Hội Chợ Phù Hoa

Chương 61: Chương 61




TẮT ĐI HAI NGỌN ĐÈN

Một bữa kia, cả chuỗi dài những cuộc giải trí kiểu cách trang trọng trong gia đình Joe Sedley bỗng bị ngắt đoạn vì xảy ra một việc, cái việc phải xảy ra trong bất cứ gia đình nào. Lần theo cầu thang dẫn tới phòng khách lên buồng ngủ trên gác, ta sẽ nhìn thấy trên tường ngay trước mặt có một cái cửa tò vò nhỏ, nó dùng để soi sáng chiếc cầu thang dẫn từ tầng gác hai lên tầng gác ba (là phòng ngủ của người làm và chỗ chơi của trẻ con), đồng thời nó còn dùng vào một việc khác chỉ có mấy bác phu đám mới hiểu. Lúc khiêng quan tài từ trên gác xuống nhà, họ sẽ ghếch tạm một đầu quan tài lên thành cửa sể để nghỉ cho đỡ mỏi rồi lại tiếp tục chuyển đi, như thế sẽ không làm phiền mấy tý đến giấc ngủ cuối cùng của người nằm trong hòm sàng.

Trong các ngôi nhà ở Luân-đôn, chính cái cửa tò vò này vẫn đứng giữa dãy cầu thang mà ngó lên ngó xuống, để chứng kiến sinh hoạt của tất cả những người trú ngụ trong nhà...Chị đầu bếp dậy từ sáng sớm đi xuống nhà cọ rửa xoong chảo cũng như ông chủ nhà trẻ tuổi sau những trận cười thâu đêm suốt sáng, trút bỏ đôi giầy dưới phòng khách mà rón rén mò lên gác, đều phải đi qua đấy; các cô thiếu nữ áo mới sột soạt đăng-ten, rạng rỡ vẻ mỹ miều, sửa soạn để chinh phục trong những buổi dạ hội cũng phải đi qua đấy; cái cửa tò vò ấy còn làm chứng cho thói tinh nghịch của chú bé Tomy thích ngồi trượt trên lan can cầu thang, không biết sợ là gì; nó cũng đã nhìn bà chủ nhà tươi tỉnh âu yếm khoác tay ông chồng, vững vàng bước từng bước một xuống thang gác, theo sau là chị hầu gái, vào hôm viên thầy thuốc tuyên bố rằng người bệnh nhân xinh đẹp đã có thể xuống nhà giải trí được. Anh John vừa uể oải ngáp dài vừa giơ cây nén chập chờn soi tìm những đôi giày đang chờ anh ta trong hành lang vào lúc trời sắp sáng cũng phải đi qua đấy; cái vòm cửa sổ này đã soi sáng chiếc cầu thang để cho người ta đi lên đi xuống, bế những đứa trẻ sơ sinh, dìu những ông bà già, dẫn các vị khách xuống nhà dự tiệc; viên mục sư đến làm lễ rửa tội, ông thầy thuốc vào phòng người ốm nghe bệnh, các bác phu đám lên gác hộ việc tang, ai mà không phải đi qua... Nếu ngài ngồi khoảng giữa mà ngó lên nhìn xuống bạn sẽ thấy cái cửa tò vò và cái cầu thang chính là cuốn nhật ký của sự sống chết và sự phù hoa vậy!... Này, ông bạn bận áo sặc sỡ của tôi ơi, rồi sẽ có ngày vị bác sĩ đến thăm chúng ta một lần cuối cùng tại đây; chị hầu gái sẽ vén màn ngó vào nhìn mà chúng ta không hề hay biết... rồi chị ta sẽ đẩy cửa sổ hé ra một chút cho không khí ùa vào trong phòng. Và tất cả các cửa trước nhà sẽ đóng kín mít, mọi người chỉ dùng những phòng bên trong... sau đó người ta cho đi mời luật sư và mấy bác chuyên bận áo màu đen(<92>) đến bàn việc... Lúc ấy tấn hài kịch ngài và tôi vẫn đóng sẽ hạ màn; và chúng ta được đưa đi một nơi rất xa không một tiếng kèn trống ồn ào nào còn vẳng đến tai được nữa. Nếu chúng ta thuộc dòng dõi quý phái, họ sẽ treo lên trước ngôi nhà cuối cùng của chúng ta một tấm huy hiệu mạ vàng có ghi câu “Yên nghỉ trên thiên đường”. Con trai ngài sẽ trang hoàng lại nhà cửa, hoặc cho thuê lại để dọn đến một khu phố sang trọng. Hôm năm sau, tên tuổi ngài sẽ được liệt vào danh sách “những hội viên đã quá cố” của câu lạc bộ ngài vẫn lui tới. Mặc dầu rất có thể thương nhớ chồng đến đứt ruột ra được, bà vợ góa của ngài vẫn đòi thợ may cắt bộ áo tang sao cho thật khéo mới nghe... ngày ngày chị đầu bếp vẫn phải lên gác hỏi bà chủ sẽ ăn những món gì hôm ấy... và dần dần những người còn sống không muốn cứ phải nhìn mãi bức hình của ngài treo trên lò sưởi, họ sẽ hạ xuống cất vào kho nhường chỗ danh dự ấy cho tấm chân dung đứa con trai kế nghiệp trị vì trong nhà.

Không biết trên đời này loại người chết nào được ta thương tiếc nhiều nhất nhỉ?...Tôi tin rằng đó là loại người ít yêu quý kẻ còn sống nhất. Chết một đứa con, người ta thường khóc lóc thảm thiết, giá chính ngài từ giã cõi đời cũng không được ai thương xót đến thế. Ví thử ngài mất một đứa con còn sơ sinh, chưa biết bố mẹ mấy, chỉ xa ngài một tuần nó cũng đã quên ngài thế mà ngài sẽ đau khổ gấp mấy lần mất người bạn nối khố hoặc mất đứa con đầu lòng bây giờ đã lập gia đình, vợ con đề huề. Chúng ta có thể tàn nhẫn, nghiệt ngã với Judah và Simeon. Nhưng đối với thằng nhỏ Benjamin (<93>) chúng ta vẫn động tâm thương xót. Một ngày kia, đến tuổi già, già mà giàu có, hoặc già mà nghèo khổ cũng thế, rất có thể ngài sẽ tự nhủ thế này: “Xung quanh ta thiên hạ ai cũng tốt cả; nhưng ta chết đi họ cũng chẳng buồn rầu lắm đâu. Ta có của, họ chỉ nghĩ tới chuyện xâu xé thôi... hoặc ta nghèo quá, họ chịu đựng ta đã quá mệt rồi.

