Hiệp Giả Hệ Thống Dị Giới Hoành Hành

Chương 87: Chương 87: Tiên Thiên Từ Hiền, cưỡng cầu cơ duyên




Vật phẩm:【Tiên Thiên Đan】

Loại hình: Đan dược

Phẩm chất: Tuyệt Phẩm

Kỳ trân khó tìm, dược phương đã thất truyền từ lâu, được luyện chế từ 99 loại nguyên liệu khác nhau, trong đó có tám nguyên liệu Hi Hữu và một loại chủ dược Tuyệt Phẩm.

Người dùng đan này nếu là võ tu Tiên Thiên cảnh, chưa mở đủ tám mạch thì lập tức được tăng một tiểu cảnh giới, không có tác dụng phụ, nhưng cả đời chỉ được dùng một viên duy nhất, nếu dám uống viên thứ hai, tắc thì bát mạch đông cứng, chờ qua mười năm mới có thể khai thông trở lại.

Người dùng đan này nếu là võ tu Hậu Thiên cảnh, sau khi uống vào sẽ tạm thời tiến giai Tiên Thiên trong một khắc đồng hồ, mở được bao nhiêu mạch hoàn toàn phụ thuộc vào vận khí.

Hậu Thiên cảnh không bị giới hạn số lần phục dụng, nhưng sau khi tiến giai Tiên Thiên thì không dùng được nữa, dược hiệu đã trở nên vô dụng.

*Chú: Võ tu Hậu Thiên mỗi lần dùng【Tiên Thiên Đan】, chờ dược hiệu qua đi sẽ được cường hóa một trong kỳ kinh bát mạch. Sau khi uống đủ 8 viên, tốc độ luyện khí đại chu thiên sẽ được tăng 8 thành.

__________________________________________________________________

Chỉ cần cắn thuốc đủ nhiều, một con heo cũng có thể thành tiên.

Lời này chưa được kiểm chứng, nhưng cũng có vài phần đạo lý trong đó.

Có vẻ như vận khí tốt lành của Từ Hiền vẫn chưa qua, khi nãy thì may mắn trúng được võ học Tuyệt Phẩm… mặc dù quyển bí tịch ấy rõ là một cái tát vào mặt hắn, nhưng vẫn là Tuyệt Phẩm.

Sau khi phục dụng【Tiên Thiên Đan】, số mạch mà hắn mở được là…

Tám.

Nhâm, Đốc, Xung, Đới, Âm Kiêu, Dương Kiêu, Âm Duy, Dương Duy.

Kỳ kinh bát mạch, mỗi một mạch được khai thông đều sẽ có thần hiệu riêng biệt, nhưng là gì thì hãy chờ Từ Hiền chính thức đặt chân Tiên Thiên rồi biết cũng không muộn.

Lúc này chỉ thấy thân ảnh của hắn đã tiếp cận xe ngựa của Bao Ngạo Thiên, Phi Hiệp đao đột ngột tuột ra khỏi tay áo, không nói không rằng chém ngang một nhát, tia lửa bắn lên, cái lưỡi liềm rỉ sét một lần nữa bị chặn lại.

Công Tôn Thư trước đó đã kéo công tử nhà mình đứng dậy, chẳng quản bùn đất dính trên y phục, hai người nhanh chóng lùi ra phía sau lưng Từ Hiền.

Bao Ngạo Thiên trong lòng thầm cảm tạ ân cứu mạng của hắn, nhưng vì câu nói trước đó của Từ Hiền, ngoài miệng y lại bảo rằng:

“Thích làm gì là chuyện của ta, ngươi quản quá nhiều rồi!”

Nói xong còn hừ một tiếng, tỏ vẻ ghét bỏ. Công Tôn Thư gặp vậy chỉ có thể cười khổ, chắp tay cáo lỗi:

“Tạ ân cứu mạng của thiếu hiệp, công tử nhà ta miệng ác nhưng tâm thiện, mong thiếu hiệp rộng lượng bỏ qua cho, Công Tôn Thư này xin thay ngài ấy nhận lỗi với ngươi.”

“Tiên sinh quá lời, đồng ngôn vô kỵ, tại hạ sao lại vì đó bận tâm.”

Từ Hiền thong dong nở nụ cười, vừa nói vừa đưa tay búng văng ngọn liềm muốn cắt vào cổ mình, đầu ngón tay tựa như đúc bằng sắt thép, chẳng hề biết đau đớn là gì.

