Hoàng Hậu Của Tôi

Chương 3: Chương 3: Mây che




Suy nghĩ kỹ sau khi bình tĩnh lại, mọi chuyện đều trở nên sáng tỏ.

Có lẽ Tẩy Huyết đã vào cung từ chiều qua, và không hề bị phát hiện ra tung tích.

Tiêu Hoán quả quyết chớp thời cơ, triệu nàng đến bên cầm chân. Vừa để tránh Tẩy Huyết thông đồng với nàng, vừa để làm con tin nếu chẳng may Tẩy Huyết đến hành thích điện Dưỡng Tâm.

Còn Tiểu Mã cả buổi chiều chạy vạy khắp nơi tìm nàng để truyền tin, chắc là muốn báo cho nàng biết trước khi Tẩy Huyết bị bắt giữ, không ngờ vẫn chậm chân một bước.

Rồi đến cảnh tượng tối qua, sau một thời gian chống cự, Tẩy Huyết thế cô khó địch đám đông, thất thủ bị bắt và đòi gặp mặt nàng.

Tiêu Hoán tát nước theo mưa, đưa nàng đến gặp La Tẩy Huyết, rồi đánh gã hôn mê, bắt giam trong ngục.

Tối qua nàng cứ tưởng Tiêu Hoán sẽ tung chưởng giết Tẩy Huyết chết ngay, xem ra nàng hơi có chút thần hồn nát thần tính mất rồi. Chưa tra khảo được chút khẩu cung nào, Tiêu Hoán sao có thể để một nhân chứng quan trọng nhường này chết chứ?

Giờ nghi vấn duy nhất chính là: tại sao cha nàng lại sai Tẩy Huyết vào cung hành thích Tiêu Hoán? Ông thừa biết cho dù Tẩy Huyết có là sát thủ nhất nhì trong giang hồ, nhưng nếu hành thích trong cung thì xác xuất thành công là rất nhỏ. Nếu may mắn hoàn thành nhiệm vụ thì chỉ sơ khó mà sống sót thoát ra ngoài. Thế này thì khác nào để Tẩy Huyết vào cung chịu chết?

Vì sao cha nàng lại nhất mực muốn Tẩy Huyết chết?

Lòng nàng nhói đau, ẩn ước hiểu ra ý đồ của cha.

Nghĩ rõ ràng mọi chuyện, nàng bước xuống giường, gọi cung nữ đến hầu hạ nàng chải đầu rửa mặt.

Sửa soạn xong xuôi, trời vẫn còn sớm lắm.

Hôm nay không có đại triều, nhưng trước giờ ngọ Tiêu Hoán đều ở điện trước nghe đại thần nội các bẩm báo chính sự. Điện Dưỡng Tâm im ắng quá, đến cả bước chân cung nữ thái giám qua lại cũng thưa thớt lắm.

Nàng ra khỏi cửa, vòng ra tiền điện, nhấc gấu váy quỳ trước bậc thềm.

Đám cung nữ sau cung hoảng hốt, không ai dám đến khuyên, tất cả đều lui xuống quỳ ở đằng xa.

Tuy yên tĩnh nhưng nội thị ra vào điện Dưỡng Tâm cũng không ít, mấy tên thái giám ra ngoài báo tin thấy nàng quỳ trước điện, ai nấy mặt mày tái mét, sợ vô duyên vô cớ dính tội oan, không kẻ nào dám vào bẩm báo cho Tiêu Hoán.

Bất tri bất giác, nàng đã quỳ hơn nửa canh giờ.

Một ông lão mặc triều phục từ nội điện đi ra, đó là tam triều nguyên lão, binh bộ thượng thư Kỳ Hướng Phi. Thấy tình cảnh trước mắt. Kỳ lão thoáng ngẩn người, đến trước mặt nàng: “Hoàng hậu nương nương, người sao vậy?”

Nàng không trả lời mà chỉ ngẩng đầu cười với lão.

Kỳ lão ngẩn ra, rồi lục tục chạy vào điện Dưỡng Tâm.

Chẳng mấy chốc mà trong điện truyền ra động tĩnh. Nhiều tiếng bước chân hối hả chạy ra ngoài, đi đầu là một đôi triều ngoa (ủng của vua quan) màu đen.

Tiêu Hoán đứng trước mặt nàng, giọng nói lạnh băng: “Nàng đứng dậy.”

Không thèm gọi hoàng hậu nữa mà gọi thẳng “nàng” luôn, xem ra hành động cố ý quỳ trước điện Dưỡng Tâm để nội thị ngoại thần trông thấy của nàng đã khiến y giận lắm.

