Hội Chợ Phù Hoa

Chương 18: Chương 18




AI CHƠI CHIẾC DƯƠNG CẦM DOBBIN MUA?

Câu chuyện của chúng ta giờ đây bỗng bao gồm cả những sự kiện và những nhân vật danh tiếng, và bám vào rìa dòng lịch sử. Bầy diều hâu của Napoléon Bonaparte, tên dân đảo Corse hãnh tiến, sau một thời gian ngắn bị cầm giữ ở đảo Elba, đã bay về đậu tại Provence, và từ đó bay chuyền từ đỉnh gác chuông nhà thờ này sang đỉnh gác chuông nhà thờ khác, cho tới thánh đường Đức bà ở Paris. Bầy chim của Hoàng đế nào có thèm chú ý đến sứ đạo tối tăm Bloomsbury ở Luân-đôn, nơi nhân dân quen sống rất bình lặng; hầu như không ai buồn để ý đến tiếng đập của những đôi cánh mạnh mẽ kia. “Napoléon đã đổ bộ ở Cannes rồi!”, một cái tin như vậy có thể gây sôi nổi ở Vienna, hoặc làm đảo lộn mọi kế hoạch của nước Nga, khiến cho nước Phổ phát điên vì lo lắng, làm cho ông Talleyrand và ông Metternich phải lắc đầu và, sau hết, khiến cho hoàng tử Hardenberg và hầu tước Londonderry phải sững sờ. Nhưng làm sao cái tin ấy lại có thể gây xúc động đối với một người thiếu nữ ở quảng trường Russell, khi ngủ bao giờ cũng có một bác người nhà đứng ngoài cửa cầm canh suốt đêm, lúc dạo chơi trong vườn thì xung quanh đã có hàng rào và có bác gác cổng bảo vệ, và ví thử có đi ra ngoài phố Southampton gần đấy mua một cái dải đăng-ten chẳng hạn, thì đã có bác da đen Sambo kè kè đi theo, tay cầm cái can to tướng. Tóm lại, cô ta được bao nhiêu là vị thiên thần hộ mệnh có ăn lương và không ăn lương nâng niu, mặc áo cho, đặt vào giường ngủ, săn sóc đủ mọi phương diện.

Hỡi Thượng đế chí công, thật tàn nhẫn thay, cuộc chiến đấu lớn lao giữa các bậc đế vương sao lại cứ phải gây ra một sự rung chuyển tai hại đối với vận mệnh của một cô gái vô tội mới mười tám xuân xanh, chỉ biết như chim non mổ hạt, hót rít rít và thêu những cổ áo bằng voan mỏng? Hỡi bông hoa dịu dàng đáng thương trong vườn nhà kia! Cơn bão táp của chiến tranh đang gầm thét sắp lôi cuốn cả cô em vào trong những xoáy lốc tàn bạo rồi; Napoléon sắp đánh nước bạc cuối cùng, và thế là hạnh phúc của cô Amelia Sedley bé bỏng cũng sẽ tan tành như mây khói.

Trước hết, những tin tức tai hại đã lật nhào tất cả cơ nghiệp của cha cô. Bao nhiêu việc kinh doanh của ông già không may kia sụp đổ hết. Mấy chuyến làm ăn cuối cùng thất bại sạch; các bạn hàng bị phá sản tất cả. Ông tính rằng giá cổ phiếu hạ xuống thì nó lại cao lên (<105>). Thắng lợi bao giờ cũng đến chậm chạp, nhưng tai họa thì bao giờ cũng xô tới sau lưng nhanh như cơn lốc. Tuy nhiên, ông già Sedley vẫn giữ kín nỗi lo nghĩ của mình. Trong ngôi nhà sang trọng yên tĩnh, mọi sứ vẫn diễn ra bình thường. Bà Sedley tốt bụng kia cũng không hay biết gì hết; hàng ngày bà vẫn tiếp tục cuộc sống bận bịu mà nhàn hạ của bà, với bao nhiêu công việc không đâu; cô con gái càng ngày càng đi sâu vào cái tâm trạng êm ái và ích kỷ riêng của mình, cách biệt hoàn toàn với cuộc đời bên ngoài. Đột nhiên cơn bão xô tới, toàn bộ gia đình đổ sụp.

Một buổi tối, bà Sedley ngồi viết thiếp mời dự tiệc. Gia đình Osborne đã thết khách một buổi rồi, bà lại chịu kém cạnh họ sao?

Ông John Sedley ở khu City về rất muộn; ông ngồi yên lặng bên cạnh lò sưởi nghe bà vợ chuyện trò tíu tít. Emmy đau khổ, buồn bã, đã lên phòng riêng từ trước. Bà mẹ vẫn noi:

- Con bé không vui. George Osborne chẳng săn sóc gì đến nó. Tôi không thể chịu nổi cách ăn ở của bọn họ. Đã ba tuần nay, mấy đứa con gái nhà ấy chưa đặt chân đến đây; thằng Osborne thì đã hai lần về tỉnh, mà không lại thăm nó. Edward Dale có gặp Osborne ở rạp Opera. Tôi tin rằng Edward Dale sẵn sàng cưới con bé, và tôi thấy anh chàng đại úy Dobbin cũng...có điều tôi không ưa cái bọn lính tráng ấy. Thằng George bây giờ cũng công tử bột lắm. Mà thật, nom khệnh khà khệnh khạng ra phết con nhà binh! Ta phải tỏ cho họ biết rằng ta không kém cạnh gì họ. Cứ khuyến khích Edward tiếp khách mới được. Mà kìa, John Sedley, sao ông cứ ngồi im thế? Tôi định mời vào thứ năm, sau đây hai tuần nhé? Sao ông không trả lời? Trời ơi! Có chuyện gì xảy ra vậy?

