Thành thực, Cơ Lân chưa bao giờ thích năm chữ Chu Lễ Triều Hầu gia. Trói thân tại triều đình, thần phục dưới bệ rồng, vâng mệnh của thiên tử chưa từng là những điều hắn mong muốn. Tính hắn tùy tiện hơn bề ngoài nhiều, ưa cách sống ngày nào lo ngày ấy, tự tại tiêu dao, thỉnh thoảng phóng túng một chút chứ không phải quỳ gối, khom lưng dưới chân hoàng đế.
“Cơ hầu nói quả nhân hồ đồ?” Hoàng đế cao ngạo, lạnh lùng nhìn xuống Cơ Lân, tuy đã gần bốn mươi, dưới khóe mắt uốn nếp nhăn và tóc mai bên thái dương nhiễm sương giá nhưng dung mạo ngài vẫn sắc sảo, tuấn mỹ như xưa. Sự khinh cuồng của tuổi trẻ bị thời gian mài giũa thành bi ai giữa mi tâm ngài, khiến đôi mắt càng thêm thâm thúy, luôn luôn thờ ơ, vô hỉ vô bi nhưng hễ nhìn ai là xuyên thấu tâm khảm kẻ đó.
Cơ Lân quỳ thẳng, bình tĩnh đáp: “Thần vẫn giữ nguyên quan điểm.”
“Nhất định không đánh?”
“Nhất định không đánh.”
Hoàng đế chắp tay sau lưng, hời hợt thở dài một hơi: “Không sao, quả nhân có thừa cách để khiến Cơ hầu phải chấp nhận đánh.”
“Hoàng thượng, nước Tần ta dù đang hưng thịnh nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc ngài có thể đổ xương máu binh sĩ và mồ hôi công sức của lê dân vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa tùy theo ý muốn thất thường của ngài. Vi thần tuyệt đối không đánh.”
“Đó không phải một cuộc chiến vô nghĩa.” Hoàng đế nói từng chữ, từng chữ nặng ngàn cân: “Nợ máu phải trả bằng máu.”
“Quả nhân đã nghiêm túc, cần cù làm một minh quân gần hai mươi năm qua, nay đã làm quân chủ sáng suốt đến mệt mỏi rã rời, chán ghét sự giả tạo của bản thân cùng cực. Quả nhân chỉ định thử hồ đồ một lần cũng không được sao? Mà sao lại không được chứ?” Hoàng đế buột miệng cười: “Cơ hầu ngươi là cái thá gì? Ngươi không phải là hắn, nếu không phải là hắn thì chẳng ai khuyên giải quả nhân được.”
“Quả nhân đã nói nợ máu phải trả bằng máu tức là quả nhân kiên quyết sẽ đòi lại món nợ máu này. Cơ hầu thuở nhỏ được chùa thu nhận, khó tránh khỏi nhiễm chút tư tưởng: 'Ta không vào địa ngục thì ai vào?' đối với quả nhân lúc này. Nhưng quả nhân cũng không ấu trĩ như vậy, giết Cơ hầu thì quả nhân lấy ai đánh Điệp Cách?
“Quả nhân đã đưa đứa trẻ đó tới bên Cơ hầu thì cũng có vạn cách để cướp y khỏi tay ngươi. Cơ hầu nói đi, bây giờ Cơ hầu có đánh không?”
“Không.” Cơ Lân dứt khoát đáp.
Hoàng đế cụp mắt cười một tiếng. Khi ngài cười, nốt ruồi son dưới khóe mắt phải khẽ nhích lên, mang nặng một bầu tâm tư ủ qua năm tháng càng khó giải.
“Quả nhân bình sinh ghét nhất là bị kháng lệnh.”
Năm Sa Thương thứ hai mươi mốt, Chu Lễ Triều Hầu gia bình định đất tộc Điệp Cách, thu phục ngoại bang làm chư hầu của Tần quốc. Cơ Lân vung kiếm chém đứt khóa cửa phòng giam, tiến lại ôm con người đầy rẫy vết thương bị xích sắt còng vào lòng, không chút chán ghét sự dơ bẩn trên người nọ mà hôn lên tóc y. Siết chặt y trong vòng tay, hắn day dứt nói: “Không sao nữa rồi, ta đến cứu khanh khanh đây.”
