VẬT LỘN VÀ THỬ THÁCH
Trong thời gian này, mấy người bạn của chúng ta ở Brompton cũng đang mừng lễ Giáng sinh, nhưng không được vui vẻ lắm.
Người vợ góa của Osborne vẫn trích trong số lợi tức đồng niên một trăm đồng của mình lấy ba phần tư ra để đưa cha mẹ, gọi là đỡ tiền chi tiêu về hai mẹ con. Cộng với số tiền 120 đồng Joe gửi về giúp thêm, cái gia đình bốn người này cũng gọi là sống tiềm tiệm được cho qua ngày; họ nuôi chung với gia đình ông Clapp một chị hầu gái người Ai len; sau những thất vọng và cơn bão tố vừa qua, bây giờ họ cũng có thể mời khách đến chơi uống một ly trà. Ông Sedley được gia đình ông Clapp là người giúp việc cũ rất kính nể. Ông Clapp vẫn chưa quên hồi được mời đến ăn cơm nhà ông chủ ở khu phố Russell mình còn khúm núm ngồi mớm bên mép chiếc chế dựa mà nâng cốc chúc sức khỏe bà Sedley, cô Emmy và cậu Joseph ở Ấn Độ. Trong ký ức người thư ký chất phác, thời gian cũng làm tăng thêm vẻ lộng lẫy huy hoàng của những kỷ niệm xưa. Mỗi khi từ nhà bếp lên nhà trên uống một tách trà, hoặc một cốc rượu trắng với ông Sedley, ông thường nói: “Cụ ạ, ngày xưa có bao giờ cụ dùng những thứ này nhỉ?”.
Đoạn ông trịnh trọng nâng cốc chúc sức khoẻ của hai mẹ con bà Sedley, y như hồi gia đình này đang làm ăn thịnh vượng. Theo ý ông ta, cô Amelia chơi âm nhạc hay nhất, không ai bằng, và cũng không ai xinh đẹp hơn cô. Ở quán rượu không bao giờ ông ta dám ngồi ngang với ông Sedley, cũng không bao giờ chịu để cho người khác nói xấu ông chủ cũ. Ông ta bảo rằng chính mình đã từng được thấy những bậc tai mặt nhất thành quân đến bắt tay với ông chủ, và đã có một hồi ông Sedley và Rothschild cặp kè bên nhau hằng ngày ở phòng hối đoái, mà Rothschild nợ ông chủ vô khối tiền. Ông Clapp là người làm ăn cẩn thận, lại viết chữ rất đẹp, nên sau khi chủ phá sản, cũng sớm tìm ngay được việc làm ở chỗ khác. Ông ta thường bảo: “Thằng tôi ấy à, cứ ném xuống sông xuống bể cũng không chết được”(<31>). Một người chủ có cổ phần trong công ty cũ của ông Sedley bằng lòng mướn ngay ông Clapp giúp việc, trả lương khá hậu. Thế là đám bạn hữu giàu có của ông Sedley cứ dần dần rơi rụng hết, cuối cùng chỉ còn người làm công đáng thương này là vẫn trung thành với ông.
Số tiền lợi tức cỏn con còn lại, Amelia phải tiêu hết sức dè sẻn để có thể cho con ăn mặc sao cho xứng đáng với con trai của George Osborne, và để trả tiền học phí cho con; sau khi đã ngần ngại, tính đi tính lại mãi, cuối cùng cô ta đành phải gửi con đến học tại một trường học nhỏ. Nhiều đêm, người mẹ phải thức đến khuya để xem bài vở của con, đọc lại sách văn phạm và địa lý để kèm con học thêm. Amelia còn kỳ khu tự học cả thứ tiếng khó học ấy nữa. Phải xa con một ngày trời, phải giao phó con cho ngọn roi của ông giáo và để cho lũ bạn học trêu chọc, người mẹ yếu đuối, dễ động tâm ấy cũng đau khổ như khi phải cai sữa cho thằng bé. Trái lại, thằng bé được đi học thì sướng quá. Nó đang muốn thay đổi không khí. Thấy con vui quá, người mẹ đang đau khổ vì xa con có ý hơi buồn, nhưng rồi phải hối hận ngay, tự trách mình sao lại quá ích kỷ đến mức muốn con phải đau khổ, George học rất tiến bộ, ông đốc trường này là bạn của mục sư Binny tức là người vẫn theo đuổi mẹ nó. Thằng bé mang về nhà vô khối phần thưởng và giấy khen. Đêm nào nó cũng kể cho mẹ nó nghe đủ các thứ chuyện về các bạn học; thằng Lyons rất tốt, thằng Sniffin tồi quá, bố thằng Steel bán thịt cho nhà trường, còn thằng Golding thì thứ bảy nào cũng được mẹ mang xe ngựa đến đón về nhà; lại cả chuyện thằng Neat mặc quần có cả dây đeo - nó cũng thích kiểu quần ấy lắm - anh thằng Bull khoẻ quá, học lớp dưới mà đánh được cả bọn học trò lớp trên, dám đánh cả ông giám thị cũng được. Dần dần Amelia cũng thuộc tính nết từng đứa học trò trong trường như thằng Georgy đánh nhau với thằng Smith, vác cái mặt tím bầm về nhà, huênh hoang kể chuyện lại với mẹ và ông ngoại rằng mình vừa chiến đấu ra trò; thật ra cu cậu cũng chẳng can đảm mấy tý nên vừa bị choảng một trận nên thân. Từ bữa ấy Amelia chưa bao giờ tha thứ cho thằng Smith, mặc dầu bây giờ nó đã trở thành một ông lang thuốc hiền lành ở công viên Leicester.
