Họa Quốc

Chương 75: Chương 75




Chiêu Doãn run giọng: “Nàng, nàng đưa Điền Cửu đi đâu rồi”.

“Điền Cửu đi thăm người thân”.

“Cái gì? Thăm người thân nào?”.

“Lẽ nào hoàng thượng không biết, Điền Cửu còn có một người anh em. Anh em ruột. Hơn nữa người anh em ruột này của hắn vừa khéo cũng thành ám vệ, cuối cùng còn được hoàng thượng cấp cho thần thiếp:

Chiêu Doãn sắc mặt âm u nói: “Ý nàng nói Sư Tẩu?”.

Khương Trầm Ngư vỗ tay: “Hoàng thượng có trí nhớ thật tốt, vẫn nhớ ra tên của hắn”.

“Không phải hắn chết rồi sao?”.

Khương Trầm Ngư cười tươi rói: “Hoàng thượng thật là tin thần thiếp, thần thiếp nói thế nào thì tin thế ấy sao?”.

“Nhưng rõ ràng ta đã nhận được mật báo Sư Tẩu đã chết…”.

Khương Trầm Ngư thu lại nụ cười, nghiêm mặt nói: “Đó là thiếp cố ý sắp đặt”.

“Cái gì?”.

“Sư Tẩu vì cứu thiếp đã thành tàn tật, người như hắn nếu có về cung thì kết cục chỉ có cái chết, bởi quá vô dụng lại biết quá nhiều bí mật. Vì thế, thiếp cầu xin sư huynh cố ý tạo cho hắn dáng vẻ bị trọng thương không thể cứu chữa, lừa hết thảy mọi người, đưa hắn đến một nơi an toàn để tĩnh dưỡng”. Khương Trầm Ngư nói đến đây, lại cười: “Mà một canh giờ trước, thiếp sai người vờ như vô tình để lộ địa điểm đó cho Điền Cửu biết, cho nên bây giờ hắn có lẽ đã đến thăm người thân duy nhất trên cõi đời này của mình rồi”.

“Nói nhăng nói cuội! Người thân cái gì chứ! Ám vệ không có người thân! Họ chỉ có người thân duy nhất chính là trẫm!”. Chiêu Doãn nhảy dựng lên.

“Đó là hoàng thượng tưởng vậy thôi”. Khương Trầm Ngư phản bác kịch liệt, sự thất vọng trong mắt lại càng sâu đậm hơn: “Chính vì hoàng thượng chưa bao giờ nghĩ cho người khác, nên nghĩ người khác cũng máu lạnh vô tình như hoàng thượng, đến tình cảm anh em máu chảy ruột mềm cũng chẳng màng, thậm chí trái lại còn sát hại chính ca ca có chung huyết mạch với mình!”.

Chiêu Doãn bị đả kích nặng nề, hai chân mềm nhũn, toàn thân tê liệt ngã xuống ghế.

Ánh mắt y đờ đẫn nhìn về phía xa, miệng lẩm nhẩm một câu: “Ca ca?”.

“Đúng thế. Ca ca. Cơ Anh, chính là ca ca của hoàng thượng”. Tiếng sấm đùng đoàng như thể đặc biệt vang lên để hưởng ứng câu nói này, tiếp theo đó là cơn mưa như trút nước giữa đêm cuối thu lạnh lẽo.

Nước mắt Hy Hòa cũng cùng lúc lăn xuống, thân hình yếu mềm lảo đảo rồi loạng choạng ngồi phịch xuống chiếc giường gấm.

Có lẽ, người duy nhất có thể trấn tĩnh chỉ có Khương Trầm Ngư, nhưng ngón tay đang cuộn trong tay áo của nàng cũng không chịu nghe lời mà run lên bần bật.

Sau cùng, điều nàng đang nói chính là bí mật lớn nhất của Bích quốc, liên quan rộng lớn, can hệ nặng nề, có thể nói là chưa từng có từ xưa tới nay. Một khi bị tiết lộ hậu quả khó mà tưởng tượng nổi.

Trong tiếng mưa rào rào, giọng nói của nàng giống như một đóa hoa quẩn quanh dưới đáy nước đã nhiều năm, giãy giụa, xoáy tròn, cuối cùng ngoi lên khỏi mặt nước: “Rất lâu rất lâu về trước, đã lưu truyền một bí mật như thế này về gia tộc Cơ thị - Cơ gia có ‘Liên thành bích’ và ‘Tứ quốc phổ’, hai vật này có thể giúp gia tộc vĩnh viễn chiếm vị trí đứng đầu trên triều đường, đứng ở vị thế bất bại. Nhưng rất lâu rất lâu rồi, không ai có thể nhìn thấy hai vật này. Cha ta từ khi trở thành hữu tướng đã luôn tìm kiếm hai vật này hòng lật đổ Cơ thị, nhưng lãng phí biết bao tài lực nhân lực mà vẫn không thu hoạch được gì. Đến năm Đồ Bích thứ tư, ông cảm thấy vạn sự đã chuẩn bị đầy đủ, không thể nhẫn nại thêm, bắt đầu… xuống tay đối với Cơ Anh”.

