Đêm hôm đó, khi Wakamatsu dẫn lính về đến thị trấn đã là quá nửa đêm.
Wakamatsu rửa mặt mũi chân tay, ăn uống một chút, đang chuẩn bị đi ngủ,
bỗng lại nổi cơn tức giận. Hắn gọi tên lính cần vụ đến, thẳng tay vả vào miệng tên lính một cú như trời giáng. Thì ra, Wakamatsu phát hiện con
cóc giấy để trên bàn giờ đã bị biến dạng. Sau khi Wakamatsu dẫn quân
lính đi khỏi, tên lính cần vụ bắt đầu quét dọn phòng ở của chỉ huy. Lúc
lau dọn bàn, thấy một con cóc giấy trên bàn, tưởng là đồ bỏ đi, liền
tiện tay vứt đi. Sau này bỗng sực nhớ không được đụng vào đồ đạc để trên bàn của Wakamatsu. Trước thế nào thì sau khi quét dọn xong phải để đúng chỗ cũ, liền vội vàng chạy ra đống rác tìm lại con cóc giấy. Nhưng
không biết ai lại đổ một đống vỏ dưa hấu lên chỗ rác anh ta vừa vứt. Lúc lấy ra, con cóc giấy bị nước vỏ dưa làm cho ướt nhoét. Tên lính cần vụ
hoảng quá, lại nghĩ, dù sao cũng chỉ là một con cóc giấy, mình gấp một
con khác đặt vào đó là được. Nào ngờ, Wakamatsu phát hiện con cóc giấy
trông khác lạ, vả vào miệng anh ta một cái rồi hỏi con cóc giấy cũ đâu
rồi. Tên lính cần vụ đành nói thật, bảo con cóc đã bị vứt ra đống rác.
Con cóc này chỉ là bắt chước. Wakamatsu không đánh tên lính nữa mà chạy
chân đất đến chỗ bãi rác cùng tên cần vụ tìm lại con cóc giấy đã nhàu
nát. Wakamatsu nâng niu con cóc giấy bị ướt, khóc hu hu.
Tiểu Vũ
dẫn lính áp giải tù binh Bát lộ quân rút về phía sau. Đến một quả đồi
cách đó mười dặm, cả bọn đứng trên đỉnh đồi nhìn về phía thôn. Lúc đầu
nghe thấy tiếng súng máy, sau thấy trong thôn lửa cháy rực trời. Tên Ngô rút súng ra nói:
- Đại đội trưởng, anh ra lệnh đi! Bọn tôi sẽ liều mạng với bọn Nhật!
Tiểu Vũ đứng trân trân nhìn một lúc, rồi xua tay nói:
- Thả bọn Thỉ Căn ra!
Mấy tên lính quân Trung ương lôi bông nhét trong mồm Thỉ Căn và lính Bát lộ quân ra rồi cởi dây trói. Thỉ Căn nói:
- Tiểu Vũ, chuyện giữa chúng ta chưa dừng ở đây đâu. Anh phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong ngày hôm nay!
Tiểu Vũ nói:
- Thỉ Căn, nhân lúc tôi chưa đổi ý, anh hãy mau mau dẫn người của anh
chạy đi. Tôi lẽ ra phải giết anh, cho dù là để trả nợ nước hay thù nhà!
Trung đội trưởng Đỗ của Bát lộ quân kéo áo Thỉ Căn. Cả bọn vội vàng mất hút vào bóng đêm.
