Kinh Hà dài hơn chín nghìn ba trăm dặm, bắt nguồn từ “vạn sơn chi
mẫu” - Côn Lôn, rồi chảy qua vô số núi lớn, sau đó đổ ra biển rộng. Từ
trên cao nhìn xuống, Kinh Hà giống như một chiếc khăn quàng cổ màu trắng bị ai đó đánh rơi giữa núi xanh, mà cái khăn này lại có một đoạn giữa
rất mờ ảo, không thể nhìn thấy rõ. Nhìn kỹ lại, thì ra đoạn giữa ấy bị
sương trắng bao phủ. Nếu có người đo thử, sẽ biết đoạn được sương trắng
bao phủ ấy là một một khu vực dài hơn hai trăm ba mươi dặm.
Sương trắng rất dày, giăng tới ngang những ngọn núi cao ở hai bên bờ
sông mà cũng không bị loãng đi. Người đứng trên đỉnh núi gần đó mà nhìn, sẽ thấy sương trắng quay cuồng dưới chân như một con sông đang chảy
xiết.
Đỉnh núi đối diện Tú Xuân đã bị người dùng đại pháp lực phạt ngang
thành một cái sân bằng phẳng. Lúc này đang có vài chục người đứng trên
đó, mỗi người đều có phong vận phi phàm, hào quang nhàn nhạt quanh cơ
thể. Đứng ở phía trước nhất là một nam một nữ, hiển nhiên là thủ lĩnh
của đám người. Người nam nhìn chỉ khoảng ba mươi, ba chòm râu đen tung
bay trước ngực, trên người mặc một bộ đạo bào âm dương, ngực áo thêu một chiếc lá có viền bằng tơ vàng. Người có kiến thức chỉ nhìn qua trang
phục sẽ biết ngay người này là trưởng lão của núi Cửu Đỉnh ở châu Hắc
Diệu, bởi chiếc lá viền vàng trên ngực người này là dấu hiệu của núi Cửu Đỉnh.
Còn người nữ khoảng hai mươi bảy hai mươi tám tuổi, ánh mắt trong
suốt, giống như trong mắt nàng ta thì người và vật ở thế gian này cũng
giống như bùn đất và cây cỏ. Sau lưng nàng ta là một cô gái dáng vẻ dịu
dàng, mắt như nước hồ thu, cùng nàng ta tạo nên cảm giác đối lập rõ
ràng. Một bên thì không để bất cứ việc gì trong lòng, một bên thì giống
như chú ý đến mọi thứ xung quanh.
Trên ngọn núi này đều là người châu Hắc Diệu, còn những đỉnh núi khác đều có những người ăn mặc cổ quái, đứng tốp năm tốp ba. Trên một trong
những đỉnh núi đó có một cái đình tránh mưa, trong đó là ông lão mà Nhan Lạc Nương từng gặp, có điều hiện tại trong đình cũng không có nhiều
người như tối hôm qua, chỉ có ông lão tiếp ông lão kia chơi cờ. Lúc này, hai người bọn họ đang đứng ở mép đình, nhìn màn sương trắng đã lan tràn sắp qua đỉnh núi.
Ở một ngọn núi xanh khác, có một vị hòa thượng đang đứng thẳng, trông mắt ra xa, trên người khoác một tăng bào màu xám, đỉnh đầu có chín chấm hương tròn màu đỏ, tay lần từ từ chuỗi Phật châu màu đen, chính là Mộc
Chân của Độ Trần tự. Lại một đỉnh núi khác, một vị đạo nhân còn trẻ tuổi có đôi lông mày trắng, mặc đạo y tím đen, sau lưng là hai thanh kiếm
một tím một xanh vắt chéo nhau như một cái kéo, đúng là Thục Sơn Trường
Mi.
Các đỉnh núi hai bên bờ đoạn sông dài hai trăm ba mươi dặm gần như
đều đứng đầy người. Trên một ngọn núi trong số đó, có một thanh niên ăn
mặc giống như sĩ tử đang ngồi xếp bằng, đầu gối của y đặt một cây đàn
bằng đá màu trắng xám, trên đàn được khắc hình một dãy núi dài liên
miên. Y đang chậm rãi gảy dây đàn cũng bằng đá, tiếng đàn mơ hồ quanh
quẩn trong không gian nhỏ trên đỉnh núi chứ không khuếch tán. Mà xung
quanh ngọn núi này lại không có một người nào khác, giống như mọi người
đều kiêng kị y.
