Sự tín nhiệm triệt để giữa người với người là vô cùng khó khăn, ít nhất cũng cần một thời
gian dài. Rất nhiều người suốt đời không tín nhiệm một ai. Nhất là những người thành công hiển hách nhất thời sẽ càng có nhiều điều đáng ngờ hơn ai, chính đấy là nỗi buồn quyền thế. Chỉ xét một điểm này thôi, ông Ngô Trường Thiên, Chủ tịch tập đoàn Trường Thiên là người rất xứng đáng
được vui mừng. Sau công thành danh toại, ông vẫn được hưởng thụ sự thoải mái vui vẻ giữa đồng sự vây bọc mà không cần đề phòng. Trong vương quốc doanh nghiệp của ông, nhiều năm nay chưa xảy ra sự phản bội hoặc bất
ngờ làm phản, dù là rất nhỏ, có thể đấy là sự đền đáp tình nghĩa của mọi người.
Xét từ góc độ lập nghiệp, ông đúng là người thành đạt.
Hai mươi năm trước, ông xin thôi không giữ chức Trưởng phòng khoa học -
kỹ thuật của Cục Vệ sinh môi trường thành phố Cát Hải, nhận thầu nhà máy nhựa Cát Vệ, trong tay chỉ có năm ngàn đồng vốn lưu động, đã có công
đưa cái xưởng nhỏ chỉ hơn trăm người chuyên sản xuất một thứ sản phảm
cấp thấp là túi đựng rác trở thành tập đoàn Trường Thiên theo kiểu
Titanic có đến mấy chục doanh nghiệp nhỏ với gần hai trăm ngàn con
người. Nhất là từ năm kia, Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Trường
Thiên, con chủ bài của tập đoàn, lên sàn chứng khoán thành công, đại mưu lược trong nhiều năm và mơ ước của ông Ngô Trường Thiên, về cơ bản trở
thành sự thật.
Khi quyền lực, vinh dự, địa vị và lợi ích của một
cá nhân đã có, người ấy sợ nhất điều gì? Đó là sự cô đơn cùng theo đến.
Địa vị của ông Ngô Trường Thiên trong tập đoàn tuy được coi là duy ngã
độc tôn, nhưng thuộc hạ không vì thế mà kính nhi viễn chi. Với tín điều
đạo đức, nhân cách, tin dùng, tác phong thân thiện đối xử với nhân viên
trong tập đoàn suốt hai chục năm trời, ông được mọi người trong tập đoàn tôn sùng và yêu quý, thậm chí càng thân cận, càng gần gũi, quan trọng
hơn cả tôn sùng và yêu quý. Xuất phát từ tấm lòng, họ tuyệt đối phục
tùng. Nếu nói ông Ngô Trường Thiên là lãnh tụ anh minh của tập đoàn
Trường Thiên, ông không có gì phải ngượng. Tuy chưa bao giờ ông phát
động một cuộc vận động dưới bất cứ hình thức nào để tạo dựng hình ảnh,
uy tín của mình.
Buổi chiều, ông Ngô Trường Thiên dặn ông Lí Đại
Công - Giám đốc hành chính tìm giúp cậu con trai ông là Ngô Hiểu đã bốn
năm hôm nay không về nhà. Tuy là việc riêng nhưng ông Công điều động hơn chục nhân viên của Công ty tại Bắc Kinh, cùng sáu, bảy chiếc ô tô, chia thành mấy nhóm lùng sục khắp ngõ ngách, gọi mấy chục cuộc điện thoại
đến những nơi Ngô Hiểu có thể đến. Ai cũng tỏ ra nghiêm chỉnh, thành tâm thành ý. Ông Công vốn là tổ trưởng phụ trách hậu cần của xưởng nhựa Cát Vệ, theo ông Thiên hai chục năm nay. Cứ như khẩu khí của ông Thiên, tất nhiên ông Công hiểu, vị lãnh đạo này rất ít bận tâm về vai trò người
cha trong gia đình và cậu con trai Ngô Hiểu độc nhất, nhất định có việc
hệ trọng gì đây.
Suốt buổi chiều ông Thiên ngồi ở phòng đọc sách
trong biệt thự Kinh Tây, luôn cau mày, ông Trịnh Bách Tường- Phó chủ
tịch tập đoàn gọi điện đến, thông báo vị ủy viên cuối cùng trong Hội
đồng quản trị Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên đã đáp máy bay
vừa đến Bắc Kinh, đang trên đường đến khách sạn Trường Thành. Tối nay
Hội nghị Hội đồng quản trị có thể họp đúng giờ. Đấy là một tin tốt, vì
tối nay Hội đồng quản trị phải quyết định một vấn đề quan trọng. Các ủy
viên đến dự phải đủ số theo luật định. Nếu không, mọi việc đã được chuẩn bị kỹ đều phải hoãn lại, mà thời cơ thì không thể trì hoãn thêm. Luật
Chứng khoán của nhà nước Trung Quốc đã ban hành, có hiệu lực kể từ tháng Bảy. Đấy là tháng Bảy chết chóc mà các nhà tiên tri đã nói từ mấy trăm
năm trước. Ông phải thu gom đủ cổ phiếu đã lên sàn, từ mấy tháng trước
phải chuẩn bị chu đáo cho toàn chiến dịch, không để lộ tung tích dấu
vết. Thời gian không chờ ai, phải sớm khởi động mới có thể vừa kiên
quyết, quả đoán, lại như rất tự nhiên.
