“Trong khi bên ngoài đang chém nhau chí chóe thì ngươi lại nhàn rỗi ở đây ăn no ngủ kỹ, hửm?” A Dao cởi trần gác cánh tay lên đầu giường, nhéo ngón chân người đang nằm bò trên đùi.
Khánh Dư quấn cả người trần truồng trong chăn, chống cằm vẽ cho xong bức tranh dang dở: “Người ta có nhiều dục vọng không được thỏa mãn nên mới tranh giành, ta đây chỉ muốn gối đầu lên đùi người đẹp cho đến trời cùng đất tận thì sao phải để tâm nhiều như thế?”
A Dao xoa nắn trong đùi hắn, hôn cắn đầu vai: “Thật ra trông ngươi cũng không tệ, trắng trắng mềm mềm...”
“Thêm tí rau thơm rồi chần qua nước sôi, xong vào bụng Dao ca chứ gì?” Tạ Khánh Dư hất vai, bĩu môi dí ngực y: “Chỉ biết ăn, ăn, ăn.”
A Dao cười rộ lên hai tiếng, vòng tay ôm cả chăn lẫn con cáo nhỏ, lại đè xuống gặm cắn. Bút lông tuột ra khỏi bàn tay run rẩy, tranh lụa nửa trượt xuống đất như thác nước, thân người thon gầy dần ửng hồng lên và tiếng rên rỉ nhỏ giọt từ bờ môi sưng đỏ. Tạ Khánh Dư mềm nhũn nằm vắt trên vai A Dao để cho y ôm mình đi tẩy rửa, phồng má vỗ bem bép vào lưng y: “Cầm thú.”
Y bóp mông hắn: “Thì ta vốn là cầm thú.”
“Loài rắn sao lại hư hỏng thế chứ? Ta nghe nói đến mùa giao phối thì bọn nó còn giao hợp tập thể nữa phải không?” Nhấc chân đạp lên đùi người kia, Tạ Khánh Dư rã rời duỗi eo: “Cái giống phóng đãng.”
A Dao miễn bình luận lau tóc cho hắn, Khánh Dư nhoài người nhặt tranh lụa căng ra dưới ánh đèn: “Ta thật hiếu kỳ nguyên hình của ngươi có giống Dao Quang không?”
“Không giống.”
“Khác thế nào? Đều dài dài, trụi lủi, còn khác thế nào nữa?”
“Vảy của ta đỏ hơn, răng nanh dài hơn, nói chung là bộ dạng hung tợn hơn.”
“Quỷ che trăng...” Tạ Khánh Dư chộp bút, hí hoáy vẽ: “Ngươi chỉ hiện nguyên hình dưới ánh trăng thôi nhỉ? Ngươi có ghét trăng không?”
“Tại sao phải ghét? Ánh mặt trời sẽ thiêu đốt thân thể ta, ánh trăng chỉ làm ta hiện nguyên hình thì sao phải khó chịu?”
“Nhưng ngươi ghét nguyệt thực. Chẳng phải đó là lúc âm khí mạnh nhất sao? Ma quỷ bình thường rất thích nguyệt thực.”
A Dao gối đầu lên cánh tay nằm xuống bên cạnh, xoa xoa eo hắn: “Tại sinh ra vào lúc nguyệt thực nên ta mới phải trốn ánh mặt trời. Nếu ra đời trễ hơn thời khắc đó thì sẽ tự tại hơn.”
Khánh Dư bật cười khanh khách lăn vào lòng y: “Con rắn của ta thật đáng yêu. Ma quỷ tầm thường chỉ giỏi phá phách, duy ngươi thì rất biết tận hưởng cuộc sống.”
Y dịu dàng gạt tóc mai trên trán hắn, lắng nghe tiếng thỏ thẻ, “Ta rất rất muốn nhìn thấy nguyên hình của ngươi, muốn nhét ngươi vào trong tay áo rồi mang đi ngao du khắp nơi.”
“Kỳ thực Dư Nhi chỉ muốn bắt nạt nguyên hình của ta.”