Vừa hết tang bà Sedley, Joe chưa kịp bỏ bộ đồ tang để diện tấm áo chẽn lộng lẫy vẫn thích xưa nay thì mọi người trong nhà đã nhận thấy ông lão Sedley cũng đang ở tình trạng gần đất xa trời, sắp sửa đi theo bà lão sang thế giới bên kia mất rồi. Joe Sedley trịnh trọng tuyên bố ở câu lạc bộ thế này:

- Tình trạng sức khỏe của cha tôi không cho phép tôi tổ chức nhiều cuộc họp mặt “ra trò” mùa này. Nhưng anh Chutney, nếu anh quá bộ lại chơi vào khoảng sáu giờ rưỡi tối, dùng tạm mấy ly rượu nhạt với vài anh em cánh ta... thì tôi cũng rất lấy làm hân hạnh.

Thế là Joe và “anh em cánh ta” cứ lặng lẽ chè chén với nhau, trong khi ấy ngay trên gác, ông lão cứ trút dần sinh lực của mình như cát trong chiếc đồng hồ. Bác quản lý đi rón rén đem rượu ra cho Joe và khách khứa; ăn xong cả bọn chơi vài ván bài; thỉnh thoảng thiếu tá Dobbin đến làm một chân. Đôi khi Amelia cũng từ trên gác xuống góp mặt, ấy là những lúc cô đã sắp đặt chu đáo, yên trí không có gì làm kinh động giấc ngủ chập chờn của ông bố già.

Từ khi bị ốm, lúc nào ông Sedley cũng đòi con gái có mặt bên mình. Nếu không phải là tự tay con gái bưng lên mời, ít khi ông chịu ăn cháo hoặc uống thuốc. Công việc duy nhất trong đời Amelia bây giờ hầu như chỉ là săn sóc ông bố ốm đau. Amelia kê giường ngủ của mình kề sát cửa thông sang phòng của cha; ông lão chỉ hơi cựa mình rên rỉ, cô đã trở dậy sang thăm rồi. Nhưng thật ra phải nói rằng nhiều đêm ông lão nằm thao thức hàng giờ yên lặng không động đậy, và không muốn làm phiền người con gái hiền thục hết lòng phụng dưỡng mình.

Có lẽ kể từ khi Amelia còn bé đến giờ, hồi này ông cụ quý con gái nhất. Lòng hiếu thảo của người con có dịp bộc lộ rõ rệt qua những việc thuốc thang săn sóc cho cha. Dobbin thấy Amelia ra vào trong gian phòng của ông cụ dáng điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, mặt vẫn tươi tỉnh, bước đi không một tiếng động nhỏ thì nghĩ thầm: “Nàng bước vào buồng êm ái như tia nắng ấm”.

Người đàn bà nào khi cho con bú hoặc săn sóc người ốm trong phòng bệnh mà không được ánh sáng thiêng liêng của tình yêu và lòng thương chiếu rạng rỡ vẻ mặt?

Mối giận của ông bố ngấm ngầm mang trong lòng từ mấy năm nay đối với con gái bây giờ đã nguôi hẳn; tuy không nói ra, nhưng ông đã hoàn toàn tha thứ cho con gái. Trong những ngày cuối cùng của đời mình và nhất là thấy con gái hiếu thảo, ông lão cảm động quên hết chuyện cũ; trước kia nhiều lần hai ông bà già đã bàn tán với nhau suốt đêm về những lỗi lầm của con gái; nào là Amelia hy sinh tất cả chỉ biết có thằng Georgy, Amelia thờ ơ đối với cha mẹ lúc già nua túng thiếu, chỉ nghĩ đến con trai; lúc thằng cháu về ở với ông nội nó, hai ông bà già thấy con gái đau khổ quá đáng một cách vô lý và kỳ quái. Trong những giờ gần đất xa trời, ông già Sedley mới xóa bỏ cho con hết thảy những tội lỗi trên, và mới tỏ ra công bằng với người đàn bà đau khổ quen cắn răng chịu đựng không than vãn nửa lời.

Một đêm, Amelia rón rén bước vào phòng thăm cha, thấy ông Sedley vẫn thức; ông cụ thổ lộ với con gái thế này: “Emmy ơi, ba đang nghĩ rằng trước kia ba má đối với con bất công quá, thật là không phải”. Vừa nói ông lão vừa đặt bàn tay yếu đuối lạnh lẽo vào tay con gái. Amelia quỳ xuống bên giường cha, lẩm nhẩm cầu nguyện; ông lão vẫn nắm tay con cũng khe khẽ cầu kinh. Ông bạn ơi, ước gì khi nào đến lượt chúng ta, cũng có được một người con như vậy cùng cầu kinh, trước khi từ giã cõi đời nhỉ.

Có thể trong những giờ nằm thao thức trên giường bệnh ông lão đã thấy cả cuộc đời mình lại hiện ra trước mắt... những cuộc vật lộn đầy hy vọng hồi còn trẻ... cuộc sống sung túc phát đạt lúc đứng tuổi…sự thất bại khi về già và tình trạng tuyệt vọng hiện tại...bây giờ thôi còn mong gì chống lại số mệnh, ông đã hoàn toàn thất bại rồi... còn gì để lại cho con cái đâu, tiền nong chẳng có, tên tuổi cũng không; hết đời lại chỉ là một kẻ thất bại khốn cùng? Nhưng thưa bạn đọc, thử hỏi rằng chết trong cảnh phú quý tiếng tăm và chết trong cảnh bần cùng đau khổ, đằng nào sung sướng hơn? Kẻ được của rồi bắt buộc phải nhả ra là khổ hay người đã chơi trọn canh bạc thua cháy túi rồi lặng lẽ bước ra ngoài cuộc sống mới đáng thương?

Cứ kể cuộc đời đến một ngày kia, khi chúng ta phải nói rằng: “Mai đây thắng lợi hay thất bại đối với mình đều vô nghĩa; mặt trời cứ mọc, cái nhân loại vô vàn hỗn độn kia vẫn cứ làm việc hoặc giải trí như lệ thường, nhưng riêng mình sẽ bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn” thì âu cũng là một cảm giác kỳ lạ vậy. Thế rồi một buổi sớm kia, mặt trời vẫn mọc, và thiên hạ trở dậy, kẻ lo làm, người lo chơi như thường ngày, riêng ông lão John Sedley mãi mãi không còn phải vật lộn với số mệnh, không phải tính toán, và cũng không còn hy vọng gì được nữa. Ông lão chỉ phải làm công việc cuối cùng là đi về nghĩa trang Brompton kiếm lấy một chỗ ở lặng lẽ và không người biết đến bên cạnh bà vợ già.

