu lại
nổi. Ông từng bước từng bước đi trên đường Trường An. Bình minh trên
đường Trường An thật đẹp, không có người qua lại và cũng ít xe cộ. Hình
như đây là lần đầu tiên ông cảm nhận được vẻ rộng lớn của đường phố
Trường An lúc vắng vẻ. Rất nhiều sự vật thường gặp, vào một trường hợp
nào đó, khi ai đó thay đổi góc nhìn, mới phát hiện diện mạo và bản chất
vốn có của nó. Ô tô của ông lặng lẽ đứng bên đường, vào lúc thành phố
chưa tỉnh ngủ, sẽ không có ai đến hỏi han. Ông chui vào xe, dùng điện
thoại trên ô tô lần lượt gọi đến nhà ông Công, ông Tường, hẹn địa điểm
gặp nhau.
Ông cho xe chạy đến nơi đã hẹn. Ông muốn nghe nhạc, thử mở cassete trên xe. Quả nhiên đã có sẵn một băng nhạc, băng nhạc Ngô
Hiểu tặng ông cách đây ít lâu, trong đó có khúc nhạc saxo “Hẹn ước nơi
thiên đường” do anh ghi. Mở đầu bản nhạc là một giai điệu hết sức dịu
dàng, miêu tả thiên đường nơi mà mọi người vẫn tưởng tượng và mong đợi,
vừa bình dị lại vừa cao thượng. Đó là một khung cảnh giàu chất thơ, bình yên và chan chứa yêu thương. Ông nghĩ, đúng là thằng con ngoan, nó rất
nên và nhất định đến được khung cảnh đó!