Cơ Lân vạn lần không nghĩ đến hoàng đế sẽ trực tiếp trả Kính Minh về mẫu quốc chứ không bắt y để uy hiếp hắn. Hắn luôn biết mình không đấu lại hoàng đế nhưng hắn thật sự đã đánh giá quá thấp thủ đoạn tàn độc của ngài.
Quả thực, Tần đế lười thuyết phục hay dụ khị hắn, ngài thẳng tay ép hắn vào đường cùng, khiến hắn không còn đường nào khác ngoài tự mình hạ quyết tâm bình định Điệp Cách. Dù đã cố gắng hết sức nhưng hắn thấy bản thân chậm rồi.
“Khanh khanh.” Cơ Lân nén lại viền mắt nong nóng, đau lòng đến mức thở không nổi, cẩn thận bế thân thể gầy gò, suy yếu như một làn sương mỏng của y ra khỏi lao phòng. Kính Minh không ừ hữ một tiếng nào, cứ rũ mắt nhìn xuống, nằm ngoan trong vòng tay hầu gia. Y hơi hấp háy mắt trước ánh sáng chói lòa, đồng tử co lại, thẫn thờ trước cảnh tượng hoàng cung đổ nát. Ngang qua điện thờ, y thấy Đại tư tế già nua hai mắt đỏ au, long sòng sọc như thú dữ quát về phía Cơ Lân bằng tiếng Tần: “Các ngươi dám đạp đổ tượng của Thượng thần Trường Ly! Thiên đạo tuyệt đối sẽ không tha thứ cho các ngươi!”
Lập tức, một bàn tay che kín mắt Kính Minh lại, liền sau là âm thanh kêu thét đau đớn của Đại tư tế. Chẳng hiểu sao, nghe tới hai chữ 'Trường Ly', cõi lòng y chợt run rẩy, đôi tay bất giác siết chặt lấy vạt áo người kia. Cơ Lân hơi khựng lại rồi gia tăng tốc độ rời khỏi hoàng cung Điệp Cách.
Cơ Lân tự tay, cẩn thận từng chút chăm sóc vết thương và tắm gội cho Kính Minh, y chỉ dịu ngoan thuận theo, chốc chốc bật rên vì đau. Khi hầu gia làm xong thì y đã rưng rưng nước mắt, mím môi mếu máo trông rất đáng thương.
“Khanh khanh.” Cơ Lân vỗ về tình nhân nhỏ đang hít mũi thút thít, hôn lên trán y: “Ngoan, ta làm xong rồi. Nói gì đó đi.”
Đôi mắt Kính Minh thoáng lóe lên chút thần rồi lại ảm đạm, y cứ đờ đẫn như mất hồn. Cơ Lân đứng dậy, quỳ một gối xuống đất, nhẹ nhàng nâng bàn chân trần của y, tỉ mỉ quan sát đám sẹo bỏng trên nó. Ba năm trước, Cơ hầu trúng bẫy hố cát của người Điệp Cách, suýt vùi thây trong lòng sa mạc. Vốn hầu gia không hề cho Kính Minh biết về kế sách của quân Tần nhưng người do Tần đế cài vào bên Cơ Lân đã tiết lộ với y đường đi của Tần đương thời điểm năm đó. Kính Minh không phải kẻ ngốc, y sinh trưởng trên sa mạc, am hiểu địa thế trên bản đồ sa mạc, bởi vậy y lập tức phát hiện Cơ Lân bị gài bẫy và vội vã phóng ra ngoài sa mạc tìm phu quân.
Cơ Lân được Kính Minh cứu mạng như vậy, mang thương tích nặng trên người, suốt nửa tháng ròng hắn chỉ có thể dựa vào khanh khanh non trẻ của mình. Y dìu đỡ, cõng hắn đi trên sa mạc, vụng về săn bắt thú để nuôi hắn và khom lưng che chắn hắn giữa bão cát dữ dằn. Đám sẹo bỏng trong gan bàn chân y là bởi vậy mà ra. Kính Minh đã đưa hắn về Tần quốc an toàn nhưng hắn lại không kịp tìm được y, để y phải rơi vào tay phụ vương đã ruồng bỏ mình.