Thiếu tá Dobbin, Joe và thằng Georgy theo sau chiếc linh xa phủ vải đen đưa thi hài ông già về nơi an nghỉ cuối cùng. Joe rời khách sạn “Ngôi sao và Huy chương” tại Richmond về nhà dự lễ mai táng; sau khi ông lão từ trần, anh ta dọn đến khách sạn, không muốn ở nhà vì lẽ...chắc các bạn đoán ra cũng hiểu, nhưng Emmy vẫn ở lại để làm nhiệm vụ của mình như mọi ngày. Cô không có vẻ bị quỵ hẳn trước một nỗi đau thương lớn lao; thái độ của cô hầu như trang trọng hơn là rầu rĩ. Amelia cầu trời sao cho mình cũng sẽ được từ giã cõi trần một cách êm ái, nhẹ nhàng như vậy; với một thái độ thành kính và tin tưởng, cô nhớ những lời nói đầy tín ngưỡng, biểu lộ một thái độ nhẫn nại và tin tưởng vào tương lai ở thế giới bên kia.

Quả thật, riêng tôi tin rằng được chết trong cảnh thanh bần mà lại hóa hay. Hãy giả thử rằng bạn giàu có nứt đố đổ vách, và trong cái ngày cuối cùng của đời mình, bạn đã nói thế này: “Tôi rất giàu, tôi cũng gọi được là có tiếng tăm đôi chút. Cả đời, tôi đã từng giao thiệp với giới thượng lưu trong xã hội, và cảm ơn trời đất, tôi cũng được sinh trưởng trong một gia đình nền nếp. Tôi đã phục vụ Đức vua và đất nước tôi một cách xứng đáng. Tôi cũng đã từng có chân trong quốc hội trong một thời gian khá lâu, và tại đây, có thể nói rằng thiên hạ rất ưa nghe tôi diễn thuyết, và tỏ ra cũng khá tán thưởng. Tôi không nợ ai xu nào; trái lại, tôi còn cho ông bạn già đồng môn của tôi là Jack Lazarus vay những năm mươi đồng; luật sư của tôi sẽ không cần giục ông ta về món nợ này. Tôi để lại cho các con gái tôi mỗi đứa một vạn đồng phần gia tài... cứ kể hồi môn của con gái như thế cũng đã tốt lắm. Ngoài món “niên kim chung thân”, tôi còn để lại cho bà vợ góa của tôi tất cả đồ đạc, bát đĩa trong nhà, thêm ngôi nhà ở phố Baker; con trai tôi thừa hưởng phần đất ruộng, số tiền còn lưu ký tại Ngân hàng quốc gia, và toàn bộ hầm rượu hảo hạng của tôi ở phố Baker nữa. Thằng hầu việc của tôi mỗi năm sẽ được chia hai mươi đồng bảng. Cuối cùng tôi thách bất cứ ai có thể tìm ra được tính tình tôi có điểm gì đáng trách”. Hoặc giả, ví thử ngược lại, bạn là một người quanh năm vắt mũi chẳng đủ đút miệng, lúc kề miệng lỗ, than thở thế này: “Thật suốt đời tôi chỉ là một thằng nghèo xác, hoàn toàn bị phá sản rồi. Trời sinh ra thằng tôi thông minh chẳng có mà may mắn cũng không. Tôi thú thực mình đã nhiều phen hành động rất hớ, rất vụng. Tôi cũng công nhận rằng nhiều lần có thiếu sót trong nhiệm vụ. Những ngày cuối cùng của đời tôi hoàn toàn trơ trọi, nhục nhã. Tôi cầu xin Bề trên tha thứ cho những sự yếu đuối đã qua, và xin phủ phục dưới chân Đấng tối linh rộng lượng, lòng đầy hối hận”.

Bạn thử nghĩ xem, câu nói nào thích hợp nhất đối với tang lễ của chính bạn nhỉ?

Ông già Sedley đã chọn câu nói sau. Thế là với những ý nghĩ tầm thường ấy trong đầu, ông già nắm chặt lấy bàn tay con gái và để cho cuộc sống với hết thảy những nỗi ưu tư cũng như những chuyện phù hoa trút theo hơi thở cuối cùng của mình.

Ông Osborne bảo thằng Georgy:

- Cháu xem, con người ta có tài mà chịu khó, lại khéo kinh doanh, được đền bù như thế nào. Cháu hãy nhìn ông đây, và xem ngân khoản tại nhà băng của ông có bao nhiêu. Lại coi ông ngoại cháu làm ăn thất bại ra sao thì biết. Thế mà cũng ngày này cách đây hai mươi năm, ông ngoại cháu khá hơn ông bây giờ nhiều...giàu hơn ông đến một vạn đồng.

Không kể hai ông cháu nhà này, chỉ có gia đình ông Clapp là còn nhớ đến ông già Sedley mà đến hỏi thăm chia buồn. Ngoài ra không một ma nào buồn để ý đến ông lão, cũng chẳng thèm nhớ rằng trong cuộc đời đã có mặt một con người như vậy nữa.

Một lần nghe thấy ông bạn đại tá Buckler nói chuyện rằng Dobbin trước kia là một sĩ quan rất có tài (như thằng Georgy đã có dịp cho ta biết), ông tỏ thái độ hết sức hoài nghi và khinh miệt; ông rất ngạc nhiên không sao tin được rằng ngữ ấy lại có thể thông minh và nổi tiếng. Nhưng rồi khá nhiều người khác quen biết ông cũng nhác đến tiếng tăm của viên thiếu tá. Tôn ông William Dobbin đối với con trai rất mực coi trọng; ông kể lại nhiều chuyện chứng tỏ con trai ông là người học rộng, biết nhiều, có tài năng, và được thiên hạ rất mến phục. Không những thế, tên Dobbin còn được ghi trên danh sách tân khách đến dự một hai buổi họp mặt quan trọng của giới quý tộc. Chuyện này đã tác động rất mạnh đến tâm trí ông già quý phái của chúng ta ở khu phố Russell. Với tư cách là người đỡ đầu của thằng Georgy, Dobbin không thể tránh khỏi những cuộc tiếp xúc với ông Osborne, vì bây giờ ông nội thằng bé đứng ra lãnh trách nhiệm này. Cũng trong một cuộc tiếp xúc ấy, nhân cùng viên thiếu tá xét lại việc thanh toán những khoản chi phí về thằng Georgy và mẹ nó trong thời gian qua, một mối ngờ khiến ông bàng hoàng, vì ông vốn là một thương gia có con mắt nhận xét rất sắc sảo. Mối ngờ ấy làm cho ông bực mình lắm, nhưng đồng thời cũng khiến ông rất vui vẻ; ông thấy trong số vốn chu cấp cho hai mẹ con người đàn bà góa, có một phần là tiền túi của chính Dobbin.

Ông buộc anh ta phải giải thích rõ về khoản này; vốn không quen nói dối, Dobbin đỏ mặt, lúng túng một hồi, cuối cùng đành thú nhận:

- Thưa cụ, việc anh chị ấy thành hôn với nhau (mặt ông già bỗng xám lại) phần lớn là do tôi thu xếp. Tôi nghĩ rằng bạn tôi đã đi quá xa, nếu từ hôn sợ mất danh dự, mà còn có thể gây ra cái chết của chị Osborne. Cho nên, khi chị ấy trơ trọi không nơi nương tựa, tôi thấy có nhiệm vụ phải dành dụm tiền nong giúp đỡ.