Bị nói trúng tim đen, Tạ Khánh Dư ngẩng mặt hung hăng cắn môi y rồi chống tay ngồi dậy đặt nét bút cuối. Trên tấm lụa là một con rắn to đang cuộn tròn nằm ngủ dưới ánh trăng, toàn thân phủ một lớp vảy ánh đỏ được vẽ rất chi tiết. Đường nét con rắn sinh động như thật, lớp vảy ngỡ như đang phập phù. Ngắm nghía tác phẩm, đoạn Khánh Dư múa bút vẽ thêm một con người bé xíu nằm dang rộng tay chân trên trán con rắn, xong xuôi ký vào bên cạnh 'con người' một chữ 'Dư' to tướng mới hài lòng cười toe: “Tuyệt tác! Không uổng công ta luyện vẽ trên lụa lâu như vậy!”
A Dao nhìn cái 'người' trèo lên đầu 'mình' trong tranh, nhéo mông người thật. Dư Nhi đột nhiên bổ nhào vào y, ôm hôn y thắm thiết. Dưới góc độ của A Dao, người trong lòng nhỏ bé như mèo con, nở rộ khắp người dấu ấn của y, nhiệt tình dâng hiến. Hôn liên tục, hôn mãi, hôn quên cả trời đất thì có người gõ cửa thông báo 'đến lúc rồi'.
Cả hai dựa trán vào nhau, hơi thở nồng ấm quấn quýt, Khánh Dư mổ y thêm một cái rồi đứng dậy thay y phục. A Dao nhân lúc hắn không để ý giấu bức tranh lụa vào tay áo.
Tạ Khánh Dư một mình đi thẳng đến gặp Đại tư tế. Ánh mắt ông già nhìn hắn luôn khá phức tạp, có vẻ ngập ngừng song ông già chưa từng nói gì, phẩy tay cho người châm nước trà. Dường như bước vô hoàng hôn của kiếp nhân sinh, thời gian đã đóng bụi trên rãnh khắc mặt người, bọn họ cứ trơ ra như đá dù tia mắt vấn vương đâu đâu, có những suy nghĩ chỉ nên giữ kín trong lòng bởi nói ra cũng không còn ý nghĩa gì.
“Gió đã đổi chiều.” Tạ Khánh Dư cất tiếng.
“Thật chăng?” Ông già hấp háy mắt nhìn chân trời đổ máu.
Y nữ thân cận đứng phía sau nhẹ nhàng bóp vai cho ông. Tạ Khánh Dư đã gặp cô y sư da ngăm này hai lần, cô ấy là người đã khâu vết thương ở xương tỳ bà cho A Dao nên hắn rất có thiện cảm với cổ. Hắn nhìn mười ngón tay đang xoa bóp của cô, nói tiếp: “Ngài làm những việc này để đạt được cái gì? Ta biết ngài không quan tâm đến thắng bại của cả hai phe.”
“Tại sao đạo trưởng lại muốn tu hành?” Đại tư tế ôn tồn hỏi.
“Cầu đạo.”
“Thế nhưng đạo trưởng không giữ giới luật, không chay tịnh, làm sao cầu được đạo?”
Khánh Dư mỉm cười đáp: “Tu hành theo giới luật là cầu được đắc đạo, lột bỏ phàm thai, thay tiên cốt bay lên trời. Thân ta đầy bụi trần, không màng trai giới, phá thân đồng tử*, là cầu 'đạo trần'. Đạo từ tâm mà ra, đi trên đường trần, miễn là lương tâm không hổ thẹn.”
* Còn trinh nguyên (như trẻ con).
Đại tư tế gật đầu ra bề tán thành, cũng cười hiền: “Ta đi trên con đường này đã gần hết kiếp người. Cả đời xoay vần trong toan tính, trong tranh đoạt; việc xấu, chuyện tốt lẫn lộn, cũng từng ngông cuồng mơ tưởng đến vị trí dưới một người trên vạn người. Thời ta tầm tuổi đạo trưởng, kết tóc xe duyên với nguyên phối, vợ ta là một người con gái thùy mị, chịu thương chịu khó giúp chồng dạy con để ta an tâm lo vận nước, việc dân. Song ta lại ngoại tình sinh ra Dao Chước, để mặc vợ cô quạnh mà mất. Vì thế Hòa Lệnh xem như bản thân không có người cha này. Còn bạn bè thâm giao, ai dà, chết gần hết rồi, riêng Sài Chinh thì bỏ ta theo Tân chính. Học trò ư? Minh Âm và A Hoan, mỗi đứa hung hãn cạp mất một miếng thịt của ta. Nhìn lại vòng xoáy đó, ta bỗng nhận ra trời cao đối với ta rất công bằng.