Vương hoàng Điệp Cách nghe biết Kính Minh là người đã phá hủy âm mưu ông ta dày công sắp đặt để giết Cơ hầu liền nổi trận lôi đình nhưng vẫn còn nể tình cha con mà không thẳng tay chém y. Tuy nhiên, việc cửu vương tử bị gả cho nam nhân, thần phục dưới thân nam tử là nỗi nhục hoàng thất Điệp Cách không thể chấp nhận nổi nên Kính Minh đã bị xóa tên và nhốt vào ngục.
Tên thật của y không còn, cũng không còn cửu vương tử Điệp Cách nữa, lúc này y chỉ là Kính Minh.
Cơ Lân xoa bóp đôi chân Kính Minh, ngón chân y căng thẳng cong vào. Hắn ngước lên, thấy y khóc rồi. Thân thể trải qua ba năm cực hình vừa gầy vừa yếu, y co rúm lại, xương vai nhô lên dưới lớp y phục, ánh mắt y nhìn người đã xâm phạm đất nước mình không có oán hận hay căm thù, đôi mắt trong vắt ấy chỉ chồng chất buồn đau và một nỗi bi thương cùng cực.
Cơ Lân từng nói rồi, Kính Minh rất hiểu chuyện. Y biết hắn làm điều này vì mình nên không hận hắn, y chỉ đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan dù đã bị hoàng thất ấy, đất nước ấy ruồng bỏ.
Cơ Lân không thể nói gì, im lặng, trịnh trọng đặt đầu gối quỳ dưới chân y, tựa như tạ tội, tuy biết nhìn thấy mình sẽ khiến y khổ sở nhưng hắn không dám rời xa y trong lúc này, sợ y làm ra điều dại dột.
Cơ Lân ước gì Kính Minh đánh mình, mắng mình nhưng y lại quá lương thiện, chỉ cắn môi khóc không thành tiếng. Hầu gia thầm nghĩ, nếu như từ ban đầu hắn nghe lệnh hoàng đế thì ít nhất Kính Minh đã không phải chịu khổ suốt ba năm qua, dẫu kết quả cuối cùng vẫn là hắn đem quân đánh chiếm đất nước của y.
Ít nhất y đã không phải chịu khổ. Ít nhất y đã không phải chịu khổ...
Chính Cơ Lân cũng không nhận ra thứ gì bỗng trượt khỏi viền mắt cay xót của mình thật nhanh, trái tim cứ như bị ai đó đóng xuyên qua một cái cọc dày nặng vậy.
Mùa xuân năm Sa Thương thứ hai mươi hai, Cơ hầu một thân áo trắng tóc đen, tựa một bức thủy mặc diệu bút, nơi mi gian hằn sâu một vệt ưu tư như đao khắc, bước vào viện Niệm Hề, thấy tình nhân nhỏ đang chăm chỉ viết chữ.
“Vi phu về rồi đây.” Cơ Lân cúi đầu hôn lên tóc Kính Minh, đặt túi đồ ngọt mua ở chỗ ông lão dưới chân cầu đá xanh. Ông ấy chân thành quý Kính Minh, không quan tâm tới thân phận của y, từ khi nghe tin hầu gia phu nhân qua đời vẫn luôn thương tiếc vô vàn mỗi lần Cơ Lân ghé qua mua bánh kẹo chỗ ông.
Thân phận của Kính Minh quá nhạy cảm, Cơ Lân đành phải để y giả chết trong mắt thế nhân.
Kính Minh cười tươi hôn tay phu quân, kéo Cơ Lân ngồi xuống cạnh mình, chỉ chỉ vào chữ y đang viết rồi chỉ vào miệng hắn. Cơ Lân dịu dàng đáp: “Ừ, ta đọc cho khanh khanh nghe.”
Kính Minh luyện viết chữ bằng cách chép kinh và thơ, lúc này y đang chép hai câu:
“Sơn hữu mộc hề, mộc hữu chi,
Tâm duyệt quân hề, quân bất tri*.”
* Trích bài thơ “Việt nhân ca” (Khuyết Danh): “Núi có cây xanh, cây có cành. Lòng ta mến người, người nào hay.”
Bài trước đó y viết là “Tử khâm” sao chép từ Kinh thi:
“Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm.
Túng ngã bất vãng,
Tử ninh bất tự âm*?”