Bao Ngạo Thiên cảnh giới thấp kém nên không rõ, nhưng hắn và Công Tôn tiên sinh đều thấy được chủ nhân của cây liềm chính là một đứa bé mới bảy, tám tuổi.

Từ Hiến biết nó hẳn là Sát Đồng trong lời kể của Ngô Tam Âm, Công Tôn Thư cũng đủ tài trí để đoán được cỗ máy giết người mà hắn nói đến chính là nó.

Vì phát hiện này mà tâm tình của y có phần nặng nề, nhưng đồng thời cũng dở khóc dở cười vì câu nói trước đó của Từ Hiền.

‘Nếu ngươi thật không bận tâm, có thể đừng gián tiếp mắng công tử nhà ta là trẻ con không hiểu chuyện được không? Trông diện mạo ngươi có khi còn kém y vài tuổi đấy.’

Vẻ ngoài của Từ Hiền cùng lắm hai mươi. Theo Công Tôn Thư, nếu như Từ Hiền không sử dụng thủ đoạn trú nhan nào, thì với trình độ võ đạo mà kẻ này đang thể hiện ra, bản lĩnh của hắn thực sự có thể coi là siêu việt hơn người, trăm năm có một.

Nếu có thể thu phục kỳ tài bậc này về dưới trướng, ắt hẳn công tử nhà y sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, tiếng nói trong gia tộc cũng có trọng lượng hơn.

Công Tôn tiên sinh dám chắc tám chín phần Từ Hiền chính là cơ duyên của Bao Ngạo Thiên, chỉ là…

‘Nếu cơ duyên này chỉ đến như thế, vậy cái giá ta bỏ ra là đáng sao?’

Trước đó y đã nói với Bao Ngạo Thiên rằng mình bấm quẻ tính được cơ duyên, thực ra đó chỉ là một lời nói láo.

Cơ duyên là có, nhưng nào có thể chỉ cần bấm tay mấy cái là ra, ẩn tình trong đó rắc rối, phức tạp hơn vậy nhiều.

Này phải bắt đầu từ việc tiên tổ nhà Công Tôn sáu trăm năm trước gặp phải một vị chân nhân, được ngài truyền cho một quyển cổ tịch ghi chép về bí thuật tầm duyên đổi vận, trong đó có hai bước:

Thứ nhất, bằng cách lấy sáu trăm năm phúc ấm tích lũy qua nhiều đời làm tế phẩm, Công Tôn Thư dựa vào bí pháp trong cổ tịch mà tính ra được cơ duyên của Bao Ngạo Thiên nằm ở góc Đông Nam cửu châu.

Phải, y chỉ có thể tính cho người khác mà không thể tính cho bản thân, tiêu hao phúc trạch nhà mình nhưng kẻ được lợi lại là người ngoài.

Tổn kỷ lợi nhân, đây có lẽ là hình phạt mà trời xanh gieo rắc cho những kẻ dám dòm ngó thiên cơ.

Sau khi hoàn thành bước thứ nhất vào hai tháng trước, y lại phải hao tâm tổn trí nghĩ cách để Bao Ngạo Thiên chịu đến biên thùy Giả Châu.

May mà Bao thị đang có kế hoạch phát triển Giang Hồ Nhật Báo ở những nơi vùng sâu vùng xa, Công Tôn Thư ngày ngày thổi gió bên tai, ám chỉ đủ đường, cuối cùng cũng dụ được tên công tử lười biếng nhà mình lên đường Nam tiến.

Đã đến được chốn biên thùy, y có thể thực hiện bước thứ hai trong cổ tịch: Tìm tới cơ duyên.

Theo bí pháp ghi lại, Công Tôn Thư cần lập đàn làm phép, khai quang cho một chiếc la bàn, nó sẽ là thứ chỉ đường cho y tìm đến cơ duyên.

Bước này thật sự rất khó khăn, bởi ngoại trừ việc phải dùng một nửa thọ nguyên làm tế phẩm, Công Tôn Thư còn gặp hạn chế nghiêm ngặt về thời gian.

Trong cổ tịch có ghi lại thế này: “…Phàm vạn vật sinh ra, lấy Giáp làm đầu, lấy Tý làm gốc. Cho nên Giáp Tý chính là thời điểm khởi nguyên…”

Theo đó, Công Tôn Thư cần phải lập tế đàn, bày biện sẵn pháp khí trong đêm giao thừa sang năm Giáp Tý.