“Thần thiếp đêm qua vô ý mạo phạm vạn tuế gia, nay đến đây thỉnh tội.” Nàng ngẩng đầu, dùng lời lẽ đã chuẩn bị trước ra ứng phó.

Nàng không rõ tối qua sát ý của mình có chọc giận Tiêu Hoán không, nhưng giờ Tẩy Huyết nằm trong tay y, muốn cứu mạng gã, nàng không thể đắc tội Tiêu Hoán thêm nữa, bất kể y có giận dữ hay không, nàng quỳ xuống chứng tỏ nàng quyết tâm muốn xử lý êm xuôi vụ việc.

Tiêu Hoán im lặng hồi lâu, y khẽ ho lên một tiếng rồi mới mở miệng, giọng nói quay trở về vẻ lễ độ hờ hững thường ngày: “Hoàng hậu hãy đứng lên trước đã.”

Giờ thì đứng dậy được rồi, nàng thầm thở phào một hơi, nhấc váy đứng lên. Quỳ lâu khiến chân nàng tê cứng, lúc đứng dậy có hơi lảo đảo.

Phùng Ngũ Phúc đứng bên Tiêu Hoán nhanh tay nhanh chân bước lên đỡ lấy nàng: “Hoàng hậu nương nương cẩn thận.”

Tiêu Hoán lạnh lùng nhìn, ho thêm một tiếng, y mặc kệ nàng, quay sang cười với đám đại thần cơ yếu đằng sau: “Các khanh, chúng ta quay về thôi.”

Đám đông trước mặt giải tán hết, Phùng Ngũ Phúc ở lại, khom lưng nói: “Hoàng hậu nương nương, xin hãy sang chái điện đợi vạn tuế gia.”

Nàng gật đầu đi theo lão, một thoáng khi lão quay lưng đi, nàng nhác thấy tiếng lão thở dài thật khẽ.

Nàng đợi suốt hơn hai canh giờ, đến quá trưa Phùng Ngũ Phúc mới đến mời nàng sang cùng dùng bữa với Tiêu Hoán.

Nàng cứ tưởng sẽ trông thấy hoàng đế bệ hạ nổi trận lôi đình, ai dè Tiêu Hoán đã sớm ngồi bên bàn, khóe miệng nở nụ cười thật nhẹ, vẻ mặt không có lấy một chút xíu hỏa khí. Cũng phải thôi, xưa nay Tiêu Hoán rất giỏi hàm dưỡng, đừng nói nổi giận, ngay cả lớn tiếng nói chuyện nàng cũng chưa thấy bao giờ.

Y nhìn nàng cười: “Hoàng hậu đợi suốt ruột lắm rồi phải không?”

“Vạn tuế gia đùa ạ, thần thiếp phạm lỗi, cho dù có bắt thiếp quỳ ở ngoài cũng đáng, chờ đợi có sá gì.” Nàng đáp bằng giọng chân thành.

Nụ cười trên mặt y vẫn vẹn nguyên: “Vậy ư? Hoàng hậu thành khẩn đến nhận lỗi như vậy là vì cớ gì?”

Nếu y đã nói thẳng ra như thế thì nàng cũng chẳng cần giấu diếm: “Vạn tuế gia biết đó, người bị bắt tối qua là người quen cũ của thiếp, thiếp mong vạn tuế gia hãy nể mặt thiếp một lần.”

Y chỉ cười mà không đáp, tiếp tục nhìn nàng.

Bị y nhìn đến sốt ruột, nàng không khỏi chau mày: “Vạn tuế gia có chịu nể mặt thiếp một lần không ạ?”

“Nếu ta không nể mặt, hoàng hậu định thế nào?” Y cười hỏi: “Tiếp tục quỳ ngoài điện?”

Nàng ngẩn người, còn chưa kịp đáp đã thấy y cười đáp bằng giọng ôn hòa: “Chưa ăn sáng đúng không? Ăn chút gì đi đã.”

Nàng cúi đầu, lúc ấy mới thấy khắp bàn bày đầy của ngon vật lạ, tất cả đều bày biện rất gần nàng, có món canh rượu nếp hoa quế là món nàng thích nhất. Nội thị đứng hầu bên cạnh cực kì tinh ý, thấy nàng nhìn bát canh liền lập tức dùng muôi sứ hoa xanh múc lưng bát dâng đến tay nàng.

Phía trước vang lên tiếng ho khe khẽ, nàng ngước nhìn thấy Tiêu Hoán trong bộ thường phục màu xanh nhạt cúi đầu, tay cầm chén rượu màu nâu mật, ánh mắt nhìn xuống như đang suy tư điều gì đó.

