Trưởng thôn Bố Đại
sốt ruột như kiến trên chảo nóng. Kể từ khi biết tên nuôi ngựa thuê cho
nhà mình ngày xưa, bây giờ đã là lính trinh sát Bát lộ quân, được huyện
đội cử về thôn chuẩn bị cho trận đánh với quân Nhật vào ngày rằm, Bố Đại rất lo. Hôm ấy, thấy bọn lính cận vệ của Tiểu Vũ bắt Tiểu Phùng chỉ vì
một ít bột mỳ, ông thấy lo cho Tiểu Phùng, sợ anh bị Tiểu Vũ giết. Sau
đó, Tiểu Phùng được thả về. Lúc ấy ông mới yên tâm, luôn miệng khen:
- Khá lắm, khá lắm. Bọn chó đó cuối cùng đã phải thả mày về!
Tiểu Phùng vỗ vỗ khẩu súng đeo bên hông, nói:
- Nó dám không thả. Con vừa nói ra kế hoạch quân sự của bọn con là bọn nó đã sợ rúm người lại. Tiểu Vũ còn đích thân cởi trói cho con!
- Kế hoạch quân sự ư, kế hoạch quân sự gì vậy?
Tiểu Phùng thấy Bố Đại là người nhà Thỉ Căn, không phải người ngoài, nên
nhân lúc vui kể cho Bố Đại nghe chuyện Thỉ Căn sẽ đưa quân của huyện đội về đánh Nhật. Nào ngờ, Bố Đại nghe xong, nổi giận:
- Thì ra là như vậy. Đứa nào nghĩ ra trò mèo này đấy?
Tiểu Phùng thấy Bố Đại nổi giận, cũng hơi sợ. Mặc dù bây giờ đã là lính Bát
lộ quân, nhưng Tiểu Phùng vẫn có phần sợ ông chủ cũ. Huống hồ Bố Đại hồi trẻ từng là kẻ giết người không ghê tay, bèn hỏi dò:
- Sao hả ông? Chẳng lẽ đánh bọn Nhật là sai? Ông đã theo bọn Nhật thật sao?
- Tao thèm vào hùa với bọn chó ấy. Chỉ có điều, bọn Nhật đến đòi tao bột
mỳ. Chúng mày đánh nó, sau này bọn Nhật không đến tìm tao gây chuyện
chắc?
Tiểu Phùng nghĩ thấy cũng có lý, bèn vỗ vào đầu nói:
- Đúng thật. Chỉ tại bọn con lúc vạch kế hoạch quân sự, quên mất ông!
Nghĩ ngợi một lúc, Tiểu Phùng bất ngờ vỗ tay đánh đét, nói:
- Bẩm ông, con có một cách!
- Cách gì?
- Thôi, tốt nhất ông đừng bận tâm đến việc này nữa, tranh thủ chạy trốn
là xong chuyện. Như vậy, bọn con có đánh bọn Nhật, thì bọn chúng cũng
chẳng tìm được ông!
Bố Đại trợn mắt nhìn Tiểu Phùng:
- Cái đồ trứng khôn hơn vịt! Mày nghĩ ra cái cách quái quỷ gì vậy? Thời buổi
loạn lạc thế này, mày bảo tao dắt vợ con trốn vào đâu?
Tiểu Phùng cắn răng, lủi vào chuồng ngựa, để Bố Đại một mình hằm hằm đứng đó. Lúc này, Oa Ni từ phòng trong vén rèm đi ra, hỏi:
- Thầy, việc này làm khó thầy sao?
- Còn sao nữa! Bát lộ quân sẽ đánh nhau với quân Nhật ở thôn mình. Thế chẳng phải dồn cha kẹt ở giữa không?
- Con có một cách!
Bố Đại trợn mắt nhìn con gái:
- Con lại nghĩ ra cách gì vậy?
- Thầy chạy vào thị trấn báo tin cho chú Mao Đán, bảo quân Nhật đừng đến
thu bột mỳ. Hôm ấy cử thêm lính đánh lại Bát lộ quân. Thế là xong
chuyện!