Ông Osborne nhìn trừng trừng vào mặt Dobbin; chính mặt ông cũng đỏ tía lên; ông nói:

- Thiếu tá Dobbin, ông đã gây ra cho tôi nhiều chuyện tai hại. Nhưng xin cho phép tôi được nói rằng ông là một người rất tốt. Chúng ta hãy bắt tay nhau; tôi thực không hề ngờ rằng cháu tôi đã phải nhờ tiền của của ông mới sống được đến bây giờ.

Hai người bắt tay nhau; Dobbin có vẻ sượng sùng vì thấy hành động giả dối tuy rất nhân đạo của mình bị khám phá. Anh ta cố tìm cách làm dịu bớt sự giận dữ của ông Osborne và khuyên ông lão hãy tha thứ cho người con trai đã chết.

Dobbin nói:

- Anh ấy thật là một người cao quý; chúng tôi ai cũng mến, sẵn sàng vì anh ấy làm bất cứ việc gì. Hồi ấy tôi còn thanh niên; được anh George coi là bạn thân, tôi cũng cảm thấy tự hào lắm. Được mọi người thấy mình cùng đi chơi với anh ấy, có lẽ tôi còn hãnh diện hơn được đi cùng ngài Tổng tư lệnh quân đội. Tôi chưa từng gặp một sĩ quan nào dũng cảm và có đầy đủ những đức tính thượng võ như anh George đấy.

Dobbin lại cố nhớ những chuyện về tài năng và sự can đảm của bạn đem ra kể cho ông lão nghe, rồi nói thêm:

- Má thằng cháu Georgy sao mà giống bố nó như đúc, cụ ạ.

Ông nội thằng bé đáp:

- Trông nó giống quá, nhiều khi tôi đến phát sợ.

Có một hai buổi tối Dobbin đến dùng bữa với ông Osborne (ấy là vào hồi ông Sedley đang ốm); ăn xong hai người ngồi nói chuyện với nhau; suốt buổi tối, câu chuyện xoay quanh kỷ niệm về người anh hùng đã chết. Vẫn do thói quen, ông bố huênh hoang kể lại những cái hay của con trai, lấy việc khoe những chiến công và lòng dũng cảm của con để đề cao chính mình. Từ xưa đến nay chưa bao giờ đối với người con trai bất hạnh đã chết, ông lão tỏ ra rộng lượng như vậy.

Anh chàng thiếu tá có tâm hồn cao quý kia cũng lấy làm hể hả vì thấy đó là triệu chứng báo hiệu ông già bát đầu nghĩ lại mà tha thứ cho con trai. Lần thứ hai đến chơi: Dobbin đã được ông Osborne gọi bằng tên tục là William, y như ông vẫn gọi anh ta hồi Dobbin và George cả hai còn là trẻ con. Anh chàng thấy ông lão đã nguôi giận, cũng lấy làm vui lắm.

Ngày hôm sau, nhân cùng ngồi ăn sáng với cha, cô Osborne đã táo bạo dám đưa ra vài nhận xét ngụ ý giễu cợt hình dáng và cử chỉ của Dobbin - cái thói soi mói của cô ta vốn do bản tính và do cảnh chồng con muộn mằn - lập tức cô bị ông bố chặn lời:

- Này cô Osborne, ví thử được anh ta hỏi làm vợ, cô cũng nên cảm ơn thượng đế. Nhưng chùm nho ấy xanh lắm, phải không con. Ha! ha! Thiếu tá Dobbin trông cũng đẹp trai đấy chứ.

Georgy tán thành ý kiến của ông nội, đáp:

- Đúng, ông ạ. Thiếu tá Dobbin tốt lắm.

Rồi nó đến cạnh ông già đưa hai bàn tay lên túm lấy bộ ria mép to tướng, nhìn vào tận mặt ông nội mà cười vui vẻ, rồi hôn một cái. Đêm hôm ấy nó kể chuyện lại cho mẹ nó nghe; Amelia hoàn toàn đồng ý với con trai. Cô nói:

- Đúng thế. Bác Dobbin tốt lắm. Ngày xưa cha con cũng vẫn bảo thế. Bác Dobbin là người tốt bụng và trung thực nhất trên đời này đấy, con ạ.

Ngẫu nhiên, hai mẹ con vừa nói chuyện với nhau thế được một lúc thì Dobbin rẽ vào chơi; hình như Dobbin đến đúng vào lúc này khiến cho Amelia hơi đỏ mặt thì phải; thằng bé tinh quái lại đem ngay câu chuyện lúc nãy ra kể lại, làm cho mẹ nó càng bối rối hơn. Nó nói:

- Bác Dob ạ, cháu biết có một cô đẹp tuyệt đang muốn lấy bác đấy. Cô ấy nhiều tiền lắm, cô ấy lại đeo cả một mớ tóc quăn giả trên trán. Cô ấy mắng chửi bọn đày tớ suốt từ sáng sớm tới tối mịt.

Dobbin hỏi:

- Ai thế cháu?

Thằng bé đáp:

- Cô Osborne nhà cháu ấy mà. Ông nội cháu bảo thế. Bác Dob ạ, cháu mà được gọi bác bằng “bác” thì cháu thích ghê cơ.

Vừa lúc ấy ông già Sedley nằm trong phòng bên cất tiếng run rẩy gọi Amelia, mọi người mới ngớt cười.

Bây giờ ai cũng thấy rõ ông già Osborne đã đổi tâm tính.

Thỉnh thoảng ông ta cũng có hỏi thăm thằng Georgy về bác nó; nghe thằng cháu nội bắt chước Joe ề à nói: “Cầu Chúa ban phúc cho tôi” và húp món xúp soàn soạt, ông Osborne phì cười; nhưng rồi ông bảo cháu:

- Này cháu, trẻ con dám làm điệu bộ bắt chước các bậc cha chú trong nhà như vậy là hỗn. Cô Osborne, hôm nay cô đánh xe ngựa đi chơi đâu, nhớ rẽ vào nhà ông Sedley gửi lại danh thiếp cho ba, nghe không? Dẫu sao đi nữa thì giữa ba và ông ta cũng không có chuyện gì.

Joe cũng gửi danh tiếp đáp lại, ông Osborne mời viên thiếu tá và Joe đến nhà ăn tiệc... một bữa tiệc sang trọng nhất và cũng vớ vẩn nhất, kể từ khi ông Osborne mở tiệc thết khách đến nay. Trong nhà có bao nhiêu bát đĩa quý giá ông sai mang ra bày kỳ hết, khách khứa được mời toàn những người sang trọng. Joe Sedley khoác tay cô Osborne xuống cầu thang vào phòng ăn, cô thiếu nữ tỏ ra rất lịch sự đối với anh ta; trong khi ấy hầu như cô không nói một lời nào với anh chàng thiếu tá; Dobbin ngồi cách xa cô thiếu nữ, chọn một chỗ ngay cạnh ông Osborne, anh ta có vẻ nhút nhát. Joe tuyên bố rất trịnh trọng rằng hôm nay đã được ăn món xúp rùa ngon nhất đời mình; anh ta lại hỏi ông Osborne mua được rượu madera ở đâu mà ngon thế?