Múc một thìa canh đưa lên miệng, nàng cũng cúi đầu không nhìn y nữa.

Bữa cơm trưa hôm đó, nàng ăn còn y chỉ nhẩn nha uống rượu, đến tận khi dùng bữa xong, hai người chẳng ai ngước đầu lên,

Tiêu Hoán nể mặt nàng, đó chính là để nàng đi gặp Tẩy Huyết một lần.

Tẩy Huyết không bị giam trong mật lao của Cẩm Y Vệ, mà bị nhốt trong một gian phòng hẻo lánh trong cung.

Thạch Nham vẻ mặt cứng đờ đưa nàng đến đó, vết thương của Tẩy Huyết đã được thái y chữa chạy, băng bó một lớp gạc dày. Gã cũng đã tỉnh lại, nằm trên giường nhìn đình màn không biết đang nghĩ ngợi điều gì.

Nàng chậm rãi bước lại gần, lúc ấy Tẩy Huyết mới quay sang nhìn nàng cười khẽ: “Đại tiểu thư.”

Sắc mặt Tẩy Huyết trắng bệch, giọng nói yếu ớt, vừa cười vừa nói thế này, nếu không lắng tai thì không thể nào nghe rõ.

Mắt nàng cay xè, Tẩy Huyết trong trí nhớ của nàng luôn luôn hiên ngang mạnh mẽ, một kiếm thành danh khắp giang hồ, đôi con ngươi màu hổ phách trông thì lười nhác, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện ra chúng toát lên ánh sáng đầy ngạo nghễ.

“Tẩy Huyết, ta xin lỗi.” Nàng không biết tại sao mình lại nói câu này, nhưng thực sự nàng không biết phải nói gì, đành lặp lại: “Ta xin lỗi.”

Tẩy Huyết nhìn nàng, ánh mắt lặng lẽ dần lộ ý cười: “Con bé ngốc, không cần phải xin lỗi ta.”

Mắt nàng càng cay hơn nữa, nàng ngồi xuống bên giường nắm lấy bàn tay lạnh băng của gã: “Tẩy Huyết, ta nhất định sẽ cứu huynh ra, bất kể dùng cách gì ta cũng sẽ cứu huynh.”

Từ lâu đã tự nhủ mình không khóc nữa, nhưng giây phút ấy, nàng thấy mắt cay muốn chết. Nàng gục đầu thật mạnh xuống mép giường, sợ mình cử động nước mắt sẽ chảy xuống theo gò má.

Tại sao cha nàng lại sai Tẩy Huyết vào cung hành thích? Rất đơn giản, bởi vì cha nàng, đệ nhất phụ thần Lăng Tuyết Phong muốn gã chết. Một thanh kiếm tuyệt thế sẽ không cam lòng chịu vùi lấp dưới bụi trần, vì thế mới giao cho gã một nhiệm vụ bất khả thi, vào cung hành thích hoàng đế. Làm như vậy thanh bảo kiếm sẽ được tỏa sáng một lần, tuy không thể làm chấn kinh thiên địa, nhưng ánh hào quang để lại cũng rực rỡ như ngọn lửa.

Nhưng tại sao Tẩy Huyết nhất định phải chết? Đáp án vô cùng rõ ràng, bởi vì con gái ông, hoàng hậu của đế quốc quá gần gũi với thanh kiếm này, gần đến mức nguy hiểm.

Tại nàng đã lôi Tẩy Huyết ra làm khiên chắn trước Tiêu Hoán, tại nàng đã lờ đi nguy cơ bại lộ, tự ý xuất cung đi gặp Tẩy Huyết, tại nàng đã để cha mình phát giác ra gã là một công cụ nguy hiểm, khiến ông quyết tâm vứt bỏ công vụ này… Nếu không cứu được Tẩy Huyết, vậy thì gã đã bị chính nàng hại chết.

Nàng ngẩng đầu nhìn Tẩy Huyết, cố gắng nở nụ cười: “Huynh bị thương thế nào? Có khó chịu lắm không?”

“Nội thương không sao nữa rồi,” Gã cười, giọng nói tuy yếu ớt nhưng cũng đã bắt đầu pha trò được: “Yên tâm, ta là người sống trên đầu mũi kiếm, sá gì chút thương thế cỏn con này.” Nói rồi chợt hỏi: “À, còn hắn thì sao?”

Nàng ngẩn người, hoàn toàn không hiểu gã nói gì: “Ai? Hắn nào cơ?”

