BỮA ĂN BA MÓN VÀ MỘT MÓN TRÁNG MIỆNG
Sáng hôm ấy các phu nhân ở lâu đài Gaunt đang dùng bữa sáng thì hầu tước Steyne bước vào (lão có thói quen dùng bữa sáng một mình, ít khi muốn làm phiền đến đám đàn bà trong nhà; những dịp lão gặp vợ con là khi nào trong nhà có tổ chức tiếp khách, hoặc thỉnh thoảng gặp mặt nhau ở hành lang; hoặc những khi đi xem hát lão ngồi ở chỗ của mình, để ý theo dõi cử chỉ của họ ở “lô” ghế chỗ khác), bọn trẻ con đang quây quần xung quanh khay trà bánh; người lớn thì đang bàn tán về chuyện Rebecca.
- Này, Steyne phu nhân - lão hầu tước nói - tôi muốn biết buổi tiếp tân thứ sáu sắp tới bà định mời những ai, tôi muốn viết thiếp mời cả hai vợ chồng trung tá Crawley nữa.
Hầu tước phu nhân có vẻ xúc động mạnh, đáp:
- Để Blanche viết, để cho mợ Gaunt nó viết.
- Con không viết thiếp mời thứ người ấy.
Gaunt phu nhân, một người đàn bà cao lớn, nói xong ngẩng nhìn lên một lúc rồi lại cúi xuống. Ai đã làm phật ý hầu tước Steyne thì khó lòng mà chịu đựng nổi tia mắt của lão.
- Tống bọn trẻ con ra ngoài kia. Cút! Lão vừa quát vừa giật mạnh dây chuông. Bọn trẻ vẫn quen hễ nom thấy ông nội là sợ rúm người lại, vội lảng hết. Mẹ chúng định lảng ra ngoài nốt, nhưng ông bố chồng nói ngay.
- Chị ở lại đây tôi bảo.
Đoạn lão tiếp:
- Steyne phu nhân, một lần nữa yêu cầu bà ngồi vào bàn viết thiếp mời hôm thứ sáu này, được không?
Gaunt phu nhân nói:
- Thưa cha, con không thể có mặt trong buổi tiếp tân ấy được. Con sẽ về bên nhà.
Tôi cũng đang mong chị về ở hẳn bên ấy hộ đấy. Trong gia đình Bareacre, chị sẽ có vô khối bầu bạn, tức là các ông mõ toà; mà tôi cũng thoát được cái nạn phải cho họ hàng nhà chị vay tiền, lại đỡ phải nhìn mãi cái điệu bộ bi kịch của chị. Tôi hỏi, chị là cái thứ gì mà làm như bà tướng ở cái nhà này chứ? Hạng chị, tiền bạc chẳng có, tài năng cũng không. Tôi mua chị về cái nhà này cốt để đẻ con, mà chị không tòi ra được đứa nào. Thằng Gaunt nó ngấy chị lắm rồi, trong nhà này có vợ thằng George là không mong chị chết. Chị mà chết là thằng Gaunt sẽ lấy được vợ khác ngay.
- Con cũng đang muốn chết quách cho xong.
Người đàn bà giận quá, rơm rớm nước mắt đáp vậy.
- Chị mà cũng lên mặt đức hạnh đến thế cơ à? Chị không thấy vợ tôi mà ai nấy đều biết là một vị thiên thần trong trắng như băng tuyết, cả đời không hề lầm lỗi điều gì cả, cũng còn không phản đối việc tiếp bà bạn trẻ tuổi của tôi là bà Crawley?
Steyne phu nhân hẳn thừa rõ nhiều khi những người đàn bà đức hạnh nhất vẫn bị cái bề ngoài nó làm hại, và người vô tội nhất đời vẫn bị kẻ khác gièm pha. “Thưa bà, bà có muốn nghe tôi kể và mẩu chuyện về Bareacre phu nhân, cụ thân sinh ra bà chăng?”
Gaunt phu nhân đáp:
- Xin cha cứ đánh ngay con còn hơn.
