Hoàng Đình

Chương 270: Q.0 - Chương 270: Phù duy bất tranh, cố vô vưu




Dịch giả: †Ares†

oOo

Mọi người thường gọi mốc thời gian trước đại kiếp nạn thiên hà hơn một nghìn năm trước là thời đại hồng hoang. Đó là thời đại không có trật tự, vạn vật sinh linh tạp cư, chẳng phân biệt được chủ yếu và thứ yếu. Mỗi loại sinh linh đều phải giãy giụa để tồn tại giữa cái lò luyện là trời đất, mà người có pháp lực thần thông thông thiên càng nhiều vô số kể. Đó cũng là thời đại trăm hoa đua nở, không có văn tự, không có kinh văn truyền hậu thế, thầy của mọi sinh linh đều là trời đất, pháp thuật thần thông kinh tạng đời sau cũng đều xuất phát ở thời đại này. Đó cũng là một thời đại tự do nhất, không có đạo đức trói buộc, tất cả hành động đều bằng bản tâm, chỉ cần đủ thực lực thì làm gì cũng được, không cần để ý tới ánh mắt kẻ khác, bởi vì sẽ không ai cảm thấy kỳ dị.

Mà thời đại hơn một nghìn năm sau thiên hà đại kiếp nạn đó, hậu thế lại gọi đó là thời đại lạc hướng.

Thiên đạo lạc, chúng sinh lạc, đạo không mong, thần không về.

Có không ít người ở hậu thế coi sự tích Kinh Hà giao long dâng theo linh lực cả con sông lên Côn Lôn là mốc chấm dứt thời đại lạc hướng. Lại có người cho rằng Hà Bá Trần Cảnh dâng nước Kinh Hà dìm Côn Lôn mới là chấm dứt cho thời đại ấy. Tuy không phải ai cũng đồng ý quan điểm này, nhưng tất cả đều cho rằng đó là một chuyện có ý nghĩa trọng đại.

Thần Kinh Hà - Trần Cảnh có được bia thần Ti Vũ, nước chìm Côn Lôn, đây vẫn chỉ là bắt đầu.

Mặt Bắc Côn Lôn có một con sông gọi là Thanh Nguyên. Trong sông này có một thần linh có cùng tên với con sông. Theo truyền thuyết, bản thể của vị thần này là một ngọn cỏ thanh nguyên, sinh trưởng cạnh mắt sông, không biết gặp được cơ duyên nào mà khai linh đắc đạo. Vị này chọn đúng lúc đại chiến kịch liệt nhất, mà giơ cờ Hà Bá dâng sóng tràn lên Côn Lôn.

Mặt Tây Côn Lôn lại có một con sông tên là Hoài Âm. Giữa sông có một thần tên là Hồng Tình. Vị này vốn là một thư sinh, không may rơi xuống nước rồi hóa thành quỷ nước, lại sinh tồn qua mấy trăm năm rồi thống ngự phần lớn sông Hoài Âm. Lần này Hồng Tình cũng mang theo rất nhiều yêu linh của sông Hoài Âm mà dâng sóng xông lên Côn Lôn.

Phía Nam Côn Lôn có một sông gọi là Nam Thiên. Thần linh trong sông có tên là Thổ Oa, vốn là ngư dân ven sông, một lần đánh cá nhặt được một cái bia đá, trên bia có chi chít chữ. Người này thấy lạ, bèn rửa sạch bia đá rồi mang trở về nhà. Về tới nơi thì trời đã tối, lại gặp cường đạo đi vào làng chài của y. Y sợ hãi, vội tìm chỗ trốn tránh, cuối cùng núp ở sau cái bia đá, nhìn thấy người trong nhà bị giết hại cũng không dám ra. Nhưng cuối cùng y vẫn bị cường đạo tìm được, rồi bị cường đạo đập đầu vào bia đá. Cường đạo cho là y chết rồi, sau khi cướp sạch thì rời đi. Nhưng Thổ Oa vẫn chưa chết, lại qua nhiều năm, cuối cùng trở thành thần linh trong sông Nam Thiên.

Ba người này chọn thời cơ vô cùng chuẩn xác, là ở lúc Trần Cảnh và đệ tử hộ giáo Côn Lôn trúng tên bèn xuất hiện.

Nước sông mênh mông cuồn cuộn biến Côn Lôn thành một vùng biển rộng. Ngọc Hư cung đã hoàn toàn bị nước sông nuốt hết.

Đối với ba thần linh của ba con sông Nam Thiên, Hoài Âm và Thanh Nguyên này, bia thần Ti Vũ cực kỳ có lực hấp dẫn, cho nên ngay khi sóng nước vừa qua phía ngoài Côn Lôn, tràn vào bên trong, thì cả ba đã đồng loạt lao về hướng Trần Cảnh rơi xuống.

Thế nhưng khi ba người tới chỗ Trần Cảnh rơi xuống, lại chẳng nhìn thấy gì cả, chỉ thấy một vùng cây cối như bị kiếm khí chém ngang đổ sấp xuống. Mưa ngày càng nặng hạt, sấm chớp đì đùng, giống như đất trời muốn lộn nhào, nước ở Đông Hải ngược hết lên trời rồi lật úp xuống.