Trong phòng im lặng như tờ, hai người đang lắng nghe cố nhiên đều im lặng, còn người nói thì tâm thân đều tan nát. Có lúc, Khương Trầm Ngư cảm thấy mình đã không còn ở trên nhân thế từ lâu, hiện giờ người đang điều khiển cái xác của nàng là một người nào khác. Nếu không, làm sao giải thích được nàng có thể kể về câu chuyện đáng sợ như thế một cách bình tĩnh đến vậy? Bình tĩnh đến mức như đã chết rồi.

“Một mặt cha thiếp âm thầm mua chuộc trọng thần trong triều, đặc biệt là Hàn lâm bát trí, thực sự tốn tâm cơ để bọn họ ra mặt chỉ trích Cơ Anh, một mặt khác lại cùng Vệ Ngọc Hành giăng bẫy chờ Cơ Anh chui đầu vào rọ. Cuối cùng, ông đã thành công, dùng cái cách rất hạ lưu nhưng rất trực tiếp, rất hiệu quả, giết chết danh thần một đời. Mà điều khiến thiếp kinh ngạc là tại sao hoàng thượng lại dung túng cho ông ta làm chuyện này! Dung túng cho ông ta chặt đứt cánh tay mạnh nhất của mình! Cơ Anh chẳng phải là thần tử được sủng ái nhất, được tín nhiệm nhất của hoàng thượng sao?”. Khương Trầm Ngư nói đến đây, ánh mắt từ trên người Chiêu Doãn chuyển đến người Hy Hòa đang nằm sóng soài trên giường mà không nói nổi lời nào: “Bây giờ thiếp lại biết được một chuyện, đó chính là Hy Hòa phu nhân từng là tình nhân của Cơ Anh. Hy Hòa bị hoàng thượng cố ý cướp đi trên tay Cơ Anh giống như năm đó đã từng cưỡng ép thiếp vào cung vậy”.

Hy Hòa gượng cười, nhưng khóe môi chưa nhếch lên đã biến thành một tiếng thở dài không thành tiếng.

“Tại sao? Tại sao hoàng thượng một mặt trọng dụng Cơ Anh, một mặt lại đi cướp nữ nhân của chàng? Tại sao Cơ Anh rõ ràng có thể nói là không thể thiếu đối với Bích quốc, nhưng hoàng thượng lại đồng ý cho giết chàng? Trong suốt một thời gian dài, chuỗi câu hỏi này đã khiến thiếp mất ăn mất ngủ, suy nghĩ muôn vàn. May mà… thiếp không phải chờ đợi lâu, rất mau chong, ông trời đã cho thiếp câu trả lời. Chính là tối thái hậu qua đời…”.

“Thái hậu? Là thái hậu nói cho nàng biết?”. Trong phút chốc, Chiêu Doãn kích động hẳn lên.

“Trước khi thái hậu từ trần, chỉ có một mình thiếp ở cạnh giường, bà đã nhận nhầm thiếp thành một người khác, người có tên là Lang Gia. Mà vị Lang Gia này chính là mẫu thân của Cơ Anh”. Ầm ầm, lại một tia sét nữa đánh xuống, khiến khung cửa sổ sáng bừng lên.

Khương Trầm Ngư nhìn Hy Hòa, nhẹ nhàng nói: “Ngày hai mươi chín tháng ba năm Đồ Bích thứ ba, phu nhân còn ấn tượng với ngày này chứ?”.

Hy Hòa dường như bị gợi nhớ đến ký ức gì rất đáng sợ, toàn thân run lẩy bẩy, trong phút chốc hơi thở trở nên dồn dập.

Trên gương mặt Khương Trầm Ngư nổi lên một sự thương xót khó diễn tả thành lời: “Chắc chắn phu nhân có ấn tượng. Bởi vì ngày hôm đó, phu nhân ở trong rừng hạnh, đợi Cơ Anh suốt một đêm. Mà chàng không đến”.

“Tại… tại sao ngươi lại biết?”. Giọng nói của Hy Hòa nghèn nghẹt, mỗi tiếng đều phải lách qua kẽ răng để phát ra.

