Học Viện Thiên Tài

Chương 67: Chương 67: Không dễ quên




- Hoàng Thiên Vũ! Từ hôm nay, ngày nào tôi cũng mang nước cho cậu. Tôi muốn…theo đuổi cậu!

…………

- Lên đi!

- Hả?

- Tôi cõng cậu về!

- …..

- Này! Cậu ngủ đấy à?

- Ừ! Không…chưa..

………..

- Thiên Vũ cố lên! Cậu nhất định giành chiến thắng! Cậu nhất định giành chiến thắng!

…………..

Tôi giật mình tỉnh dậy, phát hiện mình vẫn còn nằm trên chiếc giường gần cửa sổ. Bên ngoài len lỏi chút ánh sáng của bình minh. Trời còn hơi tối, chỉ thấy xung quanh ngập tràn một màn sương mờ mờ ảo ảo, tưởng như chìm vào buổi sáng đầu đông lành lạnh mà ướt át.

Thì ra là mơ! Tôi ngồi lặng yên trên giường, có cảm giác như vừa rơi xuống một hố sâu bất tận, mù mịt không thấy đường. Đã 4 năm trôi qua, nhưng những kí ức trong tôi dường như chưa bao giờ phai nhạt, chưa bao giờ thật sự ngủ yên cả. Giống như một mặt hồ yên ả, nhưng chỉ cần một viên đá nhỏ ném vào, cũng đủ sức khơi gợi lên cả trăm ngàn đợt sóng.

Suốt 4 năm, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, đến bao nhiêu địa điểm. Tôi trở thành phóng viên ảnh cũng chỉ bởi lý do này: Tôi vẫn luôn tìm cậu! Dường như có một niềm tin mãnh liệt trong tôi mách bảo, Vũ vẫn còn sống, cậu nhất định vẫn còn sống. Thế nhưng vì lý do gì mà cậu không đến tìm tôi thì tôi chẳng thể giải thích được. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng Vũ vẫn sống tốt. Ý nghĩ ấy đã trở thành mục tiêu sống của tôi trong suốt 4 năm vừa qua. Nhưng cho dù tôi có cố gắng thế nào, thì cũng không nhận được một chút tin tức từ cậu. Và thỉnh thoảng trong những giấc mơ, từng kỉ niệm vụn vặt ấy cứ từng trận ùa về.

Ánh mắt tôi mông lung nhìn về phía cửa sổ bên nhà, dường như con đường tìm kiếm này cũng mù mịt như vậy. Tôi không biết mình còn có thể tiếp tục kiên cường tới khi nào, giữ vững niềm tin này cho tới khi nào? Cố giấu một tiếng thở dài, tôi bước xuống giường. Ngọn đèn dầu nhỏ xíu trong nhà tỏa ra một chút hơi ấm, tôi nhìn quanh, phát hiện Hoàn đã ra ngoài từ lúc nào. Trên mái hiên vang lên một trận loạt xoạt, giống như có người dùng bàn chải thô giáp, chà mạnh lên mái nhà. Tôi tò mò đi ra, thấy Hoàn đang vắt vẻo trên đó, xung quanh bừa bộn là cọ với rơm khô. Thấy tôi tỉnh giấc, anh nói vọng xuống

- Cô tỉnh rồi à?

Tôi nheo nheo mắt nhìn anh, nhìn từng động tác thuần thục buộc lại các lớp lá cọ trồng lên nhau, thích thú gật đầu

- Vâng! Anh có cần em giúp gì không?

- Không cần đâu, tôi sắp xong rồi! – Anh đặt từng lớp lá lên nhau, lại dùng dây dứa cố định vào mái, động tác thoăn thoắt khiến tôi có chút ngưỡng mộ.

Ngắm nhìn một lúc, tôi ra suối rửa mặt trước, nước suối mát lạnh khiến tôi tỉnh hẳn, xung quanh chỉ có tiếng chim chóc cùng tiếng nước chảy vui tai. Phút chốc tôi hiểu ra, tại sao những người xưa lại thích về rừng núi ở ẩn đến vậy. Khi tôi rửa mặt xong cũng là lúc Hoàn lợp xong mái, tiến đến đống gùi đặt bên dưới, cẩn thận cho đồ đi săn vào. Tôi hớn hở chạy lại

- Anh đi săn bây giờ ạ?

- Ừ! Cô có muốn đi cùng không?

Tôi vui sướng ra mặt, vội vàng gật đầu

- Anh chờ em một chút!