- Thế thì cũng bằng hại cha còn gì. Để bọn Nhật đánh Bát lộ quân, thì Bát lộ quân sau này không tìm cha kiếm chuyện chắc?
- Đúng là trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết! - Oa Ni phì cười.
Bố Đại biết con gái đang chọc mình, tiến đến định đánh:
- Thầy đang nẫu ruột, mà mày còn trêu thầy à?
Lúc này, Oa Ni mới nghiêm mặt nói:
- Thầy, thầy đã 50 tuổi đầu rồi mà vẫn nghĩ quẩn!
- Nghĩ quẩn thế nào?
- Thầy lo hộ quân Nhật khác gì lo bò trắng răng! Nói như thầy, thầy làm
trưởng thôn, thì thôn này thuộc về thầy chắc? Bát lộ quân không được đến thôn này để đánh quân Nhật chắc? Thầy yên tâm đi. Bát lộ quân có đánh
quân Nhật, quân Nhật cũng chẳng làm gì thầy đâu. Bát lộ quân đánh quân
Nhật, họ tự nhiên sẽ đi tìm Bát lộ quân. Thầy không đánh quân Nhật,
người ta tìm thầy làm gì? Hai bên chẳng qua chỉ mượn địa bàn thầy quản
lý để đánh nhau. Làm gì có chuyện bên thua không tìm kẻ đánh mình mà lại tìm chủ nhà? Giả dụ con lỡ đánh bố hai cái ở nhà bà ngoại. Bố không tìm con, lại đi tìm bà ngoại chắc?
Bố Đại nghe con nói vậy, cũng thấy có lý, có phần nguôi giận. Nhưng vẫn nổ nước bọt, nói:
- Cái thời chó chết gì thế này. Người trong gia đình tan đàn xẻ nghé. Mao Đán thì theo quân Nhật. Thỉ Căn thì theo Bát lộ quân. Người trong nhà
lại thành kẻ thù của nhau! Làm mình kẹt ở giữa!
Lại nói:
- Cũng tại ta hồi đó thích oai, vào hùa với Mao Đán tranh giành chức
trưởng thôn. Nếu như hồi đó làm cướp, bây giờ ta cũng đã thành tướng
cướp rồi, muốn làm gì cũng được. Để đến giờ phải lo hão hộ người khác!
- Người ta vẫn chưa đánh nhau, mà thầy cứ lo hộ người ta mãi! - Oa Ni cười khanh khách.
Đã đến ngày 14 âm lịch. Đêm 14, gà vừa gáy sáng, Thỉ Căn đã dẫn theo mười
mấy chiến sĩ Bát lộ quân, âm thầm tiến đến một thửa đậu tương ở mé tây
thôn. Trinh sát Tiểu Phùng đã đón họ ở đó. Thỉ Căn nhảy xuống ngựa, hỏi:
- Có thay đổi gì không?
- Không thấy có thay đổi gì. Bột mỳ và lợn đã thu đủ. Chỉ đợi bọn Nhật ngày mai đến lấy!
Thỉ Căn vẫy tay:
- Ẩn nấp!
Trung đội trưởng họ Đỗ dẫn quân vào ruộng đậu tương ẩn nấp. Do huyện đội mới
thành lập chưa lâu, nhiều chiến sĩ vừa buông tay cày tày cuốc, nên đánh
trận đầu có phần sợ sệt, nên răm rắp nghe theo lời chỉ huy. Người nào
người nấy nằm dán mình sát đất trong ruộng đậu tương, không hề động đậy. Trên đầu ai cũng đội vòng lá ngụy trang kết bằng cành liễu, trông giống như những cây liễu non mọc trên ruộng đậu tương. Đợi mọi người nấp xong đâu đấy, Thỉ Căn và Tiểu Phùng mới lặng lẽ vào thôn về nhà. Thỉ Căn
nhảy tường vào trong sân thấy phòng của mẹ anh vẫn sáng đèn. Đẩy cửa
bước vào, mẹ anh vẫn chưa ngủ. Bố Đại đang ngồi xổm trên ghế bên cạnh.