Bà vợ chạy lại bên chồng; ông Sedley đứng dậy đón vợ; ông ôm bà vào lòng nói vội vàng:

- Mary, chúng ta bị phá sản rồi. Bà nó ơi, bây giờ chúng ta phải làm lại cuộc đời từ đầu. Tốt nhất là nói ngay tất cả mọi chuyện cho bà biết.

Ông vừa nói vừa run rẩy chân tay, gần như muốn ngã gục xuống. Ông cứ tưởng rằng bà vợ không chịu đựng nổi cái tin ghê gớm ấy, người vợ mà suốt đời ông chưa hề nói nặng một lời. Song, tin ấy đến rất đột ngột, với bà cụ, mà chính ông lại bị xúc động mạnh hơn. Lúc ông nằm vật xuống chiếc ghế bành, chính bà vợ lại phải an ủi chồng. Bà cầm lấy bàn tay run rẩy của ông mà hôn, rồi đặt cánh tay chồng vòng qua cổ mình; bà gọi ông là John của bà, John yêu quý của bà, ông lão của bà, ông lão thân yêu của bà; bà thốt ra hàng trăm lời ngọt ngào, yêu đương không ăn nhập với nhau. Tiếng nói chung thủy nhỏ nhẻ và sự vuốt ve vụng về của vợ khiến ông đang băn khoăn đau khổ cảm thấy sung sướng vô ngần, bà khiến ông cảm thấy tâm hồn nặng trĩu của mình được vui vẻ thư thái. Buổi tối dài dằng dặc hôm ấy, ngồi cạnh bà vợ, ông già khốn khổ Sedley đã trút vợi nỗi lo lắng đè nặng tâm hồn mình; ông kể lại tất cả những sự khó khăn thua lỗ trong việc làm ăn...ông bị những người bạn thân thiết nhất lừa dối, nhưng cũng có những người cư xử rất cao thượng không ngờ. Cũng chỉ có lần ấy, khi cùng chồng đi ngược lại dòng quá khứ, bà vợ đã để lộ ra tất cả sự xúc động của mình. Bà nói:

- Lạy Chúa, lạy Chúa. Chắc con Emmy đau khổ lắm.

Ông bố quên hẳn cô con gái. Cô ta đang nằm thao thức buồn bã ở trên gác. Giữa gia đình ấm cúng toàn bè bạn và người thân, nhưng cô vẫn thấy mình trơ trọi làm sao! Ở đời ta có thể thổ lộ nỗi lòng với độ bao nhiêu người được nhỉ? Nói làm chi những điều ấy với những tâm hồn không biết rung cảm, không bao giờ hiểu nổi? Cho nên cô Amelia của chúng ta rất cô đơn. Từ khi cô có những điều thầm kín muốn tâm sự, thì cô đã không có bạn tâm tình nữa rồi. Cô không thể ngỏ với mẹ mọi nỗi lo lắng ngại ngùng của mình. Mỗi ngày cô chị chồng và cô em chồng tương lai lại càng trở nên xa lạ hơn. Cô còn bao nhiêu nỗi nghi ngờ, bao sự sợ hãi mà bản thân cô không muốn công nhận, tuy cô vẫn âm thầm ấp ủ trong lòng. Trái tim cô thì cứ khăng khăng một mực rằng George Osborne vẫn trung thành, vẫn xứng đáng với cô, mặc dầu cô biết rằng sự thực không đúng thế. Đã bao lời tình tứ của cô không hề có lấy mảy may tiếng vang trong tâm hồn anh ta. Đã bao lần cô nghi ngờ người yêu thờ ơ, ích kỷ, nhưng cô đã bướng bỉnh đương đầu và vượt qua những sự ngờ vực đó. Con người “tử vì đạo” ấy còn biết thổ lộ với ai hết cả mọi nỗi đau xót hàng ngày dằn vặt tâm hồn cô?

Người yêu của cô cũng chỉ hiểu cô có một phần. Cô không dám tin rằng người đàn ông cô yêu có tâm hồn thấp kém hơn mình; cô không dám thú nhận rằng mình đã yêu quá vội vàng. Người con gái e lệ trinh bạch ấy kín đáo quá, hiền hậu quá, cả tin quá, yếu đuối quá, cho nên một khi đã trao đổi trái tim cho ai thì không muốn lấy lại nữa.

Đối với đàn bà, về mặt tình cảm chúng ta vẫn quen cư xử như những người Thổ-nhĩ-kỳ; chúng ta cũng bắt họ phải phục tùng giáo lý của chúng ta. Chúng ta cho phép thân thể họ tự do đi ra ngoài, được hóa trang bằng những nụ cười, bằng những búp tóc xoăn, bằng những chiếc mũ trùm màu hồng, mà không phải che mặt bằng những tấm chàng mạng và những chiếc yakmak (<106>); nhưng họ chỉ được để một người đàn ông nhìn thấy tâm hồn họ; họ tuân lệnh, không hề ngần ngại, và bằng lòng sống như kẻ nô lệ trong gia đình để săn sóc mọi việc cho chúng ta.