“Sở dĩ chàng không đến, là vì… chàng bị người ta bán đứng, không thể đến được”. Khương Trầm Ngư cắn chặt môi, chậm rãi nói: “Mà tất cả việc này đều bắt đầu từ ngày mùng mười tháng hai, ngày mẫu thân của công tử qua đời…”.

Ầm ầm đùng đùng, sấm vang chớp giật, ánh sáng lóe lên chiếu xuyên qua giấy dán cửa sổ, tựa như đến tường vách cũng bị xé nát.

Cũng đưa câu chuyện quay về mùng mười tháng hai của năm Đồ Bích thứ ba.

Đêm đó, Lang Gia bệnh nặng, tất cả người của Cơ thị đều tụ tập trong nhà để đợi tin tức, nhưng bà không gặp một ai, chỉ gọi mình Cơ Anh vào trong…

Cơ Anh vào trong gian tẩm thất, bên trong chỉ thắp một cây đèn duy nhất, khắp phòng nồng mùi thuốc, dù tính tình chàng luôn trầm ổn hướng nội, cũng không nén nổi khóe mắt cay cay.

Đang định thắp đèn, Lang Gia trên giường bệnh lên tiếng: “Đừng, đừng thắp đèn… ta sợ sáng”.

Cơ Anh liền dừng tay, đi đến bên giường, nắm lấy đôi tay khô gầy của mẫu thân, khẽ gọi một tiếng: “Mẹ”.

“Anh Nhi… con đến rồi”.

“Vâng, mẹ, con đã từ Hoa Hà trở về”. Mười ngày trước, chàng bị Chiêu Doãn phái đi sửa đê phòng lũ, vừa đến Hoa Hà liền nhận được tin xấu, lại vội vã trở về, vì thế người đầy bụi bặm, mặt cũng chưa rửa, áo quần cũng chưa kịp thay, cực kỳ tiều tụy.

Nhưng Lang Gia nhìn chàng giống như nhìn thứ mình yêu quý nhất trên đời, giơ hai tay ra ôm lấy mặt chàng, gọi một cách tràn đầy tình cảm: “Anh Nhi… của mẹ, Anh Nhi ngoan…”.

“Mẹ, con ở đây, con vẫn luôn ở đây”.

“Con đồng ý với mẹ một chuyện”.

“Mười việc, trăm việc, con đều đồng ý”.

Nhận được sự đảm bảo của con trai, Lang Gia mỉm cười, trong nụ cười ấy chất chứa rất nhiều nỗi tiếc nuối và xót xa khó diễn tả thành lời: “Con có biết tại sao ta muốn con dốc hết sức lực phò tá Chiêu Doãn không?”.

Cơ Anh ngây người, đáp: “Là vì… y lấy tỉ tỉ”.

Lang Gia lắc đầu.

Cơ Anh lại nói: “Là vì y là hoàng đế tốt”.

Lang Gia khẽ thở dài: “Là vì… nó là đệ đệ của con”.

Ầm ầm, mưa rơi như trút nước, mặc ý rửa sạch vạn vật trên thế gian.

Rèm mi Cơ Anh nhướng lên rồi lại cụp xuống, rồi lại nhướng lên, trong con ngươi bấy giờ mới biểu lộ một chút bóng dáng của sự chấn động ngạc nhiên. Lang Gia nhìn những biến hóa biểu cảm rất nhỏ đó, hài lòng gật đầu: “Rất tốt, quả nhiên con đã học được cách xử sự dù núi Thái Sơn có sụp trước mặt cũng không biến sắc… Mẹ rất hài lòng”.

Cơ Anh im lặng một lúc lâu rồi mới nói: “Con… có thể hỏi… tại sao không?”.

“Đương nhiên có thể, vì ta nhất định sẽ nói cho con. Bởi vì… Đồ Bích… vốn là thiên hạ của Cơ gia chúng ta!”.

Ầm ầm.

Ánh nến yếu ớt chiếu sáng Lang Gia đang trong cơn nguy kịch, năm tháng đã ăn mòn hết sạch, ăn mòn triệt để nhan sắc và sức khỏe của bà, nhưng lại bù đắp cho bà một đôi mắt trí tuệ.

Lang Gia, con gái của Chung thượng thư, thời thiếu nữ đẹp nhất kinh đô được gả làm vợ của Lộc Đỉnh hầu Cơ tịch, phu thê tình thâm, bên nhau trọn đời. Nếu dùng tộc phả để ghi chép về người này, có thể chỉ có một câu như vậy, nhưng đối với toàn thể Cơ gia mà nói, bà mới là công thần thực sự.