Bác quản lý thì thầm vào tai ông chủ:

- Bẩm cụ, chỗ rượu mua đấu giá của nhà cụ Sedley còn lại đấy ạ.

Ông Osborne bèn quay ra trả lời khách:

- Rượu này tôi mua đã lâu lắm, mà cũng phải trả khá đắt cơ đấy.

Rồi ông quay sang thì thầm với ông khách ngồi bên tay phải về việc mình đã mua rượu trong vụ phát mại tài sản của “lão già” như thế nào.

Cũng đã có một vài lần ông Osborne hỏi thăm Dobbin về...về “bà George Osborne”; dĩ nhiên, đụng đến vấn đề này, anh chàng tỏ ra hết sức hoạt bát. Anh ta kể lại bao nỗi khổ cực Amelia đã phải chịu... anh ta kể lại mối tình nồng thắm chung thủy của Amelia đối với chồng, người chồng đến nay cô vẫn tôn thờ trong tâm tưởng...

Dobbin kể lại việc Amelia đã phụng dưỡng cha mẹ và gây dựng cho con trai thật chu đáo vì coi đó là nhiệm vụ của mình. Anh chàng thực thà giọng hơi run run vì xúc động nói:

- Thưa cụ, cụ không thể hiểu thấu chị ấy đã phải chịu đựng đến thế nào. Tôi hy vọng, tôi tin tưởng rằng rồi đây cụ sẽ vui lòng tha thứ cho chị ấy. Nếu trước kia cụ đã bị chị ấy cướp mất con trai, thì nay chị ấy thay thằng con trai của mình cho cụ. Và xin cụ cứ tin rằng cụ yêu quý anh George một phần, thì chị ấy còn yêu quý thằng Georgy mười phần nữa cơ.

Ông Osborne chỉ biết trả lời:

- Lạy Chúa, ông thật là người rất tốt.

Từ trước, ông chưa hề bao giờ nghĩ rằng người đàn bà góa kia lại cảm thấy đau khổ vì phải xa con; ông cũng không tin rằng Amelia thấy con trai được thừa hưởng một gia tài lớn, lại có thể lấy việc ấy làm đau lòng. Thế là việc ông bố chồng tha thứ cho con dâu coi như chắc chắn sẽ thực hiện trong một ngày rất gần đây. Nhưng mới nghĩ tới cuộc gặp gỡ đáng sợ với ông thân sinh ra George mà trống ngực Amelia đã dồn dập vì lo lắng.

Tuy thế nhưng cuộc hội kiến ấy cũng không bao giờ có. Sau đó, xảy ra việc ông Sedley bị ốm, rồi chết; thành ra trong một thời gian coi như không thể nào tổ chức một cuộc gặp gỡ được. Sự kiện tai hại ấy cùng nhiều việc khác nữa hình như tác động mạnh đến tinh thần ông Osborne. Gần đây, sức khỏe ông sa sút rất nhanh vì tuổi đã cao, lại thêm nỗi âm thầm lo nghĩ. Ông đã cho đi mời mấy viên luật sư riêng lại bàn việc. Có lẽ ông muốn thay đổi một vài điều khoản nào đó trong tờ di chúc thì phải. Viên thầy thuốc được mời đến thăm sức khỏe cho ông tuyên bố rằng ông yếu lắm, tâm thần bất định. Ông ta bảo cần trích huyết và mang bệnh nhân đi an dưỡng tại bờ biển ít lâu; nhưng ông Osborne không chịu trích huyết, cũng chẳng đi an dưỡng.

Một hôm, đến giờ lẽ ra ông Osborne phải xuống nhà dùng bữa sáng, người hầu không thấy ông chủ đâu bèn vào trong phòng rửa mặt của ông để tìm; anh ta thấy ông chủ bị cơn bệnh vật và đang nằm sóng sượt ngay dưới chân bàn, vội báo tin ngay cho cô Osborne; người nhà lập tức đi mời thầy thuốc. Thằng Georgy được phép nghỉ học ở nhà; lần này đành phải triệu đến những thầy lang chuyên giác huyết. Nhưng ông Osborne chỉ gọi là hơi tỉnh lại; có hai lần ông cố gắng một cách thê thảm, hình như muốn trối trăng lại điều gì, nhưng không sao nói ra tiếng được nữa. Bốn hôm sau, ông tắt thở.

Mấy ông thầy thuốc xuống thang gác ra về, đến lượt các ông chủ đòn đám ma leo thang gác lên làm nhiệm. vụ. Tất cả cửa sổ mặt chính tòa nhà trông ra công viên Russell đóng kín mít. Từ khu City, Bullock hối hả chạy xổ đến. “Ông cụ để lại cho thằng nhóc bao nhiêu tiền đấy hả?... Nhất định không phải là một nửa gia tài chứ? Phải chia làm ba phần đều nhau, dứt khoát thế”. Việc cửa việc nhà lúc ấy thật rối như bòng bong.

Chẳng rõ lúc hấp hối ông già đáng thương kia có định cố gắng trối trăng lại điều gì cho con cháu không? Tôi hy vọng rằng ông tỏ ý muốn gặp mặt Amelia và trước khi từ giã cõi đời muốn tha thứ cho người vợ thân yêu và trung thành của đứa con đã khuất.

Nhất định là như thế, vì xem nội dung chúc thư, ta thấy rằng ông già đã gột sạch được mối căm thù từ lâu vẫn ủ ấp trong thâm tâm.

Người nhà lục trong túi áo ngủ của ông thấy một lá thư có đóng con dấu lớn màu đỏ, tức là lá thư George gửi từ Waterloo về cho ông. Ông cũng đã đọc lại nhiều giấy má khác có liên quan đến con trai, vì trong túi áo của ông người ta thấy cả chìa khóa chiếc hộp ông vẫn dùng để cất những giấy tờ ấy; trong hộp, phong bì đều để ngỏ, dấu xi gắn đã bị bóc.. việc này có lẽ đã xảy ra ngay buổi tối trước hôm ông bị lên cơn bệnh bất thình lình; lúc ấy bác quản lý mang nước trà vào trong phòng làm việc cho chủ, thấy ông đang ngồi đọc cuốn thánh kinh đồ sộ của gia đình, bìa bọc da màu đỏ.