Tháng ba năm 1815, kỷ nguyên của Chúa, khi Napoléon đổ bộ ở Cannes, vua Louis XVIII chạy trốn, khi toàn thể Âu châu hốt hoảng, giá cổ phiếu sụt và ông già Sedley bị phá sản, thì cô gái bé bỏng dịu dàng ấy cũng đang bị cầm tù, bị hành hạ như vậy đấy.

Chúng ta không cần trở lại những nỗi đau đớn sầu não ông già buôn tín phiếu đã phải trải qua trước khi tai họa cuối cùng xảy đến: ở Phòng hối đoái, tên ông Sedley đã bị thông báo; ông lão đã phải rời khỏi những văn phòng của mình; tín phiếu của ông không được thanh toán. Tình trạng phá sản không thể chối cãi được nữa. Ngôi nhà cùng đồ đạc ở khu phố Russell bị quyền trữ và bán đấu giá; ông lão và cả gia đình bị mời ra khỏi cửa, đi đâu mà ở thì đi, như ta đã rõ.

Bị sa sút, ông John Sedley đành thải tất cả bọn gia nhân (các nhân vật này thỉnh thoảng xuất hiện trong những trang của tập truyện này); và ông cũng không còn lòng nào mà gặp mặt tất cả bọn. Tiền lương của họ ông vẫn trả rất đúng hẹn, đó là tập quán của những người chỉ quen chịu những món tiền lớn. Bọn gia nhân rất buồn vì mất một chỗ làm tốt. Nhưng phải xa ông chủ bà chủ quý hóa, họ cũng không đến nỗi vì thế mà sầu não quá đáng. Chị hầu gái của Amelia có phàn nàn nhiều, nhưng rồi cũng tự an ủi vì tìm được một chỗ làm khác ở một gia đình quý phái hơn. Bác da đen Sambo rất kiêu hãnh về nghề nghiệp của mình quyết định mở một tiệm ăn. Còn bà Blenkinsop thực thà kia đã giúp việc cho gia đình từ hồi ông Sedley mới cưới vợ, và đã được chứng kiến sự ra đời của Joe và Amelia, thì quyết định ở lại giúp việc không lấy tiền công; bà ta cũng đã có một số vốn riêng kha khá, bây giờ theo chủ đến chỗ ở mới, tiếp tục săn sóc trông nom cho chủ và thỉnh thoảng cũng càu nhàu chút ít.

Bọn chủ nợ không ngớt theo đuổi ông già Sedley. Ông lão cảm thấy mình bị sỉ nhục, bị hành hạ quá đáng đến nỗi chỉ trong có sáu tuần lễ mà ông già sọm hẳn đi, già nhanh hơn suốt mười lăm năm qua, mà John Osborne, ông bạn già cũ và là người láng giềng của ông, tỏ ra tàn nhẫn hơn cả...John Osborne, người xưa kia được ông gây dựng, được ông giúp đỡ hàng trăm lần, và sắp sửa là thông gia của ông.

Nhưng bất cứ ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng phải công nhận ông John Osborne phải cư xử tàn nhẫn như vậy. Một khi người ta đã chịu ơn rất nhiều một người khác, và sau ngày hai người lại xích mích với nhau thì theo lẽ thường, người ta vẫn phải tỏ ra khe khắt hơn người ngoài. Trong trường hợp ấy, thái độ sắt đá và vô ơn của ta chỉ có thể giải thích bằng những lầm lỗi của người ân nhân cũ. Không phải vì ích kỷ tàn nhẫn mà ta tức giận trước việc kinh doanh thất bại của bạn đâu... không, chẳng qua tại ông bạn cũ đã rắp tâm lừa ta một cách hèn hạ quá đáng đó thôi. Tóm lại tên đao phủ bắt buộc phải chứng minh rằng kẻ bị hành hình là một tên vô lại... nếu không thì chính hắn ta phải là một tên mạt kiếp.

Bọn chủ nợ vô tình thường công nhận một nguyên tắc chung rất tiện lợi đối với họ như thế này: người ta đã lâm vào cảnh khó khăn thì không có ai là thực thà; thế nào họ cũng giấu kín sự khó khăn của mình, và phóng đại những may mắn có thể có được. Việc làm ăn tuyệt vọng hoàn toàn rồi, nhưng họ vẫn bảo là đang phát đạt, mặt mũi vẫn tươi cười một cái cười bất đắc dĩ trong khi đang mấp mé trên bờ vực của sự phá sản. Họ bấu lấy mọi dịp trì hoãn hòng đẩy lùi sự sụp đổ không tránh được xa thêm vài ngày. Lão chủ nợ sỉ nhục kẻ bại trận, với dáng điệu của kẻ chiến thắng thế này; “Gian giảo lắm thì cho chết. Anh ngu lắm, chết đuối mà lại với lấy cái bọt?”. Thật là lời một kẻ sáng suốt bình tĩnh đứng trên bờ nói với người sắp chìm nghỉm dưới nước, và cũng là lời của sự phát đạt nói với kẻ khốn khổ đang vùng vẫy trong vực tối. “Anh xuẩn quá, anh không biết tìm cách để khỏi bị liệt tên vào danh sách bọn phá sản trên báo à?” Ai mà không thấy một khi đã dính đến chuyện tiền nong thì không những người bạn thân nhất đời, những người lương thiện nhất đời, cũng rất sẵn sàng nghi ngờ buộc tội nhau là bất lương? Kẻ nào cũng xử sự như thế cả, tôi cho rằng ai cũng phải thế, và cuộc đời toàn là những trò bịp bợm.