Ông biết vào lúc này ông
Bách Tường đang gặp mặt từng vị trong Hội đồng quản trị để bàn luận tham khảo lẫn nhau, trưng cầu ý kiến, tranh thủ sự đồng tình đối với kế
hoạch của ông ta. Lúc này ít ai biết tập đoàn Trường Thiên đang trong
thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử mà ông Bách Tường là một người
trong số đó. Ông vốn là Phó bí thư chi bộ Đảng của nhà máy nhựa Cát Vệ
năm xưa, đồng thời là một trong số những người sáng lập tập đoàn, bao
nhiêu năm nay là thành viên chủ yếu trong ê-kíp hạt nhân của ông Ngô
Trường Thiên. Cái sáng suốt của ông Thiên là ở chỗ dùng người. Ông không bao giờ cầu toàn đối với nhân viên dưới quyền, tùy người để sử dụng. Ví dụ, hai người Bách Tường và Đại Công cùng ở bộ đội về nhưng rất khác
nhau. Ông Công có thừa lòng trung thành, trí tuệ thì không đủ, xông xáo, thuộc loại hữu dũng vô mưu. Ông Tường từng qua đại học, thích đọc sách, biết nói biết suy luận, nhưng tự tư tự lợi, tính toán cho bản thân quá
nhiều, cống hiến cho người khác quá ít, so với ông Công thua kém nghĩa
khí, đấy cũng là do chênh lệch về trình độ văn hóa. Bản thân ông Thiên
coi như một trí thức, nhưng lại tin ở câu nói dân gian: trọng nghĩa là
kẻ làm thịt chó, phụ lòng đa phần là người có học. Hai con người này về
mặt giao tiếp xã hội cũng thể hiện rõ quy luật ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Ở nhà máy nhựa, ông Tường là cán bộ nhỏ nhưng thích làm quen với giới
tinh hoa trong xã hội như nhà báo, luật sư, nhà văn. Ông Công ngày nay
lên chức Giám đốc hành chính của Tập đoàn vẫn bù khú, nhậu nhẹt với đám
lái xe, bán hàng, tiếp xúc quen biết với những đối tượng tương đối phức
tạp. Nếu có ai yêu cầu ông ta kiếm cho một bao bột mì trắng, một khẩu
súng lục, chắc chắn sáng sớm mai ông ta sẽ đưa đến tận bàn làm việc. Hai năm trước, vì say rượu khoác lác với người khác rằng, “hắc đạo bạch
đạo, đạo nào cũng thông thạo”, bị ông Ngô Trường Thiên gọi đến phê bình. Làm đến cấp nào có cách nói năng của cấp đó, làm đến cán bộ cấp phòng
của tập đoàn còn nói những lời thấp kém như vậy, nhất là một vị nguyên
lão của Tập đoàn Trường Thiên, cận thần của Chủ tịch, rất dễ làm ảnh
hưởng không tốt đến hình ảnh ông Ngô Trường Thiên. Nhưng có lúc ông
Thiên lại nghĩ, là một đoàn thể, cuối cùng không thể thiếu một vài nhân
vật theo kiểu “Lí Quí” như vậy. Tất nhiên ông Tường là người toan tính
mưu lược phía sau để ông Thiên đứng trước ba quân. Nhưng gia đình ông
Thiên có việc gì, khó khăn cực nhọc hoặc những chuyện không muốn cho
người ngoài biết, ông không thể không nhờ đến ông Công có đầu óc tối tăm nhưng trung thành này.
Suốt cả buổi chiều ông Ngô Trường Thiên
ngập trong đống văn bản do thư ký đưa đến. Ông xem báo cáo hàng tháng
của công ty địa ốc, gọi điện thoại lên Thẩm Dương, phê bình Giám đốc
công ty đang dự hội nghị hiện trường. Ông rất ít khi nổi cáu trong điện
thoại. Sau đấy, trong khoảng thời gian ít ỏi, ông phải tiếp Giám đốc một công ty xây dựng Thâm Quyến, ông mới nở nụ cười xã giao thường thấy.
Công ty xây dựng kia muốn nhận một vài công trình của tập đoàn Trường
Thiên, ông ta cũng đã làm việc với những bộ phận hữu quan. Từ ngày thành lập tập đoàn, ông Ngô Trường Thiên ít khi tiếp những khách hàng nhỏ như thế. Nhưng hôm nay ông khách này được một nhân vật cấp cao giới thiệu,
cho nên ông không thể không tiếp.