“Ta tham hoàng quyền, trời lấy đi vợ con của ta. Ta độc đoán, thân nhân, bạn bè lần lượt rời bỏ ta. Ta toan tính, học trò liền cự lại ta. Ta cả đời dày công sắp đặt, lại không thể lay chuyển được lời sấm truyền của người khuất bóng.”
Đại tư tế nhấp trà ép xuống cơn ho khan: “Số mệnh của Mạc Tử Liên thật tốt, trên có Tát Phục dang tay che chở, dưới có A Hoan vẽ sẵn đường đi.”
Số mệnh của Mạc Tử Liên tốt sao? Đầu sỏ Tạ Khánh Dư đễnh đãng cười nhàn. Nếu nói 'tốt' thì Mạc Tử Liên đúng là có một người cha lợi hại và đầy tình thương, có một mái nhà êm ấm, nhân duyên cũng rất tốt; song nếu nói 'không tốt' thì rõ ràng Mạc Tử Liên từ khi ra đời đã bị mẹ ruột lợi dụng, thơ ấu cũng bị bắt làm con tin trong tranh đấu, có mất mát, có khổ sở, có bi thương, thăng trầm gập ghềnh, ba kiếp trước cũng chết đi sống lại dăm lần.
Tuy vậy trong tất cả truân chuyên, mọi nỗ lực của y đều được đền đáp, ấy mới là chỗ phi phàm - cũng là chỗ khiến người ta ghen tị.
Đại tư tế dốc hết tâm sức cả đời chìm nổi trong toan tính mà không thể xê dịch điều đã biết trước. Ông già đã mất đi quá nhiều, đánh đổi quá nhiều và vì thế ở cuối số kiếp nhân sinh, dù biết sự đạt được không còn mấy ý nghĩa thì ông già cũng chỉ có thể tiếp tục đánh đổi. Ở cái tuổi xế chiều, người ta đã mất đi cái quyền hối hận, kẻ khác nhìn người già hối hận sẽ chỉ có lòng thương hại và dè bỉu - sự kiêu ngạo của ông già không chừa chỗ trống cho hối hận. Vả lại người già ấy mà... thường hay mắc căn bệnh chung là ngoan cố.
Nói thế không có nghĩa là đang so sánh động cơ của Mạc Tử Liên và Đại tư tế, giữa hai người họ cách biệt cả ba ngàn tám trăm dặm - phải khẳng định sự thật là Mạc Tử Liên chưa từng có lòng riêng trong vòng tranh đấu này. Y hoàn toàn là người bị lôi kéo và các dằn vặt rơi xuống đầu y cũng thật oan uổng. Mạc Tử Liên chẳng làm gì ai cả nhưng người khác cứ phải lợi dụng y.
Kể cả là Tạ Khánh Dư. Hắn vẫn ghi nhớ sự chiếu cố của Mạc Tử Liên với mình khi lần đầu ra sa mạc, với thể lý của hắn mà không nhận được chiếu cố tốt thì sao có thể khỏe khoắn đeo bám A Dao lập tức sau khi tới cốc? Hay tại sao hai vị hộ pháp lại lưu tâm đến hắn nếu không phải nhờ Mạc Tử Liên?
Bảo sao y lại khiến cho Quân Huyền lạnh lùng phải thần hồn điên đảo. Tạ Khánh Dư thầm cảm thán uống cạn trà.
Ông già vịn tay y nữ để đứng dậy, lẩm bẩm: “Ôi cái khớp...”
Tế điện là chỗ thờ cúng linh thiêng, Đại tư tế cố ý tụ tập dân chúng ở đây cũng vì lý do đó, bởi binh lính của Ô Ngũ vương sẽ không xông vào nơi này. Khuôn viên Tế điện là khu vực an toàn để dân chúng nương náu đến khi mọi chuyện kết thúc. Ông già làm vậy không phải vì bản thân mà là vì chừa đường lui cho Nạp Lan thị. Tạ Khánh Dư theo Đại tư tế đi xuống bãi đổ nát của vụ nổ đã được dọn ra một con đường hướng đến cánh cửa Thần tích.