Nghĩ đến những chuyện ân huệ ngày xưa, ông Osborne càng bực mình; đấy cũng là một lý do khiến mối mâu thuẫn giữa hai nhà càng thêm gay gắt. Cuối cùng, ông cắt đứt cuộc nhân duyên giữa con trai ông và con gái gia đình Sedley. Nhưng hai người đã gắn bó với nhau lâu quá rồi, bây giờ như vậy là hạnh phúc và có thể cả danh dự của cô thiếu nữ cũng bị ảnh hưởng. Vậy thì ông John Osborne phải tìm mọi lý do để cắt đứt cuộc nhân duyên và để chứng minh rằng ông John Sedley là một người rất tồi tệ.

Trong buổi họp của các chủ nợ, ông đã tỏ ra hết sức tàn bạo và khinh miệt ông Sedley, khiến cho ông lão phá sản này chết điếng người vì nhục nhã. Ông phản đối dứt khoát việc George và Amelia đi lại thăm nhau; ông dọa từ con trai nếu anh ta trái lời ông, và ông cư xử với cô thiếu nữ vô tội như cô ta là một kẻ xảo quyệt khốn nạn nhất đời. Ông giận dữ và thù hằn như vậy là vì sao? Ấy là vì ta phải vu cáo và tin lời vu cáo về kẻ bị ghét bỏ; như vậy mới đúng cách xử thế.

Khi nhận được tin phá sản, khi phải rời bỏ khu phố Russell, Amelia tin rằng giữa George và cô không còn gì nữa...không còn gì nữa giữa cô và tình yêu, giữa cô và hạnh phúc, giữa cô và sự tin tưởng vào cuộc đời... Ông John Osborne đã gửi cho cô một lá thư lời lẽ tàn nhẫn, báo cho cô hay rằng vì tư cách của cha cô nên mọi sự đính ước giữa hai gia đình bắt buộc phải chấm dứt...Quyết định ấy không làm cho cô bị xúc động ghê gớm như cha mẹ, đúng hơn là như bà mẹ cô tưởng; ông John Sedley thì đã hoàn toàn mất hết tinh thần vì bị mất cơ nghiệp và danh dự rồi.

Nhận được tin, Amelia có tái mặt đi, nhưng vẫn bình tĩnh, đối với cô chẳng qua những điềm không lành cảm thấy từ trước bây giờ đã thực hiện mà thôi; đó chẳng qua chỉ là lời tuyên án...về một tội trạng cô đã phạm từ lâu...cái tội đã trót yêu lầm lẫn, trót yêu quá say mê không tính toán.

Bây giờ cũng như trước kia, cô không hề thổ lộ với ai những ý nghĩ sâu kín của mình. Cô cũng không lấy thế làm đau khổ hơn khi mình đã cảm thấy tất cả hy vọng đều tiêu tan nhưng còn chưa dám tin hẳn vào sự thật tàn nhẫn ấy. Rời bỏ ngôi nhà đồ sộ về ở một căn nhà bé nhỏ cô thấy cuộc sống cũng không có gì khác; suốt ngày cô vẫn ngồi im lặng trong phòng mà rầu rĩ, mà héo hắt dần dần. Tôi không nói rằng đàn bà ai cũng giống thế. Cô Bullock thân mến ơi, tôi tin rằng cô chẳng chịu đau khổ như vậy. Cô là một thiếu nữ có nghị lực, sống theo những nguyên tắc riêng. Tôi cũng không dám bảo rằng tâm hồn tôi giống như vậy. Tôi cũng đã từng đau khổ, nhưng phải thú thực rằng tôi vẫn sống; song cũng có vài người yếu ớt hơn tôi, tâm hồn họ mỏng manh quá, tế nhị dịu dàng quá.

Mỗi khi ông John Sedley nghĩ đến hoặc đả động đến cuộc tình duyên giữa George và Amelia, thái độ của ông cũng dứt khoát như thái độ của chính ông Osborne vậy. Ông chửi ông Osborne và cả gia đình ông ta là bọn vô lương tâm, bọn đểu cáng, bọn vô ơn. Ông thề độc rằng sẽ không vì một thế lực nào trên đời này mà gả con gái ông cho con trai một tên khốn nạn. Ông ra lệnh cho Emmy phải gột sạch hình ảnh của George trong tâm trí cô, phải gửi trả lại hết mớ thư từ, đồ vật đã nhận từ trước của anh ta.