Trong khi tiếp ông khách xây
dựng Thâm Quyến, đầu óc ông lại nghĩ đến cuộc họp Hội đồng quản trị tối
nay. Hội đồng quản trị của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên có
chín thành viên. Ngoài ông hôm nay “vắng mặt vì ốm”, trong tám vị còn
lại phải có năm phiếu đồng ý phương án phân chia lợi tức bằng tiền mặt,
kế hoạch của ông mới được thực hiện. Tập đoàn Trường Thiên là cổ đông
lớn của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên, tại hội nghị Hội đồng
quản trị sẽ có năm phiếu đa số. Theo ông Thiên phán đoán, ngoài ông ra,
hôm nay ông Tường thể nào cũng giành được sáu phiếu. Nếu tất cả đều
thuận lợi, chỉ trong vòng ba ngày sau khi công bố phương án lợi tức,
hàng vạn nhà đầu tư không đạt mục đích, nhìn cổ phiếu của Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên sụt giá sẽ tháo chạy tan tác. Đến khi các
công ty của tập đoàn dùng chiêu “thông đồng” sụt giá để thu hút đủ vốn,
ông với tư cách là người giữ cửa xuất hiện “dẹp loạn”, thay đổi phương
án phân chia cổ tức bằng cổ phiếu, kéo giá cổ phiếu lên cao, đánh xong
trận cổ phiếu cuối cùng của Công ty đầu tư - thương mại do ông phát
động. Có được tấm vé chuyến cuối cùng đầy khoang kết quả, dong buồm ra
đi, coi như ông không phụ lòng một trăm tám chục ngàn con người trong
tập đoàn Trường Thiên. Sau đấy, ông rửa tay gác kiếm, không còn dính
dáng gì đến những lo toan nghi ngờ trên thị trường cổ phiếu nữa. Ông vốn là người tay không chơi cổ phiếu, thiếu hẳn tâm lý thích ứng. Ông vẫn
thích thành thật đầu tư kinh doanh, kinh doanh sản phẩm của mình, sống
như vậy sẽ thanh thản hơn. Với triết lý xử thế của ông, ông không muốn
lấy mạnh đè yếu, để hai bàn tay mình dính máu của những người vô tội. Bi kịch của những con người ấy ở chỗ, họ hy sinh oanh liệt khi đã bắn đến
viên đạn cuối cùng mà vẫn không biết mình đánh ai.
Đưa tiễn ông
khách Thâm Quyến đi rồi, ông gọi thư ký vào pha cho ông một cốc trà Quân Sơn Ngân Trân thật đặc. Ông nhìn những cánh trà như đang nôn nóng áp
chế hơi nóng của nước, tỏ ra rất nặng nề nhưng lại âm thầm. Trà này ngọn dài và dày, lâu ngấm, phải yên tâm chờ đợi. Thư ký lại đưa vào một tập
giấy tờ xin chữ ký, đặt lên cái bàn làm việc rất lớn, ông để nguyên
không đụng đến. Người thư ký gãi đầu, rất thận trọng báo cáo lại những
cú điện thoại nhận được trong buổi chiều nay, xin ý kiến ông trả lời thế nào. Ông như nghe như không, không trả lời thẳng câu hỏi:
“Bác Công về, bảo vào tôi gặp ngay.”
“Dạ, bác Công chưa về, có thể đang đi tìm anh Hiểu.” Người thư ký trả lời.
Ông Thiên chỉ hỏi một câu rồi im lặng, người thư ký không chờ ông trả lời,
anh lùi ra. Ông nhìn trời chiều ngoài cửa sổ, trong lòng lại nghĩ chuyện khác. Chuyện lớn còn hơn cả cuộc họp Hội đồng quản trị tối nay, liên
quan đến vị trí của ông trong tương lai, quan hệ đến cả sự nghiệp, liên
quan cả đến... Theo ông, chuyện lớn quan hệ đến số phận của Tập đoàn
Trường Thiên sắp tới.
Đấy là chuyện, thân phận của ông, thân phận của tập đoàn Trường Thiên, giữa ông và tập đoàn Trường Thiên là quan hệ gì.
Hai mươi năm trước, khi tiếp nhận xưởng sản xuất đồ nhựa, cái xưởng nhỏ
nhưng nợ chồng chất, tài sản là số âm. Cát Vệ hồi ấy như một đứa trẻ
chết không ai muốn nhận. Theo quan niệm tài vụ trên thực tế đấy là một
doanh nghiệp đã phá sản. Có điều lúc ấy cả nước chưa có một doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản để làm hình mẫu cụ thể. Chính ông Ngô Trường Thiên đã cứu sống đứa trẻ, nuôi nó lớn thành một người không lồ hiện nay.