Cuộc đời người đàn bà goá hiền hậu đó cứ thế mà trôi qua với những sự tính toán hiền lành và những việc vô tội tương tự...lác đác đã thấy một vài sợi tóc bạc điểm trên mái đầu, và một nét nhăn thấp thoáng hiện trên vầng trán xinh đẹp. Amelia thường vẫn mỉm cười trước những dấu vết tàn phá ấy của thời gian: “Tôi già rồi, nhưng chuyện ấy có nghĩa gì đâu”. Hy vọng duy nhất của Amelia là được sống nuôi con tới khi khôn lớn, làm nên sự nghiệp nổi tiếng xứng đáng với bố nó. Cô giữ gìn cẩn thận vở viết, tranh vẽ và bài làm của con; khách đến chơi cô mang ra khoe dường như đó là những việc phi thường của một thiên tài trác tuyệt. Cô gửi vài thứ cho mấy cô em gái Dobbin, để đưa cho cô Osborne và cả ông Osborne xem... cốt khiến cho ông lão phải hối hận vì đã quá tàn nhẫn với đứa con đã chết. Amelia đã chôn sâu xuống lòng mộ mọi nhược điểm và khuyết điểm của người chồng quá cố, chỉ còn ghi lại hình ảnh người tình nhân đã hy sinh tất cả để cưới mình làm vợ, hình ảnh người chồng can đảm và khôi ngô đã ghì mình trong đôi cánh tay buổi sáng hôm lên đường ra trận để anh dũng chết cho Đức vua. Chắc giờ này người anh hùng ấy đang từ trên thiên đường mỉm cười nhìn xuống đứa con có một không hai mà anh ta gửi lại để an ủi và khuyến khích người vợ lẻ loi.
Ta đã biết ông nội thằng George tuy ngồi thoải mái trong tấm ghế bành tại khu phố Russell nhưng càng ngày càng đâm ra hay cáu gắt và rầu rĩ; cô con gái tuy có xe ngựa quý, tên tuổi ghi trên có đến nửa số bản kê các công việc từ thiện trong tỉnh, nhưng vẫn chỉ là một cô gái già trơ trọi, khổ sở. Cô Osborne vẫn cứ luẩn quẩn với hình ảnh thằng bé kháu khỉnh, thằng cháu trai của cô; cô thèm được giong chiếc xe ngựa lộng lẫy tới căn nhà thằng bé ở Công Viên, hy vọng gặp thằng cháu. Thỉnh thoảng cô em gái, là vợ ông chủ nhà băng, cũng quá bộ về thăm nhà và người bạn từ tấm bé ở khu phố Russell. Cô này đem theo đứa con ốm yếu có một chị vú em ăn bận diêm dúa theo hầu. Lấy cái giọng nhỏ nhẻ, vừa khúc khích cười, cô Maria vừa kể con cà con kê cho chị nghe nào là mình quen thuộc toàn người quyền quý, nào là thằng con trai Frederick trông giống bá tước Claud Lollypop như đúc, nào là một bữa bé Maria ngồi xe đi chơi ở Roehampton có một bà nam tước trông thấy nó thích quá. Cô ta xui chị bảo bố nên làm một việc gì cho các con mình. Cô đã quyết định sau này sẽ cho thằng Frederick sung vào đội ngự lâm quân; nhưng nếu phải bỏ tiền ra tậu đất để cho nó có tước hiệu thế tập (chắc chắn ông Bullock sẽ tậu đất dù có vì thế mà bị phá sản và túng thiếu đến chết cũng cam) thì còn đâu ra làm của hồi môn cho con gái sau này? Vợ Bullock bảo chị gái:
- Em trông mong vào sự giúp đỡ của chị đấy. Chị xem, phần gia tài em được hưởng của ba thế nào chẳng về tay đứa con lớn của em. Chị Rhoda McMull đã định bao giờ ông bố chồng là bá tước Castletoddy chết là chuộc lại hết những tài sản đã cầm cố của gia đình Castletoddy; ông cụ nay mai cũng sắp chết về bệnh thống phong. Vậy là thằng bé Macduff McMul sắp trở thành tử tước Castletoddy rồi. Cả hai vợ chồng Bludyers ở đường Mincing đều đã sang tên cho thằng con trai chị Fany Bludyers hết cả tài sản. Thằng Frederick nhà em thế nào cũng phải có tước hiệu thế tập; chị...thế nào chị cũng bảo ba chuyển số tiền gởi ở phố Lombard về cho chúng em, chị nhé. Tội gì để cho con Stumpy và Rawdy chúng nó hưởng lãi.
Cô ta chấm dứt cái trò thuyết lý lẫn lộn cả giọng huênh hoang và sự tính toán nhỏ nhen bằng một cái hôn như chạm vào một con sò, rồi dắt hai đứa con quần áo bảnh bao mỉm cười lên xe về nhà.
Chết một nỗi là mỗi lần cái bà kiểu cách này về thăm nhà là một lần thêm tai hại cho mình. Ông bố càng tuôn thêm tiền cho gia đình Stumpy và Rawdy, vì ông càng cảm thấy không sao chịu đựng nổi cô con gái.
Người đàn bà goá đáng thương sống trong túp nhà nhỏ bé ở Brompton nào hay rằng vật báu mình nâng niu trong tay cũng đang được nhiều người khát khao muốn có.
Buổi tối hôm cô Jane Osborne kể với bố rằng mình vừa gặp cháu trai, thì ông lão không nói năng gì, nhưng cũng không tỏ vẻ giận dữ... lúc đứng lên đi về phòng mình ông lại chúc con gái ngủ ngon, giọng nói như ngọt ngào hơn thường lệ. Hẳn là ông có suy nghĩ về lời con gái, và có thăm dò tin tức về việc con gái đến thăm gia đình Dobbin, cho nên nửa tháng sau, ông hỏi con gái xem chiếc đồng hồ nhỏ kiểu Pháp và sợi dây vàng cô ta vẫn đeo này ở đâu? Cô thiếu nữ sợ quá, đáp: “Thưa ba, con mua bằng tiền riêng của con đấy.”
“Đi tìm mua một cái khác giống như thế, hoặc đẹp hơn cũng được”, ông lão nói vậy, rồi lại ngồi im lặng.
Mấy chị em cô Dobbin đã nhiều lần khẩn khoản yêu cầu Amelia cho phép Georgy đến chơi với họ, vì thấy cô cháu có ý mến nhau, họ kín đáo ngỏ ý rằng rất có thể ông nội nó sẽ nghĩ lại mà trông nom cháu. Dĩ nhiên, Amelia không nên từ chối một sự may mắn có lợi cho con trai như vậy, mà cũng không thể từ chối; nhưng cô thuận tình đi vào con đường hoà giải mà trong lòng vẫn bồi hồi nghi ngại; trong lúc con đi vắng, cô vẫn thấy không yên tâm; lúc con về, cô thấy như nó vừa thoát một tai nạn nào đó. Thằng bé mang về nhà nhiều đồ chơi, cả tiền nữa; người mẹ trông thấy trong lòng vừa lo lắng vừa ghen tị. Mỗi lần cô lại hỏi xem con có gặp “một ông nào không”. Thằng bé đáp:
- Con chỉ gặp cụ William, cụ cho con ngồi lên cái ghế có bốn bánh đẩy đi chơi; con gặp cả bác Dobbin, chiều hôm nay cũng đến, cưỡi con ngựa màu hồng đẹp quá, bác mặc áo xanh lá cây, thắt cà vạt đỏ cầm cái roi ngựa đầu bịt vàng; bác hứa sẽ đưa con đi xem tháp Luân đôn và đi săn trong rừng Surrey.
