Họa Quốc

Chương 67: Chương 67




Ngôn Duệ.

Đệ nhất trí giả đương thời.

Người này thông minh từ nhỏ, bác học hiếu lễ, mười sáu tuổi đã làm thừa tướng Nghi quốc, thấy nền canh nông Nghi quốc yếu kém, không phù hợp để phát triển nông nghiệp, ông ta đề xuất quyết sách chọn đất để sinh tiền, sửa đường để mở cõi. Vì thế có thể nói, nền thương nghiệp của Nghi quốc sở dĩ có thể phát triển phồn thịnh, không thể thiếu công lao của người này.

Năm ba mươi chín tuổi đột nhiên ông ta nhiễm bệnh ác tính, thọ không được bao lâu nên cởi mũ từ quan, đi tìm danh y, danh y chẳng tìm thấy, lại tự điều chế ra một phương thuốc hay, sắc uống dần dần tự trị khỏi bệnh cho mình. Từ đó ông ta giác ngộ triệt để, không theo chính sự, mà mở lớp dạy học ở bốn phương, cùng đệ tử chu du các nước. Rất nhiều học trò của ông đều là cao quan đại thần ở các nước, nhưng người được biết đến nhiều nhất, cũng là kẻ bất tài nhất chính là Diệp Nhiễm.

Cha đẻ của Hy Hòa phu nhân.

Diệp Nhiễm cả đời tầm thường khiến người vợ phải thắt cổ tự vẫn, còn đem con gái của mình ra gán nợ, cuối cùng say rượu sảy chân ngã chết.

Vì thế, khi Khương Trầm Ngư biết người trước mặt này là Ngôn Duệ, phản ứng đầu tiên trong đầu chính là: Ông ta đã đến hoàng cung của Bích quốc, tại sao không gặp Hy Hòa mà lại đến Đoan Tắc cung trước? Lẽ nào, ông ta và Cơ Hốt cũng có giao tình riêng, còn thân thiết hơn cả Hy Hòa? Còn nữa, tại sao ông ta lại đến đúng lúc cầu siêu cho công tử? Ở Hồi thành công tử từng nói người này đã mất tích hai năm, không ai tìm ra được, bây giờ lại đột ngột xuất hiện như thế này… Một chuỗi nghi vấn liên tiếp nổi lên, thấy thầy trò hai người họ sắp hàn huyên chuyện cũ, nơi đây không có phần cho nàng, càng không thể giải đáp băn khoăn của nàng, nên nàng liền thỉnh an rồi cúi người lui xuống.

Nàng đến Bảo Hoa cung thăm Hy Hòa, ban nãy lúc nàng rời đi, nàng ta khóc rất dữ. Mà kể ra cũng lạ, loại Phật âm này đến một người tinh thông âm luật như nàng cũng mới được nghe lần đầu tiên, vì thế cũng đâu nhận ra nó có liên quan đến Cơ Anh, còn Hy Hòa điên điên dại dại lại biết, cho nên mới khóc lóc thảm thương như thế.

Giữa Hy Hòa… và Cơ Anh… nhất định có một phần tâm linh tương thông mà người ngoài không thể biết chăng?

Khương Trầm Ngư vừa đi vừa thẫn thờ suy ngẫm, bỗng nàng nhìn thấy một người đang đứng ở cửa Bảo Hoa cung, lặng lẽ nhìn Hy Hòa ở bên trong, gió đêm thổi tung mái tóc và tà váy người đó, dù nghi dung vẫn xinh đẹp như xưa, nhưng khó che nổi vẻ tiều tụy, mới chỉ mười chín tuổi xuân, mà nhìn như hơn ba mươi tuổi vậy.

“Tỉ tỉ?”. Khương Trầm Ngư ngạc nhiên.

Khương Họa Nguyệt đứng trước cửa nghe tiếng quay đầu lại, nhìn thấy nàng, không nói gì liền quay người bỏ đi.

Khương Trầm Ngư vội vàng gọi mấy tiếng: “Tỉ tỉ… tỉ tỉ…”. Thấy nàng ta không đáp, hơn nữa đi càng lúc càng xa, nhất thời rối trí, bèn thét lớn: “Đứng lại!”.

Khương Họa Nguyệt đờ người ra, quả nhiên dừng lại, một lúc sau, nàng ta quay đầu, ánh mắt lạnh băng: “Hoàng hậu nương nương có gì dặn dò? Tiểu phi xin rửa tai lắng nghe!”.