* Áo người xanh xanh ngập lòng ta thương nhớ. Ta không thể tới thăm, hà cớ người cũng biệt tăm?
Nếu chẳng phải Cơ Lân biết Kính Minh không thông hiểu chữ quốc ngữ thì chắc hẳn đã nghĩ y đang oán trách mình rồi, quả thực là dạo này hắn rất bận, không dành nhiều thời gian với y như trước. Thở dài ôm vai y, Cơ Lân hôn lên trán, lên mắt, môi y, nói: “Ta xin lỗi.”
Kính Minh ngẩn ngơ, lo lắng khua tay hỏi vì sao hắn xin lỗi. Cơ Lân ấn chóp mũi mềm của y, kéo y vào lòng, ôm chặt chẽ lặp lại: “Ta xin lỗi.”
Cơ Lân cảm thấy đôi tay y đặt lên lưng mình, chầm chậm vỗ về, dù không trông thấy vẻ mặt y nhưng hắn biết y đang cười, cười rạng rỡ tựa nắng xuân ấm áp khiến trái tim hắn đau như bị róc thịt.
“Hôm nay khanh khanh ngồi viết chữ đã lâu chưa?” Cơ Lân lo y bị tê, xoa bóp đôi chân y hỏi: “Một canh giờ?”
Kính Minh lắc đầu.
“Hai canh?”
Cũng sai.
“Nửa canh?”
Y gật gật đầu, bẽn lẽn cười tủm tỉm. Cơ Lân lắc đầu mắng yêu y lười biếng, cầm tay dắt người đứng dậy. Y ôm túi kẹo trong lòng, nghiêng nghiêng đầu thắc mắc nhìn Cơ Lân. Kính Minh không nói được nữa, bởi lẽ tâm lý bị ngáng trở, mở miệng mà chẳng thể phát ra âm thanh.
“Đến nơi sẽ biết.” Cơ Lân dắt con tuấn mã dáng quắc thước, uy phong đường đường của mình ra, ôm Kính Minh đang lấp lánh mắt ngắm ngựa lên ngồi trước mình. Đôi tay y vùi vào bộ lông bờm mềm mại, vỗ vỗ gáy ngựa, nó chợt giơ cao hai chân trước như định hất người cưỡi xuống. Kính Minh giật cả mình, bĩu bĩu môi vòng tay ôm eo Cơ Lân, nháy mắt thay lời nói: ôm phu quân là an toàn nhất. Cơ Lân cười, chơi xấu đá vào bụng ngựa phi nước đại khiến người nọ hết hồn ôm chặt mình.
Chú tiểu nhỏ đang lười nhác quệt quệt chổi quét lá khô vàng trong sân chùa chợt nghe thấy một tiếng ngựa hí vang và âm thanh vó sắt lộp cộp đạp trên đường mòn tiến lại. Chớp mắt một cái, bụng ngựa đen thui và hai chân trước giương cao đã dũng mãnh lao tới như thể định dẫm nát đầu chú tiểu. Cậu sợ xanh mặt té ngã xuống đất, vó ngựa cũng đạp mạnh lên đất.
Ngồi trên yên ngựa là một nam tử cao lớn, mày rậm mắt ưng, da ngăm căng bóng, anh khí bức người. Gã thấy chú tiểu kinh hãi ngã dưới đất thì hơi nhướng mày ngạc nhiên rồi bừng tỉnh nhảy xuống ngựa, hào sảng xin lỗi nắm tay kéo chú tiểu đứng dậy. Sức lực của gã rất lớn, gã chỉ kéo nhẹ mà chú tiểu cứ ngỡ gã định quăng mình xuống núi.
Y phục trên người gã thoạt nhìn thì thấy thường nhưng trông kỹ mới nhận ra chất vải thượng đẳng thế nào, phục sức tuy ít ỏi mà nhìn kỹ cũng khiến chú tiểu hết hồn, vội đón khách quý. Nhưng gã không vào chùa dâng hương, chỉ nhờ chú tiểu cột ngựa rồi ung dung đi tìm chỗ vắng vẻ, có cảnh quan vừa mắt tí để đứng hút thuốc tẩu. Một trận gió thổi qua, hất tung đầu tóc, khiến toàn thân gã toát lên vẻ hoang dã.