Y nữ đón lấy chiếc lồng nhốt con rắn trắng đang giật vảy lên mà khè bọn họ. Bạch Bồng dựng thẳng đồng tử đỏ rực, quất đuôi cố phá lồng, nhe nanh sẵn sàng cắn mọi kẻ muốn động vào nó.
“Súc sinh này e là chỉ chịu nghe lời chủ nhân thôi.”
Con rắn nhìn thấy Quân Huyền bị xiềng xích bước đến, càng thêm hung hăng gân cổ khè đám người lạ, cặp nanh sắc đầy hăm dọa, phải nghe tiếng chủ gọi nó mới chịu thôi.
Đại tư tế đánh giá từ trên xuống dưới Quân Huyền chút đỉnh, thương lượng: “Ngươi nói con súc sinh này dẫn chúng ta vào cánh cửa, ta đảm bảo tính mạng của Mạc Tử Liên.”
Quân Huyền lạnh lẽo 'nhìn' ông già một cái rồi gật đầu.
A Dao vuốt ve đao đi phía sau Quân Huyền, nét mặt thờ ơ.
“Bạch Bồng.” Quân Huyền duỗi ngón tay qua khe hở gãi cằm con rắn, khẽ nói: “Đừng tấn công ai. Dẫn đường cho ta.”
Ngoài mấy người như trên và y nữ, Đại tư tế còn dẫn theo hai mươi cận vệ có vũ trang, bọn họ vị tất phải sợ gì một con rắn dài chỉ có ba thước. Bạch Bồng được thả ra liền vội trườn lên tay Quân Huyền, quấn quanh bả vai hắn như linh vật thủ hộ.
Con rắn dùng đầu để chỉ hướng, thi thoảng đánh cái lưỡi đỏ lòm cái 'chặc'. Quân Huyền cõng rắn dẫn đầu, hai tay bị ràng xích, cẩn thận bước lên ghềnh đá đối diện với cánh cửa, con rắn bò xuống kéo tay hắn chạm vào một khe rãnh có vân như hoa sen. Hắn xem xét một lúc rồi đứng dậy bảo: “Ta cần Liên Hề.”
Mọi người nhìn nhau, hết thảy mờ mịt tự hỏi Liên Hề là ai? Tạ Khánh Dư thấy Dao ca rút một thanh kiếm trắng ngần từ sau lưng, đi lên giơ ngang ra cho đối phương. Quân Huyền cầm lấy song lại bị kìm chặt, nghe A Dao dùng giọng rất khẽ nói, “Ta hối hận rồi. Hối hận vì đã không sớm ăn thịt Hoa sen.”
Tức khắc Quân Huyền buông tay, trực tiếp nắm lấy chuôi tuốt kiếm ra cắm thẳng vào khuôn rãnh. Một tiếng 'kịch' trầm đục vang lên như tra chìa vào ổ khóa, mặt đất rung chuyển trước sự chuyển dời của cánh cửa tráng lệ. Tạ Khánh Dư nhìn thấy đồ hình bảy mặt trăng Sinh Tử bội xoay nửa vòng, và các vân ký tự ghép nối thành một dòng chữ mới - khơi gợi sự hiếu kỳ của hắn chú ý vào. Đáng tiếc là ở đây không ai đọc được chữ Điệp Cách cổ.
Bóng tối giữa khe cửa như sương mù tràn vào mắt người, tỏa ra hơi thở mời gọi. Đôi mắt của Đại tư tế sáng bừng và những người khác vừa mừng vừa lo. Chợt bọn họ thấy thân hình của A Dao nhoáng lên như vệt sáng xô Quân Huyền ngã vào bên trong, đồng thời trở tay rút thanh kiếm ra, lách mình biến mất sau cánh cửa.
“Không!” Tạ Khánh Dư kinh hãi thất thố lao lên như tên bắn, nhưng trước ánh mắt ngỡ ngàng của hết thảy, cánh cửa lạnh lùng sập lại với rúng động quen thuộc từ mặt đất.
“A Dao! A Dao! Mở cửa ra, A Dao!” Đôi tay siết chặt liên tiếp đấm vào cánh cửa đến mức bầm tím, móng tay lật ngược túa máu, Tạ Khánh Dư trừng mắt như muốn nứt ra, thân thể căng như dây đàn gục xuống trước cánh cửa to lớn, giọng khản đi trong dòng nước mắt: “A Dao! Đồ cầm thú khốn kiếp mau ra đây!”