Cô hứa xin tuân lệnh và cố gắng vâng lời cha. Cô gom góp mấy thứ tặng vật của George; cô lục những lá thư cất rất kỹ ra đọc lại một lượt... như thể cô chưa thuộc lòng ấy. Song cô không đành tâm rời bỏ chúng; việc làm ấy khó khăn quá đối với cô; cô lại ủ chúng vào trong ngực áo, giống như những người đàn bà ôm những đứa con đã chết vậy. Cứ nghĩ đến chuyện phải tách mình ra khỏi niềm an ủi cuối cùng mà Amelia tưởng như không thể sống nổi, hoặc phát điên lên mất. Trước kia mỗi lúc nhận thư, cô thường đỏ mặt lên sung sướng biết bao nhiêu? Đã bao lần cô nhảy nhót lùi ra một chỗ vắng, tim đập dồn dập, để đọc thư không cho ai nhìn thấy? Lời lẽ trong thư có lạnh lùng, tâm hồn si mê của cô biết cách biến thành những dòng chữ nồng nhiệt; lời lẽ trong thư có cộc lốc vô tình, cô vẫn tìm mọi lí do để tha thứ cho người viết.

Cô đã ấp ủ những mảnh giấy vô nghĩa đó; đọc chúng, cô quay trở về với cuộc đời dĩ vãng...mỗi lá thư như gợi lại một mảnh đời. Cô nhớ lại từng ly từng tý, nhớ từng khoé mắt, từng giọng nói, từng cách ăn mặc, từng lời lẽ chuyện trò...Ôi, đời cô chỉ còn lại di tích của một mối tình đã chết ấy mà thôi. Từ đây, cô chỉ còn sống để săn sóc cái xác chết của Tình yêu.

Cô tha thiết mong chờ cái chết đến giải thoát cho mình.

Cô nghĩ thầm sau khi chết, thế là mình lại có thể theo đuổi người yêu. Tôi không hề muốn ca tụng quan niệm sống của Amelia, coi là tấm gương cho cô Bullock bắt chước.

Cô Bullock giỏi hơn người con gái bé bỏng đáng thương kia nhiều; cô thường biết cách kiềm chế lòng mình, chắc chẳng khi nào dại dột như Amelia và trao trái tim mình quá dễ dàng cho kẻ khác như thế, để chẳng được đền bù lại chút gì ngoài một lời hứa hẹn mỏng manh bị bóp nát trong phút chốc. Trong một cuộc đính ước kéo dài, một bên có thể tự do giữ lời hứa hoặc cắt đứt, nhưng cả cuộc đời bên kia đã đặt vào đó rồi.

Vậy thì hỡi các cô thiếu nữ trẻ trung, hãy cẩn thận. Hãy coi chừng khi các cô đính ước với “người ta”. Hãy e lệ, đừng yêu quá thẳng thắn; chớ bao giờ nên nói hết điều gì mình xúc động trong lòng, hoặc tốt hơn, hãy xúc động in ít thôi. Hãy nhìn xem, thực thà và cả tin quá sớm tai hại như vậy đấy; đừng có tin mình, cũng đừng tin ai hết. Hãy cứ lấy chồng theo kiểu người Pháp vậy, nghĩa là nhờ những ông quản lý văn khế làm bạn tâm tình và người phù dâu.

Tóm lại, đừng bao giờ đa mang tình cảm gì khiến mình phải khổ tâm sau này; đừng bao giờ hứa hẹn điều gì nếu mình không dễ dàng xóa bỏ khi mình muốn. Giữa Hội chợ phù hoa nếu muốn được kính nể và được coi là đức hạnh, xin cứ theo một con đường ấy mà đi.

Nếu Amelia được nghe những lời bình phẩm về mình trong cái xã hội mà sự phá sản của cha cô vừa bắt cô phải rời bỏ, thì cô mới thấy hết tội lỗi của mình đã làm hại danh dự mình đến thế nào. Bà Smith nói rằng chưa hề bao giờ thấy ai nhẹ dạ tai hại đến thế. Bà Brown thì bảo rằng xưa nay bà vẫn kết án những thái độ suồng sã đáng ghê tởm như vậy, và coi đó là tấm gương tầy liếp cho mấy cô con gái của bà coi mà tránh. Hai cô con gái nhà Dobbin nói: “Dĩ nhiên đại úy Osborne không thể lấy con gái một người phá sản làm vợ được. Bị ông bố lừa đảo thế là đủ lắm rồi. Còn cái con bé Amelia, nó còn rồ dại hơn cả...”. Đại úy Dobbin mới quát lên:

- Hơn cái gì? Họ không đính ước với nhau từ bé là gì? Lời đính ước lại không thiêng liêng như hôn lễ sao? Đứa nào trên đời này dám thở ra một lời nói xấu người con gái trong sạch nhất, hiền hậu, cao quý nhất ấy?

Cô Jane đáp:

- Ô hay, William, việc gì anh phải quát tháo chúng em. Chúng em có phải là đàn ông đâu mà ganh gổ được với anh. Chúng em nói xấu gì cô Amelia Sedley? Có điều cô ta dại dột quá đáng, ấy là chưa nói hết lời đấy. Còn bố mẹ cô ta thì gặp tai họa như vậy cũng đáng kiếp thôi.

Cô Ann châm biếm hỏi:

- Này anh William, bây giờ cô Sedley đã tự do rồi, anh hỏi cô ta làm vợ chẳng hơn à? Thế mà lại xứng đôi vừa lứa cơ đấy. Hi, hi?

Dobbin đỏ bừng mặt, nói rất nhanh:

- Tôi lấy cô ấy? Này, các cô nghĩ rằng cô ấy cũng ưa đổi tình như đổi áo giống các cô chăng? Ai lại đi cười cợt, chế nhạo một vị thiên thần như thế! Cô ấy có nghe thấy đâu; đối với người không may mắn và đau khổ, ai cười mà chẳng được. Cứ việc mà đùa đi cô Ann. Cô láu lỉnh nhất nhà, ai cũng ưa nghe cô pha trò lắm đấy.