Sau cùng thằng bé kể với mẹ:
- Có một ông cụ già có đôi lông mày rậm lắm cơ, đội cái mũ vành to tướng đeo sợi dây chuyền cũng to tướng. Một hôm lúc bác xà ích đang dắt con ngựa dạo chơi trên bãi cỏ thì ông cụ ấy đến; ông cụ nhìn con ghê quá, có vẻ xúc động dữ lắm. Ăn cơm xong con bảo: “Tên cháu là Norvan”; thế là cô con khóc; lần nào cô ấy cũng khóc.
Amelia hiểu ngay rằng con mình đã gặp ông nội nó, cô nóng ruột chờ đợi lời đề nghị mà cô chắc chắn ông lão sẽ đưa ra sau khi gặp cháu; quả nhiên, vài ngày sau đúng thế thật. Ông Osborne chính thức đề nghị được mang cháu nội về nuôi, và sẽ cho nó hưởng phần gia tài lẽ ra bố nó được hưởng. Ông cũng sẵn sàng trợ cấp cho bà Osborne để có thể sống sung túc. Trong trường hợp bà George Osborne muốn đi bước nữa như có tin đồn, ông lão cũng sẽ không rút số tiền trợ cấp ấy, dĩ nhiên với điều kiện là thằng bé sẽ ở hẳn với ông nội ở khu phố Russell, hoặc một nơi nào khác theo sự lựa chọn của ông Osborne; thỉnh thoảng nó sẽ được phép về thăm mẹ.
Amelia nhận được lá thư đề nghị trên vào một buổi bà mẹ đi vắng; còn ông Sedley thì đang bận rộn ở khu City như thường lệ.
Cả đời cô chỉ giận dữ đâu có hai hay ba lần; viên luật sư riêng của ông Osborne đã có diễm phúc được chứng kiến một trận lôi đình hiếm có. Đọc hết lá thư ông Poe vừa trao cho mình Amelia đứng phắt dậy mặt đỏ bừng, tay run lẩy bẩy, cô xé tan nát lá thư ra từng mảnh rồi chà nát dưới chân. “Tôi đi lấy chồng khác! Thế ra tôi bán con tôi lấy một món tiền à? Kẻ nào dám nhục mạ tôi mà ăn nói như vậy? Ông về nói hộ với cụ Osborne rằng đây là lá thư của một kẻ hèn nhát, thưa ông, lá thư của một kẻ hèn nhát... tôi không thèm trả lời; xin chào ông. Thế rồi bà ấy cúi chào, đuổi tôi ra cửa, trông kiêu hãnh như một bà hoàng.
Đó là lời viên luật sư kể chuyện lại.
Ngày hôm ấy ông bà Sedley không hề thấy Amelia có vẻ gì xúc động; cô cũng không kể lại cuộc gặp gỡ vừa rồi với ông bà Sedley. Ông lão bà lão cũng đang bận bịu nhiều việc riêng, những việc mà người con thơ ngây và thương cha quý mẹ này rất quan tâm: ông lão vẫn loay hoay với việc kinh doanh. Chúng ta đã rõ công ty buôn rượu và công ty buôn than của ông đã thất bại thế nào rồi; tuy vậy ông Sedley vẫn hăng hái lao vào khu City với một tinh thần say sưa ít có. Ông đang dự định một chương trình kinh doanh mới, và cương quyết theo đuổi đến cùng mặc dầu ông Clapp hết sức can ngăn, mà quả ông lão cũng chưa hề dám bày tỏ hết với ông Clapp về hoạt động của mình. Ông Sedley vẫn có nguyên tắc là không bao giờ nói chuyện tiền nong trước mặt đàn bà, bởi vậy họ không hề có một chút ý niệm gì về những tai hoạ đang chờ đợi họ; cho tới khi ông lão bắt buộc phải thú nhận dần dần sự thực với vợ con thì họ mới rõ.