Vẻ mặt Tẩy Huyết thoáng nghi ngờ, nhưng rồi lập tức bị nụ cười thay thế: “Không có gì, ta tiện miệng hỏi thế thôi.”

Thạch Nham đứng canh ngoài cửa không hề thúc giục nàng ra, vì thế nàng liền ở lại thêm một lát nói chuyện cùng Tẩy Huyết. Đến tận khi thấy gã mệt mới ra.

Lúc trở về trên con đường nhỏ hẹp yên tĩnh trong cung cấm, nàng cố vắt óc nghĩ cách cứu Tẩy Huyết, thế nhưng đầu óc cứ hỗn loạn không tài nào nghĩ được biện pháp nào.

Chuyện đã đến nước này thì đành phải đến đâu hay đến đấy.

Trở về từ chỗ Tẩy Huyết, nàng đến cung Từ Ninh gặp thái hậu, bẩm báo thái hậu rằng mình nhớ nhà, mong được gặp mặt cha.

Chuyện này thái hậu vẫn luôn chiều nàng, lập tức sai người về nhà nàng thông báo. Vừa khéo hôm nay cha nàng trực nội các, vì thế đến chiều, nàng đã gặp cha ở Trữ Tú cung.

Tuy mới gặp nhau ở lễ mừng thọ thái hậu, nhưng hai cha con nàng lâu lắm rồi chưa được ngồi xuống nói chuyện như hôm nay.

Năm nàng bốn tuổi cha mới đón nàng từ dưới quê lên kinh thành. Trước năm bốn tuổi, nàng ở với bà ở quê, ba đã già lắm, không biết chữ, nhưng lúc nào bà cũng dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp đâu ra đấy. Nàng lúc nào cũng là đứa nhóc ăn mặc sạch sẽ gọn gàng nhất thôn làng.

Năm bốn tuổi, bà nhờ người mang thư lên kinh thành, một sáng sớm không lâu sau, nàng đứng ngoài cửa thấy cha đội sương đội gió lặn lội đến đón mình. Hôm ấy nàng mới biết năm xưa khi mang thai nàng, mẹ nàng đã bỏ cha và ca ca nàng lại, một mình về quê sinh nở. Sau khi để nàng lại cho bà đỡ liền biến mất tăm mất tích. Nàng từ nhỏ tới lớn đều do bà một tay nuôi nấng, chứ thực ra hai bà cháu không hề có chút máu mủ nào.

Sau khi đón nàng về kinh, cứ khi nào không phải lên triều, đi đâu cha cũng dắt nàng theo, bế nàng ngồi trên đùi để nàng nhìn ông viết mớ tấu chương dài dòng rắc rối đọc trẹo cả miệng. Có thời gian nàng cứ ngỡ mình là đứa trẻ được cưng chiều nhất, có một người cha hết mực yêu thương dung túng cho mình, còn có một anh trai dẫn nàng đi chơi bạt mạng, thay nàng đánh lộn.

Cho đến một năm trước khi nhập cung, cha vẫn thường mở một vò rượu lớn vào những đêm trăng sáng, cùng nàng va ca ca uống rượu chuyện trò. Tửu lượng của nàng từ bé đã ngàn chén không say, tất cả đều nhờ công cha dùi mài mà có.

Hồi ấy trong lòng nàng, hình tượng cha vĩ đại như thần thoại.

Cha đỗ cử nhân năm mười bảy tuổi, hai mươi tư tuổi tham gia thi đình được chính tiên đế ngự bút chấm trạng nguyên, nhập hàn lâm viện. Hai mươi sáu tuổi giữ chức Lễ bộ tả thị lang, hai mươi bảy tuổi tố cáo trọng thần đắc tội quyền quý, phải vào tù vì một tội danh không đáng có. Hai mươi tám tuổi ông được bổ nhiệm lại, hai mươi chín tuổi một mình đánh bại thủ phụ Cao các lão bấy giờ đang đắc thế, khiến vị trọng thần lưỡng triều này phải cáo lão về quê. Ba mươi tuổi được quần thần tiến cử, tiên đế đích thân hạ chiếu ưng chuẩn ông vào nội các, trở thành quan nội các trẻ nhất mấy đời vua trở lại đây. Vài năm sau, quan thủ phụ lúc ấy là Lý Dịch bỗng dưng mắc bệnh qua đời, cha nàng thuận lợi tiếp quản chức thủ phụ, trở thành thủ phụ nội các trẻ nhất trong lịch sử đế quốc. Năm ấy ông mới vừa tròn ba mươi lăm tuổi.