Khi bà được gả cho Cơ Tịch, Cơ Tịch chẳng qua chỉ là một hầu gia hữu danh vô thực, không có gì xuất chúng, nội bộ gia tộc Cơ thị hỗn loạn, đấu đá lẫn nhau. Địa vị đệ nhất sĩ tộc vốn có cũng dần dần bị tranh giành, bị ba tộc Khương, Tiết, Vương thay thế.

Sau khi bước chân vào Cơ gia, bà đã dùng mười năm với chính sách cứng rắn để trị gia mới khiến Cơ gia phân tán tập trung trở lại, cuối cùng đã đạt được thế cân bằng tứ đại sĩ gia. Vì thế, mọi người trong tộc đều phục tùng mình bà, một lòng bội phục vị chủ mẫu của gia tộc này. Đến nay, tính mạng bà nguy kịch, tất cả mọi người đều đến thăm hỏi, đợi lời trăn trối lúc lâm chung của bà, mà không màng tới chủ nhân thực sự là Cơ Tịch.

Từ nhỏ, Cơ Anh đã được mẹ dạy dỗ, tuy được bà dạy là phải độc lập tự chủ, phàm chuyện gì cũng phải tự mình quyết định, nhưng đối với mẫu thân, vẫn là bảo gì nghe nấy. Cũng vì thế, cho dù mẫu thân nói gì đi nữa, chàng cũng không ngạc nhiên.

Cho nên, khi Lang Gia nói ra một câu nói đủ để khiến triều dã xáo động, cực kỳ đại nghịch bất đạo đó, Cơ Anh cũng chỉ ánh mắt hơi lóe lên, đầu mày khẽ chau, nhìn bà chăm chú.

“Lúc còn nhỏ chắc chắn con đã từng nghe đến chuyện Liên thành bích và Tứ quốc phổ”.

“Vâng’.

“Thế thì, con cảm thấy Cơ gia chúng ta thật sự có hai vật này không?”.

Cơ Anh lắc đầu.

“Trên thực tế, chúng ta có”.

Mắt Cơ Anh trong tích tắc mở rất to.

“Thái Tổ hoàng đế Quý Vũ khi dựng nước đã cùng ông tổ của chúng ta kết nghĩa huynh đệ, vì thế cho phép Cơ gia đời đời hưởng tước hầu, nhưng sự thực còn hơn cả như thế - Thái Tổ vô sinh, không có con nối dõi, một người xuất thân từ lều cỏ cuối cùng làm nên nghiệp bá như ông cũng không còn người thân thích nào khác. Cho nên, sau khi bàn bạc với ông tổ của con đã bồng một đứa trẻ vừa mới chào đời ở Cơ gia đi, đứa trẻ đó trở thành Tuệ đế sau này. Tuy chuyện này giữ bí mật với bên ngoài, nhưng khi Thái Tổ lâm chung đã kể lại chân tướng cho Tuệ đế, từ đó về sau, Tuệ đế trọng dụng thần tử họ Cơ khiến cho Cơ gia một thời vẻ vang không ai sánh kịp”.

Trong tiếng sấm, bà Lang Gia chậm rãi kể, giọng nói tuy yếu ớt, nhưng ngữ điệu vẫn trầm ổn, cực kỳ có sức thuyết phục.

“Trước lúc băng hà, Tuệ đế cũng truyền lại bí mật này cho Hiếu đế. Hiếu đế lại truyền lại cho Đàn đế. Đàn đế truyền lại cho tiên đế. Vì thế, hoàng tộc vẫn luôn biết rõ bí mật này. Cái gọi là Liên thành bích kỳ thực để chỉ huyết mạch hoàng gia, chỉ cần Bích quốc vẫn còn thì không có chuyện Cơ thị chúng ta diệt vong. Nhưng, tiên đế… lại phản bội lại lời hứa”.

Nói tới đây, bà Lang Gia cười lạnh lùng, nụ cười cực kỳ tàn khốc.

“Bởi vì, ngài quá thích cô con gái của Vương gia đó, thích đến độ quên mất mình vốn họ Cơ!”.

Sau khi Hành Xu đăng cơ, định niên hiệu là Gia Bình. Năm Gia Bình thứ sáu, con gái út của Vương thị là Trăn Cơ vào cung, vốn chỉ là một tiểu mỹ nhân. Nhưng Hành Xu lại một lòng say đắm nàng ta, ân sủng hết mực, từng bước từng bước từ một mỹ nhân được phong lên làm quý nhân, rồi lại phong làm hoàng hậu vào năm Gia Bình thứ chín, Vương thị sinh hạ được một hoàng tử, chính là thái tử Chiêu Thuyên sau này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.