Vác theo một túm balo cùng đồ dùng, tôi và Hoàn cùng nhau vào rừng. Sau một đêm xoa bóp, chân tôi đỡ hẳn, đi đường cũng đỡ vất vả hơn. Hoàn chỉ cho tôi một vài chú ý khi đi rừng, hoặc một vài loại cây nên tránh, giọng nói anh trầm đều, mang đến một cảm giác ấm áp dễ chịu

- Cô đừng nên lại quá gần mấy chỗ có rơm mới lót, chỗ đấy có thể có bẫy. Cả mấy bẫy sắt nữa, cái đó nguy hiểm hơn, giẫm vào có thể không đi lại được cả tháng!

Tôi vâng dạ liên tục, mắt vẫn thích thú nhìn mấy con côn trùng lạ bám trên các gốc cây gần đó. Tiếc là máy ảnh gần hết film, nếu không, tôi nhất định chụp về làm kỉ niệm. Đưa tay phạt gọn một đám cỏ trước mắt bằng dao quắm, Hoàn chỉ cho tôi vài cây thuốc chữa các bệnh thông thường

- Chúng tôi sống ở rừng núi nên biết các loại cây thuốc chữa bệnh. Nào! Giúp tôi hái mấy cái này!

- Dạ!

Tôi nhanh nhẹn ngồi xuống, ngắt một đầu ngọn lá bỏ vào gùi giúp Hoàn. Anh xua tay

- Ấy, đừng ngắt mỗi thân thế, cô phải nhổ cả cây, rễ của nó có tác dụng rất tốt, có thể chữa trị mấy bệnh đường ruột!

Tôi gật gù, cẩn thận phủi phủi lớp đất trên mặt rồi mới đào cả cây lên. Hái được một ít, Hoàn kéo tôi đứng dậy, tiếp tục đi. Tôi gợi chuyện

- Sống ở đây một mình như vậy, anh không thấy buồn tẻ sao?

Hoàn chỉnh chỉnh lại gùi sau lưng, đáp gọn

- Không! Chúng tôi sinh ra ở rừng núi, đây là nhà của chúng tôi.

Tôi lại hỏi

- Vậy sao anh không chuyển đến gần chân núi ở, em thấy dưới ấy đông đúc hơn.

Hoàn cười nhẹ

- Chắc là tôi sống quen ở đây rồi. Hơn nữa cũng không phải chỉ có mình tôi, còn có một thầy giáo nữa.

Tôi ngạc nhiên

- Thầy giáo?

- Ừ. Cậu ta cũng mới chuyển về đây không lâu. Còn trẻ như vậy mà đã rất có lòng. Bây giờ mọi người đều ngại về đây dạy học. Người nào ở nhiều lắm cũng chỉ được một hai năm mà thôi. – Giọng Hoàn đều đều.

Tôi cũng nghe về câu chuyện đi học ở những nơi rừng núi như thế này, đa phần các giáo viên đều không muốn về đây làm việc, hoặc là thực tập, hoặc là bị phân về mới tới, mà tới cũng nhanh chóng rời đi. Lúc tôi ở nhờ mấy nhà dưới chân núi, họ nói trẻ con đi học rất vất vả. Đa phần chỉ học hết tiểu học, còn lại đều ở nhà giúp bố mẹ. Tôi gật đầu

- Thầy giáo đó thật tốt! Nhà thầy ấy có ở gần đây không? – Tôi chợt tò mò

- Qua một quả đồi là tới rồi. Cô có muốn đi cùng không, tôi sẵn tiện mang thuốc đến cho cậu ta. – Hoàn đưa tay về phía xa chỉ cho tôi, giải thích – Hôm nọ cậu ấy có nhờ tôi!

- Vâng! Em cũng muốn biết mặt thầy giáo ấy! – Tôi vui vẻ mỉm cười.

Hai chúng tôi tiếp tục đi. Đường rừng núi quả thật đi quen thì không sao, nhưng mới đi thì rất mệt. Mà chân tôi thì vẫn còn hơi buốt. Đi được một lát tôi đã thở hổn hển, chật vật ngồi xuống một tảng đá bên cạnh. Tôi quên mất hồi trung học điểm thể dục lúc nào cũng đạt điểm F, năm lớp mười còn phải học lại tới hai lần. Hoàn thấy tôi mệt cũng dừng lại nghỉ ngơi. Trong rừng không khí mát lạnh, thấp hơn bên ngoài khoảng 3, 4 độ, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của tôi cũng dần cảm thấy thoải mái hơn.