Hơn hai mươi năm lăn lộn quan trường, mười năm giữ chức quan cao nhất đế quốc, trên người ông không có lấy một chút thỏa hiệp hay giảo hoạt của những kẻ lõi đời, “Lưỡng tụ thanh phong, cương chính bất a” (ý chỉ sự thanh liêm chính trực), vô số lần nghe người đời xưng tụng ông như vậy. Quan viên khắp triều ai nấy đều kính phục ông từ tận đáy lòng.

Có một người cha như vậy, con cái của ông thậm chí còn tự hào đến mức chưa từng có ý định vượt qua cha, chỉ thấy vô cùng thỏa mãn vì kiếp này được ở gần ông đến thế.

Cho nên nàng mới sửng sốt bàng hoàng tột bậc khi biết đến một khía cạnh hoàn toàn xa lạ của cha mình.

Ngầm tích trữ cực nhiều tiền bạc, bồi dưỡng một đám môn đồ sát thủ thề chết trung thành, mạng lưới tình báo giăng kín khắp nơi … tất cả những thứ này cũng đều do cha một tay khống chế.

Hôm ấy, khi nàng tận mắt chứng kiến thủ đoạn cha dùng để củng cố quyền thế của mình, nàng cảm thấy có thứ gì đó như vỡ vụn ra, thế giới trước kia đen trắng rõ ràng, nay đã một đi không trở lại.

Nhìn gần, tóc mai của cha đã bạc thêm nhiều so với vài tháng trước, khuôn mặt gầy gò vẫn bình hòa an định.

Hai người cùng ngồi xuống đối diện nhau, nàng lệnh cho Tiểu Sơn dẫn kẻ hầu lui ra hết.

Đưa tay lên vuốt ve tách trà Đấu Thái, cha nàng lên tiếng trước: “Ở trong cung vẫn ổn chứ?”

“Ổn hay không thì cũng thế cả thôi.” Nàng không muốn nói chuyện dông dài mà đi thẳng vấn đề: “Tha cho La Tẩy Huyết đi, đó là lỗi của con.”

Cha thoáng sững người, chau mày hỏi: “Nói linh tinh gì vậy?”

Nàng cười lạnh: “Chẳng phải cha sợ con gần gũi với Tẩy Huyết quá nên mới sai huynh ấy vào cung chịu chết hay sao? Đó đều là lỗi của con, tại con quyến rũ huynh ấy, chuyện con gây ra thì để tự con giải quyết, không mượn cha phải nhúng tay vào!”

Tay cha thoáng run lên, nhìn xoáy vào nàng.

Nàng ngẩng đầu nhìn ông đáp trả.

“Con đang nói chuyện với cha mình đấy sao?” Cha đột nhiên cười gằn thành tiếng.

Nàng chưa bao giờ thấy cha cười như thế, uy thế từ mấy chục năm làm quan khiến nàng không kìm được phải tránh mắt nhìn về hướng khác, nhưng vẫn ngẩng cao đầu: “Chẳng lẽ con còn có người cha nào khác hay sao?”

Chắc cha giận lắm, ông cười khẩy liền mấy tiếng: “Tốt, rất tốt…. Đầu óc chưa khôn ra được chút nào, nhưng mồm mép thì ngày càng lợi hại!”

Nàng bặm môi: “Hết cách rồi ạ, lớn tuổi rồi mà không có thêm tí bản lãnh nào thì sẽ giống như con ngốc mất!”

Ngực cha phập phồng, mắt ông nheo lại nhìn nàng, cuối cùng mở miệng, giọng nói như đang nén giận: “Bất kể con tin hay không, ta không hề phái La Tẩy Huyết vào cung. Con nói đúng, đó là chuyện của con, con hãy tự đi xử lí đống tàn cục đó. Ta sẽ không nhúng tay làm hỏng chuyện tốt của con, con cũng đừng hòng mong ta giúp đỡ.” Nói xong, ông đứng phắt dậy, mặc kệ chén trà bị hất văng dưới sàn, phất áo ra về.

Nàng cúi đầu nhìn chén trà rơi dưới đất, nước trà thấm ướt tấm thảm đỏ son. Thật lâu sau nàng mới thở phào một hơi nhẹ nhõm.

Vẫn thế, kể từ sau khi những chuyện đó xảy ra, lần gặp mặt nào hai cha con cũng cãi vã nhau.

Lúc bắt đầu thường là những câu chất vấn thương tâm, rồi đến những câu tổn thương lẫn nhau. Tuy từ bé đến lớn cha con nàng cãi cọ nhiều lắm, nhưng chưa bao giờ như thế này, càng cãi càng thấy lạnh, càng cãi càng thấy không còn khả năng hòa thuận lại.

