Hoàng Hậu Độc Nhất

Chương 17: Chương 17: Gà thỏ cùng cũi (Thượng)




Trương Loan nói được làm được, từ hôm sau liền bắt đầu khóa huấn luyện nghiêm khắc cho Y Kiều.

Ông ta dặn Kim thị giờ Dần vừa qua liền giục nàng rời giường, sau khi rửa mặt chải đầu một nén nhang, đúng giờ phải bắt đầu luyện tập nữ hồng.

Dậy sớm với Y Kiều mà nói cũng không phải là vấn đề lớn lao gì, dù trước khi tới nơi này nàng mới chỉ là sinh viên năm nhất đại học, xem như khá buông lỏng, nhưng vẫn còn duy trì được thói quen dậy sớm khi còn học cao trung.

Sáng sớm rửa mặt chải đầu cũng không phải vấn đề, mỗi lần cũng chỉ cần chải vài kiểu tóc đơn giản, hơn nữa có nha hoàn và ma ma hỗ trợ, không đến mức không hoàn thành được nhiệm vụ.

Lại nói vấn đề khiến nàng nhức đầu, không gì bằng buổi luyện tập nữ hồng sau mấy thứ kia.

Người thế kỉ hai mươi mốt đã sớm thoát khỏi thời đại “Tam tòng tứ đức”, bình thường nhiều lắm nàng cũng chỉ vá vài hạt khuy áo, sửa chút thắt lưng, vân vân, đâu giống những nữ nhân cổ đại mỗi ngày đều phải cầm kim thêu ngồi một mạch tới trưa? Vì vậy mỗi lần Kim thị mang một đống hình thêu và chiếc hộp lớn đầy chỉ thêu rực rỡ sắc màu đến trước mặt nàng, Y Kiều cảm thấy huyệt thái dương hai bên đang co rút đến đau đớn. Mà Kim thị dù có than thở cho công trình bã đậu của nàng đến đâu vẫn không hề có ý định bỏ qua cho nàng, sau khi than xong lại bắt tay vào dạy nàng như cũ.

Chờ Trương Loan từ Quốc Tử Gi ám về, ông ta sẽ gọi Y Kiều đến thư phòng, tự mình đốc thúc nàng ôn tập thơ từ, luyện tập thư pháp.

Cũng may lúc trước dưới sự ép buộc của mẹ nàng đã từng học một khóa học về thư pháp. Dù chữ không hẳn là tinh diệu, nhưng vẫn có thể được xem là dễ nhìn. Bởi vì nàng mất trí nhớ, Trương Loan cũng không truy cứu việc chữ viết của nàng thay đổi.

Ngoài ra, chút thơ từ văn phú học được trên lớp ngữ văn đã có chút công dụng, cuối cùng cũng không đến mức khiến Trương Loan tức chết tại chỗ.

Có điều, Y Kiều cũng để ý. Chữ Hán ở cổ đại có hơi khác so với chữ Hán ở hiện đại, vừa đúng lúc nàng có thể mượn cơ hội này để học chữ cổ. Vì thế, ở phương diện này nàng học khá nghiêm túc.

Cầm kĩ cũng được Trương Loan tự mình chỉ bảo.

Thật ra cầm kĩ của Trương Y Kiều rất tốt, đó là vì nàng từng bái danh sư, cho nên tài nghệ có thể nói là khá điêu luyện, Trương Loan không thể nào so bì. Nhưng hiện giờ do nàng “mất trí”, vì vậy có xoay đến đâu cũng chỉ từ trình độ trung bình trở xuống, ông ta phải tự dạy, vốn cũng không có gì. Mà Y Kiều không biết đánh đàn, có thể nói ngoại trừ một chút kiến thức về nhạc lý học được trên lớp nhạc ở hiện đại, về cơ bản nàng hoàn toàn không có cơ sở âm nhạc nào. Huống chi, thứ nàng phải đối mặt lúc này là cổ cầm, có thể nói là gặp mặt cũng không quen, nàng không nhận ra nó, nó cũng không nhận ra nàng, Do đó khi đối mặt với Trương Loan, Y Kiều là một người mới hoàn toàn.