Ngài hầu tước vẫn có cái thú thỉnh thoáng hành hạ vợ con như vậy. Lão nói:
- Chị Blanche ơi, tôi là một người thượng lưu, nếu có mó tay vào đàn bà thì chỉ là để vuốt ve mà thôi. Tôi chỉ muốn sửa chữa cho chị vài lỗi lầm nhỏ. Giống đàn bà các chị kiêu ngạo lắm, chẳng hiểu thế nào là khiêm tốn, thật đáng buồn, nếu cha Mole có ở đây, chắc cũng sẽ khuyên Steyne phu nhân như vậy. Không nên làm bộ làm tịch, hãy nên tỏ ra khiêm tốn ngoan ngoãn, các quý bà thân mến ạ. Steyne phu nhân biết đấy; bà Crawley, người đàn bà giản dị vui tính bị thiên hạ gièm pha ấy, hoàn toàn vô tội... còn trong trắng hơn cả chính phu nhân nữa. Tính tình anh chồng không được tốt thật, nhưng cũng tương tự như ngài Bareacre nhà ta thôi; ngài đánh bạc không ít. Bố chị chẳng đã cướp đứt phần gia tài của chị, bắt tôi phải đeo lấy cái nợ là gì? Bà Crawley tuy không phải là dòng dõi cao sang, nhưng xuất thân cũng chẳng kém gì tổ tiên chị Fanny, người sáng lập ra nhà ngân hàng Jones đâu.
George phu nhân vội kêu lên:
- Thưa cha, món hồi môn của con đem về gia đình nhà ta...
Lão hầu tước mỉa mai đáp:
- Thì chị đã dùng để mua quyền kế thừa sau này đấy. Nếu thằng Gaunt chết, chồng chị sẽ được hưởng của nó; đàn con chị cũng vậy và còn được nhiều thứ khác nữa chứ. Thôi, bây giờ chỉ xin các bà cứ tha hồ mà kiêu ngạo làm ra vẻ đức hạnh ở nơi khác, nhưng với tôi thì đừng có giở trò. Riêng đối với bà Crawley thì tôi sẽ không cần nói tới chuyện bênh vực, vì như vậy là tự hạ phẩm giá của tôi, cũng như bôi nhọ danh dự của người đàn bà hết sức đứng đắn ấy. Chỉ cần các bà vui lòng tiếp đãi người ta thật niềm nở như vẫn tiếp đãi mọi khách khứa thường ra vào nhà này.
- Nhà này ư?
Lão cười ầm lên:
- Ai là chủ nhà này nhỉ? Nhà này là thế nào? Xin thưa, ngôi đền đức hạnh này là thuộc quyền tôi đấy ạ. Giả sử tôi ưng mời cả Newgate (<53>) hay cả Bedlam (<54>)về chơi, mẹ kiếp... cũng phải tiếp đãi cho thật chu đáo.
Hầu tước Steyne vẫn ăn nói sỗ sàng với bầy “tỳ thiếp” của lão như vậy mỗi khi họ dám hé lộ thái độ phản kháng. Lập tức mấy vị phu nhân cụp đuôi lại vâng lời ngay. Gaunt phu nhân đành viết thiếp mời theo ý bố chồng, đoạn cùng bà mẹ chồng đích thân cho đánh xe ngựa đem đến nhà Rebecca, tuy trong lòng rất đau khổ nhục nhã. Nhận được thiếp mời, người phụ nữ ngây thơ ấy sung sướng không tả được.
Ở Luân đôn có những gia đình chỉ mong được hưởng vinh dự nhận thiếp mời từ tay những bậc mệnh phụ như thế dù mất một nửa gia tài cũng không tiếc. Thí dụ bà Frederick Bullock chẳng hạn; bà rất sẵn sàng quỳ lê từ May Fair đến tận phố Lombard nếu được Steyne phu nhân và Gaunt phu nhân đón chờ nâng dậy bảo: “Thứ sáu đến chơi tôi nhé”. Đây không phải là những buổi tiếp tân xô bồ, những buổi dạ hội ồn ào tổ chức tại lâu đài Gaunt mà ai cũng đến dự được đâu; đây là những cuộc họp mặt thân mật, bí hiểm, tuyệt diệu. Được mời dự là một đặc ân, một vinh dự, một hạnh phúc.
Gaunt phu nhân với tính kiêu kỳ, với đức hạnh trong trắng, lại có sắc đẹp, chiếm một địa vị nổi bật trong Hội chợ phù hoa. Trước mặt người ngoài, hầu tước Steyne bao giờ cũng đối đãi với con dâu hết sức nhã nhặn, khiến cho kẻ khó tính nhất và hay soi mói nhất cũng phải công nhận lão là một nhân vật thượng lưu hoàn toàn và quả thật có con mắt biết người biết của.