Cô An đáp:

- Em xin nhắc lại rằng đây không phải là trại lính đâu, anh William nhé.

- Lạy Chúa tôi, trong trại lính ấy à; tôi cũng mong có kẻ nào nói như các cô đấy - Con sư tử bị kích thích gầm lên- tôi dám thách đứa nào hé môi nói xấu cô ấy đấy; nhưng mà, cô Ann ơi, đàn ông chúng tôi không ăn nói như vậy đâu. Chỉ có bọn đàn bà con gái mới túm năm tụm ba ** đởn, rồi rú lên, rít lên, quàng quạc cái mồm lên như thế. Thôi, cút ra chỗ khác... đừng có khóc nữa, các cô chỉ là hai con ngỗng.

Thấy cô Ann rơm rớm nước mắt như mọi khi. Dobbin lại bảo:

- Thì không phải là ngỗng, các cô là hai con thiên nga vậy, muốn là con gì cũng được, nhưng hãy để cho cô Sedley được yên.

Bà mẹ và hai cô gái bảo nhau; “Chả thấy đứa nào mê gái như thằng William nó mê cái con bé ** tính hay liếc giai ấy nhỉ”. Cả ba mẹ con đang lo rằng bây giờ không còn bị lời đính ước ràng buộc, cô Amelia sẽ lập tức cướp mất anh chàng đại úy đang say mê mình. Chắc hai cô thiếu nữ suy bụng ta ra bụng người nên mới lo xa như vậy, hoặc đúng hơn (vì hai cô chưa hề bao giờ có dịp lấy ai, cũng như bắt nhân tình với ai) họ đã phán đoán theo nhận thức riêng của họ về cái hay cái dở. Hai cô con gái bảo mẹ:

- Má ạ, may quá, trung đoàn phải ra đóng ở nước ngoài; thế là anh con khỏi bị cái tai họa ấy đe dọa.

Quả thật đúng như vậy. Chính vì thế mà Hoàng đế nước Pháp đã đóng một vai trò trong tấn hài kịch gia đình đang diễn ra tại Hội chợ phù hoa này; mà sở dĩ tấn kịch diễn được cũng nhờ có sự tham dự gián tiếp của nhân vật quan trọng không ra mắt ấy. Chính hắn đã làm cho giòng họ Bourbons cũng như ông John Sedley phá sản. Khi đến kinh đô nước Pháp, chính hắn đã thúc đẩy toàn thể nước Pháp đứng dậy cầm vũ khí bảo vệ mình, và bắt buộc toàn thể Âu châu phải hợp lực tiêu diệt hắn. Trong khi ở Quảng trường Tháng năm, nhân dân và quân đội Pháp vây tròn quanh những con diều hâu, thề trung thành với Hoàng đế, thì bốn đạo quân mạnh nhất Âu châu phối hợp với nhau để tổ chức một cuộc săn diều hâu (<107>) vĩ đại, trong số đó có quân đội nước Anh; và trong đội quân nước Anh lại có hai nhân vật của chúng ta tức là đại úy Dobbin, và đại úy Osborne.

Trung đoàn thứ... tiếp nhận tin Napoléon vượt ngục trở về đất liền với một niềm vui hiếu chiến vô cùng hào hứng; người nào đã biết rõ đội quân này mới hiểu được niềm vui ấy. Mọi người, kể từ viên đại tá cho tới anh lính đánh trống tầm thường nhất trong trung đoàn, đều tràn ngập hy vọng cao xa, đều sôi sục tinh thần ái quốc. Họ cảm ơn Hoàng đế nước Pháp đã làm đảo lộn trật tự Âu châu, tuồng như đó là một việc từ thiện đặc biệt. Lúc này đã đến cái ngày mà toàn thể trung đoàn thứ...khát khao chờ đợi, ngày họ có điều kiện chứng tỏ cho các bạn đồng ngũ thấy rằng họ có khả năng chiến đấu không kém gì những người chiến sĩ kỳ cựu ở Bán đảo (<108>), và bệnh sốt vàng da cùng những năm đồn trú ở Tây Ấn đã không cần phải bỏ tiền ra mua. Bà thiếu tá O’Dowd cũng quyết định tham dự chiến dịch này; bà còn hy vọng rằng trước khi chiến tranh kết thúc đã có thể viết thư cho chồng ký tên là đại tá phu nhân O’Dowd. Hai người bạn của chúng ta (Osborne và Dobbin) cũng phấn khởi không kém, mỗi người phấn khởi một cách... Dobbin thì kín đáo, còn Osborne thì ồn ào, sôi nổi đặc biệt. Cả hai đều khát khao được làm nhiệm vụ, và được chia sẻ phần vinh dự sau này.