Bóng lưng hắn run bần bật, dường như kiệt sức mà rũ hai vai đoạn đột ngột quay phắt lại, tròng mắt vằn vện tơ máu, nhìn chằm chặp vào Đại tư tế, “Ông, muốn vào trong đó trước khi lìa bỏ cõi đời phải không? Ta sẽ giúp ông. Mau - lấy số thuốc nổ còn lại của các người ra đây!”
A Dao chưa bao giờ để tâm đến thế cuộc nên không ai ngờ y sẽ tự ý hành động. Đến nước này thì Đại tư tế còn gì chưa thể bất chấp, phẩy tay mệnh cho người làm theo.
A Dao bóp chặt đầu con rắn đang giãy giụa siết lấy cánh tay, ấn ngón cái bẻ nanh nó.
Quân Huyền bị giáng một đấm vào lưng, ngã sấp xuống đất gắng gượng. A Dao cúi xuống nhặt dây xích rồi quay đi, kéo lê đối phương theo sau mình. Đá nhọn cứa rách y phục và da thịt Quân Huyền, tóc tai rối loạn, hắn cắn răng giằng cánh tay lại. A Dao liền đạp thêm một cước vào bả vai bị thương - xưa giờ y chưa từng nương tay - tóm cổ áo hắn xách lên.
Quân Huyền đau đến toát đầy mồ hôi lạnh, kiệt sức mặc cho bị lôi đi.
A Dao cứ thế đi trong bóng tối, băng qua một hành lang thật dài, lạnh lẽo, rồi nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, càng lại gần, tiếng nước càng rõ, có xu hướng tuôn trào ào ào. Trong bóng tối bỗng lóe lên những vệt sáng gờn gợn ánh bạc của sóng nước, giăng trên vách đá đen nhánh ẩm ướt. Chợt, cuối con đường bừng sáng lên màu pha lê. Một cảnh tượng tráng lệ đập vào mắt A Dao - đá trắng ngần như bạch ngọc, trong suốt như lưu ly dát đầy trên vách tường và mái vòm tròn trịa.
Đá tỏa ra hơi lạnh như băng, ẩm ướt kết thành lớp sương mù tà tà trôi trên con hào rộng tầm hai trượng bao quanh nền đá A Dao đang đứng. Nước lượn lờ dưới hào nửa đen nửa đỏ, lờ mờ bóng xương trắng hếu bốc lên mùi chết chóc. Nước tuôn đổ vào từ các hốc hình vuông trên tường cong, ào ào.
Đối diện với hành lang vừa đi qua là một bức phù điêu chạm khắc vào đá rộng khoảng bốn trượng, cao đụng trần về một đầm hoa sen chín cánh và dòng chữ - đáng ngạc nhiên bằng tiếng Điệp Cách phổ thông, rằng: Thượng Cổ Khiết Liên phù hộ cho nguồn nước của Điệp Cách.
Ngay phía trước bức phù điêu có một giá đỡ kiếm, A Dao có hóa thành tro cũng không thể không nhận ra thanh kiếm này.
Tê Nguyệt kiếm của Dao Quang. Trái tim của y.
A Dao buông Quân Huyền và con rắn, có chút kích động tiến lên chạm vào Tê Nguyệt, khi đầu ngón tay vừa mới đụng đến lớp vỏ lạnh lẽo thì lồng ngực y đã nhiệt liệt nảy lên như khao khát tìm về trái tim của mình.
Đó không phải nhịp đập của xác thịt đã chết này mà là tiếng rên xiết từ trong linh hồn.
Đã quá lâu, quá lâu rồi...
Y trịnh trọng ngửa hai tay nâng kiếm lên, từ tận sâu trong linh hồn thoát ra một hơi thở mãn nguyện, sau đó là một làn sóng vui mừng khủng khiếp lan tỏa khắp tứ chi bách hài. Chưa bao giờ A Dao trải qua một sự sung sướng khấp khởi như vậy.
Người đầu tiên y nghĩ tới là Tạ Khánh Dư. Thật muốn ôm hắn xoay vòng mà nói: Ta có trái tim rồi, có thể thực lòng thương ngươi rồi!
