Hoàng Hậu Margot

Chương 23: Chương 23




Người mới cải đạo

Ngày hôm sau có cuộc săn ở rừng Saint-Germain.

Henri ra lệnh chuẩn bị yên cương sẵn sàng cho một con ngựa nhỏ xứ Bearn mà ông định tặng cho phu nhân de Sauve nhưng ông còn muốn thử trước. Tám giờ kém một khắc, ngựa đã đầy đủ lệ bộ. Tám giờ vừa điểm, Henri xuống sân.

Con ngựa tầm vóc tuy nhỏ nhưng kiêu hãnh và nóng nảy, nó dựng bờm và hí ầm trong sân. Trời lạnh, một lớp băng mỏng phủ trên mặt đất.

Henri qua sân để tới khu chuồng ngựa, nơi cả ngựa và giám mã đang chờ ông. Lúc đó ông đi ngang qua một người lính Thụy sĩ đang đứng gác ở cửa, người lính đó đưa cao súng để chào Henri và nói:

- Chúa phù hộ cho Hoàng thượng Navarre!

Nghe lời chúc tụng ấy, và nhất là khi nghe giọng người đó nói, anh chàng xứ Bearn bỗng giật mình.

- Ông quay nhìn và lùi lại một bước.

- De Mouy! - Henri thì thầm.

- Tâu bệ hạ, vâng, chính de Mouy đây!

- Anh tới đây làm gì?

- Tôi tìm bệ hạ.

- Anh muốn gì?

- Tôi cần phải nói chuyện với bệ hạ.

- Khốn khổ! - Nhà vua xích lại gần de Mouy nói - Mi không biết là mi sẽ mất đầu như chơi à?

- Tôi biết điều đó.

- Thế sao?

- Thế mà vẫn là tôi đây này.

Henri hơi tái mặt, vì ông hiểu ông sẽ phải chia xẻ mối nguy hiểm mà chàng trai đầy nhiệt tình này đang hứng chịu. Ông lo lắng nhìn quanh và lùi lại lần nữa cũng hấp tấp như lần trước.

Ông vừa thấy bóng quận công d Alençon ở trên một cửa sổ.

Henri đổi ngay dáng điệu, cầm lấy khẩu súng trường trong tay de Mouy đang giả làm lính gác và vừa ra vẻ kiểm tra khẩu súng vừa nói:

- De Mouy, chắc hẳn có lý do nào cần cấp lắm thì anh mới tới đưa đầu vào miệng hùm như thế này chứ?

- Thưa bệ hạ, không! Tôi rình chực bệ hạ từ tám ngày nay - Ồi. Hôm qua tôi mới biết được rằng sáng nay bệ hạ phải thử con ngựa này nên tôi đến canh tại cổng Louvre.

- Nhưng tại sao anh lại có bộ quân phục này được?

- Viên chỉ huy đại đội người Tân giáo là bạn tôi.

- Súng trường của anh đây, đứng vào chỗ gác đi. Người ta đang quan sát chúng ta đấy. Khi nào ta quay lại, ta sẽ cố nói với anh vài lời, nhưng nếu ta không nói gì thì cũng đừng giữ ta lại. Tạm biệt.

De Mouy lại tiếp tục bước đều đặn còn Henri thì tiến về phía con ngựa.

- Con vật nhỏ bé xinh xinh ấy là thế nào thế? - Quận công d Alençon hỏi vọng từ cửa sổ xuống.

- Sáng nay tôi phải thử nó - Henri đáp.

- Nhưng đấy có phải ngựa của đàn ông đâu? Đây là ngựa dành cho một mỹ nhân.

- Cẩn thận đấy Henri, anh là người không kín mồm kín miệng được đâu vì chúng ta sẽ gặp người đẹp ở cuộc săn và lúc ấy nếu như tôi không biết anh là hiệp sĩ của ai thì ít ra tôi cũng sẽ biết anh là người giữ ngựa của ai.

- Ồ! Lạy Chúa, anh sẽ chẳng biết được đâu - Henri nói với vẻ hồn hậu đóng kịch - Cái người đẹp ấy sáng nay không đi được vì bị ốm.

Và ông lên ngựa.

- Ôi! Chà! Thật tội nghiệp phu nhân de Sauve! - d Alençon vừa nói vừa cười.

- François! François! Anh mới là người không kín mồm kín miệng!

- Thế cái bà Charlotte xinh đẹp bị làm sao thế? - Quận công d Alençon lại hỏi.