Ngày nay xã hội phát triển, ba yếu tố để doanh nghiệp lập thân đúng là
ba điều hấp dẫn mọi người vào thời đó: khoa học - kỹ thuật, vốn và quyền lực. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ ba điều ấy mới có thể sinh ra thành
tích vĩ đại của một doanh nghiệp. Trong quá khứ, điều để ông Ngô Trường
Thiên cảm thấy kiêu hãnh chính là tự ông đã có được sự kết hợp ấy. Doanh nghiệp Trường Thiên dựa vào khoa học - kỹ thuật để vươn lên, dựa vào
khoa học - kỹ thuật để tích lũy vốn ban đầu. Trong vòng hai mươi năm sau đấy, Tập đoàn nhanh chóng mở rộng nguồn vốn là cơ sở vững chắc để ông
làm bất cứ việc gì. Về quyền lực, lẽ nào ông không có quyền lực? Nếu nói trong Tập đoàn Trường Thiên, ông không có quyền lực chỉ là câu nói hài
hước thuần túy. Công lao, khí phách, năng lực và phẩm chất vì mọi người
của ông khiến ông trở thành lãnh tụ kiểu Mao Trạch Đông trong vương quốc của mình. Ông có đủ quyền uy và sự sùng bái cần thiết. Khi cấp dưới của ông học cách Lâm Bưu “theo gót” Mao Trạch Đông hồi xưa, nói: Đối với
chỉ thị của ông Ngô Trường Thiên, hiểu phải chấp hành, không hiểu cũng
phải chấp hành, trong lúc chấp hành sẽ hiểu sâu hơn, tất nhiên không
phải là chuyện hài hước, mà là chân thành ủng hộ. Không ai nghĩ được
rằng, sau hai mươi năm Tập đoàn Trường Thiên phát triển, bỗng ông Ngô
Trường Thiên nhận ra quyền lực của mình chỉ là ảo giác hùng vĩ trước
mắt, là cái bóng đảo ngược bỗng lớn bỗng bé, bỗng có bỗng không tùy theo sự xê dịch lúc lên cao lúc xuống thấp của ánh mặt trời.
Câu
chuyện bắt đầu từ giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi ông lấy
cái tên Trường Thiên thành lập Công ty đầu tư - thương mại Trường Thiên - công ty nền móng của cả Tập đoàn Trường Thiên, để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế khu công nghiệp Cát Hải, ông đăng ký tên công ty Trường
Thiên vào Cục Tài chính của khu công nghiệp. Dù sao thì hàng năm, Cục
này cũng chỉ thu tiền quản lý, không hỏi han gì về hoạt động kinh doanh
của ông, cũng không hỏi đến việc di chuyển nhân sự, vật tư, tài chính,
mọi chuyện trong doanh nghiệp đều do ông làm chủ. Tuy các công ty con
của Trường Thiên nằm rải rác ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và nhiều thành phố khác ở Đông Bắc, nhưng ông đăng ký chúng ở khu công nghiệp
Cát Hải. Thời gian ấy có trăm phương ngàn kế để được hưởng chính sách ưu đãi. Bây giờ thì Trung ương quyết định chính quyền các cấp không được
quản lý các doanh nghiệp trực thuộc. Mấy tuần trước ông Cục trưỏng Tài
chính của khu công nghiệp tìm ông để bàn bạc, chuẩn bị chuyển quan hệ
của Tập đoàn Trường Thiên sang cho Tổng công ty đầu tư của khu công
nghiệp. Ngay lúc ấy ông sững sờ hồi lâu không nói được câu nào. Tập đoàn Trường Thiên là của ông, nhà nước không bỏ một đồng vốn. Tay trắng ông
xây nên lâu đài, mỗi ngày xây lên một ít. Ông không cần chuyển sang Công ty đầu tư nào hết, lẽ nào ông cần một bà già quản lý ông? Để rồi có một cấp trên bổ nhiệm ông? Để rồi sau ít năm đưa ông về hưu một cách sĩ
diện? Khi ông cầm đồng lương hưu bước ra khỏi vương quốc tự tay ông gian nan khổ cực dựng lên, đồng thời không còn chút quan hệ nào với nó, ông
sẽ là một vĩ nhân cao thượng hay là thằng ngốc của lịch sử?
Đúng
vậy, quan hệ giữa ông và chính quyền chỉ là sự nhờ vả. Quá trình phát
triển của tập đoàn Trường Thiên đã chứng minh rõ ràng mấy tỉ vốn liếng
của Trường Thiên được tích lũy từng li từng tí thế nào. Ông Bách Tường
nói đúng, thiên hạ là do chúng ta tạo dựng, nhưng khi tạo dựng chúng ta
quên dựng ngọn cờ. Tài khoản chúng ta kiếm về, tiền chúng ta kiếm về,
nhưng không làm bất cứ thủ tục cá nhân góp vốn. Cho nên, về mặt pháp lý, mỗi một viên gạch, mỗi một cỗ máy, mỗi một đồng của Tập đoàn Trường
Thiên đều là của nhà nước. Còn anh, người sáng lập Tập đoàn Trường
Thiên, đang đối diện với một đơn vị cấp trên về tiếp quản tài sản, khảo
sát cán bộ, tổ chức học tập chính trị, tiến hành đủ loại thanh tra. Mỗi
một đồng thu nhập của anh đều phải báo cáo rõ ràng. Mỗi một thước vuông
nhà ở của đều phải đăng ký, vượt quá quy định phải trả lại, xe cộ, điện
thoại đều dùng trong khuôn khổ công vụ, vượt chi phải bỏ tiền túi ra...