Mấy vị phu nhân ở lâu đài Gaunt mời Bareacre phu nhân sang trợ lực để cùng đánh bại kẻ thù chung. Gaunt phu nhân cho đánh một chiếc xe ngựa sang phố Hill để triệu bà mẹ tới, vì đồn rằng bọn mõ toà đã quyền trữ tất cả xe ngựa, áo sống và đồ trang sức của bà; cái bọn Do Thái tàn nhẫn này hiện nắm trong tay cả toà lâu đài Bareacre với những bức tranh quý giá, những đồ đạc đắt tiền và những đồ chơi mỹ thuật. Những bức hoạ tuyệt diệu của Vandykes, của Reynolds, và những bức chân dung của Lawrence, màu sắc loè loẹt, có vẻ đẹp lắm: ba mươi năm nay ai cũng cho là những tác phẩm của một thiên tài chân chính; lại cả một bức tranh vẽ nữ thuỷ thần đang múa của hoạ sĩ Canova do chính Bareacre ngồi làm mẫu hồi còn trẻ... Hồi ấy, Bareacre phu nhân còn có địa vị, có của cải và đẹp lộng lẫy, đâu phải là một bà già móm răng rụng tóc như bây giờ... Bây giờ bà chỉ còn là một mảnh giẻ rách còn sót lại của tấm áo dạ hội ngày xưa. Một bức tranh khác vẽ đức phu quân đang khoa lưỡi kiếm trước lâu đài Bareacre trong bộ quân phục đại tá đoàn kỵ binh Thistlewood. Bây giờ lão cũng chỉ là một ông già khẳng khiu, nhăn nheo khoác tấm áo choàng và đội mớ tóc giả kiểu Brutus; sáng sáng lão vẫn lỉnh ra ngồi ở quán rượu Grey và quen ngồi ăn trưa một mình ở câu lạc bộ. Ít lâu nay lão không thích cùng ăn với hầu tước Steyne nữa. Hồi còn trẻ hai người cùng đua ăn chơi, Bareacre vẫn là tay sành hơn. Nhưng vì Steyne lại trường lưng hơn nên rồi cuối cùng cũng vẫn cứ thắng. Bây giờ lão hầu tước còn tráng kiện gấp mười lần vị hầu tước Gaunt trẻ tuổi hồi năm 1785. Thế mà Bareacre đã già sóc, ốm yếu và phá sản rồi. Lão nợ Steyne nhiều tiền quá, thấy mình gặp mặt bạn luôn có điều không tiện. Mỗi lần muốn đùa chơi, hầu tước Steyne lại hỏi Gaunt phu nhân sao không thấy ông bố sang thăm con gái? Lão bảo: “Bơn tháng nay chưa nom thấy mặt ông cụ, cứ xem cuốn sổ ngân phiếu tôi cũng biết cụ Bareacre sang bao nhiêu lần. Này các bà, kể cũng hay đấy chứ, tôi có hai con trai, thì bố vợ của một đứa là chủ ngân hàng của tôi, còn tôi lại là một chủ ngân hàng của bố vợ đứa kia!”.
Truyện này không muốn viết nhiều về những nhân vật cao quý mà Becky tiếp kiến buổi ra mắt đầu tiên với giới thượng lưu.
Có quận công Peterwaradin cùng quận chúa; ngài bận áo chèn lưng, bộ ngực phồng ra như ngực quân nhân, tấm huy chương lấp lánh, rực rỡ, cổ đeo giải lụa đỏ của huy hiệu hiệp sĩ dòng “lông cừu vàng”, số là ngài làm chủ rất nhiều đàn cừu. Becky thì thầm với hầu tước Steyne: “Nhìn mặt ông ta em cứ ngỡ tổ tiên ông ta là giống cừu.