Uống một ngụm nước lấy lại tinh thần, hai chúng tôi lại đứng dậy. Tôi phần vì chưa hồi phục sức, phần vì muốn ngắm cảnh hai bên nên chỉ đi theo anh không nói, không khí trong phút chốc rơi vào yên lặng.

Đi được khoản hai phần ba chặng đường, tôi phát hiện ra là cách tính khoảng cách giữa hai chúng tôi có một sự khác biệt tương đối lớn. Nhưng khi tôi nhận ra thì đã muộn, một quả đồi rất gần kia, có lẽ phải gần chục cây. Cũng may là trước khi tôi ngất xỉu vì không đi nổi, thì căn nhà của thầy giáo Hoàn nói đã xuất hiện. Tôi nghĩ giây phút mình nhìn thấy căn nhà ấy còn hạnh phúc hơn cả lúc bị rớt xuống hố được anh kéo lên. Hai chân tôi rã rời, líu díu ngồi nghỉ bên hông nhà. Hoàn lại chẳng có vẻ gì như mệt mỏi, đặt gùi sang một bên rồi tiến đến gọi cửa. Tôi tranh thủ ngồi quan sát ngôi nhà. So với nhà Hoàn, ngôi nhà này có rộng rãi hơn một chút. Còn chừa được một khoảng sân trồng rau củ. Phía ngoài cổng có đặt hai sàng lớn, có lẽ để phơi đồ và hong thuốc. Đang mải ngắm nghía thì Hoàn đã quay trở lại, nói

- Hình như cậu ấy không có nhà!

Tôi ngán ngẩm nhìn vào bên trong, cửa then lại cẩn thận, có lẽ chủ nhà vừa mới đi. Tôi lại nhìn đống thuốc vừa mới hái được

- Vậy còn cái này thì tính sao?

Hoàn đổ thuốc vào sàng bên cạnh, vừa nói

- Cứ để ở đây, khi nào cậu ta trở về sẽ biết là tôi đã tới đưa thuốc!

Quanh nhà được bao bọc không nhiều cây, ánh nắng lên cao khiến tôi hơi chói mắt. Dường như đã gần trưa, mà cả sáng nay tôi vẫn chưa được ăn gì, lại đi cả quãng đường dài như vậy, e rằng không còn sức mà về. Cũng may Hoàn nhận ra điều đó, ra hiệu cho tôi đi theo anh. Gần ngôi nhà có một con suối, nước suối trong vắt nhìn thấy cả lớp đá cuội đủ hình dạng bên dưới. Tôi tự nhiên lại nhớ suối nước đã cùng Vũ thi đấu, cũng là dáng vẻ trong xanh như vậy, tôi bất chợt có chút ngẩn người. Trong lúc không để ý, thấy một vật thể lạ bay về phía mình, kèm theo tiếng gọi của Hoàn

- Này!

Tôi theo phản xạ đưa tay chụp lấy cây gậy dài mà Hoàn vứt ra. Trong lúc đang tò mò nhìn anh thì đã thấy Hoàn lội xuống dưới. Trên đầu tôi hiện lên một tràng dấu hỏi, anh lại nói

- Mau xuống đây bắt cá đi!

- Dạ?

Thấy Hoàn nhìn tôi chẳng có vẻ gì như đùa giỡn, giống như đang muốn nói tôi muốn ăn thì phải tự dùng sức mình. Tôi ngẩn ngơ cầm cây gậy một hồi, sau cùng cũng lội xuống. Nước suối mát lạnh nhưng chỉ ngập đến đầu gối. Tôi nhìn về phía trước, thấy Hoàn đã tài tình đâm ngang qua người một con cá, nhẹ nhàng vứt lên bờ. Tôi không khỏi tròn mắt thán phục. Và thế là cuộc săn cá bắt đầu.

- Này! Á!

Hụt rồi! Tôi tiếc nuối nhìn con cá vuột ra khỏi tầm tay. Chỉnh lại tầm ngắm, phi vào con mồi đang lượn lờ trước mặt.

- Hụt nữa!

Nước xung quanh tôi bắn tung tóe. Tôi bực mình nhìn con cá thoát khỏi tay mình lần thứ hai. Miệng lẩm bẩm: Ta không tin không bắt đầu mày!

- Ya! Hụt!

- Đừng có chạy! Này!

- Hụt!

- Hụt!