Nhưng những điều đó chưa phải là quan trọng. Có thể kể từ ngày nhận cái
xưởng Cát Vệ rách nát, chưa bao giờ ông nghĩ đến hưởng thụ. Quan trọng
là bao nhiêu ngón nghề kinh doanh của tập đoàn Trường Thiên đều phải
được tập thể thảo luận, phải xin ý kiến cấp trên. Mọi sự điều động hoặc
miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đều bị hạn chế bởi rất nhiều quy định.
Tất cả không còn tùy cơ ứng biến, không thể nhanh chóng kịp thời quyết
định. Anh không thể hàng ngày chỉ nghĩ đến kinh doanh và sản xuất, tiêu
thụ và kỹ thuật, mà ít nhất một nửa sức lực và tinh thần nhằm tạo nên tư thế chính trị theo sát tình hình, tạo cho mình đủ loại mặt nạ tư tưởng
và hành động; anh phải chiều chuộng bà dì cấp trên, lấy lòng bí thư đảng ủy do cấp trên cử về và tranh giành quyền lợi với cấp phó; phải lôi kéo bè phái, để tạo ấn tượng có “quần chúng cơ bản” đối với các quan chức
thanh tra; anh phải quảng giao đoàn kết với các bà dì, đến lúc ấy khó mà đếm hết các bộ phận chủ quản: tổ chức , tuyên truyền, kế hoạch, kiểm
tra - kỷ luật, lao động tiền lương, thậm chí công đoàn, thanh niên, phụ
nữ... Anh không còn là người chỉ huy, người đưa ra quyết sách độc lập
của doanh nghiệp, chẳng qua chỉ là một cán bộ được bổ nhiệm mà mọi lúc
mọi nơi phải quan sát vẻ mặt thượng cấp, tuân lệnh tuyệt đối. Những kết
quả ấy có chung từ một nguyên nhân, tài sản của Trường Thiên, về mặt
pháp lý, không còn là của anh.
Ông Ngô Trường Thiên là người bước ra từ cơ chế đó. Ông khó quen với đặc điểm và quy tắc đó. Ông nghĩ, nếu từ đây ông không có quyền quyết định gì nữa, thậm chí nếu còn phải hao
tổn vô ích tinh thần và sức lực với ông bí thư do cấp trên cử về và ông
phó giám đốc, vậy ông coi như xong, Tập đoàn Trường Thiên cũng coi như
xong.
Ông lập tức phải hành động bảo vệ thành quả của mình. Thoạt đầu, ông vạch phương án cổ phần hóa Tập đoàn: ngoài việc bán phần lớn
cổ phần của Công ty đầu tư - thương mại, còn gọi vốn đầu tư vào các
doanh nghiệp cốt cán khác của Tập đoàn, tạo thành các công ty trách
nhiệm hữu hạn của nhiều nhà đầu tư, nhằm tăng thêm màu sắc xã hội của
những công ty này, thoát khỏi sự khống chế của Tổng công ty đầu tư đối
với Tập đoàn Trường Thiên. Nhưng phương án này đi vào thực thi vô cùng
phức tạp, cần phải có thời gian. Hơn nữa, xét đến cùng, ông không có cổ
phần cá nhân trong đó. Những năm gần đây ông có quyền lực đối với các
công ty, nhưng không động não để cá nhân phát tài dẫn đến giàu có. Sự
trong sạch liêm khiết của ông được cấp trên công nhận. Mọi khoản thu chi tài chính, vật tư đều theo đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch. Ông Chử Thời Kiện của tập đoàn Hồng Tháp tỉnh Vân Nam tham ô đến tàn bạo, không hề nghĩ ngợi. Thứ nhất, phẩm cách của ông không như
thế. Thứ hai, có thể ông không nghĩ rằng vào một năm nào đấy, một tháng
nào đấy, một ngày nào đấy lại có một Tổng công ty đầu tư bỗng từ trên
trời rơi xuống, trùm lên đầu ông, trở thành chủ nhân pháp định đối với
tài sản của ông. Hiện tại tài khoản cá nhân của ông ở ngân hàng chỉ có
hơn tám triệu đồng do ông bán cái xưởng may rất khá của vợ ông đã tần
tảo gây dựng, sau khi bà qua đời. Về tình hay về lý, khoản tiền này
thuộc về Ngô Hiểu, cậu con trai duy nhất của ông. Bởi đó là tài sản của
mẹ anh để lại cho anh. Ông Thiên không nghĩ đấy là khoản tiền lớn. Ông
cho rằng một khi ông nhắm mắt xuôi tay, ông để lại cho con một tài sản
trị giá cả tỉ, thậm chí chục tỉ. Ông buồn vì cậu con trai không biết từ
lúc nào đâm say mê cây kèn saxophone, từ đấy không còn nghe theo sự
hướng dẫn khuyên bảo của ông, không còn hứng thú học hỏi nghề quản lý
kinh doanh. Con có nối nghiệp cha hay không trở thành nội dung chủ yếu
của những cuộc tranh luận giữa hai cha con trong những năm gần đây. Một
năm trước, Ngô Hiểu không hỏi ý kiến cũng không báo trước, bỗng dưng bỏ
đại học Công nghiệp, tham gia ban nhạc nghiệp dư chỉ có thể biểu diễn ở
các quán bar. Xung đột cha con lên đến đỉnh điểm. Ông Ngô Trường Thiên
có thể chỉ huy thiên binh vạn mã trong Tập đoàn nhưng không bảo nổi cậu
con trai. Nhất là từ sau khi vợ qua đời, đối với con, ông không sao cứng rắn nổi.