- Tôi cũng chẳng biết nữa - Henri vừa đáp vừa cho ngựa đi nước kiệu vòng vèo trên sân - Dariole báo với tôi là bà ta bị nặng đầu lắm, khắp người tê cứng, tóm lại là bải hoải toàn thân.

- Thế chuyện đó ngăn anh đi cùng chúng tôi không? - Quận công hỏi.

- Tôi ấy à? Tại sao không? Anh biết rằng tôi mê săn bắn như điên. Chẳng gì có thể làm tôi bỏ một cuộc săn được cả.

- Ấy vậy mà anh vẫn lỡ cuộc săn này đấy, Henri ạ - quận công tiếp sau khi quay lại nói chuyện với một người mà Henri không nhìn thấy vì người đó đứng tận trong phòng để nói chuyện với quận công.

- Vì đức vua cho người báo với tôi rằng cuộc săn không tiến hành hôm nay.

- Chậc! Sao vậy? - Henri nói với vẻ cụt hứng.

- Hình như có những thư tín quan trọng của ông de Nervers thì phải. Đức vua, Thái hậu và quận công d Anjou anh tôi đang họp bàn.

"Ái chà! - Henri tự nhủ - Phải chăng là tin về Ba Lan?"

Rồi ông cao giọng nói tiếp:

- Nếu vậy thì tôi cần phải liều mạng lâu hơn nữa trên băng như thế này. Xín tạm biệt anh!

- Ông cho ngựa dừng trước de Mouy và truyền:

- Này de Mouy, gọi một người trong đội của mi ra mà gác tiếp. Mi giúp người hầu ngựa gỡ yên ra, đội yên lên đầu và đem tới cho người thợ chuyên dát vàng bạc yên ngựa, còn một hình thêu mà y chưa làm xong hôm nay. Mi tới trả lời tại phòng ta, nghe không?

De Mouy vội vàng tuân lệnh vì quận công d Alençon đã bỉến khỏi cửa sổ. Rõ ràng là ông ta nghi ngờ điều gì.

Quả thực de Mouy vừa mới qua khỏi cửa thì quận công d Alençon xuất hiện. Một người lính Thụy Sĩ đang đứng gác ở chỗ de Mouy.

D Alençon nhìn rất kỹ người lính gác mới này rồi quay về phía Henri hỏi:

- Ban nãy anh nói chuyện với người khác phải không?

- Tên kia là một người hầu trong gia đình tôi mà tôi đã cho đăng vào lính Thụy Sĩ. Tôi giao cho hắn một việc mà hắn đang thi hành.

- À! - Quận công nói như thể câu trả lời đã làm ông ta hài lòng - Marguerite có khỏe không?

- Tôi sắp đến chỗ bà ta đây.

- Thế từ hôm qua đến giờ anh không gặp chị ấy à?

- Không, đêm qua khoảng mười một giờ tôi có đến chỗ bà ta, nhưng Gillonne bảo tôi rằng hoàng hậu mệt và đã đi nghỉ.

- Bây giờ thì anh chẳng gặp được chị ấy ở trong cung đâu, chị ấy ra ngoài rồi.

- Vâng, cũng có thể - Henri đáp - Bà ta phải đi tới tu viện Annonciade.

Chẳng có cách nào đẩy câu chuyện tiếp tục được vì Henri dường như dứt khoát chỉ chịu trả lời mà thôi.

Anh rể em vợ đành chia tay nhau. Quận công d Alençon đi thăm dò tin tức, như lời ông ta nói, còn vua Navarre thì về nhà mình.

Henri mới về được khoảng năm phút đã nghe có tiếng gõ cửa.

- Ai đấy? - Ông hỏi.

- Tâu bệ hạ - Có tiếng trả lời mà Henri nhận ra ngay là giọng de Mouy - Tôi đem lời phúc đáp của người làm đồ vàng bạc cho yên ngựa tới.

Henri thật sự xúc động, bước ra mở cửa cho chàng thanh niên và đóng ngay cửa lại sau lưng chàng.

- Anh đấy à, de Mouy! Ta đã mong là anh sẽ suy nghĩ lại.

- Tâu bệ hạ, tôi suy nghĩ đã ba tháng nay rồi - de Mouy trả lời - Thế là đủ, bây giờ đến lúc phải hành động.

Henri phác một cử chỉ đầy lo lắng.

- Xin bệ hạ đừng lo ngại gì, chúng ta chỉ có một mình và tôi vội lắm vì thì giờ rất cấp bách. Chỉ một lời thôi bệ hạ cũng có thể trả lại cho chúng ta tất cả những gì đạo Tân giáo đã mất trong năm qua. Chúng ta hãy nói rõ ràng, thẳng thắn ngắn gọn với nhau.