“Tiểu thư…” Tiểu Sơn ngập ngừng bước vào, chắc nó cũng nghe thấy chút ít: “Lão gia khó khăn lắm mới đến được một chuyến, sao không nói chuyện tử tế …”

“Bây giờ không phải là lúc nói chuyện tử tế.” Nàng hít sâu một hơi đứng dậy, chợt thấy bên cạnh cửa có một gói giấy.

Tiểu Sơn cũng trông thấy, nhặt lên đem đến trước mặt nàng. Mở ra xem, bên trong không ngờ là một gói kẹo vừng.

Hồi cha mới đón nàng về kinh, ngày nào nàng cũng quấy khóc không chịu ăn cơm, cha lên triều xong liền bế nàng đến trà lâu ngoài phố nghe hát kịch. Bên cạnh lầu kịch là một tiệm điểm tâm có bán kẹo vừng rất ngon, từ nhỏ nàng đã thích ăn kẹo vừng ở đó. Trước khi tiến cung, thỉnh thoảng nàng vẫn một mình chạy đi mua.

Mấy cây kẹo vừng xoắn vặn thừng không có cái nào còn nguyên vẹn, chắc tại lúc nãy cha rút vội trong tay áo nên đã rớt ra ngoài, vỡ vụn thành từng đoạn.

Tiểu Sơn không nói gì, nàng cười đón lấy gói kẹo, cung nữ đi vào thu dọn tên gọi Kiều Nghiên, nàng tiện tay đưa cho nó: “Thưởng thứ này cho em.”

Kiều Nghiên thoáng ngạc nhiên những vẫn cười đưa tay cung kính nhận: “Tạ ơn hoàng hậu nương nương.”

Nàng cười, hít sâu một hơi: bất kể thế nào, nàng đã biết Tẩy Huyết không phải bị cha phái đến. Nếu cha không muốn gã chết thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, ít nhất thì vẫn còn hi vọng.

Sau đó nàng nghĩ tới: nếu không phải do cha phái đến, vậy thì rốt cuộc là ai đã sai khiến Tẩy Huyết vào cung? Và tại sao lại làm như thế?

Đầu óc bắt đầu rối tinh, nàng thấy mình càng nghĩ càng loạn, đành dẹp sang một bên không nghĩ nữa.

Tâm sự trùng trùng khiến bữa tối nàng chỉ ăn qua quýt cho xong. Dùng bữa xong, nàng quyết định đến điện Dưỡng Tâm một chuyến, thử dò la thái độ Tiêu Hoán.

Nghĩ là làm, nàng khoác áo choàng, dặn dò Tiểu Sơn ở lại cung, một mình len lén ra khỏi cửa cung Trữ Tú.

Có lẽ tại nàng đi vội quá, trời lại tối nên suýt nữa đã va phải một người. Người đó đỡ vai nàng cười: “Tiểu cô nương ở đâu đây, vội vội vàng vàng làm gì không biết?”

Nàng nghe ra giọng của Lý Hoành Thanh, vị phó thống lĩnh ngự tiền thị vệ này xưa nay không hề câu nệ tiểu tiết, thích đùa bỡn với cung nữ, lại trẻ trung anh tuấn nên rất được lòng các cung nữ.

Nàng cười đáp: “Lý phó thống lĩnh cũng đang vội đi đâu vậy?”

Lý Hoành Thanh nhận ra nàng, vội vàng buông tay lùi xuống, tuy không thiếu lễ số nhưng khẩu khí thì chẳng có lấy chút nghiêm trang, gã vẫn tiếp tục cười: “Hoàng hậu nương nương có khỏe không? Vi thần làm sao mà vội bằng nương nương được.” Gã vừa cười vừa đưa tay lên sờ trên đỉnh đầu, ra hiệu cho nàng chú ý: “Mũ của nương nương.”

Nàng sờ theo, đúng là vội quá nên mũ sắp rơi xuống. Chỉnh lại mũ, nàng cười: “Cảm ơn Lý phó thống lĩnh.”

Gã cười hành lễ với hàng rồi mới cáo từ.

Nàng đi theo đường mòn đến trước điện Dưỡng Tâm, đang định sai nội thị vào thông báo thì đã thấy Phùng Ngũ Phúc hối hả chạy ra ngoài, nhìn thấy nàng, lão ngẩn ra: “Hoàng hậu nương nương, sao người lại đến đây?”

Thấy lão hớt hải như người mất hồn, nàng lấy làm lạ hỏi: “Ta đến cầu kiến vạn tuế gia, giờ vạn tuế gia có tiện không?”