Tin tức trên đã gây ra một làn sóng sôi nổi trong khắp nước, trong khắp quân đội; người ta không còn chú ý lắm đến những câu chuyện riêng. Có lẽ cũng vì thế mà Osborne không bị xúc động nhiều lắm trước những tin tức lẽ ra phải khiến anh ta quan tâm nhiều hơn trong trường hợp không có chiến sự đe dọa. Anh ta vừa được đề bạt, đang bận tíu tít về việc chuẩn bị hành quân sắp tới, và cũng đang hy vọng được thăng lên cấp cao hơn. Phải nói thực rằng tai họa vừa rơi xuống đầu ông lão Sedley không ảnh hưởng nhiều lắm đến tinh thần anh ta. Đúng vào hôm các chủ nợ của ông già bất hạnh kia họp nhau lại lần đầu tiên, anh ta cũng đi thử bộ quân phục mới may, bận vào nom thật “bảnh”. ông bố đã nói chuyện với anh ta về thái độ lừa đảo đáng xấu hổ của con người bị phá sản, đã nhắc anh ta nhớ lại mọi điều ông ta nói về Amelia, nghĩa là giữa hai người bây giờ không còn quan hệ gì nữa. Tối hôm ấy, ông cho anh ta một món tiền lớn để trả tiền bộ quân phục và đôi phù hiệu mới toanh, mặc vào tôn hẳn vẻ người lên.

Tiền chui vào túi anh chàng quen thói “vung tay quá trán” này thì bao nhiêu cũng là ít. Anh ta không nói nhiều, cầm ngay lấy tiền. Những tấm giấy quảng cáo bán đấu giá đã dán đầy trên tường nhà ông Sedley, nơi anh ta đã hưởng bao giờ phút sung sướng. Một buổi tối, nhân đi từ nhà bố đẻ đến quán trọ lão Xlôtơ, nơi anh ta nghỉ trọ mỗi khi về tỉnh, George cũng nhìn thấy những tấm giấy ấy trắng lôm lốp dưới ánh trăng. Từ nay Amelia cùng gia đình không còn được bước chân vào ngôi nhà kia nữa; không biết bây giờ họ ở đâu? Nghĩ đến câu chuyện gia đình ông Sedley bị phá sản, anh ta thấy buồn quá. Tối hôm ấy tại quán trọ lão Slaughters, Giơrgiơ có vẻ ủ rũ đặc biệt; bạn bè đều thấy anh ta uống nhiều rượu hơn mọi ngày.

Bỗng Dobbin bước vào, anh định ngăn không cho bạn uống rượu, nhưng Osborne đáp rằng mình buồn quá, phải lấy rượu để khuây khỏa. Dobbin hỏi thăm một cách vụng về rằng vì sao bạn buồn, và lấy vẻ quan trọng hỏi xem, bạn có được tin tức gì không; nhưng Osborne không chịu đáp, chỉ nhận rằng mình rất đau khổ và bối rối vô cùng.

Ba ngày sau, Dobbin gặp lại Osborne trong phòng riêng của bạn ở trại lính... Anh ta ngồi gục đầu bên bàn, xung quanh giấy má bừa bộn; hình như viên đại úy trẻ tuổi đang có điều gì sầu não.

- Nàng...nàng gửi trả lại tôi những tặng vật cũ...mấy món đồ trang sức. Anh xem kìa!

Thì ra có một tập thư, chữ viết rất quen thuộc với đại úy George Osborne, và mấy thứ đồ vật vứt hỗn độn bên cạnh: một con dao bạc anh ta mua tặng người yêu trong một buổi đi chơi hội chợ hồi còn nhỏ, một sợi dây chuyền bằng vàng và một tấm huy hiệu hộp trong có mấy sợi tóc.

Anh ta vừa rên rỉ có vẻ đau xót hối hận vừa nói:

- Thôi, thế là hết. Kia kìa, Will anh có đọc thì đọc.

George tay chỉ một lá thư ngắn, trong viết:

- Ba em ra lệnh bắt em phải gửi trả lại anh những tặng vật mà anh cho em trong những ngày hạnh phúc đã qua; em viết thư cho anh lần này là lần cuối cùng. Em cho rằng, em hiểu rằng anh cũng đau khổ như em trước tai họa của gia đình em. Tự em yêu cầu anh cắt đứt mối tình của chúng ta vì, trong hoàn cảnh khốn cùng của em hiện nay, nó không thể nào duy trì được nữa. Em tin rằng anh không hề đồng tình với những điều ba em nghi ngờ một cách tàn nhẫn, những điều khiến em đau khổ nhất trong cơn hoạn nạn. Thôi vĩnh biệt, vĩnh biệt. Em cầu Chúa giúp em đủ sức vượt qua tai họa này cũng như mọi tai họa sẽ xảy ra; cầu Chúa ban phúc lành cho anh luôn luôn. Em sẽ chơi nhạc luôn trên cây dương cầm... cây dương cầm của anh. Em hiểu rằng chính anh đã gửi đến cho em.”

Dobbin là người rất đa cảm. Xưa nay, trông thấy đàn bà con trẻ đau khổ, anh ta vẫn dễ dàng xúc động. Nghĩ đến cảnh Amelia sống đau khổ, trơ trọi một mình, Dobbin không sao cầm lòng được. Sự cảm động thái quá của anh ta có thể khiến người khác coi là không hợp với bản chất của đàn ông. Dobbin thề rằng Amelia là một thiên thần; Osborne sẵn sàng biểu đồng tình ngay. Bản thân George cũng nhớ lại cuộc sống của hai người...Từ khi còn nhỏ cho tới bây giờ, anh ta vẫn chỉ thấy người con gái rất dịu dàng, rất ngây thơ, rất diễm lệ, giản dị một cách đáng yêu, mà thùy mị và nồng nàn một cách vô cùng trung thực.

