Con Đẹt năm nay mới mười hai tuổi, là đứa theo hầu mợ ba. Mà nói đúng hơn là nó mới đến hầu mợ ba từ lúc mợ còn mê mang trên giường bệnh, còn đứa theo hầu mợ ba trước đó đã bị ông đánh gậy rồi đuổi đi vì cái tội không chăm sóc tốt mợ ba, mợ ba ở dưới nước lâu như thế mà không hay không biết.
Nó cũng không phải thật lòng thật dạ đến hầu mợ ba đâu, trong nhà này mợ ba hung dữ nhất, khó hầu hạ nhất, cũng hay la mắng đánh phạt người ăn kẻ ở nhất... chỉ tại nó là đứa nhỏ nhất trong đám tôi tớ, bọn họ không ai muốn theo hầu mợ ba liền đẩy nó đi. Nó đành cam chịu số phận mà thôi.1
Nhưng từ khi tỉnh lại, mợ ba lạ lắm. Không có mắng cũng không có la lối om sòm như trước, mợ ba cứ nằm đó nhìn nóc phòng, thiệt là khó hiểu.1
Nó còn đang ngẩn ngơ suy nghĩ, một giọng nói trong trẻo cất lên: “Đẹt!”
“Dạ, có Đẹt!” Đột nhiên mợ ba kêu lớn tên nó làm nó hết hồn hết vía.
Trúc nhìn cô nhóc khúm núm không dám đứng thẳng người, cố gắng nói bằng giọng dịu dàng nhất: “Mọi người khi nào thì về?”
Nó vội đáp: “Thưa mợ, ông và cậu ba đi thăm ruộng chiều tối mới về, bà thì lên chùa thắp hương cầu bình an cho mợ tới ngày mai mới về, cô hai đang bận rộn sổ sách ngoài cửa hàng, có lẽ sẽ về chung với ông và cậu ba ạ.”
Đúng là mọi người trong nhà ai cũng bận rộn, má chồng còn tự mình lên chùa cầu bình an cho đứa con dâu ngỗ nghịch, nhìn chung gia đình nhà chồng của “cô” cũng tốt lắm: “Thế trong nhà giờ này không còn ai khác à?”
Con Đẹt gãi đầu, cô cũng không giục nó. Nó suy nghĩ một lúc lâu, mới đáp: “Thưa mợ, trong nhà còn cô Liễu đó ạ. Hôm nay cô Liễu không có ra ngoài, đang ngồi hóng mát ở trong sân.”
Nhà phú ông rộng lớn lắm, mảnh sân giống như một khu vườn nhỏ, có một ao sen nhỏ nuôi cá, gần đó che một mái hiên, kê thêm bàn ghế để người trong nhà rảnh rỗi ra uống trà hóng mát.
Trúc nghe vậy thì cười, đây mà là dáng vẻ của kẻ đang ăn nhờ ở đậu hay sao? Rõ ràng đã tự coi mình là chủ của cái nhà này.
Thật ra trong lòng cô cũng có chút hoài nghi việc mợ ba Trúc té ao có liên quan đến cô Liễu này.
Dù chỉ là một vài hình ảnh vụn vặt lướt qua rất nhanh trong đầu, cô cũng không muốn bỏ qua chút manh mối nào.1
Mợ ba Trúc đã không còn, nhưng cô vẫn phải sống tiếp trong thân phận của cô ta, cuộc sống sau này thuộc về của riêng một mình cô, cho nên cô có quyền quyết định mọi thứ, miễn sao có lợi đối với mình.1
Nếu đã quyết định gắn bó lâu dài với gia đình chồng này, cô cần phải giải quyết ổn thoả những vấn đề có khả năng gây hại đến mình.
Ví dụ như cô Liễu đây.
Giữ lại một người mơ tưởng chồng mình, ôm ấp suy nghĩ chiếm đoạt vị trí mợ ba trong cái nhà này thì chẳng khác nào như ôm một quả bom nổ chậm.
Đúng thời điểm là nổ “bùm” banh xác.
Cô rất trân trọng cơ hội được sống lại lần này, cho nên ai muốn tổn hại đến chất lượng cuộc sống của cô, cô sẽ không ngần ngại mà dẹp bỏ mối nguy cơ này.
Dù sao danh tiếng mợ ba Trúc từ trước tới nay đều không tốt, chỉ cần không giết người, trộm cắp, lăng nhăng... hẳn là sẽ không tạo ra được sóng to gió lớn gì.