Trên một đỉnh núi nằm ở rìa ngoài cùng của dãy Thúy Bình, Thúy Bình
nương nương cùng với Huyền Không đang đứng đó, bỗng nghe Huyền Không
hỏi:
- Nương nương cho rằng hắn có tránh được kiếp nạn này không ạ?
- Ai biết được, cho dù có là truyền nhân của Phục Hi cũng không dám chắc mỗi quẻ mình tính ra đều linh nghiệm.
Thúy Bình nương nương thờ ơ nói.
- Nếu hắn chết, không biết người trong thiên hạ sẽ nói gì về nương nương nữa...
Huyền Không nhìn màn sương trắng cuồn cuộn kia, nói.
- Ta không nợ hắn bất cứ chuyện gì, không cần phải giúp hắn. Ta cũng không cần biết người trong thiên hạ nói ta thế nào.
Vẻ mặt luôn ung dung của Thúy Bình nương nương rốt cuộc cũng có thay
đổi, trong chớp nhoáng này nàng giống như mới thực sự biểu lộ ra sự tàn
nhẫn quyết cắt đứt tất cả vì cầu đại đạo.
Ở đỉnh Côn Lôn không ai chú ý đến, có một đạo nhân trẻ tuổi, tay cầm
tháp vàng đang đứng, trong ánh mắt của y có ánh sáng xanh chuyển động.
Mặc dù y chỉ yên lặng đứng đó, nhưng lại làm cho người ta cảm giác như
đang nhìn xuống chúng sinh.
Trên một ngọn núi khá xa cũng có một đám người đang đứng, đám người
này chính là những người tu đạo ở những ngọn núi trong châu Cửu Hoa. Bọn họ chỉ trỏ này nọ, bàn luận chuyện, có người kinh hô lên:
- Gần như mỗi một phái trong châu Hắc Diệu đều có người đến đây, xem ra là muốn nhất định tìm lại thể diện đã vứt bỏ lần trước.
- Có tìm về được thì thế nào, trời đất này chỉ biết truyền thuyết về
Thiên La Diệp Thanh Tuyết của Cửu Hoa đã một mình đánh bại hết anh kiệt
của châu Hắc Diệu, mà không có truyền thuyết về một anh kiệt nào đó của
Hắc Diệu đánh bại Kinh Hà Trần Cảnh của châu Cửu Hoa
- Đúng vậy, đáng tiếc...
Mọi người trầm mặc.
Bỗng nhiên có một người nói:
- Ta thấy bọn họ chưa chắc đã có thể làm được, các ngươi xem...
Khi nói chuyện, người này thả xuống một chiếc lá. Chiếc lá nương theo gió bay vào màn sương mù, rồi đang lúc lơ lửng trên không trung thì hóa thành bột phấn, không có một dấu hiệu báo trước nào. Lập tức có người
kinh hô:
- Thủ đoạn gì thế này? Là pháp trận sao?
- Các ngươi có cảm thấy được trong màn sương trắng kia không tồn tại
sát khí không? Sát khí đặc đến độ cả sương mù cũng bị nó ảnh hưởng.
Có một người bỗng cất tiếng nói.
Lúc này lại có một người khác nói:
- Đạo tu hành của thần linh khác với đạo của chúng ta. Cho tới bây giờ,
cách nhìn nhận của chúng ta về thần linh trong thiên hạ chẳng qua chỉ
như nhìn nhận một sợi lông trên thân con chim mà thôi, những người đó
đều chỉ sinh hoạt trong quy tắc. Sự thật thì không phải tất cả đều như
vậy, tuy rằng pháp thuật và thần thông của bọn họ dựa vào sắc phù, nhưng vẫn phân chia thành cảnh giới cao thấp khác nhau.
Có người không biết lập tức hỏi về việc phân chia như thế nào.