Đã nắm được một kho báu vô giá như vậy trong tay mà không biết giá trị, mà bây giờ phải chịu mất tất cả thì còn đau khổ nào hơn! Bao nhiêu hình ảnh thân mật, bao nhiêu kỷ niệm dồn dập đến... trong ký ức của George, Amelia bao giờ cũng vẫn ngoan, vẫn đẹp. Anh ta đỏ mặt lên vì hối hận, khi nghĩ lại thái độ ích kỷ thờ ơ của mình khác xa sự trong trắng của người yêu biết bao nhiêu. Trong một phút, George quên hết mọi sự, cả vinh quang, cả chiến tranh, và đôi bạn trai chỉ nói đến chuyện cô thiếu nữ. Ngừng lại một lúc lâu, Osborne hỏi:

- Không biết bây giờ họ ở đâu nhỉ? Trong thư không thấy ghi địa chỉ.

Quả thật George cũng thấy ngượng lắm vì mình đã không hề có một hành động gì tỏ ra quan tâm đến người yêu. Dobbin biết địa chỉ. Không những anh ta gửi tặng cây dương cầm, mà còn viết thư xin bà Sedley cho phép được đến thăm bà. Hôm qua, trước khi về Chatham, anh ta đã gặp bà cụ, gặp cả Amelia nữa. Cũng chính anh ta đã mang lá thư vĩnh biệt và gói tặng vật về cho bạn.

Anh chàng tốt bụng được bà cụ Sedley tiếp đãi ân cần lắm. Nhận được cây dương cầm bà cụ cảm động quá: bà đoán chắc chính George đã gửi tặng lại để tỏ thái độ thông cảm của mình. Đại úy Dobbin mặc bà già hiểu lầm không cải chính, chỉ chăm chú nghe bà kể lại cơn hoạn nạn của gia đình, tỏ ý thông cảm với những nỗi đau khổ, thiếu thốn, và đồng tình trách ông Osborne là quá tàn nhẫn đối với ân nhân cũ. Lúc bà cụ đã trút vợi bớt bầu tâm sự bi thương của mình, anh ta mới có can đảm xin phép gặp Amelia, lúc ấy cô vẫn ngồi trong phòng riêng như mọi khi, bà mẹ phải lên đỡ con gái run run bước xuống cầu thang. Trông Amelia không còn ra hồn người; vẻ thất vọng lộ rõ trên nét mặt thảm thương, đến nỗi anh chàng Dobbin thực thà thấy thế mà phát sợ; nhìn bộ mặt nhợt nhạt im lìm, anh ta linh cảm thấy bao điều tai hại sẽ xảy ra. Ngồi một hai phút, Amelia đặt cái bọc vào tay Dobbin nói:

- Anh đưa hộ cái này cho đại úy Osborne... tôi mong rằng anh ấy vẫn mạnh khỏe... cảm ơn anh có lòng tốt đến thăm... chúng tôi thích chỗ ở mới này lắm. Và tôi... mẹ ạ, có lẽ con nên lên gác thôi, con thấy hơi khó ở.

Nói đoạn cô thiếu nữ mỉm cười cúi chào bước ra ngoài.

Bà mẹ vừa đỡ con lên cầu thang, vừa quay lại lo lắng nhìn Dobbin. Dobbin không thể nào cầm được lòng. Anh ta yêu cô thiếu nữ quá mất rồi. Sau buổi gặp gỡ, nỗi đau xót không bộc bạch ra được, tình thương và sự hãi hùng cứ lởn vởn trong óc anh dường như chính anh là thủ phạm gây ra tai họa.

Osborne biết tin bạn đã gặp người yêu của mình thì săn đón hỏi han tin tức về cô thiếu nữ; nào là “nàng” ra sao, “nàng” có nói gì không? Bấy giờ Dobbin mới cầm lấy tay bạn, nhìn thẳng vào mặt bạn mà bảo: “George, cô ấy sắp chết rồi”. Và nghẹn ngào không nói được nữa.

Trong căn nhà nhỏ bé, nơi gia đình Sedley đang trú ngụ, có một chị hầu gái người Ai len; đã nhiều lần chị ta tìm cách an ủi Amelia. Nhưng vô hiệu; Emmy buồn quá chẳng trả lời, mà cũng chẳng để ý đến sự săn sóc của chị ta nữa.

Bốn giờ đồng hồ sau cuộc nói chuyện giữa Dobbin và Osborne, chị hầu gái này bước vào phòng Amelia : cũng như mọi khi, lúc này Amelia đang âm thầm nghĩ đến những bức thư, đó là những kho báu vật nhỏ của cô.

Chị hầu gái mỉm cười vui vẻ nhí nhảnh tinh quái cố làm cho Emmy chú ý đến mình mà cũng không được, chị ta gọi:

- Cô Emmy ơi.

- Cái gì? Emmy đáp, không quay lại.

- Có thư đây này, gói gì ấy...có ai...Đây, có thư mới gửi cho cô đây, đừng đọc những thư cũ làm gì nữa.

Chị ta đưa cho Emnly một lá thư, cô cầm lấy đọc: “Anh cần gặp em. Emmy yêu quý nhất đời của anh.. em yêu của anh...vợ yêu của anh, hãy đến với anh.

George và bà mẹ Amelia đang đứng ngoài cửa, chờ cô đọc xong lá thư.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.