“Bạch Bồng?” Quân Huyền ôm vai gượng dậy, nghe con rắn cứ quằn quại vì bị bẻ răng nanh, lo âu nhíu mày vươn tay xoa dịu nó. Song Bạch Bồng chợt há to miệng kêu lên, tiếng kêu của nó nghe như khóc lóc thảm thiết, bị tường cong làm dội lại, cộng hưởng với mái vòm tạo ra âm thanh bén nhọn, đinh tai nhức óc. Thật khó tin khi mà một con rắn chỉ dài ba thước có thể phát ra âm thanh này!
A Dao bực mình rút đao suýt thì chém đôi nó, song một hình ảnh rúng động hơn kịp ngăn cản tay y. Dẫu không nhìn thấy mà Quân Huyền cũng bị rung chuyển này làm cho thất kinh, vội vàng tìm kiếm Liên Hề.
Từ dưới con hào, làn nước Khô Lâu đen đỏ chầm chậm dâng lên, ào ào trượt khỏi lớp vảy xám trắng bén ngót. Đường kính của con vật phải hơn cả trượng, cái đuôi dài không biết bao nhiêu quấn quanh đài đá hai người đang đứng.
Con rắn mở mắt, mắt nó to cỡ bánh xe bò, đỏ lòm màu máu, lưỡi nó dài tựa cờ đuôi nheo. Đồng tử dựng thẳng như thanh gươm cheo leo giắt trên đỉnh đầu người. Một con Thiên Bạch Xà đường kính khủng.
Nó thụt lưỡi nhìn đài đá. Một luồng điện sắc lạnh như từ con mắt nó phóng vào sống lưng cả hai, A Dao liếc mắt nói thầm: “Vảy màu trắng. Con cháu nhà ngươi đấy.”
Quân Huyền đè vai đứng dậy, đáp trả: “Biết đâu lại là con rơi của ngươi.” Lưỡi kiếm Liên Hề vung xuống, chém đứt xích sắt.
Tiếng động thu hút Đại Xà cúi đầu nhìn hắn chằm chằm, cái đuôi sau lưng cả hai cong lên làm bắn nước độc khiến A Dao phải động thân tránh. Đại Xà quay phắt qua thấy có thứ chạy nhảy trên lãnh địa của mình, liền hăm dọa kêu lên. Tiếng kêu của nó to hơn Bạch Bồng, sức ảnh hưởng dưới mái vòm càng kinh khủng. Quân Huyền khom lưng bịt tai, A Dao bị hét cho nhức óc, vung đao toan chém lưỡi con vật.
Đại Xà bị đau, quằn người lên há miệng xông vào địch thủ. A Dao đạp vào mũi nó, lộn nhào bổ xuống thân, nhưng lớp vảy quá cứng làm lưỡi đao tóe cả tia lửa. Con rắn hung dữ xù vảy, liên tiếp tông đầu muốn nghiền nát cái con người nhảy nhót. Thân nó tuy to song tốc độ cũng không thể xem thường, cái đuôi cực kì lanh lẹ khuấy động nước độc bắn tung tóe. Quân Huyền lẫn A Dao đều không thể tránh khỏi trúng nước độc.
Nước hồ Khô Lâu bắn vào da, đầu tiên là lạnh ngắt, rồi bị ăn mòn tựa bỏng, da hóa thành màu đen nhăn nheo. Chất nước như cường toan*, vô cùng nguy hiểm. A Dao tránh khỏi đuôi Đại Xà, đâm ngược mũi đao vào dưới vảy, nhấc cổ tay, chém phăng một miếng vảy. Thịt mềm của Đại Xà túa máu đỏ như vòi nước. Quân Huyền nhân cơ hội chém một nhát vào bụng nó, lưỡi kiếm cạ vào vảy tóe tia lửa.
* Chất acid.
Đại Xà đau đớn kêu gào, phát điên oằn mình khiến hào nước dâng sóng ập xuống đài đá. Không một ai tránh được, Quân Huyền bị dội vào chân, tái nhợt người, gần như ngã khuỵu vì đau đớn. A Dao trúng phải đến nửa người, màu bỏng nổi lên cánh tay khiến người ta khiếp sợ, song y như thể không biết đau, chỉ chằm chặp bảo vệ cho 'trái tim' Tê Nguyệt kiếm.