Khương Trầm Ngư bước đến trước mặt nàng ta, nghiêm trang hiền hòa nhìn gương mặt rõ ràng thân thuộc mà lại hóa xa lạ, nhớ lại trước đây không lâu người này còn mong chờ ngày sinh nhật lần thứ mười chín, cho rằng tất cả vẫn chưa phải là quá tuyệt vọng, khi hay tin muội muội hồi cung vẫn còn muốn đến thăm… Mà nay, tỉ muội chỉ cách nhau có một bước, mà lại kiếm vung cung giương, chĩa mũi nhọn vào nhau… Hết thảy rốt cuộc là vì sao?

Con người rõ ràng là một loài sinh vật khoan dung, khi mình hạnh phúc, tuyệt đối không muốn oán hận người khác.

Vậy, khi con người bắt đầu oán hận, phải chăng cho thấy họ thật sự quá đau khổ? Đau khổ tới mức phải đi hại người khác mới có thể lấy lại cân bằng?

Vừa nghĩ đến đây, Khương Trầm Ngư bình tĩnh trở lại, chậm rãi nói: “Lẽ nào trong hoàng cung thường xuyên chạm mặt này, tỉ tỉ muốn đến khi chết già cũng không qua lại với muội sao? Cho dù là tử tù thì trước khi bị hành hình cũng phải cho hắn được nói, để hắn tâm phục khẩu phục, không còn vương vấn mà ra đi. Nhưng Khương Trầm Ngư tự hỏi lòng chẳng làm sai điều gì, mà lại bị tỉ tỉ đối xử như vậy, Khương Trầm Ngư không cam lòng”.

Khương Họa Nguyệt phá lên cười nửa mỉa mai nửa lạnh lùng: “Không cam lòng? Hay cho một câu không cam lòng. Muội đã mở lời trước, thế thì ta cũng không giấu nữa. Trầm Ngư, trong cung này không chỉ có mình muội không cam lòng; cũng không chỉ mình muội không làm sai điều gì… Mọi người đều biết, muội lẽ nào không biết?”.

Khương Trầm Ngư không ngờ nàng ta sẽ nói như thế, không kìm được sững sờ.

Mà câu sau của Khương Họa Nguyệt lại càng không thèm kiêng dè gì hơn: “Thành thực mà nói, ta không biết muội đã làm thế nào, đi đến Bích Thủy sơn trang một chuyến rồi quay về, không lập công lao, không con nối dõi mà khiến hoàng thượng đặt chiếc mũ phượng của hoàng hậu lên đầu muội, chỉ riêng điểm này, tất thảy các phi tử khác trong cung đều không ngờ tới. Thế nhưng, so với Hy Hòa yêu mị mê hoặc hoàng thượng, mọi người bằng lòng để muội làm hậu hơn, ta cũng thế. Cho dù nói thế nào, xuất thân, phẩm hạnh của muội đều tốt hơn Hy Hòa mà… Có nhân có trí. Mọi người đều cảm thấy hậu cung rộng lớn này dưới sự lãnh đạo của muội chí ít cũng tốt hơn Hy Hòa. Nhưng mặt khác, thời gian muội vào cung ngắn nhất, những phi tử khác đều đến sớm hơn muội, vì thế tận đáy lòng không cảm thấy thoải mái, cũng là điều khó tránh. Muội đã gánh được cái danh hiệu quốc mẫu của Bích quốc, thì cũng phải nuốt trôi đố kỵ oán hận của những kẻ thất bại, đây là điều mà kẻ thắng như muội, nên tự giác biết lấy”.

Khương Trầm Ngư ngẫm nghĩ câu cuối cùng, không khỏi có chút ngây ngốc.

Ánh mắt Khương Họa Nguyệt nhìn nàng tràn ngập một nỗi bi ai, không biết là vì nàng, hay là vì bản thân mình: “Trầm Ngư, làm người không thể tham lam như thế, muốn có danh lợi, lại muốn có cả tình cảm. Muội muốn làm hoàng hậu, thì ắt là… tỉ muội chúng ta không còn tình cảm gì nữa”.

Khương Trầm Ngư cắn môi, bàn tay run run nắm lại, giọng nói như lọt qua từ kẽ răng: “Nếu muội không cần ngôi hoàng hậu này, tỉ tỉ tha thứ cho muội chứ?”.

Khương Họa Nguyệt sững sờ.