Quả thật, ngài quận công có bộ mặt dài ngoẵng, trang trọng và trắng bệch, lại đeo giải đỏ ở cổ, nom y như một con cừu đeo chuông; lại có John Paul Jefferson Jones tiên sinh, tùy viên đại sứ quán Hoa Kỳ, phóng viên của tờ báo “Người mị dân thành Nữu - Ước”; đang bữa ăn, nhân lúc ngớt chuyện, ông này muốn làm vui lòng hầu tước Steyne, bèn hỏi thăm Steyne phu nhân xem ông bạn thân của mình là George Gaunt ở Brazil có vui không? Hồi ở Naples, ông này và George giao thiệp với nhau rất thân mật; hai người đã từng cùng nhau trèo lên đỉnh núi lửa Vesuvius. Ông Jones viết một bài báo kể lại tỉ mỉ cuộc tiếp tân hôm ấy, đăng lên báo “Người mị dân”. Ông dẫn ra tên tuổi, tước vị của hầu khắp mặt thực khách, lại nêu cả tiểu sử sơ lược của những vị khách quan trọng. Ông ta say sưa miêu tả hình dáng các vị khách phụ nữ, cách khoản đãi trong bữa tiệc, vóc dáng và quần áo của bọn gia nhân, lại kể rõ từng món ăn, từng thứ rượu, cũng như cách trang hoàng tủ búp phê và giá trị ước lượng của của bộ bát đĩa. Ông ta tính một bữa tiệc như vậy, phí tổn khoảng từ mười lăm đến mười tám đô la một đầu người. Cho đến gần đây, ông Jones vẫn có thói quen viết thư giới thiệu những người được mình che chở cho hầu tước Steyne, lấy nghĩa rằng mình và vị bá tước đã quá cố vốn là đôi bạn thân. Điều làm ông ta bực mình nhất là có một anh chàng quý tộc trẻ tuổi tầm thường nào đó tên là bá tước Southdown đã dám chơi nước thượng với ông ta trong lúc đi vào phòng tiệc. Ông Jones viết trong bài báo: “Vừa đúng lúc tôi bước tới để trao cánh tay cho một vị phu nhân hết sức xinh đẹp và lịch sự là bà Rawdon Crawley, thì cái anh chàng quý tộc trẻ tuổi kia chen ngay vào giữa phỗng ngay cô Helen(<55>) của tôi đi mà không thèm nói một lời xin lỗi. Tôi đành phải đi đoạn hậu với viên trung tá, chồng bà ta, ông này là một quân nhân cao lớn, mặt đỏ ửng, đã chiến đấu oanh liệt ở Waterloo; ông ta có may mắn hơn nhiều bạn đồng đội cũng mặc áo đỏ ở New Orleans (<56>). Mỗi lần anh chàng trung tá phải tiếp xúc với giới thượng lưu quý phái, mặt anh ta đỏ ửng lên như mặt cậu bé mười sáu khi đứng trước mặt các bạn học của em gái. Ta đã biết rằng suốt đời Rawdon chưa hề có dịp làm quen với phụ nữ. Ở câu lạc bộ hoặc ở quán ăn nhà binh, anh ta cũng tỏ ra khá lão luyện đối với bọn đàn ông, có thể thi ngựa, đánh cuộc, hút thuốc lá, hoặc chơi bi-a với những tay cừ khôi nhất. Cũng đã có hồi anh ta đánh bạn với phụ nữ, nhưng ấy là chuyện hai mươi năm về trước; mà những cô này thuộc hàng Marlow vẫn đi lại chơi bời hồi chưa có diễm phúc được lọt vào mắt xanh của cô Hardcastle (<57>). Theo phép lịch sự, bây giờ không phải lúc dẫn tên những cố nhân ấy ra; họ là những người mà bọn trai trẻ chúng ta trong Hội chợ phù hoa vẫn thường va chạm hằng ngày. Ban đêm loại người ấy chen chúc nhau vô số trong các tiệm nhảy la liệt ở công viên Hyde và St.James. Những con người thận trọng, nếu không được là đứng đắn, nhất định không thèm biết đến chốn hành lạc này. Tóm lại, mặc dầu bây giờ trung tá Crawley đã bốn mươi lăm tuổi đầu, anh ta vẫn chưa có dịp tiếp xúc được lấy quá nửa tá đàn bà đứng đắn, không kể cô vợ quý hoá vô song của anh ta. Ngoài cô vợ và người chị dâu dịu dàng là công nương Jane, mà bản tính hiền hậu đã chinh phục được anh ta, thì đàn bà nào anh ta cũng sợ. Hôm đến dự tiệc ở lâu dài Gaunt, chẳng thấy anh ta hé răng, chỉ có một lần nói rằng trời nóng quá. Becky đã định bảo chồng ở nhà, nhưng không lẽ đàn bà đoan chính lại không có đức ông chồng đi theo để bảo vệ cô vợ bé bỏng, nhút nhát trong buổi ra mắt đầu tiên với giới thượng lưu thì coi sao tiện.
