Hỏa Thần

Chương 1: Chương 1




ROME NGÀY 4 THÁNG 3

ĐÃ CÓ NHỮNG CẢNH BÁO TỪ TRƯỚC - Vụ nổ bom SHABBAT xảy ra tại trung tâm cộng đồng người Do Thái ở Buenos Aires làm 87 người chết; đúng một năm sau đó vụ nổ bom do một nhóm người Do Thái ở Istanbul gây ra cũng làm thiệt mạng 28 người khác - trong khi đó, Rome vẫn tiếp tục các cuộc chè chén linh đình, và do vậy, nơi này có thể trở thành địa điểm mà bọn chúng nhắm đến tiếp theo.

Ngay sau sự kiện này, dọc theo các hành lang và dãy phòng làm việc của các quan chức thuộc cơ quan tình báo danh tiếng của Israel vẫn nổi lên các cuộc tranh cãi gay gắt về thời gian và địa điểm của những âm mưu tấn công sắp tới. Lev Ahroni, vị Giám đốc đầy thận trọng của cơ quan tình báo, cho rằng âm mưu này đã được lên kế hoạch không lâu sau khi quân đội Israel ập vào tổng hành dinh của A’one ở Ramallah và lấy đi những hồ sơ bí mật. Ari Shamron, một điệp viên lão luyện của Israel nhận thấy ý kiến này thật đáng buồn cười. Shamron luôn bất đồng quan điểm với Lev, ngay cả trong những chuyện đơn giản như thể thao chẳng hạn. Shamron, người đã từng chiến đấu trong hàng ngũ của Palmach trong cuộc chiến giành độc lập và là người luôn cho rằng xung đột là chuyện đương nhiên, bằng trực giác của mình ông hiểu rằng thảm họa diễn ra tại Rome có mầm mống từ những hành động diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, những chứng cứ lại cho thấy rằng giả thiết của cả Lev và Shamron đều đúng. Lúc này, để có thể đạt được những điều kiện làm việc thuận lợi, họ cũng đã thỏa hiệp cho một sự khởi đầu mới: đó là ngày ngài Jean-Luc đến vùng đồi Lazio và ở lại khu biệt thự được xây cất từ thế kỷ XVIII nằm bên bãi biển Bracciano.

Thời điểm chính xác mà Jean-Luc đến đã được ấn định. Chủ biệt thự, ngài Laval, một người Bỉ thuộc dòng dõi quý tộc vốn rất đa nghi, đã thông báo rằng người thuê biệt thự sẽ đến vào lúc hai giờ rưỡi chiều ngày thứ sáu cuối cùng của tháng Một. Người thanh niên Israel trẻ tuổi, nhã nhặn và đầy sôi nổi đã đến nhà ngài Laval ở Brussels xác nhận ngày anh ta sẽ dọn đến. Ngài Laval lật cuốn sổ làm việc sang trọng có bọc da ra và chỉ vào cái ngày được khoanh tròn. Ở đó, có ghi bằng bút chì rõ ràng thời gian là hai giờ rưỡi chiều với dòng chữ: Gặp ông Jean-Luc tại biệt thự Bracciano.

“Sao ngài lại ghi là biệt thự Bracciano thay vì chỉ cần ghi là biệt thự?” vị khách người Israel hỏi, với tay chỉ vào quyển sổ.

“Để phân biệt nó với biệt thự Tropez của chúng tôi, hay là biệt thự Portuguese, hoặc cáiChalet trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ”.

“À, ra thế”, vị khách Israel nhủ thầm, tuy thế, ngài Laval nhận thấy giọng nói của vị khách dường như thiếu sự nhún nhường vốn có ở hầu hết các công chức bình thường khi tiếp xúc với những người danh giá giàu sang.