Khương Trầm Ngư ngẩng đầu lên, không chớp mắt chăm chú nhìn nàng ta, nhắc lại một lần nữa: “Trả lời muội đi, có phải muội không làm hoàng hậu, chúng ta sẽ có thể hòa hợp như xưa không?”

“Muội…”. Khương Họa Nguyệt cảm thấy sợ hãi trước sự chân thành và nghiêm túc của nàng, nhất thời không biết phải trả lời ra sao, trong lòng đang đấu tranh giằng co, thì thấy Khương Trầm Ngư nhếch khóe môi, cười với mình một cái.

Rất khó miêu tả đó là nụ cười như thế nào.

Tựa như khe hở đầu tiên nứt ra từ giữa khối băng trong suốt;

Tựa như sợi chỉ đầu tiên bị rút ra khỏi một tấm lụa bị dệt hỏng;

Tựa như chiếc lá đầu tiên rụng xuống của mùa thu.

Vừa đột ngột, vừa thẳng thắn, vừa rõ ràng lại vừa cương quyết.

Trái tim của Khương Họa Nguyệt run bắn lên.

Mà lúc này, Khương Trầm Ngư lên tiếng, giọng nói dịu dàng, nhưng lời lời kiên nghị: “Muội hiểu rồi… có điều, muội cảm thấy quy tắc trò chơi mà tỉ tỉ nói không công bằng. Nếu người thắng nên tự biết rằng mình sẽ bị người thua hận; thế thì người thua cũng nên có dũng khí cúi đầu xưng thần mới phải, đúng không? Khương quý nhân, ngươi thấy ai gia, tại sao không quỳ xuống? Không bái kiến? Đây là cái ‘tự giác’ của ngươi sao?”.

“Muội!”.

“Nếu tỉ không làm được việc khấu đầu bái kiến muội, thế thì dựa vào cái gì mà muội không thể canh cánh trong lòng về sự thất lễ của tỉ?”. Mắt Khương Trầm Ngư hoe đỏ, nàng ấm ức nói: “Những lời dưới đây của muội, tỉ tỉ tin cũng được, không tin cũng được, nhưng chung quy muội vẫn phải nói ra: Cho dù cả Khương gia đều nợ tỉ, thì muội Khương Trầm Ngư vẫn không hề có lỗi với tỉ. Cho nên, gặp tỉ, muội muốn nói chuyện với tỉ; tỉ không đếm xỉa đến muội, muội sẽ bám lấy tỉ; tỉ mắng muội, muội coi như không nghe thấy; tỉ đóng cửa, muội sai người đẩy cửa; tỉ giả vờ ngủ, muội gọi tỉ dậy…”. Khương Họa Nguyệt nghe thấy vừa tức giận lại vừa thấy buồn cười: “Muội có biết xấu hổ không đấy?”.

“Nói tóm lại, tỉ đừng có mơ đẩy muội ra nữa!”. Khương Trầm Ngư nói đến đây, bỗng chạy lại ôm chặt Khương Họa Nguyệt, nghẹn ngào thổn thức: “Tỉ tỉ! Tỉ tỉ, tỉ tỉ, tỉ tỉ… tỉ tỉ…”.

“Muội, muội…”. Khương Họa Nguyệt không đẩy được, bất lực mà mắng rằng: “Lại còn học được kiểu vô lại này…”.

Mắng nửa chừng không nhịn được bật cười, nhưng nụ cười vừa nhen thì vùng bụng đau nhói, rên rỉ thành tiếng.

Khương Trầm Ngư vội vàng ngước đầu lên: “Sao thế?”.

“Đau… đau…”. Khương Họa Nguyệt ôm chặt bụng, cảm thấy càng lúc càng đau dữ dội, lục phủ ngũ tạng như bị thứ gì đó nghiền qua, chốc lát mồ hôi vã ra như tắm.

Khương Trầm Ngư lập tức bắt mạch cho nàng ta, Khương Họa Nguyệt đổ ập lên người nàng, đau đến mức toàn thân kiệt sức, không ngừng rên rỉ: “Đau… muội muội, ta đau… Ta sao thế này? Có phải ta sắp… chết không?”.

Ánh mắt Khương Trầm Ngư càng lúc càng sáng rõ, kết hợp với biểu cảm méo mó vì không tin nổi, trên gương mặt chấn động tột độ, cao giọng hét lớn: “Người đâu! Tuyên thái y! Tuyên thái y…”.

Khương Họa Nguyệt không thể kiên trì đợi thái y đến, trước mắt tối sầm, hoàn toàn không biết gì nữa…

Trong mơ hồ, dường như quay trở lại thời thiếu nữ.