- Mọi người đều biết rằng nếu các tiểu thần trên mặt đất rời khỏi
thần vực của mình thì chỉ tương đương với cảnh giới luyện khí trong Tiên đạo của chúng ta, cho dù là thần có thần vị cao cũng chỉ tương đương
với hóa thần mà thôi. Vì thế nên bình thường bọn họ sẽ không rời thần
vực của mình, mà thủ đoạn chủ yếu đều là điều khiển lực núi sông trong
thần vực cho mình sử dụng.
Đạo nhân này thuận miệng nói ra, âm thanh lại phiêu tán theo mây gió, lãng đãng mãi không tan.
* * *
Một ngày này, đã có người từng muốn xuôi theo từ thượng du Phong Lâm
độ để vào bên trong, nhưng vừa vào màn sương mù kia thì lập tức mất
phương hướng, cuối cùng đành bỏ cuộc đi ra. Liên tiếp vài ngày, sương mù vẫn cứ dày đặc không tiêu tan. Những kẻ đứng xem ở các nơi thấy vậy thì ngạc nhiên không thôi. Không biết là ai đã nói, trước khi sương mù tan
thì tuyệt đối không nên đi vào, bởi vì phía trước là nơi thần tiên đại
chiến.
Vào lúc sương trắng tan hết, có người tới thôn Hà Tiền, phát hiện
người trong thôn này lại không hề xảy ra chuyện gì cả. Người này lập tức hỏi bọn họ mấy ngày nay ra sao, vừa hỏi thì nghe họ trả lời rằng đã ngủ một giấc dài đến mấy ngày.
Tiếp tục hỏi thăm, người này mới biết được người thôn Hà Tiền đều
cùng có một giấc mơ giống nhau. Trong mơ, họ thấy Kinh Hà biến thành
sông máu, vô số thần tiên rơi xuống. Cũng từ đó về sau, người trong thôn Hà Tiền đều không bao giờ đánh cá trên Kinh Hà nữa, nhưng nếu hỏi
nguyên nhân rõ ràng thì không ai trong thôn nói rõ được.
Sương mù cuồn cuộn, tràn núi mà đi.
Một ngọn núi xanh giống như một hòn đảo ở trong biển mây, chỉ có cái
đỉnh núi lộ ra ngoài. Từ đây nhìn rõ trên những đỉnh núi khác đều có
không ít thì nhiều người đứng thẳng lưng nhìn ra xa. Bọn họ có người
trầm mặc, có người nhỏ giọng nói chuyện, cũng có người chăm chú quan sát sông sương mù dưới chân.
Đỉnh núi này đứng đầy người tu đạo của châu Cửu Hoa. Có một người đàn ông trung niên, tuổi khoảng hơn bốn mươi vừa nhìn sông mây mù dày đặc
cuồn cuộn phía dưới, vừa chậm rãi cất lời:
- Pháp thuật của người trong Thần đạo đều giống nhau, có được sắc phù
thành thần là có thể dùng, không giống với chúng ta cần phải tập luyện
và lĩnh ngộ. Có nhiều thần linh cả đời cũng chỉ biết các pháp thuật ẩn
chứa trong sắc phù, nhưng cũng có hạng người thiên tư trác tuyệt có thể
lĩnh ngộ ra thêm những điều khác lạ ngoại trừ lực lượng của núi sông.
- Chân nhân, còn có cái gì lớn hơn cả lực lượng của sông núi sao?
- Ha ha, cho dù là lực lượng gì thì cũng có điểm tận cùng, lực lượng
của trời đất núi sông cũng đều như thế. Lấy lực hữu hạn hóa thành lực vô hạn mới là thứ mà người tu hành theo đuổi cả đời. Mặc dù Thần đạo không giống với Tiên đạo, nhưng đại đạo đồng quy, mục tiêu cuối cùng đều là
cầu cái vô hạn từ trong cái hữu hạn, bất kể là sinh mệnh hay là pháp
thuật thần thông. Kinh Hà này từng bị Giao Long Vương dẫn ngược dòng
nhấn chìm Côn Lôn, nên linh khí thiếu hụt, đã trôi qua hơn một năm rồi
mới từ từ khôi phục. Cho nên nói lực lượng của núi sông này cũng có tận
cùng.
- Ngay cả lực lượng của núi sông này cũng có lúc tận, vậy cái thì mới có thể bất tận?
