Nữ trang Tư vừa thướt tha vừa kín đáo bởi vì truyền thống quy định con gái nước này phải đi đứng đoan trang nhẹ nhàng, Cửu Điệp mới đầu không quen, hơi tí là dẫm lên tà nên hay xắn váy lộ cả đùi để chạy nhảy. Bị Quân Huyền giữ ý tránh né vài lần, nó rốt cuộc cũng chịu ăn mặc đàng hoàng.
Đồ Mi tết tóc Cửu Điệp thành hai cái bím xinh xinh vắt ngang trán rồi cài lên một con hồ điệp bạc nhỏ. Đặc điểm dị tộc của nó không dễ thấy ngoài mái tóc gợn sóng rất nhẹ, khoác lên y phục Tư, nó thực sự trở thành một tiểu cô nương thùy mị.
Yến Sở cũng hơi khó tin rằng Cửu Điệp thực chất là nam hài.
Đồ Mi là một nữ yêu quái gần trăm tuổi như Hoa Tiên Tử. Nàng ta giữ trách nhiệm chăm sóc và lo tất cả chi phí sinh hoạt của Cửu Điệp.
Chuyện tiền bạc tất nhiên phải phân chia rạch ròi chứ làm sao một cặp lão nhân vô công rỗi nghề có thể nuôi hai đứa đồ đệ nhỏ trên núi này mà còn thêm một cục nợ?
Nhưng không biết Đồ Mi kiếm tiền kiểu gì mà từ lúc Cửu Điệp đến đây, y phục với trang sức của nó thay đổi liên tục, bộ nào cũng đắt giá đẹp đẽ, không trùng lặp.
Cửu Điệp vân vê cặp bím tóc, có chút nôn nao xách váy chạy đi tìm ca ca.
Giờ này ca ca đang tập luyện ở mỏm đá, Cửu Điệp ôm chân núp đằng sau một mũi đá xiên lên trời, lén lút nhìn ca ca tập kiếm.
Ống tay áo đón gió bay phần phật khiến đường viền lam như sóng gợn, ca ca nghiêm túc đi từng đường kiếm một cách từ từ để học thuộc chiêu thức. Ánh mắt điềm tĩnh hướng theo cổ tay linh hoạt đến mũi kiếm nhọn hoắt. Cử động tuy chậm mà không trúc trắc, mượt mà như đang múa.
Ca ca lặp đi lặp lại những cử động ấy liên tục, ngày càng tăng tốc đến mức Cửu Điệp không còn bắt kịp đường kiếm.
Trong ký ức tuổi thơ của nó, hình ảnh ca ca tập kiếm là đẹp đẽ nhất.
Bởi vì ca ca luôn đứng trên mỏm đá cheo leo ra biển này, đắm mình dưới ánh nắng, lắng nghe sóng vỗ mà đếm nhịp động tác.
Gió mát lồng lộng, sóng vỗ rì rào, lúc nó ý thức lại thì ca ca đã tra kiếm vào vỏ. Ống tay áo với đường viền sóng xanh phất phơ trong gió.
“Muội đang làm gì vậy?” Quân Huyền đã sớm phát hiện ra nữ hài, vì bận tập trung nên giờ mới cúi đầu nhìn xuống mũi đá, đưa tay che hờ đầu nó nói: “Cẩn thận, muội suýt thì đập đầu rồi.”
Cửu Điệp đứng dậy khỏi đất phủi phủi váy rồi ngước mắt nhìn Quân Huyền, tít mắt nắm váy xoay một vòng: “Ca ca xem nè, Mi cô cô lại mua váy mới cho muội đó! Ca ca thấy thế nào?”
Váy màu tím nhạt thêu hồ điệp đậu trên búp hoa.
“Đẹp lắm.” Mới hơn nửa tháng mà Quân Huyền đã đếm được mười hai bộ váy áo khác nhau của nó rồi.
“Váy đẹp hay muội đẹp?” Cửu Điệp hơi chu môi.
“Điệp Nhi đẹp, Điệp Nhi đẹp.”
“Nếu muội đẹp thì huynh mau dẫn muội đi khoe với người ta đi.”
“Muội muốn xuống núi?”
Cửu Điệp gật mạnh đầu: “Muốn.” Nó chớp đôi mắt lấp lánh, “Muội muốn ngắm váy đẹp, muốn mua trang sức xinh, muốn ăn đồ ăn ngon.”