Tuy không ai biết, nhưng trong sâu thẳm nội tâm Họa Nguyệt không thể lừa dối chính mình - Thời thiếu nữ, nàng sống không vui vẻ.

Là thiên kim của tướng phủ, sinh ra không cần lo cái ăn cái mặc, vốn dĩ chẳng có gì giày vò đến mức không được vui vẻ. Nhưng một gia tộc lớn thì tất có nhiều thị phi. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nàng bẩm sinh nhạy cảm, vẫn ý thức được rất nhiều bóng đen âm thầm ẩn nấp dưới vẻ ngoài hòa hợp.

Khi đó, việc nàng thích nhất là tranh sủng với Hiếu Thành. Luôn cảm thấy vì ca ca là con trai, mình là con gái, cho nên mẫu thân thiên vị đại ca. Nhưng từ lúc có muội muội, nàng lại cảm thấy dường như mẫu thân không phải người trọng nam khinh nữ, chí ít so với đại ca ngốc nghếch, mẫu thân còn thích Trầm Ngư thông minh từ nhỏ hơn.

Có điều, Họa Nguyệt cũng thích Trầm Ngư.

Trầm Ngư thưở nhỏ thực sự là một đứa trẻ ngoan ngoãn khiến người ta không thể không yêu quý.

Họa Nguyệt nhớ năm chín tuổi, mẫu thân chuẩn bị dẫn ba bọn họ đi Bồ Đề đài bái Phật, không ngờ đêm trước khi đi, nàng đột nhiên bị trúng gió, sốt cao không giảm.

Mẫu thân đã hẹn với Bồ Tát rồi nên không thể nuốt lời, cuối cùng vẫn phải xuất phát. Một mình nàng nằm trên giường bệnh, ngủ li bì không biết trời đất là gì. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, loáng thoáng có người đi đến bên giường, giở mặt tấm khăn ướt chườm đầu cho nàng. Nàng cứ tưởng là a hoàn, nhưng người đó cởi giày trèo lên giường, chui vào trong chăn.

Nàng mở mắt ra, người đó chính là Trầm Ngư.

Trầm Ngư thấy nàng đã tỉnh, bèn tươi cười với nàng: “Tỉ tỉ, đại phu nói tỉ đỡ sốt rồi, ngày mai có thể khỏi đấy”.

“Sao muội không cùng mẹ đến Bồ Đề đài?”. Nàng rất kinh ngạc, bởi vì đó là chuyến xuất hành mà mẫu thân coi trọng nhất, đã có một đứa con vì bị bệnh mà không thể đi, sao có thể cho phép một đứa con khác không đi?

Trầm Ngư dụi cái đầu bé nhỏ của mình vào vai nàng, cười hì hì nói: “Muội hẹn với Bồ Tát rồi, đợi tỉ tỉ khỏi sẽ đi thăm ngài. Ngài nói được. Cho nên muội ở lại với tỉ tỉ đấy”. Nói rồi ôm chặt nàng, hai đứa gối đầu lên chiếc gối cùng ngủ thiếp đi.

Khi ấy nàng quá mệt mỏi, nên cũng không nghi ngờ gì, vì thế Trầm Ngư nói sao nàng chỉ biết vậy. Sau này, từ chỗ vú nuôi nàng được biết, Trầm Ngư sợ nàng ở nhà một mình cô đơn, cho nên nói sao cũng không chịu đi, còn đem đồng xu ra bói, nói với mẫu thân: Nếu cả ba hào đều là đơn, thì Bồ Tát cho Trầm Ngư ở nhà.

Cuối cùng ba đồng xu xoay tít, quả nhiên cả ba hào đều là đơn.

Thế nên Trầm Ngư danh chính ngôn thuận ở lại nhà.

Sau này, nàng truy hỏi Trầm Ngư, Trầm Ngư chớp mắt cười cười, móc ra ba đồng tiền đồng đưa cho nàng xem, hóa ra có một đồng hai mặt đều là chữ, mà hai đồng còn lại không có chữ. Cũng có nghĩa là, dù Trầm Ngư tung như thế nào, cũng đều là đơn.

“Muội lấy ở đâu ra thứ đồ này?”.

“Lấy từ chỗ ca ca. Ca ca đã dùng nó để đi đánh bạc với người ta”.

“Thế huynh ấy thấy sao không vạch trần muội?”.

“Huynh ấy sợ mẹ biết huynh ấy đánh bạc, cho nên không thể vạch trần muội”.