Ngoài ra ngài Laval còn nhớ tất cả những gì về người đến ở trong biệt thự của mình? Rằng anh này là một người luôn đúng giờ giấc, thông minh, quần áo chỉnh tề. Và anh trông khá hấp dẫn, luôn thoảng mùi nước hoa đặc trưng dễ chịu, quần áo trông giản dị nhưng lại khá đắt tiền. Anh ta lái chiếc Mercedes, với hai chiếc vali hàng hiệu kềnh càng có ống khóa bằng vàng. Anh đã trả trước tiền thuê nhà trong vài tháng liền bằng tiền mặt, mà với ngài Laval thì điều đó là khác thường ở cái đất nước Italy này. Những gì ngài còn có thể nhớ là anh ta là một người luôn biết lắng nghe, không bao giờ để người khác phải nói đến hai lần. Anh nói tiếng Pháp giọng Paris chuẩn. Rằng anh có vẻ là một người luôn làm chủ được mình trong các cuộc tranh cãi và rất biết chiều chuộng phụ nữ. “Anh ta được sinh ra trong một gia đình quyền quý”, Laval kết luận, ngài chắc chắn về điều đó và hoàn toàn nhận thức được những gì mình đang nói. “Anh ta có dòng máu quý tộc đấy. Hãy ghi lại điều này trong sổ tay”.

Những chi tiết khác về người đàn ông được gọi là Jean-Luc dần dần hiện rõ trong trí nhớ của ngài Laval. Và ngài nhận ra rằng anh ta không khác chính mình là mấy. Anh ta không cần thuê người giúp việc và luôn yêu cầu người làm vườn phải có mặt đúng chín giờ sáng và ra về lúc mười giờ. Anh ta luôn mua sắm ở siêu thị gần nhất và tham gia vào nhóm Mass ở cái villa với lối kiến trúc trung cổ nằm ven hồ ở Anguillara. Anh ta cũng dành nhiều thời gian tham quan những di tích còn lại của thời La Mã thuộc vùng Lazio và đặc biệt bị cuốn hút bởi khu nghĩa địa cổ ở Cerveteri.

Vào cuối tháng Hai - ngài Laval cũng không nhớ chính xác là ngày nào - anh ta biến mất tăm. Ngài cũng không được biết ngày anh ta quay trở lại, vì ngài chỉ được một phụ nữ ở Paris tự xưng là trợ lý riêng của anh chàng ta thông báo rằng anh ta đã rời đi. Mặc dù còn hai tuần nữa mới hết hạn thuê nhà, nhưng anh chàng không hề gây khó khăn cho chính mình, hoặc cho ngài Laval bằng việc đòi hoàn trả số tiền thuê. Cuối mùa thu năm ấy, khi ngài Laval thăm lại villa, ngài rất đỗi ngạc nhiên khi phát hiện ra một mảnh giấy cảm ơn nhỏ, được đánh máy cẩn thận, để trong một chiếc chén bằng pha lê đặt trên bàn trong phòng ăn, và tờ một trăm euro để trả cho bình rượu bị vỡ. Ngài xem xét kỹ lưỡng các ly rượu trong bộ sưu tập của mình và không thấy mất bất kỳ một cái ly nào. Khi ngài Laval cố gắng tìm cách liên lạc với trợ lý của anh ta tại Paris để trả lại số tiền thì số máy ấy lại không thể liên lạc được.

Tiếp giáp công viên Borghese là những đại lộ đẹp tuyệt vời, lá vàng nhẹ rơi bên vệ đường trông như những miếng vảy cá xếp lớp, thấp thoáng những vị khách du lịch qua lại trên những đường phố lớn gần trung tâm thành phố. Đó là những đại lộ kiêu sa ngốn rất nhiều tiền xây dựng, nhưng xe cộ rất thưa thớt, nên những tiếng còi xe hiếm hoi trở thành sự khuấy động khó chịu phá vỡ khung cảnh yên bình của nơi này. Một trong số các đại lộ là con đường cụt. Có một con dốc thoai thoải uốn cong về bên phải. Góc đường này luôn chìm sau bóng của tòa tháp nước bằng đá và bị những cây bạch đàn cao ngất che khuất nhiều giờ trong ngày. Vỉa hè hẹp bên đường bị bong lên bởi những gốc cây trơ rễ. Nó luôn bị phủ lấp bởi những trái thông và lá cây mục. Cuối con đường là khu vực chuyên dành cho các cuộc hội họp ngoại giao được rào chắn cẩn thận, chắc chắn hơn cả thành Rome.