Trảm Nguyệt đao lại phác ra hàng trăm vầng trăng tàn, nhắm vào thịt mềm bị tróc vảy của Đại Xà chém xuống. Máu bắn ra tung tóe, thân rắn cuống cuồng oằn lên tông A Dao đập vào vách tường. Nghe như có tiếng xương vỡ vụn, y hộc máu tưới ướt y trang. Quân Huyền nghiến răng lê chân, dùng toàn bộ sức lực đâm vào bụng rắn rạch ra một nhát dài, thấy được cả khung xương.
A Dao chùi mép, hai mắt đỏ ngầu lộ ra một nụ cười như điên loạn: “Để tổ tông tao dạy mày cách làm rắn!” Đoạn vung cao Tê Nguyệt kiếm đao đâm ngập chuôi vào giữa trán Đại Xà. Y còn chưa vừa lòng mà rút ra kéo theo máu bắn tung tóe, đâm rút liên tiếp như điên như cuồng.
Con rắn thét lên thảm thiết, quằn quại khủng khiếp dưới hào nước, thân thể liên tiếp va đập vào tường cong làm đá trắng vỡ vụn ngỡ như nó muốn tông sập cả nơi này. Rất nhanh, Đại Xà kiệt sức và thân thể dần dần trượt xuống hào nước. Quân Huyền rít hơi đạp lên cái đầu rắn rơi xuống, với tay kéo lại A Dao kẻo y ngã vào nước độc.
A Dao cả người đầy máu chẳng thể phân rõ là của Đại Xà hay của chính mình nằm trên đài đá, một tay ôm 'trái tim', trong cánh tay buông thõng rơi ra cuộn tranh lụa. Quân Huyền dựa vào kiếm quỳ bên cạnh, thở như sắp đứt hơi: “Cố... gắng, Tạ - Khánh Dư, đang... chờ ngươi.”
A Dao cố mở to mắt, gắng gượng rướn ngón tay đè lại cuộn tranh lăn đến mép đài đá. Trong đôi mắt vàng kim chất chứa tình cảm hỗn loạn, y nhìn chăm chăm vào hình người nhỏ bé nằm trên đầu con rắn vảy đỏ, từ mũi - miệng ọc ra một ngụm máu, mấp môi: “Ta... không, muốn... nợ... ngươi...”
Y cứ đau đáu quyến luyến hình người kia, ngỡ như tất cả mọi thứ có thể nhìn thấy ngay lúc này chỉ là người đó: “Ta, hối... hận rồi...” Ta không làm cô hồn dã quỷ nữa, kiếp sau ta muốn làm người. Làm một con người có hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục rồi... ta sẽ đến tìm ngươi.
Tạ Khánh Dư.
“A Dao?” Quân Huyền tưởng là mình kiệt sức quá nên không còn nghe tiếng thở của người bên cạnh: Ti... Nguyệt?”
“Khụ, khụ, khụ!” Hắn ôm ngực ọc máu, phế phổi đau xót như không thuộc về mình nữa, tứ chi mất dần cảm giác, toàn thân chậm rãi trượt xuống.
Bặt câm.
Lời tác giả: Quan niệm xuyên suốt của tôi là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, sự ăn năn dù muộn màng vẫn rất đáng trân trọng và thông cảm. Song thói đời dường như bạc bẽo hơn đối với người già - khi người trẻ hối hận, bọn họ còn có thời gian và sức khỏe để thay đổi và sửa chữa lỗi lầm, họ còn kịp để nhận được tán tụng và cảm thông; với người già lại khác, ở cái tuổi đau yếu này họ chỉ nhận được sự dè bỉu và thương hại, dù muốn cũng không còn kịp để sửa chữa, sự ăn năn sẽ dằn vặt họ đến chết.
Nói vậy không có nghĩa là tôi nhẹ dạ với cái ác, tôi đang nêu quan điểm về “lòng nhân“. Chúng ta sống trong một thế giới mà tội phạm có xu hướng liên tục tái phạm và nhân tình ngày càng chai sạn khi cảm thấy cái ác không được trừng trị thích đáng. Song có vẻ vì vậy mà chúng ta xem nhẹ “cái răng” của lương tâm con người? Một người thật sự đau khổ ăn năn về tội lỗi của mình lẽ nào lại chưa xứng đáng nhận được thông cảm? Như tôi đã viết: “Có mấy người sẽ cảm thấy mừng rỡ khi kẻ ác ăn năn?”