Đám yêu linh theo sau ba người này, cưỡi sóng nước mà tới từ ba hướng Bắc, Tây, Nam. Nước sông mãnh liệt, linh lực va chạm, hình thành từng vòng xoáy có thể cắn nuốt sinh linh. Ba đường sóng nước tụ lại một chỗ, yêu linh ở mỗi con sông cũng bắt đầu chiến đấu với nhau.

Sương trắng mịt mù, sóng sông cuồn cuộn.

Sương mù dày đến độ che cả Côn Lôn. Nhìn từ trên trời xuống, nơi này giống như là một mắt bão ở trên mặt biển.

Ba Hà Bá cũng không chiến cùng một chỗ, mà tản riêng ra tìm kiếm, tìm một hồi không thấy gì bèn ẩn độn biến mất. Nơi này còn có một tòa Ngọc Hư cung được truyền tụng mấy ngàn năm, sao có thể tiến vào bảo sơn mà về tay không được.

Đạo ý trầm tịch trong núi Côn Lôn dần dần tan vỡ theo mưa gió, như bị bùn nước rửa trôi đi. Linh quang vẫn không ngừng từ trên không trung hạ xuống bên trong Côn Lôn, chui vào nước sông mãnh liệt kia, tiến vào Ngọc Hư cung.

Từng đã là thánh địa tu hành, ở hơn nghìn năm sau lại xuống dốc đến độ chỉ còn hai đồng tử, một đệ tử hộ giáo. Không ai phát hiện, trên một đỉnh núi không mấy nổi bật trong dãy Côn Lôn, Vô Vưu đang đứng ở đó.

Gã nhìn sóng nước cuộn trào mãnh liệt trong núi, vẫn không nhúc nhích. Gã đang nhớ tới những lời mà sư phụ gã nói năm đó khi ban cho gã đạo hiệu.

“Phù duy bất tranh, cố vô vưu [1]. Con gọi là Vô Vưu đi. Tu Cửu Chuyển Huyền Công cũng không phải cố gắng là có thể thành, nhất định phải có một cái tâm vô vưu, đường đường mà trung chính, mới có thể thành công.”

Gã biết mình cô phụ kỳ vọng của sư phụ. Sư phụ gã kỳ vọng gã có thể tu hành với một cái tâm vô vưu, mà gã biết mình căn bản là không làm được. Từ lúc Côn Lôn chưa bị phá, gã đã biết, bởi vì gã nghe sư bá Dương Tiễn của mình tu luyện Cửu Chuyển Huyền Công, mỗi cái giơ tay nhấc chân đều có khí xanh ôm lấy, động niệm cũng không hiển lộ nửa phần sát khí. Mà gã căn bản không thể làm được.

Gã chẳng những không có khí xanh quấn thân, ngược lại có sắc đen quẩn quanh. Trong lòng gã rõ, có loại đạo khí ấy là bởi vì tâm bất chính, nhập tà.

Gã nhớ tới cảnh tượng khi mình mới vào Ngọc Hư cung. Khi đó khắp Ngọc Hư đều là khí lành bốc lên, tiên cầm bay liệng trên không, chúng đệ tử dốc lòng tu hành, thi thoảng lại có đệ tử xuống núi trừ ma vệ đạo. Đó mới là Côn Lôn mà gã yêu mến.

Mà giờ, gã ngẩng đầu chỉ thấy mây đen phủ kín bầu trời, chỉ thấy vô số người dùng đủ loại thủ đoạn tiến vào Côn Lôn, trong lòng sát khí quấn quanh.

Đột nhiên, gã nghiêng đầu nhìn về một hướng khác, nơi đó đang có bốn người đại chiến.

Trong đó có hai người thân mặc đồ đỏ hồng, ở giữa bầu trời tăm tối này có vẻ bắt mắt khác thường. Một trong đó là một cô gái mặc đồ đỏ thẫm, người còn lại mặc đồ hồng phấn, là một chàng trai, trong tay cầm một thanh trường cung màu đen.

Gã vừa nhìn thấy chiếc cung này đã biết kẻ bắn tên về mình chính là người này. Nhớ tới tên kia, đỉnh đầu và ngực gã đột nhiên đau buốt, nhịn không được ho khan một tiếng, trong cổ họng muốn trào ra máu tươi. Gã vội vàng vận khí, không để máu phun ra, lát sau đè xuống đau đớn, lại nuốt máu tươi trở vào.