Những người sống sót và sau này trở thành nhân chứng luôn nhớ rõ mồn một về sự hoàn hảo tuyệt đối của buổi sáng cuối đông ấy: một buổi sáng trời trong xanh, đủ lạnh để tạo nên những cơn rùng mình nhè nhẹ dưới bóng râm, đủ ấm để không cần phải tháo nút áo dưới ánh mặt trời. Đó là một buổi sáng lý tưởng để nghĩ đến một bữa trưa thịnh soạn ngoài trời. Ở thành phố Rome đầy tính chính trị ngoại giao thì những buổi tiệc như vậy cũng không phải là hiếm. Nó diễn ra thường xuyên giống như chỉ là một bữa để giết thời gian với ly càphê Cappuccino và Cornetto, để ngẫm nghĩ về một tình huống hoặc phân tích về hành vi của một người nào đó. Hôm nay, ở đây sẽ diễn ra một cộc họp vô cùng quan trọng. Nhiều cuộc họp bàn bình thường khác đã bị hủy bỏ. Tất cả các thủ tục giấy tờ khác bị chuyển qua ngày thứ Hai tuần kế tiếp.

Trên con đường cụt gần khu công viên Borghese, chẳng có một biển báo nào cắm ở ngoài liên quan đến sự kiện sẽ xảy ra. Những viên cảnh sát Ý và nhân viên an ninh canh gác vòng ngoài đang tán gẫu vu vơ dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Cũng như hầu hết các cuộc họp ngoại giao khác ở Rome, thông thường sẽ có hai đại diện ngoại giao, một là phía Chính phủ Ý, một là phía Tòa thánh Vatican. Hai bên sẽ tiến hành họp bàn vào thời điểm được ấn định từ trước. Cuộc họp bàn sẽ diễn ra trong phòng họp nghiêm trang và kín đáo.

Đúng mười giờ mười lăm, một tu sĩ to béo lạch bạch đi xuống phía dốc, xách theo chiếc cặp da. Bên trong chứa công văn vận động ngoại giao của Ban Thư kí Toà thánh Vatican buộc tội phía quân đội Israel vì vụ đột nhập vào Bethlehem vừa qua. Người được giao nhiệm vụ chuyển tin đã trao toàn bộ tài liệu cho thư kí của vị đại sứ và hổn hển quay trở lại đầu dốc. Thông tin trong tập tài liệu sẽ được công bố trong cuộc họp, và những lời lẽ trong đó phần nào thể hiện động thái lúng túng từ phía Vatican. Ngay cả thời điểm chuyển tin cũng chứa đựng yếu tố may rủi. Nếu người chuyển tin chỉ cần đến muộn năm phút thôi, thì cả ông ta và bản gốc tờ công văn sẽ mất tăm trong sự kiện sắp diễn ra ở đây.

Thật không may cho những phóng viên của thông tấn xã Ý khi đã đến đây để phỏng vấn ngài đại sứ đương nhiệm về tình hình chiến sự Trung Đông. Đoàn người Do Thái đến để ủng hộ cho hội nghị về việc lên án chủ nghĩa tân phát xít do ngài đại sứ chủ trì sẽ diễn ra vào tuần sau ở Verona cũng không gặp may. Và cả một cặp người Ý, vốn chán ngấy với những trào lưu mới của phong trào bài trừ Do Thái ở Châu Âu, đến đây hỏi thông tin về chuyện nhập cư vào Israel và cũng cùng chịu chung sự kém may mắn đó. Khoảng mười bốn người đứng tụ lại ngay cổng vào, đang chờ nhân viên an ninh của Đại sứ quán khám xét người, trong lúc đó một chiếc xe tải trắng đang rề rề rẽ phải vào con đường cụt và bắt đầu thực hiện sứ mệnh chết người trong khu vực được rào chắn kỹ càng ấy.

Hầu hết mọi người đều nghe thấy tiếng xe trước khi nó xuất hiện. Tiếng gầm rú của động cơ xé toạc bầu không khích tĩnh mịch của buổi sáng. Dẫu có cố gắng đến đâu cũng không thể bỏ ngoài tai tiếng gầm rú ấy. Các nhân viên an ninh người Ý ngưng cuộc đàm thoại dang dở, ngước mắt nhìn lên, mười bốn người đang đứng tại sảnh ra vào của Đại sứ quán cũng ngước nhìn theo. Người tu sĩ to béo đang đứng chờ xe buýt tại phía cuối đường bên kia cũng rời mắt khỏi tờ báo L’Ossservatore Romano, ông ta ngẩng cái đầu tròn trịa của mình lên và dáo dác tìm nơi phát ra tiếng động đó.