“Mi cô cô chưa cho muội ăn đủ ngon sao?” Quân Huyền nhảy xuống khỏi mỏm đá.
Cửu Điệp nhăn mày mân mê bím tóc rồi phồng má đập đập tay vào chân: “Người ta đang muốn rủ huynh đi hẹn hò đấy! Huynh không hiểu gì hết!”
“Cứ coi như ta hiểu thì Mi cô cô có cho phép muội xuống núi không? Hay muội đang dụ dỗ ta làm tòng phạm chạy trốn?”
Cửu Điệp bị nói trúng tim đen, đỏ ửng mặt cúi đầu siết váy, cắn môi một chút mới nói nhỏ xíu: “Muội muốn về với mẹ...”
“Muội muốn về bằng cách nào?” Quân Huyền khuỵu gối nhìn lên mặt nó, từ tốn hỏi: “Nơi đây là phía nam Tư quốc, cách Tây Vực vạn dặm, dù muội có thành công xuống núi thì tiếp theo định đi thế nào?”
Cửu Điệp ngậm miệng im lặng, đầu mày nhăn lại không cam tâm. Nó chợt buông thõng tay, hốc mắt ướt nước, nấc nghẹn nói: “Muội không phải đồ ngốc đâu...”
“Muội không cần váy đẹp với trang sức, muội muốn đi về với mẹ... Ca ca mau đưa muội xuống núi đi mà...” Nó bỗng níu áo Quân Huyền, vừa kéo vừa nằng nặc đòi: “Muội muốn xuống núi! Muốn xuống núi! Muốn xuống núi!”
Quân Huyền chưa nghĩ ra hướng xử lý thì tự dưng từ bụi cây phía sau Cửu Điệp dập dìu bay ra vài cánh bướm. Lục, lam, đỏ và tím, bao quanh chúng nó là một vầng sáng nhạt, phần đuôi như rải bụi sao.
Chúng nhẹ nhàng bay đến, uốn lượn quanh Cửu Điệp rồi đậu lên tóc và vai nó.
Quân Huyền nghĩ rằng sư cô đang ở gần đây.
Còn Cửu Điệp thì trân trân nhìn những con Ngải điệp này rồi buột miệng gọi: “Mẹ?”
“Mẹ ơi? Phải mẹ đấy không?”
Đám hồ điệp rung rinh cánh như trả lời, nước mắt của nó liền trượt xuống. “Huynh biết không?” Ấy vậy mà Cửu Điệp lại khá bình tĩnh, nó chạm vào một con Ngải điệp đậu trên bả vai, nói rằng: “Trong truyền thống của tộc Điệp Cách, tất cả con người đều là tạo vật từ những cánh bướm tiên. Nếu chúng ta chết thì sẽ hóa thành một trăm con bướm nhỏ, mỗi con tản mác khắp nơi để kết hợp với chín mươi chín con khác rồi lần nữa sinh ra làm người.
“Nếu khi không mà có từ ba con hồ điệp bay đến bên huynh thì nghĩa là người thân của huynh đang nói lời tạm biệt...”
...
..
Những vết sẹo đòn roi trên lưng Quân Huyền vẫn không thể bị xóa nhòa hoàn toàn dù đã qua ba năm. Cậu phải học cách xem chúng giống như dấu tích tình thương của mẹ, bởi vì chỉ cần suy nghĩ được vậy thì sẽ không phải đau lòng.
Sư phụ không nói về toàn bộ hoàn cảnh của Cửu Điệp nhưng cậu đủ nhạy bén để thấu hiểu một số vấn đề.
Tỷ như, mẹ của Cửu Điệp cũng bị cha Cửu Điệp hủy hoại cuộc đời.
Mẹ cậu vừa là ca kỹ nổi tiếng vừa là một vũ cơ giỏi. Tuy nhiên, bởi vì quá ưu phiền suốt khoảng thời gian mang thai dẫn đến thân thể suy nhược nên sau khi sinh cậu trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bà không còn có thể múa nữa.
Đó là một cú sốc lớn đối với bà và những cơn trầm uất nặng nề đã khiến một nữ tử xinh đẹp nhanh chóng héo hon, tàn úa thành người đàn bà dễ cáu bẳn và ưa trút giận bằng bạo lực.