“Tiện … cũng không tiện …” Lão thở dài, “Hai canh giờ rồi không cho ai vào, cơm tối cũng chưa ăn, thật khiến lão nô lo chết mất.”

“Vạn tuế gia ư?” Nàng hỏi.

“Vâng.” Phùng Ngũ Phúc lại tiếp tục thở vắn than dài: “Vạn tuế gia xưa nay đều không cho ai ở trong hầu hạ, ngài cho gọi mới được vào. Nhưng hôm nay từ giờ thân đến giờ chưa thấy truyền ai…. Mà không ai dám tự ý vào….”

“Chắc là xem tấu chương quên mất ấy mà.” Nàng đành khuyên: “Hay là cứ vào xem sao. Người khác vào sợ vạn tuế gia không vui, nhưng chắc vạn tuế gia sẽ không trách tội Phùng công công đâu.”

Có vẻ như bị nàng thuyết phục, Phùng Ngũ Phúc gật đầu, ánh mắt hau háu nhìn nàng: “Đúng, nếu là hoàng hậu nương nương, nhất định vạn tuế gia sẽ không nổi giận.” Lão vừa nói vừa gọi một tiểu cung nữ đến, kéo tay nàng: “Vậy phiền hoàng hậu nương nương vào trong một chuyến, nương nương cũng muốn gặp vạn tuế gia đấy thôi. Một công đôi việc mà.” Nói dứt câu, lão dúi vào tay nàng một khay đựng tách trà.

Phùng Ngũ Phúc kéo nàng vào trong điện, vừa đi vừa dặn: “Thay bát trà sâm này cho vạn tuế gia, nhớ khuyên vạn tuế gia uống nhanh kẻo nguội.”

Nàng bị đẩy vào trong noãn các, lúc ấy mới nhận ra mình bị Phùng Ngũ Phúc sai bảo như cung nữ…

Không có thời gian chấp với lão hồ ly đó, dù gì nàng cũng đã đi đến cửa, không vào cũng dở, đành bưng khay hắng giọng: “Vạn tuế gia, thần thiếp cầu kiến.” Đợi một lúc mà không nghe thấy động tĩnh gì, nàng lại gọi thêm: “Vạn tuế gia, thần thiếp cầu kiến!”

Bên trong vẫn không có tiếng động, nàng đành một tay bưng khay, một tay đẩy cửa cẩn thận bước vào: “Vạn tuế gia? Thần thiếp ….”

Chả trách Phùng Ngũ Phúc lo sốt vó, trời đã tối mịt rồi mà bên trong noãn các chỉ thắp một ngọn đèn, nếu không có ánh sáng từ ngoài cửa sổ chiếu vào thì khó mà nhìn rõ bóng người trong đó. Bóng tối dập dềnh khiến căn phòng càng thêm thanh lãnh.

Bước lại gần, nàng mới thấy Tiêu Hoán chống tay ngồi tựa bên tường, đầu cúi thấp không rõ mắt đang nhắm hay đang mở. Nhưng nhìn từ mức độ ánh sáng thì không có khả năng y đang xem tấu.

Người bên ngoài lo muốn chết mà y thì ngủ ở đây sao?

Nàng hắng giọng: “Vạn tuế gia, thần thiếp đến rồi.”

Cuối cùng y cũng động đậy, một lúc sau mới như vừa tỉnh lại. Ho khẽ một tiếng, y đưa tay lên đỡ trán, giọng nói có chút khàn khàn: “Hoàng hậu?”

Nàng cười đáp: “Là thần thiếp, thiếp có chuyện muốn thương lượng với vạn tuế gia, lúc đến mới biết vạn tuế gia đã hai canh giờ không cho ai vào, Phùng công công tự ý nhờ thiếp vào gọi ngài dậy, vạn tuế gia không trách tội thiếp chứ?”

Y “Ừm” một tiếng, rồi bỗng dưng hỏi một câu không đầu không đũa: “Đã hai canh giờ rồi sao? Bây giờ là giờ gì?”

“Giờ tuất một khắc, đã qua canh một rồi ạ.” Nàng thấy y hơi lạ, vừa nói vừa lại gần ghế tựa

Hình như y không ngờ nàng đột nhiên bước tới, buông cánh tay đỡ trán, vừa ho vừa cười: “Cảm ơn hoàng hậu, nếu ta ham ngủ tiếp thì chỉ sợ đêm nay không xem hết được số tấu chương này mất.”