- Thế, thế vô tận.
Đạo nhân trung niên có tướng mạo uy nghiêm kia chỉ vào màn sương trắng gần tràn qua đỉnh núi mà nói:
- Các ngươi thấy sương trắng này giống cái gì? Giống như một dòng sông
chảy cuồn cuộn mãnh liệt đúng không. Màn sương trắng này sở dĩ cuồn cuộn như vậy là bởi vì đã dung hợp với “thế” của Kinh Hà, khiến nó mạnh mẽ
hơn gấp chục gấp trăm lần. Một điểm quan trọng nhất chính là “thế” này
hình thành trên Kinh Hà, “lực” của Kinh Hà đã tan vào trong “thế“. Như
vậy, người tu hành bình thường tiến vào trong đó muốn đứng vững còn khó
khăn, càng không cần nói đến đấu phép.
Trong khi đạo nhân trung niên này nói chuyện, có một người bỗng nhiên xuất hiện ở khu vực người châu Hắc Diệu đứng. Trên trán của người này, ở chỗ chính giữa lông mày, có một hình xăm ngọn đèn giống như một con mắt thứ ba.
- Đó là đệ tử Tâm Đăng tông ở châu Hắc Diệu, nhìn hình ngọn đèn giữa
lông mày hắn đã chuyển thành màu trắng, chắc chắn đã tiến vào cảnh giới
hóa thần.
Mọi người của châu Cửu Hoa nghe được lời từ vị chân nhân không biết
phái nào nói này, đều thầm tán tưởng kiến thức của vị này thật uyên bác, còn tán thưởng đệ tử Tâm Đăng tông kia bất phàm, trẻ như vậy mà đã đạt
đến cảnh giới hóa thần.
Đệ tử Tâm Đăng tông kia đứng xa xa nhìn dòng sương mù trong chốc lát
rồi bỗng nhiên đưa tay kết pháp quyết, ngọn đèn nơi nữa chân mày y bỗng
sáng ngời, ánh sáng bao bọc thân thể của y rồi sau đó thu dần lại thành
một ngọn đèn lơ lửng giữa không trung.
- Một ngọn đèn trong tâm chiếu sáng tâm linh, trời đất trầm luân
nhưng ta vẫn trong sạch. Đây là câu đầu tiên trong tổng cương của đệ tử
Tâm Đăng tông. Nghe đồn rằng khi ngọn đèn kia sáng lên thì có thể phá
tất cả huyễn thuật trong thế gian, luyện tới cao thâm hơn còn có thể
chiếu sáng rõ cả Địa ngục.
Đạo nhân trung niên có tướng mạo uy nghiêm nhìn thấy ngọn đèn nhỏ kia dần chìm vào sương mù cuồn cuộn thì từ từ nói ra.
Mọi người nghe vậy thì không khỏi đưa mắt nhìn lại, nhưng đạo nhân
này cũng không quan tâm đến ánh mắt mọi người, chỉ một mực chăm chú quan sát màn sương mù. Mọi người đều có suy nghĩ:
- Người này còn biết cả câu đầu tiên trong tổng cương của Tâm Đăng tông, nhất định là đã xem qua toàn bộ rồi, bằng không thì làm sao biết được
pháp thuật kia rõ như lòng bàn tay vậy... Rốt cuộc Người là ai? Lai lịch thế nào nhỉ?
- Xem ra châu Hắc Diệu cử đệ tử Tâm Đăng tông tới không có sai.
Có người nói.
- Ha ha, đây chỉ là huyễn trận mà thôi, cử hắn đi dò xét trận này cũng đúng.
Đạo nhân trung niên có tướng mạo uy nghiêm cười nói.
Ngay khi đạo nhân này vừa nói dứt lời, dòng sông mây mù kia hình như
có tiếng kiếm ngân vang phát ra. Đôi nam nữ dẫn đầu của châu Hắc Diệu
đứng bên kia liền biến sắc. Sau một lát, vẫn không thấy đệ tử của Tâm
Đăng tông đi ra.
Mọi người không khỏi đều thầm nghĩ:
- Đệ tử của Tâm Đăng tông kia chỉ sợ đã bỏ mạng ở trong đó rồi.