“Muội… muội đến chuyện Bồ Tát mà cũng dám làm giả…”.

Cuối cùng nàng chỉ có thể viện vào lý do này để lên lớp Trầm Ngư, không ngờ Trầm Ngư nghe xong, lại giang rộng cánh tay ôm lấy nàng, nũng nịu nói: “Nhưng tỉ tỉ đúng là khỏi bệnh mà. Hơn nữa sau này muội cùng tỉ tỉ đến trước mặt Bồ Tát lễ tạ. Bồ Tát tấm lòng khoan dung, sẽ không tính toán với một tiểu a đầu như muội đâu”.

Năm đó, Trầm Ngư sáu tuổi.

Sáu tuổi mà đã biết làm nũng, biết giả trá, biết ăn nói khéo léo, khiến người ta chẳng có cách nào trách mắng được.

Nàng cũng chẳng có cách gì. Cho nên đành cùng những người lớn trong nhà để mặc nó thôi. Quên mất Hiếu Thành chỉ lừa nàng mà không lừa Trầm Ngư; quên mất mẫu thân càng yêu thương Trầm Ngư hơn… Khi ấy nàng nghĩ, cho dù thế nào cha cũng không thiên vị.

Không những không thiên vị, mà cha dường như không thích Trầm Ngư nhất, còn yêu cầu cực kỳ nghiêm khắc đối với Trầm Ngư.

Bài tập phu tử giao cho, rõ ràng Trầm Ngư viết đẹp nhất, nhưng phụ thân vẫn yêu cầu Trầm Ngư viết lại. Kỳ thực trong cầm kỳ thư họa Trầm Ngư không thích đánh đàn, nhưng phụ thân lệnh cho nó mỗi ngày phải luyện một canh giờ, có khi luyện đàn rách cả da tay, Trầm Ngư không chịu được bật khóc, nàng nhìn thấy đau lòng, chạy đi cầu xin phụ thân, phụ thân lại lạnh lùng nói một câu “Lâu dần sẽ không bị rách da nữa”.

Khi đó nàng nghĩ, phụ thân thật hà khắc với Trầm Ngư, Trầm Ngư thật đen đủi.

Nhưng bây giờ nhớ lại, từ đó có thể nhận ra: Đó rõ ràng là cách đào tạo hoàng hậu, để đào tạo Trầm Ngư… cũng tức là, trong ba đứa con, người phụ thân yêu nhất… chính là Trầm Ngư.

Năm mười bốn tuổi, nàng ý thức được mình đã thích Tất sư gia đang đi theo phụ thân, chàng luôn mặc một chiếc trường bào màu lam nhạt, có thêu hoa văn lá trúc, giữa hai hàng lông mày có một vết bớt, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, thực không giống với những người khác. Nhưng chàng lại luôn giả vờ không hay biết tấm chân tình của nàng, thậm chí còn trốn tránh nàng, từ quan viễn hành, trước lúc đi, còn tặng cây đàn của mình cho Trầm Ngư… Lúc đó, nàng buồn biết bao nhiêu, buồn đến mức chẳng ăn nổi cơm. Nửa năm sau, hoàng cung bắt đầu tuyển tú nữ, nàng bị chọn làm một trong số tú nữ đó. Mẫu thân khuyên nhủ nàng cả đêm, nói nàng có số trời định làm nương nương.

Được, dẫu sao nàng cũng chẳng còn hy vọng gì với Tất sư gia, đời này nàng cũng không thể được bạc đầu bên người trong lòng mình thích, thế thì chọn một chàng rể phú quý nhất để được hãnh diện, để khiến tất cả mọi người đều phải ngưỡng mộ nàng, cung kính nàng.

Thế là nén chặt cõi lòng, nàng bước vào hoàng cung.

Cũng chính là đêm đó, lần đầu tiên nàng nhìn thấy tân đế của Bích quốc - Chiêu Doãn.

Tuy vẫn biết hoàng thượng chỉ lớn hơn nàng nửa tuổi, nhưng khi tấm khăn đỏ được lật ra, gương mặt lọt vào tầm nhìn lại là thiếu niên anh tuấn như thế, vẫn khiến nội tâm nàng chấn động tột độ.

Nụ cười của y với nàng, đến cái chớp mắt cũng đầy tình cảm.

Y kéo nàng lại, đầu ngón tay đầy dịu dàng.

Một trái tim thiếu nữ đã bị đắm chìm trong đó, khó mà thức tỉnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.