Vừa trông thấy mặt Rebecca, hầu tước Steyne vội bước tới nâng bàn tay, cúi chào thật lịch sự, đoạn giới thiệu cô ta với Steyne phu nhân và các con dâu. Các vị phu nhân cũng đưa tay cho khách, nhưng bàn tay bà lạnh ngắt như đá hoa cương.
Tuy thế, Becky vẫn khiêm tốn và tỏ vẻ biết ơn nâng lấy bàn tay bà chủ nhà, cô ta cúi rạp xuống chào thật kiểu cách, ông thầy dạy múa khéo nhất cũng phải khen ngợi; đoạn cô ta lấy lòng Steyne phu nhân bằng cách vẫn đỡ đần cho cha mình, còn cô ta thì vẫn kính mến gia đình hầu tước Steyne từ bé. Thực ra, hồi ông Sharp còn sống, có một lần hầu tước Steyne bỏ tiền mua hai bức tranh của ông; cô bé mồ côi vẫn chưa quên được tấm lòng rộng rãi đó.
Bây giờ Becky mới nhận ra Bareacre phu nhân, cô ta cũng cúi chào rất lễ độ, bà kia chào giả với thái độ lạnh lùng, kiêu kỳ.
Becky lấy giọng thật ngọt ngào nói:
- Mười năm trước đây, chúng tôi đã có dịp biết đến phu nhân ở Brussels. Chúng tôi đã có hân hạnh gặp Bareacre phu nhân trong buổi dạ hội do Quận chúa Richmond tổ chức đêm trước hôm xảy ra trận Waterloo. Chúng tôi còn nhớ phu nhân và lệnh ái là công nương Blanche ngồi trong xe đỗ ngoài cổng khách sạn, chờ mua ngựa về. Hy vọng rằng số kim cương của phu nhân không bị thất lạc chứ ạ?
Mọi người đưa mắt nhìn nhau; ai cũng rõ rằng những viên kim cương nổi tiếng của bà này đã bị quyền trữ, nhưng Becky không biết tí gì. Rawdon Crawley và bá tước Southdown dắt nhau lảng ra đứng bên cửa sổ; nghe Rawdon kể lại chuyện Bareacre phu nhân cậy cục mua ngựa ngày trước và bị vợ mình chơi khăm cho một vố.
Bá tước Southdown rũ ra cười. Becky nghĩ thầm: “Có lẽ mình cũng cóc sợ mụ này”. Bareacre phu nhân lấm lét đưa mắt nhìn con gái, vừa giận vừa sợ, đoạn lủi ra ngồi bên một cái bàn, giả bộ chăm chú xem một tập tranh ảnh.
Khi vị quý khách vùng Danube đến, mọi người bắt đầu dùng tiếng Pháp để nói chuyện. Bareacre phu nhân và mấy người phụ nữ còn trẻ càng bực tức hơn vì thấy bà Crawley nói tiếng Pháp thạo quá, giọng nói hay hơn họ nhiều. Hồi 1816-1817, nhân cùng sang Pháp với chổng, Becky đã có dịp gặp một số nhân vật nhà binh người Hunggari. Cô ta bèn săn đón hỏi thăm mấy ông bạn cũ. Bọn khách ngoại quốc thấy thế cứ yên trí cô ta là một vị phu nhân quý tộc; lúc cùng đi sang phòng ăn, hai vợ chồng viên quận công cứ hỏi đi hỏi lại mãi hầu tước Steyne và phu nhân rằng không biết cái bà bé nhỏ xinh xình kia là ai mà nói tiếng Pháp hay thế. Cuối cùng cuộc diễu hành đã diễn ra như nhà ngoại giao người Hoa Kỳ miêu tả; mọi người bước sang phòng tiệc. Giữ đúng lời hứa, tác giả xin để các bạn đọc tuỳ ý lựa chọn món ăn theo sở thích.