Chừng một tuần trà sau, trên đường mòn lại vang lên tiếng vó ngựa, chú tiểu ôm trái tim đập thình thịch chạy trốn nhưng lần này hai vị quý công tử đến lại không thô lỗ như người kia. Một trong hai người có mái tóc tưởng như tuyết dệt, đứng nép vào người tóc đen nét mặt lãnh đạm. Chú tiểu nhận ra thân phận của người tóc đen, mau mắn vứt chổi hành lễ.
Cơ Lân nắm tay Kính Minh đang hiếu kỳ ngó nghiêng trời đất, hỏi: “Vô Sắc hòa thượng hiện tại chùa chăng? Nếu phải, ta xin phép gặp.”
“Dạ có, dạ có.” Chú tiểu nhanh nhẹn đi trước dẫn đường.
Cơ Lân vừa dắt Kính Minh đi theo vừa kể: “Vô Sắc hòa thượng là bạn tốt của cha ta lúc sinh thời, trước khi quy y, ông ấy từng theo học khá nhiều danh y. Tuy y thuật không dám xưng nhất nhưng ông ấy rất hứng thú với những bệnh lạ. Ta đưa khanh khanh tới đây để nhờ ông ấy xem bệnh, Vô Sắc có một tật xấu là không thể bắt bệnh đúng khi bị quan sát nên chút nữa ta ở ngoài chờ, khanh khanh đừng sợ nhé?”
Kính Minh ngoan ngoãn gật đầu, đến trước cửa phòng của Vô Sắc, y tự nhiên quay đầu, chớp chớp mắt nhìn hắn, chỉ vào má mình. Cơ Lân bật cười hôn lên hai má y, cụng trán với y: “Minh Nhi của ta là giỏi nhất.”
Kính Minh lập tức vui vẻ cùng hắn đi vào. Vô Sắc hòa thượng trông gầy nhom, tuy khuôn mặt hốc hác nhưng đôi mắt lại rất sắc bén, thâm thúy nhìn hai người rồi nở nụ cười hiền lành. Cơ Lân thưa chuyện ngắn gọn, vào thẳng trọng tâm, đoạn đứng dậy lui ra ngoài. Gã chủ quý hóa của con ngựa ô thô lỗ đang đứng khoanh tay, nhướng một bên lông mày nhìn hắn.
Cơ Lân cung kính khom lưng hành lễ: “Vi thần tham kiến thái tử điện hạ.”
“Cô thực không ngờ Cơ hầu ngày thường lạnh lùng, đạo mạo trên triều cũng có lúc dịu dàng như vậy.” Gã xoay cái tẩu một vòng, xoa cằm cười không đứng đắn: “Lại còn hứng khởi đến mức mang theo tình nhân đi chùa. Thế, hầu gia hẹn cô tới nơi khỉ ho cò gáy này làm gì?”
“Không có gì.” Cơ Lân thản nhiên đáp: “Chẳng qua là vi thần chướng mắt hoàng đế trên kia quá rồi thôi.”
Một câu đại nghịch bất đạo như vậy lại được thốt ra từ miệng của Cơ hầu là chuyện khó tin tới cỡ nào. Thái tử thoáng ngẩn ra đoạn lập tức vỗ đùi cười lớn, ánh mắt giễu cợt trở nên cực kỳ thâm sâu. Dụi tắt tẩu, thái tử nghiêm khắc hỏi: “Cơ hầu biết mình đang nói gì không?”
“Vi thần hoàn toàn tỉnh táo. Vi thần nói chướng mắt hoàng đế tức là vi thần không muốn hoàng đế ngồi trên ngai nữa.”
“Càn quấy! Ngươi dám khi quân -...”
“Thái tử không cần phải lo.” Cơ Lân lạnh lùng ngắt lời: “Toàn bộ ngọn núi này thuộc về vi thần, tất cả người sống ở đây đều là thuộc hạ của thần. Thái tử đặt chân lên đất này tức là đã rơi vào lòng bàn tay thần.”
Thái tử trừng mắt nhìn hắn chốc lát, cười gằn: “Ngươi bị điên sao?”
Cơ Lân chậm rãi chớp mắt hai lần, đáp: “Ừ, bổn hầu điên rồi.”