Ông đã từng nghĩ đủ cách, tự cho mình không có ý thức
nông dân phong kiến, phải để lại cho con cháu vàng bạc châu báu, ruộng
vườn nhà cửa mới có thể nhắm mắt nổi. Mấy chỗ ở hiện tại của ông đều là
tài sản của công ty chưa làm thủ tục chuyển sang cá nhân, khi đương chức có thể ở, về hưu phải trả lại. Ông cũng chưa bao giờ cho ban nhạc của
con trai lấy một đồng tài trợ, ngoại trừ ban nhạc cướp mất con ông. Ông
cũng không chủ trương con mình không lao động mà có cơ ngơi, ngồi hưởng
ân trạch của cha để lại, vì như vậy cũng bất lợi cho sự trưởng thành của con trai. Bây giờ ông đang tìm cách không để tập đoàn công ty trở về
với cơ chế nhà nước. Điều này không chỉ vì một mình ông, mà cũng vì mấy
anh em bao năm nay cùng hội cùng thuyền chịu đựng gió mưa. Ông không thể để mọi người cởi bỏ bộ đồ cán bộ, đi chân đất xuống biển, xông vào sóng to gió lớn, sau đấy lại lên bờ mặc bộ đồ cũ vào người, như vậy liệu có
cần phải lội bùn vất vả?
Trước hôm về Bắc Kinh lần này, ở Cát Hải ông có nhã ý mời ông Mai Khởi Lương, Bí thư Thành ủy và vợ cùng ăn bữa
cơm. Ông rất quen ông Bí thư này. Trong bữa ăn có thể theo cách nói
chuyện thân tình, nói về chiến lược phát triển từ nay về sau của ông,
rồi chuyển dần câu chuyện sang Tập đoàn Trường Thiên. Ông Lương là người cũ của Cát Hải. Lúc ông Thiên xin thôi việc ở Cục Môi trường ra ngoài
làm việc, ông Lương là cán bộ tuyên huấn của Sở Giao thông - Công
nghiệp, tuổi tác, cấp bậc cũng như ông Thiên. Trong quá trình ông Thiên
ra khỏi biên chế làm nhà máy thậm chí sau đấy doanh nghiệp Trường Thiên
đăng ký nhờ vào Cục Tài chính khu công nghiệp, ông Lương đều biết rõ.
Trong những năm đó, ở Cát Hải, Tập đoàn Trường Thiên nộp thuế thuộc loại nhất nhì, quan hệ cá nhân giữa ông và ông Lương cũng rất tốt. Cho nên
ông Lương nhiệt tình ủng hộ mọi việc của Tập đoàn Trường Thiên. Trong
bữa ăn hôm ấy họ bàn chuyện Tập đoàn Trường Thiên sẽ về đâu, thái độ của ông Lương hết sức cởi mở.
“Trước tiên phải nghe ý kiến của anh.” Ông Lương nói: “Tập đoàn Trường Thiên một tay anh dựng nên, anh thấy cơ chế nào thích hợp với nó? Anh là người có quyền phát ngôn.”
Ông
Lương rất thành khẩn và tỏ ra thông cảm, có tác dụng khơi gợi đối với
ông Thiên. Uống thêm vài ly rượu, ông Thiên vốn cẩn thận, không biết tại sao, nói một câu chưa nghĩ chín lắm: “Anh rõ rồi đấy, Tập đoàn Trường
Thiên là do tôi gom góp dựng nên, đăng ký nhờ Cục tài chính là yêu cầu
của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa thời ấy. Bây giờ thì kịch giả hóa thật,
trở thành tài sản của nhà nước, nhà nước không có đồng nào đầu tư vào
đấy.”
Nói xong, ông lập tức thấy hối hận, vì sắc mặt ông Lương
bỗng sa sầm, im lặng trầm tư, làm cho hơi men trong ông nguội đi. Ông
thử nói lại:
“Tất nhiên, bao nhiêu năm nay mọi việc kinh doanh
của tập đoàn tôi vẫn để ở Cát Hải, không có gì thay đổi, ấy là vì Thành
ủy và Chính quyền dành sự ủng hộ to lớn đối với tôi. Tôi phải có chút gì cống hiến cho Cát Hải. Anh biết rồi đấy, thành phố yêu cầu tôi cung cấp tiền, cung cấp người, bảo tôi làm việc gì, chúng tôi có bao giờ từ
chối? Tài sản của Tập đoàn cho dù thuộc tính chất nào, tôi đối với Thành ủy, đối với Ủy ban, về nguyên tắc vẫn kiên định.”