- Ta nghe đây, de Mouy trung thực của ta - Henri thấy không còn cách nào để lẩn tránh việc giải thích được nên đành trả lời.

- Có thật là bệ hạ bỏ Tân giáo không?

- Thật vậy - Henri đáp.

- Vâng, nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi hay là với tất cả tấm lòng?

- Người ta bao giờ cũng biết ơn Đức Chúa đã cứu mạng cho mình - Henri trả lời bằng cách lẩn tránh câu hỏi như ông vẫn thường làm trong trường hợp tương tự như thế này - Và hiển nhiên là trong cơn nguy hiểm ấy Chúa đã tha mạng cho ta.

- Tâu bệ hạ, xin Người hãy thú nhận một điều.

- Điều gì?

- Đó là việc chối đạo của bệ hạ không phải là do lòng tin mà là do tính toán. Bệ hạ đã chối đạo để được vua Charless cho sống chứ không phải là vì Chúa đã bảo toàn tính mạng cho bệ hạ.

- De Mouy ạ, dù nguyên nhân việc cải đạo của ta có là gì chăng nữa thì ta vẫn cứ là người Giatô giáo.

- Thưa vâng, nhưng liệu bệ hạ có mãi mãi là người Giatô giáo không? Khi cơ hội đầu tiên để lấy lại tự do cho sự sống trần và tâm linh của bệ hạ đến thì chẳng lẽ bệ hạ lại không thu lại lời cải đạo? Thế này đây, cơ hội đó đã đến rồi. La Rochelle nổi loạn, xứ Roussillong và Bearn chỉ chờ lệnh để hành động, ở Guyenne, tất cả đều đợi chiến tranh.

Xin bệ hạ chỉ cần nói với tôi rằng bệ hạ bị cưỡng ép làm người Giatô giáo, tôi xin đảm bảo với bệ hạ về tương lai.

- De Mouy thân mến, người ta không thể cưỡng ép được một nhà quý tộc thuộc dòng dõi như ta. Điều ta đã làm là làm một cách tự do.

- Nhưng tâu bệ hạ - Trái tim chàng trai thắt lại vì sự chống cự không ngờ đó - Bệ hạ không nghĩ rằng làm như vậy bệ hạ bỏ rơi chúng tôi... bệ hạ phản bội lại chúng tôi hay sao?

Gương mặt Henri vẫn lạnh lùng.

- Vâng, bệ hạ phản bội lại chúng tôi - De Mouy nói tiếp - Vì nhiều người trong số chúng tôi đã liều mạng tới đây để cứu vãn danh dự và tính mạng của bệ hạ. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả để trao cho bệ hạ một ngôi báu. Bệ hạ có nghe rõ không, không chỉ tự do thôi mà cả quyền lực nữa: một ngai vàng tuỳ ý bệ hạ lựa chọn vì trong vòng hai tháng nữa bệ hạ có thể chọn giữa Navarre và Pháp quốc.

- De Mouy ạ - Henri vừa nói vừa che giấu ánh mắt, vì dù ông không muốn khi nghe tới đề nghị này mắt ông cũng lóe lên như tia chớp - Tính mạng ta an toàn, ta là người Giatô giáo, ta là chồng của Marguerite, ta là em vua Charles, ta là con rể hiền mẫu Catherine. De Mouy, khi ta đứng ở địa vị đó, ta đã tính toán cơ may và cả nghĩa vụ nữa.

- Nhưng tâu bệ hạ, tôi biết tin vào cái gì đây? - De Mouy tiếp lời - Người ta nói với tôi rằng cuộc hôn nhân của bệ hạ vẫn chưa hoàn thành, người ta nói với tôi rằng trong thâm tâm bệ hạ vẫn tự do, người ta nói với tôi rằng mối hận thù của Catherine...

- Giả dối, giả dối tất - Anh chàng Bearnais hấp tấp nói - Đúng là người ta đã lừa dối anh một cách vô sỉ, anh bạn ạ, Marguerite thân yêu đúng là vợ ta thật, Catherine quả là mẹ ta, và cuối cùng đức vua Charless IX quả là chúa tể và chủ của cuộc đời và trái tim ta.

De Mouy rùng mình, một nụ cười gần như khinh miệt lướt qua môi chàng.