Xem đến tờ di chúc, thì ra ông để lại cho Georgy một nửa gia tài phần còn lại chia cho hai cô con gái. Chúc thư còn ghi rõ rằng ông Bullock có thể hoặc tiếp tục hùn vốn trong công ty của ông Osborne để chia lợi nhuận như cũ, hoặc rút vốn ra, tùy ý. Hàng năm sẽ trích một số tiền là năm trăm đồng bảng, tính vào phần tài sản của Georgy được hưởng, để trợ cấp cho Amelia “người vợ góa của George Osborne, con trai yêu dấu của tôi”, quyền đỡ đầu đứa cháu nội cũng trao lại cho mẹ nó. Người thực hiện chúc thư là phiếu tá William Dobbin, bạn của con trai tôi”.

Tờ di chúc viết tiếp: “Để tỏ lòng biết ơn thiếu tá đã có lòng hào hiệp và rộng lượng, bỏ tiền riêng ra trợ cấp cho cháu nội tôi và người vợ góa của con trai tôi, trong thời gian hai mẹ con lâm vào hoàn cảnh quẫn bách không người giúp đỡ, tôi muốn ông ta nhận ở đây những lời cảm tạ chân thành về sự quan tâm ấy; tôi lại khẩn cầu ông ta nhận cho một món tiền đủ để lo được thăng lên cấp bậc trung tá, hoặc để dùng vào bất cứ việc nào khác tùy sở thích”.

Nghe tin bố chồng đã tha thứ cho mình, Amelia lòng tràn ngập niềm vui; cô cũng cảm tạ lòng tốt của ông bố chồng quá cố đã để lại số tiền trợ cấp cho mình. Nhưng khi cô hay tin Georgy sắp được trở về với mình, nhất là được biết chính Dobbin đã can thiệp để đi đến kết quả này, chính Dobbin đã trợ cấp cho mình trong cơn hoạn nạn, chính Dobbin đã mang đến cho mình cả chồng, cả con...thì cô đã quỳ ngay xuống để cầu Chúa ban phúc lành cho con người quý hoá và chung thủy; có thể nói cô muốn tự hạ mình, gục xuống mà hôn bàn chân của một tấm lòng rộng lượng và cao đẹp tuyệt vời như vậy.

Song Amelia cũng chỉ có thể lấy sự biết ơn để đáp lại tấm tình chung thủy và cao quí kia... chỉ có sự biết ơn mà thôi? Vì mỗi khi cô nghĩ tới một sự đền đáp nào khác, lập tức cô thấy hình ảnh George từ dưới mộ đứng dậy bước ra, lên tiếng: “Em thuộc về anh; em chỉ là của anh mà thôi, bây giờ và vĩnh viễn sau này nữa”.

Wiham rất hiểu tâm tư của Amelia, anh ta chẳng đã sống suốt đời để đón ý người mình yêu đấy sao?

Khi nội dung tờ di chúc của ông Osborne được tuyên bố cho mọi người rõ, tự nhiên Amelia được những người quen biết săn đón trọng vọng khác thường; âu cũng là một việc đáng suy nghĩ. Mọi lần, bọn gia nhân phục dịch trong tòa nhà Joe mới tậu vẫn quen cãi lại Amelia, mặc dầu cô chỉ dám dùng những lời lẽ thật nhã nhặn mỗi khi sai bảo; chúng nói bướng rằng để sẽ đi “hỏi lại ông chủ” xem có nên vâng lời hay không đã; bây giờ tất cả một mực gọi dạ bảo vâng răm rắp. Chị đầu bếp không còn dám cười cợt chế giễu Amelia vì cô bận những bộ áo cũ kỹ tồi tàn (vì, dĩ nhiên, những buổi tối chủ nhật đi lễ nhà thờ, đầu bếp, gia nhân ăn bận thật lịch sự át hẳn bà chủ); những đứa đầy tớ khác cũng không còn càu nhàu mỗi khi nghe tiếng chuông Amelia gọi, và khi nghe rõ vội thưa ngay. Anh xà ích trước kia vẫn cấm cẳn phàn nàn tỏ ý không muốn cặp ngựa của mình phí sức, không muốn xe ngựa của chủ biến thành một cái nhà thương vì phải giong xe cho “lão già” và bà Osborne đi chơi; bây giờ chính y lại xun xoe chỉ mong được đánh xe hầu, vì y đang thấp thỏm sợ bác xà ích nhà ông Osborne hất cẳng vào chiếm chỗ làm của mình. Gặp ai anh ta cũng rêu rao: “Cái bọn xà ích ở khu phố Russell chúng nó có biết phố xá trong tỉnh mô tê đâu vào đâu! Mặt chúng nó mà xứng đáng ngồi giong cương xe ngựa cho một bậc mệnh phụ à?” Bỗng nhiên đám bè bạn của cô cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng săn đón hỏi thăm Emmy; trên mặt bàn trong phòng khách thư từ mọi chỗ quen thuộc gửi đến chia buồn chất thành đống. Chính Joe xưa nay cũng vẫn quen coi em gái chỉ là một người đàn bà nghèo túng tốt bụng và vô hại, mình có nhiệm vụ phải chu cấp nơi ăn chốn ở; bây giờ đối với hai mẹ con thằng cháu trai triệu phú, anh ta cũng đâm ra hết sức kính nể... Joe sốt sắng khuyên em gái thay đổi cách sinh hoạt, nên tìm cách giải trí đôi chút để khuây khỏa nỗi sầu muộn sau bao cơn thử thách... “Con bé đáng thương quá”... Anh ta lại bắt đầu xuống cùng dự bữa sáng với gia đình, và đặc biệt lại hỏi ý em gái xem nên sử dụng ngày hôm ấy như thế nào.

Với tư cách là người đỡ đầu của Georgy, và được sự đồng ý của thiếu tá Dobbin tức là người được ủy nhiệm thực hiện di chúc, Amelia ngỏ ý muốn lưu cô Osborne ở lại khu phố Russell; cô muốn ở đến bao giờ cũng được, nhưng cô Osborne cảm ơn, đáp rằng mình không sao chịu đựng nổi cuộc sống trơ trọi giữa tòa nhà đầy những kỷ niệm đau buồn này; cô buồn bã bỏ về Cheltenham cùng hai người đầy tớ già. Amelia trả tiền công hậu hĩnh cho tất cả bọn gia nhân còn lại, rồi cho họ thôi việc. Riêng bác quản lý có tuổi và trung thành được Amelia giữ lại tiếp tục giúp việc, nhưng bác từ chối; bác muốn đem số vốn liếng đã gom góp được ra mở một quán rượu; chúng ta hy vọng rằng việc làm ăn của bác cũng không đến nỗi đáng phàn nàn. Cô Osborne không muốn ở lại khu phố Russell; sau khi đã suy đi tính lại kỹ càng, Amelia cũng tỏ ý không muốn sống trong tòa nhà cổ kính âm thầm này làm gì. Vì vậy, người ta dẹp hết cả đồ đạc đi; những bộ bàn ghế quý giá, những cây đèn cổ kính trang nghiêm, những tấm gương nước thủy mờ mờ rầu rĩ, tất cả đều được bọc lại cẩn thận mang cất đi; gian phòng khách lộng lẫy bằng gỗ hồng cũng được che cẩn thận dưới một lượt rơm phủ kín; người ta cuộn tất cả những tấm thảm và bó lại, những tác phẩm chọn lọc đóng bìa rất đẹp vẫn bày trong chiếc tủ sách nhỏ, nay đem chất đống vào trong hai cái tủ rượu. Cuối cùng tất cả mọi thứ đồ đạc vặt vãnh cũng được mang chất vào trong mấy chiếc xe chở đồ, chờ khi nào Georgy đến tuổi thành niên. Riêng về khoản bộ bát đĩa cổ bằng bạc thì mang đến gửi tại nhà ngân hàng Stumpy và Rowdy; nó sẽ nằm yên trong nhà kho của mấy vị này và cũng chờ đến ngày đó.