……

Con cá quẫy mạnh một cái, nhẹ nhàng bơi ra xa. Hành động này chẳng khác nào chọc tức tôi. Bụng tôi sôi sùng sục mà vẫn chưa bắt được con nào. Tôi nhớ hồi trước mình rất hay chơi trò đập chuột, cũng gần như thế, lần nào tôi cũng đạt điểm cao nhất. Nhưng rõ ràng là game và hiện thực có một khoảng cách không hề nhỏ. Sau khi không đếm nổi số lần hụt, tôi chán nản nhìn về đống cá tưởng như có thể đem bán được của Hoàn. Thấy vẻ mặt nhăn nhó đến tội nghiệp của tôi, Hoàn lội lên bờ, gọi tôi

- Đừng bắt nữa! Nghỉ tay được rồi!

Tôi mếu máo đi lên, cả người mệt nhoài lăn ra đám cỏ. Trong phút chốc chợt nghĩ, làm cao nhân đúng là cũng không dễ. Khi tôi còn đang nằm nghỉ, Hoàn đã nhanh tay vơ được một đống củi khô, chất thành đống. Nhớ tới mình chưa bắt được con cá nào, vô công bất thụ lộc, tôi liền chạy lại giúp anh nhóm lửa, miệng nhanh nhẩu

- Anh để em làm cho!

Không chờ Hoàn phản đối, tôi đã tiến đến bờ suối nhặt hai viên đá cuội rồi xắn tay vào thổi lửa. Cái trò này tôi từng thấy Vũ làm, tôi cũng làm được. Coi như góp chút ít công sức.

Tôi đập hai hòn đá vào nhau, bên trên đặt một đống bùi nhùi, dùng sức đánh. Nào! Ra lửa nào! Ra lửa nào! Tôi lẩm bẩm như đọc thần chú, thế nhưng hai hòn đá ương ngạnh kia nhất định không chịu ra lửa. Để xem nào, chẳng lẽ tôi làm sai. Thấy vẻ mặt Hoàn đang chăm chăm nhìn mình, tôi cười cầu tài

- Anh chờ em một chút!

Thấy phương án đá lửa không khả thi, tôi vội chuyển qua phương án dự phòng. Dùng củi cọ vào nhau cũng có thể ra lửa. Tôi liền lấy một cây gỗ nhỏ bằng cổ tay, lại lấy một cây khác nhỏ hơn, một đầu vót nhọn, đặt lên cây gỗ kia, nỗ lực xoay. Trong lòng tôi thầm nghĩ không thể để anh chê cười, ít nhất phải tạo được lửa. Tôi gồng mình xoay mạnh hơn, các khớp tay muốn căng lên. Cuối cùng, khúc gỗ cứng đầu kia cũng chịu nhen lên một đốm hồng hồng be bé, tôi hớn hở ghé miệng vào thổi thì đốm hồng đó liền vụt tắt. Mặt tôi đen lại, cúi xuống thổi thật manh, thế nhưng chỉ có một làn khói nhỏ nhỏ đen đen bay lên. Đã thế tôi còn cúi xuống khiến cho khói đen bay vào mũi, không nhịn được ho sặc sụa

- Khụ! Khụ!

Tôi nhăn nhó nhìn cả hai dự án đều thất bại của mình, dở khóc dở cười ngước về phía Hoàn, chỉ thấy anh lặng yên, hai mắt nhìn tôi giống như nhìn sinh vật lạ. Bỗng nhiên anh bật cười

- Cô làm gì thế? Tôi có mang theo bật lửa mà!

- Dạ?

Mặt tôi phút chốc hóa đá. Anh lại rút ra từ trong gùi một chiếc bật lửa nhỏ, nhẹ nhàng châm vào đống rơm bên trên, ngọn lửa lập tức bùng lên. Tôi cười như mếu

- Sao…sao anh không nói trước với em!

- Tôi còn chưa kịp nói thì cô đã dùng cái đó đánh lửa rồi, thấy cô nỗ lực như vậy cho nên… - Giọng anh đều đều, gắng không cười tôi nhưng khóe môi lại cong lên phản chủ. Tôi bị một trận như vậy thì ngượng ngùng cúi mặt, thầm tự trách cái thói lanh chanh khó bỏ của mình. Hoàn nhẹ vẫy tôi

- Nào! Lại đây giúp tôi nướng cá!

Trong tia nắng dịu nhẹ, nụ cười anh có vẻ gì ấm áp. Tôi ngoan ngoãn chạy lại, Hoàn đưa cho tôi hai xiên , bảo tôi cắm xuống. Thấy tôi có vẻ đã bớt đỏ mặt mới giải thích, vẫn là giọng điệu trầm đều

- Thực ra….không phải đá nào cũng có thể đánh lửa được! Sách vở và thực tế luôn có một khoảng cách nhất định!

Tôi nghe thấy thế lại mếu máo, dạ một tiếng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.