Mà hiện tại nàng học đàn, không phải do sở thích hay đam mê, mà chỉ vì nóng lòng muốn nhồi nhét, nên khiến người ta không thể nào thích nổi.

Có thể do mỗi khi Y Kiều nảy sinh tâm tình phản nghịch, Trương Loan đều trưng bộ mặt của một vị phụ thân kiêm sư phụ nghiêm khắc, khiến nàng không thể không ngoan ngoãn đi vào khuôn khổ. Vài lần sau, nàng cũng nghĩ thông suốt, chỉ coi như đang học một khóa học sơ cấp về đàn cổ mà thôi.

Trương Loan cũng giống Kim thị, có năng lực chịu đựng vô cùng cao. Ông ta nhìn thấy tài đánh đàn tinh thông của nữ nhi đã bị thoái hóa, tuy vừa tức vừa nóng lòng, khuôn mặt đã sắp nhăn nhúm thành một đống, nhưng vẫn có thể duy trì được phong độ của một phần tử tri thức cao cấp cộng thêm tài lãnh đạo của người đứng đầu một nhà, hơn nữa còn có thể kiên nhẫn từ từ dạy dỗ cầm kĩ, thật sự khiến Y Kiều không thể không thầm bội phục.

Cứ như vậy mà cố gắng qua vài ngày, mỗi ngày Y Kiều đều vùi đầu trong mấy khóa học.

Thời gian phải học của nàng tương đối nhiều, còn nhiều hơn cả thời gian khi thi vào đại học, căn bản không có thời gian nghỉ ngơi. Hơn nữa ngủ không đủ giấc, còn phải nghĩ cách để ứng phó thọ yến sắp tới, nàng có cảm giác mình sắp hỏng đến nơi rồi. Cố được vài hôm, có thể nói thể xác và tinh thần đều kiệt quệ.

Hôm đó tốt ngày có một vị bằng hữu của Trương Loan hẹn ông ta sau giờ Ngọ ra ngoài gặp mặt, mà Kim thị dạy nữ hồng cho nàng xong cũng dẫn Hạc Linh và Duyên Linh lên chùa dâng hương cầu phúc, trong nhà chỉ còn lại mình nàng, còn có hai nha hoàn và một ma ma. Cơ hội tốt như thế, sao có thể bỏ qua.

Vất vả lắm mới có cơ hội nghỉ ngơi, Y Kiều không để ý tới nhiệm vụ Trương Loan giao cho nàng trước khi ra ngoài, sau khi hù dọa một đống hạ nhân không ngừng khuyên can nàng, cuối cùng cũng được ra khỏi nơi vây khốn bản thân cả một thời gian.

Hôm nay thời tiết rất tốt, tuy không có tuyết rơi, nhưng không khí vẫn rất lạnh và khô ráo, thế nhưng vài tia nắng vụn vặt xuyên qua tầng mây dày đặc của trời đông rơi xuống đất lại khiến người ta cảm thấy vô cùng thoải mái. Như mang theo chút hương thơm cùng cảm giác vui vẻ ấm áp, khiến người ta cảm thấy vô cùng thư thái, yên tĩnh không cần màng tới danh lợi.

Y Kiều như một con chim nhỏ vừa ra khỏi lồng, đắm chìm trong tiết trời mùa đông, toàn thân đều cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Nàng xem nơi này một chút, nhìn bên kia một chút, vô cùng tò mò với mọi thứ xung quanh, hệt như lúc mới vào kinh thành. Có điều, nàng không quen với địa hình nơi đây nên không dám đi quá xa, nếu không lỡ có lạc đường, chắc chắn sẽ có thêm một chuyện phiền phức.

Vì vậy sau khi chạy hết một vòng trên đường cái gần đây, nàng lại tiến vào một trà lâu thoạt nhìn tương đối lịch sự tao nhã, dự định nghỉ chân ăn tạm vài thứ rồi hồi phủ.

Ngại lầu một quá ồn, nàng trực tiếp lên lầu hai.