Lúc này ông
Lương mới gật đầu: “Anh là hộ kinh doanh đóng thuế lớn nhất ở Cát Hải,
tất nhiên Thành ủy, Ủy ban ủng hộ anh. Đầu não của Trường Thiên vẫn để ở Cát Hải là chính xác, Cát Hải tạo điều kiện và chính sách cho anh, đi
nơi khác chưa chắc đã có. Nói về tính chất, quá trình lịch sử của Tập
đoàn, mọi người đều biết, nhưng cách nhìn nhận lại không nhất trí như
vậy. Các anh không dựa vào đầu tư của nhà nước, tay trắng dựng nhà, gian khổ lập nghiệp. Tinh thần ấy, lịch sử ấy, mọi người đều công nhận.
Nhưng lúc bấy giờ là cấp dưới của Cục Vệ sinh môi trường, sau đấy lại
đăng ký vào Cục Tài chính khu công nghiệp, coi như doanh nghiệp trực
thuộc cục này. Tuy chính quyền không bỏ vốn vào đấy, nhưng chính sánh
dành cho anh lúc đó chính là sự giúp đỡ, đối xử giống như một doanh
nghiệp nhà nước. Tất nhiên, về góc độ tiền đầu tư, làm rõ ra tài sản của tập đoàn Trường Thiên là của anh, điều này không phải không có lý. Sau
Đại hội mười lăm, Trung ương cũng đề xuất phải làm rõ quan hệ quyền sở
hữu tài sản của doanh nghiệp, đề xướng doanh nghiệp đi theo con đường cổ phần hóa. Nếu anh có một cổ phần trong tập đoàn Trường Thiên, với tính
tích cực của anh cũng có cái tốt đối với sự phát triển của Tập đoàn
Trường Thiên. Nhưng mà, cổ phần là một vấn đề phức tạp, phải căn cứ vào
luật pháp. Tóm lại ý kiến cá nhân của tôi đối với việc này vẫn có thể
thảo luận,... vẫn có thể thảo luận.”
Ý kiến nửa sáng nửa tối,
phải trái như nhau, vừa không mất nguyên tắc, lại có thể biến hóa, ông
Thiên cứ lật đi lật lại, suy nghĩ hồi lâu. Có lúc thấy khó gỡ, có lúc
lại thấy chút hy vọng, chợt ông cảm thấy có ngầm ý gì đây, phân tích
thêm lại thấy không rõ nội dung chủ yếu là gì. Một chút ánh sáng duy
nhất để lại cho ông là, câu kết thúc nhắc lại hai lần “vẫn có thể thảo
luận”. Chỉ có câu nói ấy để lại cho ông chút hy vọng, tuy ông Lương
không nói không gian có thể thảo luận lớn đến mức nào.
Sau bữa
cơm ấy với ông Lương, ông Thiên vội vã về Bắc Kinh. Mọi người cứ tưởng
ông về Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc họp Hội đồng quản trị Công ty đầu
tư - thương mại Trường Thiên, thật ra là không phải. Cuộc họp của Hội
đồng quản trị ông giao cho ông Bách Tường chuẩn bị. Ông chỉ đứng đằng
sau điều khiển những khâu quan trọng nhất. Mấy hôm nay ngoài cuộc tiếp
vị khách xây dựng của Thâm Quyến ra, ông đều đóng cửa không tiếp một ai. Cuộc họp Hội đồng quản trị tối nay, ông cũng cáo ốm không dự. Suốt ngày ông làm việc với thanh tra tài chính của Tập đoàn, có lúc tiếp riêng
vài vị cán bộ có liên quan trong chính phủ ngay tại văn phòng. Tuy ông
Lương bày tỏ thái độ quyền sở hữu tài sản của tập đoàn Trường Thiên phải theo luật pháp. Nhưng không phải vì thế mà ông không có sự chuẩn bị.
Phải chuẩn bị về luật pháp, chính sách, tài chính, lý luận, quá trình
lịch sử... tất thảy phải chuẩn bị. Chuyện này ông chỉ nghiên cứu với cán bộ phụ trách tài chính và luật pháp của Tập đoàn. Ngoài ra còn có Phó
chủ tịch tập đoàn Trịnh Bách Tường và Giám đốc hành chính Lí Đại Công
biết mà thôi. Đối với ông Tường, ông Thiên cho riêng ông mười phần trăm
cổ phần. Với ông Công và mấy người cũ của Tập đoàn, tuy không cụ thể,
nhưng vẫn thể hiện nhân cách của ông Thiên. Ông với họ có phúc cùng
hưởng, có khó khăn cùng gánh vác, có thua thiệt cùng chịu, có vinh quang cùng chia sẻ, không để họ thiệt.
Chuyện lớn số một, chuyện lớn
có liên quan đến tồn vong, lặng lẽ khởi động vào những ngày rét nhất
trong mùa đông cuối cùng của thế kỷ, ngay trong thư phòng nho nhỏ của
ông Thiên. Có thể tâm trạng bức xúc của ông cũng là tâm trạng cuối thế
kỷ. Trong lòng ông cảm thấy kì hạn của một thời đại đến gần, rất muốn
trước khi thế kỷ mới bắt đầu phải giải quyết xong xuôi. Trong số những
người hiểu ông, chỉ có ông Công không tham gia nghiên cứu và hành động
cụ thể. Ông ta làm tốt việc chăm lo đời sống, sắp xếp xe cộ cho mọi
người và chu tất sự vụ hành chính hậu cần, gồm việc suốt cả chiều nay
tìm kiếm Ngô Hiểu.