Thỉ Căn giật mình, hỏi:
- Mẹ, bác, sao mẹ và bác chưa đi nghỉ ạ?
Bà Kinh Thị đang tụng kinh trước tượng Bồ Tát, thấy con trai về, nhắm mắt lại hỏi:
- Thỉ Căn, nghe nói con muốn đánh bọn Nhật?
Thỉ Căn liếc sang Tiểu Phùng, biết kế hoạch quân sự đã bị lộ, nhưng cũng gật đầu. Kinh Thị mở mắt thở dài:
- Thiên hạ thiếu gì quân đội? Sao các con lại nhận trận đánh này?
- Mẹ, lần này bọn con đông quân, quân Nhật ít hơn, chắc chắn bọn con sẽ thắng!
Bố Đại vẫn ngồi xổm trên ghế, mặt mày sa sẩm. Ông đã mất ngủ ba ngày liền. Mặc dù hôm đó Oa Ni đã phân tích cho ông nghe và ông cũng thấy có lý,
nhưng vẫn chưa yên tâm. Ông biết hôm nay Bát lộ quân sẽ đến, nên cương
quyết đợi ở nhà Thỉ Căn. Nhưng lúc này, ông chẳng nói chẳng rằng. Thỉ
Căn hỏi ông:
- Thưa bác, sao bác cũng không ngủ ạ? Bác có gì băn
khoăn không ạ? Hôm thu bột mỳ, cháu không để cho bác đánh người. Bác bảo cháu ngày 15 đến mà nói chuyện với bọn Nhật. Bây giờ cháu đến rồi. Bác
yên tâm. Bọn chúng không mang được bột mỳ đi đâu!
Bố Đại nhổ một bãi nước miếng xuống đất:
- Đợi chúng mày giết xong quân Nhật để quân Nhật lại đến giết tao, thế là xong chuyện!
Lúc này, đến lượt Thỉ Căn giật mình:
- Bọn cháu giết quân Nhật, sao quân Nhật lại giết bác?
Lúc này, Tiểu Phùng mới nói xen vào. Tiểu Phùng vốn không dám ho he trước
mặt Bố Đại, nhưng bây giờ có cả Thỉ Căn, anh lại can đảm lên tiếng:
- Ông sợ quân ta giết bọn Nhật, bọn Nhật sẽ quay lại giết ông!
Thỉ Căn bật cười:
- Bác yên tâm. Bọn cháu không giết bọn Nhật đâu!
- Thế các anh không đánh trận ngày mai nữa à?
- Đánh thì vẫn đánh, nhưng bọn cháu không giết chúng mà bắt sống!
- Thế thì khác gì nhau!
- Khác chứ ạ. Bọn cháu giết quân Nhật ở thôn mình, bọn Nhật có thể sẽ tìm bác gây chuyện, nhưng bọn cháu đã bắt sống bọn chúng thì bọn Nhật sẽ
tìm Bát lộ quân, chứ không tìm bác đâu ạ!
Bố Đại nghe vậy, mới hơi có phần yên tâm:
- Các anh đừng có giết người ta đấy!
Rồi lôi cần thuốc phiện ra hút.
Lúc này, bà Kinh Thị đã làm mấy bát mỳ trộn hạt cải, đỗ xanh và hành hoa,
bưng lên cho mọi người ăn. Bố Đại không ăn. Thỉ Căn và Tiểu Phùng mỗi
người ăn một bát rồi ra khỏi nhà đến ruộng đậu tương rìa thôn ẩn nấp.
Trên đường đi, Thỉ Căn hỏi:
- Cậu đã nói chuyện với Tiểu Đắc chưa?
- Rồi ạ!
- Ý cậu ấy sao?
- Lúc đầu cậu ấy không làm, nhưng sau đấy con bảo cho cậu ấy 10 đồng tiền lẻ, cậu ấy đồng ý rồi ạ!