Chờ vừa hết giờ Hợi, đến đầu giờ Tý, y liền phải dựa theo nghi thức trong bí pháp mà làm phép hiến thọ:

Lấy nửa cân máu của mình đổ vào nồi rượu gạo, nấu với lửa lớn sao cho vào thời khắc giao thừa, phần huyết tửu bốc hơi đến độ chỉ còn lại một chum nhỏ, y lập tức phải ngậm lấy rượu mà đọc chú ngữ được ghi lại trong cổ tịch, cuối cùng phun rượu trong mồm lên la bàn để khai quang cho nó.

La bàn sau khi khai quang sẽ tự động chỉ kim về hướng cơ duyên, nhưng nó “sống” được đến hết giờ Tý mà thôi, tức là chỉ có nửa canh giờ để tìm kiếm.

Bước thứ nhất trong cổ tịch tuy giúp Công Tôn Thư tính ra cơ duyên ở đâu, nhưng lại chỉ cho y biết nó nằm trong phạm vi nào chứ không hề có vị trí cụ thể, vậy nên mới cần đến la bàn, không thì chẳng khác nào mò kim đáy bể.

Nửa tháng trước, khi ghé nhà Từ Hiền lần hai, Công Tôn Thư hối thúc Bao Ngạo Thiên nên mau lên đường cũng đều có nguyên do của nó cả.

Đó là bởi vì y muốn canh chuẩn thời gian để đến được nơi xuất phát tốt nhất mà mình chọn: Vị trí trung tâm của khu vực tồn tại cơ duyên.

Nếu không phải phạm vi này không quá lớn, e rằng Công Tôn Thư trực tiếp ôm công tử nhà mình lên khoái mã đi tìm chứ nào dám dùng đến xe ngựa.

Giao thừa Giáp Tý sáu mươi năm mới có một lần, một lần lại chỉ có đúng một canh giờ để tìm cơ duyên, mà trong đó đã mất hết nửa canh giờ để làm phép khai quang, một khi bỏ lỡ tất phải hối hận xanh ruột.

Huống hồ trước đó Công Tôn Thư còn phải lấy phúc trạch sáu trăm năm của tổ tiên ra làm tế phẩm, trên căn bản là tự đẩy Công Tôn gia vào cảnh tuyệt hậu.

Trả giá nhiều như vậy chỉ để đổi lấy một cao thủ võ lâm làm trợ lực, y tự hỏi liệu đây có phải là trời phạt, trừng trị những kẻ vọng tưởng muốn đùa giỡn vận mệnh.

Hay là bí pháp này thực chất là một trò bịp, nó chỉ là cái bẫy dùng để dụ dỗ Công Tôn gia tự mình hại mình, tên chân nhân kia thật ra là kẻ thù giả dạng?

Điều này cũng có thể lắm.

Từ trước tới nay, chỉ có Công Tôn Thư là người đầu tiên thử dùng bí pháp trong cổ tịch, bởi đến đời y thì nhà Công Tôn mới tích đủ sáu trăm năm phúc ấm.

Thậm chí đến cả tổ tiên cha ông trước khi lâm chung đều nhắn lại cho con cháu Công Tôn gia rằng: Một khi dùng được bí pháp thì hãy dùng ngay, sau đó nhớ ghi lại kết quả của nó vào giấy tiền vàng bạc, đốt xuống âm phủ cho tiên tổ được hay.

Vậy mới biết, tiền nhân các đời của Công Tôn gia chấp nhất thế nào với quyển cổ tịch tầm duyên.

Vì thế nên dù là người trực tiếp khiến dòng họ tuyệt hậu, Công Tôn Thư lại chẳng hề thấy có lỗi với tổ tiên, bởi đấy cũng là ước nguyện của họ.

Nhưng Công Tôn Thư lại có lỗi với chính mình, bởi hậu quả của việc hiến tế phúc trạch đã hiện ra ngay trước mắt.

Vận khí của y bắt đầu trở nên kém đi.

Bởi nếu là lúc bình thường, có tám thành tỉ lệ để Công Tôn Thư tránh được lưỡi liềm của Sát Đồng mà không chút hao tổn, nhưng vết thương ở sau lưng bây giờ chẳng khác nào tiếng chuông báo hiệu những ngày xui xẻo của y sắp tới.

‘Hung sát chi địa, tất phải có một người chết. Ta lại đang mệnh phạm Thái Tuế…’

Ánh mắt thẫn thờ nhìn Từ Hiền giao thủ với Sát Đồng, Công Tôn Thư giống như gặp Hắc Bạch Vô Thường đang đến đón mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.