Trong hai người tương chiến với đôi nam nữ này, có một người đã tới Côn Lôn, cũng đã xuất thủ với Vô Vưu. Vô Vưu không biết kẻ này gọi là gì, không biết y có lai lịch gì, nhưng thông qua thần thông pháp thuật có thể thấy dấu vết của yêu tộc, hơn nữa còn không phải loại yêu bình thường. Thế nhưng gã lại nhìn ra kẻ này rõ ràng là nhân loại, hơn nữa khí tức nhân loại rất đậm. Kẻ còn lại mặc áo trắng, cầm quạt trắng, Vô Vưu nhìn lướt qua đã thấy được vẻ dâm tà toát lên trên người kẻ này. Mặc dù nhìn kẻ áo trắng này có vẻ như phong lưu tiêu sái, lại không che giấu được cái bản chất dâm tà kia.

Bốn người bọn họ tương chiến, đấu pháp đấu thần thông, Vô Vưu cũng không quản. Tuy rằng hai trong số bốn người kia đều từng xuất thủ với gã, cũng đều muốn đoạt tính mạng gã, nhưng giờ gã lại không quản, bởi vì họ không có tiến vào Côn Lôn.

Nếu vào Côn Lôn, gã không ngại đưa tất cả vào trong Côn Lôn đại trận, luyện đến hồn phi phách tán.

Nếu có người biết được suy nghĩ hiện tại của gã thì nhất định sẽ chấn động.

Bởi vì Côn Lôn bây giờ làm gì còn có chút nào bộ dạng của linh sơn phúc địa, căn bản chính là một nơi hiểm ác. Vô Vưu đang chờ đợi, chờ tử khí trong đạo ý của Côn Lôn tán loạn sạch, khi đó gã có thể lần nữa bố trí Côn Lôn đại trận.

Côn Lôn này từ ngày đâu tiên Ngọc Hư cung xây thành, đã bày ra đại trận. Đại trận này nghe nói là Đạo tổ Nguyên Thủy tự tay bày bố. Trận không tên, đệ tử Côn Lôn đều gọi là Côn Lôn đại trận. Theo truyền thuyết, trận này từng được phát động lúc Vu tộc tế Đô Thiên Thần Sát đài, đã hư hỏng, có điều hậu nhân lại không ai tìm thấy, càng không phát hiện được tung tích. Nhưng quả thật khi đó Côn Lôn đại trận đã bị Tổ vu Đế Giang phá qua.

Chẳng qua nhiều năm như vậy, bị tử tịch khí phong cấm, chỉ cần cái tử tịch khí này tan hết, Côn Lôn đại trận có thể lần nữa phát động. Tuy rằng linh khí Côn Lôn cũng tán loạn nhiều, nhưng cũng có thể làm Côn Lôn lần nữa hoán phát sinh cơ.

Gã nhìn nước sông gần như ngập tới chân mình, nhìn sinh linh thủy vực bơi trước mặt, nghe những tiếng gào thét lẫn trong nước, trong sương, trong lòng nghĩ: “Đến đây đi, đến đây đi, đến cả Côn Lôn đi. Ta sẽ dùng linh hồn của các ngươi tế điện để Côn Lôn tân sinh.”

Ầm, một yêu linh bay ngược đến, đập vào vách đá dưới chân gã. Yêu linh kia cũng chưa chết, giận dữ rống to một tiếng liền muốn lao ra giết ngược, lại đột nhiên phát hiện trên đầu có một người đang đứng. Nó sửng sốt, sau đó nở nụ cười dữ tợn, lộ hàm răng nanh sắc bén. Binh khí giống lưỡi cưa trong tay nó vung lên. Thế nhưng trước mắt nó đã đen lại, là một cái chân đạp lên giữa hai mắt nó.

“Bụp.”

Đầu nó nổ tung giống như quả dưa hấu bị đập, máu tươi lẫn óc trắng văng khắp nơi. Binh khí của nó theo quán tính vẫn chém vào trên đùi Vô Vưu, lại không hề lưu lại được dù chỉ một vết xước.

Một cơn gió thổi tới, thân thể Vô Vưu biến mất trong gió, chỉ còn một cái xác yêu linh không đầu vẫn chưa thôi co giật.

Gã theo gió mà đi, xuất hiện ở một đỉnh núi khác, ngồi xổm xuống, lấy tay chạm nhẹ lên đá, cảm thụ đại trận được thiết lập trong núi.

Hồng đại hiệp và vỏ sò là nhóm đầu tiên tiến vào Ngọc Hư cung. Chúng nó đi thẳng một đường, cũng không thấy cảnh khắp nơi là xác người như tưởng tượng, mà chỉ thấy trống trơn. Lúc chúng nó nghe hai đồng tử hô chết hết rồi, còn tưởng rằng có thể nhìn thấy thi thể đầy đất.

Chúng nó không biết, người ở bên trong vừa chết, thân thể sẽ lập tức hóa thành cát bụi.

Một đường đi thẳng đến, sau khi chúng nó bước vào không lâu, nước sông đã bao phủ Ngọc Hư cung. Rất nhiều người xuất ra pháp thuật thần thông huyền diệu để vào bên trong Ngọc Hư cung.

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Phù duy bất tranh, cố vô vưu: trích dẫn từ một câu của Lão Tử, đại ý là không tranh giành với đời nên không dính lỗi lầm nào cả.

-----oo0oo-----

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.