- Tâu bệ hạ, vậy đó sẽ là câu trả lời tôi đem về cho các đồng đạo - De Mouy vừa nói vừa thất vọng buông tay và cố thử đưa mắt dò hỏi cái tâm hồn đầy bí ẩn này - Tôi sẽ nói với họ rằng vua Navarre chia tay và dâng trái tim cho những kẻ đã cắt cổ chúng tôi, tôi sẽ nói với họ rằng nhà vua đã trở thành người ca ngợi Thái hậu và người bạn của Maurevel...

- De Mouy thân mến - Henri nói - Nhà vua sắp họp xong, ta phải đến hỏi người tại sao lại hoãn một việc quan trọng như cuộc săn này. Tạm biệt nhé, hãy bắt chước ta anh bạn ạ, từ bỏ chính kiến đi, quy phục đức vua và chịu lễ misa đi.

Và Henri tiễn hay đúng hơn là đẩy chàng thanh niên ra tới tận phòng ngoài. Sự kinh ngạc của chàng trai dần dần nhường chỗ cho lòng tức giận.

Cửa vừa khép lại thì de Mouy không thể kìm được lòng mong muốn trút cơn giận lên một vật gì thay cho việc trút nó lên đầu ai. Chàng vò mũ trong tay, ném xuống đất rồi giày xéo lên trên như con bò mộng giày xéo áo măng-tô của người đấu bò:

- Ôi thề có cái chết! - Chàng kêu lên - Quả là một ông hoàng khốn nạn! Ta muốn bị giết ở đây để hắn mãi mãi bị nhơ nhuốc vì máu ta đổ!

- Suỵt! Ông de Mouy! - Một giọng nói lọt qua khe một cánh cửa mở hé - Sụyt! Khẽ thôi! Vì người khác có thể nghe thấy ông mất!

De Mouy hấp tấp quay lại và thấy quận công d Alençon quấn mình trong một chiếc áo măng-tô đang thò mái đầu xanh xao ra ngoài hành lang để tin chắc rằng ông ta chỉ có một mình với de Mouy.

- Quận công d Alençon! - De Mouy thốt lên - Ta nguy rồi!

- Ngược lại, thậm chí có thể là ông đã tìm thấy điều mà ông muốn tìm - Ông hoàng thì thầm - Bằng chứng là ta không muốn để cho ông bị giết ở đây như ông nghĩ thế. Ông cứ tin ta, máu của ông có thể được sử dụng tốt hơn là chỉ để làm đỏ thềm nhà của vua Navarre.

Nói tới đó, quận công mở toang cánh cửa mà ông ta vẫn để hé.

- Đây là phòng của hai vị quý tộc của ta - Quận công nói - Không có ai sẽ tới quấy rầy ta. Ở đây, chúng ta có thể tự do nói chuyện. Ông vào đi.

- Thưa điện hạ, tôi đây! - Kẻ âm mưu kinh ngạc đáp lại.

Và chàng bước vào phòng, quận công d Alençon đóng cửa lại sau lưng chàng cũng hấp tấp y như vua Navarre vậy.

Lúc bước vào, de Mouy vẫn còn điên khùng vì tức giận, trong lòng vẫn còn nguyền rủa vua Navarre. Nhưng rồi ánh mắt đăm đăm lạnh lùng của ông quận công trẻ đã tác động tới viên chỉ huy Tân giáo như tấm gương ma thuật khiến cơn say của anh ta bị xua tan.

- Thưa điện hạ, nếu tôi hiểu đúng thì có phải điện hạ muốn nói chuyện cùng tôi - De Mouy hỏi.

- Đúng thế, ông de Mouy - François đáp - Mặc dù ông cải trang nhưng ta vẫn suýt nhận ra ông và tới khi ông bồng súng chào Henri anh ta, ta đã nhận rõ ra ông. Thế nào, de Mouy, ông không hài lòng với vua Navarre à?

- Thưa điện hạ!

- Thôi nào, ông cứ mạnh dạn nói với ta. Có lẽ ta là bạn ông mà ông không ngờ đấy.

- Ngài ư, thưa điện hạ!

- Phải, chính ta. Vậy ông hãy nói đi!

- Thưa điện hạ, tôi không biết nói gì với người. Nhưng mà việc tôi cần phải nói với nhà vua Navarre có liên quan tới những quyền lợi mà điện hạ có lẽ sẽ không hiểu được. Vả lại, đó là những chuyện tầm phào - De Mouy nói thêm với vẻ cố tỏ ra dửng dưng.

- Chuyện tầm phào à? - Quận công thốt lên.

- Đúng thế, thưa điện hạ.