Đây cũng coi như là một lợi thế của việc danh tiếng xấu... nhỉ?1
Sau khi hạ quyết tâm phải tận hưởng cuộc sống sau này một cách vui vẻ nhất, Trúc liền bật người ngồi dậy, con Đẹt giật mình muốn chạy tới đỡ, cô bèn xua tay với nó, nói: “Em đi lấy quần áo mới đi, chị... mợ muốn đi tắm.”
Xém tí nữa đã nói hớ rồi. Phiền ghê!
Con Đẹt vâng dạ rồi chạy đi chuẩn bị quần áo cho mợ. Nó cảm thấy mợ ba hình như hơi khác... trông mợ ba hiền hơn trước kia thì phải.
Mợ ba Trúc trước kia chuộng những kiểu váy liền dài qua đầu gối, nhưng qua mấy ngày tìm hiểu, Trúc biết được hầu hết phụ nữ đã có chồng thường hay mặc áo bà ba, không phải dạng áo bà ba màu nâu đậm đi làm ruộng, mà giống như kiểu áo bà ba cách tân ở thế giới của cô, vừa sang trọng lại đoan trang.
Sau khi về làm dâu, má chồng cũng có tặng mợ ba Trúc không ít quần áo, đa số đều là những mẫu áo bà ba và áo dài thịnh hành nhất được đặc may riêng hẳn hoi, tiếc là cô con dâu này quá khó bảo, nhận chứ chưa bao giờ mặc, về sau bà cũng không nhắc tới nữa, cũng không có ý định bồi dưỡng tình cảm mẹ chồng nàng dâu.
Trúc chọn một bộ bà ba màu hồng nhạt, tóc búi đơn giản, cổ đeo vòng ngọc trai trắng, tai mang khuyên ngọc xanh, cầm quạt tròn đủng đỉnh rời khỏi phòng.
Con Đẹt lủi thủi theo sau, lâu lâu lại lén ngước nhìn mợ ba, thầm nghĩ mợ ba như vầy thật đẹp, đẹp nhất trong những người mà nó từng gặp qua.
Trúc thong thả đi quanh một vòng, đám tôi tớ vừa thấy mợ liền hối hả cúi người thưa hỏi, dáng vẻ run sợ không dám thở mạnh một hơi.
Thỉnh thoảng lại có người quỳ lạy khúm núm dưới chân mình, Trúc vẫn có chút không quen. Nhưng nhập gia tuỳ tục, chế độ thời này đã thế thì cô chỉ có thể từ từ thích ứng với nó mà thôi.
May mắn thay là cô không cần phải cúi đầu quỳ dưới chân người khác.
Lần nữa chân thành biết ơn ông trời, cũng đội ơn thân phận cao quý của mợ ba Trúc trước kia.
Sắm vai mợ ba cao quý mang trên người danh tiếng chẳng mấy tốt đẹp, Trúc hờ hững cất bước lướt qua đám tôi tớ, đi thẳng vào sân.
Con Đẹt đi sau nên hưởng sái uy nghiêm của mợ, nó nhìn đám người ăn kẻ ở đang quỳ đó không dám nhúc nhích mà hả lòng hả dạ ghê luôn, lần đầu tiên nó có suy nghĩ đi theo hầu mợ ba cũng oách lắm chứ!1
Nhìn cô nhóc cười trộm sau lưng mình, dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ mười một mười hai tuổi, nghĩ gì đều hiện rõ hết lên mặt. Nghĩ tới kiếp trước dù cô là trẻ mồ côi nhưng cũng may mắn hơn nó nhiều lắm, ít nhất mười một mười hai tuổi vẫn được cắp sách đến trường, vẫn được nô đùa, cái tuổi không cần bán mình làm người ở cho người ta...
Trúc thở dài, hỏi nó: “Cười cái chi đó Đẹt?”
Nó không ngờ mợ ba bỗng dưng dừng lại không đi nữa, hoảng hồn rồi lại mếu: “Dạ mợ, con... con... không có cười mợ ạ.”
Người gì mà nhát gan dữ vậy không biết. Hôm nay cô nhất định phải làm việc tư tưởng với con bé này, muốn nó trung thành với mình, làm được việc cho mình thì phải xoá bỏ nỗi sợ hãi của nó đối với mình.