Lại gần mới thấy sắc mặt y tái nhợt dưới ánh đèn vàng, trán lấm tấm mồ hôi, cánh tay chống trán đè lên một tờ tấu chương đang mở, trên bản tấu thấp thoáng vài nét chu sa, cây bút đỏ đáng ra phải đặt trên đầu án lại bị rớt xuống ghế mềm, làm ố đỏ trên nền gấm.

Bộ dạng y lúc này, có thực chỉ là vừa ham ngủ?

Y muốn giấu, nàng việc gì phải vạch ra. Nàng cười đặt bát trà sâm trên tay xuống cạnh bàn, quyết định nói thẳng vấn đề: “Vạn tuế gia anh minh, chắc ngài biết thiếp đến đây vì việc gì rồi chứ ạ?”

Y lại “ừm” một tiếng, cúi đầu ho khẽ.

Nàng đợi y ho xong, ai dè y cứ ho đứt quãng một lúc lâu, ho mãi đến mức phải gục đầu lên cánh tay mà vẫn không dừng lại được.

Nàng vốn đã sốt ruột, khẩu khí cũng theo đó mà trở nên cáu gắt: “Vạn tuế gia có muốn nghe thiếp nói không?”

Thấy nàng nói vậy, y ngẩng đầu cười, vẫn tiếp tục ho: “Xin lỗi, ly trà này … phiền hoàng hậu … đưa lại …”

Nàng ngẩn người, lúc ấy mới phát hiện ra vừa nãy nàng để bát trà hơi sát phía ngoài, y muốn lấy sẽ phải khom lưng cúi người xuống với.

Đè tay lên bát trà, nàng lấy hết can đảm, sợ mình sốt ruột quá sau này mất cơ hội cầu xin y: “Vạn tuế gia, thần thiếp có thể đưa trà cho ngài, nhưng xin ngài hứa với thiếp sẽ không truy cứu tội danh của La Tẩy Huyết, thả cho hắn xuất cung.” Nói xong, nàng im lặng đợi câu trả lời của y.

Y không nói gì, đôi mắt đen thẫm thẳm sâu trầm tịch. Thật lạ, ánh sáng mờ như vậy mà nàng vẫn bị y nhìn đến nỗi không dám đối diện với ánh mắt y.

Thật lâu sau, y mới ho khẽ, miệng nở nụ cười thật nhẹ: “Ta hứa.”

Thầm thở phào một hơi, nàng vội đặt tách xuống, luống cuống thế nào mà run tay khiến tách trà bị đổ rơi xuống nền nhà.

Noãn các có trải thảm Tàng Thanh, tách trà không bị vỡ nhưng nước trà bên trong thì đổ hết ra ngoài, thấm ướt cả một vùng.

Đây là tách trà thứ hai đổ trước mặt nàng trong ngày hôm nay.

Nàng ngẩng đầu ngẩn ngơ nhìn y, vội nói: “Thần thiếp sẽ đi rót ngay một tách …”

Y cười, nhắm mắt lại: “Không sao… không cần đâu….”

Nàng không biết nói gì thêm, đành gật đầu: “Thần thiếp đi đây ạ.”

Quay lưng đi được hai bước, chợt nghe thấy sau lưng tiếng y nói thật khẽ: “Ba ngày sau…”

Nàng lập tức hiểu ra y đang nói khi nào sẽ thả La Tẩy Huyết, vội vã ngoái đầu: “Tại sao phải đợi ba ngày?”

Y thoáng khựng lại, nhìn nàng cười: “Ba hôm nữa chắc vết thương ngoài da của hắn đều đã khỏi….”

Nàng đứng sững hồi lâu mới gượng cười bước ra ngoài.

Tiêu Hoán nói không sai, y không cần nàng chuốc thêm phiền phức cho y nữa.

Ra khỏi noãn các, mới kịp nói với Phùng Ngũ Phúc túc trực ngoài cửa một câu “trà đổ mất rồi”, lão liền tức tốc dẫn theo một tiểu thái giám chạy vào trong, cánh cửa đóng sầm trước mặt nàng.

Nàng đứng dưới thềm ngẩn ngơ một chốc, nước trà bị đổ khi nãy vẫn còn dính một ít trên tay, giờ gió đêm thổi qua lạnh ngắt.

Nắm chặt tay, nàng chợt thấy bần thần. Con người nàng bây giờ chắc đáng ghét lắm nhỉ? Nghi thần nghi quỷ, sợ bóng sợ gió, khổ công tính kế … lúc nào cũng muốn chẳng nợ nần ai, cuối cùng hình như lại thành ra mắc nợ tất cả mọi người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.