- Vì những chuyện tầm phào mà ông thấy cần phải liều mạng để quay trở về Louvre nơi mà, như ông biết đấy, đầu ông được treo giá với số vàng nặng cũng bằng thế? Vì người ta không phải không biết rằng cùng với vua Navarre và ông hoàng Condé, ông là một trong những thủ lĩnh chủ chốt của phái Tân giáo.

- Thưa điện hạ, nếu người nghĩ như vậy, xin người hãy xử sự với tôi trên tư cách là em vua Charles và con của Thái hậu Catherine.

- Tại sao ông muốn ta làm như thế, một khi ta đã nói với ông rằng ta là bạn ông? Thôi hãy nói sự thật ra đi.

- Thưa điện hạ - De Mouy nói - Tôi xin thề với điện hạ...

- Xin ông đừng thề, đạo Tân giáo cấm thề, nhất là những lời thề giả dối.

De Mouy cau mày.

- Ta xin nói với ông rằng ta biết hết - Quận công tiếp.

De Mouy vẫn nín lặng.

- Ông còn ngờ ư - Ông hoàng ân cần nhấn mạnh - Thế thì ông de Mouy thân mến ạ, lại phải thuyết phục ông thôi. Nào, ông xem ta có nhầm không nhé. Có đúng là vừa rồi ông đã đề xuất với anh rể Henri của ta - Ông ta vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía phòng Henri - Sự giúp đỡ của ông và những người theo phe ông để tái lập ông ta lên ngai vàng Navarre của ông ta hay không?

De Mouy hoảng sợ nhìn quận công.

- Đó là đề nghị mà ông ta kinh hoàng từ chối.

De Mouy ngẩn người.

- Có phải lúc đó ông đã nhắc nhở lại tình bạn cũ của các ông, kỳ niệm về tôn giáo chung của các ông? Thậm chí có phải lúc đó ông đã đưa ra mồi chài vua Navarre bằng một tiền đồ thật chói lọi, chói lọi đến mức ông ta phải loá mắt, đó là hy vọng đạt tới ngai vàng nước Pháp, đúng không? Thế nào, đúng là ta biết rõ chứ? Có đúng đó là những điều ông tới đề nghị với anh chàng Bearn không?

- Thưa điện hạ - De Mouy kêu lên - Đúng đến nỗi lúc này đây tôi đang tự hỏi liệu tôi có nên cho rằng điện hạ là người nói dối không! Có nên gây ra trong phòng này một cuộc đấu khốc liệt để chắc chắn rằng cái chết của hai chúng ta sẽ dập tắt luôn điều bí mật khủng khiếp đó.

- Nhẹ nhàng thôi, ông de Mouy trung thực của ta, nhẹ nhàng thôi! - Quận công d Alençon không thay đổi nét mặt, không hề có cử chỉ nào khác trước lời đe doạ đó - Điều bí mật sẽ được giữ kín trong chúng ta nếu cả hai chúng ta đều sống hơn là một trong hai người chết đi. Ông hãy nghe ta và đừng có làm phiền chuôi kiếm của ông nữa. Lần thứ ba nhắc với ông rằng ta là một người bạn. Xin ông hãy trả lời như với một người bạn. Nào, có phải vua Navarre đã từ chối tất cả những điều mà ông trao dâng cho ông ta không?

- Thưa điện hạ, vâng, tôi thừa nhận điều đó; vì nó chỉ gây hại cho mỗi mình tôi thôi.

- Có phải lúc ông ra khỏi phòng ông ta, ông đã xéo lên chiếc mũ của mình mà nguyền rủa rằng ông ta là một ông hoàng hèn nhát và không xứng đáng là thủ lĩnh của các ông nữa hay không?

- Thật thế, thưa điện hạ, tôi có nói vậy.

- A! Thật là! Rút cuộc là ông cũng đã nhận.

- Thưa vâng.

- Ông vẫn giữ ý như thế chứ?

- Hơn bao giờ hết, thưa điện hạ!

- Vậy thì ta đây, ông de Mouy, ta, con trai thứ ba của Henri đệ nhị, ta, hoàng tử Pháp, liệu ta có đủ tư cách quý tộc để chỉ huy binh lính cho ông không? Và ông có coi ta là thẳng thắn để ông tín nhiệm lời nói của ta hay không?

- Ngài ư? Thưa điện hạ? Ngài là thủ lĩnh của người Tân giáo ư?

- Tại sao không nhỉ? Đây là thời buổi cải đạo. Ông biết đấy Henri cải làm Giatô giáo, ta cũng có thể cải theo Tin lành được lắm chứ.