Mới đầu những hoá đơn chi tiêu trong gia đình vẫn được thanh toán sòng phẳng hằng tuần; bây giờ việc trả tiền bắt đầu chậm lại, tuy các món tiền cũng chẳng bao lăm. Vẻ mặt rầu rầu, ông Sedley báo cho vợ biết rằng không thấy Joe gửi tiền trợ cấp từ Ấn Độ về. Mọi khi bà Sedley trả tiền mua hàng đều đặn, bây giờ thấy bà lão đến khất xin chịu lại, vài người bán hàng làm ầm lên; trong khi ấy, nhiều khách hàng khác của họ vẫn thanh toán tiền thất thường hơn nhiều mà họ không hề kêu ca nửa lời. Emmy vẫn vui vẻ cấp đỡ cha mẹ không hề hỏi han thắc mắc gì, nhưng chỉ đủ trang trải nửa phần chi tiêu trong nhà. Cứ thế, sáu tháng đầu trôi qua không có chuyện gì; ông già Sedley vẫn nuôi hy vọng giá cổ phần của mình sẽ lên và thế là mọi việc sẽ tốt đẹp cả.
Nhưng sau sáu tháng vẫn không nhận được món tiền sáu mươi đồng, thế là tình hình ngày càng gay go... Bà Sedley bây giờ đã cao tuổi, ốm yếu luôn, cứ lầm lỳ, hoặc ngồi khóc cả ngày với bà Clapp ở dưới bếp. Bác hàng thịt không được trả tiền, mặt nhăn như bị, lão hàng rau đâm ra hỗn xược; đã một hai lần thằng Georgy càu nhàu vì bữa bánh mì ăn kém ngon. Amelia chỉ ăn mỗi bữa một miếng nhạt cũng xong; nhưng thấy việc ăn uống của con không được săn sóc, cô phải bỏ thêm tiền ra mua quà cho con ăn để giữ gìn sức khoẻ thằng bé.
Cuối cùng hai ông bà già đành thú thực với con gái, đúng hơn là nói quanh co, như những người gặp lúc túng quẫn vẫn nói. Một hôm, Amelia vừa nhận được tiền trợ cấp hằng tháng, bèn đưa đỡ cha mẹ một phần, nhưng lại ngỏ ý muốn giữ lại chút ít để trả tiền áo mới may cho thằng Georgy.
Hai ông bà bèn cho biết rằng Joe không gửi tiền trợ cấp về, gia đình đang túng thiếu; bà cụ nói thêm rằng lẽ ra Amelia phải thấy điều đó từ lâu, nhưng tại cô chỉ biết đến con trai của mình thôi.
Thấy mẹ nói dỗi Amelia yên lặng đặt cả số tiền vừa lĩnh được lên mặt bàn rồi vào phòng nằm khóc sưng cả mắt. Hôm ấy cô rất khổ tâm vì phải đến báo với thợ hoãn may áo cho con; bộ áo này cô định sắm cho con diện ngày lễ Giáng sinh, đã bàn đi bàn lại mãi về kiểu áo với người thợ may là bạn quen.
Khổ nhất là phải bảo cho thằng Georgy biết việc này, thằng bé khóc rầm lên. Ngày lễ Giáng sinh trẻ con đứa nào cũng có áo mới, chúng nó cười chết mất. Thế nào cũng phải có áo đẹp cho nó; mẹ nó đã hứa rõ ràng như thế rồi. Người đàn bà goá đành chỉ biết đền con mấy cái hôn. Cô vừa ngồi mạng lại bộ áo cũ của con vừa khóc, cố lục lọi tìm xem còn vật trang sức nào bán được để lấy tiền mua áo cho con không. Chỉ còn có tấm khăn san Ấn Độ Dobbin tặng hồi nọ. Amelia nhớ đã một lần cùng mẹ đến một nhà hàng bán thổ sản Ấn Độ ở đồi Ludgate ở đó người ta mua đi bán lại loại hàng này rất nhiều. Tìm được cách giải quyết, Amelia mừng quá mắt sáng lên, cặp má đỏ bừng; lúc con đi học cô hôn con rồi mỉm cười nhìn theo con mãi. Thằng bé nhìn mặt mẹ cũng cảm thấy có điều hay. Amelia bọc tấm khăn san vào trong một chiếc mùi xoa (đây cũng là một tặng vật của viên thiếu tá tốt bụng) giấu vào trong vạt áo, rồi hăng hái tìm đến đồi Ludgate; cô rảo bước dọc theo dãy hàng rào công viên rồi chạy vụt qua các ngã tư, làm cho nhiều người đàn ông phải quay lại nhìn theo mãi, họ tự hỏi không biết cái người đàn bà có bộ mặt hồng hào xinh đẹp kia có việc gì mà coi bộ hối hả đến thế. Cô nhẩm tính sẵn mình sẽ dùng món tiền bán khăn san vào những việc gì; may áo cho con xong, còn thừa tiền, sẽ mua mấy quyển sách thằng bé vẫn ao ước, và trả nốt sáu tháng tiền học còn chịu lại, cô sẽ mua cho cha một tấm áo choàng mới, để ông cụ khỏi phải đeo mãi chiếc áo rách cổ lỗ sĩ. Cô đã không lầm về giá trị món quà tặng của viên thiếu tá. Đó là một thứ hàng rất mịn, rất đẹp. Người bán đồ cũ mua lại được với giá hai mươi ghi nê, đã vớ được một món khá hời.