Một hôm Amelia giắt tay Georgy, hai mẹ con cùng bận đồ tang, đến thăm tòa nhà trống trải, nơi từ hồi còn con gái đến giờ cô mới đặt chân đến là lần đầu. Ngoài sân còn bừa bãi những rơm rác, đấy là chỗ người nhà đã chất đồ đạc lên xe mang đi. Hai mẹ con bước vào những căn phòng cô quạnh mênh mông, trên mặt tường còn để lại vết những bức tranh và những tấm gương soi đã gỡ mang đi. Hai mẹ con lại theo chiếc cầu thang lớn bằng đá dẫn lên tầng trên; bước vào một gian phòng, Georgy thì thầm bảo mẹ rằng “ông nội chết ở đây”, rồi dắt mẹ lên tầng gác thứ ba, vào trong gian phòng riêng của mình. Đứa con trai vẫn đứng bên, tay níu chặt áo mẹ, nhưng lúc này Amelia đang nghĩ đến cha nó... Cũng như nó, xưa kia George đã từng sống trong căn phòng này đây. Cô bước lại bên một khung cửa sổ vẫn để ngỏ (hồi trước, khi đứa con trai của cô bị bắt mang đi, đã bao lần cô đứng dưới đường đăm đăm nhìn lên những khung cửa sổ phòng này. Từ trong phòng trông ra, Amelia có thể nhìn qua ngọn những hàng cây trồng trong khu phố Russell thấy ngôi nhà cổ kính, nơi chính cô đã lọt lòng mẹ ra chào đời, nơi cô đã được sống bao ngày tháng của tuổi hoa niên đẹp đẽ thiêng liêng. Bao kỷ niệm xa xưa dồn dập trở lại trong ký ức. Những tháng nghỉ hè đầy hạnh phúc, những bộ mặt thân thuộc dịu dàng, những trò giải trí thoải mái hồn nhiên, và cả những cuộc thử thách, những nỗi sầu muộn đã sớm ùa đến mà dìm cô xuống trong sự đau khổ. Cô nhớ lại tất cả những chuyện ấy, nhớ lại cả con người chung thủy vẫn đùm bọc che chở cho mình, vị thần hộ mệnh, người bạn trìu mến và rộng lượng của mình.

Georgy bỗng nói:

- Nhìn kìa, má. Có hai chữ G.O. vạch bằng kim cương lên mặt ô kính cửa sổ; trước kia con chưa trông thấy bao giờ; con cũng không vạch hai chữ ấy.

Amelia trả lời con:

- Georgy, đây là phòng riêng cha con vẫn dùng ngày xưa... đã lâu lắm, lâu lắm rồi, trước khi con ra đời, con ạ.

Rồi cô cúi xuống hôn con, mặt đỏ lên.

Lúc hai mẹ con ngồi xe ngựa trở về Richmond, Amelia lặng thinh có ý đăm chiêu; cô thuê tạm một ngôi nhà ở đây. Người ta thấy mấy ông thầy kiện mặt mũi hể hả vẫn ra vào ngôi nhà này, coi bộ bận rộn lắm (ta có thể yên trí rằng họ tính cẩn thận từng buổi đến thăm trong bản thanh toán tiền công với thân chủ); và dĩ nhiên trong nhà cũng có một gian phòng dành riêng cho thiếu tá Dobbin; anh ta cưỡi ngựa đến chơi luôn; Dobbin cũng đang bận túi bụi lên vì phải lo thu xếp công việc cho đứa trẻ vị thành niên được mình đỡ đầu.

Hồi này Georgy được phép từ giã ông Veal; nó được nghỉ học trong một thời gian không hạn định; đồng thời nhà học giả cũng được thuê tiền để sáng tác nội dung một tấm bia tạc bằng đá cẩm thạch quý sẽ dựng trong nhà thờ cô nhi viện, mé dưới bức tượng kỷ niệm đại úy George Osborne.

Vợ Bullock, tức là cô thằng Georgy, cũng đối xử thân mật với hai mẹ con người đàn bà góa; mụ tỏ ra vẫn có tấm lòng bao dung mặc dầu đã bị cái thằng oắt con quỷ quái cướp mất nửa số tiền lẽ ra mình được hưởng trong phần gia tài của cha để lại.

Roehampton cũng không cách xa Richmond là bao cho nên một buổi kia, người ta thấy một chiếc xe ngựa có treo huy hiệu mạ vàng của gia đình Bullock chạy thẳng đến cửa nhà Amelia ở Richmond thì đỗ lại. Lũ con nhà Bullock ngồi trong xe, mặt mũi xanh xao. Mấy mẹ con kéo nhau ùa vào trong vườn, thấy Amelia đang ngồi đọc sách, và Joe thì đang ngồi dưới một vòm cây uốn, ung dung thả những quả dâu tươi vào rượu vang; lại thấy cả thiếu tá Dobbin bận bộ áo nhà binh Ấn Độ đang cúi khom khom lưng để cho thằng Georgy chơi trò nhảy ngựa.

Nó nhảy qua đầu Dobbin rơi xuống ngay trước mặt đám trẻ nhà Bullock; mấy đứa này bận áo tang đen, đội mũ có đính những túp lông màu đen to tướng, líu ríu theo sau ba mẹ cũng bận áo đại tang.

Trông thấy thằng Georgy, bà mẹ quý hóa nghĩ thầm ngay:

- Thằng bé vừa xuýt xoát tuổi con Rosa nhà mình đây! Và liếc nhìn sang cô con gái quý báu, một cô tiểu thư ốm o mới lên bảy tuổi. Bà Frederick bảo con gái:

- Rosa, lại hôn anh đi, con. Georgy, cháu có biết cô là ai không nào? Cô là cô ruột cháu đây mà.

Georgy đáp:

- Cháu biết thừa đi rồi. Nhưng mà xin lỗi, cháu không thích hôn đâu.