- Thưa điện hạ, hẳn thế, vì vậy tôi xin điện hạ hãy giải thích rõ cho tôi...

- Chẳng gì đơn giản hơn, và ta sẽ nói vắn tắt cho ông cái phép làm chính trị của tất cả mọi người:

- Anh Charles của ta giết người Tân giáo vì ông ấy muốn trị vì rộng hơn. Anh d Anjou nhà ta để cho Charles giết người Tân giáo vì ông ta sẽ lên nối ngôi sau Charles và vì như ông biết đấy, anh Charles của ta đau ốm luôn. Còn ta... mọi việc lại khác. Ta sẽ không lên ngôi trị vì, ít ra là ở Pháp, vì ta còn có hai ông anh đứng trước. Mối căm ghét của mẹ ta và hai anh ta đẩy lui ta ra xa khỏi ngai vàng hơn cả những luật lệ của tự nhiên. Ta không có được một tình thương yêu gia đình nào, một vinh quang nào, một vương quốc nào. Thế mà ta có một trái tim cũng cao quý như hai anh ta vậy. Thế nên de Mouy! de Mouy! Ta muốn tự xẻ lấy cho mình một vương quốc với thanh kiếm của ta trong cái nước Pháp đẫm máu này. De Mouy, đó là những điều ta muốn. Ông hãy nghe đây:

"Ta muốn là vua Navarre không phải theo huyết thống mà theo bầu cử. Và ông hãy nhớ là ông không có một điều gì phản kháng chuyện đó, ta không phải là kẻ tiếm ngôi mà chỉ vì anh rể ta từ chối những đề nghị của ông, ông ta rúc vào trong sự trì độn và cao giọng thừa nhận rằng vương quốc Navarre chỉ là chuyện hão huyền. Với Henri de Bearn, các ông chẳng có gì hết. Với ta, các ông có một lưỡi gươm và một tên tuổi. François d Alençon hoàng tử Pháp, sẽ cứu trợ tất cả những bạn hoặc những ai đồng loã với mình, ông muốn gọi thế nào thì gọi. Thế nào, ông de Mouy, ông nghĩ gì về lời đề nghị này?

- Tôi xin nói là tôi bị choáng ngợp, thưa điện hạ.

- De Mouy ạ, chúng ta còn nhiều trở ngại phải vượt qua. Ông đừng tỏ ra khắt khe khó tính ngay từ đầu như thế với một hoàng từ và một người anh em của nhà vua đến với ông.

- Thưa điện hạ, nếu tôi chỉ có một mình để bảo vệ những ý nghĩ của tôi thôi thì mọi việc đã xong cả rồi. Nhưng chúng tôi còn có cả một hội đồng. Dù lời đề nghị có rực rỡ đến mấy, và có lẽ lại chính là vì chuyện đó, các thủ lĩnh trong phe không bao giờ chấp nhận không điều kiện.

- Đó lại là việc khác, và câu trả lời của ông thực xứng đáng là của một tấm lòng trung thực và thận trọng. De Mouy, qua cách xử sự của ta mới rồi, ông phải nhận thấy lòng thành của ta. Vậy về phần ông, ông hãy coi ta như một người được người ta tôn trọng chứ không phải như một ông hoàng được người ta xu nịnh. De Mouy, liệu ta có chút cơ may nào không?

- Xin thề bằng lời nói danh dự của tôi, thưa điện hạ, điện hạ đã muốn tôi nói ý kiến của mình thì đây, điện hạ có tất cả các cơ may kể từ lúc vua Navarre từ chối lời đề nghị mà tôi đã tới dâng cho ông ta. Nhưng thưa điện hạ, tôi xin nhắc lại là vệc hội ý với các thủ lĩnh của chúng tôi là chuyện bắt buộc.

- Nếu vậy xin ông cứ làm đi - d Alençon đáp - Nhưng bao giờ thì trả lời.

De Mouy yên lặng nhìn ông hoàng. Rồi dường như quyết định dứt khoát, chàng nói:

- Thưa điện hạ, xin Người trao tay cho tôi. Tôi cần được nắm lấy bàn tay của một hoàng tử Pháp để tin chắc rằng mình sẽ không bị phản bội.

Quận công không những chìa tay cho de Mouy mà còn nắm lấy tay chàng và siết chặt.