Thỉ Căn dẫn mấy chiến sĩ còn lại về đến nơi đóng quân của huyện đội, rồi
báo cáo tình hình cho chính ủy huyện đội. Chính ủy trông thấy cả bọn áo
quần xộc xệch, không những không thông cảm mà còn phê bình, rằng lúc đầu chỉ cho phép các anh đi đánh bọn Nhật, sao lại gây chuyện với quân
Trung ương? Lúc đầu nói đánh thắng trận để cổ vũ quân sĩ. Bây giờ thì
đấy! Đã thua, lại còn hy sinh mất mười mấy người. Quân số của huyện đội
vốn không nhiều, bây giờ lại ít hơn? Chính ủy vốn có ấn tượng rất tốt
đẹp với Thỉ Căn, nhưng bây giờ thì gay rồi. Chính ủy phê bình Thỉ Căn
hành động hấp tấp, không tính đến hậu quả. Thỉ Căn vốn định qua trận
đánh này thể hiện mình, nào ngờ gậy ông đập lưng ông. Trong lòng cũng
rất buồn. Sau này, đến thời kỳ chiến tranh giải phóng, huyện đội phát
triển thành lực lượng chính quy. Một số cán bộ phải chuyển về địa phương công tác. Chính ủy liền đưa Thỉ Căn vào diện cán bộ địa phương. Thỉ Căn cũng không nói gì, ở lại công tác tại địa phương.
Tiểu Vũ dẫn lính về đến doanh trại, báo cáo tình hình với trung đoàn trưởng, cũng bị ông ta mắng cho một trận:
- Không bắt được bọn Nhật, tôi cũng chẳng trách cậu. Nhưng đã bắt được
mấy tên Bát lộ quân, sao không chém luôn cho rồi? Lại còn thả hồ về
rừng!
Rồi trách Tiểu Vũ vẫn tư duy theo kiểu học trò, không hiểu
phép dùng binh. Tiểu Vũ cũng có phần hối hận. Sau này, đến thời kỳ chiến tranh giải phóng, quân Trung ương rút về phía sau, để lại một số lực
lượng “nằm vùng” chọi nhau với Đảng Cộng sản. Trung đoàn trưởng không
muốn trông thấy mặt Tiểu Vũ, liền liệt đại đội của Tiểu Vũ vào lực lượng “nằm vùng” ở lại địa phương.
Trùm cướp Tiểu Thốc bận bịu cả ngày mang mấy bộ quân phục của lính Nhật về sào huyệt. Tiểu Thốc thấy mình
mặc quân phục Nhật trông rất oai. Kể từ đó, mỗi lần vào thôn cướp của
địa chủ, hắn ta đều diện quân phục, làm địa chủ giật mình:
- Trời đất, sao lính Nhật đêm hôm cũng đi cướp nhỉ!
Sau này, Tiểu Thốc nghe nói người anh thứ năm của mình tối hôm đó bị lính
Nhật dùng súng máy bắn chết, khóc rống lên, rồi đốt bộ quân phục Nhật
Bản. Sau này, đến năm 1945, quân Nhật đầu hàng, nộp vũ khí trên thị
trấn. Tiểu Thốc thấy cơ hội trả thù đã tới, liền dẫn đàn em vào thị
trấn, thấy lính Nhật đang quét dọn đường phố là giết, làm cho quân Nhật
kháng nghị với phía Trung Quốc:
- Chúng tôi đã đầu hàng, sao vẫn giết chúng tôi?
Đêm hôm đó, sau khi quân Nhật, quân Trung ương, Bát lộ quân và bọn phỉ rút
đi, thôn Mã lại là của dân. Bãi đập mạch nhuốm máu đỏ tươi. Trong thôn,
máu cũng nhỏ từng giọt. Thôn Mã chết một lúc mấy chục người. Ngày hôm
sau, nhà có người chết bắt đầu chôn cất thi thể người thân. Vài người
dân ở thôn bên cạnh thấy thôn Mã bị “càn quét” liền đục nước béo cò.
Ngay đêm hôm đó, sau khi quân Nhật rút đi, họ lẻn sang ăn cắp tài sản,
chó lợn, lương thực... Bây giờ, thấy người thôn Mã chôn cất xác chết,
nhiều kẻ lại mang những chiếc quan tài đóng bằng ván gỗ bạch dương mỏng
dính đến bán. Thôn Mã bỗng chốc trở thành chợ quan tài. Trong “chợ” rộn
lên tiếng mặc cả giữa kẻ bán người mua.