Chờ đến khi lên đến nơi, một đám người ngồi cạnh cửa sổ đập vào mắt nàng.

Một đám con cháu phú gia ăn mặc sang trọng, tuy rằng nhìn vóc dáng không giống như đám ăn không ngồi rồi chỉ biết hưởng thụ nhưng đều mang bội sức mỹ ngọc hệt như văn nhân nhã sĩ, trước mặt còn có hai ấm trà tử sa Nghi Hưng, bánh trái thượng hạng.

Vài người chiếm lấy vị trí tốt bên cửa, chắp tay thở dài ngâm thơ, thật sự đang diễn tả một cách hoàn hảo cho cụm từ “học đòi văn vẻ“.

Y Kiều nhìn tình cảnh như thế đã thấy ngán ngẩm. Nàng ghét nhất những kẻ chỉ biết ăn không biết làm, đương nhiên càng không thể có ấn tượng tốt với đám “con ông cháu cha” bên cửa sổ kia. Nàng không khỏi thầm lắc đầu, đi về phía ngược lại với bọn họ.

Nhưng, sau khi nàng xoay người, ánh mắt liền dừng lại, dường như một giây kia, thời gian như dừng trôi.

Quay đầu, nâng mắt, đờ người, tất cả như nước chảy thành sông, hệt như nàng quay người lại chính là vì muốn nhìn bóng người màu trắng kia.

Người và vạn vật xung quanh đều làm nền cho hắn.

Đó là một vị công tử trẻ chừng hai mươi tuổi, cả người mặc cẩm bào thêu mây gấm trắng tuyết không dính một hạt bụi, nơi tay áo dùng chỉ xanh thêu một cây mây, như chút điểm xuyết làm trang sức trong biển tuyết, không những không phá hỏng vẻ thanh thuần tinh khiết kia, mà còn thêm một phần tĩnh lặng tao nhã trong đó. Dung mạo hắn vô cùng tuấn tú, nhưng lại mang theo chút xa cách nhàn nhạt, dường như ngay cả dung mạo cũng hòa nhập vào cảnh tuyết trắng tĩnh lặng xa xưa, siêu thoát ngoại vật, không lẫn phàm trần.

Lúc Y Kiều nhìn đến hắn, hắn đang dùng tay trái đỡ trán, tay phải gõ nhẹ mặt bàn. Dù mấy ngon tay thon dài chỉ làm chút động tác đơn giản như thế, cũng khiến người ta cảm thấy vô cùng ưu nhã. Hắn hơi cúi đầu, môi mỏng hơi mím như đang suy tư vấn đề gì, hoàn toàn không để ý tới sự ầm ĩ bên người, như cách biệt với thế giới. Một người, phàm nhân vĩnh viễn không thể nào sánh bằng.

Trong nháy mắt, Y Kiều không hề để ý mà nở nụ cười.

Dù sao nàng đến nơi này cũng là để thư giãn, người này có ra sao cũng không liên quan tới nàng.

Nghĩ như vậy, nàng lẳng lặng tìm một bàn không người gần đó ngồi xuống. Vì muốn tránh được chút độc hại, nàng cố gắng ngồi cách xa đám văn nhân kia một chút. Đương nhiên, cũng ngồi gần vị bạch y công tư kia một chút.

Tuy nàng chỉ nhìn chằm chằm vào hắn trong khoảng thời gian ngắn, không có ai chú ý, nhưng Y Kiều vẫn xem thường hành vi không lễ phép của mình lúc vừa rồi.

Từ nhỏ nàng đã biết, gia giáo hàm dưỡng với một nữ hài tử mà nói là vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở nơi đông người. Suy nghĩ một chút, nàng không khỏi thầm khinh bỉ bản thân.

Có điều, nói cho cùng, chút thất lễ nho nhỏ khi nãy của Y Kiều hoàn toàn là vì khí chất người ban nãy quá mức xa xăm mờ ảo, hoàn toàn xa cách nhân thế, đặt ở nơi đây, thật giống như một kẻ ngoại tộc, hoàn toàn không hòa hợp với khung cảnh xung quanh.

Không để ý tới hắn mới là không bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.