Nam tử xúc phạm đến thân thể của phái yếu là chuyện không thể tha thứ được. Thế nên Quân Huyền chưa bao giờ giận mẹ - dẫu một chút cũng không. Nếu đánh đập cậu có thể giúp bà thoải mái hơn thì cậu cũng cam tâm chấp nhận.
Tính cách giữ kẽ của cậu với nữ giới đều từ những suy nghĩ ấy mà ra.
Thi thoảng Cửu Điệp vẫn kéo váy ngắn lên mà chỉ trên mắt cá là cùng, nó thích chạy theo lưng cậu đòi xuống núi.
Hôm nay nó mặc một bộ váy áo mới màu vàng như lá thu, bởi vì vào thu rồi - nó đã đến núi Trữ Linh tròn hai tháng, đeo cài tóc hình rẻ quạt.
Quân Huyền qua ba năm cũng chỉ có năm bộ y phục thay đi thay lại, thế mà mới hai tháng đã đếm không nổi áo váy của Cửu Điệp, vừa ôm quần áo ra bờ sông giặt vừa thầm nghĩ: có tiền thích thật.
Nước sông trên núi vào thu sớm hơn hạ nguồn, Quân Huyền xắn tay áo lên, mới nhúng đồ vào nước đã rùng mình vì lạnh, liền nhắm mắt chà quần áo vào tấm ván giặt thật nhanh. Lưng bỗng dưng bị một vật nặng đè vào, cậu giật bắn suýt bật dậy lại nghe Cửu Điệp than vãn: “Lạnh quá, lạnh quá đi. Sao ca ca lại phải làm mấy việc này chứ? Đồ bẩn thì cứ vứt rồi mua mới là xong.”
“...” Đây là giọng điệu của con cái nhà giàu.
Quân Huyền trấn tĩnh đáp: “Sư phụ và sư cô đều lớn tuổi rồi, Thanh Đàm lại còn nhỏ nên ta tất nhiên phải phụ giúp những việc này.”
“Ưm... thật chán quá.” Cửu Điệp ngước mặt nhìn trời.
“Hay là ca ca đưa muội xuống núi đi rồi muội mua y phục mới cho huynh?” Nó đụng đụng lưng cậu, dụ dỗ.
Quân Huyền bị sự tiếp xúc với nó làm cứng còng toàn thân, qua loa chà mấy chiếc áo còn lại để có thể nhanh nhanh đứng lên, lắp bắp nói: “Ta, đã bảo muội không, không, không được tự tiện chạm vào ta. Nam nữ cách, cách biệt. Muội mau đứng - lên.”
Cửu Điệp ngửa cổ cụng đầu cái 'cốp' với cậu luôn, đắc thắng nói: “Muốn muội đứng dậy thì ca ca phải đưa muội xuống núi mới được.”
Nó nói rồi càng dựa dựa cọ tới cọ lui, nhưng đã đánh giá thấp Quân Huyền. Cậu im lặng cầm một tấm áo có vạt dài, phất tay về sau vắt ngang trước ngực con bé rồi né ra, nhanh nhẹn cột hai đầu áo với nhau.
Cửu Điệp chưa kịp phản ứng thì đã bị trói rồi, liền đỏ ửng mặt lăn soài ra bãi cỏ đạp chân giãy giụa: “Ca ca xấu! Ca ca xấu! Ỷ mạnh bắt nạt người ta!”
Quân Huyền không quan tâm tới con bé, đổ quần áo mới giặt ra khỏi sọt rồi nhét nó thay vào. Sau đó cậu cứ để y phục tại bờ sông mà thắt lưng buộc bụng cái sọt có đứa con gái phiền phức vào lưng, mặc kệ nó kêu la mà vác về nhà trúc.
Cửu Điệp thấy kêu ca không có tác dụng, giãy giụa lấy lệ chút nữa rồi phụng phịu ngửa gáy vào viền sọt nhìn trời.
“Ca ca khỏe quá, huynh ăn gì để lớn lên vậy?” Nó chu mỏ hỏi khi được đặt xuống đất.
Thực ra là Quân Huyền cõng nó đi lên dốc cũng mệt gần chết, ngồi bệt thở hồng hộc, qua quýt vuốt mồ hôi nhễ nhại trừng nó: “Muội còn không ngoan, lần sau ta sẽ thả muội trôi theo sông luôn.”
“Người ta biết rồi nà.” Cửu Điệp lắc lư trong sọt để quần áo: “Ca ca mau thả người ta ra đi chứ. Huynh trói con gái người ta thế này sao được?”