Thỉ Căn cười. Hai người chui vào ruộng đậu tương. Một chiến sĩ tên là Vương Lão Ngũ nói:
- Thưa đại đội trưởng, nằm mãi ở đây, tay chân không được cử động, ngứa ngáy lắm ạ!
- Nhân lúc bọn Nhật chưa tới, cậu cử động một chút đi!
Anh em lính tráng lúc này mới dám cử động tay chân.
Lại có người nói:
- Thưa đại đội trưởng, nằm mãi lạnh quá. Đại đội trưởng cho anh em hút thuốc nhé!
- Không được hút thuốc kẻo lộ. Ai mang rượu thì uống một chút vậy!
Chiến sĩ lấy rượu ra truyền tay nhau. Mỗi người lần lượt uống một hớp.
Đã canh năm. Gà trong thôn gáy râm ran, tiếng chó sủa rộn lên. Lúc này,
một bóng người vọt qua đầu tường nhà họ Lý. Lão Giả, người chăn nuôi gia súc cho nhà họ Lý, đang mắt nhắm mắt mở đi tiểu ở chân tường, trông
thấy hoảng quá không đái được nữa, co giò chạy thẳng, vừa chạy vừa hô:
- Trộm! Có trộm!
Tên trộm tiến đến túm chặt anh ta rồi gí súng vào ngực:
- Cấm kêu. Không tao bắn!
Lão Giả câm miệng ngay lập tức. Nước tiểu lúc nãy chưa đái hết, bây giờ
chảy hết ra quần. Nhưng tiếng hô của anh đã làm mọi người tỉnh giấc. Vài người hớt hải từ trong nhà chạy ra. Văn Vũ cũng khoác áo ra ngoài. Tên
trộm không bỏ chạy. Châm đèn lồng lên soi, hóa ra là Ngô, tiểu đội
trưởng cận vệ của Tiểu Vũ. Văn Vũ ngạc nhiên:
- Tiểu đội trưởng Ngô, đêm hôm thế này, anh đến đây làm gì!
- Thưa ông, chúng ta hãy vào trong nói chuyện ạ!
Văn Vũ đưa tên Ngô vào phòng. Bọn đầy tớ không biết đã xảy ra chuyện gì,
đều ngáp ngắn ngáp dài quay về phòng ngủ tiếp, còn lại mỗi mình Lão Giả
đứng đó làu bàu:
- Có mỗi chiếc quần, đái ướt hết, biết lấy gì thay đây!
Cũng vào thời điểm này, một bóng người vọt vào nhà phó trưởng thôn Hắc Tiểu
đã quá cố nhanh như điện xẹt. Do nhà Hắc Tiểu không có cửa đầu hồi, nên
người đó đi thẳng đến cửa sổ, rồi gõ nhẹ ba cái. Bà già đang ngủ trong
phòng không hề tỏ ra sợ sệt, bởi Tiểu Thốc con trai bà làm cướp, đêm hôm mò về nhà là chuyện bình thường. Bà bĩnh tĩnh thắp đèn mở cửa. Tên cướp biết chữ lẻn vào nhà. Mẹ Tiểu Thốc nói:
- Con trai của ta, trời sắp sáng rồi, con đến đây làm gì?
Tên cướp cõng một bao bột, cười hì hì nói:
- Thưa bác, đại ca nghe nói bác đã nộp mất chỗ bột mỳ, nên bảo cháu mang đến một ít ạ!
- Để bác nấu cho con bát canh nóng nhé!
Tên cướp biết chữ thường thay Tiểu Thốc về nhà, nên rất thân thuộc với mẹ
Tiểu Thốc. Bà thấy hắn thông minh lanh lợi, cũng rất quý mến. Bởi vậy,
tên cướp cũng chẳng câu nệ, nói:
- Thế thì bác nấu cho con một bát vậy, bác nhớ cho thêm tí ớt. Đêm hôm thế này lạnh lắm, bác cầm tay con mà xem!
Bà mẹ Tiểu Thốc nắm bàn tay hắn, quả nhiên lạnh cóng. Canh nấu xong, tên cướp bê bát húp luôn.