Trúc cười, bắt đầu kế hoạch dụ dỗ trẻ nhỏ: “Em đang nghĩ gì, nói cho mợ nghe nào.”
Mợ ba cười lên thật đẹp, giọng nói cũng thật dịu dàng, nhưng mà không hiểu sao nó sợ mợ quá đa. Vì thế nó càng mếu máo: “Mợ ơi, mợ tha con. Con không dám cười trộm sau lưng mợ nữa ạ.”
Trúc khó hiểu chớp mắt, rõ ràng cô muốn dụ dỗ nó, tại sao cứ như đang hù doạ nó vậy?
Cô cảm thấy không phải mị lực của mình có vấn đề, mà là do danh tiếng mợ ba Trúc trước đó quá xấu, cho nên chỉ cười một cái đã doạ người ta phát khóc.
Nó khóc thì cứ khóc, hôm nay cô quyết phải dạy dỗ nó thành người của mình.
Cô cười cười, nhướng mày nhìn con nhóc đã ứa nước mắt: “Ồ, thì ra Đẹt cười mợ à. Trông mợ buồn cười lắm ư?”
“Không có mợ ơi, không phải vậy đâu mợ...” Con Đẹt khóc thật, nó quýnh quáng quỳ xuống đất, không ngừng chắp tay van lạy.
Dù sao trong nhà cũng chẳng còn ai, Trúc hơi kéo ống quần rộng ngồi xổm xuống trước mặt nó, cầm quạt gõ nhẹ lên đầu nó, nói: “Mợ hỏi cái gì, thì phải đáp thật cái đó, nghe chưa?”
“Dạ mợ, con nghe.”
Trúc vừa lòng gật đầu, nói tiếp: “Nín ngay cho mợ. Nói cho mợ nghe, vừa nãy sao lại cười?”
Đang khóc tự nhiên bắt người ta nín, con Đẹt hức hức một lúc mới lên tiếng trả lời: “Con thấy mấy anh chị tôi tớ khác sợ hãi quỳ lạy mợ, con vui...”
Trúc chớp mắt, gõ quạt ra hiệu nó nói tiếp.
“Bọn họ ỷ mình lớn, thấy con nhỏ tuổi không có chỗ dựa ức hiếp con... không ai muốn theo hầu mợ liền đẩy con đi...”
“Con theo mợ, thấy bọn họ quỳ mợ còn con thì được phép đi sau mợ... con thấy mợ oách lắm... con... con...”
Ui chao, đúng là con nít, hơn thua nhau mấy chuyện vặt vảnh bé xíu.
Cô bảo nó mau lau nước mắt, lại nói: “Từ rày về sau, Đẹt theo hầu mợ thì không cần sợ đứa tôi tớ nào trong nhà nữa.”
Nó lại nấc lên mấy tiếng, tròn mắt nhìn mợ.
“Mợ bảo làm gì, thì làm cái đó. Không được cãi mợ, hiểu chưa?”
Nó ngơ ngác gật đầu.
“Ai ăn hiếp em, em nói mợ, mợ ra mặt cho em.”
Nó rưng rưng, cảm động sắp khóc. Lần đầu tiên có người nói muốn ra mặt cho nó.
“Nhưng em phải biết nghe lời. Nếu em dám giúp người khác hãm hại mợ, mợ sẽ...”
Con Đẹt rùng mình, liên tục nói không dám.
Trúc dùng quạt nâng cằm nó, dịu dàng nói: “Em biết tính mợ rồi đó. Đồ của mợ, mợ trân trọng. Dám đối nghịch với mợ... cậu ba mà mợ còn dám chọi bể đầu, em ngẫm xem kết cục của mình sẽ ra sao?”
Đúng vậy, chuyện mợ ba đánh bể đầu cậu ba đã truyền khắp làng rồi, mấy đứa con nít còn tranh nhau học hỏi, đùa nhau tí là thốt lên “tao chọi bể đầu mày bây giờ!“.
Quả là tiếng xấu đồn xa.1
Dụ dỗ rồi, cũng đe doạ rồi, cô không nhiều lời thêm nữa. Trúc đứng dậy, nhìn cô nhóc vẫn còn thút thít quỳ đó, nói: “Đứng dậy mau, dẫn mợ đi gặp cô Liễu. Nào có chuyện bỏ khách bơ vơ trong nhà không ai tiếp đón được chứ!”