Quân Huyền lấy lại được kha khá sức thì nheo mắt nhìn con bé một cái rồi đứng dậy, không nói lời nào quay lưng đi tìm sọt đựng khác để trở lại bờ sông gom quần áo.
“Ca ca!” Cửu Điệp mở to mắt gọi với theo, vừa kêu la vừa lắc lư trong sọt: “Ca ca trói con gái người ta rồi cứ thế bỏ đi là thế nào! Ca ca! Ca ca là tốt nhất mà! Ca ca thả muội ra đi!”
Nó thấy ca ca không thèm quay đầu lại thì ấm ức bặm môi co người, rồi chợt đạp mạnh vào sọt khiến cả sọt lẫn mình ngã về đằng sau.
May mắn làm sao có ai đó kịp thời đẩy lưng nó lại mà chậm rãi để nó nằm ngửa ra đất trong sọt. “Mi cô cô!” Cửu Điệp mừng rỡ gọi.
Đồ Mi yểu điệu che miệng, cười như tiếng chuông lanh lảnh, y phục nữ Tư bị cố ý kéo trễ xuống khoe ra một mảng ngực rám nắng căng mẩy. Khả năng tiếng Tư của nàng không tốt nên lời cứ chêm nửa tiếng này nửa tiếng kia, mỗi mình Cửu Điệp mới hiểu nàng nói gì.
“Điệp Nhi lại làm sao với Quân tiểu đệ nữa rồi?” Đồ Mi khuỵu gối chọt trán Cửu Điệp, ẩn trong nét cười là sự mị hoặc đến từ tận xương.
Cửu Điệp bĩu môi lắc lắc mình: “Ca ca xấu trói con gái người ta lại rồi bỏ đi.”
“Nhưng mà Điệp Nhi phải làm gì quân tử nhỏ trước chứ?”
“Điệp Nhi chỉ muốn thân thiết với ca ca chút thôi.” Cửu Điệp bắt chước con sâu đo, lật mình nằm sấp rồi nửa nhích nửa bò chui ra khỏi sọt: “Mi cô cô cởi mau trói cho Điệp Nhi. Bẩn váy của Điệp Nhi mất rồi.”
Đồ Mi mím môi cười vươn bàn tay với những chiếc móng sơn đỏ chót nhéo má Cửu Điệp, tự nhiên hỏi: “Nghe nói Điệp Nhi rất muốn trở về Tây Vực?”
Nó lập tức rướn cổ đáp: “Muốn! Muốn chứ! Tây Vực có lông lá bá bá với thúc thúc bụng bự, với ca ca tỷ tỷ xinh đẹp nữa! Tây Vực có đom đóm như sao! Điệp Nhi muốn trở về chứ!”
Đồ Mi nghiêng nghiêng đầu ra vẻ suy nghĩ lung lắm, đôi hàng mi như cánh bướm phủ lên cặp mắt nâu nhạt thâm sâu. Nàng bế bồng Cửu Điệp ôm vào lòng, phủi tà váy bám bụi của nó rồi đặt đứa trẻ ngồi lên giường.
“Điệp Nhi không phải là một cô bé ngốc phải không?” Đồ Mi nhẹ nhàng hỏi.
Cửu Điệp nghe vậy, chớp mắt một cái rồi vươn tay tháo cài tóc hình rẻ quạt xuống, đáp: “Điệp Nhi thích váy đẹp, thích trang sức nhỏ xinh nhưng Điệp Nhi vẫn biết mình là con trai.”
“Điệp Nhi thích sống như thế nào? Như nam? Hay như nữ?”
“Điệp Nhi không suy nghĩ nhiều lắm.” Cửu Điệp lắc đầu: “Chỉ biết nếu làm nam thì mẹ sẽ gặp nguy hiểm. Làm nữ dù không thể nhận mẹ nhưng vẫn có thể lén lút gặp người trong vườn đom đóm hằng năm.”
Đồ Mi thoáng chút chua xót khi nghĩ đến vườn đom đóm đã bị vương hậu cho người phá nát. Nhưng niềm cảm xúc ấy lập tức tan biến khỏi cõi lòng, ngón trỏ quấn một lọn tóc hất về sau, nàng như vô tình như hữu ý hỏi: “Điệp Nhi có muốn trả thù không?”