Ăn xong, đến lúc các bà ngồi một mình trong phòng khách. Becky biết rằng bây giờ cuộc chiến đấu mới đến lúc gay go. Lâm vào một tình trạng gay cấn nên cô thấm thía lời hầu tước Steyne dặn dò phải dè chừng thái độ của bọn phụ nữ quý tộc đối với mình. Người ta vẫn bảo rằng ghét người Ailen nhất lại chính là người Ailen, cho nên bọn bạo chúa của phụ nữ cũng chính là cánh đàn bà với nhau. Cô Becky ở lại một mình với bọn đàn bà, bèn mon men đến bên lò sưởi là chỗ mấy vị phu nhân dùng riêng với nhau; lập tức mất bà lảng ra chia khác ngồi quanh một cái bàn xem tranh vẽ.
Becky theo họ ra bàn để tranh ảnh thì họ lại lần lượt đứng dậy đi ra bên lò sưởi. Cô ta định nói chuyện với một đứa trẻ (ở những nơi công cộng bao giờ Becky cũng yêu trẻ) thì lập tức cậu George Gaunt bị mẹ gọi lại. Kẻ lạ mặt bị đối xử một cách tàn nhẫn quá, khiến cho cuối cùng, chính Steyne phu nhân cũng phải thương hại; bà ta bèn bước lại nói chuyện với người đàn bà trơ trọi. Phu nhân nói, đôi má nhợt nhạt chợt ửng đỏ:
- Hầu tước Steyne nói rằng bà hát và chơi đàn hay lắm, phải không, bà Crawley? Rất mong bà vui lòng hát cho chúng tôi nghe một bài.
- Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để hầu tước và phu nhân vui lòng.
Thực tâm Rebecca rất cảm tạ nhã ý của Steyne phu nhân. Cô ta ngồi vào cây dương cầm, bắt đầu hát.
Becky hát những bài hát tôn giáo của Mozart và những bài hồi còn trẻ Steyne phu nhân rất thích; mà cô ta hát rất hay, rất du dương, làm cho người đàn bà cứ quanh quẩn mãi bên cây dương cầm; lát sau bà ngồi xuống bên cạnh lắng nghe cô ta hát, nước mắt ứa ra lăn xuống gò má. Bọn đàn bà thù địch ngồi mé bên kia phòng nói chuyện với nhau ầm ầm lên... nhưng Steyne phu nhân không nghe thấy tiếng ồn ào. Bà ta đang sống lại thời thơ ấu, đang lẩn qua bốn chục năm về trước trở về nhà tu kín xưa kia. Xưa kia, cây phong cầm của thánh đường cũng từng vang lên những âm thanh như vậy; người đàn bà chơi phong cầm là một bá tước được bà quý nhất trong nhà tu, đã dạy bà những bài hát ấy trong những ngày thần tiên của tuổi trẻ. Bà ta được sống lại một lần nữa những ngày con gái; trong một lúc đoạn đời ngắn ngủi đầy hạnh phúc xưa lại nở hoa... Nhưng bà bỗng giật mình vì cánh cửa phòng mở tung ra, hầu tước Steyne cười nói oang oang, dẫn mấy người đàn ông vui vẻ bước vào.
Thoáng nhìn, lão hiểu ngay trong lúc mình vắng mặt đã xảy ra chuyện gì; lần đầu tiên lão tỏ ra biết ơn vợ; lão bước lại hỏi chuyện vợ, gọi vợ bằng tên hồi con gái làm cho bộ mặt tái nhợt của bà lại đỏ ửng lên một lần nữa. Lão nói với Becky: “Nhà tôi bảo rằng bà hát hay như thiên thần”. Dĩ nhiên có hai loại thiên thần, mà cả hai loại cùng có cách riêng bắt người ta say đắm.
Tuy phần đầu buổi tối hôm ấy không được tốt đẹp lắm, nhưng phần cuối thì Becky thắng lợi hoàn toàn. Cô ta biểu diễn những bài hát hay nhất của mình, hát hay đến nỗi tất cả đám đàn ông đều vây quanh cây dương cầm mà lắng nghe. Bọn đàn bà thù địch bị bỏ rơi, ngồi chỏng trơ; ông John Paul Jefferson Jones cứ tưởng rằng mình đã chinh phục được cảm tình của Gaunt phu nhân bằng cách lại gần ngỏ ý khen bà bạn đáng yêu của phu nhân sao mà hát hay đến thế.