- Thưa điện hạ, bây giờ tôi đã an tâm - Chàng thanh niên Tân giáo nói tiếp - Nếu chúng ta bị phản bội, tôi sẽ nói là điện hạ không dính líu gì vào đấy. Thưa điện hạ, nếu không thế thì dù Người có dính líu rất ít vào sự phản bội ấy, Người cũng sẽ bị mất danh dự.

- De Mouy, tại sao ông lại nói với ta như vậy trước khi cho ta hay bao già ông sẽ đem câu trả lời của các thủ lĩnh của ông tới?

- Bởi vì, thưa điện hạ, khi điện hạ hỏi tôi khi nào sẽ có câu trả lời, điện hạ cũng đã hỏi các thủ lĩnh ở đâu. Và nếu tôi nói với điện hạ: "Đến tối", điện hạ sẽ biết rằng các thủ lĩnh đang ẩn nấp tại Paris.

Vừa nói vậy, de Mouy vừa phác một cử chỉ nghi ngờ và dán ánh mắt sắc sảo của mình lên con mắt giả dối láo liên của quận công.

- Thôi nào - Quận công bảo - Ông vẫn còn nghi ngờ đấy, ông de Mouy ạ. Nhưng mới đầu thì ta không thể đòi hỏi ở ông một sự tin cậy hoàn toàn được. Ông sẽ biết ta sau này. Chúng ta sẽ gắn bó với nhau bằng quyền lại chung khiến ông hết nghi ngờ. Vậy ông bảo tối nay phải không, ông de Mouy?

- Thưa điện hạ vâng, vì thời gian gấp lắm. Đến tối, nhưng ở đâu, thưa điện hạ?

- Ở Louvre, tại đây, trong căn phòng này, ông có đồng ý không?

- Phòng này có người ở phải không? - De Mouy đưa mắt chỉ hai chiếc giường kê đối diện với nhau.

- Có hai vị quý tộc của ta ở đây.

- Thưa điện hạ, tôi thấy là đối với tôi, quay trở lại Louvre thì thật bất cẩn.

- Tại sao vậy?

- Vậy nếu như điện hạ đã nhận ra tôi, những người khác có thể cũng tinh mắt như điện hạ và lại cũng sẽ nhận ra tôi. Tuy vậy tôi sẽ trở lại Louvre nếu điện hạ ban cho tôi điều mà tôi yêu cầu điện hạ.

- Điều gì vậy?

- Một giấy thông hành.

- De Mouy, nếu giấy thông hành của ta cấp mà được tìm thấy trên người ông thì vạ sẽ nguy hại cho ta và không cứu được ông. Ta chỉ giúp ông được điều đó với điều kiện trước mắt tất cả mọi người chúng ta hoàn toàn xa lạ đối với nhau. Chỉ cần hở ra một chút mối quan hệ giữa ta và ông cho mẹ và các anh ta thôi thì nó cũng sẽ khiến ta dễ dàng bỏ mạng. Vậy ông sẽ được bảo vệ và gìn giữ nhờ quyền lợi cho chính ta, khi mà ta chịu liên lụy về những kẻ khác cũng như đang liên lụy với ông lúc này. Chừng nào chính ta còn không bị nghi ngờ thì ta còn đảm bảo được cho ông mọi thứ, xin ông đừng quên điều đó. Ông nên can đảm lên một lần nữa. Hãy mạo hiểm với lời hứa của ta giống như ông đã mạo hiểm mà không có lời hứa của anh rể ta. Hãy đến Louvre tối nay.

- Nhưng điện hạ muốn tôi đến bằng cách nào chứ? Tôi không thể liều ăn mặc như thế này trong các khu phòng ở được. Y phục này chỉ ở trong các sân và tiền sảnh được thôi. Nếu tôi mặc y phục của tôi thì lại còn nguy hiểm hơn nữa, vì ở đây mọi người đều biết tôi và quần áo tôi chẳng cải trang cho tôi được tí nào hết.

- Vì thế nên ta phải tìm... chà tí... Ta nghĩ rằng ừ... đây rồi.

Quận công đưa mắt nhìn quanh và dừng mắt lại trên đống quần áo chưng diện của De Mole bấy giờ đang được trải ra trên giường. Ông ta nhìn thấy chiếc áo choàng màu anh đào lộng lẫy có thêu chỉ vàng, chiếc mũ có cái lông chim trắng với một vòng hoa cúc thêu vàng và bạc xung quanh và cuối cùng là chiếc áo chẽn bằng satanh màu ngọc xám điểm vàng.