Con Rosa ngoan ngoãn vâng lời mẹ chạy đến hôn thằng anh con nhà bác; nhưng thằng Georgy không chịu, lảng ra.

Bà Frederick lại bảo:

- Con nhà đến hay. Thế đưa cô đến gặp má cháu vậy.

Lần đầu tiên hai người đàn bà gặp lại mặt nhau, sau hơn mười lăm năm trời xa cách. Suốt thời gian Emmy lâm vào cảnh nghèo túng khổ cực cô em chồng chưa hề bao giờ nghĩ đến chuyện lại thăm chị dâu; nhưng bây giờ Amelia đã tạm gọi là mở mặt ra với thiên hạ thì cô em chồng lại mò đến hỏi han là chuyện tất nhiên. Vô khối người khác cũng thế. Một hôm, cô bạn cũ của chúng ta là cô Swartz cùng chồng từ Hampton “tiền hô hậu ủng” đến Richmond chơi, mang theo cả một bầy gia nhân bận chế phục rực rỡ màu vàng; cô vẫn tỏ ra nồng nàn đối với bạn như trước. Cô Swartz thề rằng mình vẫn yêu quý bạn như xưa, hiềm nỗi không có điều kiện đi lại thăm bạn luôn được. Ta cũng đành tin như vậy. Vì biết làm sao được?(<94>) trong cái kinh thành mênh mông này ai là người có đủ thì giờ đi tìm lại đám bạn cũ mà thăm hỏi cho xuể. Nếu họ trót rời khỏi hàng ngũ thì xin họ cứ việc tự do biến mất, chúng ta tiếp tục tiến lên không cần đến họ nữa. Trong Hội chợ phù hoa này, có ai là người được kẻ khác thương nhớ bao giờ đâu.

Vậy thì tóm lại, trước khi hết tang ông Osborne, Emmy đã thấy mình sống giữa một xã hội thượng lưu nho nhỏ. Đám người này không bao giờ tưởng tượng được rằng trong giới mình lại có thể có kẻ gặp chuyện không may trong đời. Ít có bà nào không có họ hàng với một nhà quí tộc, mặc dầu chồng các bà chỉ là một bác lái buôn quèn ở khu City. Cũng được vài bà có học vấn, có kiến thức; họ đọc sách của Somerville, và có đến Hàn lâm viện của Hoàng gia luôn; nhiều bà khác tính tình khắc khổ, không bỏ sót buổi họp mặt nào ở Exeter Hall không đến. Phải thú thực rằng sống giữa đám các bà các cô tai to mặt lớn này, Emmy thấy lúng túng khó cư xử quá.

Hai lần cô bắt buộc phải nhận lời mời của vợ Frederick Bullock đến dự tiệc thì hai lần cô cảm thấy vô cùng khổ sở. Cái cô em chồng mệnh phụ này cứ nhất định lên mặt bề trên với Amelia, và cương quyết một cách vô cùng lịch sự đòi dạy cô bằng được những kiểu cách của xã hội thượng lưu. Mụ dắt đến cho Amelia lũ thợ trang sức của mụ; mụ còn đòi điều khiển cả việc gia đình hộ Amelia, cũng như muốn uốn nắn cả từ lời ăn tiếng nói cho chị dâu. Mụ đánh xe ngựa từ Roehampton đến chơi luôn, kể lể con cà con kê toàn những chuyện nhạt phèo trong giới thượng lưu và trong triều đình. Joe nghe chuyện khoái tai lắm, còn anh chàng thiếu tá hễ thấy mụ đàn bà lò dò đến với cái món quý phái rẻ tiền của mụ là lẩm bẩm bực mình bỏ đi nơi khác.

Một buổi tối, sau bữa tiệc thịnh soạn do Frederick Bullock thết, Dobbin lim dim ngủ (Bullock vẫn đang xoay đủ cách để chuyển số vốn của ông Osborne gửi tại nhà ngân hàng Stumpy and Rowdy về ngân hàng của mình), trong khi ấy Amelia ngồi giữa đám khách khứa phụ nữ sang trọng trong gian phòng khách rộng bát ngát, yên lặng nhìn ra ngoài vườn ngắm những thảm cỏ mịn như nhung, những lối đi sạch sẽ trải đá cuội và những ngôi nhà kính trồng hoa sáng lấp lánh; bởi vì cô không hiểu tiếng La-tinh, không biết cả tên tác giả vừa viết một bài xã luận nổi tiếng trong tờ “Tuần báo Edinburgh”, cũng như không buồn chú ý đến những lời kêu ca phàn nàn của ông Peel về vấn đề trưng cầu ý kiến giải phóng tôn giáo rất sôi nổi vừa qua. Thấy thế, bà Rowdy bảo:

- Bà ta nom cũng hiền lành, nhưng phải cái vô vị quá. Thế mà coi bộ ông thiếu tá say sưa (<95>) đáo để..

Bà Hollyock thêm:

- Xem ra thiếu kiểu cách (<96>) lắm, không thương được. Bà bạn của tôi ơi, đố bà làm sao uốn nắn nổi đấy.

Bà Glowry thì buồn bã lắc đầu cái đầu quấn khăn, giọng nói như vang từ đáy mồ:

- Bà ta dốt nát một cách kinh khủng, nếu không thì cũng là quá sức lơ đãng. Tôi hỏi bà ta Đức giáo hoàng tạ thế năm nào; năm 1836, theo ông Jowls, hay là năm 1839 theo ông Wapshot, bà ta đáp: “Tôi không rõ;đáng thương thay cho đức Giáo hoàng... ông ấy làm gì nhỉ?”.

Bà Frederick Bullock đáp:

- Các bà bạn ơi, vợ góa của ông anh ruột tôi đấy. Bởi thế tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiệm vụ hết sức chú ý săn sóc và dạy dỗ chị ấy để đưa vào xã hội thượng lưu. Xin các bà đừng hiểu lầm rằng vì tôi hám lợi, các bà còn lạ gì chuyện thất vọng của tôi vừa qua.

Lúc ra về, Rowdy và Hollyock cùng đi, họ bàn tán với nhau:

- Cái mụ Bullock quý hóa đáng thương kia lúc nào cũng thấy tính toán mưu mẹo. Mụ đang tìm cách chuyển số tiền lão Osborne gửi chúng mình về ngân hàng của chồng mụ đấy...Nom cách mụ mơn trớn thằng bé, và cố ghép nó ngồi sát cạnh con Rosa mắt chó giấy mới tức cười làm sao.

Lão kia đáp:

- Mong rằng Glowry xưa đã chết quách cùng với kẻ phản chúa và trận Armageddon của mụ (<97>).

Xe chuyển bánh chạy về phía Putney Bridge.

Nhưng cái xã hội thượng lưu này đã lịch sự một cách quá tàn nhẫn đối với Emmy, khi có ý kiến bàn nên đi du lịch nước ngoài, tất cả mọi người nhảy cỡn lên vì sung sướng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.