Gần chín giờ Ngô Hiểu mới xuất hiện ở quán bar nơi anh sẽ biểu diễn. Ông Công đưa anh về biệt thự Kinh Tây, lúc ấy đêm đã khuya, đường phố đã yên tĩnh. Từ đáy sâu lòng mình, ông Thiên rất
yêu thương cậu con trai này, tình thương ấy khó mà diễn tả bằng lời lẽ.
Những lúc bận với việc giấy tờ, ông bỗng nhớ đến con. Cậu con trai là
đối tượng duy nhất để ông nhớ đến gia đình, nhớ đến người vợ đã quá cố.
Cho dù giữa cha và con không có tiếng nói chung, khoảng cách trong đời
sống thường ngày cũng cách xa.
Ngô Hiểu nằm trên giường. Cái
giường và căn phòng rất sạch sẽ. Tuy ông Thiên không cho chị giúp việc
thu xếp căn phòng của con trai, nhưng căn phòng này cũng như áo quần anh mặc trên người luôn luôn gọn gàng, sạch sẽ. Nếp sống chỉn chu này khác
hẳn với thứ âm nhạc và thói quen đang thịnh hành. Thấy bố vào, anh ngồi
dậy, vẻ mặt vẫn không thay đổi. Ông Thiên định gọi con vào phòng khách,
nhưng do dự giây lát, rồi thôi. Ông để hộp nhạc cụ của Ngô Hiểu sang một bên, ngồi xuống sofa. “Con vẫn ở ban nhạc ấy à?” Ông hỏi.
“Vâng.” Ngô Hiểu cầm chai nước khoáng trên cái tủ để đầu giường, ngửa cổ lên uống.
“Việc quay MTV đã có tài trợ chưa?”
“Đang tìm ạ.”
Ông Thiên trầm ngâm giây lát, không biết sẽ nói gì tiếp theo. Ngô Hiểu hỏi:
“Bố, bố tìm con có việc gì?”
Nói chuyện với con, ông vẫn giữ cái giọng uy nghiêm chẳng qua là vì thói
quen. Thật ra trong lòng ông chứa chan yêu thương mỗi khi đối diện với
con trai. Ông hỏi: “Gần đây con có gặp cô Mai San không, con có đi tìm
cô ấy không?”
Ngô Hiểu hỏi lại: “Con tìm cô ấy làm gì?”
Ông Thiên nói: “Lần trước con và cô ấy, cả mẹ cô ấy nữa, cùng đi du lịch
Hồng Kông, con với cô ấy rất thân nhau cơ mà? Thế nào, không quan hệ với nhau nữa à?”
Ánh mắt của Ngô Hiểu thoáng chút nghi ngờ. Không
phải vì bố hỏi câu ấy, mà vì khi hỏi, khuôn mặt ông tỏ ra dịu dàng lạ
kì. Ngô Hiểu nói: “Vẫn quan hệ đấy chứ, nhưng rất ít.”
Ông Thiên
gật đầu, nói: “Lần này, trước khi rời Cát Hải, bố mời bố mẹ cô San ăn
cơm. Bà ấy nói với bố, cô San rất thích con. Không biết ấn tượng của con đối với cô ấy thế nào. Cô ấy hiện tại đang ký hợp đồng với một công ty
người mẫu, con có thể tiếp xúc với cô ấy. Mẹ cô ấy muốn con ở Bắc Kinh
chú ý giúp đỡ cô ấy.”
Ý của bố đã rõ ràng. Ngô Hiểu không hiểu vì bản tính ngây thơ hay cố tình làm ra vẻ ngớ ngẩn, trả lời rất tự nhiên: “Không sao, bố cứ nói với ông bà ấy, cô San có chuyện gì cứ tìm con,
nhất định con sẽ giúp.”
Ông Thiên suy nghĩ hồi lâu, không hiểu
tại sao lại nói rõ thêm. Hôm nay ông phải có được thái độ rõ ràng của
con trai. Ông hỏi, không khỏi để lộ ý đồ: “Cô San... ấn tượng của con
đối với cô ấy thế nào?”
Ngô Hiểu chưa kịp trả lời, ông lại hỏi:
“Ở Hồng Kông, bố thấy cô ấy rất tốt với con. Bà ấy nói, cô ấy một thân
một mình ở Bắc Kinh dự thi người mẫu, phần lớn là vì con. Chuyện này lẽ
ra mẹ con nói với con. Nhưng bây giờ bố vừa làm bố lại vừa làm mẹ, không thể không lo chuyện này cho con.”
Mặc dù đằng sau câu nói ẩn
chứa thương cảm, nhưng Ngô Hiểu nghe, ánh mắt vẫn tỏ ra bình thản, lời
lẽ từ cửa miệng anh chưa bao giờ tỏ ra sắc lạnh:
“Bố, có phải ông Dương Bạch Lao mượn tiền của địa chủ Hoàng Thế Nhân, nên phải đem Hỉ Nhi đến gán nợ?”[1]