Con dốc thoai thoải làm tăng tốc cho chiếc xe tải, nó lao đi với một tốc độ khủng khiếp. Khi đi qua khúc cua, toàn bộ tải trọng của nó như đổ dồn vào hai cái bánh trước. Chiếc xe chỉ chực đổ nhào. Rồi nó quẹo phải, và bắt đầu đâm thẳng vào khu vực có hàng rào che chắn ấy.

Tài xế xe tải thấp thoáng sau cửa kính xe. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi, râu cạo nhẵn nhụi. Đôi mắt to, miệng há hốc đầy kinh ngạc. Anh ta như đứng hẳn trên bàn đạp số, và lầm bầm như đang tự chửi rủa mình. Chẳng hiểu vì lý do gì, chiếc cần gạt lại bật lên.

Lực lượng an ninh phản ứng ngay tức khắc. Một số nhảy vào nấp sau hàng rào kiên cố. Một số khác lao vào bốt bảo vệ được làm bằng sắt và thủy tinh. Hai nhân viên khác nã súng liên tục vào chiếc xe tải tử thần. Những tia lửa nổ lẹt xẹt ở phiến chắn, cửa kính chắn gió vỡ tan tành, nhưng chiếc xe tải không giảm tốc, nó vẫn lao thẳng tới. Sau này, chính phủ Israel đã tuyên dương hành động anh dũng của đội bảo vệ người Ý buổi sáng đó. Không một nhân viên bảo vệ nào rời vị trí. Nhưng kể cả có bỏ chạy, thì số phận của họ cũng đã được an bài.

Tiếng nổ to đến mức vang vọng đến quảng trường St. Peter, rồi Piazza di Spagna và đến cả đồi Janiculum. Mọi người ở tầng cao của những tòa nhà đó đã trông thấy một cảnh tượng kinh hoàng, một quả cầu lửa cam đỏ rực bao trùm cả khu bắc vùng Borghese, sau đó là một vùng khói đen kịt ngùn ngụt bốc lên. Những cánh cửa kính cách đó hàng dặm cũng bị vỡ tung do bị chấn động mạnh, cả những cánh cửa kính nhuộm màu của nhà thờ cạnh đó cũng vỡ tan. Cây tiêu huyền trơ trụi lá. Chim đang bay cũng chết cháy. Các chuyên gia nghiên cứu địa lý của trung tâm kiểm soát địa chấn ban đầu chẩn đoán rằng Rome đã trải qua một trận động đất kinh hoàng.

Không ai trong số những nhân viên bảo vệ sống sót sau vụ nổ ấy. Cả mười bốn người khách đang đứng chờ vì công việc của mình, và các quan chức ngoại giao đang làm việc trong văn phòng ngay cạnh vụ nổ khủng khiếp vừa xảy ra cũng cùng chung số phận.

Tuy nhiên, chiếc xe xuất hiện sau vụ nổ mới thực sự kết thúc số phận của những người còn may mắn sống sót. Người chuyển tin của Tòa thánh Vatican, người chỉ bị chấn động bởi vụ nổ đầu tiên, đã trông thấy một chiếc xe chạy vào con đường cụt với tốc độ kinh hoàng. Và đó là chiếc xe Lancia mui kín chạy với tốc độ nhanh, và trong xe có bốn người đàn ông, nên ông tưởng đó là các nhân viên cảnh sát đến ứng phó cho vụ nổ vừa qua. Người tu sĩ đứng lên và đi về phía những cột khói đen cao ngút với hi vọng có thể giúp đỡ những người bị thương và những người đang hấp hối. Nhưng chính mắt ông lại thấy một cảnh tượng kinh hoàng khác. Những cánh cửa chiếc Lancia đồng loạt mở ra, bốn người đàn ông mà ông nhầm tưởng là cảnh sát bắt đầu nã súng vào đám người đang quằn quại dưới đất. Những người sống sót sau vụ cháy chấn động tại tòa đại sứ đã bị giết chết một cách nhẫn tâm.

Bốn tay súng ngừng bắn và nhảy vào chiếc Lancia. Ngay khi chúng lao nhanh ra khỏi khu hỗn loạn đang bốc cháy ngùn ngụt, một tên khủng bố đã nhắm súng tự động thẳng vào tu sĩ. Người tu sĩ đứng thẳng người dang tay hình cây thánh giá, chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi của mình. Tên khủng bố chỉ mỉm cười và mất hút sau màn khói dày đặc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.