Sung sướng quá, Amelia lập tức chạy đến hiệu Darton sau nghĩa địa nhà thờ St. Paul, mua bộ Giúp đỡ cha mẹ (<32>), và bộ Sandford và Merton là hai bộ sách thằng Georgy ao ước từ lâu. Đoạn Amelia lên xe ngựa về nhà, trong lòng hớn hở vô cùng. Cô lấy bút nắn nót viết vào trang đầu cuốn sách: “Ngày lễ Giáng sinh, mẹ thân yêu tặng Georgy Osborne”. Mấy cuốn sách bây giờ vẫn giữ được, dòng chữ còn nguyên vẹn. Cô đi về phòng riêng, định đặt hai cuốn sách lên bàn học của Georgy qua hành lang thì gặp mẹ. Bảy quyển sách gáy mạ vàng óng ánh đập vào mắt bà Sedley. Bà cụ hỏi:
- Những cái gì thế kia?
Amelia đáp:
- Con mua mấy quyển sách cho cháu Georgy đấy, con đã hứa làm quà ngày lễ Giáng sinh cho cháu.
Bà lão giận quá kêu lên:
- Sách với chả vở. Cả nhà không có bánh mì mà ăn, cô lại có tiền mua sách! Tôi phải bán hết đồ trang sức của tôi, cả chiếc khăn san Ấn Độ vẫn quàng, phải bán đến cả bộ thìa dĩa để cho mẹ con nhà cô có tiền ăn sung mặc sướng, cho bố cô khỏi phải vào tù, cho bọn bán hàng khỏi chửi vào mặt cả nhà và để trả tiền thuê nhà cho ông Clapp! Ông ấy thật biết điều không phải là người nghiệt ngã, nhưng người ta cũng phải nuôi con chứ. Amelia, mẹ thật khổ tâm lắm vì mấy quyển sách của con, vì thằng con trai con mà con lúc nào cũng chiều lắm đâm hư. Amelia ơi, cầu trời sao cho con trai của con sau này đừng bất hiếu như thằng Joe nhé. Thằng Joe bỏ mặc bố mẹ nó già nua trơ trọi thế này đây. Thằng Georgy thì cái gì cũng đầy đủ, sau này tha hồ giàu có, bây giờ đang đi học, đeo dây chuyền và đồng hồ vàng như ông hoàng con...thế mà ông lão nhà này thì một xu không có dính túi đấy.
Dứt lời bà lão khóc nức nở cứ ầm cả nhà lan khắp căn nhà nhỏ ai cũng nghe rõ mồn một.
Amelia van mẹ:
- Kìa má, má ơi! Má có bảo cho con biết gì đâu...Con đã hứa mua mấy quyển sách này cho cháu...sáng nay con bán chiếc khăn san của con đi đấy mà. Đây mẹ cầm lấy tiền... mẹ cầm lấy hết mà tiêu. Bàn tay run run, cô móc túi lấy tất cả những đồng hào bạc và những đồng tiền vàng - những đồng tiền vàng quý báu bao nhiêu - dúi vào tay mẹ; nắm tiền vãi tung ra lăn cả xuống thang gác.
Đoạn cô về phòng riêng nằm vật xuống giường, khổ sở thất vọng vô cùng. Bây giờ thế là hai năm rõ mười rồi. Vì ích kỷ mà cô đã bắt con trai chịu hy sinh. Chính vì cô mà con trai không được hưởng sự giàu sang, cũng như học thức, và địa vị của cha nó; chính vì cô mà George xưa kia đã bị gia đình từ bỏ. Chỉ cần nói một tiếng thôi là cả cha cô và con trai cô lại được đầy đủ. Ôi, ý nghĩ ấy chua xót biết bao đối với trái tim dịu dàng và đau khổ kia.