- Ông có thấy chiếc áo choàng, chiếc mũ lông và áo chẽn này không? - Quận công hỏi - Đó là của ông de Mole, một quý tộc của ta, một anh chàng nịnh đầm tài ba. Y phục này làm rối loạn cả triều đình, mặc nó vào thì cách trăm bước người ta cũng nhận ra ông De Mole. Ta sẽ cho ông địa chỉ của tay thợ may đã may cho De Mole cứ trả giá gấp đôi vào và đến tối ông sẽ có một bộ y như thế. Ông nhớ kỹ tên ông de Mole chứ?

Quận công d Alençon chưa dứt lời chỉ dẫn thì người ta nghe có tiếng chân trong hành lang bước lại gần và tiếng một chiếc chìa khoá quay trong ổ.

- Này, ai đấy? - Quận công la lên, lao tới cửa và cài chốt lại.

- Quỷ quái, hỏi mới lạ chứ! - Có tiếng người bên ngoài trả lời - Anh là ai đấy thì có? Nhộn thật đấy! Trở về nhà lại bị người ta hỏi là ai đấy!

- Ông đấy hả, ông de Mole?

- Này, chắc chắn đúng là tôi rồi. Nhưng còn ông, ông là ai?

Trong khi De Mole tỏ ra ngạc nhiên vì thấy phòng mình có người và cố tìm xem kẻ mới tới ở chung là ai thì quận công d Alençon hấp tấp quay lại, tay giữ chốt, tay che ổ khoá.

- Ông có biết ông De Mole không? - Quận công hỏi de Mouy.

- Thưa điện hạ, không.

- Thế ông ta có biết ông không?

- Tôi tin là không.

- Thế thì ổn rồi, với lại, ông hãy giả vờ nhìn xuống cửa sổ đi.

De Mouy im lặng tuân lời vì De Mole bắt đầu sốt ruột và đập thình thình vào cửa.

Quận công d Alençon nhìn lại de Mouy một lần nữa và khi thấy chàng đứng xoay lưng lại, ông ta bèn mở cửa.

- Điện hạ quận ông! - De Mole kinh ngạc lùi lại kêu lên - Ôi xin lỗi điện hạ!

- Không sao! Ta cần phòng ông để tiếp một người.

- Xin điện hạ cứ làm. Nhưng xin điện hạ cho phép tôi được lấy chiếc áo và mũ của tôi đang ở trên giường. Đêm hôm qua tôi bị mất cả hai thứ ấy trên bờ sông Grève, tôi bị bọn kẻ cướp tấn công.

- Quả thật - Quận công mỉm cười - Ông bị sửa cho khá đấy. Hình như ông đụng độ với mấy thằng cha ương bướng lắm thì phải.

Đích thân quận công đưa cho De Mole áo choàng và mũ.

Chàng trai cúi chào và ra phòng ngoài để thay quần áo. Chàng chẳng quan tâm tí gì tới những việc quận công đang làm trong phòng, vì hồi đó ở Louvre có cái kiểu là nhà ở của các quý tộc phục vụ thường được các ông hoàng biến thành các khách sạn để tiếp đủ thứ người.

Khi đó de Mouy xích lại gần quận công và cả hai đều lắng nghe xem bao giữ thì De Mole xong và đi. Nhưng khi thay xong quần áo, chính De Mole lại gỡ thế bí cho họ bằng cách tiến lại gần cửa và hỏi:

- Xin lỗi điện hạ! Điện hạ có tình cờ gặp bá tước de Coconnas không ạ?

- Không, bá tước ạ! Ấy thế mà ông ta phải vào chầu sáng nay đấy!

- Vậy có khi người ta ám sát ông bạn của tôi mất rồi! - De Mole vừa tự nhủ vừa vội vã bỏ đi.

Quận công lắng nghe tiếng bước chân xa dần, liền mở cửa rồi kéo de Mouy theo sau:

- Ông nhìn ông ta đi kìa, cố gắng mà bắt chước cái kiểu đi khó tả ấy.

- Tôi sẽ cố hết sức - De Mouy đáp - Không may tôi lại là lính chứ không phải là công tử bột.

- Dù sao thì ta cũng sẽ chờ ông trước nửa đêm trong cái hành lang này. Nếu phòng các quý tộc của ta rảnh thì ta sẽ tiếp ông ở đó, nếu không thì chúng ta tìm một phòng khác.

- Thưa điện hạ, được.

- Vậy thì đến tối nhé, trước nửa đêm.

- Vâng, đến tối nay, trước nửa đêm.

- À này, de Mouy, ông vung tay phải mạnh lên khi đi nhé, đó là dáng đi đặc biệt của ông de Mole đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.