– Con người, ông hoàng nhỏ nói, họ chui vào các chuyến tàu nhanh, nhưng họ chẳng biết mình tìm kiếm thứ gì. Thế mà họ cứ cuống quít lên và quay cuồng ...
Và em nói thêm:
– Nào có ích gì...
Cái giếng mà chúng tôi đến, nó không giống các giếng ở sa mạc Sahara. Các giếng Sahara chỉ đơn giản là những cái lỗ đào trong cát. Còn cái này giống như giếng làng. Nhưng ở đấy chẳng có ngôi làng nào, và tôi tưởng mình đang mơ.
– Lạ thật, tôi nói với ông hoàng nhỏ, mọi cái đều có sẵn: cái ròng rọc, cái gầu và sợi dây...
Em cười, sờ sợi dây, lăn cái ròng rọc. Và cái ròng rọc liền rên một tiếng, giống như tiếng rên của cái chong chóng chỉ hướng gió sau một hồi gió ngủ yên lâu quá.
– Ông nghe thấy không, ông hoàng nhỏ nói, ta đánh thức cái giếng này và nó hát ...
Tôi không muốn em gắng sức:
– Để anh, tôi nói, nó nặng quá đối với em.
Chậm rãi, tôi kéo gàu lên thành giếng. Tôi đặt nó chắc chắn trên đó. Trong tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng hát của cái ròng rọc, và trong nước vẫn còn run rẩy, tôi thấy mặt trời run lên.
– Tôi khát thứ nước này đây, ông hoàng nhỏ nói. Cho tôi uống đi...
Và tôi hiểu ra em tìm kiếm cái gì.
Tôi nhắc chiếc gầu lên kề môi em. Em uống, hai mắt nhắm nghiền. Êm đềm như một ngày hội. Thứ nước này còn là một cái gì khác hơn mọt thứ nước uống. Nó sinh ra từ cuộc đi bộ dưới trời sao, từ tiếng hát của cái ròng rọc, từ sự gắng sức của cánh tay tôi. Nó tốt lành cho tim ta, như một món quà tặng. Ngày tôi còn là một cậu bé, ánh sáng của cây Noel, tiếng nhạc của buổi lễ nửa đêm, những nụ cười dịu dàng cũng đã làm nên sự rực rỡ của món quà Noel mà tôi được nhận.
– Loài người nơi ông, ông hoàng nhỏ nói, trồng năm nghìn hoa hồng cũng trong một khu vườn...thế mà họ chẳng tìm thấy cái họ tìm ...
– Họ chẳng tìm thấy đâu, tôi nói ...
– Trong khi cái họ muốn tìm lại có thể gặp trong chỉ một đoá hồng hoặc chỉ một ít nước...
– Đúng thế, tôi nói.
Và ông hoàng nhỏ nói thêm:
– Con mắt vốn mù loà. Phải tìm kiếm với trái tim.
Tôi đã uống. Tôi đã nghỉ ngơi thoả thuê. Vào lúc tinh mơ, cát một màu mật ong. Tôi thấy sung sướng cả vì cái màu mật ong ấy nữa. Tại sao tôi cứ phải khổ sở...
– Ông phải giữ lời hứa, ông hoàng nhỏ bây giờ lại ngồi xuống bên tôi, nhẹ nhàng nói.
– Lời hứa nào?
– Ông biết đấy ... Một cái rọ mõm cho con cừu của tôi... Tôi chịu trách nhiệm về cái hoa ấy!
Tôi rút từ trong túi áo ra các bản vẽ phác của tôi. Ông hoàng nhỏ trông thấy các bức vẽ bèn cười bảo:
– Các cây baobap của ông, trông giống như các cây cải hoa ấy...
– Ồ!
Tôi vốn tự hào biết bao với bức vẽ các cây baobap!
– Con cáo của ông... hai tai nó...trông giống như hai cái sừng...và lại dài quá!
Và em lại cười nữa.
– Cậu không công bằng, cậu nhỏ ơi, tôi vốn chỉ biết vẽ trăn kín với chăn mở thôi mà!
– Ồ! Được cả thôi, em nói, trẻ con chúng hiểu hết.
Thế là tôi dùng bút chì phác một cái rọ mõm. Và lòng tôi se lại khi đưa cái rọ mõm đó cho em:
– Em có những sự định mà tôi không được rõ...
Nhưng em chẳng trả lời tôi. Em bảo tôi:
– Ông biết không, ngày tôi rơi xuống Trái Đất... mai đã là tròn một năm...
Rồi, sau một lát im lặng, em lại nói:
– Tôi rơi xuống ngay gần đây...
Và em đỏ mặt.
Và một lần nữa, chẳng hiểu tại sao, tôi cảm thấy buồn bã một cách kỳ lạ. Khi ấy tôi bỗng buột miệng hỏi:
– Thế ra không phải là ngẫu nhiên mà, buổi sáng ấy, tôi gặp em, cách đây tám ngày, em lang thang một mình một nghìn dặm cách mọi vùng có người ở! Em trở lại nơi em rơi xuống hay sao?
Ông hoàng nhỏ lại đỏ mặt.
Và tôi nói thêm, ngập ngừng:
– Là vì, có lẽ, vì ngày kỷ niệm chăng?
Ông hoàng lại đỏ mặt lần nữa. Em không bao giờ trả lời các câu hỏi, nhưng khi người ta đỏ mặt, như thế có nghĩa là "phải", phải không?
– A, tôi nói, tôi sợ...
Nhưng em trả lời tôi:
– Bây giờ ông phải làm việc thôi. Ông phải trở về chỗ cái máy của ông. Tôi đợi ông ở đây. Chiều mai ông hãy đến...
Song tôi không yên tâm. Tôi nhớ chuyện con cáo. Có nguy cơ là ta có thể khóc một tí nếu ta lỡ để cho ai cảm hoá mình...